Cỏ Dại
Tác Giả: Hồng Thủy


Ánh nắng chiều nhạt dần, chỉ còn để lại trên nền cỏ vài bóng lá rung rinh chập chờn theo làn gió. Dưới sông, con nước bắt đầu chảy mạnh. Bãi đất cạn lúc nãy lô nhô những cái đầu khét nắng, giờ đây chỉ còn mỗi đứa con gái độ chừng mười tuổi, tóc vừa chấm gáy, tay cắp cái rổ tre bước lom khom trong ánh chiều tà.

Bộ quần áo lếch thếch bẩn thỉu dính trên người như tương phản với gương mặt trong sáng ngây thơ của nó. Nó bước chậm rãi về phía chân cầu, đôi mắt tròn to ngước nhìn theo những làn khói lam nghĩ thầm, giờ này có lẽ ngoại đã nhúm lữa bắc nồi cơm lên bếp và ngồi bỏm bẻm nhai trầu chờ nó bên chiếc chõng tre. Chiều nay nó không buồn vì cái rổ nhẹ, trong đó chỉ lèo tèo vài ba con cá bống mà nó mủi lòng vì câu chuyện xảy ra ở lớp sáng nay. Trong trí nhớ nó như còn khắc sâu cái chau mày khó chịu và giọng nói bực bội của cô giáo:

- Hiền à, chắc cô đánh đòn em quá. Em coi kìa, cả lớp đều mặc đồng phục áo trắng để thứ hai chào cờ. Em không nghe, lần sao cô đuổi em ra khỏi lớp!

Con bé thu mình về chổ ngồi. Nó không biết giải thích thế nào để cô giáo hiểu tại sao áo nó không được trắng như áo mấy bạn kia. Từ đầu năm đến giờ nó vẫn mặc cái áo này và mỗi ngày nó đều mang ra bờ sông để giặt. Vậy mà cô giáo bảo là áo nó dơ! Nó cảm thấy xấu hổ và hoang mang vô cùng. Rồi đây nó còn đến lớp được không với cái áo đã ngả màu cháo lòng và những đôi mắt chế diễu của chúng bạn, bởi nó là con bé ở dơ.

Giờ ra chơi nó vẫn ngồi buồn xo. Ðám con trai con gái tụm năm tụm ba ngoài hành lang đùa giỡn, cười khúc khích với nhau rồi đồng thanh hét lớn:

Lêu lêu mắc cỡ
Có đứa ở dơ
Quê quá là quê!

Con Hiền cúi gầm mặt, nó muốn bịt hai tai lại nhưng sợ làm vậy tụi kia càng trêu già nên cứ trân mình ra hứng chịu. Tan học nó bước đi lủi thủi một mình, vì con Tím, đứa bạn thường ngày đi cùng đã nghễu nghện tấp sang xóm khác. Con Hiền thấy giận cô giáo, giận lũ bạn ôn dịch, và nhất là giận con Tím quá chừng!

Về tới nhà, nuốt xong chén cơm nguội, nó cởi áo mang ra bờ sông, lấy miếng xơ dừa chà tới chà lui. Nó có cảm giác như cái áo trắng ra được một chút nên càn chà kỹ hơn. Nhưng bỗng “xoạc!” Con Hiền điếng hồn khi miếng xơ dừa đã đẩy một đường rách toạc trên lưng áo. Nó ngẫn người ra trong nỗi thất vọng bàng hoàng. Và từ đôi mắt to đen tròn lóng lánh trào ra hai giọt nước! Con Hiền thầm nghĩ: “Cô ơi, cô không còn thực hiện lời nói sáng nay đâu. Cô sẽ không còn nhìn thấy cái áo đã ngả màu lạc lõng giữa lớp học đâu. Cô sẽ không bao giờ hiểu đó là cái áo duy nhất mà em có thể mặc đến trường.”

Cái rỗ trên tay con Hiền bỗng chao đi. Bàn chân trái của nó vừa dẫm phải vật gì đau buốt. Nó cắn răng cố lết tới chân cầu... Lúc con bé khập khiễng tới nhà thì mặt trời đã khuất hẳn sau rặng cây, rải rác đây đó vài ngôi nhà đã lên đèn.

Con Hiền khóc bệu bạo, giơ bàn chân bết máu cho ngoại thấy.

- Ngoại ơi con bị đạp miểng sành.

Hai cánh tay khòng khòeo của bà Hai đưa ra đỡ lấy nó. Giọng bà hốt hoảng:

- Trời đất, có sao không con?

Con Hiền rên rỉ:

- Ðau lắm ngoại ơi!

Bà Hai lọm khọm ôm cháu vào lòng, xót xa dỗ dành:

- Thôi nín đi con, vô đây ngoại rửa ráy đắp miếng thuốc xỉa lên là hết đau. Tội nghiệp cháu bà quá...

Mủi lòng, con bé khóc rấm rức.

Tối hôm đó trong giấc mơ chập chờn, nó thấy cô Tiên hiện ra cười thật hiền với nó. Cô Tiên hỏi nó thích điều gì nhất, nó vui sướng nói với cô Tiên rằng, nó thích một chiếc áo trắng mặc đi học, nó thích ngoại sống hoài với nó... Rồi bỗng nhiên cô Tiên biến thành cô giáo, con Hiền sợ hãi chạy đi vì không muốn cô giáo nhìn thấy cái áo rách của mình, nhưng chân nó đau buốt như có ai nắm chặt. Nó hét lên kinh hoàng...

- Hiền, Hiền à... sao mớ dữ vậy con?

Con bé sực tỉnh nhận ra bàn tay thô ráp của ngoại đang áp trên trán nó. Cổ họng khô đắng, nó thều thào:

- Ngoại ơi, con khát nước.

- Ừ, ừ để ngoại lấy cho.

Bà Hai vặn cao ngọn đèn trứng vịt rồi lò dò bước ra lu nước mưa múc một ca đầy. Con Hiền chỏi tay ngồi dậy bưng ca nước uống ừng ực một hơi.

Ðêm lặng lẽ trôi qua, cái chân hành đau không ngủ được, con Hiền mở mắt nhìn lên đỉnh mùng. Bên tai nó như còn âm vang giọng nói lạnh lùng của cô giáo. Nó có muốn làm cho cô giận đâu, chẳng qua ngoại nó nghèo quá, đồng tiền chắt mót được từ mấy bụi chuối, liếp rau còn chưa đủ để hai bà cháu sống qua ngày, làm sao tính đến chuyện mua sắm áo quần?

Quanh năm suốt tháng, ngoại chỉ có hai cái áo vá víu bằng những đường khâu vụng về. Hiền thương nhất những hôm hết tiền, ngoại phải nhịn ăn trầu. Lúc ấy môi ngoại tái bệch, ngoại lẩn quẩn đi ra đi vào trông thật tội.

Mấy năm trước ngoại còn khỏe, thì đời sống có khá hơn. Ở xóm, ai thuê gì ngoại làm nấy, hôm thì làm cỏ cắt lúa, hôm thì bửa củi tưới cây... Ngoại làm lụng cần cù siêng năng nên ai cũng thương, hay cho đồ ăn để ngoại đem về. Trong cái khăn rằn cột túm của ngoại thường là nải chuối, gói xôi, vài củ khoai luộc... ngoại để dành cho Hiền và âu yếm ngồi nhìn nó ăn một cách ngon lành.

Chừng vài năm trở lại đây, ngoại đã yếu đi nhiều. Những hôm trời trở lạnh ngoại thường ho khù khụ và thường hay đau nhức khớp xương. Ðêm nào hai bà cháu lên giường ngủ, Hiền cũng đấm bóp lưng cho bà. Bù lại, ngoại thường kể cho Hiền nghe nhiều chuyện cổ tích hết sức thú vị. Giọng kể khàn khàn trầm bổng của ngoại như ru nó vào thế giới thần tiên. Ở đó có nàng công chúa xinh đẹp tuyệt vời, có chàng hoàng tử uy nguy trên lưng ngựa... Nó thường hay mơ mộng vẩn vơ và bất chợt một hôm trên đường đến lớp – hôm ấy là ngày đầu tiên nó vào lớp Một – Nó níu chặt tay ngoại ngây thơ hỏi:

- Ngoại ơi! Làm sao mà có con vậy?

Bà Hai tức cười tát nhẹ lên má nó, mắng yêu:

- Mồ tổ mày! Hồi đó ngoại xay bột làm bánh ít, làm xong còn dư cục bột bự tổ, ngoại nặn ra mày đó.

Con bé lại hỏi tiếp:

- Kỳ vậy ngoại, sao con không có má?

Bà Hai trả lời lấp lửng:

- Thì có ngoại nè, ngoại thương mày đủ rồi.

Con bé lắc đầu phụng phịu:

- Hổng chịu đâu, con thích có má hà. Thằng Lu, con Chi đứa nào cũng có má, có ba... Tụi nó ghẹo con hoài, nói là con ở lỗ nẻ chui lên.

Bà Hai lận cục thuốc xỉa trong miệng chửi đổng:

- Ba cái đứa chết dầm! Ðể lát chiều ngoại qua nhà mắng vốn cho tụi nó bị đòn thất kinh luôn.

Con Hiền vẫn thắc mắc:

- Nhưng mà... con Chi nói, hồi nhỏ xíu nó ở trong bụng má nó, em bé của nó cũng vậy. Thì sao con hổng có má như nó chứ?

Bà Hai nạt nhỏ:

- Ðừng hỏi bắt quàng, con mắt để trêu trời coi chừng vấp ngã bây giờ.

Con Hiền buông tay ngoại bước lấp xấp trên đường đất gồ ghề. Buổi sáng chớm thu, trời se se lạnh, nó xúng xính trong bộ đồ vải bông, tay ôm khư quyển vở mới và cây bút chì. Cái nôn nao hồi hộp của ngày đầu tiên đến trường đã làm nó quên bẵng câu trả lời vòng vo của ngoại. Con bé tự an ủi mình, mấy đứa kia có má thì nó có ngoại, nếu đem ra so thì nó cũng chẳng thiệt thòi! Nhưng càng lớn lên nó cũng hiểu thêm nhiều điều. Bài giảng của cô giáo về công cha nghĩa mẹ, về lòng hiếu thảo... Những câu chuyện cổ tích bắt đầu với những từ ngày xửa, ngày xưa... Ngày xửa, ngày xưa có một bà hoàng hậu sinh được một cô con gái... Ngày xửa, ngày xưa có một bác tiều phu sinh được cậu bé trai kháu khỉnh... Không hề có một đứa con nít nào được nặng ra từ cục bột như nó!

Con Hiền bắt đầu hoài nghi câu trả lời của ngoại. Có lần nhìn thấy thằng Tứ lấy đất sét vo thành những viên bi tròn để bắn chim, con Hiền cắc cớ hỏi:

- Có phải hồi đó má mày lấy đất sét nặng ra mày không?

Thằng Tứ trợn mắt:

- Bộ mày khùng hả? Má tao có bầu rồi đẻ ra tao đàng hoàng, có đâu như mày...
Con Hiền vẫn khăng khăn:

- Mày xạo, mày là cục đất sét nên bây giờ đen thủi đen thui.

Thằng Tứ nheo nheo mắt:

- Ðen kệ tao. Còn mày giống y chang cục bột.

Con Hiền thừ người ra trước câu ví von của thằng Tứ - Cục bột! Nó là cục bột? Chẳng lẽ thằng Tứ biết điều này? Ðứng bần thần một lúc rồi nó lẳng lặng bỏ đi.

Ngỡ con Hiền giận mình, thằng Tứ vội chạy theo hỏi:

- Mày giận tao hả nhỏ?

Con Hiền vẫn im lặng, hai mắt nó bắt đầu ươn ướt. Thằng Tứ lẽo đẽo theo sau, lúng lúng biện bạch:

- Mày nói tao là cục đất sét, tao đâu có giận. Tao khen mày trắng như bột sao mày giận tao? Lát nữa tao nặn cho mày con trâu cày nghen.

Không nghe con Hiền mở miệng, thằng Tứ dí cục đất sét vào mũi nó.

- Hay mày không thích con trâu thì tao nặn con gà trống cho mày?

Con Hiền chớp mắt lầu bầu:

- Mày nói tao giống cục bột nữa thì tao nghỉ chơi luôn. Ngoại tao cũng nói như mày.

Thằng Tứ toét miệng cười hề hề:

- Ngoại mày nói sao?

- Ngoại tao nói tao không có má vì hồi đó ngoại tao lấy bột nặn ra tao.

Thằng Tứ trề môi:

- Vậy rồi mày cũng tin?

Con Hiền không đáp mà hỏi lại:

- Theo mày thì chắc chắn là tao có má chứ?

Thằng Tứ gật gù ra vẻ hiểu đời.

- Tao nghi mày bị mồ côi quá.

Con Hiền ngớ ra:

- Mồ côi... là cái gì?

- Là ba má mày chết, bỏ mày lại cho bà ngoại. Nếu không sao má mày không nuôi mày chớ? Như má tao nè, má con Chi, má thằng Hiếu...

Mắt con Hiền long lanh:

- Mày không xí gạt tao chớ?

- Ai cũng nói hà rầm, đâu phải mình tao.

Con Hiền không cảm thấy buồn khi thằng Tứ gọi nó là đứa mồ côi. Trái lại, từ hôm đó nó yên tâm khi biết chắc rằng nó không phải là cục bột làm bánh còn dư mà bà ngoại cắc cớ nặn ra nó! Vậy thì nó khác gì những đứa kia đâu?

Năm nay con Hiền lên lớp Ba. Hồi đầu năm ngoại đã dành dụm được một ít tiền định mua cho nó cái áo mới. Nhưng rồi thật xui xẻo, ngoại ra ruộng câu cá bị trượt ngã. May nhờ tụi nhỏ đi bắt dế thấy bà Hai nằm ngoài bờ mẫu đã đưa về dùm. Cứ tưởng xoa dầu vài hôm chân của ngoại sẽ khỏi, không ngờ nó càng sưng to. Hiền sợ quá chạy qua kêu ông thầy bó thuốc. Vậy là chẳng có áo mới, mà còn mắc nợ mấy ngàn đồng.

Con Hiền đành mặc lại áo cũ xếp cất suốt ba tháng hè. Cái áo đã ố vàng lỗ chỗ và không chịu được nổi sự khắc nghiệt của thời gian nên đã rách. Ngoại vẫn thường nói: “Ðói cho sạch, rách cho thơm.” Giá như cô giáo hiểu được hoàn cảnh nhà nó, chắc cô sẽ không nỡ quở trách nó như vậy. Con Hiền thở dài, từ nay nó chẳng còn được đặt chân đến lớp nữa, nó không muốn nghe lại những lời chế giễu của bạn bè, không muốn nhìn thấy ánh mắt nghiêm khắc của cô giáo khi chỉ trích nó. Dù nhà nghèo, nhưng ngoại vẫn cố gắng cho Hiền đi học vì ngoại thấy nó ham học và học giỏi. Nếu biết Hiền nghỉ học vì cái áo rách, chắc ngoại sẽ buồn lắm. con Hiền chợt thấy lo. Không biết sẽ nói sao với ngoại đây?