Bàn Có Năm Chỗ Ngồi
Tác Giả: Nguyễn Nhật Ánh
Năm nay tôi lên lớp tám. Như vậy là tôi sắp sửa trở thành người lớn rồi. Oai thiệt là oai!
Tôi không nói dóc đâu. Chính thầy Dân, giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi nói như thế.
Năm ngoái chúng tôi không học thầy Dân. Các anh chị lớp trên người thì bảo thầy Dân khó, kẻ thì nói thầy Dân dễ, không biết đường nào mà tin. Nhưng hôm khai trường, ngay lần gặp đầu tiên, tôi thấy thầy không có vẻ gì là "hắc" cả. Thầy nói chuyện với lớp tôi bằng một giọng đầm ấm, thân mật:
- Như các em đã biết, năm nay thầy làm chủ nhiệm kiêm phụ trách chi đội lớp các em. Từ từ rồi thầy trò mình sẽ làm quen với nhau. Thầy tin rằng các em sẽ tự giác học tập tốt, trau giồi đạo đức, rèn luyện thân thể và chấp hành đúng nội quy của trường ta. Bởi vì năm nay các em không còn bé bỏng gì nữa, đã chuẩn bị trở thành người lớn rồi, toán các em sẽ làm quen với quỹ tích, văn các em sẽ bắt đầu học nghị luận. Những điều đó hoàn toàn khác xa với chương trình lớp bảy...
Thầy nói chưa hết mà cả lớp đã vỗ tay rần rần. Nghe nói mình sắp sữa trở thành người lớn, đứa nào cũng khoái. Tôi cũng vậy. Thầy còn nói nhiều nhưng tôi chẳng nhớ gì ngoài khoản "người lớn" đó.
Về nhà, tôi khoe ngay với thằng Tin, em tôi. Tôi vỗ vai nó, lên giọng:
- Tao năm nay là người lớn rồi đó nghe mày!
Thầy Dân nói là chúng tôi chuẩn bị làm người lớn thôi nhưng tôi cứ muốn làm người lớn ngay cho oai.
Thằng Tin là chúa hay cãi. Không bao giờ nói đồng ý với tôi một điều gì. Lần này cũng vậy, nó nheo mắt:
- Anh mà là người lớn?
- Chớ gì nữa!
- Người lớn sao không có râu?
- Tao cần quái gì râu!
Thằng Tin cười hì hì:
- Vậy thì anh cũng vẫn còn là trẻ con giống như em thôi.
Tôi "xì" một tiếng:
- Mày làm sao giống tao được, đừng có dóc! Chính thầy Dân nói tụi tao là người lớn nè! Bởi vì chương trình lớp tám cái gì cũng khó hết, học hết cơm hết gạo chưa chắc đã hiểu.
Thằng Tin nhìn tôi với vẻ nghi ngờ:
- Khó dữ vậy hả?
Tôi nghiêm mặt:
- Bộ tao nói chơi với mày sao! Người ta soạn cho người lớn học mà lại.
Thằng Tin ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
- Như vậy, sang năm em cũng là người lớn, em học lớp tám.
Tôi rụt vai:
- Mày không bao giờ trở thành người lớn được đâu. Người lớn không ai mang tên Tin cả, chỉ có trẻ con mới đặt tên Tin thôi.
Số là khi má tôi sinh thằng Tin, ba tôi đi công tác xa nên nhờ chú Thảo cạnh nhà làm khai sinh dùm. Giấy chứng sinh của bệnh viện ghi đúng là Phan Thanh Tân nhưng không hiểu sao giấy khai sinh của phòng hộ tịch do chú Thảo đem về lại biến thành Phan Thanh Tin. Từ đó, mọi người gọi em tôi là thằng cu Tin. Còn đám bạn cùng xóm thường bắt chước tiếng còi xe "tin, tin" để chọc nó. Thằng Tin ức cái tên mình lắm. Nghe tôi chê, nó phồng má:
- Lớn lên em sẽ đổi tên lại chớ lo gì.
- Thì khi nào mày đổi được tên rồi hẵn tính.
Nói xong, tôi quay đi. Còn thằng Tin thì hét tướng lên:
- Anh là người lớn thì nhớ đừng có giành ăn với em nữa nghe không?
Tôi không thèm trả lời nó, bỏ đi một mạch.
- o O o -
Trở thành người lớn chưa hẳn là điều hay. Sáng nay, tôi bỗng nhận ra điều đó.
Thường theo thói quen, vào đầu năm học mới, chúng tôi ai nấy đều ngồi đúng vào vị trí của mình năm ngoái. Hôm khai trường, ngay sau khi bốn tiếng trống báo hiệu kết thúc buổi lễ ở sân cờ, chúng tôi ba chân bốn cẳng chạy uà về lớp, chen nhau vào cửa, la hét chí chóe. Những đứa chuyên nghịch phá như thằng Tú, thằng Thành thì nhảy phóc ngay qua cửa sổ, đi trên bàn rầm rầm chớ không thèm chen nhau như bọn tôi.
Cuối cùng rồi ai cũng về chổ nấy. Tôi ngồi ở bàn đầu ngay cạnh thằng Bảy, kế bên là nhỏ Phương, nhỏ Vân rồi thằng Minh, y như năm ngoái.
Sau khi ổn định chổ ngồi, tôi quay đầu hẳn ra sau, quan sát. Lớp tôi không đông đủ như năm ngoái. Một số đứa ở lại lớp Bảy. Một số đứa chuyển sang trường khác. Bù vào đó là những gương mặt mới. Có ít nhất là mười học sinh lớp tám năm ngoái lưu ban. Ngoài ra còn có các học sinh ở các lớp 7A1, 7A3 lên, không hiểu sao lại lọt vào lớp chúng tôi. Tuy nhiên hầu hết vẫn là học sinh lớp 7A2, tức là lớp chúng tôi cũ.
Không khí đầu năm học thật là vui nhộn. Tụi bạn thi nhau kể về những chuyến đi xa, những trò hấp dẫn trong ba tháng hè. Lớp học cứ huyên náo cả lên.
Tôi hỏi thằng Bảy:
- Hè vừa rồi mày có đi chơi đâu không?
Mặt nó buồn xo:
- Chân cẳng tao vầy mà đi đâu! Tao chỉ ở nhà trông em thôi.
Nghe nó nói vậy, tôi không hỏi nữa, sợ nó thêm rầu.
Số là chân phải của Bảy bị tật từ nhỏ, cái chân cong vòng ra đằng sau một cách bất thường. Khi đi lại, nó phải dùng hai cây gỗ làm gậy chống. Bảy tính hiền nhưng thỉnh thoảng cũng nổi cộc. Năm lớp sáu, thằng Thành chọc nó bị nó phang một gậy thiếu điều té ngửa.
Nhà Bảy ở gần nhà tôi. Nó có hai đứa em là thằng Hường và nhỏ Loan. Ba nó đạp xe ba gác còn má nó bán bánh kẹo ngay trước nhà. Một cái kệ gỗ nhỏ trên bày dăm ba lọ bánh kẹo xanh đỏ kèm với mớ đồ chơi bằng nhựa, đó là cả gian hàng của má nó. Bảy đi học buổi sáng, còn buổi chiều phải vừa ngồi bán kẹo vừa trông hai đứa em cho má nó nấu nướng, giặt giũ nên nó rất bận. Khi rảnh nó thường chạy qua nhà tôi mượn sách. Nó đọc toàn là sách tình báo với sách vụ án. Nó rất mê những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, hồi hộp. Nhờ vậy mà nó nổi tiếng trong toàn trường. Số là năm ngoái, khi học loại văn tường thuật, cô Thanh ra đề "Em hãy tường thuật buổi lễ khai trường mà em đã tham dự". Bài tập làm văn của Bảy nhập đề như sau: "Vào một buổi sáng tinh mơ, đường phố tĩnh mịch, không có một tiếng động. Bỗng từ góc phố thấp thoáng một bóng đen khả nghi. Bóng người đó im lặng rảo bước trên vỉa hè, tiến về phía cổng trường. Té ra đó là bác chủ tịch hội cha mẹ học sinh. Bác đến trường để dự lễ khai giảng năm học...".
Khi cô Thanh đọc bài của nó lên, cả lớp ôm bụng cười bò. Qua hôm sau là cả trường đều biết. Từ đó tụi bạn thường gọi nó là Bảy-điệp-viên. Vậy mà Bảy vẫn chưa chừa hẳn cái tật đó. Bài văn nào của nó cũng "thình lình", "đột ngột" hoặc "thoáng một cái", "chớp một cái", nghe bắt đứng tim. Văn nó buồn cười vậy mà toán thì hết sẩy. Không biết nó học hành cách sao mà bài tập toán của nó hết 9 lại đến 10, không bao giờ bị điểm 8. Tôi vốn dốt toán nhưng nhờ từ năm lớp sáu đến giờ luôn luôn ngồi cạnh Bảy nên cũng không bị xếp loại yếu. Ai chớ thằng Bảy thì nó cho tôi cóp-pi thả dàn.
Cũng vì vậy mà tôi không thèm học toán nên đã kém lại càng kém. Tôi cứ đinh ninh là tôi và thằng Bảy sẽ "ăn đời ở kiếp" với nhau, hai đứa sẽ ngồi cạnh nhau hết lớp này đến lớp khác, cho đến khi lên đại học và trở thành bác sĩ, kỹ sư mới thôi.
Ai dè sáng nay, thầy Dân kêu cả lớp sắp xếp lại chổ ngồi. Thầy bảo ngồi như hiện nay là lộn xộn, không hợp lý, em thấp ngồi sau, em cao ngồi trước, rồi có bàn toàn là con gái, không có một mống "nam nhi" nào.
Nghe nói đổi chỗ, cả lớp nhao nhao như một cái chợ. Thầy Dân phải gõ tay lên bảng mấy lần, chúng nó mới chịu im. Nhưng chỉ có đám con gái mới yên lặng thực sự, tụi nó mà đã chơi với nhau thì cứ dính như keo, chẳng đứa nào chịu rời đứa bên cạnh cả. Còn đám con trai bàn dưới thì rục rà rục rịch, cứ muốn đổi lên bàn trên. Trừ thằng Thành và thằng Tú là hai chúa nghịch ra, còn thì đứa nào cũng muốn ngồi gần cửa ra vào cho sáng, nhìn bảng cho rõ và nghe thầy cô giảng bài cho "thủng".
Té ra lớp tôi hết phân nửa bị cận thị. Đứa nào cũng giơ tay:
- Thưa thầy, mắt em bị kém ạ. Em ngồi bàn dưới nhìn không rõ.
Lý do này có vẻ xác đáng. Nhưng thầy Dân không bị lừa. Thầy chỉ xếp những đứa nhỏ con lên bàn trên thôi. Còn những đứa khác, thầy bảo phải có giấy chứng nhận của bác sĩ. Thế là những tay cận thị giả vờ lập tức ỉu xìu.
Hễ có đứa dời lên bàn trên thì tất phải có đứa đổi xuống bàn dưới. Ác thay một trong những đứa được cả lớp nhất trí đề nghị "rời chổ" lại là tôi. Đứa to mồm nhất là thằng Chí ngồi ngay sau lưng tôi. Miệng nó ông ổng như thùng thiếc bể:
- Thưa thầy, cho trò Huy ra bàn sau ngồi đi ạ!
Tôi quay lại, trừng mắt:
- Có mày ra bàn sau thì có! Đồ con rệp!
Khi nổi khùng, tôi thường gọi thằng Chí là đồ con rận, con rệp. Bởi vì chí với rận, rệp thì cũng một loài như nhau cả thôi.
Nhưng thằng Chí không giận, nó nhe răng cười:
- Để coi đứa nào ra sau cho biết!
Thấy nó ăn nói có vẻ tự tin đồng thời thấy đám bạn ngồi phía dưới cứ nhao nhao phản đối tôi, tôi đâm chột dạ liền quay phắt lên trên, hai tay ôm cứng góc bàn, làm như đã ôm như vậy thì đừng hòng có ai gỡ tôi ra khỏi chỗ được.
Thầy Dân lại gần tôi:
- Các bạn đề nghị như vậy, em nghĩ sao?
Tim tôi tự dưng thót lại. Thầy hỏi tôi nghĩ sao, nhưng tôi biết đã đến nước này thì chẳng có nghĩ ngợi gì được. Số phận tôi coi như đã được định đoạt. Tuy nhiên tôi vẫn cố cứu vãn tình thế:
- Thưa thầy, em ngồi đây đâu có sao đâu ạ?
- Các bạn bảo là em ngồi che khuất bảng, các bạn không nhìn thấy.
- Các bạn ấy xạo đó ạ! Năm ngoái em cũng ngồi y chỗ này mà có bạn nào than phiền gì đâu!
Thằng Chí lại vọt miệng:
- Thưa thầy, năm ngoái bạn ấy còn nhỏ, năm nay bạn ấy lớn rồi ạ. Bạn ấy lớn nhất lớp mà ngồi bàn đầu, tụi em ở phía sau không nhìn thấy gì hết.
Lại cái thằng con rệp! Sao mà nó nhiều chuyện y như bọn con gái vậy không biết! Tôi giận tím mặt nhưng có thầy đứng đó nên chẳng dám trả đũa. Thằng Lâm còn hùa theo:
- Thưa thầy, bạn Chí nói đúng đấy ạ.
Thằng Lâm này thật vô duyên. Ai mà chẳng biết Chí nói đúng. Ngay cả tôi còn ngạc nhiên về sự phát triển nhảy vọt của tôi nữa kia mà. Năm ngoái tôi chỉ đứng cao ngang vai của ba tôi, không hiểu sao trong ba tháng hè vừa qua tôi bỗng lớn vọt hẳn lên và bây giờ thì tôi đã cao ngang mét tai của ba tôi rồi. Má tôi nói là tôi "nhổ giò". Còn bạn bè của ba tôi, ai đến nhà chơi cũng trầm trồ:
- Chà, chú gà con bắt đầu trổ mã rồi!
Nghe mọi người khen tôi mau lớn, tôi khoái chí tử. Nhưng hôm nay cái khoảng "người lớn" đó đã làm hại tôi. Biết thân biết phận, tôi không dám cãi chầy cãi cối nữa mà lẳng lặng thu dọn tập vở, bước ra khỏi chổ ngồi.
Thầy Dân chỉ xuống bàn chót:
- Em ngồi kế chỗ em Quang kìa.
Quang là học sinh lớp 8A2 năm ngoái bị lưu ban. Nghe nói ngồi kế nó, tôi ngán ngẩm trong bụng.
Thầy Dân thấy bộ mặt rầu rĩ của tôi, phát tội nghiệp bèn động viên:
- Miễn là chú ý nghe giảng bài thì ngồi đâu cũng có thể học giỏi, có gì đâu mà em lo!
Thực ra ngồi bàn chót cũng có phần thuận lợi đối với những đứa hay nói chuyện riêng và ưa "quay" bài như tôi. Nhưng kẹt một nỗi là tôi phải chia tay với thằng Bảy. Tôi mà rời khỏi nó cũng như cá rời khỏi nước, biết sống làm sao với môn toán bây giờ. Tôi lo là lo như vậy.
- o O o -
Tiếng trống tan học vừa vang lên, tôi đã vọt thẳng ra cửa đợi thằng Chí. Tôi định tâm sẽ nện cho nó một trận về cái tật bép xép. Năm ngoái đọ sức nhau, tôi với nó còn bất phân thắng bại chớ năm nay thì nó chết với tôi. Bây giờ tôi cao hơn nó gần một cái đầu.
Chí vừa lò dò ra khỏi cửa lớp, tôi đã chạy lại liền. Thoạt đầu nó cười với tôi nhưng rồi thấy bộ dạng hùng hổ của tôi, nó hiểu ra ngay ý định của đối phương liền co giò chạy. Tôi rượt theo. Hai đứa đuổi nhau quanh mấy gốc phượng và bã đậu trong sân, xô cả vào học sinh các lớp khác. Tôi giẫm phải chân một đứa con gái bên lớp 8A1 khiến nó la oai oái. Đến khi rượt bén gót Chí, sắp nắm được vạt áo nó thì nó không chạy quanh mấy gốc cây nữa mà vù thẳng ra cổng. Tôi bặm môi tính đuổi theo thì thằng Cang, lớp trưởng lớp tôi, kêu om sòm:
- Huy ơi, Chí ơi! Lại đây xếp hàng chớ chạy đi đâu đó! Bạn nào ra về không xếp hàng ngày mai tôi báo với thầy Dân cho coi!
Nghe vậy, tôi liền đứng lại, không đuổi theo đối thủ nữa. Còn thằng Chí thì phớt lờ, dông luôn. Nó ớn tôi.
Nhỏ Kim Hà, lớp phó trật tự, đứng trong hàng, liếc tôi:
- Bạn Huy đánh lộn trong sân trường nghen! Tôi trừ điểm thi đua à!
Tôi cãi:
- Tôi rượt chơi chớ đánh lộn hồi nào?
- Nếu rượt kịp thì bạn đã đánh nhau rồi.
Tôi trề môi:
- Khi nào đánh nhau hẵng hay. Hừ, nói vậy mà cũng nói!
Con gái gì mà như bà chằn, cái mặt nghinh nghinh ngó dễ ghét! Không hiểu sao hôm trước tôi lại bầu nó làm lớp phó trật tự! Tôi vừa bước vô hàng vừa rủa thầm trong bụng.
Tôi không đứng theo tổ 5 của tôi mà lại đứng vào tổ 1, ngay sau lưng thằng Bảy. Tôi khều nó:
- Nè, lát về tao nói mày nghe cái này hay lắm!
- Lại kể chuyện ba tháng hè ở chơi nhà ông chú trên Đà Lạt nữa chớ gì?
Tôi khịt mũi:
- Mày đóan trật lất. Chuyện này khác.
Trên đường về, khi những đứa bạn đã rẽ sang đường khác, chỉ còn mình Bảy với tôi, tôi liền bảo nó:
- Mày xuống bàn dưới ngồi chung với tao đi.
- Chi vậy?
Thằng Bảy hỏi cù lần thiệt! Nhưng tôi không dám nói thiệt lý do với nó. Tôi chép miệng:
- Thì ngồi chung cho có bạn chớ chi! Tao ngồi gần mày quen rồi, nay ngồi với mấy đứa lạ tao thấy nó sao sao ấy!
Bảy đắn đo:
- Nhưng ngồi bàn chót mỗi lần thầy kêu lên bảng, tao đi lại khó khăn lắm!
- Thì tao nhường mày ngồi đầu bàn, tao ngồi trong! Dễ ợt!
Thấy vẻ mặt nó hơi ngần ngừ, tôi bồi luôn đòn quyết định:
- Mày xuống ngồi với tao, tao cho mày mượn mấy cuốn sách hay lắm! Anh tao mới mua.
Mắt Bảy sáng trưng như đèn pha:
- Sách hả? Sách gì vậy mày?
Tôi rao hàng:
- Toàn sách tình báo. "Hột xoàn trong mả" nè, "Vòi bạch tuột và những đồng tiền vàng" nè, "Phát súng trong đêm" nè, còn mấy cuốn nữa mà tao không nhớ tên.
"Phát súng trong đêm" đã bắn gục Bảy, nó quỵ liền:
- Được rồi, tao sẽ xuống bàn mày. Nhưng rủi thầy Dân không chịu thì sao?
Tôi nhúng vai:
- Xin lên bàn trên mới khó chớ xin xuống thì dễ ợt. Thiếu gì cách nói. Mày bảo là tao với mày về nhà thường học chung nên ở lớp ngồi gần cho tiện.
Bảy phân vân:
- Như vậy là nói dối.
Tôi tặc lưỡi:
- Thì mình chỉ nói dối lần này thôi. Với lại có phải mình nói dối để làm hại ai đâu! Ê, cuốn "Hột xoàn trong mả" hay lắm nghen mày! Tao mới đọc hồi hôm. Trong đó có nhiều "bóng đen khả nghi" lắm!
Thấy tôi nhắc chuyện cũ chọc nó, thằng Bảy giơ gậy lên nhưng tôi đã kịp chạy xuống lòng đường, cười hích hích.
Trước khi về nhà, tôi còn nhắc nó lần nữa:
- Nhớ nghen mày! Ngày mai đổi xuống đi!
Bookmarks