Chương 2 - Cơn Triều Chết Chóc


Khi chúng tôi băng qua phòng khách, chuông điện thoại reo, và chúng tôi là người nghe bất đắc dĩ phần đối thoại của giáo sư Challenger. Tôi nói “chúng tôi” vì trong vòng 300 mét chắc ai cũng nghe thấy cái giọng oang oang như sư tử rống, đang vang dội trong nhà. Những câu trả lời của giáo sư cứ vương vấn mãi trong đầu tôi.
- Vâng, dĩ nhiên, chính tôi... Vâng, chắc chắn là giáo sư Challenger, giáo sư nổi tiếng ấy chứ còn ai nữa. Vâng, dĩ nhiên mọi chữ, nếu không thì tôi đă chẳng viết... Tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên... có nhiều dấu hiệu của hiện tượng... một hay khoảng đó nữa là cùng... không; tôi không thể... làm sao được?... Chẳng vui gì, nhưng tôi cứ phải hình dung là nó sẽ gây tai hại cho người quan trọng hơn ông nhiều. Than thở về nó có ích gì... không, tôi không thể... ông phải nắm lấy cơ hội... Điều đó quá đủ rồi, thưa ông. Vô lý! Tôi có nhiều việc quan trọng hơn là nghe chuyện tầm phào thế này.
Ông dập máy rồi dẫn chúng tôi lên lầu, vào một phòng rộng, thoáng khí. Trên cái bàn gỗ gụ lớn, bảy, tám cái điện tín đang đợi mở ra.
- Thật vậy à, - ông vừa nói vừa cầm chúng lên, - Tôi, nghĩ là sẽ bớt được tiền gửi thư tín, nếu dừng một địa chỉ điện tín. Lấy địa chỉ Noah, Rotherfield (l) là thích hợp nhất.
Như mỗi khi ông muốn làm một trò cười, ông tì vào bàn, vừa cười vừa nói, hai tay múa may nên không mở được điện tín. Ông hổn hển nói “Noah! Noah!” mặt đỏ bừng lên. Tôi và Đức ông mỉm cười thông cảm, còn giáo sư Summelee thì khó đăm đăm, lắc đầu phản đối. Sau cùng ông cũng mở được mấy cái điện tín ra. Cả ba chúng tôi đứng ở cửa sổ phía cửa phòng, thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp, đáng thưởng thức.
Con đường đồi uốn lượn nhẹ nhàng, đã đưa chúng tôi lên một độ cao đáng kể 210m, sau này chúng tôi mới khám phá ra. Căn nhà của giáo sư Challenger ở ngay trên sườn đồi.
Cửa sổ phía Nam nhà nhìn qua cánh rừng nhỏ, tới những cánh đồng cỏ xanh mởn, uốn lượn nhẹ nhàng South Downs, tạo thành một đường chân trời nhấp nhô. ở một khe giữa những quả đồi, một làn khói lam nhẹ, xác định vị trí thị xã Lewes. Ngay trước mặt chúng tôi là những cánh đồng thạch thảo trùng điệp, và sân golf Crowborough, với dải cỏ uốn lượn nhạt màu hơn, lác đác có vài người đang chơi. Hơi xa hơn về Nam, qua một khoảng rừng thưa, chúng tôi có thể thấy một đoạn đường xe lửa London - Brighton. Ngay phía dưới chân chúng tôi, là cái vườn nhỏ, trong có cái xe mới đưa chúng tôi từ ga về.
Một lời nói của Challenger mới thốt ra làm chúng tôi quay lại. Ông đã đọc xong các điện tín và xếp chúng thành một chồng. Bộ mặt rộng, gồ ghề, hay đúng hơn là phần mặt lộ ra khỏi bộ râu tóc xồm xoàm rối nùi, vẫn còn đỏ ửng, có vẻ như ông đang bị kích động dữ.
- Quý vị ơi, - ông nói với chúng tôi mà với giọng to như là nói trong một hội nghị, - buổi gặp mặt hôm nay rất là lý thú, vì tôi có thể nói là vào một thời điểm đặc biệt. Trên đường đi đến đây các ông có quan sát thấy dấu hiệu nào không?
- Điều duy nhất tôi quan sát được, - giáo sư Summelee nói với một nụ cười chua chát, - là người bạn trẻ của chúng ta chẳng có tiến bộ nào, trong cách cư xử, trong mấy năm qua. Rất buồn là phải nhắc lại, là tôi đã phải than phiền về hạnh kiểm của ông ta ở trên tàu. Và tôi sẽ thiếu thành thật nếu không nói luôn là nó gây một ấn tượng kém vui trong đầu óc tôi.
Đức ông đỡ lời:
- Chúng ta tất cả đều có những phút bốc đồng, hung hăng, nhưng anh bạn trẻ của chúng ta không có ý làm hại ai. Nói cho cùng, ông ấy thuộc tuýp người quốc tế, vì thế, nếu ông ấy có bỏ ra nửa giờ đồng hồ để kể lại một trận túc cầu, thì ông ấy cũng có quyền làm hơn nhiều người khác trong chúng ta.
Tôi tức giận la lên phản đối:
- Nửa giờ nói chuyện đá banh! Còn ông, dùng nửa giờ để nói chuyện dài hơi về một con trâu thì sao. Giáo sư Summelee sẽ làm chứng cho tôi.
Giáo sư Summelee hạ một đòn:
- Tôi không phán đoán được tiếng hai ông, ông nào gây khó chịu nhiều hơn. Nhưng tôi báo cho ông biết, Challenger, tôi chẳng thích nghe chuyện đá banh, cũng chẳng thích nghe chuyện trâu bò trong cả cuộc đời tôi.
Tôi cố cãi:
- Cả ngày hôm nay, tôi không nói lời nào về bóng đá cả. Đức ông John huýt một điệu sáo lanh lảnh, giáo sư Summelee thì lắc đầu buồn bã, rồi nói: “Cũng nói vào lúc sáng sớm mới gặp nữa, thật đáng tiếc, vì tôi ngồi đó buồn phiền quá nhưng yên lặng suy nghĩ... “
Đức ông John la lên:
- Im lặng! Tại sao ông biểu diễn tạp kỹ, bắt chước muông thú... giống như cái máy hát trệch rãnh hơn là một nghệ sĩ.
Giáo sư Summelee ngồi thẳng lên để phản đối cho mạnh:
- Ông thích những trò cười không đúng lúc lắm, đức ông. Ông nói chua như giấm.
- Thôi, dẹp hết chuyện này đi, thật là điên. - Đức ông John la lên. - Mỗi chúng ta đều biết những việc người khác làm, nhưng chẳng biết chính mình làm gì. Hãy kể lại từ đầu. Chúng tôi vào một toa hạng nhất được hút thuốc. Đúng như thế phải không? Sau đó, chúng tôi cãi nhau về bức thư của giáo sư Challenger trên tờ Times.
- Ồ các ông cãi nhau về bức thư thật à?
Ông chủ nhà hỏi oang oang, mắt híp lại.
- Giáo sư Summelee, ông nói rằng chẳng có chút sự thực nào trong lý luận của chủ nhà.
- Khổ tôi quá! - Challenger ưỡn ngực lên và vuốt râu. - Chẳng có chút sự thực nào! Hình như tôi đã có nghe ai đó nói trước rồi. Xin hỏi giáo sư nổi tiếng Summelee, đưa ra những luận cứ nào để bác ý kiến thô thiển của kẻ hèn này về khả năng khoa học? Trước khi giáo sư loại được ảnh hưởng tai hại của chất vô hình này, xin giáo sư hạ cố cho biết quan điểm đối lập của giáo sư.
Ông cúi mình, nhún vai, xòe tay trong lúc nói cực kỳ kiểu cách, mỉa mai.
Summelee phát biểu rất ngoan cố:
- Lý do tôi đưa ra rất giản dị. Tôi lý luận rằng nếu ether xung quanh trái đất gây độc trên một vùng, và dân chúng ở đó có những triệu chứng nhiễm độc, thì ba chúng tôi không thể còn an lành trong toa xe được.
Nghe lý luận như vậy, Challenger cười sang sảng thú vị. Ông cười cho đến lúc các đồ vật trong phòng lắc lư, rung lên lạch cạch. Sau cùng ông nói:
- Đây không phải lần đầu, giáo sư sáng giá Summelee không nắm được sự thực của vấn đề. Quý ông ơi, không gì tốt hơn để trình bày quan điểm của tôi, là tôi nói lại tỉ mỉ, việc tôi đã làm sáng nay khi hiệu được các ông có thể tha thứ phần nào vì đầu óc ta bị lệch lạc chút đỉnh, chính tôi có lúc đầu óc cũng bị mất thăng bằng, xáo trộn. Chúng tôi đã có mướn Sarah quản lý nhà này vài năm. Họ của cô ấy là gì tôi không nhớ. Cô ấy là một phụ nữ nghiêm khắc, kín đáo trang nhã nhưng bản tính lạnh lùng, chúng tôi chưa hề thấy cô biểu lộ tình cảm. Sáng nay, tôi đang ngồi ăn sáng một mình. Bà xã tôi thì có thói quen ngủ hết buổi sáng. Thình lình tôi nảy ra ý nghĩ tìm được mức độ lạnh lùng, an nhiên tự tại của cô gái này sẽ rất thú vị và bổ ích. Tôi nghĩ ra được cách kiểm nghiệm rất đơn giản nhưng rất hiệu quả: Tôi làm đổ một bình hoa giữa bàn, bấm chuông rồi chui xuống gầm bàn. Cô vào phòng, thấy phòng trống, tưởng tôi đã lên phòng làm việc. Đúng như tôi dự đoán, cô nhoài người trên bàn dựng bình hoa lên. Tôi thấy cẳng cô mang một vớ dài và chiếc giây thun giãn hai bên. Tôi thò đầu ra ngoạm một miếng vào bắp chân cô ấy. Cái thử nghiệm thành công ngoài sức tưởng tượng vì lúc đầu cô đứng chết trân, nhìn xuống đầu tôi rồi thét lên một tiếng, gỡ chân ra rồi lao ra ngoài phòng. Tôi đuổi theo cô với ý định thanh minh, giải thích vài điểm, nhưng cô đã bay ra đường xe, qua cổng. Tôi lấy ống nhòm và thấy cô đang chạy marathon về hướng Đông Nam. Tôi kể câu chuyện này cho các bạn vì ý nghĩa của nó. Tôi cấy nó vào đầu óc các bạn và đợi nó nảy mầm. Câu chuyện có minh họa được ý chính không? Nó gợi cho các bạn những ý tưởng gì? Đức ông nghĩ gì, John?
Đức ông John lắc đầu quầy quậy, rồi nói:
- Trong mấy ngày nay, nếu ta không cố tập trung kiểm soát ý chí của ta, ta có thể làm những hành động rồ dại, tai hại.
- Chắc giáo sư có vài nhận xét, Summelee?
- Ông phải ngưng ngay mọi công việc ông đang nghiên cứu, và đi nghỉ ở một công viên nước kiểu Đức ở đâu đó, để đầu óc ông nguội đi.
- Rất sâu sắc thâm thúy! - Giáo sư Challenger nói lớn. - Nào, mời ông bạn trẻ. Hy vọng nghe được ý kiến khôn ngoan của ông. Những ông bạn già của chúng ta đã thất bại. rõ ràng rồi.
- Đúng là chuyện ông tiên đoán đã xảy ra. - Tôi thành thực trả lời: - Nó đã xảy ra và chỉ có ông biết rõ; còn với chúng tôi, mọi sự đều mới quá nên không hiểu được rõ tàng. Và tự dưng, tôi tin tưởng tuyệt đối là chúng ta bị nhiễm độc không khí.
Và khi nói vậy, đầu óc tôi nhớ lại những cảm giác, những tâm trạng tôi trải qua từ sáng đến giờ: phải nghe chuyện trâu của đức ông, chuyện tôi khóc nức nở, chịu đựng những hành vi quái gở của giáo sư Summelee, thấy những chuyện kỳ cục ở London, chuyện cãi nhau ở công viên, người tài xế lái xe ẩu tả, cãi nhau ở công ty cung cấp oxy, mọi sự việc đều khớp với nhau. Tôi quả quyết:
- Chắc chắn là vì chất độc. Tất cả chúng ta đều bị ngộ độc.
Giáo sư Challenger xoa hai tay vào nhau, nói:
- Đúng thế, chúng ta đang ngộ độc. Trái đất của chúng ta đang lao vào một vành đai ether độc, và đang lao sâu vào đó với vận tốc vài triệu dặm một phút. Ông bạn trẻ của chúng ta đã diễn tả nguyên nhân các xáo trộn thần kinh của chúng ta và các, sự việc gây cho chúng ta ngỡ ngàng, bằng một từ ngữ ngắn gọn “chất độc”.
Chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng im lặng, xem ra chẳng còn lời bình luận nào thích hợp cho tình cảnh này. Giáo sư Challenger tiếp:
- Thần kinh chúng ta có cơ chế tự vệ, chống xâm nhập, có thể ngăn chặn và giới hạn những triệu chứng nhiễm độc trong tùy từng người. Tôi không cho là độc chất gây hại trong các bạn, y như mức nó gây hại trong tôi. Tôi cho rằng cơ chế hoạt động thần kinh khác nhau trong mỗi người, hóa giải được một phần chất độc khác nhau. Điều này, kinh nghiệm của anh bạn trẻ đây đã xác nhận. Sau cơn điên điên của tôi đã làm cô quản gia hú vía tới già, tôi ngồi im suy gẫm. Tôi nghiệm ra rằng từ trước tới giờ, tôi chưa hề bị xung động thôi thúc cắn người làm trong nhà bao giờ. Tôi nhận ra xung động kỳ này là bất thường. Tôi kiểm tra nhịp tim: tăng mười nhịp so với bình thường, các loại phản ứng của tôi đều tăng. Tôi cố gắng huy động và triệu dụng con người thật của tôi còn lành mạnh, ở mức còn làm chủ được ở tầm mức cao, con người thật của Geolge Edward Challenger, chưa bị những biến động cấp phân tử ảnh hưởng. Tôi ngồi im, tĩnh tại, dùng phương pháp nội quan, tách riêng những hành vi, những ý nghĩ manh động do chất độc gây trên hệ thần kinh, trên tinh thần của ta. Tôi thấy rằng tôi vẫn làm chủ được bản thân mình, tôi vẫn có thể kiềm chế được cái đầu óc lộn xộn của tôi. Đây là một ví dụ xuất sắc về tinh thần thắng vật chất, tinh thần làm chủ vật chất. Cuộc chiến thắng trên một dạng vật chất đặc biệt, vốn có liên hệ khăng khít với tinh thần. Hầu như tôi có thể khẳng định được rằng đầu óc ta có thể sai lầm và nhân cách của ta có thể điều khiển được đầu óc. Bởi vậy khi bà xã tôi xuống dưới nhà, tôi đã lẻn ra sau cửa, đánh động cho bà ấy biết bằng vài tiếng la hoảng. Tôi đã trấn áp được những xung động não và đón bà ấy chững chạc, bình thường, tự chế. Tôi cũng bị thúc đẩy muốn kêu lên vài tiếng quạc quạc như vịt, tôi cũng trấn áp được bằng cùng cách đó.
Sau đó muộn hơn, lúc xuống yêu cầu Austin chuẩn bị xe. Austin đang nghiêng mình loay hoay sửa chữa, tôi đã xòe tay và giơ lên định đập Austin một cú bất thình lình sau lưng, chắc chắn sẽ làm ông ấy chuồn thẳng một mạch, như cô quản gia của tôi. Nhưng may thay tôi đã tự chế được, điều khiển được tay mình. Và ngược lại với dự tính oái oăm quỷ quái tôi chạm nhẹ vai anh và yêu cầu chuẩn bị xe để kịp giờ. Ngay lúc này đây, tôi đang bị thúc đẩy nắm lấy bộ râu của giáo sư Summelee, và sẽ giật ngược đầu ông ấy ra sau rồi lại ghìm về trước. Nhưng rồi, như các ông thấy, tôi đã tự chế được. Để tôi phân tích và phê bình tâm trạng và hành động của tội cho các ông nghe.
Đức ông John nói:
- Tôi sẽ tìm con trâu đó.
- Còn tôi sẽ xem trận túc cầu.
Giáo sư Summelee, rất ngạc nhiên lại nói bằng một giọng ân hận:
- Tôi sẵn sàng công nhận, đầu óc tôi lúc này thích chỉ trích hơn là xây dựng, không sẵn sàng tiếp thu những giả thiết mới, nhất là cái giả thiết vừa bất thường vừa quái dị như lần này. Nhờ hồi tưởng lại những chuyện sáng nay, xét lại thái độ, cử chỉ giả hiệu của các bạn, tôi công nhận là có một chất độc kỳ lạ đang gây độc cho chúng ta.
Giáo sư Challenger vui mừng vỗ vai đồng nghiệp:
- Chúng ta có tiến bộ! Thật sự tiến bộ.
Summelee càng khiêm nhường hơn, hỏi:
- Vậy, xin giáo sư làm ơn cho biết quan điểm hiện nay của giáo sư về vấn đề này.
- Xin phép các ông, tôi xin trình bày vài lới về chủ đề này. - Giáo sư ngồi vào bàn, hai cái chân mập, lùn đung đưa trước mặt. - Chúng ta đang chứng kiến một sứ mạng to lớn và khủng khiếp. Theo ý tôi, đó là ngày tận thế.
Tận thế! Chúng tôi không ai bảo ai, cùng hướng mắt ra cái cửa sổ khung vòm, nhìn quang cảnh vùng đồi xinh đẹp dưới nắng hè, những triền đồi phủ đầy thạch thảo, những nhà nghỉ mát hoành tráng, những trang trại ấm cúng, những người tìm vui thú trên sân golf.
Ngày tận thế! Chúng ta đã từng nghe những từ này, nhưng chúng không gây một ấn tượng trực tiếp, tức thời như bây giờ. Nó sẽ không xảy ra vào một ngày tiên tri mơ hồ nữa, mà ngay bây giờ, ngày hôm nay. Ý tưởng tận thế to lớn, hùng mạnh, choáng ngợp làm ta bàng hoàng, quay cuồng.
Chúng tôi đều nghiêm trang, kính cẩn, yên lặng chờ Challengel nói tiếp. Sự hiện diện và dáng vẻ khống chế của ông khiến lời nói của ông trang trọng khác thường. Vào những giây phút này, mọi thô thiển, vô lý trần tục của con người đều biến mất, ông hiện ra dưới mắt chúng tôi là một đấng oai nghiêm, trên mức nhận thức thông thường của con người. Rồi, ít nhất là mình tôi, nhớ lại từ lúc vào phòng, giáo sư đã cười hai cơn sảng khoái, siêu thoát. Nhưng tôi nghĩ, có đánh lừa tâm trí mình cũng chỉ đến được một giới hạn thôi, tôi yên trí là tai họa này không vĩ đại, tối hậu, bức thiết như ta tưởng.
- Các ông cứ tưởng tượng một chùm nho, ngoài vỏ có vô số vi khuẩn lên men có hại. Nhà làm vườn nhúng vào một môi trường sát khuẩn để nho sạch, hay để cấy vào đó một chủng vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa hơn. Ông ta nhúng vào độc chất, các vi khuẩn chết sạch. Nhà làm vườn định nhúng thái dương hệ của chúng ta, và những vi-khuẩn-người đang ngoe nguẩy, lúc nhúc ngoài vỏ địa cầu, chỉ trong nhấp nháy bi tiêu diệt.
Tất cả chúng tôi lại rơi vào im lặng. Rồi tiếng chuông điện thoại lanh lảnh phá tan sự tĩnh mịch. Giáo sư Challenger nói với vẻ mặt nghiêm túc:
- Lại một con vi-khuẩn-người ngọ ngoạy cầu cứu. Bây giờ họ mới thấy kiếp sống của con người đâu có cần thiết trong vũ trụ. Ông đi trả lời điện thoại một, hai phút gì đó. Chúng tôi chẳng ai nói một tiếng khi giáo sư vắng mặt. Tình cảnh của chúng tôi thật không nói nên lời hay không còn gì nữa mà bình luận.
Khi trở lại giáo sư bắt đầu:
- Cán bộ y tế hạt Brighton, ở vùng càng cao, triệu chứng ngộ độc phát triển càng nhanh. Chúng ta ở trên độ cao 210 mét nên có lợi hơn, bị ngộ độc chậm hơn. Công chúng có vẻ như thấy tôi là người đầu tiên nói về tai họa này. Dĩ nhiên, qua lá thư của tôi trên tờ Times. Khi mới về nhà, tôi đã tiếp chuyện Thị Trưởng của Thị trấn. Ông ấy cuống cuồng lo lắng cho mạng sống cá nhân mình, mà ông tưởng là quí giá lắm. Tôi phải giúp ông ta điều chỉnh lại nhân sinh quan.
Giáo sư Summelee đang đứng ở cửa sổ, hai cánh tay dài, khẳng khiu đang run lên vì xúc động. Ông hăm hở nói:
- Challenger, chuyện này quá quan trọng, không thể chỉ ngồi lý luận suông với nhau. Xin ông đừng phật ý khi tôi hỏi những câu này. Có thể nào những thông tin ông nhận được có thể sai lầm không? Có thể nào trong chuỗi lý luận của ông chưa thật sự mạch lạc không? Mặt trời vẫn le lói chiếu sáng trên nền trời xanh, vẫn những cánh đồng thạch thảo xanh rờn, vẫn có chim chóc, vẫn có những người giải trí trong sân golf, vẫn có những nông dân đang gặt lúa. Ông bảo họ và chúng ta đang ở trên bờ vực thẳm. Cái ngày nắng ấm này sẽ là ngày tận diệt loài người, ngày họ hằng bảo nhau chờ đợi từ lâu. Ông phán đoán điều ghê gớm này dựa trên những cái gì? Dựa trên những dải, những vằn quang phổ, dựa trên tin đồn đại của dân đia phương Sumatra? Dựa trên những suy nghĩ, cử chỉ bất thường của mỗi chúng ta. Các dấu hiệu này chưa thuyết phục là chúng ta bị ngộ độc, vì chỉ một chút cố gắng chúng ta đã tự khắc phục được. Ông không cần khách sáo nữa, Challenger. Chúng ta cùng sắp sửa đối diện với cái chết. Xin ông cứ nói thẳng, theo ông, tình trạng hiện tại của chúng ta, và tương lai chúng ta.
Đó là những lời nói can đảm, gãy gọn, trên một lập trường vững chắc, tinh thần sáng suốt thực tế, bằng tất cả uy tín và chính trực của một nhà động vật học kỳ cựu. Đức ông John đứng dậy lắc tay ông biểu đồng tình.
- Nhất trí với con bọ nhảy. Và ông Challenger, xin ông cho biết tình trạng của chúng ta đang ở đâu. Chúng ta không phải là những người rối trí. Ông mời chúng tôi tới thăm ông cuối tuần và thấy ông đã chuẩn bị lao thẳng vào ngày phán xét cuối cùng, xin ông cho chúng tôi vài lời giải thích. Nỗi nguy hiểm là cái gì, ở trong nhà này nguy hiểm ở mức độ nào, có cách nào để đối phó không?
Đức ông John cao, khỏe, đứng ở cửa sổ tràn ngập ánh nắng, vịn một tay đen xạm lên vai Summelee. Tôi ngả người sâu vào lưng ghế, điếu thuốc tắt ngấm vẫn còn trên môi, tâm hồn tôi đang ở trong trạng thái mơ màng và tôi ý thức rất rô. Có thể chúng tôi đang ở một giai đoạn ngộ độc khác, xung động thôi thúc hành động hung hăng đã qua, nhưng tôi có tâm trạng rất lo buồn. Tôi như người quan sát bàng quan, như thể tai họa chẳng khiến cá nhân tôi quan tâm. Nhưng có ba người khỏe mạnh khác trong phòng, quan sát và nhận xét về họ ở giờ phút hấp hối chắc sê rất thú vị. Challenger nhíu đôi mày rậm, quết quết bộ râu rối trước khi trả lời. Ta có thể thấy ông eố cân nhắc từng câu chữ thận trọng. Ông hỏi:
- Các ông có tin tức gì trước khi rời London không?
- Tôi rời tòa báo Gazette lúc 10 giờ. Có một điện tín của hãng Reuter từ Singapore cho biết dân đảo Sumatra nhất loạt bị ngộ độc và hải đăng ở đó không sáng lên được nữa.
Challenger tiếp:
- Từ lúc ấy, biến cố có vẻ phát triển rất nhanh. - Ông cầm xấp điện tín lên: - Tôi liên lạc với cả chính quyền lẫn báo giới, vì thế tôi nhận được thông tin từ mọi nơi. Mọi giới khẩn khoản mời tôi có mặt ở London, nhưng tôi thấy dù có lên đó tôi cũng không đạt được kết quả mong muốn. Theo những tường thuật, hậu quả ngộ độc lúc đầu là tinh thần bị kích động. Ở Paris, dân chúng rối loạn và có xảy ra bạo động. Phu mỏ ở vùng Welsh cũng vùng lên nêu yêu sách. Chúng ta chỉ mới có những bằng chứng này đáng tin. Ở giai đoạn kích động này, hiệu quả ngộ độc tùy theo mỗi sắc dân và tùy mỗi cá nhân. Sau đó đến giai đoạn đầu óc tỉnh táo, tâm thần thấy phấn chấn vui vẻ. Tôi có nhận thấy vài dấu hiệu của giai đoạn này ở ông bạn trẻ của chúng ta đây, cuối cùng, đến giai đoạn buồn thảm và rơi vào hôn mê, tiến sâu vào cõi vô thức rồi chết. Căn cứ vào kiến thức về độc chất của tôi, chất độc chúng ta gặp tác động lên hệ thần kinh thực vật của ta...
- Như là độc dược. - Summelee gợi ý.
- Tuyệt! - Challenger reo lên. - Có một cái tên sẽ tăng phần chính xác khoa học. Chúng ta gọi nó là chất “Daturon”. Ông sẽ là người có vinh dự đã đặt tên cho chất giết người toàn cầu, ông sẽ được tôn vinh sau khi chết nhưng không kém phần độc đoán. Người đặt tên cho chất sát khuẩn của Người Làm Vườn Vĩ Đại. Vậy thì, chất daturon sẽ gây ra những triệu chứng theo ba giai đoạn như tôi đã mô tả. Chất độc sê trùm Iên khắp thế giới và chắc chắn chẳng còn mạng nào sống sót, vì ether vốn là môi trường đầy ắp vũ trụ. Đến giờ phút này. Ether gây những hậu quả rất khác nhau ở những nơi chúng quét qua. Nhưng sự khác biệt này chỉ xảy ra trong vài giờ. Giống như thủy triều liếm dần những dải cát ven biển theo những hình dạng loang lổ, nham nhở, nhưng cuối cùng thì toàn bộ bãi biển chìm ngập trong nước. Có những qui luật về khí động học, chi phối tác động và phân bố khí daturon. Nếu chúng ta còn giờ nghiên cứu sâu hơn chắc thú vị lắm! Tôi chỉ mới theo dõi được diễn biến lới đây.
Ông liếc qua vào tập điện tín.
- Dân tộc nào càng bán khai càng bị daturon tác động nhanh. Có những báo cáo đáng tiếc từ Phi châu, từ Úc châu, cho biết nhiều bộ tộc thổ dân đã bị tận diệt. Các dân tộc phương Bắc có khả năng kháng độc mạnh hơn các dân tộc phương Nam. Cái điện này đến từ Marseilles lúc 9 giờ sáng nay. Tôi đọc cho các ông nghe nhé.
“Suốt đêm, người ta la ó điên loạn ở vùng Provence, dân trồng nho ở Nimes gây xáo trộn. Đảng xã hội dấy loạn ở Toulon. Một chứng bệnh đột xuất tấn công toàn bộ dân chúng sáng nay gây kích ngất và hôn mê. Trận Dịch Sấm Sét đã gây tử vong nhiều người ngoài đường phố. Công việc làm ăn buôn bán bị đình trệ toàn bộ, toàn thể xã hội xáo trộn.”
Một giờ sau tôi nhận được điện tín này, cũng từ cùng một nguồn:
“Chúng tôi đang bị đe dọa tận diệt. Các giáo đường lớn, nhà thờ đầy tràn người. Người chết nhiều hơn người sống. Thật là khủng khiếp không thể tưởng được. Cái chết xem ra không đau đớn, nhưng nhanh và không thể tránh khỏi.”
Cũng có một điện tín tương tự từ Paris, nhưng cơn dịch tiến triển không nhanh bằng. Ấn Độ, Ba Tư coi như dân số đã bị xóa sạch. Ở Áo, dân Slavonie coi như đã bị xóa sổ, nhưng dân Đức, sắc dân Tentonie lại có vẻ như không hề hấn gì. Nói chung dân ở đồng bằng và dân duyên hải mau cảm thấy hậu quả của chất độc hơn dân ở sâu trong nội địa và dân vùng cao, chỉ căn cứ vào những thông tin tôi có trong tay. Chỉ ở chênh lệch nhau một độ cao ngắn, hậu quả của chất độc đã khác nhau rõ rệt. Thảng hoặc nếu còn người nào sống sót, có lẽ, một lần nữa chúng ta lại thấy người đó trên một đỉnh Ararat nào đó (2). Ngay như chúng ta chỉ ở trên một ngọn đồi 210 mét trên mực nước biển, cũng coi như ta đang may mắn ở trên một hòn đảo giữa đại dương thảm họa. Nhưng với tốc độ phân bố chất độc như thế này, thì chỉ vài giờ nữa là chúng ta bị tràn ngập.
Đức ông Roxton lau mồ hôi trán, rồi run run nói:
- Cái tôi không hiểu, là làm sao mà ông có thể còn ngồi đây mà cười với chồng điện tín trong tay được? Tôi cũng đã nhìn thấy nhiều cái chết như phần đông chúng ta thấy. Nhưng nhân loại bị tận diệt thì... kinh khủng quá.
- Về chuyện tôi cười, các ông nhớ là, tôi cũng bị ether độc tính kích thích như các ông, đâu có được miễn. Về cái chết toàn bộ như nó đă gợi trong trí ông. Tôi có thể cho ông hay, là ông hơi phóng đại nỗi sợ hãi. Nếu ông ra khơi một mình trên một chiếc thuyền không có mui, để đến một nơi vô đinh, chắc ông sẽ sợ chết khiếp. Sự cô đơn, sự bấp bênh bất đinh cũng đủ làm ông tê liệt. Nhưng nếu ông đi trên một chiếc tàu thủy tốt, với cả họ hàng, bạn bè, dù có phải đến một nơi bất định, ông cũng vẫn cùng chia sẻ, cùng nếm trải, ông vẫn giữ được mối cộng đồng cảm thông ấy trong suốt cuộc hành trình. Một cái chết đơn độc có thể dễ sợ, nhưng chết nhất loạt, không đau đớn như tai họa này, theo ý tôi, chẳng có gì đáng sợ. Thật vậy, tôi có thể cảm thông với người có quan điểm là, nỗi sợ nằm ở chỗ tất cả những người đầy kiến thức, nổi tiếng được tôn vinh đã chết hết, mà mình thì sống sót, lạc loài.
Giáo sư, người đã vừa đồng ý với người anh em đồng giới của ông, hỏi:
- Vậy giáo sư thấy chúng ta cần làm gì?
- Ăn trưa, vì tiếng chuông báo bữa ăn đã vang lên. Chúng ta có bà nấu bếp làm món omelettes ngon tuyệt, và cũng chỉ có món sườn nướng của bà ấy có thể sánh với món này thôi. Tôi tin rằng chẳng có xáo trộn vũ trụ nào có thể làm lụt tài nấu ăn của bà ấy được. Nàng Scharzberger của năm 1896 phải được cứu thoát, nếu chúng ta cùng nỗ lực, nhiệt tình, khỏi cái thảm họa tận diệt oan uổng này. - Ông nhấc cái thân nặng nề khỏi ghế, nơi ông vừa ngồi loan báo ngày tận diệt của hành tinh. - Nào, chúng ta còn càng ít thời giờ chừng nào, chúng ta càng phải sống cho tỉnh táo, cho đáng sống bấy nhiêu.
Thật vậy, chúng tôi đã có một bữa ăn ngon và vui, vẫn không quên hoàn cảnh bi thảm: toàn bộ tính nghiêm trọng vẫn lù lù trong óc chúng tôi, và điều chỉnh tư tưởng chúng tôi Nhưng chính cái tâm của mình chưa hề đối diện với cái chết, đã giúp tinh thần chúng tôi cuối cùng đã tránh xa được nỗi ám ảnh chết chóc. Với mỗi người trong bọn đàn ông chúng tôi, đều đã trải qua một thời đại chiến, nên chuyện chết chóc vẫn thường lởn vởn trong đầu. Với bà chủ nhà, bà ấy dựa vào sự hướng dẫn mạnh mẽ của chồng, và sẵn sàng bằng lòng đến bất cứ nơi nào số phận đưa đẩy. Hiện tại là của chúng tôi, và chúng tôi đă sống được những giây phút trong tình bạn thực sự và khinh khoái trong lòng. Đầu óc chúng tôi, như tôi đã nói, thật trong sáng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, lâu lâu tôi lại cảm thấy sợ như bị sét đánh. Còn giáo sư Challenger, ông ấy thật tuyệt. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cái vĩ đại của con người như vậy, ông thật sự có quyền lực của tri thức sâu rộng. Giáo sư Summelee thì vẫn tiếp tục hỏi ông bằng cái giọng châm chọc bi quan. Tôi và đức ông John chỉ cười khi hai ông tranh luận, bà chủ luôn bám cánh tay ông chồng, để kiềm chế nhà minh triết đừng tranh luận gay gắt. Sống, chết, số phận là định mệnh của nam nhi, là những vấn đề nặng ký đè ập lên tâm trí chúng tôi, vào những giờ phút đáng nhớ cuối cùng này. Chúng hiện lên to lớn quá, trùm lợp cả cái không khí hoan lạc thần tiên, chúng chạy rần rần trong tứ chi tôi.
Tôi cảm thấy chết chóc đang dâng lên, như sóng triều phủ chụp lấy chúng tôi. Tôi đã thấy đức ông thình lình chụp tay dụi mắt, giáo sư Summelee ngồi đựng lên trong ghế. Nhưng tâm hồn chúng tôi vẫn tỏ vẻ vui vẻ, thảnh thơi. Ngay lúc đó Austin đặt thuốc lá lên bàn và chuẩn bị rút lui.
- Austin! - chủ anh gọi
- Dạ, chi ạ?
- Cám ơn ông đã giúp việc chúng tôi rất tận tụy, trung thành.
Một nét cười kín đáo lóe trên nét mặt nhăn nheo của người gia nhân.
- Tôi chỉ làm theo bổn phận, thưa ông.
- Tôi đang đợi ngày tận thế đây, Austin.
- Vâng, thưa ông. Tận thế lúc mấy giờ ạ?
- Tôi không nói chính xác được, Austin, trước tối nay.
- Vâng ạ, thưa ông.
Ông Austin chào rồi ra khỏi phòng.
Giáo sư Challenger châm một điếu thuốc, kéo ghế đến cạnh bà ấy, nắm tay bà:
- Em đã biết số phận của chúng ta đang ở đâu. Em không sợ phải không nào? Anh cũng đã nói cho các bạn đây biết. “ Không đau đớn, phải không anh?” Chỉ như nha sĩ chích khí gây cười (thuốc tê) cho em thôi. Đợi khi em cảm thấy đau thì em đã thực sự chết rồi.
- Như vậy thì chắc ta có cảm giác thú vị lắm.
- Vâng, khi chết có thể như vậy. Cái cơ thể cằn cỗi của chúng ta không thể ghi và lưu lại ấn tượng của cái chết, nhưng ta biết có khoái lạc tinh thần trong nhưng cơn mơ hay hôn mê. Thiên nhiên có thể tạo một cái cửa lộng lẫy, màn che, trướng rủ để đón linh hồn chúng ta sang một kiếp sống mới. Trong tất cả những nghiên cứu, thăm dò hiện thực, anh đều thấy trong cốt lõi mọi sự việc đều có chân và thiện. Ngay cả trong cái chết, dù có dễ sợ đến đâu, cũng có sự êm diu. Chắc chắn như vậy để người chết đi được quãng đường quá độ từ kiếp này sang kiếp khác. Không đâu Summelee, tôi không thể chấp nhận một chút gì về cái thuyết duy vật của anh. bởi vì, ít nhất bản thân tôi quá vĩ đại, không thể chỉ chấm dứt trong cái cơ thể vật lý này, cấu tạo bằng vài bịch các loại muối và khoảng ba xô nước. Mà, mà...
Ông gõ nhẹ cái bàn tay lông lá lên đầu.
- Mà còn cái gì sử dụng được vật chất, một cái gì thủ tiêu được cái chết, nhưng cái chết không tiêu hủy được nó.
Đức ông John lên tiếng:
- Nói về cái chết, tuy gần như là người theo đạo Thiên Chúa, tôi thấy trong cái chết còn có một lực siêu nhiên. Tổ tiên ta đã được an táng với rìu, cung tên hay các vật tùy táng tương tự, tôi vẫn cảm thấy sự hiện hữu của họ, họ vẫn sống theo kiểu xưa xung quanh ta. Tôi không biết vì sao, - ông nói thêm và nhìn lên bàn với vẻ thẹn thùng. - Tôi không đủ bình tĩnh để sang bên kia thế giới bằng khẩu 450 Express, loại ngắn báng cao su ấy, với một hay hai băng đạn. Đó chỉ là một hoang tưởng điên khùng, nhưng thực sự tôi nghĩ vậy. Ông nghĩ sao về cái chết, ông giáo sư? Được ông hỏi tôi mới nói, chết kiểu đó giống như lùi lại thời đồ đá hay sớm hơn nữa, lúc người ta chưa thể tự vệ được. Đang sống ở thế kỷ 20, tôi muốn chết như một người văn minh. Không biết tôi có sợ chết hơn các ông không, tôi già rồi. Gì thì gì, tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Nhưng tôi không thể cứ ngồi yên chờ chết, dù tôi có là con cừu sắp lên bàn mổ, tôi cũng phải vẫy vùng, đá, húc tên đồ tể. Thật sự chúng ta chẳng còn làm gì được sao, Challenger?
- Để tránh khỏi thảm họa thì chẳng còn cách nào cả. - Giáo sư Challenger nói lạnh lùng đến sợ toát mồ hôi. - Chỉ có thể kéo dài đời sống thêm được vài giờ để xem thảm kịch vĩ đại này diễn biến ra sao thôi, trước khi chính chúng ta bi nhấn chìm trong thảm họa đó. Điều này thì tôi làm được và tôi đã có chuẩn bị vài bước...
- Oxy?
- Đúng, oxy.
- Nhưng oxy thì gây được hậu quả gì với ether độc? Một cục gạch và một chất khí còn có lý tính và hóa tính khác nhau ít hơn là ether và oxy. Chúng là hai dạng vật chất khác nhau, chúng không tác dụng lên nhau. Thôi đi, Challenger, ông không thể biện minh được một kế hoạch như vậy.
- Ui da, ông giáo sư Summelee tài ba ơi, độc chất ether này chắc chắn bị các tác nhân vật chất khác ảnh hưởng. Tôi suy ra điều này qua phân tích cách thức và phân bổ thảm họa khi bộc phát. Chúng ta chưa tiên nghiệm được khí này, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, nó là một thực thể. Từ đó tôi tin chắc là một khí như oxy, chất tăng cường sinh lực và sức đề kháng của cơ thể, có thể làm trì hoãn tác động của chất daturon mà ông đã có hận hạnh đặt tên. Có thể hành động chuẩn bị của tôi sai, nhưng tôi quả quyết là lý luận của tôi rất đúng đắn.
Đức ông John buột miệng nói ra sự thiếu tin tưởng:
- Dù có vậy chăng nữa, nếu cứ phải ngậm những cái vòi oxy để thở như con nít bú bình, tôi cũng chê.
Challenger trấn an ông:
- Không cần phải như vậy. Chúng tôi đã sắp đặt cả rồi. Ông phải cám ơn bà xã tôi vì cái phòng khách của bà ấy rất kín hơi và thực dụng, có nệm và giấy dán tường kín hơi như “gioăng” cao su.
- Trời đất quỷ thần ơi! Ông Challenger, ông định ngăn hơi ether vũ trụ bằng giấy dán tường đấy à?
- Đúng thế, ông bạn tài năng ạ. Ông suy nghĩ kỳ quặc quá nên đã lạc đề. Khi tai họa ập tới, chúng ta không ngăn cản khí ether tràn vào mà để giữ oxy đừng thoát ra. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nếu ta cố duy trì được môi trường giàu oxy, ta có thể vẫn còn tỉnh táo. Tôi có hai bình và các ông đã đem thêm tới ba bình. Không nhiều, nhưng cũng đáng kể đấy chứ.
- Ta sử dụng được trong bao lâu?
- Tôi không thể đoán trước được. Chỉ khi nào chúng ta hết chịu đựng nổi ether độc, ta mới mở oxy và cũng sẽ chỉ cung cấp thêm cho những ai cần khẩn cấp. Như thế chúng ta còn có thể sống thêm vài giờ hoặc vài ngày, để chứng kiến cảnh thế giới bị hủy diệt. Mạng sống của chúng ta được duy trì đến lúc đó, chúng ta sẽ trải nghiệm những giây phút độc đáo nhất. Năm chúng ta sẽ là đội quân hậu bị của loài người bước vào cõi vĩnh hằng. Rồi, các ông giúp tôi một tay sắp xếp các bình oxy. Bầu không khí đã có vẻ ngột ngạt lắm rồi.


Ghi chú:

(1) Noah: tên con thuyền trong kinh thành cựu ước trong cơn đại hồng thủy.
(2) Theo các nhà khảo cổ, con tàu của ông Noe trong Old Tedtament (Cựu Ước) tấp vào đỉnh núi Ararat, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.