Chương 4


Vĩnh soạn lại mớ bài kiểm tra tập làm văn một tiết của lớp rồi sắp xếp, phân loại theo thứ tự giỏi, khá, trung bình, và loại bài dưới điểm năm thành từng xấp riêng biệt để tiện việc tổng kết và nêu ưu khuyết điểm cụ thể khi trả bài cho học sinh.
Anh cảm thấy hài lòng một chút khi thấy chỉ có ba bài bị điểm bốn. Đây là kết quả gần một tháng trời rèn luyện như thế, tác phong học tập nghiêm túc cho học sinh bằng nhiệt tình giảng dạy của thầy. Ba học sinh điểm yếu này, Vĩnh không thấy ngại lắm. Anh dư sức nâng số lượng học sinh yếu này lên một bậc. Bởi Vĩnh có một phương cách đặc biệt riêng của mình trong phương pháp đứng lớp. Nhất là ở thể loại phân tích và lý luận văn học.

Nhớ lại những ngày đầu mới nhận lớp, Vĩnh thấy ngao ngán làm sao! Lớp lang gì như một cái chợ. Thành phần nghịch phá gần như đa số. Kể cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên chúng chỉ quậy bằng mồm, nghịch trong giờ học bằng cách nói leo, nói tếu. Còn thành phần bất hảo nặng ký hơn như choảng nhau hay lập băng nhóm đánh nhau thì không có.

Trong công tác chủ nhiệm, Vĩnh luôn chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh từng đối tượng để kịp thời uốn nắn, sửa chữa từng học sinh, nhất là đối với thành phần cá biệt.

Là loại người năng nổ, xốc vác trong công tác và với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, anh quyết tâm chỉnh đốn nề nếp lớp, tìm hiểu tính cách của mỗi học sinh, sử dụng nguyên tắc vừa nhu vừa cương trong dạy học và trong chủ nhiệm. Dần dần anh đã thu phục nhân tâm... chúng bớt phá, tỏ vẻ thích học, thích nghe anh giảng hơn nên kết quả học tập tương đối khả quan. Bằng chứng là những bài kiểm tra này. Vĩnh thấy vui vui một chút. Anh khẽ nở nụ cười.

Là một giáo viên trẻ, ra trường được bốn năm nay, Vĩnh luôn thích "đi bất cứ nơi đâu đất nước cần". Hơn nữa, với anh, có đi nhiều mới thấy nhiều cảnh đẹp của quê hương, góp phần làm sinh động cho bài giảng và càng phổ vào lòng học sinh tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước và yêu con người tha thiết. Từ đó chúng biết cách sống đẹp, thể hiện qua hành động, biết sống "mình vì mọi người".

Anh xem lại xấp bài. Tình cờ anh cầm lên bài kiểm tra xuất sắc nhất của một em với số điểm "maximum" - điểm chín. Bài kiểm tra này anh không nhớ tên "tác giả". Nhưng anh đã đọc đi đọc lại bao lần rồi mà vẫn thích đọc thêm. Bởi bài làm thật sạch sẽ, nét chữ mềm mại, chân phương, ý tứ súc tích phong phú, lời lẽ khúc chiết, văn phong gọn đẹp với nhiều dẫn chứng xác thực. Chỉ tiếc là cả lớp không có bài thứ hai làm tốt như vậy!

Anh tò mò nhìn lên khung ghi tên của học sinh. Tác giả bài là Lê Nguyễn Thục Đoan. Vĩnh nhìn nét bút màu mực tím lãng mạn trên nền giấy trắng tinh thẳng nếp, phảng phất mùi hương dìu dịu của loại mực có hương thơm rồi bất chợt mỉm cười.

- À! Thì ra bài làm của cô nàng này đấy!

Trong trí Vĩnh những hình ảnh từ một tháng trước, khi anh mới nhận lớp, vội vã trở về. Cái cô bé học trò nho nhỏ khá kỳ lạ, một mình... một thế giới mộng mơ ngoài hành lang đây mà!

- Úi chà! Đã mơ mộng mà còn hát hò nho nhỏ nữa chứ! - Vĩnh cười thú vị.

Vĩnh nhắm mắt lại vẫn thấy nhớ khá đầy đủ ý tứ bài văn.

- Hèn gì, cô nàng là cán sự văn của lớp!

Vĩnh quyết định sau khi phân tích xong ưu khuyết điểm của từng bài, anh sẽ cho học sinh chuyền đọc bài văn của Đoan để các em khác sẽ rút kinh nghiệm cho mình ở bài sau.

Lật tới lật lui tờ giấy kiểm tra mà không hề chủ định, theo một thói quen khi đang suy nghĩ một điều gì, Vĩnh khẽ gật đầu mỉm cười khi nhớ lời một bài thơ khá dễ thương:

"Trang giấy thơm bé giữ giùm thầy nhé
Cất yên lành những lời giảng, dặn dò
Vì hôm nay thầy như cánh bướm mơ
Bay xa mãi đến nơi nào bé biết?..."

Vĩnh bật cười tự nhủ: "Anh chàng thầy giáo nào lãng mạn thế nhỉ?"

Về phương diện tình yêu, Vĩnh quan niệm đó là một tình cảm hết sức tự nhiên, không cần phải vội vàng như nhà thơ Xuân Diệu bảo:

"Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!
Em yêu ơi, tình non đã già rồi..."

Bởi anh nghĩ rằng với tình yêu hãy để cho nó đến thật tự nhiên và nếu cần thì để nó tự nhiên khi nó đến.

"Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt..."

Nói về tình yêu mỗi người có một quan niệm riêng và chẳng có giấy bút nào để tả, nói hết về tình yêu của con người.

Về phương diện này, dưới mắt một người dạy văn Vĩnh có thể diễn đạt hoặc giải nghĩa bằng thi ca chứ còn kinh nghiệm bản thân, Vĩnh hãy còn "sót" lắm!

Thuở còn đi học, là học sinh lớp mười hai và thuở là sinh viên Vĩnh cũng đã có lần thấp thoáng "trông vời áo tiểu thơ". Nói là "thấp thoáng" bởi vì anh chỉ mơ màng thấy "tim rung động" chứ chưa hề trải qua một tình yêu thật sự nào cả. Bởi vì anh hơi khó tính và nghiêm trọng chăng?

Loay hoay cất xấp bài vào cặp, Vĩnh khẽ gật gù:

- Anh chàng thầy trong bài thơ trông có vẻ diễm phúc khi trò chuyện với người yêu là cô bé nữ sinh.

Còn Vĩnh thì sao? Có lẽ trái tim anh đã khô, chai mất rồi chăng?! Bởi anh chỉ tìm được xúc cảm chân thật qua bài giảng. Còn nữ sinh lớp mười hai, anh vẫn thấy chúng... bé bỏng làm sao ấy! Dưới mắt anh, chúng mãi mãi là học trò, là các đệ tử của anh thôi!

- Bây giờ mình quan niệm thế, chứ mai sau... ai biết được sự đời?!...

Vĩnh nghĩ ngợi như thế và mỉm cười vu vơ. Anh trở lại bàn viết chuẩn bị sách vở đi dạy.

Trời đã vào đông, gió heo may đem cái lạnh se se thật dễ thương đến với mọi người. Buổi sáng không khí có vẻ trông đáng yêu hơn vì có sương mù bàng bạc bay qua kẽ lá, vòm cây làm cho không gian mờ ảo như có mây mờ giăng kín.

Trời mùa đông có cái xinh đẹp riêng của nó. Tiết trời mùa đông làm Vĩnh cứ liên tưởng đến lời một bài hát nói về một phố núi cao nguyên rất là kỳ ảo...

"Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố xá cây xanh, trời thấp thật buồn
Anh khách lạ, đi lên, đi xuống.
May mà có em, đời còn dễ thương
Em Pleiku, má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong..."

Mùa đông, phố núi Pleiku có vẻ đẹp kỳ ảo với phố cây xanh và trời thấp thật u buồn. Càng đẹp hơn nữa khi có các cô em "má đỏ môi hồng" làm cho lòng người ngơ ngẩn như say vì cái lạnh và cái đẹp.

Anh chàng khách lạ nào đó, đến xứ lạnh Pleiku chợt dâng tràn một nỗi buồn xa cách. May mà anh còn có người để cảm thấy "đời còn dễ thương"...

Mùa đông, thành phố nơi Vĩnh đến dạy học cũng khá dễ thương với các sắc áo len tô điểm con phố. Nhưng ở thành phố này, Vĩnh không có ai "má đỏ, môi hồng" để làm anh náo nức mộng mơ. Cho nên đời anh vẫn bình yên như mặt hồ tĩnh lặng. Không có ai làm lòng anh vương vấn. Mùa đông của Vĩnh chỉ đơn giản có những cánh bướm trắng trong sân trường khoác áo len đủ màu đi học, làm vui mắt anh thôi! Vĩnh nhìn lại mình, người phong phanh một chiếc áo sơ mi trắng nếp, lịch sự. Không áo ấm, áo len, nghênh ngang trong lòng phố, tận hưởng hương vị đất trời vẫn thấy mùa đông đẹp ghê nơi...