Chương 28


Ngày ra trường, tôi tình nguyện nhận nhiệm sở ở một tỉnh miền Tây xa lắc xa lơ. Tôi muốn đi thật xa thành phố, thật xa Quỳnh, xa hẳn những kỷ niệm của một thời yêu đương thơ mộng.
Khi nhận giấy bổ nhiệm, nghĩ đến câu nói trước đây của chị Kim "chừng naò ra trường em về quê chị dạy đi", tôi không khỏi thấy cay cay nơi mắt.

Thằng Bảo và Kim Dung cũng được phân về các tỉnh, đứa đi Long An, đứa lên Sông Bé.

Trước hôm chia tay, ba đứa tôi đi chơi với nhau suốt một ngày. Sau khi chạy lông nhông khắp thành phố, ba đứa lại chui vào quán nước quen thuộc trước cổng trường.

Ngồi uống cà phê mà đứa nào đứa nấy mặt mày buồn xo. Tôi "yếu đuối" đã đành. Kim Dung thường ngày phớt tỉnh là thế mà bữa nay mặt cũng như đưa đám. Ngày cuối cùng bên nhau, nó chẳng buồn che giấu tình cảm của mình.

Thằng Bảo tỉnh hơn một chút. Nó đề nghị :

- Bắt đầu từ năm tới, vào dịp nghỉ hè hằng năm, cứ đúng bốn giờ chiều ngày một tháng bảy, tụi mình đều gặp nhau ở quán cà phê này. Nếu chết thì thôi, còn sống thì thế nào cũng phải mò tới, tụi mày đồng ý không ?

Ý kiến của nó thì hấp dẫn nhưng coi bộ khó thực hiện quá. Tôi tặc lưỡi :

- Tao nghi quá.

- Nghi cái gì ?

- Có đứa quên !

- Dẹp mày đi ! Không có quên gì hết ! Phải ghi vào sổ tay !

Kim Dung nhún vai :

- Chết thì không chết, nhưng lỡ què giò thì sao ?

Tôi cười :

- Tôi sẽ đem xích-lô tới rước.

Bảo nói :

- Xích-lô của thằng Chương không chở được thì tôi đẩy xe lăn tới chở bà, lo gì !

Chúng tôi bốc phét một hồi, mặt mày tươi tỉnh được đôi chút.

Đúng lúc đó, thằng Bảo đột ngột đứng dậy nói :

- Thôi, đang hồi vui vẻ mình nên chia tay ! Nấn ná một lát nó buồn trở lại, tao đi hết nổi !

Nói xong, nó vội vã lên xe vọt thẳng như muốn chạy trốn chúng tôi.

Còn lại hai đứa, tôi đưa Kim Dung về.

Chúng tôi chạy xe song song bên nhau nhưng không ai nói gì. Tự nhiên tôi bỗng nhớ đến câu "Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy" trong một truyện ngắn của Sơn Nam và thấy lòng mình chùng xuống. Trong những ngày đau khổ vì Quỳnh, tôi đã tìm thấy ở Kim Dung một niềm an ủi, một chỗ dựa tình cảm đáng tin cậy. Với một người bạn chân thành như nó, tôi cảm thấy rất yên tâm, không sợ phải gặp những thay đổi tráo trở. Lâu nay, sự có mặt của Kim Dung trong cuộc đời tôi đã trở thành thân thiết tự nhiên, bây giờ sắp phải xa nó, tôi cảm thấy lòng mình trở nên trống vắng kỳ lạ.

Chúng tôi vẫn im lặng đi bên nhau, trầm ngâm, phiền muộn.

Mãi đến khi gần về tới nhà, Kim Dung mới nói :

- Mai mốt ông nhớ viết thư cho tôi nghen !

- Chưa biết Kim Dung dạy trường nào làm sao viết thư ?

- Ừa hén !

Tôi khịt mũi :

- Hay là Kim Dung viết thư cho tôi trước ?

- Tôi cũng đâu có biết ông dạy trường nào !

- Kim Dung cứ gởi về địa chỉ ở thành phố nhờ Lan Anh chuyển.

Nó liếc tôi :

- Lan Anh nào nữa đó ?

Tôi cười :

- Không phải đâu ! Lan Anh là em tôi, con bà dì.

- Còn chuyện của ông và Quỳnh tới đâu rồi ?

Kể từ khi biết chuyện tình cảm của tôi, đây là lần đầu tiên Kim Dung hỏi về Quỳnh. Trước nay, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn sự phớt lờ của nó. Bây giờ, trước lúc chia tay, có lẽ nó cùng muốn biết sơ qua tình hình yêu iếc của tôi.

Tôi buồn bã đáp :

- Thôi rồi !

- Ai thôi ai ?

- Quỳnh thôi tôi.

Tôi sợ Kim Dung sẽ hỏi tôi "tại sao", "vì đâu", tôi phải giải thích rắc rối, rầy rà. Nhưng Kim Dung chẳng hỏi. Nó chỉ tặc lưỡi, bình luận :

- Vậy cũng đáng !

Nghe cái giọng cà khịa của nó tuy đang rầu thúi ruột, tôi cũng phải phì cười. Lúc trước tôi mất xe, nó cũng bảo là đáng, bây giờ tôi mất người yêu, nó cũng giở giọng đó. Nó đúng là... Kim Dung !

Trước khi đi, tôi có qua chào gia đình bác Tám.

Mọi người tiếp đãi tôi rất tử tế. Có cả mấy đĩa bánh ngọt bày trên bàn. Nhưng quả thực tôi chẳng buồn ăn một chút gì. Trâm nài nỉ mấy lần, tôi mới cầm lấy một cái bánh.

Mẹ Quỳnh nói :

- Cháu đi nhớ biên thư về cho bác !

Nếu mối quan hệ vẫn như trước đây, lời dặn dò đó sẽ làm ấm lòng tôi biết bao nhiêu. Nhưng lúc này, tôi hiểu rằng đó chỉ là lời đưa đẫn ngọt lạt theo kiểu xã giao. Vì vậy, tôi chỉ dạ lí nhí trong miệng cho qua.

Tôi vẫn ngồi đúng chỗ tôi thường ngồi trước đây khi kèm mấy chị em Quỳnh học, cả chị Kim, Trâm, Quỳnh cũng vẫn ngồi quanh chiếc bàn với dáng ngồi quen thuộc nhưng không khí gần gũi, thân mật ngày nào đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho những mẩu chuyện gượng gạo và rời rạc.

Chỉ có Trâm và chị Kim trò chuyện với tôi. Quỳnh ngồi lặng lẽ bên cạnh, nét mặt không biểu lộ một cảm xúc gì rõ rệt. Đôi mắt Quỳnh vẫn có vẻ hồn nhiên trong sáng, đôi môi vẫn duyên dáng chết người, nhưng lúc này tôi chỉ đủ can đảm nhìn lướt qua và vẫn không thể nào tin được cái đôi mắt ngây thơ ấy lại che giấu đằng sau nó những tình cảm thất thường.

Lúc tôi về, Trâm theo tôi ra tận chỗ cửa lưới. Nó nói :

- Anh đi đường bình an nghen !

- Ừ. Cảm ơn Trâm.

Đột ngột Trâm nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào :

- Anh đừng buồn nữa ! Tôi đã cố hết sức để giúp anh nhưng không thay đổi được gì !

Lần đầu tiên tôi thấy Trâm khóc. Tôi cứ tưởng những giọt nước mắt hoàn toàn xa lạ với con người có tính cách cứng cỏi như Trâm. Nhưng bây giờ những giọt nước mắt kia đang lăn tròn trên má Trâm và rơi trên tay tôi nóng bỏng.

Tôi lặng người vì bất ngờ, vì xúc động và cả nỗi đau đang quằn quại trong ngực. Và tôi cũng buồn bã nhận ra tâm hồn của hai chị em Quỳnh rất khác xa nhau. Giá như tình cảm của Quỳnh cũng chân thật, hồn hậu được như Trâm thì đời tôi sẽ đỡ khổ biết bao !

Khi nỗi bồi hồi đã lắng xuống, tôi khẽ bảo Trâm:

- Trâm cứ yên tâm ! Tôi sẽ cố gắng vượt qua !

Nó siết chặt tay tôi :

- Chừng nào nghỉ hè anh nhớ về thăm tôi nghen !

Tôi gật đầu :

- Ừ, tôi sẽ về thăm Trâm.

Nó lại nói :

- Tính tôi bộp chộp, ưa nghịch phá, có gì anh đừng giận tôi nghen !

Tôi mỉm cười :

- Tôi có giận Trâm hồi nào đâu !

Nó cùng cười và lấy tay quệt nước mắt :

- Không giận thì thôi ! Mai mốt đi dạy xa có cần gì anh nhớ biên thư cho tôi !

- Có gì cần đâu mà cần !

- Thì anh cứ hứa đi !

- Hứa sao ?

- Hứa là nếu có cần thì anh biên thư cho tôi ! Tôi chỉ nói là "nếu" chứ bộ !

- Ừ, tôi hứa.

Hứa xong, tôi mới được Trâm cho về.

Về nhà, tôi mới biết là hồi chiều Trâm mua cho tôi một cây viết máy, một cây thuốc lá và một gói cà phê nhờ Lan Anh trao lại. Lan Anh cũng sắm cho tôi đủ thứ, nào là xà phòng, khăn mặt, bàn chải... Chắc nó lại lấy trong số tiền "mẹ cho, em để dành" của nó. Dì dượng tôi thì nhét trong túi xách của tôi một xấp tiền không biết bao nhiêu, chỉ thấy dày cộm.

Sáng hôm sau, tôi ra khỏi nhà từ lúc trời còn tờ mờ. Theo tôi ra bến xe là hình bóng của Quỳnh, chập chờn và ám ảnh.