ĐỂ XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG


Một vấn đề khá tế nhị khi nói về sự công bằng khiến cho không ít người không muốn mạn bàn cách trực tiếp. Có thể có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Lý do khách quan có thể vì hoàn cảnh sống chưa thực sự có tự do một cách nào đó. Lý do chủ quan thì có thể là vì bản thân đang được hưởng lợi từ một sự bất công này nọ. Tuy nhiên vẫn có đó nhiều người trong Hội Thánh mạnh dạn lên tiếng cho sự công bằng xã hội. Ta có thể tạm xếp thành hai khuynh hướng chính. Một dạng xem ra tích cực như là cổ võ việc xây dựng xã hội công bằng không chỉ bằng lời nói mà cả bằng hành động cụ thể mang tính đòi hỏi. Và dạng khác thì lấy Thập giá Chúa Kitô để chủ trương đón nhận bất công trong sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, đồng thời tích cực dùng giải pháp truyền thống là cầu nguyện. Xin được dùng bài viết này như một góp phần bé nhỏ, mong cho nền hòa bình công lý trị đến.

“Thưa Thầy, xin bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi. Chúa Giêsu đáp : Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?” (Lc 12,13-14). Thoặt nghe, ta tưởng chừng như Chúa Giêsu từ chối giải quyết chuyện bất công đời này. Nhưng không phải vậy. Dù Chúa Giêsu không muốn trực tiếp phân xử chuyện có thể là không công bằng trong việc chia gia tài giữa hai anh em nọ, nhưng Người lại muốn đi xa hơn trong việc giải quyết tận gốc rễ của mọi sự bất công đó là sự tham lam. Vì ngay sau đó Chúa Giêsu đã cảnh báo : “ Hãy coi chừng ! Hãy lo giữ mình tránh mọi thứ tham lam…” (Lc 12,15).

Sự tham lam chính là căn nguyên làm phát sinh mọi thứ bất công. Tham lam tiền bạc, của cải, tham lam danh vọng, chức quyền… Khi đã để sự tham lam xâm chiếm lòng mình thì ta luôn muốn giành phần hơn bằng mọi cách thế, bằng mọi thủ đoạn. Và thế là nảy sinh sự bất công, sự thiếu công bằng giữa người với người, giữa tập thể này với tập thể kia, giữa quốc gia này với quốc gia nọ. Đang có đó và đang còn đó sự thiếu công bằng trong gia đình, trong xã hội và hình như cả trong Hội Thánh.

Sự tham lam càng trở nên nguy hại khi nó được củng cố, được hợp pháp hóa bằng luật lệ, bằng cơ chế. Cá nhân hay tập thể lợi dụng cơ chế, luật lệ do mình đặt ra để một cách nào đó hợp lý hóa phần lợi của mình trên kẻ khác. Qua cơ chế, luật lệ, người ta tự động hưởng phần lợi ích vượt quá sự công bằng một cách nghiểm nhiên như nhiên, không chút băn khoăn, áy náy hay lo sợ. Đã có luật, đã có cơ chế thì sự bất công thật khó mà bị công kích hay bị đả phá. Lẽ thường tình, người làm luật dễ bị cám dỗ ra các thứ luật có lợi cho mình. Trong các cuộc họp của Quốc Hội nước ta, các vị Đại biểu đã nhìn nhận thực trạng này. Các Bộ, các cơ quan Chính Phủ khi ra văn bản mang tính luật như Nghị Định, Thông Tư… thì thường là có lợi cho phía người quản lý hơn là có lợi cho người dân. Sự bất công đã và đang tồn tại dưới hình thức khách quan do ý chí chủ quan của con người.

Sự tham lam không chỉ dừng lại ở các hình thức luật lệ trần thế, mà nhiều khi, nhiều nơi lại còn mang dáng dấp thiêng thánh. Trong các luật lệ tôn giáo, các tập tục mang dấu tín ngưỡng vẫn không thiếu sự bất công ít nhiều. Khi sự tham lam được “phong thần” thì những người hưởng lợi ích từ sự thiếu công bằng còn được bảo đảm bằng cả sự tôn kính của những người chịu bất công xuất phát từ sự kính tôn các uy lực thần thánh trên cao.

“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình ! Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mt 23,14). “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình ! Các ngươi nộp thuế về thập phân bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23). Đến thế gian, một trong những mục tiêu hoạt động của Chúa Kitô là giải phóng nhân loại khỏi cảnh bất công do chính lòng tham lam của con người qua các luật lệ, truyền thống. Chính nổ lực gắng công này của Người một cách nào đó đã khiến Người phải chịu án hình thập giá cách bất công.

Chúa Kitô đã tự nguyện nên khó nghèo để nhân loại chúng ta được nên sang giàu (x. 2Cr 8,9. Người đã tự nguyện nhận lấy thân phận tội nhân để giải phóng loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Cũng thế, người đã tự nguyện nhận lấy án bất công để nhân loại chúng ta được sống trong công bằng và chân lý.

Để xây dựng một xã hội công bằng, Chúa Kitô không dừng lại ở việc đòi hỏi một sự công bằng giao hoán. Một nội dung chính của đức công bằng giao hoán là trả cho ai phần họ đã làm cách tương xứng. Làm sao để thẩm định chính xác mức độ phần công sức người ta đã bỏ ra ? Các nhà kinh tế học cũng khó mà thống nhất với nhau về tiêu chí để xác định, nhất là khi có sự tham gia của nền công nghệ hiện đại như hiện nay. Một ngày công của chuyên gia và công nhật của người lao động phổ thông thì căn cứ vào đâu để so sánh, chưa kể đến các lãnh vực nghệ thuật, những lãnh vực không thể nào cân đong hay đo đếm ? Vì thế ta có thể nói rằng hầu như khó mà tìm được sự công bằng theo nhãn quan này, mặc dù phải nỗ lực làm tối đa theo khả năng và hoàn cảnh.

Sự công bằng mà Chúa Giêsu muốn chúng ta xây dựng đó là sự công bằng trong tình yêu. Chúng ta có thể tạm hiểu như là sự công bằng phân phối. Theo sự công bằng giao hoán thì trả cho tha nhân phần họ có, phần họ đã làm thì sự công bằng phân phối là trả cho tha nhân phần họ là. Sau khi cảnh giác người ta về mối nguy hiểm to lớn do sự tham lam gây ra đó là khó vào được Nước trời, thì Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn “những người thợ làm vườn nho” (x. Mt 20,1-16).

Ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn những người làm vườn nho dường như không công bằng theo nghĩa công bằng giao hoán. Vì người làm việc từ sáng sớm cũng chỉ lãnh một đồng như người vào làm lúc 5 giờ chiều, chỉ làm có một giờ. Tuy nhiên thái độ đối xử của ông chủ vẫn công bằng theo nghĩa công bằng phân phối, công bằng trong tình yêu. Ông ta đã trả cho tất cả các người thợ làm vườn không phải theo tiêu chí họ đã làm được gì mà theo tiêu chí họ là người làm vườn nho của ông. Cái tiêu chí này ta dễ nhận ra trong đời sống gia đình. Em bé còn trong nôi chẳng làm được sự gì nhưng cả gia đình từ mẹ cha đến anh chị của bé đều phải quan tâm chăm sóc bé vì bé là con, là em của họ. Chuyện là thế. Ai cũng hiểu và cũng phải làm vì nếu không là phạm lỗi bất công. Tương tự như thế, việc phân phối và phân phối lại trong các chương trình kế hoạch của các quốc gia là phải có để giữ sự công bằng cho nhân dân, vì một lẽ tất yếu : họ là công dân của đất nước.

Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta còn phải giữ đức công bằng này cách triệt để hơn. Mọi người đều là anh chị em cùng một Cha trên trời. Dù họ là quốc tịch này hay sắc tộc kia, dù họ là người công chính hay là tội nhân, dù họ cùng chính kiến với ta hay khác niềm tin với ta… chúng ta đều phải đối xử với họ trong tình huynh đệ cách không phân biệt. Đây chính là sự hoàn thiện mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hướng đến. “ Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Xin được dõi theo một vài hướng dẫn cụ thể của Hội Thánh liên quan đến sự công bằng. Là Kitô hữu, đoàn tính hữu giáo dân, đặc biệt là hàng giáo sĩ, hàng giáo phẩm phải sống ơn gọi của mình khi thông dự ba chức vụ của Chúa Kitô từ khi lãnh nhận Bí tích thánh tẩy,các thừa tác vụ thánh. Đó là chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả.

Sống chức vụ ngôn sứ: Ta cần phải loan báo cho nhân loại biết phẩm giá cao quý của con người cùng với những quyền lợi và nghĩa vụ kèm theo. Qua học thuyết xã hội của mình, Hội Thánh nói lên “sự quan tâm của mình đối với đời sống con người trong xã hội, đồng thời ý thức rằng chất lượng của đời sống xã hội ấy – nghĩa là chất lượng của những mối quan hệ công bằng và yêu thương, dệt thành xã hội – tùy thuộc một cách quyết định vào chỗ con người được bảo vệ và thăng tiến thế nào, vì cộng đồng ra đời là từ những con người ấy”. Vì thế “ Hội Thánh không chỉ cung cấp cho ta ý nghĩa, giá trị và các tiêu chuẩn để phê phán, mà cả những chuẩn mực và chỉ dẫn để hành động.” (Conpendium of the social doctrine of the Church số 81).

Ta còn có “nghĩa vụ phải tố giác mỗi khi tội có mặt : tội bất công và tội bạo động, cách này hay cách khác, đang lan tràn trong xã hội và hiện thân trong xã hội”. Nhờ biết tố giác, đoàn con cái Chúa “ trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị vi phạm, nhất là quyền lợi của người nghèo, người yếu thế” (Sđd số 81).

Sống chức vự Tư tế: Là con cái Chúa, chúng ta không thể không sống mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô. Vì anh em đồng loại, khi tích cực xây dựng một xã hôi công bằng, chúng ta sẵn sàng đón nhận sự bất công vào chính bản thân mình làm lễ hiến tế. Khi nói lên chân lý, khi bảo vệ sự công bằng, chúng ta chấp nhận sự ngược đãi bất công. Sống mầu nhiêm Thập Giá Chúa Kitô là để nhờ ơn Chúa, qua nỗ lực xây dựng công bằng của ta, xin Chúa giải thoát anh em đồng loại khỏi cảnh bất công, đồng thời cải hóa những ai đang gây ra sự bất công cho con người.

Sống chức vụ vương giả: Tích cực xây dựng một nền văn minh tình thương. Để có một nền hòa bình đích thực và lâu bền trong mọi tập thể lớn nhỏ thì cần phải có một môi sinh đầy tình bác ái. “ Hòa bình đích thực và bền vững là việc của bác ái hơn là của công bằng ( xét theo nghĩa công bằng giao hoán ), vì vai trò của công bằng chỉ là loại bỏ những trở ngại đặt ra cho hòa bình : những thương tổn hay những thiệt hại đã gây ra. Còn hòa bình tự nó là một hành động và xuất phát từ tình yêu” ( Sđd số 494 ).

Xây dựng một xã hội công bằng là nghĩa vụ của mọi người. Là Kitô hữu nghĩa vụ này càng có tính bức thiết hơn. Dưới ánh sáng mạc khải của Lời Chúa và qua lời dạy của Hội Thánh, chúng ta cần loan báo phẩm giá cao quý của con người. Để gìn giữ và phát triển phẩm giá con người thì việc nói lên các quyền lợi căn bản của con người là điều chính đáng và phải đạo. Bên cạnh đó ta cần phê phán, tố cáo những hành vi vi phạm đến quyền con người, gây ra sự bất công, làm băng hoại phẩm giá con người. Tuy nhiên điều cần nhắm đến là phải tiêu diệt mầm mống các sự bất công đó là lòng tham lam, dù nó hiện hữu dưới hình thức thể chế hay luật lệ.

Theo thiển ý của tôi, khi nỗ lực hạn chế các hình thức bất công, ta cần sẵn sàng đón nhận sự bất công cho bản thân mình để anh em được sống trong công bằng. Và nhất là hãy biết nỗ lực xây dựng một xã hội thắm đượm tình bác ái yêu thương. Chỉ có tình yêu và chỉ với tình yêu thì xã hôi mới có sự công bằng thực sự. Vì ở đó không chỉ có mỗi người sống vì mọi người mà còn có mọi người sống vì mỗi người.

Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa