Chương 9


Tôi thường mơ ước đến một ngày nào đó, tất cả mọi nhà trường trên trái đất sẽ chỉ dạy mỗi một môn văn. Nhưng trong khi chờ ước mơ đẹp đẽ đó thành sự thực thì tôi vẫn phải è cổ ra học các môn khác, nhất là môn toán mà tôi thường gọi chệch đi là môn "oán". Tôi oán nó dễ sơ.

Chính vì nó mà trong nhóm "ba bạn cùng tiến" của chúng tôi chỉ có Bảy và Quang là tiến thực sự, còn tôi thì vẫn lẹt đẹt đằng sau, chẳng ra làm sao. Tôi làm "thầy" thiên hạ thì giỏi mà đến khi làm "học trò" thì lại không giống ai. Nhà sinh vật đã đạt được cái điểm mười chót vót của môn ngữ pháp rồi mà tôi thì vẫn quanh quẩn với mấy điểm ba, điểm bốn toán, không làm sao ngoi lên được điểm trung bình. Quang cũng kém toán như tôi nhưng được Bảy kèm một thời gian nó có khá lên được chút xíu, thỉnh thoảng còn được điểm sáu, chớ tôi thì tuyệt nhiên không. Dường như khoảng điểm từ năm tới mười trong môn toán không phải là khu vực dành cho tôi. Tôi nghĩ vậy và biết thân biết phận không bén mảng tới đó.

Ngay sau buổi học nhóm đầu tiên ở nhà tôi, phấn khởi trước kết quả rực rỡ của bài giảng về văn nghị luận, tôi hào hứng sáng tác ngay một khẩu hiệu "dẹp điểm hai, bài điểm ba, xa điểm bốn, trốn điểm năm, căm điểm sáu, quý báu gì điểm bảy, quyết nhảy qua điểm tám, bám điểm chín, vịn điểm mười". Đọc đi đọc lại, tôi phục tài tôi quá xá và tính đem lên lớp khoe với thằng Đại. Nhưng chợt nghĩ đến môn toán, tôi giật thót người và giấu biến ngay câu khẩu hiệu, không dám hó hé với ai , kể cả Bảy. Tụi nó mà biết được bắt tôi chết. Điểm năm nó trốn tôi thì có chớ tôi sức mấy mà "trốn điểm năm". Tìm mỏi con mắt không được chớ trốn tránh gì. Rồi tụi nó chơi ác bắt tôi "nhảy qua điểm tám", chắc tôi té lọi cẳng.

Đại thường nói với tôi:

- Dạy văn với học toán, mày chỉ hoàn thành xuất sắc có một nhiệm vụ. Nhóm mày như vậy là chưa ngon!

Tôi cứng họng. Thằng quỷ, nó nói đâu có đó. Ở "đôi bạn" của nó, nhỏ Hiền tiến chậm nhưng chắc, đều các môn. Còn ở nhóm tôi thì sau khi giúp cho Bảy và Quang tiến, tôi ung dung "đứng lại" một mình.

Từ khi hết "bám đuôi" được Bảy, trong thâm tâm tôi cũng ao ước học giỏi môn toán như môn văn. Nhưng dự định là một chuyện còn thực hiện được dự định đó hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Ngay buổi học toán đầu tiên, tôi đã dội ngược.

Biết tôi mất căn bản, Bảy không giảng ngay vô chương trình lớp tám mà ôn lại chương trình lớp bảy.

Nó vẽ hai đường thẳng song song và một cát tuyến cắt ngang, rồi bắt đầu giảng về các cặp góc bằng nhau. Ôi, thôi thì đủ loại: nào là góc so le trong, góc so le ngoài, góc trong cùng phía, góc đồng vị... Tôi rối mù cả lên.

Năm ngoái tôi đã học bài này rồi. Nhưng lúc đó, góc nào muốn so le với góc nào thì mặc xác, trí óc tôi vẫn thảnh thơi như thường. Tôi chỉ việc ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ và chờ "cóp-pi" thằng Bảy. Còn bây giờ, phải tự mình hiểu bài lấy đích thị là một cực hình.

Giảng xong, Bảy kiểm tra.

Nó hỏi tôi:

- Hai góc này là hai góc gì?

- À... đó là hai góc so le...

- So le gì? Trong hay ngoài?

Tôi ngần ngừ:

- À... à... ngoài!

Bảy lắc đầu:

- Sai rồi! Đây là hai góc so le trong. Mày để ý nè! Khi nào hai góc so le nằm giữa hai đường thẳng song song thì chúng là so le trong, còn khi chúng nằm ngoài hai đường thẳng song song thì chúng là so le ngoài.

Bảy quay sang Quang:

- Hai góc này là hai góc gì?

Quang nhanh nhẩu:

- So le ngoài.

- Đúng rồi! Còn hai góc này?

Quang hơi phân vân:

- Góc trong cùng phía hả mày?

Bảy gật gù, khen:

- Ừ, khá lắm!

Nhà sinh vật chưa chắc đã thông minh hơn tôi nhưng nhờ nãy giờ nó chăm chú nghe nên trả lời trúng phóc. Điều đó khiến tôi ganh tị. Tôi giục Bảy:

- Mày giảng lại một lần nữa đi! Lúc nãy tao không để ý!

Bảy nguýt tôi:

- Học mà không để ý!

Nói vậy nhưng nó vẫn kiên trì giảng lại. Tôi giỏng tai nhướng mắt một cách chăm chỉ. Và lần này thì Bảy hỏi đâu, tôi đáp đó ngon lành:

- Gì đây?

- So le trong.

- Gì đây?

- Góc ngoài cùng phía.

- Gì đây?

- Đồng vị.

Bảy tươi tỉnh:

- Giỏi! Học vậy mới là học chớ!

Tôi còn tươi tỉnh hơn Bảy. Chà, té ra học toán cũng không đến nỗi khó lắm, miễn là phải tập trung chú ý một chút! Nghĩ vậy, tôi quyết chứng minh cho thằng Bảy biết là sở dĩ trước nay tôi dòm bài nó bở vì tôi không thèm học toán chớ không phải tôi không học nổi môn này.

Nhưng khi Bảy đi vào chứng minh trường hợp các góc bằng nhau thì quyết tâm của tôi coi bộ muốn lung lay. Hai đường thẳng song song với một đường cát tuyến đã là nhiều rồi, vậy mà nó còn vẽ thêm một đường thẳng thứ tư nữa, khiến mọi sự rối rắm hẳn lên. Lại còn "giả sử" này "giả sử" kia nữa. Phức tạp! Tôi vốn sợ những bài toán phải vẽ thêm rồi "giả sử". Vẽ đúng những điều đề toán đã cho tôi vẽ còn chưa ra nữa là thêm với thắt.

Nghe Bảy chứng minh một hồi, tôi chép miệng, nói:

- Hai góc đồng vị đương nhiên là bằng nhau rồi, cần gì phải chứng minh cho mệt! Dòm vô là thấy bằng nhau liền hà!

Bảy trợn mắt:

- Đâu có được! Tất cả mọi định lý đều cần phải chứng minh. Chỉ có các tiên đề Ơ-clit mới khỏi phải chứng minh.

Tôi ngạc nhiên một cách thành thật:

- Sao vậy mày?

- Bởi những tiên đề Ơ-lit đều dễ hiểu và hiển nhiên, được mọi người thừa nhận do đó không cần phải chứng minh. Ví dụ, qua một điểm ngoài một đường thẳng cho trước chỉ có một đường thẳng song song với đường thẳng đó mà thôi. Hoặc, qua hai điểm ta chỉ có thể vẽ được một đường thẳng. Những điều này đã học rồi mà mày quên.

Đúng là tôi đã quên phắt Ơ-clit. Nhưng Bảy thì không quên tôi. Nói xong, nó bắt tôi chứng minh lại sự bằng nhau của hai góc đồng vị.

Tôi cố nhớ lại phương pháp chứng minh Bảy đã giảng nhưng không tài nào nhớ được. Đúng là thoạt đầu nó có vẽ thêm một đường thẳng đi ngang qua giao điểm F, nhưng rồi sau đó thì sao?

Tôi loay hoay một hồi rồi buông viết, tặc lưỡi:

- Thôi, khỏi cần chứng minh nữa!

Bảy kinh ngạc:

- Sao kỳ vậy?

- Tao thừa nhận sự bằng nhau của phía góc đồng vị là hiển nhiên, không thể chối cãi.

Bảy nẩy người trên ghế:

- Ý, trời ơi, đâu có được! Tất cả mọi người thừa nhận mới có giá trị chớ mình mày thừa nhận thì ăn thua gì!

Tôi khịt mũi:

- Không ăn thua gì, nhưng...

Bảy tròn mắt:

- Nhưng cái gì?

Tôi nhăn mặt:

- Tao đau bụng quá!

Bảy cười:

- Thôi đừng giả bộ! Mày tính trốn học phải không?

Tôi tiếp tục nhăn nhó:

- Tao đau thiệt mà! Hôm qua tao ăn gần nửa trái mít.

Quang xen vô:

- Nó nói xạo đó, Bảy ơi! Đừng tin nó!

Tôi liếc Quang sừng sộ:

- Ai mượn mày xía vô? Học không lo học, cứ ưa thò mũi vô chuyện người khác!

Nói xong, tôi quay phắt người đi xuống nhà dưới, mặc cho hai đứa trố mắt ngó theo.

Tôi ngồi lâu thiệt lâu, hy vọng Bảy sẽ nản chí mà quay sang "chăm sóc" thằng Quang.

Y vậy, khi đi lên, tôi thấy Quang đang ngồi gãi đầu gãi cổ, mày mà chứng minh cái định lý mà tôi đã "thừa nhận". Bảy đứng chồm người trên bàn quang sát, thỉnh thoảng lại kêu lên "trời ơi" khi Quang "trật đường ray". Những lúc đó, mặt mày thằng Bảy nhăn nhó bắt tức cười.

Thừa lúc hai đứa chúi mũi vô bài toán, tôi lẳng lặng nhón gót đi ra cửa. Nhưng Bảy đã trông thấy, nó kêu giật giọng:

- Ê, Huy! Đi đâu đó?

- Tao chạy về nhà chút xíu.

- Đang học mà bỏ đi đâu! Quang làm xong rồi đây nè. Giờ tới lượt mày đó!

Tưởng sao, tới lượt mình thì mình càng phải đi! Tôi nói, chân bước qua ngạch cửa:

- Tao về dặn thằng Tin cái này một chút rồi trở qua liền.

Bảy còn nói với theo câu gì đó nhưng tiếng xe cộ ầm ỹ ngoài đường át mất, tôi không nghe rõ.

Ra khỏi nhà nó như chim sổ lồng, tôi chạy một mạch về nhà, lòng nhẹ nhõm.

Tôi định tìm thằng Tin rủ nó đánh vài ván cờ chơi nhưng lại bắt gặp nó đang ngồi ôm tay nhăn nhó sau hè.

- Tay mày sao vậy?

- Em đóng đinh.

Bên cạnh nó, chiếc búa nằm lăn lóc với dúm đinh. Kế đó là chiếc ghế đẩu gãy một chân đứng chỏng chơ.

Tôi nhặt chiếc búa lên, hừ một tiếng:

- Đóng ba cây đinh mà cũng không biết cách! Ngó tao đây mà bắt chước!

Tôi ráp cái chân ghế vô và bắt đầu đóng. Tin lặng lẽ theo dõi. Thấy vậy, tôi càng ra bộ nhà nghề, tay nhắp nhắp chiếc búa. Nhưng tôi mới đóng được ba, bốn nhát, chiếc đinh đã cong queo. Thay cây đinh khác, cũng vậy.

- Đinh dổm!

Tôi lầm bầm và cầm lên cây đinh mới. Lần này, hai ngón tay tôi kèm cây đinh thật chặt, tay kia giáng một nhát búa thiệt mạnh sau khi đã nhắp tới nhắt lui kỹ lưỡng. Bất thần, cây đinh trượt đi, và cục sắt phản chủ nện lên hai ngón tay tôi một cú như... búa bổ.

Tôi kêu "ối cha" và buông cây búa rớt xuống đất trong khi Tin khoái chí:

- Ha ha! Không biết ai bắt chước ai!

Tôi trừng mắt dòm nó và sau một hồi xuýt soa, tôi lại cầm cây búa lên, kiên quyết đóng chiếc ghế cho bằng được trước sự ngạc nhiên của Tin. Nó xề lại gần tôi:

- Để em vịn cho anh đóng.

Tôi gạt phắt:

- Khỏi! Để mặt tao.

Tôi hì hà hì hục hơn một tiếng đồng hồ mới đóng xong chiếc ghế. Lúc này đã hơn bốn giờ chiều, có nghĩa là buổi học toán sắp kết thúc. Tôi an tâm phóng tới nhà Bảy.

Khi tôi bước vô, Quang đã xếp tập chuẩn bị ra về. Thấy tôi, Bảy trề môi:

- "Chút xíu" của mày là vậy đó hả?

Tôi cười giả lả:

- Tao kẹt chuyện nhà.

Bảy "hừ" giọng:

- Lần này là lần đầu mà cũng là lần chót tao để cho mày đi. Bữa sau thì đừng hòng.

Nói sao làm vậy, trong buổi học toán tiếp theo, Bảy không cho tôi rời khỏi bàn nửa bước. Khi làm "thầy", tôi oai bao nhiêu thì khi làm "thầy" Bảy cũng oai bấy nhiêu. Nó vống là đứa dễ tính, hay nể chiều bạn bè, vậy mà khi kèm toán, nó trở nên cứng rắn không chịu được. Bảy không có thói hò hét, quát tháo như tôi, nhưng không vì vậy mà nó dễ dàng để tôi chuồn khỏi buổi học lần thứ hai. Tất cả mọi thứ bệnh hoạn mà loài người mắc phải từ khi có mặt trên trái đất, tôi đã đều đem ra "vận dụng " nhưng Bảy không xiêu lòng một mả may. Nó nhếch mép:

- Mày chỉ có mỗi một bệnh là bệnh làm biếng thôi!

Ngay cả ngón đòn "ruột" của tôi cũng không đánh quỵ được Bảy. Mỗi khi nghe tôi gạ:

- Để tao chạy về nhà lấy cuốn truyện vụ án cho mày mượn.

Nó chỉ cười:

- Mày đừng có dụ tao! Nếu thiệt vậy, để mai đi học về tao ghé lấy cũng được.

Nếu như hồi trước, làm gì có cái chuyện "để mai" này. Hễ nghe tôi có cuốn truyện vụ án mới nào là Bảy nằng nặc đòi mượn ngay tức khắc, dù lúc đó đang ở đâu và đang làm gì. Nó làm như để lâu cuốn sách sẽ lên men và hết hay đi vậy. Nhưng gần đây, kể từ hồi học nhóm tới giờ, với sự kèm cặp và chế giễu của tôi, nó đã bớt mê loại chuyện ly kỳ, hồi hộp. Nó đã chịu đọc những quyển "Người Mẹ Cầm Súng", "Hòn Đất", "Tắt Đèn", "Đất nước đứng lên" v.v... là những cuốn mà trước đây có cho kẹo nó cũng không rớ tới lấy một trang. Không những vậy, Bảy còn tự động trích văn vô sổ tay văn học chứ không thèm chép nguyên xi từ cuốn sổ của tôi như hồi mới đầu nữa.

Tôi hỏi nó:

- Cuốn "Người Mẹ Cầm Súng" hay không mày?

- Hay chớ.

- Thiệt không?

- Thiệt! Năm ngoái học một đoạn, không thấy hay. Bây giờ, đọc nguyên cuốn mới thấy "đã". Tao khoái mẹ con chị Út Tịch.

Tôi nheo mắt:

- Hay hơn cuốn "Vụ Án Lúc 0 Giờ" không?

Nó ngần ngừ:

- À... mỗi cuốn hay mỗi kiểu.

Tôi không mong nó trả lời "Hay hơn". Nó nhận xét như vậy cũng là tiến bộ lắm rồi. Nhưng chính sự tiến bộ đó hiện giờ làm tôi khổ. Nó nhất định không cho tôi chạy về nhà.

Tôi ngồi học cứ như chịu cực hình, thiệt chẳng bì với thằng Quang. Nhà Bảy mà tôi có cảm tưởng như nhà tù, thời gian dài dằng dặc. Chỉ thỉnh thoảng em có khóc nhè, Bảy rời bàn học chạy lại dỗ dành, tôi mới thấy dễ thở đôi chút. Nhưng bực một cái là em nó ít khóc quá, thiệt bậy! Con nít phải khóc nhiều mới nở phổi! Tôi nhớ ai đó đã từng nói như vậy.

Bữa nay, Bảy giảng về hình tam giác. Tôi cứ lẫn lộn hoài trung tuyến với trung trực khiến Bảy nhăn nhó:

- Dễ ợt vậy mà quên hoài!

Bảy kêu dễ mà sao tôi chẳng thấy dễ chút nào. Nhưng cái đó chưa kinh. Khi học tới trường hợp hai tam giác bằng nhau, đầu óc tôi mới thật sự rối tung. Nó giảng đã đời rồi vẽ hai tam giác, cho góc này bằng góc kia, cạnh kia bằng cạnh nọ , xong hỏi tôi:

- Hai tam giác này bằng nhau không?

- Bằng nhau.

- Bằng đâu mà bằng! Có một góc với một cạnh bằng nhau thì hai tam giác không bằng nhau được.

Nó lại vẽ hai tam giác khác:

- Bây giờ hai tam giác này bằng nhau không?

Lần này tôi thấy có thêm một góc bằng nhau, liền hí hửng:

- Bằng chớ.

- Bằng là mày bằng đó! Ngồi không chịu nghe gì hết!

Tôi trố mắt:

- Sao lạ vậy? Bây giờ có tới hai góc và một cạnh bằng nhau kia mà?

Bảy lại nhăn mặt:

- Nhưng mà cạnh đó phải nằm giữa hai góc kia! Ở đây nó nằm lọt tuốt ra ngoài, đâu có bằng được!

Bảy giảng lại lần nữa. Tôi căng óc cố nhớ. Trường hợp thứ nhất, hai tam giác bằng nhau khi có một góc bằng nhau nằm giữa hai cạnh bằng nhau. Trường hợp thứ hai, một cạnh bằng nhau nằm giữa hai góc bằng nhau. Thứ ba, ba cạnh đều bằng nhau. Tôi nhẩm trong miệng một hồi , góc cạnh nằm lộn xộn hết ráo.

Nghe tôi đọc "hai góc cạnh nhau nằm giữa một cạnh bằng nhau ", Bảy đưa tay bịt hai lỗ tai:

- Thôi thôi, đừng đọc nữa! Mày đọc một hồi chắc tao phát điên mất!

Tôi thở dài:

- Nhưng mà tao phát điên trước mày! Toán với tiếc gì mà rối rắm!

Thấy tôi thê thảm quá, Bảy động viên:

- Thôi, ráng lên! Thằng Quang đã thuộc rồi đó!

Để giúp tôi, Bảy ghe tắt các công thức bằng ký hiệu. C.g.c tức là một góc bằng nhau nằm giữa hai cạnh bằng nhau. Tương tự như vậy, hai trừờng hợp kia là g.c.g và c.c.c.

Từ khi những câu nó rắc rối, khó nhớ kia được chuyển thành ký hiệu, tôi thấy dễ học hơn. Nhưng để cho dễ nhớ hơn nữa, tôi "chế biến" các ký hiệu cứng đơ thành một ngôn ngữ sống động, đầy hình ảnh. Tôi đọc c.g.c thành con gà con, g.c.g thành gà con gáy và c.c.c là cúc cu cu. Tất nhiên là sau khi bầy gà xuất hiện, tôi thuộc nhão như cháo.

Thoạt đầu, nghe tôi trả lời, Bảy tặc lưỡi chán ngán:

- Học không lo, cứ lo giỡn.

Nhưng sau khi nghe tôi trình bày "phát minh" , Bảy phục sát đất, và đồng ý cho tôi đưa gà vồ toán học. Thằng Quang đã học thuộc lòng trường hợp bằng nhau của các tam giác rồi, vậy mà nó cứ đòi học thêm "công thức gà" của tôi. Điều đó khiến tôi hoái chí vô cùng. Thằng Quang xin học thêm công thức của tôi thì Bảy sẵn lòng nhưng hễ nó mở miệng "Tụi mày có biết không, ở Nam Mỹ có một giống gà..." thì Bảy cắt cụp liền.

Thế là từ đó về sau, hễ thấy cái gì có thể "chế biến" ra "ngôn ngữ văn học" là tôi chế liền và do vậy tôi đỡ "oán" môn toán hơn.

Một bữa, Đại rủ nhỏ Hiền tới thăm nhóm tôi. Gọi là thăm chớ thiệt ra tôi biết "cậu ông trời " đi kiểm tra coi tôi học toán ra sao mà ở lớp cứ ì ạch như trâu kéo cày.

Cuộc đối đáp giữa Bảy và tôi khiến Đại và Hiền sửng sốt.

- Những trường hợp bằng nhau của hai tam giác? - Bảy hỏi.

- Con gà con và gà con gáy.

- Gì nữa?

- Cúc cu cu.

- Còn trường hợp tam giác đồng dạng?

- Gà gô gáy.

Gà gô gáy tức là có ba góc bằng nhau. Trường hợp tam giác đồng dạng là Bảy giảng thêm cho tôi với Quang khi tôi cứ khăng khăng cứ hễ hai tam giác có ba góc bằng nhau thì dứt khoát chúng phải bằng nhau.

Trong khi nhỏ Hiền che miệng cười khúc khích thì Đại nghiêm mặt, trách:

- Tụi mày học hành cà rỡn như vầy hèn gì thằng Huy cứ lẹt đẹt sau lưng thiên hạ hoài!

Tôi giả bộ im lặng, cố tình học cho "cậu ông trời" lên giọng góp ý, phê bình lâu lâu chút chơi nhưng Bảy không nhịn được cười trước bộ mặt thất vọng của Đại, nó cười phá lên và kể ra "công thức gà" của tôi.

Nghe xong, Đại phì cười. Còn nhỏ Hiền thì reo lên:

- Hay quá hén! Huy đọc lại một lần nữa cho Hiền nghe đi!

Hết "coi đi" tới "nghe đi", cô bạn này làm tôi mát cả ruột gan.

Nhưng dù sao đi nữa, đối với tôi toán vẫn là một môn khó nuốt. Không phải định lý nào, công thức nào cũng có thể biến thành gà vịt được. Đó là chưa kể đến môn đại số quái quỷ, vốn không dành cho những người cẩu thả như tôi. Chính vì vậy, học gần hết học kỳ một mà trình độ toán của tôi chẳng tiến bộ được bao nhiêu, dù Bảy kèm rất tận tình.