-
Ai Người Tri Âm - Lã Mộng Thường
Ai Người Tri Âm
Tác giả: Lã Mộng Thường
Chương 1
Trước hết, tôi muốn minh xác vị thế của mình. Tôi là một thanh niên thuộc thành phần nam giới đúng nghĩa, không phải chỉ có hình thức nam giới mà bao gồm luôn cả một tâm hồn con trai, không lại cái, không "gay" nhưng đứng hẳn về một phía, chẳng nửa vời; còn vấn đề tri chí hay không để lần hồi bạn sẽ phân định. Tất nhiên, cũng như mọi người, tôi có con tim thường lỡ làng, quên chủ chứa, luôn dõi theo hoặc ngóng trông một bóng hồng. Dĩ nhiên, vì không có mới ngóng trông nên tôi cũng thường cảm thấy mình thuộc loại thiếu may mắn, không có số đào hoa nếu xét riêng về mặt tình cảm. Đã thế, dường như chính những gì mình không có lại trở thành mối hấp dẫn tột bực tạo thành năng lực thúc đẩy sự theo đuổi. Hơn nữa, thà rằng nếu con tim không thèm đếm xỉa gì đến nhưng đừng phá đám và hãy để tôi yên thì chẳng có chuyện chi đáng nói; đàng này, nó kéo bè đảng với bộ phận bên trong cái đầu, ảnh hưởng tai mắt mũi họng, cứ nói hơi quá cho có vẻ quan trọng mong được người khác để ý, chơi tôi những vố xất bất xang bang, ăn không ngon, ngủ không yên... cũng chỉ vì mấy o giống cái với những bộ điệu thướt tha, dễ thương nhưng chỉ cái cười mỉm chi hoặc liếc mắt vô tình trông đi đâu mà hữu ý quét trúng tôi thì dù mới ngần ấy nét nhẹ nhàng dễ cảm mến đã trở thành cơn cuồng phong ác liệt cuốn mất tâm hồn, biến tôi thành kẻ ngẩn ngơ giống một trong những tên bị quỉ ám, ma đùa trong những truyện liêu trai chí dị.
Con tim tôi nó mềm, mềm từ hồi ấu thợ Lúc thơ ấu, bạn cũng như tôi, chúng ta yêu mẹ. Bạn yêu mẹ bạn nhất; tôi không yêu ai bằng mẹ khi còn bé. Vì tôi là con trai, con trai yêu mẹ, ngược lại, con gái yêu bố; đó cũng là bản năng tự nhiên. Trong thời kỳ ở bậc tiểu học, thầy giáo dạy lớp hai có khuôn mặt hao hao giống khuôn mặt mẹ do đó tôi có cảm tình với ông ấy hơn các thày giáo khác mặc dầu mỗi năm tôi lên lớp học với các thày giáo khác nhau. Tôi yêu mẹ nên không muốn làm bất cứ gì để mẹ buồn, để mẹ phải lạ Khi lớn thêm chút nữa, tôi vẫn yêu mẹ nhưng thích đi chơi vì trò chơi, nghịch ngợm hấp dẫn hơn ở nhà. Dần dần tôi trở thành chai đá và đồng thời cũng nhận ra mẹ thương tôi nhiều lắm. Mẹ đánh đòn vì tôi ba gai, phá phách chứ không phải vì ghét. Nhiều lần tôi muốn khóc vì thương mẹ; những khi tôi bị cảm, cúm, mẹ thức khuya để chăm sóc, nhưng không bao giờ tôi nói với mẹ dù chỉ một câu "con yêu mẹ" hay "con thương mẹ". Tôi im lặng giữ mối tình yêu mẹ trong lòng, chẳng bao giờ nói ra.
Lớn lên, cho tới năm đệ ngũ (lớp tám), tôi nhận ra tình yêu mẹ không "phê" như tình cảm dành cho một đứa con gái. Tôi cảm thấy nàng có một hấp lực, mãnh liệt cuốn hút, thành ra muốn được đứng gần. Thích nàng nhưng cũng chẳng hiểu tại sao thích, chỉ biết mình thích mà thôi. Giờ nghĩ lại, ngày ấy tôi đã không để ý tại sao mình không thích những người con gái khác. Đối với những người con gái khác, tôi coi thường, bất cần; còn đối với nàng, tôi dành tất cả cảm tình của mình dù chỉ trong ý nghĩ rằng nàng dễ thương, dễ mến. Cái áo dài nàng mặc đi học bị rách gấu, tôi cũng thấy dễ thương. Giọng nói, kiểu mỉm cười, nét mặt của nàng, tất cả đều có duyên đối với tôi. Nhưng chỉ im lặng, tôi im lặng giữ kín mối cảm tình đơn phương, nỗi lòng thầm kín một chiều.
Nhà tôi, năm thằng con trai liên tiếp, tôi là đứa thứ hai của bộ ngũ quỉ, thế là bao nhiêu công việc của người nội trợ được san sẻ cho hai đứa lớn chúng tôi. Mẹ tôi thường bao quát hết nhưng cũng nhiều khi mấy em tôi đau hoặc phải săn sóc chúng nhiều hơn, anh tôi và tôi chia nhau làm những công việc như đi chợ mua thực phẩm, nấu ăn, giặt giũ, quét nhà, rửa chén, nấu cám heo, tắm heo... Bố mẹ tôi ăn trầu, tôi lại thường phải têm trầu để bố mang theo vì ông đi buôn cá, gánh bộ cả bẩy cây số đường rừng từ những nơi dân câu bắt cá không có giờ nghỉ.
Con trai, chẳng hiểu tại sao đã trai lại còn gọi là con, phải làm những việc của con gái nên tôi ước ao có được cô chị hay em gái để làm thế cho mình, để rửa chén, để quét nhà, để nấu cơm, để bồng em ru nó ngủ... Bởi thế ước mơ thèm con gái được sinh ra nơi lòng. Tôi thấy bạn bè của mình may mắn và sung sướng; chúng có chị hay em gái, ăn xong chạy nhởn nhơ với bè bạn, tha hồ đi chơi, quần áo quăng ra có chị giặt, ăn xong có chị rửa chén; chúng nó là những ông hoàng, tôi thường tự bảo.
Càng lớn, tôi càng thèm con gái hơn. Tôi là đứa chúa lười ủi đồ nhưng thích ăn mặc đẹp. Quần áo phẳng phiu mới oai, mới ăn khách, mới câu được sự chú ý của kẻ khác, nhất là con gái. Nhà tôi không có bàn ủi nên mỗi lần ủi đồ phải đi mượn. Mượn ở đâu? Ở nhà có con gái, vì con gái ưa mặc đẹp, chịu khó ủi đồ. Bạn bè tôi có chị gái, có em gái nên quần áo chúng được ủi thẳng nếp, "pli" sắc có thể cắt đứt tay, nhưng chúng coi thường; chúng bất cần để ý khi đứng, khi ngồi có thể làm nhầu quần áo. Chúng có chị ủi đồ nên đồ nhầu không thèm mặc và có quyền la hét chị hoặc em ủi đồ. Tôi, mặc dầu quần áo không thẳng nếp gì nhưng phải giữ gìn, ai ủi cho nếu nó nhầu nát ngoại trừ chính cái thẳng lười như hủi là tôi nhưng thích mặc đẹp. Tôi phải cẩn thận từng chút; sau khi giặt, quần áo đem phơi phải được kẹp căng ra trên dây cho phẳng nên khi vận lại phải cố gắng sao cho quần áo khỏi bị nhăn, phải để ý từng cử động, từng thế ngồi. Ngồi không dám dựa, dựa nhăn lưng áo, chính vì thế tôi càng ước ao có được cô chị hay đứa em gái hơn, và cũng chính vì thế tôi càng thích, càng cảm thấy cần con gái hơn.
Thời gian sau này tôi đã cứ tưởng rằng mình có thể yêu bất cứ người con gái nào. Nàng nào tôi cũng thấy họ dễ thương, dễ mến. Tôi thích được làm quen với con gái nữa. Làm quen để làm gì, để thỏa mãn ý thích, để con tim hồi hộp khi nói chuyện với họ. Mỗi khi muốn gặp nàng nào, tôi phải sắp đặt câu chuyện sẵn sàng, câu nào nói trước, câu nào nói sau, nói như thế nào, điệu bộ phải ra sao. Đã thế, nhiều lần tôi vẫn còn bị quê chết người. Lắm nàng nghịch ngợm cố ý làm tôi chết sửng. Tôi nghĩ, mình phải chiến thắng, chiến thắng bất cứ giá nào hoặc trường hợp nào. Nhưng đó chỉ là câu chuyện, hình thức bên ngoài để giải quyết sự thiếu thốn nơi tâm tư do ảnh hưởng thực trạng không có con gái trong nhà.
Năm đệ nhị (lớp mười một), tôi trọ học tại nhà người chú ở Sàigòn cùng với một nàng họ xa đàng thím tôi. Tôi thích nàng, nhưng lại cũng chỉ thích đơn phương không dám tỏ nỗi lòng vì còn phải học. Bố mẹ gửi tôi đi học chứ không phải để o gái, thế mà tôi đã tiêu xài quá nhiều thời giờ vì con gái, vì nàng. Và tôi sinh tật thích làm thơ, thơ thơ thẩn, có khi đêm học muộn, giả đò chép lên bảng với hy vọng rằng nàng chưa ngủ ghé mắt nhìn chăng. Rõ khổ, ở chung một nhà, thích nàng nhưng lại ít có dịp nói chuyện nên ấm ức vì còn chú thím tôi. Lỡ có chuyện gì, tin đồn về đến tai bố mẹ, tôi sẽ bị mang tiếng trát tro, bôi trấu, bêu xấu cha mẹ. May mắn, gánh nặng được trút khỏi khi kinh tế gia đình kiệt quệ; tôi phải ngừng năm học về nhà đi làm rẫy.
Năm kế tiếp tôi đã có thể tiếp tục tới trường bởi nền kinh tế gia đình tương đối khá hơn, vả lại trường trung học gần nhà có mở chương trình đệ nhị cấp. Có cách nào để làm nữ sinh chú ý hơn ngoài sự học giỏi? Tôi con nhà nghèo, không đua đòi được nên đành phải học giỏi, dẫu không giỏi được thì cũng phải cố gắng cày cho giỏi. Khổ nỗi, nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò... , mang tiếng đi học nhưng chỉ thích những chuyện cúp cua, đàn đúm, nhất là ở lứa tuổi nhầng nhầng nên thích được con gái chú ý. Tuy nhiên, học có giỏi mới được sự để ý của con gái; học giỏi mà phá phách, các thầy và ban điều hành nhà trường vẫn cưng; học giỏi có quyền lên mặt với những đứa nào dám đụng đến mình; học giỏi để bù đắp lại những thua sút tụi con nhà giầu, may ra dùng cái tiếng đánh át được phần nào cái miếng và mong gỡ gạc sự chú ý của con gái. Hơn nữa, học giỏi bố mẹ được hãnh diện, làng xóm cũng khen, muốn xin gì cũng dễ và nhất là tỏ ra bõ công các thày giáo dạy tôi ngày xưa ở bậc tiểu học. Chính những lý do ấy đã là động lực thúc đẩy tên học trò không mấy thông minh nhưng thích con gái ra công ra sức vật lộn với bài vở.
Trong thời gian này, tôi thích một nàng bán nước đá, tôi nghĩ, nàng cũng ưng tôi... Chúng tôi thường gặp nhau nơi xe nước đá của nàng. Nhưng đau đớn thay, gần cuối niên học, sắp tới ngày thi, nàng bỏ tôi, bắt cặp với một người cùng làng học trên tôi một lớp, có tú tài một trong khi tôi vẫn còn là một anh học trò trơn vì những mấy tháng nữa mới tới kỳ thị Tôi ôm hận, cố gắng tỏ ra như không có chuyện gì xảy đến. Mấy người bạn cùng lớp biết rõ nhưng vì thái độ tảng lờ của tôi, không ai nghĩ rằng tôi đang nức nở với trái tim rướm máu về cô hàng nước. Bởi ý thức được tính chất gái ham tài, cho dù tài được hiểu theo nghĩa nào chăng nữa, nên tôi không dám trách móc nàng hoặc muốn cạnh tranh với anh chàng kia bởi vì tôi biết sẽ bị thuạ Tuy nhiên, từ khi biết nàng bỏ theo người khác, tôi không học được, ngồi ở bàn học nhưng tâm trí mãi đâu đâu. Trong lớp, ngồi chình ình ra đấy nhưng chỉ là một chiếc xác không hồn vì tôi nhớ nàng, nhớ những giây phút êm đềm kề cận cô hàng nước đá với niềm đau triền miên gặm nhấm. Con tim khốn khổ hành hạ tôi đủ thứ; nó lôi kéo ngũ quan, gợi sự liên tưởng của trí óc khiến cho bất cứ sự vật, hình ảnh thực tại nào cũng trở thành nguyên nhân gợi về nét thân thương luyến ái với người tình cũ đang chạy theo miếng mồi mới ngon hơn, hấp dẫn hơn. Chả gì thì anh chàng bồ mới của nàng cũng sắp sửa là sinh viên trường Luật, lại rủng rỉnh có tiền vì mới kiếm được chân dạy học tại một trường trung học đệ nhất cấp trong khi tôi "trống lổn" lẽo đẽo với bài vở cho kỳ thi tú tài I sắp tới. Chưa thi, nào ai đã biết chắc đậu hay đạp vỏ chuối... Một đàng là "giáo sư" dù cho có bị dùng sai danh từ, ít nhất có những một năm hoãn dịch vì lý do học vấn và lỡ ra sang năm không thể được hoãn dịch, cũng nắm chắc trong tay cặp bông mai vàng chóe, lương cao, sẵn có kinh nghiệm dạy học nên dễ xin biệt phái sang ngành nhà giáo. Còn tôi, lỡ rớt kỳ thi, chưa kịp coi điểm thì đã phải vội xếp hành trang nhập quân trường để rồi mang lon bằng miếng vải khiêm nhượng tối mò.
Ngày ngày đạp xe trên đoạn đường ba cây số tới trường dưới ánh nắng đổ lửa, cổ họng khát khô thèm miếng nước lạnh, gợi lòng tôi nhung nhớ người tình. Con đường nhựa vô tri muôn đời không thay đổi lại cũng nhắc nhở lòng tôi nhớ đến cô hàng nước. Những tà áo nữ sinh thướt tha nơi trường lớp càng thúc đẩy cảm quan tôi hướng về ngày cũ cận kề bên em, giờ đây ngăn cách cũng chỉ vì những mảnh giấy, mảnh giấy in văn bằng và mảnh giấy in thành tiền bảo đảm tương lai. Gái ham tài là thế, tôi tự nhủ. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi đã phải chiến đấu hết sức với bản thân để cố quên, dùng tương lai, cái tương lai mịt mù đe dọa của sự thi trượt phải đi lính làm trung sĩ, đeo cái lon chữ vê úp ngược, xỏ xiên chụp lên vận mạng, giới hạn nét kiêu hùng đời trai. Tuy nhiên, niềm đau cứ thường xuyên ray rứt tâm hồn, nhắc nhở từng tiếng nói, từng âm vang giọng cười, từng cử điệu thân ái nàng đã dành cho tôi nay đang trao về người khác. Ôi đàn bà, ôi con gái!
Ngoài tính chất mê gái, tôi còn mê sách đồng thời quan niệm rằng cuốn sách, câu truyện, tự chúng không xấu, không tốt; xấu hay tốt tùy người đọc có chủ đích tìm kiếm gì trong nó. Bất cứ vấn đề gì nghe tới, tôi thường đặt câu hỏi tại sao và phải làm thế nào. Khỉ một điều, trong đầu tôi lúc nào cũng có sẵn một vài vấn đề, một số câu hỏi còn đang trong vòng thắc mắc muốn tìm hiểu. Tôi đọc sách trước hết vì thích thú, sau nữa, nhiều vấn đề thắc mắc được trả lời một cách không ngờ trong những cuốn truyện đôi khi cái tên chẳng liên quan gì đến câu trả lời tôi gặt hái được. Chẳng hạn những lý do gì đã làm người đàn ông sợ vợ; bà vợ cũng có thể là một yếu tố để người chồng nghiện thuốc phiện; hoặc vấn đề sinh lý của con người đã được giải quyết như thế nào, cách nào và từ bao giờ. Sách là một kho tàng đem lại niềm vui thích vô biên giới, nhưng nó cũng tạo cho tôi nhiều mơ mộng. Cũng nhờ sách, tôi tìm hiểu cơ cấu viết văn. Tôi tự hỏi tại sao các tác giả có thể viết dài, văn hay để rồi tìm ra cách kết cấu, dàn xếp tư tưởng và trình bày câu truyện của tác giả. Tôi thích đọc truyện nhưng văn phải hay vì văn chương bổ túc cho câu chuyện mặc dầu tư tưởng là phần chính yếu. Những tiểu thuyết mà văn không hay, tôi không muốn đọc trừ khi không có cuốn nào khác.
Từ đó, tôi suy nghĩ nhiều về cuộc sống trong tương lai. Tôi muốn biết những vấn đề chẳng hạn làm thế nào để trở thành một người chồng tốt khi lập gia đình; đặc tính cũng như cá tính của tôi ra sao; làm sao cho vợ coi mình như mục tiêu chính của nàng; những nguyên nhân thúc đẩy người đàn bà ngoại tình; thế nào là một người đàn bà vượng phu ích tử theo tướng học. Nhưng vấn đề ảnh hưởng tôi nhiều nhất là giá trị cuộc sống, và đâu là giá trị cuộc sống của tôi?
Một lần đứng nói chuyện với mấy người quen nơi một đám cưới, ngay phía trước tôi, một ông cỡ chừng bốn mươi lăm đến năm chục tuổi đang nói chuyện với vài người khác. Ông thấp hơn tôi; tôi đã lùn mà ông lại lùn và thân hình nhỏ hơn. Tôi chỉ nhận ra ông già hơn vì mái tóc hoa râm, vì nước da cháy nắng bởi làm việc cực nhọc ngoài trời. Tôi nghĩ, với một thân xác nhỏ bé như thế, tuổi đời chồng chất theo năm tháng làm ăn cực nhọc để nuôi dưỡng bầy con sáu đứa, cuộc sống còn gì khi xuôi tay nhắm mắt. Phải chăng con người được sinh ra, lớn lên, lập gia đình, rồi có một đàn con, vất vả cực khổ nuôi nấng chúng, rồi tiếp theo, đàn con cũng thế, cũng lấy vợ, lấy chồng... rồi chết đi... và rồi còn gì? Giá trị của cuộc sống ở đâu và nếu cũng một nhịp điệu như thế với cuộc đời tôi, phỏng tôi có dễ dàng chấp nhận không?
Nếu đem so sánh cuộc đời một con người trong phạm vi sinh tồn, bảo toàn giống nòi với một con thú, con thú sung sướng hơn con người. Chúng không phải lo lắng cho ngày mai như con người, và nếu chỉ xét riêng về sự sống thì con người cũng chỉ được sinh ra, kiếm của ăn cho qua ngày, già rồi chết như con thú. Phải còn gì nữa, giá trị của cuộc sống con người khác và hơn con thú ở những điểm nào? Chẳng lẽ cuộc đời một con người chỉ là lo sao cho có miếng ăn để sống, nghĩa là đi làm, ăn, ngủ, rồi lại đi làm, ăn ngủ tiếp tục một cách buồn tẻ và chờ ngày chết?
Phải còn một cái gì nữa, cái gì mà tôi không biết đặt tên cho nó ra sao. Tôi chỉ nghĩ và tin rằng giá trị cuộc sống của con người chắc chắn phải hơn con thú, nhưng sao thấy nó bình thường quá, buồn tẻ quá. Tôi khinh thường cuộc đời lặp đi lặp lại như lời hát nào đó: "một ngày như mọi ngày" không chi thay đổi. Tôi muốn mình phải là cái gì, một cái gì trong mơ hồ, trong mộng ước mà chưa biết là gì. Tôi không định nghĩa hoặc xác định được vì tôi chưa biết nó, chỉ biết rằng tôi không muốn có cuộc sống bình thường như những người chung quanh.
Giá trị của cuộc sống lứa đôi cũng nhiều khi làm tôi khinh tởm trong trường hợp chén bát đụng nhau. Hai vợ chồng, mới hồi chiều thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để tận lực đấm đá nhau, dùng những lời nói thô bỉ hạ nhục nhau tới mức độ đê hèn nhất, buổi tối lại đã cùng nhau chăn gối; hai con thú, tôi nghĩ thế, để rồi tự hỏi tôi có thể chấp nhận được như vậy không? Tôi nghĩ về nhiều giả thuyết, rằng thế nọ, rằng thế kia cho những cặp trai gái trước khi cưới nhau nên xác định rõ ràng danh phận, điều kiện, và giới hạn cho cuộc sống chung. Nhưng thực tế trả lời cho thấy vấn đề sống chung của vợ chồng không phải đơn giản và máy móc như thế đến nỗi tôi không thể chấp nhận được những giả thuyết của tôi. Câu kết luận chỉ còn là thương nhau lắm nên cắn nhau đau?
Nhưng tôi vẫn thích con gái, con gái vẫn là mãnh lực thu hút tôi nhào tới; nhào tới như con thiêu thân cho chết điếng cõi lòng, tan bao mơ mộng, và đôi khi cuộc đời tôi gần như bị sụp đổ hoàn toàn bởi nét yêu kiều, dễ thương, hấp dẫn, khuyến khích và có tính chất mời mọc của thứ người giống cái. Các cụ thường bảo, lửa thử vàng, vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông. Nhờ câu này, tôi biết rõ mình thế nào; con tim tôi mềm như chì. Con gái được sinh ra hình như để chia nhau phá nát con tim tôi từng giai đoạn, hết đứa nọ rồi đến đứa kia. Tôi yêu lung tung, khi thì đơn phương một chiều, chưa kịp ngỏ lời đã thấy nàng cặp kè thân mật với chàng trai khác; lúc mới được dăm ba lần hẹn hò xây viễn ảnh, nàng đã cho tôi leo cây, đá cái vù không chút xót thương. Cứ mỗi lần như thế, con tim tôi lại quặn thắt, rên rỉ với nỗi lòng tan nát.
Một điều tôi nhận rõ nơi lòng mình là dù yêu thì yêu, thương thì thương, không bao giờ tôi có ý nghĩ để quyết định lập gia đình với bất cứ một nàng nào dẫu lắm nàng tôi yêu điên đảo. Ngày nào không gặp thì nhớ, mới một ngày không nhìn thấy mặt, trắng đêm tôi không thể ngủ, rồi cắm cúi viết thư, hết trang nọ đến trang kia. Đôi khi tôi viết nhưng không gửi, không gửi để hưởng cái thú nhớ nhung và ray rứt vì xa cách. Tôi đắm chìm trong bể tương tư, nhung nhớ ngày này qua ngày khác, và phục Xuân Diệu qua câu thơ "Yêu là chết trong lòng đi một ít." Từ đó tự hỏi, tôi yêu để mà yêu hay để thỏa mãn đặc tính muốn yêu và muốn được yêu bình thường của con người, hay chỉ vì muốn chiều theo bản chất mơ mộng trong mình? Tại sao tôi e ngại khi nói đến lập gia đình, sống chung thân với một nàng con gái sẽ trở thành người vợ? Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chỉ mường tưởng rằng có câu trả lời chứ thực tình tôi không dám đối diện với những câu trả lời bởi câu trả lời nào cũng nói lên cái xấu của tôi. Nói lên cái xấu của mình, tôi chạy trốn dù chỉ trong tư tưởng.
Nhưng cũng bởi vì yêu miên man, tôi tập làm thơ, học văn để viết thư cho mùi, cho mặn nồng tình ái, cho thỏa mãn sự giải bày khát vọng muốn yêu. Đọc được câu văn nào hay, ghi vô tập vở, biết được tiếng nào bóng bẩy, tôi chép để tập dần. Vài ngày tôi đọc lại những nốt ghi một lần rồi dùng nó trong những bài thơ, những lá thư tràng giang... Xin cảm ơn những nàng con gái đã giúp tôi thêm vốn liếng văn chương, đã khiến tôi làm những bài thơ Đường đúng vần luật, và làm cho tôi đôi khi trở thành cái máy làm thợ Nhưng làm thơ không gửi, thích làm thơ nhưng cũng biết thơ chẳng hay nên giữ lại rồi quên hết và cũng mất hết theo những khúc tình đã bay.
Một vài người bảo tôi chỉ được cái miệng. Tự nhiên được cái miệng chăng đã khá; họ đâu có biết tôi đã bao phen nhục nhã vì yêu thương, tiêu phí bao thời giờ bởi thơ với thẩn và tốn bao công lao ghi chép để viết thự Viết thư, lúc được hồi âm còn đỡ, chẳng biết bao lần thư có đi mà không tin lại; dẫu tin không lại tôi vẫn viết thư đi, vẫn chết mệt vì những mối tình vớ vẩn, không xơ múi nhưng ngơ ngẩn cả con tim. Cái miệng tôi đánh đổi bằng những chặng thập hình của cả thể xác lẫn tâm can, thiêu hủy, làm hao mòn con tim theo ngày tháng. Mặc dầu tuổi chưa kịp lớn, con tim đã bị hao mòn, bị bóp mềm bởi những cái yêu tan nhanh như mây gặp gió.
Năm học lớp đệ nhất (lớp mười hai), tôi thấy thương hại cho những nàng con gái trời bắt tội kém nhan sắc. Thế rồi tôi muốn yêu tất cả những nàng con gái này. Yêu tất cả thì lại chẳng yêu ai, chỉ cảm thấy thương hại mỗi khi tôi gặp những nàng không được đẹp. Điều thật tương phản là những nàng con gái Trời chỉ ban cho nhan sắc tầm thường ấy được chia làm hai loại đối nghịch rõ ràng, chanh chua và dịu hiền. Thì chanh nào mà chẳng chua! Nhưng đúng thật, họ đã chanh chua thì chớ có xớ rớ vô kẻo mang hận. Còn những nàng dịu hiền chẳng nói ai cũng hiểu, cũng dễ cảm thông được với họ. Nhưng tôi vẫn không thể yêu riêng được một trong hai, chanh chua hoặc dịu hiền, của giới nhan sắc trời bắt tội này. Tôi lại cứ yêu chung chung. Cái yêu chung chung ấy mới thật sự hợp với câu "lắm mối, tối nằm không."
Tuy nhiên, tình yêu chung chung đó đến với tôi đâu phải đã hết, đâu phải đã giải thoát cho tôi nỗi khắc khoải muốn được yêu; tôi lại bị "khớp con ngựa ô" thêm một lần nữa. Lần yêu này thật trối già và cũng là lần mà con tim tôi được hưởng thực sự thú đau thương. Tôi không nhớ rõ nhà văn Việt Nam nào đã dùng danh từ này đầu tiên nhưng thấy nó rất đúng với cái thú bởi sự yêu của tôi nên chỉ nhớ mà không cần biết hoặc quên cả tên tác giả để cứ tưởng rằng của mình. Cũng chẳng lạ gì, khi hai tâm hồn đồng cảnh ngộ gặp nhau thì họ tưởng đã quen nhau từ kiếp xa xôi nào đó và nghĩ rằng có duyên hạnh ngộ. Mà thực sự, chỉ có ba chữ "thú đau thương" mới có thể diễn tả đúng đắn tình yêu là gì mặc dầu tôi chưa thấy ai định nghĩa tình yêu của họ là thú đau thương.
Lần đó tôi về Sàigòn ghi danh năm thứ hai Văn Khoa, chỉ vì Văn Khoa và Luật Khoa mới chấp nhận ghi học theo chương trình hàm thụ mà thôi. Vào những ngày nộp đơn đại học, tôi phải về Sàigòn để chen chúc nơi một hành lang nhỏ bé đông nghẹt những sinh viên trong cái nóng bức của thời tiết khiến mồ hôi một người có thể chuyền qua lớp áo người kế bên cũng đang cố gắng chen vô nơi cánh cửa sổ nộp đơn. Ai đã qua một lần nộp đơn nơi các đại học công tại Sàigòn sẽ không bao giờ có thể quên được cảnh lớp người chuẩn trí thức dành nhau ấy, không khác gì đi xe buýt sau ngày giải phóng nơi thành phố mới bị đổi tên từ năm 1975. Trong ngày thứ nhất, tôi đã bon chen làm xong hầu hết mọi thủ tục giấy tờ gồm có: xin đơn, đóng lệ phí, ghi danh, xin phiếu khám sức khỏe, lập thẻ sinh viên, chỉ còn ký một thẻ cuối cùng về lý lịch, khám sức khỏe và ghi số hồ sơ lưu trữ nữa là hoàn tất.
Tags for this Thread
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks