TẤM THẺ CĂN CƯỚC ĐỊA CẦU


Từ năm 1950 đến năm 1970 nhờ vào sự tiến triển đồng thời của khoa vật lý thiên thể, địa cầu học, sinh vật học và cổ sinh vật học, những khái niệm tưởng chừng bền vững nhất về bản chất của thiên nhiên, của trái đất, của sự sống và ngay cả của con người đã bị đánh đổ. Những tiến bộ có tính cách mạng này đã cho phép xuất hiện một ý thức toàn cầu mới.

Từ một vũ trụ đến một vũ trụ

Trong thời gian suốt mấy nghìn năm, trái đất đã là một trung tâm tối cao của vũ trụ. Mặt trời và các hành tinh khác quay xung quanh nó một cách kính cẩn. Các nhà thiên văn học thời cổ đại đã quan sát vũ trụ này, cái hệ thống thiên thể Ptolémée (Ptô-lê-mê) mà giá trị còn tồn tại đến gần đây đã chứng minh điều đó.

Rồi với Copernic, Kepler, Galileo quả đất đã không còn là trung tâm vũ trụ nữa mà thành một hành tinh hình cầu quay xung quanh mặt trời như những hành tinh khác. Nhưng mặt trời vẫn còn ở trung tâm của tất cả mọi thứ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, vũ trụ vẫn còn tiếp tục vâng theo một trật tự tuyệt vời, chứng tỏ một sự toàn mỹ của đấng sáng tạo. Newton (Niu-tơn) đã đề xuất những định luật bảo chứng cho cái vũ khúc hài hòa của guồng máy thiên thể. Vào đầu thế kỷ XIX, Laplace đã đuổi đấng thượng đế - tạo hoá ra khỏi cái vũ trụ tự lực cánh sinh này, cái vũ trụ tưởng chừng như đã trở thành một bộ máy hoàn hảo cho vạn đại. Đến đầu thế kỷ XX, nó vẫn còn hoàn toàn ở trạng thái tĩnh. Ngay cả khi Einstein (Anh-xtanh) đã bác bỏ tất cả tính trung tâm ưu việt của vũ trụ, nó vẫn còn giữ được tính chất vĩnh hằng, tự mình đầy đủ và tồn tại một cách vô hạn.

Chỉ đến năm 1923 thiên văn học mới khám phá ra sự tồn tại của những thiên hà khác. Những thiên hà này chẳng bao lâu sau lại cũng chỉ là một vài trong hàng triệu những thiên hà khác. Từ lúc đó thiên hà của chúng ta đã bị đẩy ra rìa (mất hẳn tính trung tâm của nó). Vào năm 1929, Hubble (Hub-bơn) phát hiện sự xê dịch về phía đỏ của đường quang phổ chiếu ra từ những thiên hà xa xăm và như vậy đã cung cấp dấu hiệu được kiểm chứng về sự bành trướng của vũ trụ. Những thiên hà xa rời nhau liên tục bằng những vận tốc kinh hoàng, sự xáo trộn này làm đảo lộn trật tự vĩnh hằng của vũ trụ.

Cái vũ trụ không ngừng bành trướng và phân tán này sẽ còn trải qua một cuộc đổi dời lớn hơn nữa trong hậu bán thế kỷ XX. Năm 1965, Penzias (Pen-giax) và Wilson (Win-sân) đã bắt được một tia bức xạ đẳng hướng (cùng từ các hướng - isotrope, ND) đến từ nhiều chân trời vũ trụ, cái âm vang vũ trụ này (bức xạ bối cảnh) chỉ có thể giải thích được bằng những cặn bã hoá thạch của một vụ bùng nổ trước kia và giả thuyết về một vũ trụ mà sự bành trướng phân tán có thể là kết quả của một tai biến ban sơ đã có cơ sở. Từ đó người ta đã giả dụ rằng từ một "sáng quang" (Fiat lux) sơ khởi vũ trụ đã xuất hiện như một hình thức ánh sáng ở một nhiệt độ cao 1011 độ K. Và trong khoảnh khắc, một phần triệu giây đầu tiên đã sinh ra những quang tử cùng với những quác, điện tử, trung vi tử. Rồi, giữa sự xáo trộn kịch liệt và nóng bỏng bắt đầu một quá trình nguội lại từ từ, trong quá trình đó những hạt đã tạo nên những nhân, rồi những nguyên tử khinh khí. Từ nay trở đi vấn đề cần phải làm cho sáng tỏ là: làm sao trong cái vũ trụ ban sơ đồng chất này lại có thể xuất hiện những dị biệt đầu tiên mà chỉ có chúng mới giải thích được sự phân tán của cái vũ trụ ban sơ thành những vũ trụ khổng lồ kích thước không giống nhau, mẹ của các tinh hà và tinh tú. Đó là thông tin mà vệ tinh Cô-bơ (Cobe) đã đem về năm 1992, sau khi phát hiện được những biến hoá cực nhỏ của mật độ vật chất bên rìa vũ trụ xa hằng 15 tỷ năm ánh sáng và có lẽ chỉ ba trăm nghìn năm sau biến cố khai thuỷ (1).

Cũng cùng trong những năm 1960, lúc xẩy ra một biến hoá kỳ diệu của thiên không, người ta thấy trong vũ trụ hiện thời những sự kiện lạ chưa bao giờ tưởng tượng được: chuẩn tinh (quasars) 1963, mạch xung tinh (pulsars) 1968, rồi đến những lỗ đen (trous noirs). Các nhà vật lý thiên văn đã ước đoán rằng chúng ta mới chỉ biết được chừng 10% vật chất, 90% còn lại vẫn nằm ở ngoài tầm đo đạc của các công cụ hiện có. Như vậy chúng ta đang ở trong một thế giới chỉ gồm có một ít tinh tú và hành tinh thấy được, mà thực ra nó còn chứa đựng biết bao thực tại lớn lao chưa thăm dò được.

Và chúng ta đây đang ở vào cuối thiên niên kỷ này trong một vũ trụ mang trong nguyên tắc của nó những "Thần bí", "Khó lường" và "Khó tưởng tượng". Chúng ta đang ở trong một vũ trụ sinh ra từ một tai biến mà tổ chức của nó bắt nguồn từ một sự không toàn mỹ nhỏ nhoi và một sự tàn phá ghê gớm (của phản vật chất). Chúng ta đang ở đây trong một vũ trụ tự sinh, tự sản, tự tổ chức hình thành từ một biến cố ngẫu nhiên ở ngoài tất cả những khả năng hiểu biết hôm nay của chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một vũ trụ mà hệ thống sinh thái cần cho sự tổ chức của nó có lẽ là hư vô (tất cả những gì tự tổ chức đều hấp thụ năng lượng, vũ trụ chúng ta thu hút những năng lượng ghê gớm đến từ sự phun nhiệt ban đầu, nhưng những năng lực này từ đâu đến?). Chúng ta hiện sống trong một vũ trụ đang tự tổ chức trên tiến trình tự giải thể của mình. Chúng ta đang sống trong một vũ trụ đầy dẫy những huyền bí kinh người mà sự huỷ diệt ở ngay giai đoạn hình thành của những phản lạp tử bởi những lạp tử (hạt) nghĩa là sự huỷ diệt gần như hoàn toàn của phản vật chất bởi vật chất, trừ khi, mà điều này còn bí hiểm hơn, có một vũ trụ phản vật chất đi theo một cách bí ẩn cái vũ trụ của chúng ta hoặc là nó chỉ là một nhánh của một thực thể đa hình (plurivers) to lớn.

Chúng ta đang sống trong một vũ trụ (ở biên giới của sự có thể) mà nếu nó không hội đủ mật độ vật chất nhất định nó có thể sau khi ra đời sẽ hoặc co lại hoặc phình trướng mà không sinh ra thiên hà hay tinh tú gì cả. Chúng ta sống đây trong một vũ trụ đầy sự va chạm giữa những thiên hà, đụng và nổ giữa những tinh tú, ở nơi này một vì sao không phải là một quả cầu được định phương vị không gian mà là một quả bom khinh khí nổ chậm, một cỗ máy đầy lửa. Chúng ta ở đây trong một vũ trụ mà sự hỗn mang đang phát huy tác dụng. Trong cái hỗn mang đó, trật tự và vô trật tự liên quan với nhau không chỉ trong sự đối lập mà còn bổ túc cho nhau để sản sinh ra những tổ chức thiên hà, hằng tinh, hạt nhân và nguyên tử. Chúng ta đang ở trong một vũ trụ mà nơi đó có lẽ nhiều điều khó hiểu sẽ được giải đáp, nhưng tính cách đơn thuần máy móc trong quá khứ sẽ vĩnh viễn không bao giờ được khôi phục, cái việc lấy mặt trời làm trung tâm vũ trụ sẽ vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại, mà rồi những hiện tượng còn kinh hồn hơn những cái mà ta đã biết sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Và chúng ta ở đây trong một thiên hà hẻo lánh, dải Ngân hà, sinh ra 8 tỷ năm sau khi thế giới ra đời. Nó cùng với các thiên hà lân cận tựa hồ đều bị hút hởi một khối vô hình khổng lồ gọi là "Khối hấp lực cực lớn" (Grand Attracteur). Chúng ta ở đây trên quỹ đạo của một anh chàng "phó thường dân" trong một đế quốc "Ngân hà". Cái anh "phó thường dân " này bắt đầu xuất hiện 3 tỷ năm sau khi thế giới sinh ra và 5 tỷ năm sau sự hình thành của giải Ngân hà. Chúng ta sống ở đây trên một hành tinh nhỏ bé ra đời cách đây 4 tỷ năm.

Tất cả những điều ấy hôm nay đều được biết, tuy rằng cũng chưa được bao lâu, mặc dù đã được truyền bá rộng rãi qua sách báo và những buổi thuyết trình trên vô tuyến của Hawkins (Hóc-kinx) và Reeves (Rivz), cái vũ trụ không gian ấy vẫn chưa thâm nhập vào được đầu óc của chúng ta. Chúng ta vẫn còn cho rằng mình đang sống ở trung tâm của vũ trụ, trên một miền Đất lớn ở trạng thái tĩnh và dưới một Mặt trời bất diệt. Những triết gia chuyên nghiệp, kể cả những nhà thông thái chuyên nghiên cứu vũ trụ, đối với vấn đề này cũng không hề tỏ ra một chút gì tò mò, ngạc nhiên hoặc bận tâm. Điều này có nghĩa là cái triết học hôm nay đã làm xơ cứng chính sự ngạc nhiên mà từ đó nó sinh ra. Điều này còn có nghĩa là nền giáo dục chúng ta đã làm cho chúng ta tách rời, đóng khung và cô lập thay vì phải chắp nối những tri thức lại với nhau. Nó đã dậy chúng ta nhìn nhân loại với cặp mắt mang lá chắn, tách nhân loại này ra khỏi cái vũ trụ bao bọc nó, ra khỏi cái vật chất đã tạo thành chúng ta.

Cho nên, dù muốn hay không chúng ta vẫn phải hiểu rằng chúng ta từ thế giới này mà ra, rằng tất cả những lạp tử (hạt) trong chúng ta đã được tạo ra ở đó từ 15 tỷ năm, rằng những nguyên tử các-bon của chúng ta đã được hình thành trong một mặt trời sinh ra trước mặt trời hiện nay của chúng ta, rằng những phân tử của chúng ta đã ra đời trên quả đất và có khi đến đây qua những thiên thạch. Chúng ta cũng biết, mặc dù trong thâm tâm chúng ta vẫn muốn phủ nhận, rằng chúng ta là con em của cái vũ trụ này, nó mang trong nó sự ra đời, sự sống và cái chết của chúng ta.

Vì thế chúng ta vẫn chưa thấy rõ vị trí của chúng ta ở nơi nó, vẫn chưa kết nối được những nghi vấn của chúng ta về thế giới này với những nghi vấn trên chính chúng ta. Chúng ta vẫn chưa cố gắng suy nghĩ đến cái số mệnh thuộc về vật chất và địa cầu của chúng ta. Chúng ta chưa thấy được hệ quả của chỗ đứng bên lề, ngoại vi của hành tinh chúng ta và chỗ đứng của chúng ta trên hành tinh đó.

Thế nhưng chúng ta cần phải đặt hành tinh này và vận mệnh chúng ta, đặt cả những tư duy, quan niệm, nguyện vọng, lo sợ, ý chí của chúng ta vào chính cái vũ trụ này.

Hành tinh độc đáo

Hành tinh này là gì, là cái hạt bụi vũ trụ nơi đó sự sống đã nẩy sinh, nơi thảo mộc đã làm ra ôxy cho bầu khí quyển, nơi tất cả động vật lan tràn trên bề mặt, tạo nên một bầu sinh quyển tự tổ chức và tự điều chỉnh về mặt sinh thái, nơi, thoát thai từ một nhánh động vật, nhân loại đã tiến hoá và phát triển?

Cái hạt bụi vũ trụ đó là một thế giới. Một thế giới vẫn bí hiểm từ bao đời nay đối với nhân loại. Nhân loại này tuy lan tràn trên khắp hành tinh mà vẫn ở trong trạng thái cách biệt nhau. Sự thám hiểm có hệ thống trên bề mặt quả đất đã xẩy ra cùng một lúc với sự phát triển của kỷ nguyên toàn cầu và cũng là lúc những thiên đường, người khổng lồ, thần tiên, thượng đế và những thứ ma quỷ khác đều bị đuổi khỏi quả địa cầu để nhường chỗ cho một quả đất của thảo mộc, động vật và con người. Từ thế kỷ XVIII, sự khảo sát khoa học đã xuyên vào lòng đất, con người đã và bắt đầu nghiên cứu bản chất vật lý của quả đất (địa chất học), tính chất của các thành phần quả đất (hoá học), tính chất thần bí của những vật hoá thạch (cổ sinh vật học). Sự hiện hữu của quả đất không chỉ ở bề mặt mà còn ở những chiều sâu. Nó không chỉ ở trạng thái tĩnh mà không ngừng tiến hoá. Người ta khám phá ra là quả đất vốn có một lịch sử riêng của nó (2). Cái lịch sử này hình thành vào thế kỷ XIX (3). Và ở ngưỡng cửa thế kỷ XX, một người Đức, Alfred Wegener (An-phrết Vê-gơ-ne) xây dựng thuyết các lục địa trôi. Cái luận điểm này sau rất nhiều lần bị bác bỏ rồi cũng được công nhận là chính xác nhờ sự thăm dò có hệ thống những đại dương với kỹ thuật đo đạc bằng từ, điện, địa chấn, âm thanh bắt đầu vào những năm 1950.

Chính ở những năm 1960 một quan niệm mới về vũ trụ và quả đất đã ra đời, khoa học địa tầng kiến tạo học về các mảng quả đất đã cho phép tập hợp được những khoa học về địa cầu thành một quan niệm tổng thể. Và trái đất không còn là một quả cầu, một giá đỡ, chân đế mà bắt đầu trở thành một sinh thể phức tạp có đời sống riêng, có quá trình biến đổi và lịch sử phát triển của nó: Cái sinh thể này đồng thời là một động cơ nhiệt không ngừng tự tái tổ chức. Vỏ trái đất bao bọc lớp màng như một lớp trứng mềm, cái màng này lại bọc một hạt nhân nóng bỏng.

Vỏ quả đất chúng ta đã sống và tiếp tục trải qua những biến cố kinh hồn gồm những chuyển động ly khai, tái hợp, tung, hoành, trôi dạt, gặp gỡ, chấn động (động đất), chập mạch (hoả sơn phun lửa), vẩn thạch lớn rơi, đóng băng, tăng nhiệt.

Quả đất từ nơi nào đến? Người ta bắt đầu suy đoán về nguồn gốc của nó chính trong những thập niên cuối của thế kỷ này, người ta không cho rằng nó tách ra từ mặt trời nữa, nhưng là một tập hợp những mảnh vỡ thiên không (4). Như những hành tinh khác, có thể nó đã được tạo thành bởi sự gặp gỡ và kết tụ của bụi bặm vũ trụ chắc là sau khi một siêu sao mới (supernova) nổ, tạo nên "rất nhiều những hành tinh nhỏ". Những hành tinh nhỏ này có lẽ đã gặp nhau rồi kết tụ với nhau ngay trong tiến trình chuyển động của sự hình thành thái dương hệ. Quả đất trên đà hình thành đã trở nên một vệ tinh của cái mặt trời vừa mới sinh ra. Sự tổ hợp lúc đầu còn ở vào tình trạng không đồng chất đã dần tự kết cấu thành lõi và màng rồi trên cái màng này một loại nham tương đã cứng lại mà thành vỏ quả đất.

Quả đất là một bản thể hỗn loạn mà sự tổ chức tự hình thành trong quá trình đối kháng và hợp tác giữa trật tự và phi trật tự. Thời khai thuỷ của nó đã từng bị đầy dẫy những vẩn thạch bắn vào, bị những nham tương trào lên phun khí, những khí này đã tạo ra nước và bầu khí quyển ban sơ, trong khi chất sắt chảy vào trung tâm và ở đấy dưới dạng thể lỏng. Rồi sau đó cũng vẫn ở giữa những sự phun trào và động đất, những cơn bão nổi lên với một nhiệt độ nóng đến 250o. Những cơn hồng thuỷ đã gây ra những xói mòn đầu tiên, đưa đến sự hình thành đá vôi (khí cácbôníc trong khí quyển bị canxi hấp thụ) và làm nhiệt độ giảm xuống.

Từ lúc sinh ra cho đến 2,7 tỷ năm sau, quả đất cực kỳ sôi sục về mặt địa chất, nó phá huỷ và biến đổi tất cả những dấu tích đầu tiên của thuở thành hình. Cái thời kỳ cổ đại này có lẽ là lúc những đại lục đầu tiên đã ra đời và ngay sau đó đã bị xói mòn một cách ghê gớm.

Mãi đến khoảng 560 triệu năm sau, quả đất hình như đã trải qua một thứ Thời trung cổ lâu dài, lúc cái lớp vỏ cổ sơ của nó dần dần được thay thế bởi một lớp vỏ khác làm bằng những trầm tích cứng lại thành nếp rồi bị xói mòn, nhưng được củng cố bằng đá hoa cương, ở trong lớp vỏ mới này là một kết hợp thành mảng, những mảng này vỡ ra thành những lục địa và trôi xa nhau dần. Lý thuyết địa tầng kiến tạo học về các mảng đã cho phép chúng ta hôm nay thấy được hiện tượng phức tạp của sự hình thành bề mặt quả đất với bộ mặt hiện nay sau hai tỷ năm trong đó sự sống phát triển và lan tràn khắp nơi. Thế là một đống rác rưởi vũ trụ đã có một hình thù và được tổ chức để trở thành hành tinh quả đất và trong một cuộc phiêu lưu đầy biến động của bốn tỷ năm, tự nó đã trở thành một hệ thống phức tạp với lõi, màng, vỏ.

Ngày nay hành tinh chúng ta, với các đại lục, đảo, núi, thung lũng, phong cảnh, sông hồ, biển, đại dương, bầu khí quyển, tầng bình lưu, đã trở thành mười phần ôn hoà, chỉ đôi khi mới có vài trận động đất hay hoả sơn phun lửa, vòi rồng, sóng cồn.

Vừa là một hành tinh tuỳ thuộc mặt trời, Quả đất - Thế giới này đồng thời lại được hoàn thiện, cô lập, tự chủ và tìm được sự tự chủ của nó ngay trong tính phụ thuộc của nó. Đó là một hành tinh đã trở thành riêng biệt và cô đơn giữa những hành tinh khác trong thái dương hệ và những tinh cầu của thiên hà. Vì chính ở cái cô đơn riêng biệt ấy, nó đã cho ra đời một cái gì đó cũng cô đơn và riêng biệt trong cả thái dương hệ, trong thiên hà và có lẽ cả trong vũ trụ, đó là: sự sống.

Mảnh đất của sự sống

Trên cái hành tinh tý hon của một mặt trời nhỏ nằm bên bờ dải Ngân hà, một thiên hà lạc lõng trong một đám đang trôi dạt giữa hàng triệu cái khác, những biểu hiện đầu tiên của cái gì đó mà sau này sẽ trở thành sự sống đã ra đời trong những cơn vật vã chuyển mình của dung nham phun chẩy và mưa bão cách đây có lẽ 3,8 tỷ năm.

Người ta sẽ không thể nào hiểu tại sao sự sống lại có thể xuất hiện được giữa một thế giới vật chất nếu vẫn tiếp tục nghĩ rằng cái vật chất sống thì khác về bản chất và mang những đặc tính khác cái vật chất lý-hoá và nó không tuân theo định luật thứ hai của nhiệt động học dẫn đến en-trô-pi (nội chuyển lực), nghĩa là dẫn đến sự phân tán và / hoặc phân giải của tất cả những vật thể vật chất. Song từ năm 1950 trở đi, Watson (Oát-sơn) và Crick (Cờric) khám phá ra mã di truyền ghi trong ADN của những tế bào sống cho thấy rằng sự sống cũng được cấu thành bởi cùng thành phần lý hoá như tất cả mọi thứ của thiên nhiên trên trái đất và nếu có khác thì chỉ khác ở cái tính phức tạp đặc biệt về tổ chức của nó. Vài năm sau, vào đầu những năm 1970, ngành nhiệt động học của Prigorine (Pri-go-rin) đã chứng minh rằng một vài điều kiện bất ổn định nào đó không chỉ có thể tạo nên hỗn loạn và xoáy rối mà còn gây ra những hình thức tổ chức có thể tự tạo và tự tái tạo không ngừng. Do đó, cái việc sự sống đã xuất hiện từ những hỗn loạn và xoáy rối của quả đất là có thể hiểu được.

Vậy là từ đây, ở cuối thế kỷ này, người ta có thể chấp nhận rằng những tổ chức có sự sống là kết quả của sự phức tạp hoá về tổ chức không phải theo đường thẳng nhưng đến từ những gặp gỡ ngẫu nhiên giữa những đại phân tử (5), có lẽ đôi khi ở trên bề mặt của nham thạch (6), nhưng cuối cùng là ở một môi trường lỏng chuyển động xoáy. Nguồn gốc của sự sống vẫn còn là một bí mật mà trên đó không ngừng có những kịch bản mới ra đời (7). Nhưng sự sống chỉ có thể ra đời bằng cách kết hợp ngẫu nhiên và tất yếu mà chúng ta hiện chưa biết được liều lượng ở mức độ nào. Có một sự "liên tục" trong tiến trình phức tạp hoá lý-hoá, nhưng sự liên tục này đã trải qua những bước nhẩy vọt liên tiếp trong đó có sự phân định giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài, có sự trao đổi năng lượng và sự phân hoá của những trao đổi rồi cuối cùng nhất là bước nhẩy căn bản siêu phức tạp hoá từ tổ chức thuần tuý hoá học đến một tiến trình tự tái tổ chức sinh thái (auto-éco-réorganisation). Cái thứ tái tổ chức này lại có khả năng nhận thức (nghĩa là tính toán, thông tin, liên lạc)(8), có thể tự tái tổ chức, tự tu sửa, tự tái tạo, có khả năng tìm được sự tổ chức, năng lượng và thông tin trong môi trường của nó.

Vấn đề ở đây trở thành : làm sao mà một tổ chức như thế lại có thể xuất hiện được trên trái đất? Sự xuất hiện của nó có phải là một sự kiện duy nhất đã xẩy ra nhờ vào những ngẫu nhiên ghê gớm được tích luỹ hay ngược lại chỉ là hiệu quả của một tiến trình diễn biến, nếu không phải là tất yếu thì ít nhất cũng dễ xẩy ra?

Những lý do viện dẫn về hướng có xác suất sẽ như sau:

- Con người có thể làm xuất hiện một cách tự phát những đại phân tử của sự sống trong vài điều kiện nào đó ở trong phòng thí nghiệm.

- Người ta đã tìm thấy các axit amin là chất báo trước sự xuất hiện của sự sống ở những thiên thạch.

- Nhiệt động học Prigorine chứng minh rằng trong những điều kiện bất ổn nào đó, sự tổ chức có thể hình thành một cách tự phát, từ đó các đại phân tử càng ngày càng phức tạp có xác suất được kết tụ với nhau dưới những điều kiện nhiệt động chuyển động xoáy.

- Trong các điều kiện gặp gỡ này sau một thời gian lâu dài sẽ xẩy ra khả năng thúc đẩy một tiến trình chọn lọc dẫn đến những tập thể phân tử bổ túc ARN (axit ribonucleic-ND) hay những protein có năng lực tự sao chép và tự chuyển hoá.

- Trong một vũ trụ với hàng tỷ tỷ tinh tú, cái xác xuất có hàng triệu hành tinh giống quả đất là một khả năng lớn. Nghĩa là khả năng hiện hữu của những sinh vật trong những vùng khác của vũ trụ là một điều có thể xẩy ra.

Về hướng không xác suất thì luận chứng sẽ như sau:

- Bước nhẩy số lượng/ chất lượng (một con vi trùng dù rất nhỏ đi nữa cũng là một dạng phức tạp gồm hàng triệu phân tử) và sự gián đoạn triệt để giữa cái phức tạp nhất trong những tổ chức đại phân tử và sự sống biết tự tái tổ chức sinh thái (mà phải nhắc lại là bản chất nó là biết tính toán, thông tin và liên lạc) làm cho cái sau này có xác suất rất thấp.

- Bản thân tổ chức mang sự sống không có một xác suất nào về mặt vật lý, nghĩa là theo nguyên tắc thứ hai của nhiệt động học, chính sự phân tán những bộ phận phân tử của bản thể sống mới tuân theo xác suất vật chất, điều này đúng là xẩy ra ở lúc chết.

- Nhiều dấu hiệu cho ta nghĩ rằng sự sống đã được sinh ra chỉ có một lần, nghĩa là tất cả những sinh vật chỉ có một và duy nhất một tổ tiên, điều này khiến giả thuyết cho rằng một tình cờ hoàn toàn không có gì chắc chắn đã là nguồn gốc của nó càng có cơ sở.

- Không có một dấu hiệu, một vết tích về sự sống nào trong thái dương hệ, vì chúng ta chưa hề nhận được một tín hiệu nào về nó đến từ vũ trụ.

- Ngoài ra, nếu cho rằng sự sống trên quả đất chúng ta đã là kết quả của một xác suất ghê gớm thì đối với các tinh cầu khác cái khả năng đều được hưởng những điều kiện này là một lý do không đủ vững.

- Chúng ta không thể loại trừ một giả thuyết thứ ba: có lẽ vẫn có những tổ chức rất phức tạp trong vũ trụ, mang những đặc tính như tự chủ, thông minh và ngay cả tư duy, nhưng không được xây dựng trên một cơ sở hạt nhân có protein và có thể sẽ (hiện giờ? không bao giờ?) chúng ta có thể nhận thấy và hiểu rõ được chúng.

Dù sao đi nữa chúng ta vẫn hoàn toàn không có gì chắc chắn về tính ngẫu nhiên hay tất yếu, cần thiết hay diệu kỳ của hiện tượng làm xuất hiện sự sống và điều không chắc chắn này dĩ nhiên có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa đời sống con người chúng ta.

Dù sao đi nữa, sự sống xuất hiện cùng một lúc như là một biểu hiện và một sản phẩm của quả đất.

Dù sao đi nữa, ngay cả như Crick đã giả định rằng những mầm sống (cổ vi khuẩn) bắt nguồn từ ngoài trái đất thì quả đất cũng vẫn là cái nôi của nó.

Dù sao đi nữa, ở giữa thái dương hệ và dải Ngân hà, tình cảnh của sự sống trên địa cầu vẫn là một tình cảnh rất cô đơn.

Dù sao đi nữa, hẳn là có một sự sống đầu tiên đã tự tái tạo, nhân lên, biến đổi dưới những hình thái không đếm xuể, rồi sinh sôi nẩy nở trên trái đất.

Những cổ vi khuẩn, rồi những vi khuẩn đã sinh sôi trong nước, trong không khí, trong đất qua hai tỷ năm và tạo thành cái quyển sinh vật mà tất cả những thành viên từ từ liên lạc với nhau (nhất là bằng cách tiêm ADN từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác). Giữa tương quan trên mặt đất này đã nẩy sinh ra hiện tượng cộng sinh, hiện tượng này đưa đến sự hình thành tế bào có nhân, vi khuẩn và rồi vi sinh, những thứ này kết hợp và tổ chức với nhau để trở thành sinh vật đa bào, thực vật và động vật.

Có khả năng là những tảo đơn bào đã sử dụng năng lượng mặt trời trong quá trình quang hợp. Dù sao đi nữa sự phát triển của thảo mộc đã làm lan tràn dưỡng khí trong bầu khí quyển. Điều này cho phép sự sống bằng dưỡng khí xuất hiện và cho phép thế giới động vật phát triển, và vì không có khả năng quang hợp nên nó bắt buộc phải ăn các sinh vật khác để thu hút năng lượng.

Sự sống lan tràn trên các biển, lên đất liền với muôn loài cây cỏ, lên không trung với chim chóc, côn trùng.

Bắt đầu từ 450 triệu năm trước, sự phân chủng lớn đã cho phép một mối tương quan nhiều mặt giữa động và thực vật. Những động vật ăn lẫn nhau và tạo thành những tổ chức sinh thái hoặc những hệ sinh thái qua mối tương tác vừa có tính đối nghịch vừa cạnh tranh lại vừa bổ khuyết cho nhau (9).

Lịch sử sự sống đã bị chi phối bởi những biến đổi và tai biến của vỏ trái đất. Tương lai của nó không thể tách rời khỏi sự hình thành của các biển và lục địa, của sự nhô lên và xói mòn của núi. Đôi khi, những xê dịch nhỏ về địa lý, khí hậu, sinh thái, di truyền có thể có tác dụng dây chuyền trên toàn bộ. Những hệ thống sinh thái tiến triển với sự giải thể rồi sự tái tổ chức. Những kỷ nguyên nối tiếp nhau trong một biện chứng của thay đổi, của tai nạn và tai họa. Sau sự ra đời và bùng lên của các loài hoa, đã có một sự hợp tác lạ lùng giữa chúng và các côn trùng. Một tai biến trên mặt đất vào cuối thời kỳ Trung đại có lẽ đã cho phép loài động vật có vú phát triển mạnh vì thừa hưởng được khoảng không gian rộng rãi sau khi một sao băng từ vũ trụ chạm vào quả đất gây nên một vực thẳm và dấy lên một màn bụi cát khiến thảo mộc đều héo tàn kéo theo sự diệt chủng của các loài ăn cỏ khổng lồ là những con khủng long.

Từ chỗ rẽ đôi đến phân nhánh, sự sống đã toả ra trong 500 triệu năm với một sự đa dạng cực kỳ: thảo mộc, động vật không xương sống, có xương sống, trong loại có xương sống lại chia ra nhiều nhóm: không hàm, cá, bò sát và có vú. Trong số nhóm có vú này những động vật thuộc bộ khỉ (linh trưởng) đã lan tràn từ 70 triệu năm trước trên Cựu và Tân lục địa lúc hai miền này vẫn còn là một và từ những họ khỉ cao cấp xuất hiện từ 35 triệu năm trước ở châu Phi và bán đảo ả- rập, những tổ tiên của loài người đã ra đời cách đây 17 triệu năm.

Thế là trên quả đất đã hình thành và mọc lên một "cái cây của sự sống", cây này dĩ nhiên không có thân đều đặn với những nhánh đối xứng. Đó là sự trổ hoa thành tán, thành chùm, thành cụm đủ màu sắc và hương thơm, một thứ đầy cành nhánh gốc rễ, vừa cuộn vào nhau lại vừa tách rời.

Cái cây của sự sống đồng thời cũng là lĩnh vực của sự sống. Nó tác động qua lại với những điều kiện địa lý- khí hậu, làm thành nhiều môi trường sinh thái nhỏ (tiền sinh cảnh) mà tất cả hợp lại thành bầu sinh quyển.

Con người, nhánh cuối cùng và kỳ diệu trên cái cây của sự sống ấy đã xuất hiện giữa bầu sinh quyển. Bầu sinh quyển kết nối hệ sinh thái này với hệ sinh thái khác, dần dần đã bao trùm tất cả hành tinh. So với các khoảng cách trong vũ trụ thì nó chỉ là một lớp rất mỏng chứa không khí và sự sống. Và, cũng như bản thân quả đất vật lý đã thai nghén ra bầu sinh quyển, thì chính bầu sinh quyển này đã thai nghén ra nhân loại.

Như thế, sự sống, vì đã ra đời trên quả đất, tất phải liên đới với nó. Sự sống tất phải liên đới với sự sống. Tất cả các sự sống sinh vật đều cần vi khuẩn, thảo mộc và những động vật khác. Khám phá ra sự liên đới sinh thái là một phát hiện lớn gần đây. Không có một sinh vật nào, ngay cả con người, có thể sống mà không cần đến bầu sinh quyển.

Căn cước nhân loại

Một khi những chuyện mang tính huyền thoại về sự ra đời của con người bắt đầu bị nghi ngờ thì nguồn gốc và bản chất của nó sẽ trở thành vấn đề cho nhân loại.

Trong thời hiện đại, con người được xem như một bản thể siêu nhiên, nó chiếm dần chỗ trống mà thượng đế để lại, vì Bacon, Descartes, Buffon, Mác đã cho nó một sứ mạng là làm chủ thiên nhiên và ngự trị trên vũ trụ. Nhưng sau Rousseau (Rút-xô), chủ nghĩa lãng mạn lại đặt con người vào giữa lòng người Mẹ - Thiên nhiên của nó. Theo hướng này, những nhà thơ, nhà văn lãng mạn đã mẫu tính hoá quả đất. Ngược lại những nhà khoa học kỹ thuật lại vật tính hoá quả đất xem như nó chỉ gồm những đồ vật mà con người mặc sức thao túng.

Chủ nghĩa duy lý của thời kỳ ánh sáng có khuynh hướng chỉ nhìn thấy một con người duy nhất với những phẩm chất và đam mê cơ bản giống nhau trong nhiều văn minh khác nhau, nhưng chủ nghĩa lãng mạn, với Herder (Hec-đơ) lại bắt đầu nhấn mạnh trên tính đặc thù mà văn hoá ghi khắc lên từng cá nhân. Cứ như thế mà tính thống nhất hoặc tính đa dạng của nhân loại đã được nhận diện, không phải cùng một lúc nhưng luân phiên nhau.

Trong thế kỷ XIX, những nhà khoa học tự nhiên càng ngày càng nhấn mạnh trên bản chất sinh vật của con người, trong khi đó các nhà khoa học nhân văn lại nhấn mạnh trên bản chất tinh thần và văn hoá. Nhưng những phân chia riêng rẽ giữa các khoa học với nhau và sự đối nghịch giữa những trường phái tư tưởng đã bóp chết quan niệm phức tạp bao gồm cả ba tính chất này (sinh vật, tinh thần và văn hoá) và, vì chỉ coi trọng tính chất mà mình xem là cơ bản, nên khi nhìn từ một góc độ riêng người ta sẽ không hề thấy được những cái khác.

Thêm vào đó bản thân sự xác nhận bởi sinh vật học về tính thống nhất của nhân loại cũng chẳng làm giảm đi chút nào sự phân chia đẳng cấp giữa các loại người thành ra chủng tộc ưu tú và chủng tộc hèn kém. Nếu dưới ảnh hưởng của tư tưởng thời kỳ Anh sáng, chủ nghĩa nhân đạo tây phương thừa nhận sự bình quyền cho mọi giống người thì chủ nghĩa Tây phương trung tâm lại không hề thừa nhận cho những kẻ "bán khai" và "chậm tiến" cương vị của một con người hoàn toàn trưởng thành, đầy đủ lý trí.

Cũng trong thế kỷ XIX, khi sự ra đời của con người không còn được xem như sản phẩm của đấng Thượng đế - Tạo hoá nữa nhưng là kết quả của quá trình tiến hoá sinh vật thì con người lại bị xem là hậu duệ của loài khỉ. Người ta cho rằng sau khi rời thuỷ tổ ra, con người đã khác hẳn nó, chỉ còn giống nhau trên phương diện thân thể và diện mạo. Cho đến năm 1960, con người tinh khôn được xem như đã ra đời một cách đột ngột với bộ óc thông minh, công cụ, ngôn ngữ, văn hoá chẳng khác nào nữ thần Minerve (Mi-nẹc-vơ) đầy trí tuệ được thần Jupiter (Giu-pi-te) vô hình tạo dựng nên.

Nhưng đến năm 1960 thì tính biệt lập của nhân loại đã bị hoài nghi. Janet Van Lawick-Goodall (Gia-nết van Lo-uick Gút-đôn) (10) đã khảo sát rồi Gardner (Gác-nê) và Premack (Pri-mác) đã "nói chuyện" với loài khỉ đen Chimpanzé (hắc tinh tinh) (11), đưa chúng ta về phương diện tinh thần đến gần với loài này hơn và thấy rằng nó không còn là thuỷ tổ mà chỉ là một anh em họ của chúng ta thôi. Trong khi những điều này đưa họ khỉ đến gần con người thì những khám phá của Louis và Mary Leakey (Licây) trong hang Ôn-đu-vai năm 1959 và của con trai họ là Richard (Ri-sa) ở hồ Rodolphe (Rô-đôn-phơ) năm 1972, rồi của Yves Coppens (Y-vơ Cô-penx) trong thung lũng Omo năm 1974 đã đem ra ánh sáng những phân bộ người hai chân cách đây vài triệu năm, với bộ óc 600 centimét khối, đã có thể chế tạo được những công cụ, vũ khí, chỗ ở. Thế là con người tinh khôn không còn xuất hiện cách đây 50 nghìn năm cùng với "vũ khí từ đầu đến chân" nữa, nhưng đã ra đời sau một tiến trình nhân hoá lâu dài cả triệu năm. Những phân bộ người, bây giờ đều không còn nữa, họ cũng đã biến thành người hết rồi. Và chúng ta là những kẻ cuối cùng trong bọn họ, đặc biệt với bộ óc lớn 1500 centimét khối.

Cũng như cuộc sống đã nẩy mầm trên quả đất, do một hoàn cảnh địa phương đặc biệt, con người xuất hiện từ sự sống, từ một nhánh động vật đặc thù, họ khỉ (động vật linh trưởng) sống trên cây ở những rừng nhiệt đới Phi châu. Con người vừa thuộc loại động vật này mà lại vừa khác nó. Đã có một lúc nào đó mà những điều kiện mới và đặc thù của lịch sử quả đất làm biến đổi thời tiết, thu hẹp rừng nhiệt đới, để cho trảng cỏ phát triển ở miền nam Phi châu. Sự kiện này đã đẩy tổ tiên của chúng ta trở thành phân bộ người trong việc phát triển cách đi bằng hai chân, biết chạy, săn bắt và dùng một cách có hệ thống những dụng cụ. Tiến trình biến hoá lâu dài của con người bắt đầu như thế rồi tiếp tục bởi sự sử dụng được lửa bởi những "con người đứng thẳng" (Homo erectus). Tiến trình này càng trở nên nhanh chóng trong 500 nghìn năm gần đây. Con người càng ngày càng sản xuất ra được dụng cụ thích hợp hơn, phát huy được những kỹ thuật săn bắt, xây nhà, may quần áo tốt hơn. Con người còn phức tạp hoá những liên hệ giữa người và người, làm phong phú hơn những sợi dây tình cảm, bè bạn, tình ái giữa đàn ông / đàn bà, giữa bố mẹ / con cái và trong cái tiến trình đa chiều, phân bộ người này đã hoá thân về mặt thể chất, trí não, tâm lý, tình cảm, xã hội: sự ra đời của ngôn ngữ, có lẽ còn trước sự xuất hiện của bản thân con người tinh khôn, đã hoàn tất sự truyền bá văn hoá có tính quyết định cho nhân loại (12).

Con người trong cả quá trình chuyển biến này không phải vì vậy mà có thể nói rằng đã thoát ra khỏi tính động vật của nó. Con người không phải là một "động vật hậu linh trưởng" nhưng là một "linh trưởng siêu cấp", nó đã phát triển được những năng lực rõ ràng, nhưng còn rời rạc, nhất thời, ngẫu nhiên nơi những động vật linh trưởng cao cấp như chế tạo ra công cụ, biết cách săn bắt và đi bằng hai chân. Con người không phải là một hậu động vật có vú nhưng là một động vật có vú siêu cấp, nó đã phát triển được ngọn lửa tình cảm giữa mẹ-con, giữa anh chị em, và gìn giữ được nó cho đến lúc trưởng thành, còn mở rộng nó ra trên tình yêu và tình bạn. Con người không phải là một siêu động vật có xương sống nhưng một động vật có xương sống trung bình, không biết bay, không biết bơi lặn sâu và chạy chậm hơn nhiều so với hổ, ngựa, nai nhưng cuối cùng nó đã vượt qua tất cả những động vật có xương sống trong mọi thành tích bằng cách tạo ra những kỹ thuật cho phép nó đạt được vận tốc trên bộ, trên mặt biển và dưới biển, chuyên chở ở trên không. Con người là một "con vật may mắn sống còn", bởi vì hàng tỷ tế bào tạo nên nó và luôn luôn tự đổi mới của nó đều cùng một họ với cái sinh vật tối sơ kia. Rồi con cháu của cái sinh vật tối sơ đó bằng cách cộng sinh đã cho ra đời những tế bào sinh vật có nhân của thế giới thảo mộc lẫn động vật. Những tế bào cùng họ này cũng là mẹ của những tế bào mà chúng tự sản sinh ra bằng cách nhân đôi. Cuối cùng con người là một siêu sinh vật bởi vì nó đã phát triển bằng phương thức cao cấp một số lớn những tiềm năng của cái tổ chức sống.

Bản sắc sinh vật của nó hoàn toàn thuộc về quả đất, nơi sự sống đã xuất hiện từ những pha trộn hoá học của đất trong nước xoáy dưới trời bão. Và bản sắc lý-hoá của đất vốn có ở tất cả các tổ chức sống mang trong bản thân nó đặc tính vũ trụ đa chủng loại, bởi vì những nguyên tử các-bon cần dùng cho sự sống ở quả đất đã được hình thành trong cái lò dữ dội của những mặt trời có trước mặt trời chúng ta và hàng tỷ tỷ những hạt làm thành thân thể chúng ta đã ra đời cách đây 15 tỷ năm trong buổi tạo lập huy hoàng của vũ trụ chúng ta.

Trong khi những thần thoại của các văn minh khác đều đặt thế giới loài người vào trong thiên nhiên thì "con người tây phương" (homo occidentalis) cho đến giữa thế kỷ XX vẫn còn hoàn toàn không biết và không có ý thức về việc mình mang trên người bản sắc của địa cầu và vũ trụ. Ngay cả đến ngày hôm nay, triết học và nhân loại học ở địa vị thống trị vẫn còn chối bỏ tất cả ý thức và hậu quả của đặc tính động- sinh vật nơi con người. Đối với họ tất cả mọi thừa nhận gốc gác địa cầu, vật lý và sinh vật nơi chúng ta đều là một loại "sinh cơ luận" (vitalisme) phi lý hoặc chỉ là một tà thuyết gọi là "sinh vật chủ nghĩa" (biologisme).

Cái sinh vật siêu cấp tức là con người này đã tạo nên nhiều lĩnh vực của sự sống: đời sống tinh thần, đời sống thần thoại, đời sống tư tưởng, đời sống tâm thức. Và bằng cách sản sinh những hình thức sống mới, tuỳ thuộc ngôn ngữ, khái niệm và ý niệm, nuôi dưỡng tinh thần và ý thức ; nó dần dần đã trở thành xa lạ đối với thế giới sinh vật và động vật. Từ đó chỗ đứng hai mặt của con người đã xuất hiện, một mặt nó hoàn toàn thuộc về bản chất sinh vật vật chất và vũ trụ, mặt khác nó thuộc về văn hoá, nghĩa là cái vũ trụ của tiếng nói, của thần thoại, tư tưởng, lý tính và lương tâm.

Cũng thế, từ cái bản sắc bám rễ xuống địa cầu và nằm trong vũ trụ, rồi còn vượt xa hơn, con người đã gầy dựng nên những bản sắc nhân loại riêng của mình: gia đình, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo, xã hội, quốc gia.

Tính thống nhất của nhân loại

Mặc dù có khác biệt về nhóm gien, về đất đai, cộng đồng, nghi lễ, thần thoại, tư tưởng, các đại diện của con người tinh khôn đều mang một bản sắc cơ bản chung của giống người. Không nói đến việc nó có được sinh ra bởi một ông thuỷ tổ duy nhất hay không, nhưng chắc chắn nó có cùng một loại gien giống nhau khiến cho giữa nam-nữ của bất cứ chủng tộc nào cũng có thể sinh dục-thụ thai được với nhau. Tính thống nhất về gien này, ngày nay đã quá rõ ràng, còn được kèm theo bởi sự thống nhất về thể trạng, về mặt giải phẫu và sinh lý nữa. Tính thống nhất về trí óc của "Con người tinh khôn" còn được thể hiện trong tổ chức đặc biệt của bộ não của nó so với những động vật thuộc bộ khỉ khác. Cuối cùng là tính thống nhất về tâm lý và tình cảm: dĩ nhiên cười, khóc, mỉm cười đều được điều chỉnh, che đậy hay phô bày nhiều cách tùy từng văn hoá ; nhưng dù có khác biệt rất xa giữa những văn hoá và các hình mẫu của nhân cách điển hình, nụ cười, giọt lệ và cái cười mỉm đều có tính phổ biến và tính bẩm sinh, được thể hiện qua những người câm, điếc, mù từ lúc lọt lòng : họ đã biết mỉm cười, cười, khóc mà không cần bắt chước ai cả (13).

Cái cộng đồng lưu lạc của "con người tinh khôn" xuất hiện từ 130 thế kỷ trước đây đã lan tràn trên lục địa Phi châu và Âu á, đã đi qua eo biển Behring (Bêrinh) lúc nơi đây vẫn còn là đất liền cách đây 100 nghìn năm, đến úc châu và Tân Ghi-nê cách đây 40 nghìn năm, cuối cùng đã cư ngụ trên quần đảo Polynésie (Pô-ly-nê-si) vài nghìn năm trước công nguyên.

Mặc dù con người đã tản mát ra trên nhiều miền đất, mặc dù thân thể, mầu da, mắt mũi đã phân hoá khác nhau, mặc dù những lễ nghi, tập tục không giống nhau, mặc dù khó hiểu nhau vì sự phân biệt về văn hoá, ngôn ngữ. Nhưng khắp nơi đều có thần thoại, nơi nào cũng có tính hợp lý, khắp nơi đều có sách lược, phát minh, đều có vũ điệu, tiết tấu, âm nhạc ; ở khắp nơi hoặc phô bầy hoặc che đậy, tùy theo từng văn hoá, cũng chắc chắn đều có lạc thú, tình yêu, âu yếm, tình bạn, cuồng nộ, hận thù. Khắp nơi đều có sự nẩy nở của trí tưởng tượng và dù có đa dạng về thành phần và liều lượng, ở đâu và lúc nào cũng đều có sự trộn lẫn không thể tách rời của lý trí và sự điên rồ.

Bất cứ loài hữu tính nào cũng đều sinh sản ra những cá thể khác nhau, không phải chỉ vì con số hầu như vô hạn của những tổ hợp giữa hai gia sản di truyền, mà còn bởi sự đa dạng của những điều kiện thức ăn, ảnh hưởng và ngẫu nhiên tác động đến sự hình thành của bào thai, rồi đến đứa trẻ sơ sinh. Các giống càng phức tạp thì những đa dạng cá thể càng lớn. Riêng về phần Con người (Homo), sự đa dạng hoá càng bành trướng, nhân lên, tăng cường độ với biến cố, tai nạn của tuổi thơ và tuổi thiếu niên, tuỳ vào sự theo hoặc chống lại ảnh hưởng gia đình, văn hoá, xã hội. Từ khi có chế độ ngoại hôn và cấm chỉ loạn luân, văn hoá càng khuyến khích và gia tăng sự nhào trộn gien. Rồi chiến tranh, xâm lược đã khuyếch đại sự nhào trộn này với những cuộc cưỡng dâm, bắt cóc, bắt làm nô lệ và pha trộn dân cư. Cuối cùng ngay du lịch, gặp gỡ xác thịt và hôn nhân cũng sẽ đa dạng hoá những gien di truyền của các cá nhân trong nội bộ một chủng tộc.

Sự đa dạng hoá cũng biểu hiện trên phương diện tâm lý-văn hoá. Tuỳ theo từng văn hoá mà những thái độ chủ đạo, những cử chỉ hiếu thắng hoặc ôn hoà được biểu hiện. Ngoài ra, trong tất cả văn minh (và nhất là trong nền văn minh của chúng ta) mỗi cá nhân có thể có nhiều nhân cách khác nhau tuỳ tính khí từng lúc và tuỳ từng người mà cá nhân này gặp, phải đối đầu hay chịu đựng (trẻ con, người thân, vợ, người tình, thượng cấp, thuộc hạ, giầu có, ăn mày v.v...); ngay ở cùng một con người sẽ có hai nhân cách hoàn toàn đối nghịch biểu hiện ra trong giận dữ hay trong tình yêu. Mỗi cá nhân đều có một kho tàng nhân cách khác nhau, bình thường ở trạng thái tiềm ẩn, nhưng có thể biểu hiện ra bất cứ lúc nào. Chính cái tính phong phú, đa dạng và phức tạp này cũng đã tạo thành tính thống nhất của con người.

Mỗi một con người là một vũ trụ thu nhỏ. Mỗi cá nhân là một tập hợp rất đông những nhân cách tiềm ẩn. Mỗi trạng thái tâm lý đều có thể tiết lộ hàng lô ảo giác, mơ mộng, tư duy. Từ khi sinh ra cho đến lúc chết, con người sống một bi kịch sâu thẳm, đầy thống khổ, lạc thú, cười vui, khóc lệ, đau buồn, bi thảm, hùng tráng. Mỗi người mang trong mình những kho tàng, những nhược điểm, những thiếu sót, những vực thẳm. Mỗi người đều mang trong mình cái năng lực yêu thương, hiến thân, cừu hận, oán giận, phục thù, tha thứ. Thừa nhận điều này cũng là thừa nhận bản sắc con người. Nguyên tắc của bản sắc con người là tính thống nhất nhiều mặt (unitas multiplex), một tính thống nhất đa phương, về phương diện sinh vật cũng như văn hoá, cá nhân.

Đó là điều mà thơ ca kể cho chúng ta nghe khắp mọi nơi, lại cũng là điều mà văn chương khắp nơi nói cho chúng ta biết. Và, dẫu chúng ta có xa cách nhau về ngôn ngữ, thời gian, văn hoá, chúng ta vẫn có thể qua văn học, thơ ca, âm nhạc, điện ảnh mà cảm thông với người nước ngoài. Cái chất chung tạo thành chúng ta đó mặc dù có đa dạng thế nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhận diện được nó nơi một người tỵ nạn An-ba-ni, một chàng chăn cừu xứ Sardaigne (Sác-đen-nhơ), một tay Samurai, một vị hoàng đế Trung quốc, một kẻ nô lệ La Mã, một gã khốn cùng ở Pa-ri, một tên thủ phạm ở Pe-téc-xbua, cái anh chàng vô tội...

Những khác nhau sinh ra bởi sự đa dạng về ngôn ngữ, thần thoại, văn hoá mang tính chủng tộc trung tâm đã làm lu mờ bản sắc chung có tính sinh vật- nhân loại học. Người cổ sơ nhìn người lạ như thần linh hoặc ma quỷ. Kẻ thù thời hồng hoang, bị giết hay bị bắt làm nô lệ đã trở thành một thứ công cụ sống. Những bức rào che chở của mỗi văn hoá đã tự vây bọc lấy mình trong suốt thời kỳ nhân loại tản cư trên trái đất và từ giờ trở đi vẫn còn để lại những hậu quả ác liệt trong kỷ nguyên toàn cầu của chúng ta. Phần đông những mảnh nhân loại ngày nay đã chạm mặt nhau, đang gờm và đối địch với nhau vì chính sự đụng độ này. Những khác biệt trước kia không ai biết bây giờ đã mang hình thái cổ quái, điên rồ hoặc báng bổ, trở thành lý do của sự hiểu lầm và xung đột. Nhiều xã hội xem nhau như cừu thù và tàn sát lẫn nhau. Những tôn giáo độc thần tiêu diệt các thần linh của tôn giáo đa thần. Và mỗi thượng đế nhất thống, để đánh bại những kẻ cạnh tranh mình s1/2n sàng gửi tín đồ vào nơi dầu sôi lửa bỏng hoặc vào chỗ sát nhân hại mạng. Dân tộc, ý thức hệ đã dựng l ên những rào cản mới, khơi lên những cừu hận mới. Một tín đồ Hồi giáo, một tên tư bản, một tên cộng sản, một thằng phát-xít bỗng không còn là một con người nữa.

Vì vậy trước mắt việc ưu tiên cần làm là thông qua tính đa dạng của nhân loại phải tìm cách phô bầy, công bố tính thống nhất của loài người, bản sắc nhân loại, những điều phổ biến trong lãnh vực nhân loại học.

Chúng ta có thể tìm lại và kiện toàn tính thống nhất của con người, tính thống nhất mà "con người tinh khôn" đã làm mai một trên các nẻo đường di cư qua nhiều đại lục và những đảo, tính thống nhất mà ngay ở kỷ nguyên toàn cầu này vẫn thường bị phủ nhận nhiều hơn được công nhận. Chúng ta phải tìm lại được nó, không phải bằng một sự đồng chất hoá là cái thứ có thể nghiền nát các văn hoá dễ như chơi, nhưng ngược lại bằng cách nhìn nhận đầy đủ và để cho những vẻ đa dạng văn hoá được hoàn toàn phát triển. Điều này không hề ngăn cản tiến trình thống nhất hoá và tái đa dạng hoá ở mức độ rộng lớn hơn.

Vì vậy trong quá trình hình thành một quốc gia, tính đa dạng của các sắc tộc ngoại vi sẽ bị hội nhập, tuy có bị yếu đi, nhưng chúng không hề bị tiêu diệt. Sự đa dạng sẽ đóng góp làm cho tính thống nhất quốc gia được lớn hơn. Đó là nguồn gốc của những đa dạng mới hơn nữa giữa những văn hoá quốc gia. Cũng tương tự, ngay cả vào giai đoạn siêu-quốc gia, chúng ta cũng không nên tiêu diệt những đặc thù quốc gia, nhưng cần phải tước bỏ cái chủ quyền tuyệt đối của guồng máy Nhà nước, khích lệ sự lai giống giữa các chủng tộc và các văn hoá, nhất là ở những đô thị lớn, vốn là nơi thai nghén tính thống nhất mới cũng như những tính đa dạng mới.

Tìm lại và hoàn thiện tính thống nhất của con người có nghĩa là đầu tiên phải làm cho mọi người thấy được một cách cụ thể cái bản sắc chung. Đó là một điều sẽ xẩy ra qua những hình ảnh chớp nhoáng đồng cảm trên vô tuyến về những trẻ con Sômali, nạn nhân của nạn đói, những phụ nữ và trẻ em dưới đạn trái phá ở Sarajêvô. Đó dĩ nhiên cũng là sự phát triển tương ứng của tình thương đến từ con tim, của tinh thần nhân đạo, của một chủ nghĩa phổ quát chân chính và của sự tôn trọng những dị biệt. Nó giúp chúng ta vượt qua sự đui mù gây ra bởi chủ nghĩa chủng tộc trung tâm, bởi ý thức hệ mà thường làm cho chúng ta chỉ thấy người lạ kia là một người không cùng chủng tộc, đang đe dọa ta một cách thực sự hoặc hoang tưởng, nên dưới mắt ta nó chỉ là một con lợn, một con vật bẩn thỉu. Nhưng, như chúng ta sẽ nói ở phần sau, chính những cải cách tư duy và đạo đức sẽ cho phép tất cả và từng người trong chúng ta nhận biết ở tất cả và ở mỗi người cái bản sắc nhân loại của mình.

Bản sắc nhân loại, nghĩa là tính thống nhất / đa dạng phức tạp của con người đã bị che lấp và bóp méo ở ngay trong kỷ nguyên toàn cầu bởi sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá/ khu biệt hoá của các khoa học. Những đặc trưng sinh vật của con người đã được phân bố trong những khoa sinh vật và những ngành giáo dục y khoa ; những đặc trưng tâm lý, văn hoá và xã hội đã được chặt ra từng mảnh và sắp xếp lại trong nhiều phân khoa của khoa học nhân văn, theo kiểu làm sao cho khoa xã hội học không thể nào nhìn thấy được một cá nhân, để khoa tâm lý học không có khả năng nhìn thấy một xã hội, để khoa sử học tự tách rời khỏi những phân khoa khác và để khoa kinh tế học chỉ thấy ở con người tinh khôn rồ dại cái cặn bã mất máu của con người kinh tế (Homo economicus). Còn hơn nữa, khái niệm về con người đã bị rơi ra thành từng mảnh rời rạc và thuyết cấu trúc thắng thế đã tin rằng có thể dẹp bỏ một cách vĩnh viễn cái ảo giác lố bịch này. Triết học, bị nhốt trong những trừu tượng cao xa của nó đã chỉ có thể khai thông với nhân loại qua những kinh nghiệm và sự căng thẳng hiện sinh như những thứ của Pascal, Kierkegaard (Kie-cơ-ga), Heidegger (Hây-déc-gơ) nhưng không vì vậy mà rồi nó có thể kết hợp kinh nghiệm về tính chủ quan với một tri thức nhân loại học.

Chúng ta đã không có một tri thức nhân loại học tập trung, điều này không phải là một ngẫu nhiên. Nhưng bởi vì những khu biệt giữa các bộ môn và sự xơ cứng của các đại học đã cản trở sự tập trung và điều này càng trở nên nghiêm trọng khi các dữ liệu cho phép chúng kết hợp lại với nhau đến nay vẫn chưa ra đời. Trong những năm giữa 1955 và 1960 đã xuất hiện gần như cùng một lúc những lý thuyết đầu tiên về sự tự tổ chức (14) về tính phức tạp (15), những bước dọ dẫm của cái biện chứng phổ biến giữa các yếu tố trật tự, hỗn loạn và tổ chức. Từ đó, trên những tư duy về sự tự tổ chức sinh thái và sự sáp nhập những hỗn loạn vào tổ chức trí óc / tinh thần, cũng như từ những tiến bộ gặt hái được trong khoa thần kinh học, chúng ta có thể xem xét cái guồng máy thần kỳ gồm 100 tỷ nơ-ron thần kinh và hàng tỷ tỷ những tác động qua lại giữa những tế bào của bộ óc "con người tinh khôn rồ dại". Cuối cùng từ năm 1970, những điều kiện đã hội đủ để có thể đặt cơ sở cho một khoa nhân chủng học cơ bản (16).

Nhân chủng học, một khoa học nhiều kích thước, liên kết vào một mối tất cả các khoa sinh vật học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử và tâm lý học, hầu như đã đưa ra ánh sáng tính thống nhất / tính đa dạng phức tạp của con người. Nó chỉ có thể được xây dựng một cách thực sự trên cơ sở tập trung và liên đới của tất cả các khoa học đã kể trên mà hiện nay chúng vẫn còn rời rạc, biệt lập nhau. Để có được sự tập trung này chúng ta cần chuyển từ cái tư duy đơn giản hoá, phiến diện hoá, cô lập hoá, mục lục hoá, trừu tượng hoá sang tư duy phức tạp (xem chương VII).

YÙ thức địa cầu

Cuộc cách mạng trong những quan niệm về con người, thế giới và vũ trụ xẩy ra ở Tây phương vào thế kỷ XV chỉ là một cuộc khủng hoảng nhỏ bé, cục bộ so với những đảo lộn long trời lở đất mà các thành quả khoa học cuối thế kỷ XX đã đem đến cho loài người.

Chúng ta đã phải từ bỏ một vũ trụ có trật tự, hoàn mỹ, vĩnh cửu để thay vào đó một vũ trụ sinh ra trong bức xạ, không ngừng lan rộng ; ở đó trật tự, hỗn loạn, tổ chức, phát sinh tác dụng lẫn nhau, nghĩa là bổ sung, cạnh tranh và đối lập với nhau. Chúng ta phải từ bỏ quan điểm về một chất liệu sống đặc biệt, có một sức sống riêng và thay vào đó bằng cái tính phức tạp của một tổ chức sống sinh ra trong những diễn biến lý-hoá của địa cầu. Chúng ta cần phải từ bỏ quan niệm về một con người siêu nhiên được tạo lập một cách riêng biệt để đi đến cái quan niệm rằng con người sinh ra theo một tiến trình trong đó nó là một sản phẩm của thiên nhiên và không thể tách rời khỏi môi trường này.

Chính bởi vì chúng ta hiểu rõ được vòm trời mà chúng ta mới có thể bén rễ xuống đất. Chính vì chúng ta hiểu rõ được quả đất mà chúng ta có thể làm sự sống bén rễ được trên đó. Chính vì chúng ta hiểu rõ được sự sống mà chúng ta mới bén rễ được vào nó.

Quả đất không phải là một tinh cầu vật lý, cộng với một sinh quyển, cộng với một nhân loại. Quả đất là một tổng thể phức tạp lý-hoá-nhân loại ở đó sự sống là một sản phẩm xuất hiện trong quá trình phát triển của quả đất và con người là một sản phẩm xuất hiện từ quá trình phát triển của sự sống trên quả đất.

Sự sống là một lực lượng tổ chức lý-hoá, hoạt động trong bầu khí quyển mà nó đã tạo nên trên mặt đất, dưới mặt đất, trong các đại dương, ở những nơi nó đã lan tràn và phát triển.

Loài người là một thực thể thuộc địa cầu và sinh quyển

Chúng ta ở cách hàng triệu năm ánh sáng với cái quan điểm con người là trung tâm của vũ trụ và đồng thời chúng ta không thể xem con người, thiên nhiên, sự sống, vũ trụ là những thực thể hoàn toàn tách rời, không liên quan gì với nhau được.

Vào cuối thế kỷ thứ V của kỷ nguyên toàn cầu này đã xuất hiện một số thực tế về thân phận chúng ta mà trước kia chưa hề được biết đến:

- Chúng ta bị lạc lõng trong một vũ trụ vô biên

- Sự sống chỉ hiện hữu có một mình giữa thái dương hệ và có thể ngay cả trong thiên hà.

- Quả đất, sự sống, loài người, ý thức đều là kết quả của một cuộc phiêu lưu kỳ lạ với những diễn biến và đột biến lạ lùng.

- Loài người là một thành phần của cộng đồng có sinh mệnh, mặc dù cái ý thức nhân loại vẫn cô độc.

- Cộng đồng nhân loại cùng số phận, một trong những đặc điểm của kỷ nguyên toàn cầu, phải nằm trong khuôn khổ của cái cộng đồng mang số phận địa cầu.

Những tri thức mới này soi sáng cho chúng ta về số phận địa cầu của mình, nhưng lại dẫn chúng ta đến một sự vô tri khác. Một phần của những điều chúng ta không biết đã được giải đáp, nhưng một phần khác sẽ vĩnh viễn tồn tại vì sự giới hạn của đầu não con người (17). Cũng thế, những điều xác thực mới lại dẫn chúng ta đến chỗ mù mịt. Bây giờ chúng ta đã biết chúng ta từ đâu đến, nhưng chúng ta lại không biết cái mà chúng ta từ đó đến thì ở đâu ra, nghĩa là chúng ta vẫn không có gì chắc chắn đối với xuất xứ của vũ trụ và của sự sống. Chúng ta không biết vì sao đã có một vũ trụ mà lại không có một hư vô và chúng ta không biết cái vũ trụ này sẽ đi về đâu.

Vũ trụ mà chúng ta đang ở là một vũ trụ không phải tầm thường, cũng không phải bình thường, cũng chẳng phải hiển nhiên.

Quả đất là một thiên thể nhỏ bé không đáng kể trong vũ trụ, nhưng ngẫu nhiên đã trở thành không những một tinh cầu rất phức tạp mà còn là một khu vườn, khu vườn của chúng ta. Sự sống mà quả đất sản sinh ra để rồi nó được hưởng, rồi chúng ta được hưởng đã không sinh ra từ một sự cần thiết tiên thiên nào. Có thể nói sự sống này là duy nhất ở trong vũ trụ, duy nhất trong thái dương hệ, nó rất mong manh, hiếm hoi, quý báu bởi vì nó hiếm và dễ vỡ.

Chúng ta đã biết rằng tất cả những gì đang tồn tại chỉ có thể được sinh ra trong hỗn loạn và xoáy lốc, lại phải chống đỡ nhiều sự phá hoại. Vũ trụ đã tự tổ chức trong quá trình tự phân hoá. Mặt trời toả sáng ở nhiệt độ mà nó nổ. Sự sống đã lợi dụng chính nhiệt độ sinh ra trong quá trình tự huỷ hoại để tự tổ chức. Con người có thể đã không phát triển nếu nó đã không phải chống trả lại bao thách thức chết người, từ lúc những trảng cỏ lấn chiếm rừng rậm nhiệt đới cho đến thời băng hà của vùng ôn đới. Cuộc phiêu lưu nhân loại đầy dẫy những thiếu thốn và khốn khổ. "Con người" vốn là con của Poros (Pôrôx) và Penia (Pênia)(18). Tất cả những gì sống đều phải tự tái sinh không ngừng: Mặt trời, sinh vật, bầu khí quyển, xã hội, văn hoá, tình yêu. Nhiều khi đó là nỗi bất hạnh của chúng ta, nhưng đó cũng là ơn huệ và đặc quyền của chúng ta. Tất cả những gì quý báu trên quả đất đều mong manh và hiếm hoi. Ngay cả cái ý thức của chúng ta cũng thế thôi!

Chúng ta ở đây, những con người nhỏ bé, trên một lớp da mỏng của sự sống bao bọc chung quanh một tinh cầu nhỏ bé lạc lõng trong vũ trụ bao la. Chính cái vũ trụ khổng lồ này cũng có thể chỉ là một cái gì nhỏ bé trong một cái gì còn to lớn hơn nữa (19) nhưng cùng một lúc, hành tinh này là cả một thế giới, sự sống là một vũ trụ lúc nhúc hàng tỷ tỷ những cá thể và mỗi cá nhân là một vũ trụ đầy mộng mơ, khát vọng và dục vọng.

Hôm nay vào cuối thế kỷ thứ V của kỷ nguyên toàn cầu, cuối cùng chúng ta đã có thể nhận biết được cái cây phả hệ và tấm thẻ căn cước trên quả đất của mình và chính vào lúc này, lúc mà các xã hội phân tán đã bắt đầu liên lạc với nhau trên mặt đất, lúc mà vận mệnh chung của nhân loại trở thành một vấn đề liên đới thì sự nhìn nhận rằng quả đất là tổ quốc chung của chúng ta mới trở thành một điều có ý nghĩa.

Chú thích:

(1). Có thể được xem như những gì còn lại từ giai đoạn sơ khởi của tiến trình dị chất hoá trong việc phân phối vật chất trước khi hình thành các thiên thể.

(2). Người ý Giovanni Ardaino đã phân loại đá thành ba niên đại: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam (1759), Buffon xác định nền niên đại học đầu tiên của toàn thể quả đất, từ khi quả đất sinh ra với giả thuyết nó là một mảnh của mặt trời bị một sao chổi làm vỡ ra (Những thời đại của thiên nhiên, 1749 - 1778) ; ông ta đề xướng những tiến trình vật lý, động vật, thực vật và cuối cùng là nhân loại, trong tiến trình này "sự sống con người... chỉ là một cái chấm trong độ dài của thời gian.

(3). Nhà tự nhiên học người Mỹ James Dana đề xuất khái niệm về nếp lõm đã cho phép chúng ta hiểu sự hình thành của những lồi lõm địa tầng bởi những nếp gấp. (1873) Nhà địa chất học người úc Edouard Suess giải thích những hiện tượng hải xâm và hải thoái bởi sự thay đổi của mực nước đại dương (1875). Nhà địa chất học người Mỹ Dutton đã đề xướng vào năm 1889 học thuyết đẳng tĩnh của vỏ quả đất, trôi trên một môi trường lỏng.

(4). Xem Cl. Allègre "Nhập môn lịch sử tự nhiên" (Introduction à une histoire naturelle), Paris, Fayard,1992.

(5). Một số những đại phân tử có thể đến từ vũ trụ dưới dạng thiên thạch.

(6). Antoine Danchin đã đưa ra giả thuyết về nguồn gốc sự sống từ nham thạch ("một bình minh của đá" (Une aurore de pierre), Paris. Ed. du Seuil, 1990.

(7). Xem M. Eigen, "Tự tổ chức của vật chất và diễn biến của những đại phân tử sinh vật", (Self-organisation of the matter and the evolution of biological macromolecules), Natur-wissenschaft, t. 58, tr. 65. Thêm vào đó có thể nói đến kịch bản của nguồn gốc sự sống đến từ bên ngoài quả đất do Crick đề xướng.

(8). Đối với những khái niệm này xem E.Morin, "Phương pháp luận" (La méthode). Tập 2, "Sự sống của sự sống" (La vie de la Vie). Paris, Ed. du Seuil, Points essais, 1985, p 177 - 192

(9). Xem Morin (đặc biệt phần chu kỳ nhiệt đới, sự diễn biến sinh thái và những diễn biến sinh thái), Paris, "Phương pháp luận", t. 2, "Sự sống của sự sống" Sđd, tr. 21 - 30 - 34 - 36 - 47 - 56.

(10). J. Van Lawick-Goodall, "Những con tinh tinh và tôi", (Les chimpanzés et moi), Paris, Stock, 1971.

(11). Xem E. Morin, M. Piattelli-Palmarini, "Sự nhất thống của con người", (L'unité de l'homme), Paris, Ed. du Seuil, Points Essais, 1978, t.1, tr. 15-57.

(12). Đó là toàn bộ những quy tắc, nhận thức, kỹ năng, tri thức, giá trị, huyền thoại cho phép và bảo đảm tính phức tạp cao độ của cá nhân và xã hội con người mà chúng không phải là một cái gì có s1/2n, nên cần được chuyển giao, dạy dỗ cho từng người ở thời kỳ thực tập để có thể tự trường tồn và truyền lại tính phức tạp nhân loại-xã hội cao độ.

(13). L. Eibl - Eibesfeldt, "Yêu và ghét" (Love and hate), Holt, Rinehardt and Winson, New York, 1971. Cùng tác giả : (Similarities and differences between cultures in expressive movements), in Non-Verbal Communication, Hinde, Cambridge University Press, Cambridge, 1972; và (Les universaux du comportment et leur genèse), 1974, in L'Unité de l'homme, sđd.

(14). H. von Foerste, G.w Zopf (eds), "Nguyên tắc tự tổ chức" (Principles of Self-Organisation). Pergamon, New York, 1962.

(15). J. von Neumann, "Lý thuyết về người máy tự tái sinh" (Theory of Self-Reproducing Automats), Illinois University Press, Urbana, 1996. J. Bronowski, "Những khái niệm mới trong diễn biến của tính phức tạp", (New Concepts in the Evolution of the Complexity), American Association for the Advance of Science, Boston, 1989.

(16). E. Morin, "Phạm thức thất lạc", sđd.

(17). Xem E. Morin, "Phương pháp luận", t. 3, "Tri thức của tri thức" Sđd, Ed. du Seuil, "Points Essais" 1992, p 222-223.

(18). Con của Penia (nghèo khó) nên lúc nào cũng phải tìm kiếm một cái gì đó, con của Poros (mưu chước) nên thường vẫn tìm được cách để đạt mục đích (Thần thoại Hy-lạp), (ND).

(19). Đối với khái niệm có nhiều vũ trụ, xem E. Morin "Phương pháp luận", t. 1, "Bản chất của thiên nhiên" (La nature de la nature). Paris, Ed. du Seuil "Point Essais ", 1981.