Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục

Quyển XIII

[1a]

Kỷ Nhà Lê

Ngày 19, ban ngũ đại y phục.

Ngày 20, ban yến.

Định lệnh tách xã: xã nào đủ 500 hộ rồi mà số hộ dư ra lại được 100 hộ trở lên có thể thành một xã nhỏ nữa thì phải báo, rồi xếp loại tâu lên, để tách ra thành xã khác, cho thêm rộng bản đồ.

Mùa thu, tháng 7, định lệ các quan vào chầu.

Tháng 8, ngày 15, dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Canh Tuất năm Hồng Đức thứ 21.

Ngày 26, định lệ các quan đi đứng khi vào chầu.

[65a] Tháng 9, đặt thêm 13 cửa ải thuộc thừa tuyên Lạng Sơn, như các cửa Viêm Sơn, Phong Sơn, Lâu Sơn, Tam Sơn...

Mùa đông, tháng 10, đặt Thần vũ hữu vệ.

Khảo thí các quân sắc và nhân dân, hỏi về viết chữ và làm lính để bổ làm lại viên các nha môn. Phép thi: một kỳ ám tả, một kỳ thi toán.

Tháng 11, đắp rộng thêm Phụng thành, dựa theo quy mô thời Lý, Trần.

Vua cảnh giác về việc Nhân Tông bị hại, nên lấy lính đắp thành đó. Đồng thời phía ngoài trường đấu võ, mở rộng đến 8 dặm, sau 8 năm thì đắp xong. Bèn dựng điện Danh Bảo2006 , lập lại vườn Thượng Lâm, trong vườn có hươu và các thú khác.

Đặt hai vệ Cẩm y và Kim ngô.

Dũng sĩ vệ Cẩm y từ ty Lực sĩ đến ty Kỳ bài gồm 20 ty, có chức phó quân. Các ty đều không thành lập đội ngủ chỉ có từ ban một đến [65b] ban tám.

Võ sĩ vệ Kim ngô từ ty Lực sĩ đến ty Thần tý cùng trung, tiền, tả, hữu, hậu ty cộng là 100 ty. Lại đặt các ty Thần vũ, Điện tiền: đặt 5 phủ quân Trung, Đông , Tây, Nam, Bắc. Lại soạn quân chính2007 và quân giới2008 .

Tân Hợi, [Hồng Đức] năm thứ 22 [1491], (Minh Hoằng Trị năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, các quan theo hầu vua ngự về Tây Kinh được hưởng 1 tư.

Tuyển theo người khoẻ mạnh xung quân ngũ, thải người già.

Mùa hạ, tháng 5, định lệnh làm sổ hộ tịch khác cho những người trở về làng quá hạn. Những người đáng được được làm sổ khác mà quán tịch vẫn còn ở xã cũ thì tới khi viết sổ, quan phủ huyện, xã trưởng và quan lại, thủ lĩnh đối chiếu lại cho phù hợp.

Mùa thu, tháng 8, ngày 28,29, mưa to suốt cả ngày lẫn đêm không ngớt, [66a] đổ tường điện Kính Thiên, nước dâng lên 4 thước.

Ngày 29, sai các Chỉ huy, Hiệu uý, Bách hộ của vệ Cẩm y và Kim ngô tới các xứ thừa tuyên gần, khơi tháo nước úng làm hại lúa mạ. Vua dụ các quan tể thần, Ngũ phủ, lục bộ, Lục tự, Lục khoa và Ngự sử đài rằng:

"Bởi chính trị có thiếu sót, nên trời chỉ cho bằng tai biến. Đó là do lỗi lầm của trẫm mà chuốc lấy họa, chứ trăm họ có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tin chưa đến dân, lòng thành chưa thấu tới trời mà đến nỗi như thế chăng? Trẫm không rõ các khanh ngày thường ở nhà có băn khoăn lo lắng tới việc nước, không chút lơ là để uốn sửa chổ thiếu sót của trẫm không, hay chỉ tiêu dao dưỡng tính, mưu kiếm lợi riêng, theo người đời mà tiến mà lui, để giữ bền [66b] quyền vị chăng? Các văn thần thì ít người trung nghĩa, nhiều kẻ gian ngoan, bán cương trực để cầu danh, cứ làm như là trung là tín, như lũ Trần Phong, Đào Tuấn thì làm thế nào mà đổi dạ được. Ngày xưa, Thái Tông Hoàng Đế ta, vua tôi một lòng, vua sáng tôi hiền mừng gặp gỡ, dân hoà khí vượng dẫn điềm lành, nào có thiếu nhân nghĩa đâu?. Khoảng đời Thái Hoà, Diên Ninh, việc chính trị chỉ quanh quẩn trong chốn màn the, người giúp đỡ thì nắm quyền y phhúc. Làm hại thế nước là bọn Khắc Phục, Mộng Tuân; chạm tường giết dân là lũ Đỗ Bí, Đỗ Trượng. Đến nỗi biến cố sinh ra trong tường nhà, tai họa xảy ra nơi gối nệm, con cháu của Bí, Trương cùng một mẻ lưới bị chết hết. Đường Thái Tông nói rằng: "Vua đã mất nước, bề tôi vẹn toàn một mình thế nào được!" thự là đúng lắm.

Từ nay về sau, kẻ nào còn quen thói nhơ bẩn như cũ, theo người ta mà tiến lui, mưu giữ bền quyền vị, thì trẫm sẽ vì các khanh mà giết nó đi. Kẻ nào theo lời dạy bảo, mà sửa bỏ lỗi trước đi, hết lòng trung tín, [67a] dốc sức tận tâm, thì trẫm cũng sẽ vì các khanh mà khen thưởng họ. Mong các khanh hãy cố gắng!"

Mùa đông, tháng 10, thóc lúa được mùa lớn.

Ngày 18, đặt Thần vũ hậu vệ.

Vua sai thợ làm cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng2009 để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong, ban tê là " Quảng Văn đình"2010 . Đình này ở trong Long thành, phía trước Phụng Lâu, có ngòi Ngân Câu chảy quanh hai bên tả hữu.

Tháng 11, sai Đề hình giám sát ngự sử kiểm xét quan lại ở Hình bộ, người nào mắc tội lười biếng, gian tham, buông tuồng, phóng túng, thì làm bản tâu lên, theo luật mà trị tội.

Lấy Nguyễn Xung Xác làm Hàn lâm viện thị độc chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Lễ bộ [67b] tả thị lang.

Nhâm Tý, [ Hồng Đức] năm thứ 23 [1492], (Minh Hoằng Trị năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3, nhắc lại các lệ gồm 130 điều.

Mùa hạ, tháng 4, sai các quan Hàn lâm, khoa, đài đi 12 thừa tuyên để thẩm tra việc hình ngục.

Lấy Dương Trực Nguyên lam Hiến sát sứ ty hiến sát sứ thừa tuyên Hải Dương.

Trực Nguyên tâu việc trái ý vua, sau bị giáng về làm Hàn lâm viện hiệu lý (theo gia phả). Trước đó, vua vốn thích văn thơ, ngự thuyền về đến Lam Sơn, làm thơ nhớ lại cơ nghiệp của Thánh Tổ, Trực Nguyên kính họa lại, có câu rằng:

Lam Sơn chỉ xích thiên nam vọng, Vạn cổ nguy sáng nghiệp công. (Lam Sơn nhìn đó, trong gang tấc, Vời vợi muôn xưa sáng nghiệp công). Vua phê rằng: Câu này có khí phách cao rộng.

[68a] Tháng 6, ra sắc chỉ cho con cháu công thần được nhận chức tản quan.

Hồi mở nước, người nào dự theo nghĩa quân, đã nhận các danh hiệu Chánh đốc, Đồng đốc, vì đánh giặc Ngô chết trận mà chưa được quan chức phẩm trật, cùng những ngưòi có họ tên trong sổ công thần Lũng Nhai như là Lê Trạo, lúc còn sống làm quan chưa đến nhấ,t nhị phẩm, nay vẫn còn con cháu thì cho làm giấy báo lên, Lại bộ xét thực, xếp loại tâu lên, sẽ trao cho chức nhất phẩm tản quan.

Mùa đông, tháng 10, thi hương các học trò trong nước. Sai quan Hàn lâm viện làm khảo quan tại 4 ty thừa tuyên Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc, mỗi ty 4 viên. Quan Hàn lâm làm khảo quan thi hương bắt đầu từ đây.

Tháng 11, ngày mồng 6, sai bọn bồi thần Lê Du, Bùi Sùng Đạo, Nguyễn Ngạn Khắc, Trịnh Quỳ [68b] sang cống nhà Minh và Khổng Ngu sang tâu việc điều tra dân chúng vượt qua địa phương mình để thông đồng buôn bán.

Tháng 12, ngày 24, nhà Minh sai chánh sứ là Hình bộ lang trung Thẩm Phụng, phó sứ là Hành nhân ty hành nhân Đổng Chấn sang báo việc lập Hoàng thái tử và ban vóc lụa.

Đói lớn, dân có người phải ăn củ nâu.

Đặt các kho vũ khí và thuốc súng, bên trong có mở ruộng, trồng hóp đá ở xung quanh.

Đặt kho tiền ở hồ Hải Trì, trong có Thượng Lâm tự.

Đặt Thái Nguyên đô ty, Thái Nguyên thuần thượng vệ và đặt Thủ ngự tổng tri ty, Bình địch vệ.

Lấy Lê Cảnh Huy làm Hộ bộ thượng thư.

[69a] Quý Sửu, [Hồng Đức] năm thứ 24 [1493], (Minh Hoằng Trị năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 8, sai sứ sang nhà Minh. Bồi thần Nguyễn Hoằng Thạc, Lê Trung mừng lập Hoàng thái tử, Hành nhân Phạm Mân tạ ơn ban vóc lụa.

Tháng 3, thi hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Vũ Vương 48 người.

Ngày 16, quy định về ban chầu của các quan văn võ:

1- Các quan văn võ cùng ban chầu mà phẩm trật như nhau thì quan cũ và cao tuổi đứng trên, quan mới và ít tuổi đứng dưới.

2- Các quan văn võ phải phụ trách kiêm nhiệm, người phẩm thấp mà chức cao, như tam phẩm làm Đô đốc thì đứng vào ban nhị phẩm; thất, bát phẩm làm Lang trung thì đứng vào ban lục phẩm. Nếu phẩm cao mà chức thấp, như nhị phẩm làm Vệ quan thì đứng vào ban tam phẩm; từ, ngũ phẩm làm Viên ngoại lang thì đứng vào ban lục phẩm; còn lại cứ theo thế mà suy ra.

3- Các quan Ngự sử đài, Đông các, Hàn lâm [69b] viện, Giám sát ngự sử, thì đứng ban chầu vẫn theo lệ trước. Phẩm thấp nhưng chức cao như thất, bát phẩm làm quan Lục khoa thì đứng ở trên ban lục phẩm.

4- Các quan văn võ triều yết, người nào phẩm tuy cao mà chức thấp, thì chiếu theo ban của chức mình đang nhận đứng ở trên ban đó, nếu thuộc quyền của Hộ bộ thì đứng về ban phẩm mình ở cuối hàng triều yết.

5- Các quan văn võ khi làm lễ ra mắt, từ biệt, tạ ơn... thì chiếu theo thứ bậc trong ban thường triều. Nếu là quan hộ vệ tam, tứ phẩm thì chiếu theo như phẩm của mình. Quan các ty sở, phẩm tuy cao nhưng đứng dưới ban của quan nha môn.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 21, vua ra hiên điện, thân hành ra đề sách văn.

Sai Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán và Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm đề điệu; Ngự sử [70a] đài phó đô ngự sử Đàm Văn Lễ làm giám thí; Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, Lại bộ thượng thư Nguyễn Bá Ký, Hàn lâm viện thị độc Đông các đại học sĩ Đỗ Nhuận, Đông các học sĩ Lê Quảng Chí, Hàn lâm viện thị thư chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Sùng Văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư

Ngô Luận làm độc quyển. Vua xem bài, xếp bậc trên dưới. Cho Vũ Dương, Ngô Thẩm, Lê Hùng 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Lại Đức Du 23 người đổ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Quảng Mậu 22 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 5, ngày mồng 8, vua thân ngự chính điện. Truyềb loa xướng danh tiến sĩ là bọn Vũ Dương. Quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa. Ngày 27, [70b] ban mũ, đai, y phục. Ngày 28, ban yến.

Mùa thu, tháng 8, ngày 19, dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Quý Sửu.

Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 4, lấy Đỗ Nhuận làm Hàn lâm viện hiệu lý.

Giáp Dần, [Hồng Đức] năm thứ 25 [1494], (Minh Hoằng Trị năm thứ 7). Mùa hè, tháng 4, xuống chiếu rằng: Các Hoa văn học sinh, nếu có ai đã lâu năm, đã từng làm được việc hoặc theo đi đánh giặc có công, thì lại theo lệ như lại viên các nha môn có chân xuất thân, do Lại bộ thăng bổ.

Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 7, sai các quan Hàn lâm, khoa, đài đi ra 12 thừa tuyên xét xử án kiện.

Lấy Ngô Hoán làm Đông các hiệu thư.

Ất Mão, [Hồng Đức] năm thứ 26 [1495], (Minh Hoằng Trị năm thứ 8). Mùa thu, tháng 8, ngày 18. Xuống chiếu rằng: Quan viên nào [71a] bị ốm tới 3 tháng thì không được dự khảo khóa.

Mùa đông, tháng 11, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Công bộ hữu thị lang Lê Hán Đình và Hàn lâm viện thị thư Vũ Dương đi tuế cống, bọn Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn và Giám sát ngự sử Nguyễn Xao tâu về đường trạm.

Làm sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca2011 .

Vua thấy hai năm Quý Sửu, Giáp Dần, thóc lúc được mùa, đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành. Nội dung gồm những bài về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vộn thành văn2012 ... nhân gọi là Quỳnh uyển cửu ca thi tập.

Sai bọn Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận; Đông các hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán; Hàn lâm viện thị độc chưởng sự Nguyễn Xung Xác; Hàn lâm viện thị thư [71b] Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Vũ Dương, Ngô Thầm; Hàn lâm viện đãi chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Khiêm, Lưu Thư Ngạn; Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên, Chu Hoãn; Hàn lâm viện kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Nhu Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú cùng họa lại vần.

Xét Cửu ca thi tập bắt đầu làm trong năm này.

Vua soạn tập Cổ kim bách vịnh thi, Hàn lâm viện thị độc chưởng viện sự Nguyễn Xung Xác và Tham chưởng Lưu Hưng Hiếu họa vần, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và học sĩ Đào Cử phụng bình.

Bính Thìn, [Hồng Đức] năm thứ 27 [1496], (Minh Hoằng Trị năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 4, vua ngự thuyền đi [72a] Đông Kinh bái yết các lăng tẩm. Ngày 11, làm lễ tấu cáo. Ngày12, dựng cầu bến Tế Độ ở ngoài cửa Quang Đức.

Vua viết sách Xuân vân thi tập.

Ngày 14, trời không mưa. Vua cầu đảo, tự tay viết các bài thơ trong thi tập của mình ra 4 tờ giấy, sai Nguyễn Đôn dán trên tường đền thờ thần. Hôm ấy, canh một trời mưa nhỏ, đến canh năm mưa to, nước tràn trề. Vua đề thơ ở miếu Hoằng Hựu2011 rằng:

Cựu linh anh khi chấn dao thiên, Uy lực nghiêm đề tạo hóa quyền. Khấu vấn sơn linh năng nhuận vật. Thông vi cam vũ tác phong niên. (Khí thiêng lừng lẫy dậy trời cao, Tạo hóa quyền uy nắm chắc sao. Sơn thần nếu biết nhuần muôn vật, Hãy tuôn mưa ngọt, lúa vàng trao). Vua đến Lam Kinh, nhớ lại công lao của cha Lê Chí là Lê Niệm, ông Chí là Lê Lâm; cha Lê Vĩnh là Thọ Vực, ông Vĩnh là Lê Khôi, viết bài thơ ban cho họ và cho Lê Chí 36 lạng bạc, Lê Vĩnh 25 lạng để làm yến tiệc vui với họ hàng.

Ngày 24, [72b] vua ra về.

Tháng 2 nhuận, ngày mồng 5, ban yến cho các quan văn võ ở bãi Thúy Ái2014 .

Bấy giờ, thuyền ngự khởi hành từ sông Lương Giang về đậu ở bến Thúy Ái, các quan văn võ đến lạy mừng, cho nên ban yến.

Trước đây, hồi tháng 2, Hoàng thái hậu đi lễ lăng trở về, không may bị bệnh nặng, đến giờ Hợi, ngày 26 tháng 2 nhuận, bặng ở chính tẩm điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi.

Khi Hoàng thái hậu chưa băng, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc hay đồ ăn, vua nhất định tụ mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không thần nào là không khẩn. Đến khi hấp hối cũng tự kêu gào, Thái hậu còn nhếch mép một chút, muốn nói để từ giã. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự làm lấy cả để tỏ lòng đau xót.

[73a] Vua soạn Cổ kim cung từ thi tính tự, sai Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Hiệu thư Ngô Luân phụng bình.

Thi hội các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Văn Huấn 43 người.

Tháng 3, ngày đinh dậu 19, vua thân hành khảo thí ở Đan Trì điện Kính Thiên, hỏi về đạo trị nước.

Sai Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán và Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm đề điệu; Hộ bộ tả thị lang Nguyễn Hoằng Thạc và Ngự sử đài phó đô ngự sử Đàm Văn Lễ làm giám thí; Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các học sĩ Đào Cử, Hàn lâm viện thị giảng chưởng Hàm lâm viện Lưu Hưng Hiếu, Đông các Hiệu [73b] thư Ngô Luân, Ngô Hoán, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Trần Khắc Niệm và Hàn lâm viện thị thư Ngô Thầm làm độc quyển.

Ngày 26, dẫn các sĩ nhân vào điện Kim Loan. Vua tự xem dung mạo từng người, lấy đỗ 30 người.

Ngày 27, vua ngự chính điện Xương danh. Cho Nghiêm Viên, Nguyễn Huân, Đinh Lựu 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ. Bọn Đinh Cương 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân. Bọn Nguyễn Đạo Diễn 19 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Muà hạ, tháng 5, ngày mồng 8, xuống chiếu rằng:

Hiến ty giữ chức trách tâu hặc, nếu có khuyết viên nào thì chọn người đỗ tiến sĩ, quan văn võ các nha môn, nho chỉ huy các vệ, ty đã trúng các kỳ thi hội, thực đúng là đã giữ phép công, làm việc giỏi, cuơng trực, không né sợ kẻ quyền quý, không phạm lỗi [74a] để thuyên bổ chức Hiến sát phó sứ.

Lại cho rằng quan phủ, huyện, châu phải thống nhiếp các chức thủ lĩnh chăn dân, nếu các nha môn thi hội đã trúng nhiều kỳ làm việc lâu năm, biết việc, siêng năng và có quân công thì ban đầu được trao cho các chức Tri huyện, Tri châu, Huyện thừa, Đồng tri châu, Thủ lĩnh, tự ban; đủ 3 năm không phạm lỗi gì thì mới cho thực thụ; sau 6 năm không phạm lỗi thì Tri huyện, tri châu được phân bổ Viên ngoại lang; Huện thừa, Đồng tri châu, Tri hạ, Điển hạ, Tự ban được bổ các chức Tư vụ, Chủ sự, Thôi quan, Đô quan; đủ 6 lần khảo khóa không phạm lỗi thì Viên ngoại lang, Đồng tri mới được thăng làm tri phủ.

Ngày 22, bọn Lại bộ thuợng thư kiêm Quốc tử giam té tửu Lê Nhuận và Nuyễn Như Đỗ tâu đề b3n ràng:

Xem bản tâu của Giám sát ngu95 su93 Đạo Sơn Nam [74b] Nguyễn Dương Kỳ nói rằng, lại viên các châu huyện nơi biên thuỳ xa xôi thuờng cùng người Man đi thu các loại thuế, đã hợp thủy thổ, lại am hiểu tình hình người Man, có thể làm nổi công việc thì nên bổ làm lại ở các châu huyện bản xú. Vua y theo.

Mùa hu, tháng 7, cấm gọi triều đường là "triểu phòng".

Tuyển bổ, duyệt xét các huấn đạo.

Từ nay, nho học huấn đạo các xứ có khuyết thì Lại bộ theo như Lệ trước tâu lên, giao chho Quốc tử giám và quan các nha môn chọn bầu các lại viên là chân nho sinh đã trúng trường và nho sinh tuổi từ 35 trở lên, có học vấn và hạnh kiểm, không phạm lỗi, giao cho Lễ bộ khảo xét, nếu bốn kỳ đều hợp cách cả thì theo lệ mà thuyên bổ.

Tháng 8, ngày mồng 2, có lệnh cho châu huyện chọn đặt Xã trưởng; Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau [75a] và thông gia cùng gả bán chho nhau đều không được cùng làm Xã trưởng trong 1 xã. Nếu đã có Xã trưởng rồi, cũng nên chọn người nào có thể làm được việc thì lưu lại, còn thì tâu lên để cho về hạng cũ.

Ngày mồng 4 là ngày kỵ của Thái Tông Hoàng Đế. Đêm hôm ấy, mưa gió to, nước lũ lên mạnh, trôi hết sản nghiệp của dân.

Tháng 9, lấy Đào Cử làm Hàn Lâm viện thị giảng Đông các học sĩ. Vua ban cho một bộ Thiên Nam dư hạ tập và cho họa lại một bài thơ Lương Giang dạ hứng, lại cho 25 quan tiền.

Ngày 23, sửa lại lệ làm bãi chăn ngựa và tàu nuôi ngựa.

Mùa đông, tháng 11, ngày 17, vua không khoẻ. Dụ cho Đông các dại học sĩ Thân Nhân Trung và Học sĩ Đào Cử ở hành tại2015 rằng:

"Mây bay giữa trời, trăng treo lơ lửng, mây đến [75b] thì trăng mờ, mây đi thì trăng sáng, ai mà chẳng thấy? Nhưng rất ít người diễn tả được. Ta ngẩng nhìn trời cao cảm hứng rung động trong lòng, thể hiện ra bằng ngôn từ, trong đó có câu:

Tố Thiềm hạo hạo ngọc bàn thanh, Vân lộng hàn quang ám phục minh. (Vầng thiềm vằng vặc như mâm ngọc, Mây giỡn hàn quang sáng lại mờ). Người người thường có thể diễn tả được như thế không? Bài thơ của Âu Dương Tu2016 có câu: "Lư Sơn cao danh tiết" (Núi Lư Sơn làm cho danh tiết cao lên), thì Tử Mỹ2017 cũng không làm nổi, duy có ta làm được, có phải là nghĩ càn đâu. Câu thơ vịnh của Thân Nhân Trung, Đào Cử viết:

Quỳng đảo mộng tàn xuân vạn khoảnh,

Hàn giang thi lạc tam canh. (Đảo Quỳnh tỉnh mộng xuân muôn khoảnh, Sông lạnh thơ thành trống điểm ba). Dù Lý, Đổ, Âu, Tô2018 sống lại, vị tất đã làm nổi, duy có ta làm được: Bài thơ Cẩm sắt2019 ngày xưa viết rằng:

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp, Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên. Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ, Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên. (Trang sinh2020 mộng sáng mê hồn bướm, Vọng Đế2021 lòng xuân gửi quyên.

Trăng sáng biển xanh châu lệ ngấn, Lam Điền2022 nắng ấm, ngọc hơi lên). Thực là kỳ lạ, tươi đẹp, thực là tinh tế, có thể sánh với thơ ta [76a] nhưng tươi sáng và trong trẻo thì không bằng câu thơ ta. Có phải ta chơi một chữ lạ để cho là hay, khoe một chữ khéo để cho là đẹp đâu? Chỉ nói thật, nói thẳng như Âu Dương Tu thôi, các ngươi bảo thế nào?".

Ra sắc chỉ cho các trưởng quan nha môn của nội ngoại quản giáp phủ, Cẩm y, Kim ngô, Điện tiền, Thần vũ, Hiệu lực, Ngũ phủ đô đốc, Đô tổng binh sứ phải hiệp đồng lựa chọn các tướng hiệu dưới quyền mình, người nào có công lao đánh dẹp, trung tín đáng dùng, hoặc am hiểu thao lược, tinh thông võ nghệ, cùng là người có tài năng, tri thức, liêm khiết, giỏi giang, siêng năng, minh mẫn mới cho tại chức. Nếu kẻ nào tham ô, hèn kém, không có công lao gì, cùng những kẻ bợ đỡ được dung thân, cầu mong vô liêm sĩ thì tâu lên để truất bỏ. Hạn đến thượng tuần tháng 12 phải tâu lên. Đồng thời, huấn luyện binh lính cốt [76b] ở tinh nhuệ, chuyên sâu vỗ về quân dân phải cho điều hòa nhàn mệt. Người nào dám lựa chọn không thựa, huấn luyện không chăm, để cho tướng hiệu còn nhiều kẻ bỉ ổi tham nhũng, binh lính còn nhiều tên bỏ trốn thì giám sát của Lục khoa và xá nhân vệ Cẩm y thân hành điều tra rồi hặc tâu lên để trị tội.

Tháng 12, ngày mồng 6, dựng bia đề tên các tiến sĩ khoa Bính Thìn, năm Hồng Đức thứ 27.

Đinh Tỵ, [Hồng Đức] năm thứ 28 [1497], (Minh Hoằng Trị năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 5, ra lệnh rằng: Các hạng thuế năm nào thu nộp năm ấy, đến cuối năm phải nộp đủ, không được như trước thuế năm nay sang năm mới thu.

Ngày 22, cấm các lại viên thay phiên ở nha môn và xã nhận trực ngoài, nếu không phải là phiên trực thì không được viện cớ tự tiện ở lại nha môn để làm bậy.

[77a] Ngày Tâm Mùi 29, vua ốm nặng, bèn tựa kỷ ngọc, lệnh cho Hoàng thái tử lên nối ngôi. Vua lúc sắp băng, có bài thơ tự thuật rằng:

Ngũ thập niên hoa thất xích khu, Cương trường như thiết khước thành nhu. Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ, Lộ ấp đình tiền lục liễu cồ,

Bích hán vọng cùng vân diểu diểu, Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du. Bồng lai sơn thượng âm dung đoạn, Băng ngọc u hồn nhập mộng vô? (Năm chục hoa niên bảy thước thân, Lòng như sắt cứng bỗng mềm dần. Gió lay khô héo hoa bên cửa, Sương dãi gầy mòn liễu trước sân. Trời biếc xa trông, mây thăm thẳm, Kê vàng tỉnh giấc đối bâng khuâng. Khuất lời cách mặt, non bồng vắng, Băng ngọc du hồn nhập mộng chăng?). Ngày Nhâm Tý 30, vua băng ở điện Bảo Quang. Ngày hôm ấy, gươm thần, ấn thần điều biến mất.

Vua sinh được 14 hoàng tử: Con trưởng là Hoàng thái tử Tranh, các con thứ là Lương Vương Thuyên, Tống Vương Tung, Đường Vương Cảo, Kiến Vương Tân, Phúc Vương Trang, Điễn Vương Thông, Quảng Vương Tảo, Lâm Vương Tương, Ứng Vương Chiêu, Nghĩa Vương Cảnh, Trần Vương Kinh, Triệu Vương Toan, Kinh Vương Kiện, Hoàng nữ 20 người.

Khi còn sống, vua [77b] dựng điện Tử Hà, điện Bảo Văn, điện Kim Loan, điện Bảo Quang, tẩm điện Lam Sơn.

Khi vua mới lên ngôi, dâng tôn hiệu cho Nhân Tông, đặt huy hiệu cho Tuyên Từ. Đào Biểu tử tiết thì đặc ân nêu gương, Đắc Ninh theo nghịch thì nghiêm khắc giết bỏ. Những chính sự phiền nhiễu đều bãi hết, những hình pháp bạo ngược đều bỏ cả. Vì thế, mới sửa chữa luân thường cho mọi người, chỉnh đốn được giường mối của nhà vua.

Vua từng dụ các quan trong triều rằng:

"Trẫm có hai sai lầm, một là chính lệnh ban ra vi phạm đạo lý, hai là ngồi giữ ngôi không, nhiễu loạn việc trời. Tuy các chức trong ngoài khó lòng nêu hết được, nhưng hãy nói về những người nổi bật hơn cả. Đô đốc Lê Luyện như bù nhìn tượng đất, sao có thể gọi là hạng đội mũ tròn, đi hia vuông2023 được. Thái sư Đinh Liệt, Thái phó Lê Niệm làm đế tam công, mà không thấy có việc gì là điều hòa âm [78a] dương, sửa việc nước, bàn đạo trời, cũng chưa từng tiến cử được một người quân tử, đuổi bỏ được một kẻ tiểu nhân, chẳng như câu chế giễu của người xưa "áo mặt da cừu mà nhởn nhơ thoả thích" đó sao?".

Sử thần Vũ Quỳnh nói: Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài, đại lược, võ giỏi văn hay mà cái học củas thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh, sử, các lịch, toán, những việc thánh thần, không có gì bao quát tinh thông. Văn thơ thì vượt trên cả những khuôn mẫu của các văn thần. Cùng với bọn Nguyễn Trực, Vũ Vĩng Mô, Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ biên soạn bộ Thiên Nam dư hạ, tự đặt hiệu là "Thiên Nam động chủ", "Đạo Am chủ nhân". Lại sùng chuộng nho thuật, nâng đỡ nhân tài. Khoa thi chọn kẻ sĩ không phải chỉ có 1 khóa, lệ định 3 năm một lần thi lớn là bắt đầu từ xưa. Người hiền tài chọn được [78b] nhiều hơn cả đời vua. Văn võ đều dùng, tuỳ theo sở trường của từng người. Vì thế, có thể sửa dựng chính sự, chế tác lễ nhạc, hiệu lệnh văn chương rõ ràng, có thể cho người sau noi theo.

Trước đây, khi vua còn làm phiên vương, vẫn tự giấu tài; đến khi nước gặp đại biến, các quan lật đật đón lập lên. Khi vào nối đại thống, vua biết bọn Đồn, Ban đã bị giết, nhưng Lạng Sơn thân vương lại bị hại, ngài bùi ngùi không vui, cò lòng thương xót, trách là cốt nhục tương tàn để cho người ngoài lợi dụng, anh em một nhà đều bị tai họa.

Ban đầu, vua không lấy việc được làm vua là vui, cũng không vì những biến cố lúc đó mà lo. Cho nên, hào kiệt bấy giờ, ai cũng suy tôn, kính phục. Các tướng lĩnh rông rỡ kiêu ngạo lần lượt bị giết, vì thế, lấy tội lỗi người trước làm gương, trong ngoài đều nghiêm cẩn. Đặt hai vệ Cẩm y, Kim ngô [79a] các ty Thần vũ, Điện tiền..., lấy người thân làm chức chỉ huy, dùng họ nhà mẹ làm việc duyệt xét. Lại chọn bề tôi tin cẩn để làm nanh vuốt tay chân, như bọnNguyễn Phục, Hàng Nhân Thiêm, Đỗ Hùng, Vũ Lân đều hầu quanh tả hữu. Vua chỉ rũ áo khoanh tay mà trong nước yên ổn.

Vua lại nghĩ giặc Chiêm đời đời vẫn là mối lo của ta, ngày nay không diệt đi, sau này làm gì được nó. Thế là phía nam thì đánh Trà Toàn mà lấy lại bờ cõi nó, phía tây thì đánh Nhã Lan mà quét sạch sào huyệt nó. Đánh Sơn Man mà uy thanh vang dội phương Bắc, đánh Bồn Man mà đất đai mở rộng phía tây. Quy mô xếp đặt, công nghiệp trung hưng, có thể sánh vai với Thiếu Khang nhà Hạ, nối gót được Tuyên Vương nhà Chu, mà khinh hẳn Quang Vũ nhà Hán, Hiến Tông nhà Đường là hạng dưới vậy.

Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu2024 [79b] bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng.

Bài tán viết rằng: (Bọn Thân Nhân Trung soạn).

Đức vua Thánh Tông, Nghiệp lớn thừa kế. Lịch số về mình, Thần dân thỏa chí. Giữ báu nắm phù, Phát lệnh chính vị. Giữ trung: học tổ, Dựng cực: thừa thiên. Nhân bồi hậu thế, Hiếu kính tổ tiên, Văn sáng Khuê, Bích, Học sâu uyên nguyên. Theo điển, dùng lễ, Lánh gian, thân hiền. Trị nước, chín kinh, Dùng quan: tám bính2025 . Triệu dân vỗ yên. Trăm việc chấn chỉnh. Văn giáo rộng ban, Vũ công đại định, Sơn Lạo trốn xa, Bồn Man theo mệnh. Duy giặc Chiêm ấy. Truyền kiếp cừu thù. Cõi Nam quấy rối, Xâm chiếm bốn châu. Quân hổ kéo tới, Thuyền rồng ngồi cao. Chà Bàn [80a] cháy trụi,

Thi Nại huyết lưu. Trà Toàn nộp mạng, Thanh miếu dâng tù. Muôn dặm mở đất, Nghìn xưa trả thù, Ngu xuẩn Lão Qua, Chống lại thanh giáo. Vua nổi thịnh nộ, Dấy quân chinh thảo. Cờ mao phất lên, Giặc đều quay giáo. Trúc chẻ, tro bay, Quét tan hang cáo. Ba cõi lặng yên, Chín di thông đạo, Thịnh ngang Hoàng Đế2026 , Tục sánh Ngu Chu2027 . Nhân sâu, ơn nặng, Trải bốn mươi thu. Tháng 2, ngày mồng 1, Hoàng thái tử xuống lệnh dụ các bậc công, hầu, bá và các quan văn võ rằng:

"Thánh phụ Hoàng Đế, mở vận trung hưng rực rỡ, làm trọn công liệt người trước, ở ngôi 38 năm, khuya sớm, kính cẩn siêng năng. Đến ngày 27, tháng 11, mùa đông năm ngoái, bị chứng phong thũng, tới giờ Thìn ngày 30, tháng giêng năm nay băng ở cung Bảo Quang.

Ta [80b] thương nhớ đau xót, đã tạm cáng đáng các việc trong cung. Các thần dân trong ngoài đều giữ chức phận như cũ, sáng sớm mỗi ngày tới cửa Đông Trường An đợi lệnh, chờ hữy ty chọn ngày làm lễ. Đặc dụ cho các khanh biết. Lại yết bảng cho các quan văn võ biết, khi triều tham đều phải đội mũ sa đen, mặc áo cổ tròn màu đen, tiến đến ngoài cửa Cảnh Môn, mỗi buổi sáng một lần, đợi làm lễ như nghi thức".

Ngày mồng 3, làm lễ khóc. Hoàng thái tử dụ các triều thần rằng:

"Con sinh ra 3 năm mới khỏi cha mẹ bế ẵm trong lòng. Vì thế, ngày xưa để tang cha mẹ, có quy định là 3 năm. Trên từ Thiên tử, dưới đến thứ dân đều theo thế cả. Hán Văn Đế không theo phép cổ, có di mệnh để tang ngắn hạn, lấy ngày thay cho tháng. Từ đó về sau, người ta theo mà làm. Như vậy là vứt bỏ điển lễ, xem nhẹ luân thường, rất không đáng theo. Các tiên thánh nước ta, tuy có theo lễ mà làm, nhưng các lễ tiết trong đó [81a] cũng chưa phục cổ hết. Nay Thánh thượng Hoàng đế lìa bỏ trăm họ lên chầu Thượng đế, ta rất đau đớn xót thương, báo đức không thể nào cho cùng. Các khanh nên nghị bàn tang chế ba năm để nguôi lòng ta nhớ tiếc".

Đại thần và các quan đều rập đầu thưa rằng: "Hiếu là gốc lớn của đạo trị thiên hạ. Nay điện hạ theo được đạo hiếu, tôn nối luân thường, dẫu Đế Thuấn là bậc đại hiếu, Vũ Vương là bậc đại hiếu2028 cũng không hơn được, bọn thần đâu dám không tuân lệnh thi hành".

Bấy giờ mới định tang 3 năm. Tất cả những việc liệm, quàn, lễ điện, đều theo lễ cổ. Lệnh cho dân chúng trăm họ phải để tóc dài theo tang phục trăm ngày. Nếu là các quan và các hộ vệ thì để tóc dài theo tang phục 3 năm và đều mặc áo mộc trắng, khi ở nhà làm việc thì mặc tạm áo xanh cũng không cấm. Ngoài trăm ngày thì dùng áo xanh hay áo đen, [81b] không được dùng màu hồng và màu lục. Các

quân dân nam nữ ở phủ Phụng Thiên và trong nước đều phải mặc áo trắng mộc, hoãn lấy vợ lấy chồng trong 3 tháng.

Triều thần là bọn Định Công bá Trịnh Công Đán khuyên Hoàng thái tử lên ngôi, nhưng không được nghe.

Ngày Mậu Dần mồng 6, Thái bảo Bình Lương hầu Lê Chí, Binh bộ thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán, Tây quân đô đốc phủ tả đô đốc Sung Khê bá Lê Vĩnh tới điện Hoằng Văn kính đón Hoàng thái tử lên ngôi, đổi năm sau thành năm Cảnh Thống thứ 1.

Ngày mồng 8, cấm mua hiếp và kén tiền. Xuống chiếu rằng:

"Các nữ sử ở phủ, cung nhân cung Thiên Hòa và nô tỳ ở các phủ thân vương, công chúa, các nhà đại thần có mua thứ gì của người dân nhà quê bán trong chợ, không được quen thói cũ, mượn tiếng công mưu lợi riêng, ức hiếp mua rẻ và lấy bừa không trả tiền. Từ [82a] nay, dân chúng mua bán hàng hóa gì và người kiểm thu các loại tiền nộp vào kho công, nếu đồng tiền ném xuống đất có tiếng kêu, còn xâu lạt được, tuy có sứt mẻ vành cạnh một chút, thì từ nay nhất loạt phải nhận dùng cả, không được quá kén hoặc không tiêu".

Ngày mồng 10, dụ Lục khoa và Ngự sử đài giám sát rằng:

"Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất hiếu, đó là việc lớn của chính trị. Cho nên, dùng người hiền không lưỡng lự, bỏ kẻ gian không chần chừ, đời Đường Ngu do đó mà đổi thay được phong tục. Biểu dương người tốt việc hay, loại bỏ kẻ xấu điều dở, Thành Chu do vậy mà làm nên thịnh trị thái bình.

Trẫm mới lên ngôi, chọn người cai trị, mong được bậc hiền tuấn để giúp rập nên công. Song còn lo quan các nha môn tốt xấu lẫn lộn, trung nịnh không phân, nếu không khu xử sao tỏ khuyên răn được? Bọn các ngươi giữ giường mối của triều đình, làm [82b] tai mắt của Thiên tử, tiến người hay, bỏ kẻ dở là chức phận phải làm. Nên thể theo lòng trẫm, mỗi người đều phải tuân theo phép công.

Kể từ nay, các nha môn trong ngoài, nếu có ai liêm khiết, có tài, trung trực đáng khen thưởng cất nhắc, cùng những kẻ tham lận bỉ ổi, không làm nổi việc, đều phải xét rõ sự thực, kê tên tâu lên. Ai dám a dua theo nhau, hay vì thù riêng, trao đổi đút lót, mà xếp đặt không đúng thì sẽ bị trị tội nặng không tha".

Ngày 13, hkoan giảm thuế khoá tạp dịch, và cho quân dân vay thóc.

Xuống sắc chỉ cho các huyện trong ngoài rằng:

Chợ nào to đã có ngạch thuế thì cứ theo như trước, chợ nào chưa có ngạch thuế thì không được biên thêm vào ngạch. Còn ở Nghệ An thì các sắc quân, dân, những người không vợ, goá chồng, đói rét, bệnh tật, tàn phế, nếu có ai thiếu ăn thì hai ty Thừa, Hiến giao xuống cho các quan phủ huyện, kê khai ngay họ tên những người ấy làm bản tâu lên cấp cho thóc công chứa trong kho, mỗi người 100 [83a] thăng, đến khi lúa chín sẽ chiếu theo số thóc vay mà thu nộp.

Ngày 16, ban bố tên huý của vua là Tranh và tên huý của Thái hậu là Hằng.

Ra lệnh rằng quan viên lại điển, người nào có khoa mục và thi hội trúng trường, thi hương trúng thức cùng các giám sinh, nho sinh, sinh đồ thì gặp tang cha mẹ mới được chịu tang.

Ngày 26, bổ Đào Cử làm Hàn lâm viện thị độc Đông các học sĩ, Dương Trực Nguyên làm Đông các hiệu thư. Bấy giờ trời có đại hạn, Trực Nguyên dâng thư xin vua sửa đức để cứu vãn thiên tai.

Sai Hộ bộ nghị bàn tăng thêm thu61 của các hộ lấy đồng để đủ dùng việc quân.

Tháng 3, ngày mồng 6, định lệ thuế của đàn bà khiêng kiệu; lệ nộp vàng và nộp trứng tằm.

Định lệ thuế mắm muối.

[83b] Ngày 12, vua dụ các thân vương, công chúa, công hầu, bá, phò mã, các quan văn võ rằng:

Bọn nô lệ hèn kém thường ỷ thế làm bậy, người nào chứa chấp bao che phải nên răn bảo, nghiêm cấm. Kể từ nay, các phủ nha, hoặc các nhà quyền quý có nô tỳ, làm nhà ở Phụng Thiên, hoặc có ruộng đất ở phủ huyện các xứ đều phải nêu rõ là nô tỳ công ở phủ, nha nào, là nam nhân, nữ nhân của nhà họ nào. Nha môn phủ ấy và chủ quản giám phải tự kiểm soát, đúng là nô tỳ của bản quan thì mới cho ở. Nếu ở hỗn tạp thì phải đuổi cho hết. Phải khai báo họ tên số mục của nô tỳ, đưa tới quan phủ huyện mình để có bằng cứ mà kiểm soát.

Ngày 16, xuống chiếu rằng: Từ nay, quan tuần ty ở dọc biên giới, nếu có khuyết viên nào, thì Lại bộ chọn [84a]b lấy người Kinh nào ở địa phương gần đây có chiến công đánh giết được giặc, đáng được bổ dụng và quen thủy thổ để thuyên bổ.

Ngày 20, ra sắc chỉ rằng: Kể từ nay, Lục khoa cấp sự trung và Giám sát ngự sử có khuyết viên nào thì Lại bộ chọn các quan trong ngoài, người nào có chân tiến sĩ xuất thân, mà liêm khiết, siêng năng, cương trực, có công lao cho thuyên bổ nhậm chức. Sau một năm, Lục khoa cấp sự trung hiệp đồng khảo hạch tâu lên những công việc viên đó đã làm, đợi lệnh. Người nào dùng được thì để lại, người nào không dùng thì đổi bổ chức khác. Lục khoa cấp sự trung không công bằng thì cho Đô ngự sử soát xét lại những việc đã làm, tâu lên đợi lệnh. Người nào dùng được thì để lại, người nào không dùng thì đổi bổ chức khác. Nếu Đô ngự sử đài khảo hạch không công bằng, thì quan Lục khoa đem sự thực hặc tâu lên. Nếu Lại bộ thuyên bổ không [84b] đúng, khoa đài dung túng bao che cho nhau, thì đều nhất loạt giao xét để trị tội.

Định lệnh điều lên chức khác. Kể từ nay, Thủ lĩnh các nha môn phủ huyện, châu bên ngoài có ai được điều lên chức khác thì Lại bộ tự cho người coi nha môn đó điều tra rõ ràng, nếu quả là liêm khiết, siêng năng, giỏi giang làm được việc, không bỏ thiếu các công việc công nơi trị nhậm, thì mới được điều lên chức khác.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 13, chuẩn y lệnh cấp tiền bổng theo kỳ, theo phiên.

Ngày 17, nhắc lại lệnh cấm kiện vượt cấp.

Ngày 26, định lệnh thăng bổ chức đô lại, đề lại, điển lại.

Định lệnh sai đi làm việc gì phải có chữ duyệt.

Định lệnh chọn bổ các chức vụ khó khăn. Như các huyện Lôi Dương và Lương Giang phủ Thiệu Thiên là [85a] những nơi chức nhiệm khó khăn, kể từ nay, nếu khuyết viên nào thì Lại bộ chọn lấy người nào liêm khiết, có tài, cương trực, siêng năng làm việc mà thuyên bổ.

Ngày 28, định lệnh đổi đi nơi khác. Như các viên quản quân, quản dân ở Nghệ An, nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở gần nha môn mình làm việc, thì Lại bộ điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay.

Lại xuống chiếu rằng: Từ nay, các chức quản quân, quản dân ở các xứ, Lại bộ không được lấy người quê quán ở bản xứ, có nhà gần nơi mìmh cai quản mà thuyên bổ.

Tháng 5, ngày mồng 3, xây Đãi Lậu viện.

Trước đây, Thái Tổ làm Đãi Lậu viện ở ngoài cửa Tây. Thái Tông, Nhân Tông đều nhân đó theo. Thánh Tông làm thêm hai dãy nhà ở ngoài cửa Đại Hưng.

Đến đây, đặc cách ra lệnh cho Ngũ phủ sai phái kỳ quân xây dựng Đãi Lậu viện ở ngoài cửa Đại Hưng [85b] gồm 2 dãy, mỗi dãy 3 gian 2 chái.

Ngày 14, cấm quan lại và dân chúng không được dùng các thứ ngọc như thủy tinh... để làm những thứ như mũ, ống nhổ...

Định lệnh truy thu thuế bông vải mùa hạ của nữ đinh.

Tháng 6, ngày mồng 8, cấm sử dụng tiếm vượt những đồ phi pháp như các đồ vật có nạm khắc vàng bạc, sơn vẽ rồng phượng.

Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 3, định lệnh chọn bổ thôi quan2029 . Từ nay, thôi quan ở Thừa ty các xứ có khuyết viên nào thì Lại bộ chọn lấy quan các nha môn, người nào đã qua hai kỳ khảo khóa trở lên, liêm khiết, có tài, từng trải, am hiểu hình danh mà thuyên bổ.

Ngày 28, định lệnh phát quân nhu cho quân theo hầu.

[86a] Tháng 9, định lệ phong tặng, tập ấm cho các quan văn võ: Văn giai, truy phong cha mẹ thì lui 1 bậc, như chánh nhất phẩm thì cha được chánh nhị phẩm...

Mùa đông, tháng 10, ngày 26, bọn Hộ bộ thượng thư Ngạc Hối vâng theo nghị định mới, định lệ cấp tiền lương.

Tháng 11, sai sứ sang nhà Minh. Hộ khoa đô cấp sự trung Phạm Hưng Văn và Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Đức Thuận báo tang; Hàn lâm viện hiệu lý Phan Tông, Phạm Khắc Thận, Nguyễn Đình Tuấn cầu phong.

Đặt chức Thủ ngự tại Bình Lục và Lạc khư thuộc đô ty Lạng Sơn.

Định lệ binh biên giới. Kỳ quân các xứ dọc biên giới, nếu cha con, anh em, người cùng xã, cùng [86b] thôn mà phân tán ghép vào quân các vệ, sở khác nhau thì đến khi làm sổ quân tịch, phải đối chiếu mà biên chế về cùng đội ngũ một vệ để tiện kiểm soát.

Lấy Lê Năng Nhượng làm Điện tiền đô kiểm điểm, Cống Xuyên bá, Lê Nhuận làm Tứ vệ đề đốc Dung Hồ bá, Chu Trấn làm Hữu đề điểm.

Tháng 12, ngày Tân Mão 24, dâng tôn hiệu cho Đại Hành Hoàng Đế là Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng Đế, miếu hiệu là Thánh Tông.

--------------------------------------------------------------------------

Ghi chú:

2006 CMCB 23 chép là "dựng điện Thạch Thất".

2007 Quân chính; các điều lệnh của quân đội bấy giờ.

2008 Quân giới: các điều kỷ luật trong quân đội bấy giờ.

2009 Nay là khu vực Cửa Nam, Hà Nội

2010 "Quảng văn" có nghĩa là "truyền bá rộng"

2011 Quỳnh uyển cửu ca: có nghĩa là "chín khúc ca trong vườn Quỳnh".

2012 Đầu đề của 9 bài thơ đó là: 1 - Phong niên (năm được mùa), 2 - Quân đạo (đạo làm vua, 3 - Thần tiết (tiết tháo người làm tôi), 4 - Minh lương(vua sáng tôi hiền), 5 -Anh hiền (người tài giỏi), 6 - Kỳ khí (người tài ba), 7 - Thư thảo (viết thảo), 8 - Văn nhân, 9 - Mai hoa.

2013 Theo Cương mục, miếu Hoằng Hựu ở huyện Lương Giang, Nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

2014 Bãi Thúy Ái: ở phía nam sông Hồng, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

2015 Dịch theo nguyên văn. Chữ "hành tại" ở đây có lẽ thừa.

2016 Âu Dương Tu: là một nhà thơ đời Tống, nổi tiếng về thơ và từ.

2017 Tử Mỹ: là Đỗ Phủ, nhà thơ lớn thời Đường, Trung Quốc.

2018 Lý: tức là Lý Bạch, Đỗ: tức là Đỗ Phủ, nhà thơ lớn thời Đường, Âu: tức là Âu Dương Tu; Tô: tức là Tô Đông Pha, nhà thơ nổi tiếng thời Tống.

2019 Bài thơ Cẩm sắt là của Lý Thương Ân thời Đường, Trung Quốc.

2020 Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm, khi tỉnh dậy, mơ màng không biết mình là bướm hay chính là Trang Chu.

2021 Vọng Đế: là vua nước Thục, Trung Quốc, tương truyền ông vua này bỏ nước đi ở ẩn, sau lại hối hận, nên khi chết hóa thành chim đô quyên tức chim cuốc, kêu suốt mùa xuân và chỉ kêu một tiếng "quốc" (nước).

2022 Lam Điền: là tên một ngọn núi, ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, tương truyền là nơi sản sinh ra ngọc quý.

2023 Đội mũ tròn, đi hia vuông: là võ tướng, ý nói không xứng đáng làm võ tướng.

2024 Trường Lạc hoàng hậu: tức bà Nguyễn Hằng con gái Thái uý Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung mẹ Hiến Tông.

2025 Tám bính: theo sách Chu Lễ là : 1. Tước (ban chức tước cho bầy tôi); 2. Lộc (cấp bổng lộc); 3. Dự (khen thưởng); 4. Tri (đặt quan chức); 5. Sinh (nuôi dưỡng người có công lao); 6. Đoạt ( thu lấy tài sản, chức tước của kẻ có tội); 7. Phế ( phế bỏ, đuổi đi); 8. Tru (trị tội).

2026 Hoàng đế: Một ông vua nổi tiếng trong truyền thuyết của Trung Quốc.

2027 Ngu Chu: thời đại của Ngu Thuấn và Chu Văn Vương, được coi là thời kỳ "thịnh trị" lý tưởng, theo quan niệm của sử gia phong kiến.

2028 Người có lòng hiếu bềnvững, khắp thiên hạ ai cũng thừa nhận.

2029 Thôi quan: chức quan phụ trách việc bắt giữ các phạm nhân.