Cốm Vòng Hà Nội
Tác giả: Băng Sơn


Trong bài thơ "Paris có gì lạ không em ?" của Nguyên Sa đoạn kết có câu:

"Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen ?... "

BS thấy hay nhưng vẫn không mường tượng được ý tác giả muốn nói gì ? Nhân lúc rảnh vớ được tờ báo có bài tùy bút của Băng Sơn viết "Cốm Vòng Hà Nội", bài viết thật công phu, sau khi đọc xong mới thấy bài thơ "Paris có gì lạ không em" của Nguyên Sa dụng chữ "hương cốm" với "lá sen" thật tài tình. Xin được post lên đây để các bạn cùng thưởng thức hương vị cốm vào cuối thu.

Hương vị mùa thu

Những người Hà Nội đang ở xa, khi thu về có một lúc nào để lòng mình nhớ nhung về nơi có mùa thu kỳ lạ? T cảm nhận được ngọn gió heo may tràn ngập hồn mình khi liễu buồn buông lệ bên Hồ Gươm, khi có những người từ đâu không biết, đi rong phố phường bán từng lồng chim ngói, loài chim chỉ xuất hiện mỗi độ thu về...

Mùa trời lên cao, đất khô đi, cây tự nhuộm mình cho lá mang màu vàng đỏ, lòng người nhớ thương nhau, tìm tri âm tri kỷ, thanh tao thì uống một tách cà phê, dung tục thì đến quán mộc tồn... ấy là lúc có món đặc biệt: Cốm Vòng, chỉ mùa thu Hà Nội có và ngon đến thế.

Và cũng chỉ một làng cổ, huyện Từ Liêm cổ, quá cửa Ô Cầu Giấy mấy trăm bước chân, làng Dịch Vọng mới có thứ cốm vòng như thế. Ngay cách đấy ít làng, có làng Lũ cũng làm cốm, nhưng chỉ là món quà rẻ cho trẻ em, cứng và bệch bạc, dù đây là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Nguyễn Siêu trong bốn chữ xưng tụng của người đời cùng với Cao Bá Quát "Thần Siêu, Thành Quát".

Cốm là quà không phải để ăn no. Ăn cốm là ăn mùa thu vào lòng, vào tâm khảm. Mùa thu Hà Nội trong veo như tâm hồn thiếu nữ, thanh sạch, mát dịu như không chút bụi trần, để con cá chép Lý Ngư cũng phải vượt Vũ Môn mong hóa thành rồng. Sáng bảng lảng sương, chiều dìu dịu nắng, đêm êm đềm ngọt ngào... trong không gian huyền thoại đắm say ấy, sớm sớm những chuyến tàu điện đầu tiên rẽ sương từ Ô Cầu Giấy vào Hàng Đẫy, Hàng Bông, Bờ Hồ... có những bà, những cô hàng cốm xuống tàu, theo lối quen, tỏa hương thu vào mọi nẻo..

Ít người cần rao. Ai cũng có khách quen, có khi quen đã mấy đời. Nếu là khách lạ cứ nhìn chiếc đòn gánh cong một đầu là biết. Đòn gánh là cả gốc tre già, đánh lên cả gốc, chẻ đôi, dùng từ đời mẹ, sang đời con, nó như cái câu liêm, câu bầu trời xuống ủ cho mềm cốm. Hai bên thúng là từng lớp cốm xanh thoang thoảng hương lúa, mùi mùa phơi thóc, cốm nằm mơ màng trong từng lớp lá sen già đượm thứ hương hoa dâng hiến, hoặc lá khoai ráy xanh non, bóng như một thứ xa- tanh (satin) mát mịn. Dúm một dúm, đặt vào lòng bàn tay, ngửa cổ, thả nó vào đầu lưỡi, nó sẽ tan, sẽ ngấm, sẽ thì thầm thứ vị ngọt mềm của trời đất nước non, cả đầm sen ngan ngát, cả sóng lúa rì rào, cả màu mây lãng đãng... và mơ màng nhớ đến một suối tóc dài thơm hương bồ kết của ai đó đang ngồi giã cốm trong đêm trăng.

Ăn cốm là nhai từ từ, khoan thai, từng hạt ngọc xanh mà dẹt, mềm mà thơm, ngọt mà mát. Không thể ăn cốm mà xới vào bát rồi lùa như ăn bún, ăn phở. Người Hà Nội ăn riêng cốm, ăn một mình cốm để tận hưởng sắc màu, hương vị thanh thoát, tao nhã đúng là "ăn hương ăn hoa", ăn để mình cũng biến hình vào trời thu, hồn mình lãng du cùng non nước...

Cũng có người thích ăn cốm với hồng ngọc là thứ hồng đỏ, ngọt sắc cho hai màu tương phản, nâng đỡ âm dương, hoặc ăn cốm với chuối tiêu trứng cuốc, thứ chuối mà chỉ mùa thu mới vàng ươm dệt thêm từng đốm màu nâu vào vỏ để quyến rũ mắt nhìn và dâng hương cho mê tơi khứu giác, dù ăn như thế cốm phải hy sinh một phần hương sắc.

Người Hà Nội còn ăn chè cốm, cốm xào, chả cốm... nhưng bánh cốm thì cũng đã thành nghệ thuật. Bánh cốm Nguyễn Ninh đường Hàng Than, đã tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến món ngon Hà Nội, thành tấm lòng thơm thảo của người con đi xa gửi về biếu mẹ cha luống tuổi, thành sự mừng vui của những ngày sêu Tết.

Cô hàng cốm xưa, đi chân đất, vấn vành khăn nâu, trên đầu đòn gánh cong, còn tòn ten chiếc chổi mới bện bằng rơm cốm.

Sau mấy chục mùa thu chinh chiến, nay đất nước lặng im tiếng súng, cốm vòng lại có mặt với miền Nam, mang theo gió thu Hà Nội, mang màu xanh và hương đất Bắc để hòa với mưa nắng của miền Nam.

Khi lúa nếp uốn câu chưa chín vàng, đã được tuốt mang về. Làng Dịch Vọng um tùm tre trúc, ngập tràn trăng sáng, đầy gió thu mát, điển hình cho làng quê Việt Nam như ca dao, như cổ tích. Trong gió và trăng ấy, thóc nếp được tuốt rồi được rang trên lửa củi, xong đem giã chày tay, rồi sàng, rồi giần quay quay nhè nhẹ êm êm... Lại giã, lại giần, sàng. Hàng chục lượt như thế, vỏ trấu bong ra, cái bổi tơi bời, hạt cốm dẹt mình, bắt đầu tỏa hương vào mùa tu làng xóm. Nó còn được hồ thêm chút lá lúa cho thêm xanh, cho đậm chất đã làm nên hạt lúa. Cuối cùng những hạt ngọc mềm ấy được nằm mơ ngủ say trong lá sen, lá ráy đã lau chùi thật sạch, chờ chuyến xe điện đầu tiên, lên đường vào phố. Tháng tám qua làng Vòng sẽ nghe được nhịp gõ, bộ gõ tiết tấu to nhỏ gần xa, vang vang và trầm đục, tiếng loạt xoạt của rơm xanh, tiếng rì rầm của tay sàn sảy...

Cốm không thể ăn nhiều. Cô hàng cốm cũng không gánh đi nhiều, không lặc lè như cô hàng gạo, hàng rau. Và cốm cũng không thể làm nhiều như sản phẩm bằng lúa nếp khác.

Cốm là hạt lúa nếp nhưng đã thành kiếp khác. Nó là tinh hoa, là tài tình, cũng chẳng giống bánh chưng bánh dầy... nó là sáng tạo đã ngàn đời, từ nguyên thủy đến trường tồn dân tộc?

Nhiều năm cốm tưởng chừng bị mai một. May thay, mùa thu vẫn xanh cùng đất nước, cốm lại được sinh thành, hồi xuân, lại tái hồi cho lòng người nguôi ngoai thương nhớ.

Bạn phương trời, bao mùa xa vắng! Hà Nội lại gởi lá thư xanh bằng gói cốm lá sen cho bạn đây, một chút "thời trân", một câu thơ lục bát bằng hương và vị... Hãy nhận lấy bạn ơi, để nhớ về một mùa thu Hà Nội đầy mỹ cảm...