Ai Hát Giữa Rừng Khuya
Tác Giả: Tchya


Tôi dụi mắt ngắm kỹ một lần chót nữa. Quả nhiên, cũng như cảnh tượng vừa hiện ra lúc tôi mới đến, tất cả sự vật chung quanh mình tôi cứ tựa hồ chứa đầy một vẻ bí mật thiêng liêng rùng rợn, một vẻ bí mật mà hình ảnh rõ rệt tôi được mục kích càng làm cho dữ dội, nặng nề.
Hiện trạng đương phô bày trên mái đồi kia, trước mắt tôi không xa mấy, dưới ánh nắng vàng đỏ của buổi chiều tà, hiện tượng đó có quả thực là một hiện tượng hay không, hay chỉ là một hình ảnh mơ hồ mà đôi mắt quáng của tôi lầm tưởng là một bức tranh kỳ quặc? Tôi phân vân không biết tự đáp thế nào. Ngắm đi ngắm lại, nhìn rồi lại dụi mắt, dụi mắt xong lại nhìn, tôi hết sức kinh nghiệm để chắc chắn, cho kỳ mối ngờ vực của tôi thành hẳn ra ngờ vực, hoặc biến thành một tín ngưỡng sâu xa. Nhưng... có lẽ nó hóa ra tín ngưỡng mất.
Vì, chỉ cách tôi bảy tám cột đèn, nghĩa là non hai trăm thước, giữa ban ngày, sự lạ lùng hiện ra cho tôi trông thấy vẫn không hề biến đi, mà cũng không thay đổi. Sự ấy thực là một kỳ quan độc nhất vô nhị, một sự tối vô lý mà mình phải tin là thật, nhưng cũng có nghi ngờ là giả dối, mơ hồ. Cứ lấy con mắt hết sức chú ý nhìn, thì sự đó vẫn không trốn tránh tính tò mò hiếu sự của ta; song, hễ khi nào ta dùng đến một vật gì để đi gần lại trường hoạt động của nó, thì nó biến vụt ngay như làn khói bị gió lùa. Hoặc ta tìm cách đi gần chân đồi, còn độ hai ba cột đèn sẽ tới nơi, trông lên thì không thấy gì nữa cả; hoặc ta đưa lên mắt một cặ ống nhòm để phóng đại trường qua sát, phong cảnh càng to ra bao nhiêu thì hình ảnh ta muốn thấy lại mờ đi bấy nhiêu, có khi hóa thành trong như vắt như kính, nghĩa là không có hình sắc nữa.
Bằng cứ chịu khó đứng xa xa mà ngắm nhìn, thì dẫu ngắm chán mắt, sự kỳ quặc kia cũng vẫn hiện ra cho mình trông thấy, hiện ra một cách nửa rõ rệt, nửa mơ hồ, lạ lùng khó tả quá! Nhưng không phải ngày nào, giờ nào, bất cứ lúc nào, ta cũng có hạnh phúc được nhìn nó. Nó chỉ thoát khỏi cõi âm trở về cõi dương một năm có vài kỳ, mỗi lần sự biến thiêng của khí hậu gợi cho nó nỗi nhớ tiếc thời oanh liệt thuở xưa.
Sự biến thiên đó họa hoằn mới xảy ra; ấy là một điều tối không may cho những khách tò mò hiếu sự. Như tôi chẳng hạn. Tôi đã phải dằng lòng gắn sức đợi đến ngót tháng trời được trông thấy hình bóng tôi muốn thấy; nào phải đâu là sự dễ dàng.
Cảnh tượng dị kỳ tôi đã được chứng kiến, nó là hai con ma, hai cái oan hồn uất ức của hai kẻ chịu tử hình, lâu ngày không tiêu đi được nên tụ lại thành bóng, hấp thụ mãi khí thiêng liêng của trời đất, nên mỗi khi bị hoàn cảnh xúc động đến là hiện được lên ngay, hiện lên để diễn lại một tấn trò mà xưa kia, hai oan hồn đó thường diễn những giờ cao hứng.
Phàm giả người ta, trong buổi bình sinh, có một thú gì mình yêu nhất, mê nhất, một thú gì làm then chốt cho tất cả bao nhiêu tính tình dục vọng của mình, một thú gì mình đã biết hưởng và đã đặt trên tất cả những khoái lạc của cuộc đời, thì nhiều lúc, sau khi đã lìa bỏ cõi tục rồi, vẫn còn nhớ tiếc đến thú ấy luôn luôn, chỉ ngong ngóng chờ có dịp hưởng lại là chộp lấy ngay, không bỏ sót.
Cũng bởi cớ đó nên một khi thi nhân đã chết, hồn thi nhân còn muốn ngâm thơ; một khi nhạc công đã chết, hồn nhạc công còn muốn gảy đàn. Câu thơ Ðường của Vương Bột văng vẳng trên dòng sông Lạc, điệu đàn của Sư Quyên véo von trên mặt sông Bộc đó chẳng phải là những chứng cớ rõ ràng cho thuyết ấy hay sao?
Mà nhất là khi kẻ bị thác lại là người mệnh bạc, vì nghiệp chướng mà chết oan, chết yểu, bất đắc kỳ tử hay bị nhục hình, thì một điểm linh hồn bay phiêu diêu trong gầm non nước không tài nàosiêu linh tịnh độ được, cứ mập mờ khi tan khi tụ, bơ vơ trôi dạt, không đâu là bờ bến. Ðiểm linh hồn đó vẫn còn nhớ rõ rệt cuộc sinh hoạt mình trải, vẫn còn đầy dục vọng và tình cảm, nhưng chỉ vì không có xác vật chất nên khó lòng diễn được dục vọng và tình cảm đó mà thôi. Nhiều khi linh hồn còn muốn sống thêm nữa trên cõi thế, bởi chưa dứt hẳn trần duyên, còn muốn vẫy vùng nữa, ganh đua nữa cùng với người đời cùng tranh đấu cho tới cùng. Có linh hồn khi thác bỗng tỉnh ngộ ra, bay lên một cõi thiêng liêng cao sạch để ngao du, tĩnh dưỡng.... Còn như các linh hồn bị nghiệp duyên dục vọng buộc chặt với cuộc sinh hoạt củ loài người, thì chúng thường hay bay vơ vẩn quanh quẩn bên mình ta, trông ta một cách ham muốn thèm thuồng, chỉ đợi có dịp là tất là trở về sống chung với ta, dẫu rằng trong một phút.
Ðó là những chúng sinh.
Mỗi khi có đàn tràng cúng tế, là chúng lần mò cùng đến, để rồi cướp lộc cướp cơm, mỗi khi có kẻ ngồi đồng, hay có kẻ thần hồn bị suy nhược là chúng ám vào người để được cử động quay cuồng cho đắc ý. Lại những cuộc thi hội, thi hương, thì chúng tụ lại họp cả ở cửa trường, để đợi gọi đến thì ùa vào mà báo ân báo oán.
Nói ra không hết được; ta chỉ biết bởi cớ có nhiều âm hồn còn muốn sống nữa, nên khi có xảy ra những chuyện kỳ dị mà, nếu mắt ta chịu khó bỏ hết các thành kiến, nếu ta chịu lưu tâm suy xét đôi chút đến nhẽ huyền vi của máy âm dương, ta sẽ nhận thấy rõ là không có sự gì hoang đường cả. Trên đời chỉ hoàng toàn có sự thực mà thôi, cái gì có thể xảy ra được đều là sự thực cả. Chỉ có một điều là không phải ma nào, oan hồn nào cũng hiện lên được cả. Ma muốn hiện hình tất phải đủ tư cách, phải ở trong những trường hợp không bị ngăn trở mới biến hóa được. Thí dụ như vàng muốn biến thành nước tất pphải nấu lên ngoài ngàn độ, sự biến từ thể nọ sang thể kia không phải bất cứ trường hợp nào cũng xảy ra được.
Cho nên, ma có thể hiện hình được, trước hết cốt phải thiêng, mà muốn thiêng, thì thao như chúng ta biết, phải có một vài điều kiện. Một là chết đúng giờ, hai là chết trẻ, ba là chết một cách thê thảm, bốn là chết oan, năm là được chôn ở đất có mạch hay là hấp thụ được khí thiêng của trời đất.
Phi mấy điều kiện ấy, thì chỉ là một mảnh hồn yếu ớt, phất phưởng, khi tán khi tụ, bay là là vô định trong gầm vô định mà thôi. Mà có được cả mấy điều kiện vừa kể, cũng phải tùy từng tuổi, từng chỗ, từng thời mới hiện lên được...
Cuộc sống ồn ào đã đánh tan âm khí, ma thiêng phải bạt đi xa. Những linh hồn, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng khó có lòng hiện lên được, vì khí dương mạnh quá. Có lẽ các ma thiêng đều chạy cả về những chốn đồng rừng xa vắng, ở lẫn lút trên đồi, trên ải, không còn hy vọng gì phảng phất ở những đô thành.
Chả bù với thời thái bình êm ái thuở xưa: đâu đâu âm khí cũng đều vượng cả, muốn rong chơi chỗ nào cũng được, không bị một mãnh lực gì ngăn cản, đánh tan đi. Thuở đó, người âm phủ với người dương gian nào có xa nhau mấy: ông Bồ đã vì sự người với ma hay chung chạ mà viết nên pho truyện Liêu Trai. Ðến thời nay, Liêu Trai đã hóa ra một cuốn truyện hoang đường vô lý! Cho hay ma cũng có thời.
Tôi có lẽ còn được nhiều hạnh phúc hơn Bồ tiên sinh là tôi đã được thấy tận mắt ma hiện hình giữa ban ngày, trong thời đại bây giờ, lại ở một nơi không cách xa đô thành phồn nhiệt mấy. Ðó thực là một sự lạ; và, cũng vì sự lạ đó, tôi mới chép nên câu chuyện này...


Tchya