Chương 23


Sau Tết, Quân Giải Phóng gây áp lực mạnh. Báo chí và ra đdi-ô hầu như ngày nào cũng đưa tin về tình hình chiến sự. Trong vòng hai tuần lễ, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Kontum và Quảng Trị bị thất thủ. Người Sài Gòn trước nay vốn xa lạ với bom đạn đã băt' đầu cảm thấy hơi thở nóng hổi của chiến tranh thổi tới sau gáy mình.
Đám sinh viên miền Trung lo sốt vó, nhất là những đứa có người thân tham gia quân đội. Tôi không biết tình trạng gia đình ngoài đó ra sao, nhất là khi quê tôi bị thất thủ mười ngày sau đó.

Trong những ngày này, Sài Gòn đông nghẹt những người từ miền Trung chạy vào. Tôi có gặp một số người quen ngoài quê nhưng họ chẳng biết gì về tình hình gia đình tôi.

Trong khi đó, gia đình bác Tám tỏ ra rất bình tĩnh. Cả dì dượng tôi cũng vậy. Điều đó khiến tôi an tâm được phần nào.

Lúc này, các trường học vẫn hoạt động bình thường. Nhưng chúng tôi đến lớp để chơi hơn là để học. Các thầy cô ngồi trên bục giảng bình luận thời sự thay vì giảng bài. Một số tỏ ra lo lắng rụt rè. Một số phấn khởi ra mặt, chửi Mỹ và chính quyền công khai.

Học trò đứa nào muốn nghe thì ngồi trong lớp, đứa nào muốn đi chơi thì tót ra ngoài.

Kim Dung hỏi tôi :

- Ông có biết tin gì về gia đình không ?

Tôi buồn bã lắc đầu.

- Con` ở nhà Kim Dung thì sao ? - Tôi hỏi lại.

Nó nhún vai :

- Ông già sợ xanh mặt, đang chuẩn bị vù !

- Vù đi đâu ?

- Ra nước ngoài.

Tôi thắc thỏm :

- Kim Dung có đi không ?

Nó lại nhún vai :

- Chưa biết ! Vui đi, buồn ở !

Nó tùy hứng kiểu đó, tôi chẳng biết nó đi hay nó ở. Trong thâm tâm, tôi không muốn Kim Dung đi. Tôi không muốn xa một người bạn tuyệt vời như nó.

Ngoài nỗi lo mất Kim Dung, tôi còn một nỗi lo khác. Từ ngày đứt liên lạc với gia đình, tôi bị đứt luôn cả nguồn cung cấp tài chính. Trước đây, tiền cơm và tiền tiêu vặt hằng tháng mẹ tôi đều gửi vô. Bây giờ, mọi thứ tôi phải tự xoay xở lấy. Dì tôi chẳng hỏi han gì đến chuyện tiền nong nhưng thấy gia đình dì chẳng sung túc gì, tôi chẳng muốn tạo thêm gánh nặng cho dì.

Tôi kêu thằng Bảo tới nhà, hai đứa chở sách đi bán ngoài chợ sách cũ ở đường Công Lý. Tủ sách của tôi có đến gần ngàn cuốn, tôi gom góp mua trong mấy năm nay. Tôi lựa một số cuốn giá trị tặng cho Quỳnh và Lan Anh, còn bao nhiêu tôi và thằng Bảo đem bán ráo.

Sợ dì tôi ngăn cản, tôi đợi dì đi làm rồi mới đem sách ra khỏi nhà.

Buổi tối nghe Lan Anh méc, dì tôi kêu tôi rầy. Tôi cười hì hì và hôm sau lại tiếp tục chở sách đi bán.

Tôi tặng sách cho Quỳnh, Quỳnh thích lắm. Cô bé để sách trong một ngăn tủ riêng, khóa kỹ.

Trâm biết, liền chạy qua gặp tôi, can :

- Anh đừng bán sách nữa ! Uổng lắm !

Tôi cười :

- Thì mai mốt mình mua lại, lo gì !

Tự nhiên, nó nắm tay tôi, nói :

- Ngày mai anh qua ăn cơm với tôi và con Quỳnh cho vui !

Đang nói chuyện sách bỗng nhiên nóquẹo sang chuyện cơm khiến tôi giật nảy người. Có lẽ Trâm đã đoán ra lý do bán sách của tôi. Nghĩ vậy, tôi sượng sùng đáp :

- Để coi ! Nếu rảnh thì tôi qua !

Nói xong, tôi vội vàng lảng đi chỗ khác.

Trong vòng bốn ngày đầu tháng tư, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt liên tiếp lọt vào tay quân giải phóng. Sài Gòn lúc này chỉ còn biết ngồi chờ số phận của mình.

Một hôm, đang ngồi trong lớp, chúng tôi bỗng nghe tiếng "ầm ầm" vọng tới. Cả bọn dáo dác dòm ra cửa...

- Lựu đạn ! - Một đứa nói.

- Lựu đạn làm gì nổ lớn vậy ! Chắc là bom ! - Một đứa khác nhận định.

- Bom đâu mà bom !

- Bom mà ! Tao nghe có tiếng máy bay.

Cả bọn nhao nhao xúm vào tranh cãi.

Sau đó nghe đài, chúng tôi mới biết là Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập.

Kể từ hôm đó, trường tôi giống như cái chợ. Đứa nào muốn đến thì đến , không muốn thì ở nhà. Một vài giáo sư không còn thấy xuất hiện ở trường, chẳng biết đi đâu. Sinh viên dần dần bỏ lớp. Sự tan rã bắt đầu.

Tôi, Bảo và Kim Dung thuộc vào số sinh viên vẫn còn lui tới trường thường xuyên. Sự biến động trong thời gian gần đây tự nhiên gắn ba đứa tôi lại với nhau, mặc dù trước nay Kim Dung không ưa Bảo.

Ba đứa tôi đến trường chủ yếu là kéo nhau đi uống cà phê và ngồi tán dóc để giết thì giờ. Uống cà phê đã, chẳng biết làm gì, chúng tôi đạp xe chạy lang thang trên phố. Chạy mỏi cẳng, chúng tôi lại tấp vào quán cà phê. Rồi lại đạp xe đi. Trong một tâm trạng chờ đợi mơ hồ.