Thằng Bù Nhìn, Thằng Phỗng
Tác giả: Nguyễn Dư
Tiếp theo "thằng Cuội,thằng Bờm và thằng Mõ" (Chim Việt Cành Nam số 1)
Tôi đã có dịp nói chuyện phiếm với các bạn về "thằng Cuội,thằng Bờm và thằng Mõ".Lần này xin nói tiếp đến hai nhân vật "dở ông dở thằng" là thằng bù nhìn ( hay bồ nhìn, bù dìn ) và thằng phỗng.
Sở dĩ dám gọi đùa là "dở ông dở thằng" là bởi vì không phải lúc nào và ở đâu người ta cũng gọi bù nhìn và phỗng là thằng. Thỉnh thoảng hai "thằng" này cũng được gọi thân mật, kính trọng là bác là ông.
Thằng Bù Nhìn
Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ
Vốn lòng vì nước há vì dưa
Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc
Vùng vẫy trên tay một lá cờ
Dẹp giống chim muông xa phải lánh
Dể quân cày cuốc gọi không thưa
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa
Bài thơ này được đặt tên là Thằng bù nhìn, không rõ tác giả là ai. Người thì cho là của vua Lê Thánh Tông, người khác lại cho là của Hồ Xuân Hương, người khác nữa lại kết luận rằng bài thơ này là của người đời sau làm (Hoàng Xuân Hãn, tập 3, Giáo Dục, 1998).
Còn một thằng bù nhìn khác, gốc gác tương đối chắc chắn hơn, nằm trong Hồng Đức quốc âm thi tập ( Văn Học, 1982 ). Bài thơ mang tên Cảo nhân, nội dung gần giống bài thơ chép bên trên.
Chỉ có thằng bù nhìn thứ ba mới đích danh là thằng bù nhìn, được chính Tản Đà ( 1889-1939 ) đặt tên:
Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ
Trần ai tri kỷ đã ai chưa?
Ba thu mưa gió người trơ mộc
Bốn mặt giang sơn áo phất cờ
Được việc thế thôi, cày chẳng biết
Khinh đời ra dáng, gọi không thưa
Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư ?
( Thăm thằng bù nhìn )
Cả ba bài thơ đều tả thằng bù nhìn đứng ngoài cánh đồng, đuổi chim.
Xem vậy thì nhân vật bù nhìn đã có mặt tại nước ta ít ra cũng hơn năm thế kỉ rồi. Chúng ta lại được biết thêm rằng người xưa, đời Hồng Đức ( 1470-1497 ) , gọi thằng bù nhìn là Cảo nhân ( nghĩa là người làm bằng cành cây khô, hay bằng rơm rạ ).
Ngày nay dường như chẳng còn ai nhắc đến tên Cảo nhân nữa. Mọi người, từ thành thị đến thôn quê, chỉ biết có thằng bù nhìn thôi. Biết mặt nhưng chưa chắc đã biết tên. Đúng hơn là không biết cái tên bù nhìn kia từ đâu đến nhập cư thôn quê Việt Nam ?
Mời các bạn cùng chúng tôi thử đi tìm quê quán của thằng bù nhìn.
Trong bộ sưu tập tranh dân gian của Oger có tấm Dũng hình , được Nguyễn Mạnh Hùng ( Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trẻ, TP Hồ Chí Minh,1990 ) dịch là Bù nhìn. Tưởng là nắm được lí lịch của đương sự, nhưng xét kĩ thì thấy có điều đáng ngờ.
Trước hết là ý nghĩa của tên tranh. Chữ dũng ( hoặc dõng ) được Thiều Chửu ( 1942 ) và Đào Duy Anh ( 1932 ) dịch là:
- tượng gỗ
- cái tượng gỗ,tục xưa dùng để chôn theo người chết
Ngoài chữ dũng, tiếng Hán còn có từ quỷ lỗi ( cũng đọc là ổi lỗi hoặc khổi lỗi ) được hai học giả dịch là:
- tượng gỗ ( Thiều Chửu ).
- người bằng gỗ. Bu bê ( poupée ) ( Đào Duy Anh ).
Như vậy thì, theo Thiều Chửu và Đào Duy Anh, Dũng hình nghĩa là cái tượng gỗ.
Tượng gỗ muốn giới thiệu ai ?
Tấm tranh vẽ một cô gái tươi cười, đầu đội nón ba tầm, khoác tấm áo tơi bằng lá gồi còn lành lặn. Cô gái thật là xa lạ đối với thằng bù nhìn đầu đội nón mê, áo quần tả tơi, đứng giữa trời phất cờ đuổi chim của nông dân. Cô không thể là một "chị bù nhìn" như Nguyễn Mạnh Hùng đã ngộ nhận!
Tượng gỗ cũng không phải là hình nhân ( con nộm ) của tín ngưỡng dân gian, bởi vì hình nhân không được làm bằng gỗ. Hình nhân luôn luôn được đan bằng tre, phất giấy, để khi đốt dễ cháy hết thành tro. Vả lại, người ta không chôn chân hình nhân xuống đất, hoặc dầm dưới nước, như trong tranh vẽ.
Tôi cho rằng tượng gỗ này là một con rối của sân khấu múa rối nước, thủ vai một chị chăn vịt, được nghệ nhân trang điểm đẹp đẽ, điều khiển di động trên mặt nước.
Bây giờ xin bàn đến nguồn gốc hai chữ bù nhìn.
Thằng bù nhìn bắt đầu có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ lúc nào?
Khó trả lời chính xác.
Một điều chắc chắn là hai tiếng bù nhìn đã có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam trễ nhất cũng là từ năm 1926, năm bài thơ Thằng bù nhìn được đăng trong sách Văn Đàn Bảo Giám ( Mặc Lâm, Saigon, 1968 ) của Trần Trung Viên. Cũng vào thời kì này, năm 1928, Nguyễn Văn Ngọc soạn sách Tục ngữ Phong dao ( Sống Mới, Hoa Kỳ, 1978 ) , đã sưu tầm được thành ngữ bù nhìn giữ dưa. Thành ngữ này nằm chung với nhiều câu tục ngữ phong dao cổ xưa của Việt Nam, khiến nhiều người nghĩ rằng bù nhìn cũng đã có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ lâu rồi ?
Rất có thể là như vậy.
Nhưng bên cạnh những câu tục ngữ phong dao cổ, Nguyễn Văn Ngọc còn sưu tầm cả những thành ngữ mới có của thời đó như thày cung thày cò. Từ cò của miền Nam và từ cẩm của miền Bắc đã đến từ chữ commissaire của tiếng Pháp.
Trong mục câu đố, Nguyễn Văn Ngọc đưa ra câu:
Để im thì nằm thin thít
Hễ động liếm đít, là chạy tứ tung
và giải là cái tem dán thư ( timbre ). Rõ ràng là Nguyễn Văn Ngọc đã sưu tầm cả những câu mới có từ khi người Pháp đến cai trị nước ta, trong đó biết đâu lại chả có câu bù nhìn giữ dưa ?
Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của ( 1895 ) cũng đã chép rải rác một vài tiếng mới đến từ tiếng Pháp như :
- cúp ( tóc ) : hớt tóc, cắt tóc.
- cái cúp: cái chén có cán.
Chúng ta có thể nói rằng ngay từ cuối thế kỷ 19, một số tiếng Pháp đã được Việt hóa và đã đi vào ngôn ngữ Việt Nam.
Tuy nhiên, Huỳnh Tịnh Của vẫn chưa biết đến thằng bù nhìn.
Do đó, dựa vào mốc thời gian của hai bộ sách tôi đoán rằng hai tiếng bù nhìn có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam vào khoảng giữa năm 1895 và năm 1926.
Tự điển Việt-Hoa-Pháp của Gustave Hue ( Trung Hòa,1937 ) có từ bù nhìn và được dịch sang tiếng Pháp là mannequin pour effrayer les animaux ( hình nộm dùng để dọa súc vật ).Định nghĩa này gần giống định nghĩa của từ épouvantail trong từ điển Larousse : mannequin mis dans les champs, les jardins, pour effrayer les oiseaux ( hình nộm đặt ngoài cánh đồng, ngoài vườn, để dọa chim ). Sự trùng hợp của hai định nghĩa khiến tôi nghĩ rằng tên bù nhìn của ta đã được đến từ chữ épouvantail của Pháp. Chữ bù là âm Việt của pou ( cũng như poupée được Đào Duy Anh ghi là bu bê ). Chữ nhìn có thể được hiểu là động tác nhìn, canh giữ của thằng bù nhìn, nhưng cũng có thể chỉ là biến âm của chữ nhân nghĩa là người.
Gần đây, Hoàng Văn Hành ( Từ láy trong tiếng Việt, KHXH, 1985 ) đã thử xếp hai chữ bù nhìn vào loại từ kép, từ láy của tiếng Việt. Nhưng khi đi tìm hiểu ý nghĩa của từ, tác giả phải thừa nhận rằng "các từ, kiểu như bâng quơ, bù nhìn là những từ mà người bản ngữ hoàn toàn không còn có thể nhận hiểu được nghĩa của từng yếu tố tạo thành. Hơn thế nữa, người ta cũng không thể căn cứ được vào bất kỳ đặc điểm nào về hình thái hay về ngữ âm để giải thích nghĩa của từ cả. Quan hệ âm-nghĩa ở các từ này rõ ràng là quan hệ võ đoán, quan hệ không có lý do.".
Phải chăng chỉ vì thằng bù nhìn của ta vừa lai Pháp, vừa có họ hàng bên Tàu, nên quê quán của nó mới mù mờ, tên của nó mới khó hiểu,vô lí như vậy ?
Ngày nay, bù nhìn và con rối thường được dùng với nghĩa bóng để chỉ một loại nhân vật chính trị. Người Trung quốc và Đại Hàn gọi thằng bù nhìn đuổi chim của họ là đạo thảo nhân ( người làm bằng rơm rạ ) , nghĩa cũng giống như cảo nhân.
Thằng phỗng, ông phỗng
Có lẽ Nguyễn Khuyến ( 1835-1910 ) là người để ý đến nhân vật phỗng nhiều nhất. Ông là tác giả của hai bài thơ được nhiều người biết :
Ông đứng làm chi đấy hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày coi sóc cho ai đó
Non nước vơi đầy có biết không?
( Ông phỗng đá )
Người đâu tên họ là gì
Khéo thay trích trích tri tri nực cười
Dan tay ngửa mặt lên trời
Hay còn lo tính sự đời chi đây
Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi
Cớ làm sao len lỏi đến chi đây
...
Nên chăng đá cũng gật đầu.
( Hỏi ông phỗng đá )
Phỗng được định nghĩa là tượng người bằng đất, đá, đặt ở đền chùa, miếu mạo, được coi là người đứng hầu nơi thờ tự. Phỗng còn là tượng dân gian bằng đất, bằng sành hay bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình.
Tuỳ theo tượng nặn một người lớn hay một trẻ con và tuỳ theo tượng được đặt ở nơi thờ tự hay làm đồ chơi mà dân gian gọi là ông phỗng hay thằng phỗng.
Tên phỗng từ đâu ra?
Căn cứ vào hai tấm tranh dân gian có chữ nôm, một tấm vẽ ông phỗng bưng nến ,tấm kia vẽ thằng phỗng đội nến ( lạp ) , chúng ta thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.
- Chữ phỗng ( ông phỗng ) được viết bằng chữ bổng và dấu nháy, một kí hiệu để chỉ rằng đây là chữ nôm.
Bổng nghĩa là bổng lộc,tiền lương của quan lại. Nghĩa này không thích hợp với nhân vật phỗng của tấm tranh.
Vì vậy, phải hiểu rằng chữ nôm phỗng ở đây không phải là được viết với chữ bổng, mà đã được viết bằng bộ nhân và chữ phụng ( nhân+phụng=bổng ). Bộ nhân chỉ người. Phụng nghĩa là hầu hạ, vâng lời, dâng biếu. Nghĩa này thích hợp với nhân vật phỗng, một kẻ đứng hầu nơi thờ tự, giữ việc đội hoặc bưng nến, còn gọi là dâng nến.
- Chữ phỗng trong tranh thằng phỗng đội nến viết hơi khác chữ phỗng của tranh ông phỗng. Người viết chữ nôm dùng bộ nguyệt làm kí hiệu thay cho dấu nháy, phần còn lại thì giống nhau ( bộ nhân và chữ phụng ).
- Bảng tra chữ nôm ( Khoa Học Xã Hội,Hà Nội,1976 ) viết chữ phỗng bằng chữ phỏng nghĩa là bắt chước, phỏng theo. Nghĩa này cũng có vẻ xa lạ đối với thằng phỗng của dân gian Việt Nam.
Ngôn ngữ Việt Nam còn có thêm hai chữ phỗng khác:
- phỗng tay trên:lấy hớt của người khác.
- phỗng: gọi ăn trong một ván bài tổ tôm, tài bàn, một con bài thứ ba của bất cứ người nào khi trong tay mình có hai con như thế.
Xét theo nghĩa thì hai chữ phỗng này có thể đến từ chữ phủng, nghĩa là bưng, dâng, biếu.
- thành ngữ ngồi im như phỗng và đứng im như phỗng đực, có nghĩa là ngồi và đứng không động đậy, giống pho tượng đồ chơi của trẻ con, hoặc giống ông phỗng nơi thờ tự.
Ông phỗng đá thứ nhất của Nguyễn Khuyến đứng trơ trơ, đêm ngày coi sóc cho ai đó, chắc phải là ông phỗng đứng bưng nến hay đội nến ở chùa chiền,đền miếu.
Ông phỗng đá thứ nhì dan tay ngửa mặt lên trời, có vẻ lạc quan, thiếu trang nghiêm, hẳn phải là ông phỗng đồ chơi.
Chữ phỗng không có trong tự vị của Huỳnh Tịnh Của. Có thể đây cũng là một chữ mới có từ đầu thế kỷ 20.
Nguyễn Dư
13/4/2000
Bookmarks