Chương 2


Chủ nhật, 26.06.2005 Sáng nay ông bạn D. rủ tôi đi uống cà phê ở Quán Trung Nguyên nằm trên đường Trần Quốc Thảo (một đoạn Trương Minh Giảng cũ). Quán đẹp nằm giữa khu vườn nhiều cây cối. Khách có thể ngồi ngoài hoặc trong nhà.
Café Trung Nguyên được xếp vào hàng bậc nhất của thế giới cà phê ở Việt Nam và có nhiều chi nhánh trên toàn quốc.
Lâu ngày không uống cà phê kiểu Việt Nam, nhìn từng giọt cà phê trong phin nhỏ ra thơm phức, thật thú vị. Cà phê Việt Nam rất đậm, đậm hơn Espresso Ý nhiều. Sống ở nước ngoài lâu, tôi đã quen uống cà phê loãng, nên phải pha thêm nước sôi. Dân trong nước lại thích uống đậm; tách nhỏ chứ không to như ly uống cà phê ở Đức.
Uống được ly cà phê ngon, không đắt lắm, 12000, khoảng 0,6 Euro.
Tính tiền xong, ông bạn đưa tôi tới thăm nhà cho biết. Nhà ông đang xây mới. Ông cần làm việc với mấy người thợ hồ một chút. Tôi nhờ ông đưa tôi đến một cửa hàng Internet ngay đầu hẻm để check mail và hẹn gặp lại.
Đọc và trả lời email xong, tôi thử giở mấy trang tiếng Việt hải ngoại xem tin tức nhưng không vào được. Tất cả đều bị tường lửa kể cả trang talawas. Không muốn thử thêm, tôi vào trang Spiegel đọc báo, đợi ông bạn.
Internet Việt Nam dùng ADSL không hiểu sao vẫn chậm. Giá rất rẻ, mỗi giờ chỉ có 2000, tức 0,1 Euro. Tôi dùng máy nửa tiếng, trả 1000.
Xong việc, ông bạn trở ra, chở tôi đi tiếp về hướng trung tâm thành phố.
Giờ để ý mới thấy đường Lê Văn Sỹ (Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký cũ) thay đổi nhiều. Ngoài nhà cửa thường dân, mọi nhà thờ cũng xây mới. Nhà thờ Ba chuông xây mới theo kiểu Á châu, nhà thờ Vườn Xoài cũng vậy. Ông bạn cho biết đó là cái mốt "về nguồn" hiện nay của mấy ông linh mục.
Đi ngang cầu Trương Minh Giảng. Kênh Nhiêu Lộc vẫn còn cái mùi nước cống hôi thối bốc lên từ mặt nước đen ngòm. Điều đáng mừng là không còn nhà sàn và rau muống mọc trên kênh. Nhà hai bên cũng bị giải tỏa hết để làm đường.
Dọc đường, chúng tôi ghé quán của Th.. Café Paris nằm ngay góc Ðồng Khởi - Nguyễn Du, đối diện cao ốc Hainam Office.
Quán mang phong cách Tây phương, sang trọng; bên trong có bar, máy lạnh; bên ngoài có ban công. Khách có thể ngồi uống cà phê nhìn ngắm người qua lại. Khách đa số là dân Tây phương.
Uống nước xong, ông bạn có việc phải về. Tôi đi bát phố.
Bước qua đường, tôi tới thăm tòa nhà Metropolitan. Trong tiền sảnh đang triển lãm tranh của "Trẻ em đường phố" do Rossignol Fine Arts và Thảo Đàn tổ chức. Những tác phẩm của các họa sĩ bụi đời vẽ khá đẹp được bày bán. Nhiều tấm đã được đặt mua. Không rẻ. Tôi muốn hỏi thăm về hoạt động của hai tổ chức từ thiện trên nhưng cô tiếp viên đã nằm ngủ trưa sau quầy.
Tôi tiếp tục thả bộ dọc con đường Ðồng Khởi (Tự Do cũ) hướng về trung tâm phố. Lề đường chỗ lành, chỗ lở. Du khách đi bộ vừa đi vừa tránh vũng nước, lách qua lách lại như người say rượu. Kể cũng lạ, người ta có thể xây những cao ốc, sửa sang nhiều kiến trúc to lớn chung quanh mà không làm nổi một cái vỉa hè cho đàng hoàng.
Nhà cửa hai bên đường Ðồng Khởi được trùng tu đẹp đẽ. Mỗi nhà là một quán ăn sang trọng hoặc cửa hiệu thanh lịch bán tranh sơn mài, áo dài, quốc phục, nhà triển lãm tranh, nhà sách...
Khách sạn Continental được đổi tên thành Khách sạn Hoàn Cầu. Không hiểu sao người ta có thể thay đổi một thương hiệu lâu đời và nổi tiếng như vậy hết sức dễ dàng. Vì chủ nghĩa yêu nước, muốn Việt hóa mọi thương hiệu thành tiếng Việt chăng?
Tên khách sạn Rex cũng được Việt hóa. Đối với người nước ngoài, nó vẫn mang cái thương hiệu Rex truyền thống, còn đối với người trong nước, nó tên là Bến Thành.
Vậy là một sản phẩm cần đến hai thương hiệu và cần bảo vệ cả hai. Một sản phẩm có hai thương hiệu đã là một chuyện quái gở, thêm vào đó cần bỏ tiền cầu chứng cho cả hai; tốn kém gấp đôi.
Nhà hát lớn (Hạ Nghị Viện cũ), một kiến trúc tuyệt đẹp được quét vôi mới, trắng ngà. Nhưng khuôn mặt quý phái hiếm có trong thành phố đã bị bôi lem luốc. Trước ban công, người ta treo một dãy hình diễn viên đầy màu sắc như phơi quần áo. Hai bên cánh là hai tấm pano to tướng "Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam - Đoàn kịch 2 - Đời cười - Bến Ô sin". Từ xa nhìn tới, ngôi nhà trông na ná như một cái siêu thị với đầy bảng hiệu.
Dọc đường Lê Lợi về hướng chợ Bến Thành là những cửa hiệu boutique sang trọng: Áo dài Tri Kỷ, Phượng Cách, Diễm Thúy, ... Tòa nhà Ủy ban Nhân dân thành phố được tân trang lộng lẫy, chỉ tiếc là sự hiện diện thô kệch của hai cao ốc đằng sau làm hỏng hết không gian hậu trường. Giữa công viên trước tòa nhà là pho tượng Hồ Chí Minh. Dưới chân tượng có đặt vài vòng hoa phúng điếu. Không thích hợp chút nào. Phải chi đó là pho tượng bán thân hoặc bia tưởng niệm nghiêm trang còn được, đàng này là tượng Hồ Chí Minh đang vui vẻ ngồi đọc sách với một đứa bé.
Áo tôi đã đẫm mồ hôi sau một đoạn đường đi bộ giữa trời nắng chói chang. Tôi tìm đến một băng đá có bóng cây bên lề đường ngồi nghỉ mệt. Bất chợt có một cô gái mặc váy đỏ ngắn cụt cỡn, hở ngực, lái chiếc Dylan trờ tới. Cô mỉm cười hỏi tôi gì đó không nghe rõ. Nhưng tôi hiểu và mỉm cười, lắc đầu, cảm ơn.
Tôi muốn ghé nhà sách Sài Gòn (Khai Trí cũ) trước khi trở về nhà. Trên đoạn đường Lê Lợi dẫn đến đó hầu như chỉ có những cửa hiệu bán đồ lưu niệm cho du khách: kính mát, ống nhòm, đồng hồ, sơn mài, áo thun, cờ Việt Nam, hồi ký Bill Clinton, cọ tàu, nón cối, chén bát xen lẫn chân dung Hồ Chủ tịch.
Khu Lê Lợi được sửa sang nhiều nhưng vẫn còn nét cũ. Ngoại trừ tòa nhà chọc trời Saigon Tower nhô cao đứng chơ vơ như một cột đèn, thương xá Tax và những dãy nhà bên cạnh vẫn giữ nguyên chiều cao của mình. Trên hè phố, lác đác vài du khách Tây ba lô đi mua sắm. Vỉa hè thoáng, đi lại dễ dàng hơn xưa. Không thấy bóng cảnh sát giao thông đứng gác ở góc đường ngoài những người mặc đồng phục xanh đảm đương việc giữ trật tự. Xe không được phép đậu dưới lòng đường, song thực tế, xe ôm vẫn đậu đó đây.
Vào nhà sách Khai Trí, tôi tìm đến khu sách ngôn ngữ học. Không có nhiều. Cả những cuốn sách Cao Xuân Hạo tặng tôi hôm qua cũng không tìm thấy. Kể cũng hơi lạ. Một nhà sách lớn mà lại thiếu sách. Không có thì thôi, tôi kiếm mua một số sách văn học và vài dĩa nhạc.
Cách tính tiền ở đây thật lạ lùng. Mua sách thì trả tiền ở quầy tính tiền sách, mua đĩa nhạc thì trả tiền ở quầy đĩa nhạc,... Phải xếp hàng nhiều lần. Một lối quản lý quốc doanh quá lạc hậu. Ở châu Âu không có tình trạng này. Ở đó khách có thể mua sắm bất cứ thứ gì, ở khu nào, tầng nào và trả tiền ở bất cứ cát xê nào cũng được. Hơi bực mình tôi hỏi cô bé tính tiền "Sao rườm rà quá ?". Cô bé tỉnh bơ đáp lại "Dạ. Xin chú thông cảm. Cháu là nhân viên, chỉ làm theo chỉ thị". Tôi bèn hỏi "Sếp của cô là ai?". Cô bé bắt đầu hơi sợ và chỉ đến một người đàn bà mặc áo dài xanh da trời đang đứng sau một kệ sách. Trả tiền xong, tôi bước đến và góp ý với cô ta. Cô khép nép thưa "Xin anh thông cảm. Em biết điều này. Nhiều khách đến đây thường than phiền, nhưng em chỉ làm theo lệnh cấp trên". Nhìn nét mặt lo sợ của cô bán hàng, tôi không hỏi nữa, bỏ đi và cảm thấy hối hận về hành vi cứng nhắc của mình.
* Chiều, T. mời H. và tôi đi uống nước. Quán Nice giống một quán cà phê hơn là một quán ăn. Nghe cô bạn nói, phía sau còn một khu Karaoke dành cho giới thượng lưu.
Hôm nay tôi mới có dịp nói chuyện nhiều với T., giống như H., cũng là bạn học thân nhất của tôi đã 27 năm rồi không gặp. Vóc dáng cô bạn không đổi ngoài khuôn mặt già dặn và có vẻ vui lòng an phận.
Tôi còn nhớ thuở xưa, T. là hoa khôi của Đại học Nông nghiệp 4. Với dáng tiểu thư nữ sinh Trương Vương, tân thời, con nhà tư sản, bướng, cô bạn bước vào đại học và bị... đì thê thảm. Đì cho mất tính tư sản, đì cho bỏ chiếc áo dài, phải mặc áo bà ba. Thời đó dân tư sản như chúng tôi là đối tượng của các cuộc kiểm điểm. Bất kỳ một hành vi nhỏ nhặt nào cũng bị kiểm điểm. Kiểm điểm liên miên, kiểm điểm cho bõ ghét chứ không phải để xây dựng. Thanh niên miền Nam chúng tôi có cảm tưởng như bị người cộng sản hận thù đến tận xương tủy. Nhưng chúng tôi đã làm gì? Không nói được, chúng tôi đành cắn răng chịu đựng.
T. vượt biên nhiều lần, không thành, vào tù và bị đuổi học. Sau này được tha, được đi học lại, T. bị ở lại lớp. Từ đó, cô bạn quyết tâm phấn đấu, lao động hết mình, để đừng ai ghét bỏ. Cuối cùng cô được kết nạp vào Đảng.
Sau nhiều năm làm nghề thủy sản, cực nhọc quá, cô bạn bỏ nghề, đi học kinh tế và trở thành một vị lãnh đạo cao cấp của một công ty quốc doanh lớn tại Sài Gòn. Lương tháng 100 đô chỉ đủ cho một người độc thân. Còn có gia đình thì không đủ. Cho nên bắt buộc ngoài giờ làm việc, phải làm thêm, còn không phải tham ô.
Thành ra chẳng lạ gì khi thấy một ông giám đốc, lương chỉ có 100 đô mỗi tháng, không đủ sống mà lại ở nhà cao cửa rộng. Chọn giải pháp làm thêm đến bao giờ mới xây được nhà. Ngày làm việc 8 tiếng, tối còn đi làm thêm, vừa bẽ mặt giám đốc, vừa cực, đâu còn thì giờ đi nhậu. Ở Việt Nam hôm nay, tối nào quán nhậu nào cũng đông nghẹt và không thiếu những ông quan lớn.
Cô bạn chỉ trích hạng người tham nhũng nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Một con én không làm nên mùa xuân ngoại trừ đó là con én chúa. Trở thành đảng viên vẫn chưa đủ mà còn phải có quyền thế, quen lớn. Ít nhất cũng như một ông lớn, cô bạn kể, đám ma bố ông, người đi đưa đám dài cả hàng cây số. Không có một mệnh lệnh nào bắt buộc mọi người phải tham dự. Mỗi người bên dưới phải tự giác tuân theo một thứ luật bất thành văn: không làm vừa lòng cấp trên là mất đầu.
Hai cô bạn lại hỏi tôi về chuyện vượt biên. Thực tình tôi không muốn nhớ đến những chuyện đau lòng ấy nữa, nhưng chìu bạn, tôi cũng kể sơ sơ.
Tôi nói, T. và H. ở lại mặc dầu phải trải qua một quá khứ khắc nghiệt phi lý, nhưng vẫn còn may mắn là chưa gặp cảnh cưỡng hiếp. Đa số đàn bà con gái đi tàu về hướng Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương gặp cướp Thái Lan đều bị cưỡng hiếp. Cảnh người chồng, người cha bất lực nhìn vợ, nhìn con la hét vì đau đớn. Trong ánh lửa bập bùng, từng tên cướp thay phiên nhau nhảy xổ lên những tấm thân gầy yếu đuối. Một người chồng bị bắn nát óc, một người cha bị những nhát mã tấu chém tới tấp khi vùng lên xua đuổi đám dâm ô,...
Tôi chấm dứt ngay câu chuyện, T. và H. ngồi bất động. Không khí buồn hẳn.
Đợi trời tạnh mưa, T. gọi người bồi đến tính tiền. Ra khỏi quán. Một cô tiếp viên xinh đẹp, mặc áo dài tươi cười giã từ chúng tôi. Cô bé còn rất trẻ, vô tư.
Chào H. xong, T. chở tôi về. Dọc đường ghé mua vài ổ bánh mì.
Bà xã tôi và mấy đứa nhỏ còn thức. Cả nhà ngồi ăn vui vẻ, nghe tụi nhỏ líu lo như một đàn chim.
Thứ hai, 27.06.2005 8:00 sáng Cao Xuân Hạo gọi điện thoại mời tôi đi ăn: Thứ ba, 7 giờ tối. Ông cụ sẽ đón tôi tại khách sạn.
8:30, uống cà phê ở AQ, góc Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ) - Cư xá Đô thành.
Quán nằm sát bên đường. Xe cộ rất ồn. Tuy vậy, sau ba ngày ở đây, tôi đã quen dần với thứ tiếng động ấy giống như mọi người khác đang thản nhiên ngồi uống cà phê trong vườn.
Tôi gọi một ly cà phê đen. Sau hai phút là có ngay. Anh bồi trẻ cho tôi thêm một ly trà nóng. Tôi cảm ơn và xin thêm một ly nước sôi để pha cà phê cho loãng bớt. Anh vui vẻ gật đầu.
Tôi đặc biệt mến những người phục vụ. Họ còn trẻ, cỡ 18 đến 22, nam lẫn nữ. Họ mặc đồng phục, áo sơ mi cà phê sữa, quần đen, thanh lịch, vui tươi, lễ phép. Nhìn phong cách phục vụ cộng lối trang hoàng của quán, tôi đoán người chủ quán là người có trình độ. Quả thực vậy, một người Việt học về kinh tế, sống ở Pháp đã lâu, về Việt Nam mở quán này.
Kh., một học sinh sắp trở thành sinh viên kinh tế, làm việc ngày 4 tiếng, lương gần 1 triệu. Vậy là cao, chưa kể tiền thưởng của khách. Các bạn của Kh. cũng vậy, đều là sinh viên, học sinh con nhà nghèo đi làm thêm. Người chủ quán muốn nhận người có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc để nâng đỡ họ. Âu cũng là lòng tốt tự nhiên thường thấy nơi người Việt.
Nhìn chung, hẳn ai cũng nhận thấy, người Việt không biết chủ nghĩa xã hội là gì nhưng có tính thương người. Người Việt không biết chủ nghĩa cộng sản là gì nhưng biết sống chung với gia đình, hàng xóm, tập thể, biết chia sẻ với mọi người. Người Việt không biết tình hữu nghị quốc tế là gì, nhưng rất hiếu khách. Người Việt không máy móc như người Tây phương. Người Việt còn nhiều tính tốt khác: lễ phép, nhẹ nhàng, vị tha rộng lượng,… Những vẻ đẹp đó không cần kiếm đâu xa, người Việt đã có từ lâu, đặc biệt là tính xã hội. Mặc dầu đức tính này có phần mai một nhưng chỉ cần phục hồi, Việt Nam lại trở thành một cộng đồng xã hội chủ nghĩa tự nhiên, đúng truyền thống lâu đời của mình, chứ không cần một thứ bài bản chủ nghĩa xã hội xa lạ nào cả. Nên nhớ, tính xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là một bản chất nằm trong máu người Việt, còn tính xã hội chủ nghĩa của phương Tây là ý tưởng nằm trên giấy. Bởi vì không có, người ta phải đấu tranh, giành giật cho có bằng cách phân chia giai cấp, gây hận thù, chém giết lẫn nhau. Đó là bài bản nằm trong khái niệm "cách mạng".
Cần phải sống thật lâu ở châu Âu mới hiểu đúng tính xã hội của cộng đồng này. Xã hội khá công bằng. Tính công bằng được định đoạt bằng khế ước, văn bản chứ không phải bằng sự hài hòa tự nhiên. Người ta muốn cái gì cũng rõ ràng. Tốt nhất là chép ra giấy. Sau khi đã thỏa thuận trên giấy tờ, mọi người đều xem nó như một thứ chuẩn mực tuyệt đối và tôn trọng một cách cứng nhắc. Ai không tôn trọng khế ước đã định, người ấy có lỗi.
Cho nên con người ở đó sống như một cái máy. Họ thủ thân, bảo vệ quyền lợi của mình bằng những thỏa thuận ghi trên văn bản. Họ đối xử với nhau bằng luật thay vì bằng tình người. Mọi thứ đều sòng phẳng, rõ ràng theo luật. Cha mẹ Việt Nam nuôi nấng con cái không bao giờ kể công. Dù nghèo, vẫn cố làm lụng cực khổ lo cho con mình ăn học thành tài bất kể bao lâu. Còn ở Đức khác, đứa con có quyền bắt cha mẹ lo cho mình ăn học đến năm 27 tuổi, còn không, nó có thể kiện cha mẹ ra tòa. Hoặc, cha mẹ già cả, bệnh hoạn thì vào viện dưỡng lão, con cái không cần phải lo vì đã đóng thuế để cho nhà nước làm chuyện ấy,... Đó là cái dở của con người sống trong một xã hội thuần khế ước. Đồng ý rằng khế ước đảm bảo sự minh bạch, công bằng, nhưng, như một con dao hai lưỡi, nó cũng vô tình làm con người trở nên khô khan, máy móc.
Tuy vậy cũng nên công bằng mà nhận xét về sự cần thiết của khế ước.
Sống trong một cộng đồng, ai cũng muốn hạnh phúc, muốn bình đẳng, muốn được tôn trọng. Không đạt được điều ấy bằng sự hài hòa tự nhiên, con người sẽ nghĩ ra một lý thuyết hay một khế ước - nói chung là phương tiện - để thực hiện điều mong muốn. Nói cách khác, con người muốn cái phương tiện phải đạt được mục đích ấy. Còn nếu nó chỉ làm khổ mình thêm thì thật là vô nghĩa. Không có lý do gì phải sống và hy vọng vào cái phương tiện vô tích sự ấy nữa. Một người khôn ngoan sẽ từ bỏ nó ngay. Tại sao phải bám víu làm nô lệ cho cái phương tiện chính mình đã đẻ ra và đã làm hại mình.
* Chỗ tôi đang ngồi đối diện với một đường hẻm nhỏ bên kia đường. Một đám thanh niên đang đánh lộn trước cổng. Trước cổng có treo tấm bảng nền xanh chữ trắng "UBND Phường 11 quận 3 - Khu phố 3 - Hẻm 382 Điện Biên Phủ - Quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng khu phố văn hóa".
Ở Sài Gòn, hẻm nào cũng có tấm bảng đề dòng chữ "khu phố văn hóa". Thế nhưng vào trong mới thấy, rác rưởi xả khắp nơi, quần áo phơi đầy trước nhà, thanh niên tụ tập ăn to nói lớn, chửi thề luôn miệng,... Chưa kể có nơi còn có tệ nạn đĩ điếm, xì ke, ma túy.
Ông anh đến. Hôm nay ông muốn chở tôi xuống phố mua ít nhạc và sách.
Chúng tôi ghé tiệm Uyên đối diện nhà văn hóa thanh niên ngay góc Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ) - Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ), gần hồ con Rùa. Đây là một cửa hiệu chuyên bán băng nhạc, DVD. Tôi đã dự tính mua các thứ: nhạc dân tộc, nhạc Việt hiện thời trong nước, hình ảnh Việt Nam, nghệ thuật nấu ăn Việt Nam, nhạc nhi đồng.
Nhạc dân tộc: tôi mua được một đĩa Nhã ca Cung đình Huế của giáo sư Trần Văn Khê, dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Dân ca...
Nhạc Việt: tôi mua được vài CD của Lê Minh Hà, Thanh Lam, Mỹ Linh...
Hình ảnh Việt Nam: tôi mua được 7 CD "Việt Nam - Đất nước con người", từ mũi Cà Mau ra tới Lạng Sơn.
Nghệ thuật nấu ăn: tôi mua được "1001 món ăn chơi Việt Nam".
Cô bé bán hàng thật nhí nhảnh. Thấy tôi ôm một đống CD, cô chìa hai bàn tay mang hết ra quầy gửi rồi quay lại mời tôi mua thêm. Cầm từng đĩa CD nhạc nhi đồng, xem mục lục đằng sau, tôi lại bỏ xuống. Thấy vậy, cô bé nhanh nhẩu nói "CD này hay lắm anh, mới nhất đó". Tôi mỉm cười nhìn cô bé mới mười bảy mười tám, hỏi "Hay là sao?". Cô bé vô tư trả lời "Thì có những bài rất hay như là ‚Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng’, hay là ‚Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ’, hay là ‚Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo,... để cha mẹ vào nhà máy, ông bà vui cấy cầy’".
Phải công nhận cô bé bán hàng rất kiên nhẫn. Cô dắt tôi sang một kệ trưng đầy nhạc trẻ, lấy từng cuốn CD ra giới thiệu "Đây là Album mới nhất của Đan Trường, đây là album mới nhất của Đàm Vĩnh Hưng,... Hay lắm anh". Vừa ráng thuyết phục khách, cô vừa lắc lư như thể đang nghe một bài nhạc nào trong cuốn album. Nhìn chân dung ca sĩ in ngoài bìa, tôi cảm ơn.
Nhạc, phim ở đây có hai loại: có tem và không có tem. Có tem là đĩa gốc, giá khoảng 35000-40000. Không có tem là đĩa sang lậu, giá khoảng 15000.
Trả tiền xong, anh tôi chở tôi vào trung tâm phố. Vào tiệm sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi, tôi mua được một số sách dạy nấu ăn và vài cuốn từ điển. Tôi không tìm thấy thêm cuốn sách ngôn ngữ học nào mới. Kể cũng lạ, một nhà sách lớn nổi tiếng xưa nay của thành phố mà vẫn thiếu sách. Muốn đặt mua cũng không được.
Sách Việt Nam sau này in khá đẹp. Kỹ thuật ấn loát có nhiều cải tiến. Nhưng mà đắt. Đối người Việt hải ngoại thì không, nhưng đối với người trong nước thì đắt. Tuy nhiên không phải tất cả. Ví dụ, sách giáo khoa lại rẻ. Tuy vậy chỉ có nghĩa là rẻ hơn chứ vẫn đắt đối với học sinh nghèo.
Nghĩ đến sách giáo khoa tôi lại đâm thắc mắc. Tại sao phải bắt học sinh mua sách học? Gặp con nhà nghèo không có tiền thì sao? Học xong một năm, sách cũ không dùng nữa thì để làm gì? Học hết lớp 12, có lẽ nhà nào cũng có một cái thư viện sách giáo khoa. Để làm gì? Còn dùng nữa không hay cân ký bán? Thử nhân số sách cũ với mấy chục triệu học sinh trong nước thì số lượng là bao nhiêu? Đó là một sự lãng phí rất lớn, hao tốn biết bao nguyên liệu giấy, mực, tiền bạc, và nhất là tiền thuế của dân.
Ai cũng biết, đa số dân Việt Nam là dân sống ở vùng quê nghèo khổ, cha mẹ làm việc cùng cực không đủ ăn mà còn phải mua sách vở cho con ăn học. Cha mẹ không lo xuể, con cái khó có điều kiện học hành.
Tại sao Việt Nam không thử một giải pháp. Học sinh không cần mua sách học mà được nhà trường cho mượn miễn phí. Học hết năm thì trả lại để học sinh lớp dưới lên có sách học. Sách in đẹp và thật bền. Học sinh không phân biệt giàu nghèo đều có sách học; cha mẹ không tốn một xu.
Một giải pháp hết sức đơn giản nhiều nước đã làm từ lâu. Việt Nam thừa sức làm.
Giả sử nhà nước Việt Nam không đủ khả năng cho mượn miễn phí, vẫn không sao. Đối với học sinh giàu thì cho mướn, còn học sinh nghèo thì cho mượn. Thay vì mua một cuốn sách giá 5000, thì mướn với giá 2500 một năm học. Có hai lựa chọn: muốn làm của riêng thì mua, cha mẹ giàu có đủ sức trả; còn thấy đắt thì mướn, giá rẻ phân nửa. Sách học xong không dùng nữa thì trả lại chứ để trên kệ làm gì. Còn muốn sử dụng lại, thì vào trường mượn/mướn tiếp.
Giải pháp trên rõ ràng có lợi cho học sinh nghèo. Nó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giáo dục, nâng cao dân trí toàn dân, vừa mang tính xã hội, vừa tránh lãng phí đối với một đất nước còn nghèo, cần tiết kiệm.
Nhưng, một giải pháp coi đơn giản vậy lại khó thực hiện đối với Việt Nam. Có hai lý do. Một là không biết nhà nước có muốn thực hiện một giải pháp có tính công bằng như thế - đúng theo tiêu chí thường thấy trên khẩu hiệu - hay không, hay muốn kiếm lời từ tiền bán sách. Hai là nội dung sách giáo khoa ở Việt Nam thay đổi liên tục. Mỗi lần thay đổi buộc phải in mới lại, rất tốn kém. Đó là một điểm yếu kém của giới lãnh đạo ngành giáo dục.
Việt Nam thường tự hào không thiếu nhân tài, không thiếu giáo sư, tiến sĩ. Cầm một cuốn sách chuyên môn là thấy đề tên tác giả GS TS Nguyễn Văn A, PGS TS Trần Thị B, vân vân và vân vân. Dân chúng ở đây thường nói, ra đầu ngõ là gặp giáo sư, tiến sĩ. Tự hào có cả một lực lượng khoa học gia hùng hậu mà soạn một cuốn sách giáo khoa cũng không xong. Năm nay soạn, năm sau sửa lại, thay đổi liên miên, học sinh theo không kịp.