-
Thần Ðình Lập
Ngày xưa, cuối thời Bắc thuộc, trong lúc cả nước đang rên siết dưới ách đô hộ ròng rã một ngàn năm, ở miền núi non Bắc Việt, có một vị tù trưởng họ Đặng nổi lên chống lại quan quân Tàu. Được nhiều người yêu nước hưởng ứng nồng nhiệt, họ Đặng phất cờ khởi nghĩa từ châu nhà, rồi giải phóng được các vùng thượng du, làm chủ lại một phần giang sơn đã mất.
Đối phương phải huy động đại đội binh mã đương đầu rồi thừa thế đông tràn chiếm lại vùng giải phóng. Trong một trận chiến đấu ác liệt với quân thù đông đảo gấp bội, anh hùng họ Đặng chống trả oanh liệt cho đến chết. Muốn diệt trừ hậu họa, tướng Tàu cho quân vây bắt để giết cả gia đình họ Đặng, song bà vợ cùng con trai là Đặng Cao trốn thoát được vào rừng sau khi nghe tin chồng và cha tử trận.
Người vợ góa nuôi con với chí phục thù cho chồng, trả nợ cho nước. Đặng Cao lớn lên trong hoài bão chiếm lại giang sơn đã mất vào tay quân giặc, nên vừa đến tuổi trưởng thành đã sửa soạn chiến đấu, ngấm ngầm quy tụ chiến hữu bốn phương, chờ thời cơ nổi dậy.
Một hôm, trong lúc dạo chơi, Đặng Cao gặp một con kỳ lân hiện ra trao cho một chiếc kiềng bằng vàng có phép thần làm cho người mang nó được bất khả xâm phạm và bất tử. Nhưng nếu chủ nhân rời khỏi chiếc kiềng thần, dù chỉ trong chốc lát, thì mất hết quyền phép ngay.
Đặng Cao thấy kỳ lân xuất hiện ra trao báu vật cho mình là điềm của thần linh mác bảo thời cơ thuận tiện để dấy nghiệp, nên hăng hái phất cờ dóng trống ra quân.
Thắng trận liên tiếp, Đặng Cao giải phóng được châu nhà rồi tiến quân quyết tâm đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi xứ sở. Trong một trận quyết liệt gần biên giới, Đặng Cao gặp một tướng tài của đối phương gởi đến tiếp viện. Đôi bên tranh hùng bất phân thắng bại, chẳng may ngựa vấp ngã, Đặng Cao bị đối thủ thừa cơ vung kiếm chém đứt đầu. Một vị thần bỗng hiện ra nhặt lấy đầu Đặng Cao lắp lại vào cổ mà bảo rằng: "Ngươi hãy quay về đi và hỏi ba đường gặp trên đường xem là ngươi đã chết chưa? Nếu tất cả đều trả lời "chưa" thì ngươi sẽ sống lại".
Đặng Cao vội quay lui, chạy thẳng về nhà cho mẹ yên tâm vì có lẽ bà đã được tin báo là con đã tử trận. Trên đường về, người thứ nhất Đặng Cao là một ông lão, liền hỏi: "Thưa cụ, tôi đã chết chưa"? Ông lão trả lời: "Thôi cậu đừng chế diễu lão già cả mà tội nghiệp, sao cậu lại hỏi lão ngớ ngẩn như vậy? Khỏe mạnh như thế rồi cậu cũng được trời phật phù hộ cho sống lâu như lão đây". Đi một quãng xa, gặp một người lính, Đặng Cao nhắc lại câu hỏi trên, nghe đáp: "Người đã chết rồi thì không còn hỏi han gì được nữa". Đặng Cao mừng thầm, về đến gần nhà nghe tiếng than khóc thảm thiết. Bà mẹ được tin báo là con mình đã tử trận và chiếc kiềng thần binh sĩ lượm đượ cũng đưa về trao tận tay bà. Bà đang vật vã thương khóc thì thấy Đặng Cao về hỏi đã chết hay chưa, nên tưởng là con trai hiện hồn về, mới nói: "Con đã chết rồi, người ta vừa trao cho mẹ chiếc kiềng đẫm máu con vẫn đeo ở cổ đây".
Nghe mẹ nói như vậy, Đặng Cao bủn rủn cả người, biết là mình sắp phải chết, mới vội thuật lại việc thần hiện ra cứu, và cho mẹ hay là câu trả lời của mẹ đã giết hại đời con.
Vừa dứt lời, Đặng Cao ngã ra chết. Dân chúng nhớ ơn chôn cất rất trọng thể và lập đền thờ ở làng Đình Lập. Còn bà mẹ chỉ vì một câu nói vô tình mà chết con, bị mọi người ghét bỏ, phải đi ăn xin rồi chết vì đói khát, đau khổ.
Về sau, mỗi năm cứ đến ngày húy của Đặng Cao, dân chúng làm lễ cúng long trọng ở đền Đình Lập để nhớ ơn vị anh hùng dân tộc, đồng thời còn dọn thêm một bát cơm thừa canh cặn cho hồn bà mẹ bất hạnh bị thiên hạ nguyền rủa.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
-
Forum Rules
Bookmarks