Chương 10


Chủ nhật, 17.07.2005 Sáng ra AQ uống cà phê như mọi bữa. Hôm nay Chủ nhật quán có nhạc sống. Một ông thày dạy nhạc chơi Piano. Đa số là nhạc nhẹ của ABBA, Simon & Garfunkel, ... Quán đông hơn ngày thường.
Tối, chúng tôi lại đi uống nước nghe nhạc ở quán Sỏi Đá, 6D Ngô Thời Nhiệm.
Quán tối, ấm cúng. Chúng tôi tìm một chỗ ngồi ngoài vườn đối diện với sân khấu. Quán cũng có bán thức ăn nhưng không có nhiều món. Khách đến đây chủ yếu muốn được hưởng không khí thanh lịch, uống nước nghe nhạc hơn là ăn.
Ban nhạc hơi èo uột. Nhạc công chơi violin, guitar lặp tới lặp lui mãi mấy tấu khúc phổ thông, nghe thật chán. Thỉnh thoảng có một ca sĩ lên hát một hai bài rồi biến mất. Khách lại tiếp tục nghe nhạc không lời, đợi một ca sĩ mới. Ca sĩ mới đến, trèo nhanh lên sân khấu hát một hai bài, rồi vội vã phóng Honda đi mất. Thật lạ lùng. Hỏi ra mới biết, ca sĩ đang chạy "sô" (show), nghĩa là hát nơi này vài bản rồi chạy nhanh qua nơi khác hát vài bản theo lịch xếp sẵn nguyên ngày. Ca sĩ chuyên nghiệp thì ít, ca sĩ nghiệp dư thì nhiều.
Mấy lần trước về Việt Nam, tôi có ghé qua Rex, Queen Bee, Đêm Màu Hồng nghe nhạc vào buổi tối nhưng lần này thì không. Vả lại cũng còn không thích lắm. Chắc ở ngoại quốc đã lâu, nghe nhạc Pop, Rock, ... đã nhiều, đâm chán. Bây giờ tôi lại thích nghe nhạc dân tộc. Trước khi về, đã dự tính sẽ đi xem hát bội, nghe chèo cổ, ca trù, ... chỉ có điều không dễ kiếm được những cơ hội như vậy trong một tháng lưu lại nơi này.
Tôi không phải là người chuyên về âm nhạc nhưng vẫn nhận thấy rằng nền tân nhạc Việt Nam hiện tại đang giậm châm tại chỗ. Loại nhạc quý phái dành cho lớp trung niên, lớp già thời nay cũng không hơn nhạc thời xưa của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến, ... Sau mấy mươi năm, âm hưởng vẫn na ná vậy, không có nhiều thay đổi. Ít nhạc sĩ nào có căn cước riêng. Chủ đề nghèo nàn. Thậm chí có cái sống mãi từ đời này sang đời khác. Chủ đề Hà Nội là một ví dụ. Vô số ca khúc nói về Hà Nội. Thời tiền chiến cũng có, thời chiến cũng có, thời hậu chiến cũng có. Chưa bao giờ thấy có một nơi nào trên thế giới làm nhạc ca ngợi thủ đô mình nhiều như Việt Nam. Nghe đến nhàm chán. Ít thấy tác phẩm nào ca ngợi Sài Gòn, Huế hoặc các nơi khác, làm như thể Hà Nội là nhất, toàn lãnh thổ nước Việt chỉ gồm có nó.
Có lần ngồi uống cà phê với một ông bạn trong nước, ông bình luận thế này:
Ca sĩ Việt Nam bây giờ lượng nhiều hơn chất. Ngoài vài ca sĩ hát được được như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Dũng, ... số còn lại không biết hát. Hoặc có biết thì chỉ biết sơ sơ đủ kiếm ăn trong những phòng trà, quán ăn. Ngày nay khó tìm được những giọng ca Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Sĩ Phú, ... một thời vang bóng. Đến một giọng ca như Tuấn Ngọc sau này, người trong nước vẫn cho là hiếm có.
Trong các loại nhạc, nhạc trẻ là loại đang thịnh hành. Trình độ rất thấp. Thế nhưng ít ai nhận thức được điều ấy. Đại đa số vẫn cho vậy đã được lắm rồi.
Nhiều người tự hào Việt Nam bây giờ văn minh không kém ai, cũng có nhạc Disco, cũng có Hip Hop, cũng có Rap, Rock, cũng có sân khấu với đèn pha xanh đỏ tím vàng, đèn laser quét phành phạch, khói phun mịt mù, ca sĩ đầy lửa, ôm microphone không dây uốn ẹo, nhảy múa, hò hét điên cuồng trước mặt người hâm mộ. Đàm Vĩnh Hưng, Ưng Hoàng Phúc, ... là những thần tượng điển hình.
Bắt chước người chưa đến nơi đến chốn, nhạc trẻ đa phần đều nặng tính thương mại, rẻ tiền. Lời hời hợt, thiếu trình độ. Nhạc dễ nghe, dễ cảm, đỡ nhức đầu. Như vậy thì làm sao nâng cao trình độ thưởng thức?
Ở Việt Nam còn một loại nhạc nữa gọi là nhạc chế. Chẳng hạn bài "Tiếng chày trên sóc Bom bo" được chế thành: "Hết tiền tiêu, người yêu tôi cũng bán. Bán năm trăm để lấy tiền tiêu ...".
Đã biết đó là một thứ sản phẩm nhảm nhí nhưng nhiều người vẫn thích nghe vì cho rằng vui tai, giải trí. Thế nhưng người ta quên mất một điều: trình độ dân trí thế nào, trình độ giải trí thế nấy.
Người lớn làm nhạc chế, trẻ con cũng bắt chước làm theo. Bài "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ ..." được chế thành "Đêm qua em mơ gặp túi tiền. Trong túi tiền có sáu ngàn hai. Em sung sướng đem khoe với Bác. Bác mỉm cười bác bảo chia hai. Bác mỉm cười bác bảo chia hai ...".
Riêng tôi thì tôi nhận xét, nhạc nhi đồng không mấy sáng sủa. Đến bây giờ, đã thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn nghe trẻ con nghêu ngao hát: "Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo (...) để ba mẹ vào nhà máy, ông bà vui cấy cầy".
Không hiểu tại sao người lớn đang sống trong thế kỷ 21 này mà có thể gieo vào đầu con trẻ cái chất "công nông" quê mùa, lạc hậu như thế. Nhà máy tượng trưng cho công nhân nhưng là công nhân lao động bằng bắp thịt chứ không phải bằng đầu óc. Có cha mẹ nào muốn con cái mình trở thành loại công nhân như thế không, hay là muốn con cái mình vươn lên, học giỏi để trở thành kỹ sư, bác sĩ? Cấy cầy tượng trưng cho nông nhân nhưng là nông dân với con trâu đi trước, cái cày đi sau, chứ không phải là nông nhân cao cấp biết lái xe máy cày, văn minh hơn, có học hơn, thông minh hơn, biết làm ra sản phẩm có giá trị hơn, bán được nhiều tiền hơn để thoát khỏi cuộc đời nghèo khổ triền miên. Có cha mẹ nào muốn con cái mình mai sau trở thành ông bà rồi mà vẫn còn đi cấy cầy không, hay là mong được ngồi dưỡng già khuây khoả, hạnh phúc bên đàn con cháu?
Âm nhạc là một món ăn tinh thần cần thiết cho trẻ nhỏ. Nó cần mang tính giáo dục cao để đứa trẻ hướng đến chân thiện mỹ, cho nên cần phải thật cẩn thận khi soạn nhạc nhi đồng. Việt Nam có một kho tàng âm nhạc dân gian, có nhiều bài rất hay mà trẻ em Việt Nam không biết. Chắc chắn Việt Nam không thiếu những nhạc sĩ tài ba có lương tâm có thể khai thác cái kho tàng văn hoá quý giá ấy, làm cho các em những bài nhạc thật hay và lành mạnh. Ví dụ nhạc sĩ Phạm Duy là người nổi tiếng về dân ca. Nếu không tìm được người khác thì nên trọng dụng ông. Ngoài nhạc dân ca, trước 75 trong Nam, còn có nhạc hướng đạo cũng lành mạnh và mang tính giáo dục cao.
* Về Việt Nam kỳ này, tôi còn muốn đi thăm lại hai anh em Phùng Tuấn Khanh và Phùng Tuấn Vũ nhưng không tìm thấy nhà. Ngõ hẻm Sài Gòn bây giờ được mở rộng, nhà cửa xây mới, rất khó nhận ra.
Thời còn ở Việt Nam, L. và tôi đã được học đàn guitar từ hai anh em ấy. Phùng Tuấn Vũ nổi tiếng về guitar ở Sài Gòn. Ngày xưa tôi rất thích tấu khúc "Bài ca hy vọng" của anh. Lâu rồi không được nghe anh đàn nữa.
Về nhạc guitar, tôi rất thích Hoàng Ngọc-Tuấn ở Úc. Anh biết khai thác những nét đặc sắc của âm nhạc cổ truyền Việt Nam và làm mới lại như một hình thức hậu hiện đại hoá. Nhiều tác phẩm tuy hiện đại, mang vẻ Tây phương nhưng vẫn đượm màu sắc dân tộc Việt Nam. Theo tôi hiểu, anh muốn sáng tạo một loại nhạc mang tính quốc tế để nhiều người thưởng thức nhưng vẫn không quên đưa chất liệu nhạc và nhạc cụ Việt Nam vào. Tôi cho đó cũng là một người có lòng với quê hương dân tộc mà nhà nước nên trọng dụng.
Thứ hai, 18.07.2005 Sáng nay chúng tôi dắt một đàn trẻ con bảy đứa đi thăm sở thú.
Xe taxi thả chúng tôi trước cổng sau Thảo Cầm Viên bên chân cầu Thị Nghè. Trời nóng bức, mùi nước cống hôi thối của kênh Nhiêu Lộc bốc lên nồng nặc. Khu này đã được sửa sang nhiều. Cái quán thịt rừng to lớn nằm sát bên cổng vào không còn nữa.
Ðường vào Thảo Cầm Viên trải nhựa với hai hàng đại thụ me tây, sọ khỉ, ... Từng góc đường có biển chỉ hướng đi. Khu vui chơi trẻ con không có người trừ một hai nhân viên đang ngồi tán gẫu.
Bóng dáng mấy chú hươu cao cổ Phi châu đã xuất hiện ở đằng xa. Lũ trẻ ồ lên khoái trí, ùa chạy tới xem những con vật lạ. Kế bên chuồng hươu cao cổ là chuồng voi. Phần đất bên trái con đường dọc kênh Nhiêu Lộc là lãnh thổ của loài beo, báo lửa, mèo rừng gần như tuyệt chủng. Bên kia kênh là khu nhậu thịt chó, đồ rừng nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh.
May mắn như các loài thú nằm trong sổ đỏ, những kiến trúc cổ như nhà thú, lồng chim từ thời Pháp thuộc vẫn còn sót lại.
Chúng tôi ghé thăm chuồng khỉ. Cái chuồng có mái vòm to tướng chia làm nhiều buồng có song sắt nhốt nhiều loại khỉ. Vài chú khỉ con chui lọt ra ngoài, nhảy lên bờ rào, chìa tay xin khách thức ăn. Mấy khách nhi đồng rất lấy làm thích thú.
Chúng tôi mua vé xe lửa cho tụi nhỏ đi chơi một vòng. Chiếc "xe lửa" gồm một chiếc máy cày phía trước kéo một đoàn toa phía sau.
Xe chạy ngoằn ngoèo như con rắn bò trên đường nhựa. Xe đi qua khu thực vật. Bên trái là vườn lan, bên phải là hai cái giỏ khổng lồ đựng đầy hoa lá. Xe băng ngang khu tiền sử. Những pho tượng khủng long bất động trên đồi cũng là một sản phẩm vụng về xấu xí như hai cái giỏ hoa kia.
Xe tiến đến bờ hồ. Một cái mõm cá giống như ở Thuỷ Cung Nha Trang hiện ra trước mặt. Thế nhưng đến gần thì không phải mõm cá mà là mõm rồng. Cái đầu rồng có râu mép như cá lóc trợn mắt, há mõm chào đón khách vào thăm Thuỷ Cung. Thân rồng thẳng đơ bắc từ bờ ra đến giữa hồ.
Đi nửa vòng hồ, lại thấy một cổng vào Thuỷ Cung. Bây giờ đúng là mõm cá. Cái mõm cá mập đầy răng nhọn há to cũng đang chờ đón khách bước vào thăm Thuỷ Cung. Nhưng Thuỷ Cung đóng cửa. Chắc đang giờ nghỉ trưa.
Xe vào sâu bên trong, băng ngang nhiều chuồng thú không biết thú gì. Vài du khách nước ngoài mải mê chụp hình những con thú lạ.
Xe quay trở lại hồ. Tôi lại được dịp nhìn ngắm tác phẩm rồng và cá mập thêm một lần nữa.
Không ngờ hồ Thảo Cầm Viên ngày nay tàn tệ vậy. Sen vẫn nở, nhưng giữa một hồ nước đục. Nước thải từ ống cống chảy mãi xuống hồ. Ngôi nhà Thuỷ Tạ kiểu Việt Nam thanh lịch giữa hồ ngày xưa đã mất, giờ là một khối dị vật vuông vức hao hao như những container màu thiên thanh to tướng. Hai cây cầu kiểu Việt Nam thanh tao ngày xưa đã mất, giờ một bên, một con cá mập đen đầy răng nhọn, một bên, con rồng vàng hung hãn.
Ở đây còn một thứ rồng khác nằm bên những bậc thang đền thờ Hùng Vương. Con rồng với màu xanh chói rực hoàn toàn không thể đi đôi với màu vàng ngà êm dịu và màu huyết dụ quý phái của ngôi đền. Tuyệt tác đền Hùng cổ kính đã bị sự thiếu hài hoà màu sắc làm mất hẳn nét cổ kính.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một di tích lịch sử, một trong rất ít vườn thiên nhiên rộng rãi còn sót lại của một thành phố chật chội đến độ mỗi đầu người chưa được đến 2 mét vuông cây xanh. Cái gì của thiên nhiên hãy trả lại cho thiên nhiên. Nên dẹp bỏ đi những cờ xí xanh đỏ tím vàng, những sản phẩm nhân tạo thiếu thẩm mỹ không phù hợp với thiên nhiên. Nên đi thăm các vườn đi dạo, thảo cầm viên ở châu Âu, châu Phi một lần cho biết. Không đâu có một lối trang trí phản thiên nhiên như vậy.
Viện Bảo Tàng đã đóng cửa nghỉ trưa. Chúng tôi cũng chuẩn bị ra về. Nhân tiện ngó sơ qua trường Trương Vương và Võ Trường Toản. Ngoài vẻ khang trang, trường không có nhiều thay đổi. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm khúc này vẫn vậy, hẹp; hai hàng me che bóng mát vẫn còn tươi tốt.
Đứng trước Thảo Cầm Viên, tôi ngẩng nhìn toà nhà cao ngất ngay góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Duẩn (Thống Nhất cũ). Toà nhà này, tôi nhớ, năm 1996 về đây, đã thấy xây cao, giờ năm 2005 vẫn chưa xong. Bề mặt toà nhà đang xuống cấp dữ dội. Một công trình không có vẻ gì vĩ đại xây gần 10 năm vẫn chưa xong là chuyện hơi lạ thường. Chắc chắn đây phải là một công trình bị lãng phí rất lớn.
Trưa đi ăn cơm bà Cả. Cơm bà Cả nổi tiếng. Xưa kia chúng tôi thường ăn ở cái quán nằm trong khu Huỳnh Thúc Kháng, còn quán này nằm gần chợ Bến Thành, hình như mới mở sau này. Tôi vẫn ghiền những món ăn gia đình: Thịt luộc, cà pháo, mắm tôm, dưa chua, canh cua rau đay nấu mướp, rau muống xào tỏi, cá trê chiên chấm mắm gừng, ... Đại loại là vậy. Đơn giản, bình dân, nhẹ bụng, ăn hoài không chán. Giá cả ở đây cũng phải chăng. Đồ ăn nấu không ngọt. Đúng gu người Bắc.
Chi nhánh "cơm bà Cả" này đông khách không thua kém các chi nhánh khác. Khách gồm đủ dân ba miền chứ không riêng gì dân Bắc. Người Việt hải ngoại khá đông.
Quán ăn ngon nhưng vẫn kém về mặt vệ sinh. Giống như Trà đạo, Võ đạo, có lẽ Việt Nam cần một cái nữa là Thực đạo để xứng đáng là bậc thầy của thế giới về nghệ thuật ăn uống.
Tôi đã được dịp đi nhiều nước và được thưởng thức nhiều món ăn địa phương nhưng chưa thấy nơi nào bằng Việt Nam. Đồng nghiệp tôi cũng có cùng nhận xét. Việt Nam, nhìn chung, không có kỹ thuật, không làm được gì khó ngoài biệt tài nấu ăn và tính hiếu khách.
Cho nên, biết cách phát triển và hoàn thiện về Thực đạo, Việt Nam dễ dàng trở thành một địa điểm du lịch ẩm thực độc nhất vô nhị trên thế giới. Phải làm sao tạo được một hình ảnh đặc trưng, giống như nhắc đến Mỹ, người ta sẽ liên tưởng đến Wall Street; nhắc đến Đức, người ta sẽ liên tưởng đến chiếc Mercedes; nhắc đến Ba Tây, người ta sẽ liên tưởng đến bậc thầy về bóng đá. Còn nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ liên tưởng đến cái bếp của thế giới: Bạn thích ư? Hãy đến Việt Nam ăn. Vừa ngon, vừa rẻ, vừa lành, vừa sạch, vừa thanh. Bạn sẽ được tiếp đãi nồng hậu và được thưởng thức món ăn đặc biệt của từng vùng, bất kể nơi nào bạn tới: Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Phú Quốc, Cần Thơ, Tây Ninh, Vũng Tàu, Phan Thiết, Mũi Né, Cam Ranh, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuộc, Pleiku, Tuy Hoà, Hội An, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thanh Hoá, Sầm Sơn, Hải Phòng, Vịnh Hạ Long, Điện Biên Phủ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Cao Bằng, ...
Đã trở thành một trung tâm du lịch ẩm thực lớn nhất thế giới, Việt Nam sẽ có nhiều việc làm. Không cần xuất khẩu gạo, trái cây, tôm cá, ... với giá rẻ mạt. Bảy tám chục phần trăm dân số là nhà nông, ngư dân tha hồ mà sản xuất cung cấp sản phẩm tươi cho cái bếp toàn cầu ngay tại chỗ. Những vùng hẻo lánh cũng trở nên thịnh vượng. Chính những vùng hoang dã mới là điểm du khách xứ kỹ nghệ muốn tới. Khách vừa vui tinh thần, vừa gián tiếp giúp chính phủ xoá nạn đói nghèo.
Nói tóm lại, ngay lập tức, Việt Nam nên biến mình thành một trung tâm du lịch ẩm thực độc đáo của thế giới nhờ sở trường vốn có của mình. Đừng để các nước láng giềng Trung Quốc, Thái Lan, ... qua mặt. Phải gấp rút nghiên cứu thật kỹ, đón nhận ý kiến kiều bào, du khách nước ngoài, nắm rõ tâm lý khách đến thăm Việt Nam, lập bài bản phát triển một cách chuyên nghiệp.
* Trời đã quá trưa. Về nhà, tắm rửa mát mẻ, ngủ được một giấc ngon lành.
* Chiều nay Cao Xuân Hạo mời tôi tới chơi với nhóm ngôn ngữ học của ông. Thay vì đến trường Sư phạm, ông đề nghị tôi đến thẳng "quán sinh viên" Lotus, 369 Nguyễn Trãi.
Anh tài xế taxi quen thuộc chở tôi đi. Đến 369 Nguyễn Trãi, không phải. Xe quay đầu về hướng Sài Gòn dò địa chỉ 369 Nguyễn Trãi khác thì gặp. Một con đường mà có nhiều địa chỉ cùng số, tuỳ phường, tuỳ quận. Một sáng kiến lạ lùng.
"Quán sinh viên" Lotus nhỏ, sạch sẽ, đèn để vừa đủ sáng, ấm cúng. Không khí không có vẻ "sinh viên" cho lắm. Khách phần đông đều cỡ tuổi trung niên trở lên. Phong thái lịch lãm, đạo mạo, từ tốn.
Cái bàn nhỏ bé đủ sức chứa một làng ngôn ngữ học mini gồm Cao Xuân Hạo, Bùi Mạnh Hùng, Hoàng Dũng, Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Đức Dương, những tên tuổi gạo cội thuộc trường phái Ngữ pháp Chức năng (Functional Grammar) ở Việt Nam.
Đáng mừng thay dần dần ở Việt Nam đã có những cái hội nhỏ, câu lạc bộ nhỏ được sinh hoạt trong bầu không khí độc lập, thoải mái, không sợ công an canh chừng. Thực ra, đối với người sống ở miền Nam trước 75, chuyện này rất bình thường. Ở các xứ khác hoặc ở nơi tôi đang sống, việc lập đoàn thể sinh hoạt độc lập cũng rất bình thường, miễn hữu ích, đừng vi phạm pháp luật và điều quy ước. Còn ở Việt Nam, tự do lập hội trên thực tế hình như vẫn còn bị giới hạn, dù nó hoàn toàn hữu ích. Tôi không hiểu tại sao. Hay tại chính quyền muốn tránh những ý kiến đối lập? Thế nhưng đối lập một cách xây dựng vẫn hữu ích chứ? Tự do mang tính xây dựng rất cần thiết cho sự phát triển đất nước và đáng phải có hơn là những tự do quá trớn như giao thông hỗn độn, xây dựng tự phát, ...
Mặc dầu tôi được hiểu là người thiên về trường phái Ngữ pháp Tạo sinh nhưng vẫn không bị nhóm Ngữ phái Chức năng "kỵ rơ". Buổi gặp gỡ thật thoải mái, thân tình. Chúng tôi vừa thảo luận, vừa nói chuyện đời vui vẻ, chỉ tiếc là tôi không uống được rượu vang.
Dùng Ngữ pháp Chức năng để giải thích tiếng Việt tôi cho là một lựa chọn thích hợp. Theo như những gì tôi đọc được của nhóm Cao Xuân Hạo, phải nói, họ đã thành công. Những công trình nghiên cứu có bài bản, trường phái rõ rệt, có giá trị thuyết phục. Ngoài Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Tài Cẩn, hầu như tôi chưa tìm thấy một tác giả nào có thể giải thích tiếng Việt đúng đắn và dễ dàng như nhóm Cao Xuân Hạo. Nguyễn Kim Thản, một nhà ngôn ngữ danh tiếng ở Hà Nội, cũng không thành công cho lắm.
Như đã nói, điều đáng mừng là Việt Nam đã có một nhóm ngôn ngữ học có trường phái hẳn hòi. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là cho phép người có tâm huyết được tự do làm việc một cách độc lập. Được vậy mới giải quyết được vấn đề, chẳng hạn những vấn đề liên quan đến tiếng Việt hôm nay. Làm sao để người Việt biết nói những tiếng cực kỳ đơn giản như "Xin lỗi", "Cảm ơn". Làm sao để công chức, cảnh sát, cán bộ biết dùng cụm chữ "xin vui lòng" giống các dân tộc khác, văn minh, lịch sự. Làm sao giảm bớt tệ nạn chửi thề. Làm sao soạn sách giáo khoa Việt ngữ tốt hơn. Làm sao đào tạo giáo viên Việt ngữ tốt hơn. Làm sao để người làm việc trong ngành thông tin đại chúng sử dụng tiếng Việt giỏi hơn, văn chương hơn hầu giúp người dân nâng cao phẩm chất tiếng Việt. Làm sao hiện đại hoá được ngành ngôn ngữ học trong thời đại tin học ngày nay mà Việt Nam đang bị thế giới bỏ quá xa. Làm sao để các nhà ngôn ngữ học ngồi lại với nhau mà làm việc.
Thứ ba, 19.07.2005 Sáng nay H. đưa chúng tôi đi thăm trường cũ. Đúng 8:00, cô bạn đến đón L. và tôi.
Ngày xưa L. học bên Khoa học, còn tôi bên Nông nghiệp IV. Hai trường láng giềng cùng nằm trong làng đại học Thủ Đức.
Đại học Nông nghiệp IV đã đổi tên thành đại học Nông Lâm T.P. Hồ Chí Minh. Trên chuyến du lịch từ Đà Lạt về lại Sài Gòn, chúng tôi có ghé lại đây nhưng người ta không cho vào. Hôm nay chúng tôi chính thức được vào trong sau khi đã thông báo với người bảo vệ có giảng viên C. của trường sẽ hướng dẫn chúng tôi thăm lại trường cũ.
Con đường chính chạy thẳng tới khu giảng đường hình chữ U. Hai hàng cây dầu lúc chúng tôi trồng còn bé tí, giờ, sau ngót 30 năm đã thành những cây cổ thụ cao ngất. Nhiều cây đã chết. Thay vào khoảng trống là cây mới trồng còn thấp, không cùng giống.
C. còn trẻ, thua chúng tôi mười mấy khoá, hiện là giảng viên của trường. Anh dẫn chúng tôi đi thăm nơi làm việc của anh. Trong văn phòng của anh có treo một tấm bản đồ thế giới bằng tiếng Đức. Anh kể đây là phòng làm việc của một giáo sư người Đức, sang Việt Nam làm việc với trường được vài năm và đã quay về nước.
Khu này ngày xưa hoàn toàn trống trải, giờ đây là một khu nhà mới được xây dựng. Cảnh vật bên hông nhà cũng đổi khác. Tôi còn nhớ ngày xưa có một con đường mòn đất đỏ dẫn ra một cái hồ thiên nhiên mà chúng tôi thường bơi lội vào mỗi buổi chiều. Cái hồ ấy cũng là nơi các chị tập bơi và thỉnh thoảng khóc thét lên vì bị đỉa bám vào người. Con đường mòn giờ cũng không còn thấy nữa.
Khu giảng đường hình chữ U xuống cấp thảm hại. Cây phượng trong sân trường lúc chúng tôi trồng còn bé, giờ cũng đã già cội. Giữa mùa hè, hoa phượng đỏ vẫn còn nở rộ trên những cành cây. Lác đác một vài băng đá. Chỗ này, vài sinh viên đang ngồi học bài, chỗ kia một đôi tình nhân đang kề vai chuyện trò tình tứ.
Bên ngoài nắng chói chang, bước vào trong, không gian đột ngột tối. Tôi muốn đi thăm lại hội trường.
Hội trường nằm bên cánh phải của cấu trúc hình chữ U, rộng như một rạp chiếu bóng. Đây là nơi cả đám sinh viên đông như kiến từng tới đó không phải để nghe giảng về một môn học chuyên môn, hoặc xem chiếu bóng mà là nơi đến để nghe giảng về chính trị. Đây còn là nơi tiễn đưa sinh viên đi bộ đội, được gọi là những người "tình nguyện" được hân hạnh đứng vào hàng ngũ Quân đội Nhân dân đi làm nghĩa vụ cộng sản quốc tế, giải phóng Campuchia khỏi ách quân Khmer Đỏ. Đó là vào năm 1978. Bây giờ là năm 2005. Tôi muốn ghé vào trong thăm lại nhưng cánh cửa đã đóng.
C. dẫn chúng tôi lên lầu. Lầu 3 là khu Thuỷ Sản. Tôi nhớ vậy. Giờ vẫn vậy. Những phòng học vẫn mang số 301, 302, ... nơi chúng tôi từng học môn sinh hoá, di truyền học, ...
C. đưa chúng tôi đi thăm thầy cũ. Người đầu tiên là cô Y. Phải lục lại trí nhớ, tôi mới biết bà là ai. Tôi nhớ mang máng bà từng phụ trách môn sinh vật năm đầu, lúc trường còn ở đường Đinh Tiên Hoàng dưới phố. Từ từ tôi mới nhớ thêm chi tiết; bà giáo hay mặc áo blouse trắng thường cho chúng tôi bài tập mổ con cá, con giun, con thằn lằn, ... xong rồi vẽ lại những bộ phận bên trong. Tôi còn nhớ, mổ nát con cá xong, không vứt đi mà bán lại cho công nhân viên nhà trường trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Không riêng tôi, lâu lắm rồi H. cũng không về trường. Để hai thày trò nói chuyện, tôi đi một vòng.
Hành lang hẹp và tối. Một cánh cửa phòng để mở; ánh sáng hắt ra. Tôi liếc nhìn vào trong. Một cái labor hoá học. Các chị sinh viên đang thực tập mắc cở vì thấy người lạ mặt.
Phía cầu thang sáng hơn. Ánh sáng chiếu vào trong để lộ những bức tường cũ ngà, loang lổ. Cái ổ điện hư sút ra ngoài thật nguy hiểm mà không ai sửa lại. Cái toilet cũng bị hư, ngoài cửa để tấm bảng "nhà vệ sinh bị hỏng". Cái cửa sổ cũng hư, ... Cuối hành lang, một cái nhà kho chứa toàn bàn ghế, đồ đạc hư hỏng.
Tôi được dịp trò chuyện với sinh viên đôi chút. Họ xưng hô với tôi bằng "chú, cháu". Tôi tự giới thiệu mình cũng từng học ở đây. Mọi người đều ngạc nhiên và đổi lại cách xưng hô bằng "anh, em". Biết "đàn anh" hơn "đàn em" ngót 30 khoá, cả đám lại vội vàng đổi cách xưng hô với tôi bằng "chú, cháu", làm tôi không nhịn được cười.
Người Việt có nhiều cách xưng hô nhất thế giới mà vẫn chưa đủ. Người mới gặp nhau lần đầu vẫn lúng túng, không biết xưng hô thế nào. Từ lâu tôi đã có một ý nghĩ trong đầu, sao giới Việt ngữ học không tổ chức một cuộc thi sáng tạo ra tiếng xưng hô trung hoà để giải quyết vấn đề này.
Hỏi chuyện mới biết việc học hành, ăn ở của sinh viên thời nay. Chương trình học, cách giảng dạy hầu như không thay đổi.
H. tiếp tục dắt tôi đi giới thiệu cô H. Bà học trước chúng tôi hai ba khoá, sau 75 trở thành giáo sư dạy chúng tôi môn gì tôi không nhớ rõ. Hình như bà cũng không biết tôi là ai, bởi thực sự mình không để lại một ấn tượng gì đặc biệt. Thế nhưng bà nói, bà vẫn nhớ tôi.
Bà vừa rót nước pha trà, vừa kể chuyện cũ nhưng tôi hoàn toàn không nhớ. Căn phòng làm việc chật chội chỉ đủ sức chứa một cái bàn giấy, một cái bàn tiếp khách và những kệ sách chất đầy hồ sơ, giấy má. Trong một góc tường còn có một cái bàn nhỏ có máy tính. Một cô sinh viên đang ngồi gõ máy, hình như đang làm luận án. Tường treo nhiều tranh ảnh, bảng minh hoạ các loài cá và cả bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nghe bà kể, năm nào trường cũng tổ chức họp mặt sinh viên cũ. Nhà trường rất hoan nghênh sinh viên cũ trở về thăm trường. Bà giở album cho chúng tôi xem hình chụp kỷ niệm với nhiều người Việt hải ngoại đã từng học ở đây về họp mặt và mời chúng tôi tham dự dịp kỷ niệm ngày thành lập trường sẽ được tổ chức trọng thể trong thời gian tới.
Sau gần 30 năm, tôi lại được ngồi trong một phòng học cũ. Vẫn cái bàn dài, cái băng dài, rải rác vài cái ghế đơn có gắn thêm miếng gỗ bên tay dựa làm bàn viết. Vẫn cái bục giảng. Vẫn cái phòng hẹp thiếu ánh sáng. Ít có gì thay đổi ngoài tấm bảng màu xanh lá sẫm còn mới và tường không còn treo nhiều khẩu hiệu.
Hôm nay chúng tôi được đóng một màn kịch sống lại thời sinh viên. H. và tôi ngồi bàn đầu. Cô Y. đứng trên bục giảng. Anh C. quay phim.
Đáng lý bà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc vì trường đang thiếu giảng viên. Bà than, trường đã xuống cấp quá sức mà không có tiền sửa sang; tiền để dành xây dựng khu mới bên kia.
Thăm mọi người xong, chúng tôi chào từ giã và đi thăm nơi khác.
Sân đá banh ngày xưa bây giờ được xây dựng thành một khu giảng đường mới hoàn toàn, rất đẹp và hiện đại. Cũng gần xong. Cái ao trồng rau muống của chúng tôi ngày xưa cũng biến mất. Trường đã quá chật chội, nhà cửa xây kín mít, không còn nhiều đất trống.
Chúng tôi vào thăm khu cư xá sinh viên cũ. Toàn khu được rào kín bằng những song sắt chứ không còn để mở như xưa. Nhà ăn bây giờ đề bảng Restaurant. Bên trái nhà ăn là cư xá A, bên phải là cư xá B. Sân bóng chuyền hai bên hông nhà ăn vẫn còn. Cái bếp đằng sau vẫn còn. Bên hông cái bếp là nơi chúng tôi thường nấu ăn thêm vào mỗi tối cho đỡ đói. Đồ ăn chẳng có gì đặc biệt. Một vắt mì nấu chung với rau muống cộng chút muối. Đôi khi có thêm quả trứng. Vậy là sang lắm. Có nước mắm càng sang nữa. Nhiều khi không còn gì để nấu phải đi ăn ké. Người bỏ của, người bỏ công đi nấu và rửa chén.
H. đưa tôi vào tận cư xá A nơi tôi ở ngày xưa. Nhìn lại cảnh cũ mà cảm thấy chạnh lòng. Cư xá A tồi tàn quá sức. Suốt một dãy nhà dài, quần áo phơi đầy trước cửa sổ. Bước vào trong, ngay cửa ra vào vẫn còn cái bàn của dân bảo vệ, ngày xưa chúng tôi gọi là dân "cờ đỏ". Đám đầu đen lố nhố tò mò nhìn khách lạ. Chúng tôi đi dọc theo hành lang hẹp và tối đến từng phòng. Mọi phòng đều đóng cửa. Bất thình lình một người bảo vệ đến yêu cầu tôi không được chụp hình. H. phân trần với anh ta, chúng tôi là sinh viên cũ về thăm trường, muốn chụp hình làm kỷ niệm nhưng anh ta nhất định từ chối. Chúng tôi phải đi ra.
Cư xá B cũng cùng một hình ảnh tiêu điều. Mỗi cửa sổ là một nơi phơi quần áo, nhếch nhác không thể tưởng. Cư xá C giống vậy, chỉ khác là có thêm một dãy cần xé chất đầy rác. Rác rơi vãi đầy mặt đất. Ruồi nhặng bay mịt mù.
Toàn cảnh khu cư xá nam trông tồi tàn như một khu nhà ổ chuột. Thế nhưng tôi lại nghĩ, có lẽ do tính con trai sống bê bối hơn con gái nên mới vậy. Nhưng không. Cư xá D của con gái cũng hệt vậy. Quần áo treo đầy cửa sổ. Bất chợt có một người đàn bà lái Honda ngừng lại trước mặt chúng tôi, yêu cầu không được quay phim chụp hình. Người đàn bà búi tóc, đeo khẩu trang che kín mặt, có một giọng Bắc cương quyết hơn anh bảo vệ bên cư xá A. Một lần nữa, H. lại phân trần với bà ta, chúng tôi là sinh viên cũ về thăm trường muốn chụp hình làm kỷ niệm. Nhưng bà vẫn không chịu. Bà cảnh cáo, muốn quay phim chụp hình kỷ niệm phải có giấy phép của ban giám hiệu nhà trường. Một anh bảo vệ từ đâu tới cũng xen vào cự nự chúng tôi. Tôi tính hỏi lại, hãy chỉ cho tôi thấy chỗ nào đề bảng "cấm chụp hình", chỗ nào đề bảng thông báo "muốn chụp hình phải xin phép ban giám hiệu" như bà nói. Nhưng nghĩ lại thôi, bởi vì tôi thừa biết cái máu luật rừng vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Đối thoại bằng lý lẽ vô ích.
Chỉ cần quan sát sơ cũng đủ thấy cái tính dã chiến phổ biến của con người hôm nay xuất hiện khắp nơi, không chỉ ngoài đường phố mà còn trong đại học. Đáng lý đại học phải là một nơi gương mẫu, nơi đào tạo con người gương mẫu về mọi mặt chân thiện mỹ để phụng sự xã hội mai sau. Xã hội có tốt đẹp hay không là tuỳ thuộc vào lớp sinh viên trẻ này, giới lãnh đạo tương lai này. Nhân xấu cho quả xấu. Không thể giải quyết vấn đề bằng cách cấm đoán, giấu nhẹm những cái xấu do tự ái mặc cảm, thiếu tự tin mà phải đưa nó ra ngoài ánh sáng, phân tích, nhận diện, nhận thức cho thấu cái sự thật và tìm giải pháp dứt điểm nó. Ngay một chuyện quá nhỏ rất dễ làm mà không làm được là chỗ phơi quần áo cho sinh viên. Bởi không có chỗ, các em mới phơi bừa bãi như vậy. Tại sao không biết làm ra một vật dụng dành cho việc này. Ví dụ, một cái dàn phơi quần áo hình chữ X. Nguyên tắc của nó giống như chiếc ghế bố có thể mở ra xếp vào, thay vì tấm bố thì là những sợi dây. Khi mở dàn, dây sẽ căng ra, có thể phơi quần áo trong phòng. Không cần nữa thì xếp lại, cất đi. Một dụng cụ bằng nhôm hết sức đơn giản, Việt Nam thừa sức chế.
Hình ảnh ngôi trường Nông Lâm hôm nay làm tôi thất vọng. Vẻ quê mùa nghèo nàn khiến tôi càng nhớ những năm xưa. Trong khoảng thời gian khắc nghiệt phi lý ấy, chẳng ai còn hứng thú làm gì. Thày không hứng thú dạy, trò không hứng thú học. Thày giỏi tìm cách đi vượt biên. Trò nối đuôi theo. Kẻ ở lại bon chen vào hội, vào đoàn, vào Đảng không phải vì lý tưởng cộng sản (thực sự họ chẳng biết gì) mà vì muốn thủ thân, vì chủ nghĩa có lợi. Thời thế đã dạy cho con người như thế. Đáng tiếc vô cùng.
Sự phân biệt đối xử cũng là một điều đáng tiếc. Tôi còn nhớ thuở đó, dân thanh niên miền Nam như chúng tôi không được ưa thích. Chúng tôi bị liệt vào thành phần tư sản. Tư sản là kẻ thù không đội trời chung của vô sản, cho dù mức độ tư sản của gia đình anh không hơn một tiệm phở, một tiệm bán tạp hoá, đừng nói giàu sang như nhiều cán bộ đảng viên hôm nay. Sự ghét bỏ chúng tôi cũng hiện rõ rệt trên mặt các đảng viên, dân cách mạng chỉ vì một cái lỗi không đáng gì. Trong khi đó, dân đảng viên, cách mạng làm gì không ai dám động tới. Mỗi lần bị kiểm điểm, tôi có cảm tưởng người ta trách móc, xỉa xói mình cốt yếu cho hả giận cá nhân chứ không nhằm mục đích khuyên răn, giáo dục. Bây giờ, chính những người ấy mới cảm thấy xấu hổ và ân hận về hành vi đối xử thiếu tử tế của mình với bạn bè năm xưa. Tôi biết họ ngượng và tránh gặp lại tôi kỳ này.
Phải nói, thế hệ sinh viên chúng tôi không được đào tạo tốt để trở thành những kỹ sư tốt, những người thầy tốt cho xã hội mai sau. Trình độ dạy và học thuở đó thật tồi tệ. Các môn khoa học chuyên môn không được đào sâu. Môn chính trị triết học Mác- Lênin quan trọng nhất. Không một bộ môn khoa học nào khác được thảo luận triền miên suốt mấy năm học như bộ môn này.
Tuy học nhiều về chính trị, tôi vẫn chẳng giỏi gì. Về sau sang Đức định cư, có cơ hội đọc các nguyên bản của Marx, Engels, ... tôi mới biết các chính trị viên thời ấy giảng về thuyết cộng sản không hoàn toàn đúng như những gì mình được đọc.
* Chúng tôi muốn vào nhà ăn ăn lại một bữa cơm sinh viên cho vui, nhưng quyết định ra về vì cảm thấy mình là những người khách không được hoan nghênh như bà giáo sư H. nghĩ.
Trời nắng nóng như lửa. Áo ướt đẫm mồ hôi. Cái dù che nắng của cô bạn cũng chịu thua sức nóng mặt trời. Chúng tôi lên xe rời bỏ nơi này, không biết bao giờ trở lại.
Xe qua trường Khoa học. Đại học Khoa học mới xây sau này, bề thế, hiện đại và được xếp vào loại đại học quốc gia. Nơi đây chỉ dành cho giới khoa học gia cao cấp Việt Nam và hội nghị quốc tế. Vẻ đồ sộ của toà nhà có người bảo vệ mặc y phục uy nghi đứng gác trông thật đáng sợ. Chúng tôi không được vào trong nhưng được phép chụp hình bên ngoài.
Trường Khoa học của L. nằm tít trong sâu, phía sau trường Công Nông cũ. Chúng tôi hoàn toàn không nhận ra khu này. Ngày xưa ngôi trường nằm giữa cánh đồng trống trải, bây giờ chung quanh, nhà cửa xây kín mít. Hai bên con đường hẹp quanh co mọc đầy quán cóc: quán cà phê, quán ăn, quán nhậu, quán internet. Nghe nói ở đây có nhiều phòng trọ bình dân của tư nhân cho sinh viên thuê, ngoài ra, cũng là nơi hẹn hò kín đáo và đầy rẫy tệ nạn, phim sex, mãi dâm.
Khu Khoa học của L. không đổi mấy ngoại trừ có thêm khu Kinh tế. Khung cảnh đẹp, khang trang, văn minh hơn bên khu Nông Lâm.
Sau đại học Khoa học là một khoảng sân rộng có nhiều cây che bóng mát và băng đá ngồi. Sinh viên tụ tập khá đông. Những khuôn mặt trẻ hồn nhiên như thể vẫn còn là học trò trung học. Ở lứa tuổi mười tám, hai mươi thế này, sinh viên Tây phương đã già dặn hơn nhiều. L. nhận xét, sinh viên Việt Nam thế hệ này khá nhỏ con. Tôi cũng thấy vậy. Anh bạn cho rằng, đó chính là hậu quả của ăn bo bo, cơm độn vào những năm sau 75: Một thế hệ thiếu dinh dưỡng.
Chương trình đi thăm trường cũ hôm nay chấm dứt. Anh tài xế đưa chúng tôi đến quán Dìn Ký ở Bình Phước ăn trưa rồi về thẳng Sài Gòn.
* Chiều nay chúng tôi lại được H. - ông bạn học cũ - mời họp mặt bạn bè. Mọi người hẹn gặp nhau ở quán Huế trong một ngõ hẻm trên đường Kỳ Đồng. Vậy là tôi được gặp thêm mấy người bạn học cũ.
Bạn học cũ của tôi hầu hết đều là dân Thuỷ Sản. Mỗi người sống nhờ công việc chuyên môn của mình: gây giống, nuôi, chế biến, đông lạnh, kiểm tra chất lượng, xuất khẩu, ... Riêng H., ông nổi tiếng về cá Basa, kỳ rồi rất điên đầu về vụ Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá. Cuối cùng phía Việt Nam thua kiện. Cá Basa không được gọi là Catfish nữa, phải đổi tên thành Pangasius. Hàng nhập vào Mỹ giảm sút đáng kể. Rốt cuộc ngư dân nghèo Việt Nam là người bị thiệt nhiều nhất. Nghĩ cho cùng, cái lỗi nằm ở chính phủ do hướng dẫn yếu kém, thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, ... chứ không phải người dân.
Tôi kể H. nghe, mấy tiệm thực phẩm Á châu nơi tôi cũng có bán cá Basa hoặc hàng tôm cá nói chung. Tôm cá Việt Nam đông lạnh khá lâu; hàng tươi nhất cũng đã đông lạnh sáu tháng. Ăn tôm Việt Nam hơn bất tiện. Tôm đông lạnh thành một tảng nước đá, muốn ăn vài con phải lấy búa đập vỡ ra một mảng, mất đầu mất đuôi hết. Tôm các xứ khác không phải vậy, được đông rời, muốn ăn bao nhiêu, lấy bấy nhiêu, không cần đến cái búa. Đây chỉ là một vấn đề kỹ thuật cần được cải thiện; Việt Nam thừa sức làm. Ngoài ra cũng cần để ý đến sức khỏe người tiêu thụ. Nhiều món hàng thuỷ sản của Trung Quốc, Thái Lan từng bị cấm bán tại châu Âu do lượng kháng sinh cao.
Giới Thuỷ sản trong nước cũng cần biết thêm, châu Âu là xứ thừa dinh dưỡng. Thừa dinh dưỡng phát sinh ra nhiều bệnh tật. Ngày xưa dân Âu châu ăn nhiều thịt và chất béo. Bây giờ từ từ họ ăn nhiều rau quả hơn và đặc biệt chuộng đồ tôm cá.
Châu Âu không phải là xứ dồi dào về thuỷ hải sản; tôm cá rất đắt; dân thường không dám ăn nhiều. Nhưng ngày nay khác. Tôm cá được nhập từ Bắc Phi, Banglades, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, ... giá tương đối phải chăng. Tuy vậy nó vẫn chưa phổ biến ở các siêu thị lớn. Mức tiêu thụ hàng thuỷ sản ngày càng tăng. Mc Donald đã đưa cá fillet vào làm sản phẩm. Nếu biết hợp tác làm ăn với các công ty lớn như Mc Donald, Burger King, Metro, ... cá Basa sẽ được tiêu thụ với số lượng lớn và rộng rãi khắp thế giới thay vì quanh quẩn trong những tiệm tạp hoá Á châu nhỏ, ít khách. Hàng chế biến cũng có giá trị, có thể tiêu thụ nhiều thông qua các siêu thị lớn.