Tìm Hài Cốt Liệt Sĩ, Hành Trình Đầy Bí Ẩn
Giáo sư Trần Phương kể.


Tôi có cô em gái, kém tôi hai tuổi (sanh năm 1929), tên là Vũ thị Kính, thuở nhỏ gọi tránh là Cánh. Từ hồi kháng chiến chống Pháp được biết đến cái bí danh Trần thị Khang. Cô tham gia Cách Mạng lúc 16 tuổi, tỏ ra là một giao liên gan dạ, một cán bộ phụ vận có uy tín. Năm 1950 cô là Huyện Ủy viên của Ðảng bộ Phù Cừ (ÐCSVN), Bí thư Phụ Nữ Cứu Quốc Huyện, người tổ chức chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân trong huyện. Tháng 6 năm đó, địch bắt được cô từ hầm bí mật, đưa về bót La Tiến (bót đóng ngay trên bến đò La Tiến), là một bót khét tiếng tàn ác, một đồn binh lớn án ngữ phía nam tỉnh Hưng Yên, phía bắc tỉnh Thái Bình và phía tây tỉnh Hải Dương. Chúng biết cô là ai, vì vậy đã dùng mọi cực hình tra tấn, hòng buộc cô khai báo và đầu hàng. Trước khí tiết không lay chuyển của cô, chúng đã giết chết cô và vất xác cô xuống sông Luộc. Sau ngày cô hy sinh, đội nữ du kích Hoàng Ngân của huyện đã phát động: "Tuần lễ giết giặc, trả thù cho chị Khang". Chánh phủ đã truy tặng cô Huân Chương Kháng Chiến hạng nhì.

Huyện Ủy và đội du kích Hoàng Ngân đã tổ chức đi tìm xác cô, nhưng không thấy. Ðây là nỗi ray rứt xót xa của gia đình tôi suốt mấy chục năm, mặc dù vẫn biết rằng người chết thì mọi nỗi đau cũng chấm dứt. Mẹ tôi hồi còn sống, thỉnh thoảng lại hỏi tôi: "có tìm thấy xác em không? Tôi đành tìm lời an ủi: "Bao giờ chiến tranh hết, con sẽ tổ chức việc tìm kiếm, chắc là được mẹ ạ! Nói thế mà lòng tôi muốn khóc, vì biết mình bất lực trước nỗi đau của mẹ. Cả một dòng sông Luộc mênh mông như thế trôi ra biển cả, biết tìm kiếm nơi đâu?

Mươi năm lại đây, nghe tin nhiều người tìm được hài cốt người thân, bằng gọi hồn, bằng ngoại cảm, bằng thấu thị. Tóm lại là bằng những phương pháp được xem là thần bí, chưa ai lý giải được. Tôi vốn được đào tạo theo tinh thần khoa học thực nghiệm, cái gì chứng minh được mới tin là có, cái gì chưa chứng minh được thì dứt khoát không tin. Trong đời, tôi chưa bao giờ tin có linh hồn, thần, thánh, ma, quỷ. Ngay những ngày giỗ bố mẹ, tôi cũng không làm cơm cúng, không thắp hương, chỉ sửa một lọ hoa tươi để tự mình tưởng nhớ. Vậy mà khi nghe những tin trên, trong lòng tôi hé lên một niềm hy vọng mong manh: Biết đâu đấy? Nếu bằng phương pháp thần bí mà tìm được hài cốt em tôi thì có gì phải câu nệ, miễn là có cái gì đó để nhận biết hài cốt ấy đúng là của em tôi. Và điều này mới chính là điều khó nhất. Sau hơn năm chục năm trôi dạt, hài cốt có còn gì không để nhận ra em tôi? Nếu còn thì may ra là còn được hàm răng không nhuộm đen. Nhưng thời đó, thiếu gì con gái không nhuộm răng đen? Ðã có lần bạn bè mách bảo tôi một bộ hài cốt vô thừa nhận mà đặc biệt là hàm răng không nhuộm đen. Lúc đó, chính tôi đã phân vân: nhận một hài cốt mà trong lòng nghi hoặc mỗi khi tưởng niệm thì có ý nghĩa gì? Còn khám nghiệm DNA? Ðó là chuyện xa vời. Trong tình cảnh bất lực của chính mình và của khoa học thực nghiệm thì bất cứ phương pháp nào giải tỏa được nỗi ray rứt trong tôi và gia đình tôi đều phải được xem trọng. Nghĩ thế tôi bèn tìm cách tiếp cận các nhà ngoại cảm có tiếng tăm. Một số thông tin báo rằng hài cốt vẫn còn, nhưng chưa có ai chỉ rõ được nơi chôn cất.

Giữa lúc ấy thì tôi gặp chị Tuyết Nga là người đã nhờ ông Liên tìm được mộ bà mẹ bị giặc sát hại từ những năm 60. Chị khuyên tôi nên tìm đến bạn chị là anh Nguyễn văn Nhã, một người nổi tiếng ở miền Nam, vì đã tìm thấy nhiều mộ liệt sĩ. Chị gọi điện cho anh Nhã, và ngay chiều hôm đó anh bay ra Hà Nội.

Sớm ngày hôm sau, ngày 25-7-1999, tôi gặp anh Nhã, anh chưa đến 50 tuổi, là một kỹ sư Hóa, Ðảng viên, nhiều năm làm công tác ở Đoàn Thanh Niên Cộngsản thành phố Hồ Chí Minh. Theo anh nói thì anh mới có khả năng đặc biệt này từ trước Tết và không được ai huấn luyện cả. Anh đã vẽ hơn sáu trăm ngôi mộ, tỷ lệ trúng đạt sáu chục phần trăm. Có những trường hợp trúng đến mức chính anh cũng phải kinh ngạc. Thông tin đến với anh như thế nào thì anh vẽ như thế ấy. Còn thông tin từ đâu đến, trúng hay trật, đối với chính anh cũng là điều bí ẩn.

Trong căn phòng làm việc của tôi, không có hương khói gì cả, anh hỏi tôi và vợ tôi mấy thông tin đơn giản: Cô em tên là gì? Sinh năm nào? Hy sinh ngày tháng nào? Ở đâu? Người đi tìm tên là gì? Anh lại hỏi bến đò La Tiến thuộc xã nào? Huyện Phù Cứ thuộc tỉnh nào? Bến đò ấy có cây cầu không? (chứng tỏ anh không biết gì về vùng đất đó cả). Rồi anh lấy một tờ giấy to và mấy cây bút màu ra vẽ bản đồ, vẽ một cách thư thả, lưu loát, không gạch xóa gì cả. Mọi việc chỉ diễn ra trong vòng mười phút.

Nhìn vào bản đồ, tôi thấy anh vẽ con sông uốn lượn đường to đường nhỏ giao nhau, rồi ghi: từ bến đò La Tiến đi về hướng Ðông Nam thấy một trường học, đi chừng 1 km 6 thì đến một ngã tư, phía trái ngã tư thấy một quán tạp hóa có cửa màu xanh dương, lúc đó rẽ tay phải, thấy một cái đình, đi chừng một km thì rẽ trái vào một con đường nhỏ, đi chừng 60 mét thì rẽ phải, đi chừng 45 mét nữa thì đến mộ. Mộ nằm trên đất cô Nhường 47 tuổi đối diện với mộ về hướng Tây là quán ông An 56 tuổi. Mộ chôn về hướng Tây, cách một gốc cây độ 4 mét, trên mộ có một khúc cây dài 4 tấc, một cục gạch vỡ màu nâu đỏ và năm cây cỏ dại có hoa màu tím nhạt.

Rồi anh hỏi tôi: Bao giờ thì đi tìm mộ? Tôi trả lời: Ðể chuẩn bị thì cũng phải 2 tuần nữa. Anh nói chậm quá, nên đi sớm. Tôi quyết định: 3 ngày nữa thì đi. Anh nói: Tôi phải cho anh một tín hiệu để dễ tìm. Hai con bướm nhé? Tôi nói: Hai con bướm thì sợ khó tìm. Anh ngẫm nghĩ mấy giây rồi nói: Vậy thì một bé gái nhé? Rồi anh ghi tiếp vào tấm bản đồ 13h30 ngày thứ tư 28 tháng 7 sẽ có một bé gái chừng 11 tuổi, mặt áo hoa xanh đến gần mộ (Tôi thật không hiểu anh làm cách nào mà điều được cho tôi một cô bé đến vào ngày đó, giờ đó) rồi anh dặn: Nếu anh đến sớm thì năm cây cỏ dại có 10 bông hoa tím, nếu anh đến muộn thì chỉ còn 5 bông.

Ngạc nhiên quá tôi hỏi anh: Anh không biết gì về vùng đất đó cả, vậy dựa vào cái gì mà anh vẽ ra tấm bản đồ chi tiết như vậy?
Anh nói: Tôi thấy trong đầu tôi hiện ra như thế nào thì tôi vẽ như thế nấy tôi cũng chẳng hiểu nữa.

Tôi lại hỏi: Còn những tên người kia? Tại sao gọi là đất cô Nhường, là quán ông An?

Anh nói: Tôi thấy trong tai tôi như có âm thanh ấy có thể là Nhương, Nhường, Nhượng gì đó, cũng có thể là 47 tuổi hay 87 tuổi. Còn An thì cũng có thể là Am. Anh còn dặn thêm: Có thể phải xem cái bản đồ này từ âm bản. Lời dặn này, lúc ấy tôi không để ý lắm.

Vẽ bản đồ trao đổi trong vòng nửa tiếng xong, anh Nhã chia tay tôi, để vội vã bay về thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh đang phải điều hành một công ty tư vấn.

Về phần tôi, tin hay không tin thì vẫn phải làm theo chỉ dẫn của anh. Còn có cách nào khác đâu?

Tìm mộ ngày thứ nhất.

Ðúng hẹn ngày 28 tháng 7 cả gia đình tôi phóng về bến đò La Tiến, cách Hà Nội chừng 100 km. Chúng tôi chia nhau làm nhiều ngả, đối chiếu vối bản đồ mà tìm. Tất cả các ngả đều không tìm được những dấu hiệu khớp với bản đồ, trừ một ngả hướng thẳng vào giữa làng La Tiến, hướng này do anh Ðạt, một cán bộ về hưu có cái quán giải khát ở bến đò, chỉ dẫn. Khi xem bản đồ, cụ Yến, cũng đang ngồi ở quán giải khát nói: Cái bản đồ này vẽ theo đường ngày xưa, ang áng như bây giờ thôi, có mấy đoạn đã được nắn lại. Tuy nhiên, đường từ bến đò đến nơi ghi là phần mộ lại rất ngắn, chỉ bằng một phần ba cự ly ghi trong bản đồ. Tôi dùng điện thoại di động hỏi anh Nhã, anh trả lời: Miễn là tìm thấy các dấu hiệu đã ghi, nhất là 4 dấu hiệu nơi phần mộ, còn cự ly thì có thể là do anh ước lượng không chính xác.

Lần theo hướng ghi trên bản đồ và các dấu hiệu trên đường (trường học, đình, quán tạp hóa có cửa màu xanh nước biển, đến ngã tư rẽ phải, rồi rẽ trái, rồi lại rẽ phải, tất cả đều đúng) chúng tôi đến đất nhà anh Ðiển, một nông dân kiêm thợ nề trên 60 tuổi. Cả hai vợ chồng đều gầy gò ốm yếu nhưng tốt bụng. Ông bà sẵn sàng cho chúng tôi tìm bới hài cốt liệt sĩ, mặc dù không tin rằng đất trong đê lại có thể có hài cốt liệt sĩ. Ông bà Ðiển cũng như nhiều người khác đều chỉ chúng tôi ra dải đất bãi phía ngoài đê, cạnh Vụng Quạ (gọi thế là vì có nhiều quạ bay tới Vụng để ăn xác chết bị cuốn vào Vụng) mà từ nhà ông Ðiển nhìn ra thì về hướng Ðông, chưa đến nửa cây số; cạnh Vụng Quạ vẫn còn ba cái mộ vô thừa nhận. Chúng tôi đến đó xem xét rất kỹ, nhưng không thấy một dấu hiệu nào như anh Nhã đã cho, đành quay về nhà ông Ðiển, theo đúng bản đồ.

Giữa mảnh đất rộng chừng hai sào có một ngôi nhà gạch hướng Ðông Nam, trước nhà là sân gạch tường hoa, một dải vườn đẹp lơ thơ mấy vạt dây lang rồi đến một cái ao to, tiếp đó là đường làng, một cái đầm sen mênh mông, rồi đến con đê sông Luộc chạy dài từ tây sang đông. Sau nhà là một vườn chuối được dọn sạch sẽ, không một ngọn cỏ. Ðầu hồi phía đông là đường vào ngôi nhà. Vậy chỉ còn tìm kiếm ở đầu hồi phía tây. Vườn ở phía này rộng, trồng táo và mít um tùm, dưới gốc đầy cỏ dại, toàn một loại có hoa bằng hạt thóc, màu tím nhạt. Tìm một ngàn cây thì được, chứ tìm 5 cây thì biết chọn cây nào? Còn cành cây khô và và mảnh gạch vỡ thì bừa bãi, đâu cũng có. Sục tìm một hồi lâu, chúng tôi đành thất vọng quay ra.
Ðứng trước cửa nhà, nhìn về chân đê sông Luộc, chệch về phía tây, là ngôi nhà của anh An, 45 tuồi. Nhà xây bằng gạch để ở, chứ không bày biện như một quán hàng. Anh cho biết vợ anh có một gian quán bán lòng lợn ở chợ La Tiến, hàng ngày gánh hàng đến đó, nhưng có ai cần mua tại nhà thì vẫn dành lại để bán. Như vậy thì nhà anh có đáng gọi là một quán hàng không? Tôi phân vân nhưng cứ tạm cho là được đi.

Còn đất bà Nhường? Cả làng không có ai tên là Nhường hay Nhượng. Chỉ có một bà tên là Nhương, khoảng 70 tuổi. Bà này thì tôi biết vì cùng hoạt động với em gái tôi. Chính bà mấy năm trước, thông qua bà Tiến, đã nhắn tôi về nhận một bộ hài cốt vô thừa nhận mà căn cứ vào hàm răng trắng, bà cho là hài cốt của cô Khang.

Dấu hiệu dẫn đến ngôi mộ thì có đủ, nhưng dấu hiệu của chính ngôi mộ thì không thấy. Tôi đành chờ đến 13h30. Vào giờ này, giữa trưa hè oi ả, giữa cái làng hẻo lánh giáp đê sông Luộc này thì kiếm đâu ra một bé gái mặt áo hoa xanh? Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chia nhau đón các ngả đường dẫn đến nhà ông Ðiển. Ðường sá vắng tanh. Cả vùng như ngừng thở với ánh nắng chói chang.

Quá 10 phút rồi 15 phút. Bỗng một tốp thiếu niên ồn ào đạp xe từ cuối làng tới. Nhưng tất cả đều là con trai. Mấy phút sau, có một tốp con gái cũng từ cuối làng đi bộ tới. Chúng tôi giữ các em lại hỏi thăm. Các em chỉ nhà bà Nhương ở gần ngã tư, sau cái đình. 3 em xăng xái dẫn chú em tôi tới đó, còn một em không muốn mà đứng lại. Em mặc áo màu xanh lá cây, có hai bông hoa to in trước ngực em khai tuổi 15, nhưng vóc người thì nhỏ hơn tuổi. Hỏi về những ngôi mộ vô thừa nhận, em chỉ mấy ngôi ở vườn chùa ngay cạnh đó đây là mộ của những người chết đói năm 45. Em lại chỉ 3 ngôi mộ ở phía ngoài đê, cạnh Vụng Quạ, chúng tôi đã đến đó vào sáng nay. Em đứng lại với chúng tôi chừng nửa tiếng bên bờ cái ao to trước nhà ông Ðiển mà không có mục đích gì cả, phải chăng đó là tín hiệu mà ông Nhã điều cho tôi? Nhưng khai thác được gì ở em thì không được gì cả.

Xế chiều gần như mất phương hướng, tôi lại gọi điện cho anh Nhã. Anh hỏi: Có thấy cái lạch nước không? Có thấy cái cống không? (dường như từ Sài Gòn, anh nhìn thấy những cái đó!) rồi anh bảo tôi đi tìm ngôi nhà mà 4 mặt đều sơn màu trắng lốp, trước nhà đầy hoa đỏ.

Cái cống lớn xây bằng gạch cạnh đất chùa, kế nhà ông Ðiển, thì chính tôi đã ngồi trên đó để hỏi chuyện bé gái. Còn cái lạch nước, hỏi ông Ðiển hồi lâu mới biết: Ba chục năm trước đây, chính cái đầm sen là một vùng ruộng trũng ở giữa có một con đường bờ vùng chạy song song với một con lạch, dẫn nước qua cống của chùa vào vùng ruộng mạ mà nay là đất ở của ông và mấy nhà xung quanh. Cuối những năm 60, để lấy đất bồi đắp con đê sông Luộc, người ta đã biến vùng ruộng trũng thành cái đầm sen bây giờ, nó chạy dài gần một cây số ven đê và ruộng vài trăm mét. Con đường và cái lạch nước cũng biến mất trong lòng cái đầm sen ấy.

Chúng tôi ngó nghiêng khắp làng để tìm ngôi nhà mà 4 mặt đều sơn màu trắng lốp. Chẳng có cái nào cả, mọi nhà đều quét vôi vàng hoặc xám. Bỗng anh Tân Cương (một cọng sự của tôi đã từng nhiều lần đi tìm mộ) chỉ vào cái quán bên đường: Hay là cái này? Ðó là cái quán nước mà chúng tôi vẫn qua lại từ sáng đến giờ. Quán nhỏ và thấp lè tè, xây bằng gạch, đủ kê một cái giường và một cái chõng bày bán mấy gói kẹo và mấy chai nước ngọt. Quán mới xây, cả bốn mặt điều quét vôi trắng xóa. Một cái quán nhỏ cũng có thể xem là một cái nhà được chứ? Tạm cho là như vậy. Nhưng còn hoa đỏ? Tìm tòi hồi lâu, anh Tân Cương chỉ cho tôi cái đầm sen trước mặt. Giữa mùa hè, đầm sen là cả một biển hoa đỏ có thể là như vậy chăng?

Chủ quán là một bà lão hom hem. Nhà cụ giáp nhà ông Ðiển về phía tây, Cụ xây cái quán ngay cạnh đường làng, lối đi vào nhà cụ mà cũng là cái bờ ao nhà ông Ðiển. Hỏi tên tuổi thì cụ cho biết tên là Mân đó là tên chồng, còn tên thật của cụ là Nguyễn Thị Nhờ, năm nay 81 tuồi.

Sục sạo đến tối mịt, chúng tôi đành quay về Hà Nội. Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo tìm được cái quán trắng làm mốc là tốt rồi. Cự ly so với bến đò có gần hơn, không sao. Có trường học, có ngã tư, có quán màu xanh dương, có cái đình rồi. Có cái cống không? (tôi báo cáo cho anh biết kết quả điều tra được).

Anh động viên: Nên tìm kiếm liên tục. Hôm nay chưa thấy thì ngày mai lại đi. Chỉnh mộ là một quá trình vất vả lắm đấy, không thể một lần mà trúng ngay được. Rồi anh chỉ dẫn cho tôi ngày mai làm gì:

- Tám giờ sáng phải có mặt ở cái quán trắng. Tôi hoặc con tôi (phải là người ruột thịt của cô Khang) thắp 20 nén hương ở lối đi bên cạnh. Khoảng 8 giờ rưỡi, có một con chó vàng nâu đến cách đó chừng 10 mét, nó nhìn mình xem mình có đi theo nó không, hãy đi theo nó, giữ một khoảng cách. Nó sẽ đi hơn 100m, rồi dừng lại, ngửi và bới. Nhớ lấy chỗ đó, rồi quan sát, tìm những dấu hiệu phần mộ như đã ghi trên bản đồ. Nếu tín hiệu trên không xuất hiện thì chờ đến 8giờ30 - 9giờ tìm kiếm quanh vùng sẽ thấy một con chó vàng nằm một chỗ như ốm. Ðánh dấu lấy chỗ đó mà đào. Ðào thấy thì con chó sẽ hết ốm. Khi nào thấy tín hiệu thì gọi điện lại để anh chỉ dẫn tiếp.

Tìm mộ ngày thứ hai.

Chúng tôi lại đến làng La Tiến, làm đúng những việc mà anh Nhã dặn. Chúng tôi chia nhau đi các ngả để xem có con chó vàng nâu nào tiến về phía quán trắng không. Quá 8giờ30 mà không thấy tín hiệu thứ nhất xuất hiện, chúng tôi bèn chia nhau đến các nhà quanh vùng. Nhà nào cũng nuôi chó vàng, thấy người lạ vào là chúng nhảy ra sủa inh ỏi, không có con nào nằm một chỗ như ốm. Cô em tôi mấy lần vào ra nhà cụ Nhờ, ngó nghiêng mọi xó xỉnh cuối cùng, cô phát hiện thấy phía sâu bên trong gian nhà phụ, dưới gậm giường, có một con chó vàng nằm ệp. Chúng tôi lần lượt vào ngó, nhưng nó vẫn nằm im, chỉ ngước nhìn mà không sủa. Hỏi chủ nhà thì biết nó chửa, chê cơm mấy hôm nay. Tôi liền điện cho anh Nhã. Anh bảo: Tìm kiếm trong vòng bán kính 10 mét xem có những dấu hiệu phần mộ không.

Từ chỗ con chó nằm, tôi vạch một vòng tròn có bán kính 10 mét. Hầu hết vòng tròn bao lấy nhà và sân gạch của cụ Nhờ, chỉ một mẩu nhỏ lấn sang dải vườn hẹp trước tường hoa nhà ông Ðiển. Dải vườn này, hôm trước chúng tôi đã đi qua mà không thèm để ý đến mấy vạt rau lang. Hôm nay tập trung vào một diện tích hẹp, anh Tân Cương là người đầu tiên phát hiện ra một gốc cây đổ vùi lấp dưới lớp dây lang, gốc cây to bằng bắp chân, dài hơn gang tay, nằm sát đất, trên thân cây lơ thơ mấy cái chồi cằn cỗi. Ông Ðiển cho biết đó là cây nhót mà ông đã chặt đi năm ngoái, nhưng chưa kịp đánh gốc. Cách gốc cây nhót về hướng đông chừng hai mét, chúng tôi thấy ngay nửa viên gạch vỡ màu nâu đỏ nằm cạnh một cành cây khô to bằng cổ tay, dài nửa mét. Nhìn tiếp về hướng Ðông chừng 3 mét nữa, dưới tán cây cam thấp lùn, chúng tôi reo lên khi thấy cả một dảy cây hoa màu tím nhạt vượt lên đám rau lang, đếm được đúng 5 gốc mỗi gốc mang hai bông hoa to và dài bằng ngón tay. Cây hoa mọc theo một đường thẳng dài 3 mét từ tường hoa ra phía bờ ao. Ông Ðiển cho biết mấy năm trước ông trồng làm cảnh, sau chán, vất ra vườn.

Sau khi soát xét lại kỹ càng, tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo: Từ gốc cây đổ đến dãy hoa tím, vẽ thành hình tam giác, rồi đứng vào giữa, đánh dấu lại. Lấy một chiếc đũa cắm vào chỗ đó, rồi tự tay tôi (phải là người ruột thịt) đặt một quả trứng lên đỉnh chiếc đũa, nếu quả trứng nằm im là đúng. Nếu quả trứng không nằm im thì cắm chiếc đũa lùi ra nửa mét.

Bà Ðiển vội vã rút từ ống đũa cho tôi một chiếc, rồi chạy vào ổ gà lấy quả trứng mới đẻ. Nhìn chiếc đũa tre còn mới, tôi thầm nghĩ: Nghèo quá, đến chiếc đũa tre cũng khẳng khiu! Với chiếc đũa này, lão Nhã đánh đố mình dây. Rồi tôi suy luận: Chẳng lẽ xác cô em mình lại có sức hút mạnh hơn trọng lực trái đất ư? Vấn đề chỉ là ở chỗ ngắm cho thật cân, và không được xúc động!

Tôi loay hoay mãi với quả trứng. Ngắm nghía thật lâu rồi mới đặt xuống nhiều lần như vậy. Ðặt nằm rồi lại đặt đứng. Nó vẫn lăn bo lo xuống đất. Người tôi vã mồ hôi. Mấy chục người xung quanh dán mắt vào quả trứng như nín thở, tôi nghĩ chỉ tại cái đũa chết tiệt! Tiết diện nhỏ quá mà lại không phẳng tài gì mà đặt được quả trứng cho cân!

Tôi bèn lùi lại nửa mét, mặt vẫn hướng vào tường hoa. Cấm chiếc đũa thật thẳng rồi nhẹ nhàng đặt quả trứng xuống như mọi lần. Kỳ lạ quá, nó nằm im trên đầu đũa, tựa như có chất keo gắn vào đầu đũa. Tôi không tin có sự can thiệp của cô em tôi (vì làm gì có linh hồn mà can thiệp? Mà nếu có thì linh hồn đâu phải là một lực tác động vật chất?) nhưng vẫn thở phào nhẹ nhõm vì nếu không qua được thử thách này thì không thể đi tiếp bước sau.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo: Lấy quả trứng làm tâm, vẽ một hình chữ nhật dài 2 mét, rộng 1 mét 2 rồi đào sâu xuống 1 mét 5 cho đến lớp cát đen. Hài cốt không nằm sâu hơn lớp cát đen đó.

Lúc ấy đã gần trưa. Chúng tôi tạm nghỉ, ra bến đò La Tiến ăn cơm hàng. Trời đang nắng gắt bỗng ập xuống một cơn mưa như trút nước kèm theo gió to kéo dài gần một tiếng. Chúng tôi bảo nhau phen này thì đền quả trứng của bà Ðiển thì cái chắc. Khi quay về thì lạ quá, quả trứng vẫn yên vị trên đầu chiếc đũa chẳng lẽ khi mưa, bao giờ cũng có hai giọt nước rơi cân bằng xuống hai đầu quả trứng? Còn gió to nữa, chẳng lẽ nó không tác động gì đến quả trừng?

Ðể chuẩn bị cho thợ đào đất, tôi gỡ quả trứng ra khỏi chiếc đũa hai tay tôi cảm nhận thấy một sức hút nhẹ. Phải chăng nước mưa đã làm giãn hở vỏ trứng và chiếc đũa tre, khiến cho quả trứng gắn chặt vào đầu đũa?

Hai tốp thợ thay nhau đào. Sâu 1,2 mét thì hết lớp đất màu nâu là lớp vượt thổ , đến lớp bùn đen pha cát, vừa đào, chúng tôi vừa soát xét từng xẻng đất đào lên xem có hài cốt không? Ðến độ sâu 1,5 mét vẫn không thấy gì cả.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo: Phát triển về hướng Nam và đào sâu thêm 4 tấc nữa. Chiều rộng của cái hố được mở thêm nửa mét ra phía bờ ao và đến tối mịt thì chiều sâu đạt tới 2,8 mét. Vẫn không thấy gì cả. Chúng tôi quay về Hà Nội.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo: Thử đào sâu thêm vài tấc nữa. Thực ra thì cái hố đã được đào sâu quá mức ấy rồi. Tôi cảm thấy "Thầy" đã hết phép. Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết định ngày mai đi tiếp.

Tìm mộ ngày thứ ba.

Qua hai ngày, dậy từ bốn giờ sáng, mãi 11 giờ khuya mới về đến nhà, cái tuổi 72 của tôi đã cảm thấy đuối sức. Tôi ủy nhiệm cho các con cùng bà chị tôi và anh Tân Cương đi tiếp. Tôi dặn: Không đào sâu thêm nữa làm gì, chỉ soát lại đống cát đen đào xới lên, họa may tìm thấy mảnh hài cốt nào thì đem về, nếu không thì thu dọn chiến trường mà về. Họ làm đúng như thế.

Thấy chúng tôi không thu được kết quả gì, nhiều cụ già, nhất là các cụ về hưu, xúm lại bài bác: Ðã bảo mà! Tìm ở ngoài đê, quanh cái Vụng Quạ thì không, lại đi tìm ở trong đê! Làm gì có xác trôi sông vượt qua được con đê để vào tận trong đồng! Chị Tiến và chị Nhương cũng có mặt, hai chị khuyên chúng tôi nhận lấy bộ hoài cốt răng trắng chôn ở gốc đa phía trên bến đò. Duy có anh Thìn, con cụ Giám, hiện là hiệu Trưởng trường cấp hai, thì nói: Bố anh hồi ấy có vớt được ba cái xác hai nữ một nam, kéo qua đê, rồi chôn ở cánh đồng này. Cụ Giám, theo dân làng nói, là người rất nghèo (làm nghề đơm gió và đánh dậm) nhưng bạo gan, nhà ai có việc đào huyệt, bốc mộ thì đều nhờ đến cụ, cả những cháu bé bị chết, cụ cũng sẵn sàng vác lên vai đem đi chôn giúp. Từ hồi kháng chiến chống Pháp, có nhiều xác chết nổi lên ở Vụng Quạ, làng cũng giao cho cụ vớt lên chôn cất. Cụ Yền xác nhận rằng cụ Giám được làng phụ cấp để làm việc đó, nếu có xác chết chôn ở đây thì chỉ là nhờ tay cụ Giám thôi. Cụ Trọng thì nhất quyết bài bác: Làm gì có chuyện đó! Anh Thìn đưa ra thông tin trên là đưa vào tiết lộ của cụ Giám, nhưng cụ Giám thì mất cách đây 18 năm. Hồi còn sống, cụ đã được tặng bằng khen vì những thành tích trong kháng chiến chống Pháp.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh nói: Nghe gia đình đã báo cáo tìm thấy đủ các dấu hiệu thì tôi cũng tin, tuy rằng cự ly có phần không đúng. Bây giờ thì phải lật cái bản đồ mà xem từ âm bản. Tôi hỏi: Như vậy có nghĩa là phần mộ sẽ nằm ở bên kia sông, tức là trên đất Thái Bình? Anh nói : Phải vậy đó. Rồi anh dặn tiếp: Phải tìm đến một cái vụng xoáy, một cái vụng do nước xoáy vào bãi sông mà tạo thành, ở đó có một xóm mới, dân mới ra ở đó khoảng hai chục năm, trong đó có cô Nhường, có ông An. Mộ nằm trên đất cô Nhường, trên mộ vẫn những dấu hiệu như đã chỉ.

Tìm mộ ngày thứ tư và thứ năm.

Các con tôi, vốn đã không tin vào phương pháp thần bí, đều không muốn đi tiếp. Các lão già (chị và các em tôi) thì đều đã mệt mỏi. Chỉ có anh Tân Cương là vẫn vững lòng tin, vì chính anh đã nhờ vào các nhà ngoại cảm mà tìm được mồ mả gia tiên. Anh nhận giúp tôi tìm kiếm tiếp. Anh cùng anh Ðạt vượt bến đò La Tiến sang đất Thái Bình, đi dọc sông để tìm cái vụng xoáy, chốc chốc lại gọi điện thoại di động về. Xế chiều, cách bến đò La Tiến chừng 8 cây số, một cụ già bảo anh: Phía Thái Bình không có vụng xoáy đâu. Vì nước sông ở đoạn này quật sang đất Hưng Yên. Cụ chỉ sang vụng bà Khán Mỹ bên kia sông. Gọi thế là vì bà Khán Mỹ nhiều năm sinh sống trên vụng đó bằng thuyền đánh cá. Vậy là lại phải qua sông để trở về đất Hưng Yên. Cạnh vụng bà Khán Mỹ, trên đất bãi có một xóm mới, trong đó có một chị tên là Nhường, có một anh tên là An có mấy ngôi mộ vô thừa nhận, nhưng chẳng có dấu hiệu nào khớp với bản đồ mà anh Nhã đã cho.

Anh Tân Cương đi tiếp một ngày nữa, từ vụng bà Khán Mỹ ngược lên vụng Quạ. Nơi nào có mộ vô thừa nhận là anh đến. Nhưng chẳng đâu tìm thấy đủ những dấu hiệu mà anh Nhã cho.

Cuộc tìm kiếm theo đủ mọi hướng đến đây xem như tắc ty. Cái tính hoài nghi khoa học vốn có của tôi trỗi dậy. Tôi nghĩ: Lão Nhã này, hắn đánh giố mình! Hắn bày ra cả một "trận đồ bát quái", nào là dấu hiệu, tín hiệu, tên người và tên đất, rồi bảo mình phải đi tìm cho đủ. Lục tìm cả cái đất nước này, chưa chắc đã có nơi nào khớp được với cái trận đồ bát quái của hắn!
Nghĩ thế rồi tự trách mình là vô lý. Ðã chấp nhận đi theo Thầy Nhã mà tỷ lệ trúng mộ chỉ đạt 60% thì lý gì lại thắc mắc khi trường hợp của mình rơi vào 40% kia? Ðã chấp nhận tìm đến con đường thần bí như nguồn hy vọng cuối cùng thì lý gì lại đòi hỏi phải lý giải cái trận đồ bát quái kia?

GỌI HỒN

Theo đuổi nhà ngoại cảm nổi tiếng đã vẽ trúng hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ, nhưng đến lượt mình thì không có duyên, tôi bàn với anh Tân Cương chỉ còn cách là tìm đến những người có khả năng gọi hồn. Theo tin của anh thì cô Phan Thị Bích Hằng đã mất năng lực đó vài năm nay rồi, anh đang giúp tôi liên hệ với một bà ở Cẩm Giang và một bà ở Hải Phòng. Chị Tuyết Nga cũng khuyên tôi tìm kiếm theo hướng đó. Chị cho tôi một địa chỉ điện thoại mà điều tra ra thì đó chính là địa chỉ của cô Bích Hằng. Trong quá trình tìm mộ, tôi thường hay kể lại với bạn bè khi rảnh rỗi. Tình cờ một hôm, anh Trần Công Bảy biết tôi có ý định gọi hồn, liền nhận giúp tôi liên hệ với cô Bích Hằng. Cô nhận giúp tôi vào chiều ngay 9/8/1999


Ngày 9/8/1999: Tiếp xúc với linh hồn.

Qua cô Bích Hằng, tôi hy vọng có được thông tin về phần mộ em tôi, nhưng điều còn quan trọng hơn là: Kiểm nghiệm xem có thật linh hồn còn tồn tại sau khi người ta chết không. Tôi lục tìm trong trí nhớ những vụ việc mà chỉ tôi và em tôi biết, để kiểm tra xem có thật là linh hồn em tôi đang nói với tôi không. Dự gọi hồn có chị tôi và em gái tôi, nhưng tôi dặn không ai được nói, đề phòng hớ hênh, để lộ thông tin cho thầy bói nói dựa.

Bích Hằng là một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và thùy mị, năm nay 27 tuổi tốt nghiệp đại học kinh tế quốc dân, hiện đang làm kế toán cho một công ty xây dựng của quân đội, đồng thời vẫn theo học lớp đào tạo Thạc Sĩ Quản Lý Kinh Doanh do trường đại học Oxtord (Anh) tổ chức tại Hà Nội.

Tôi hỏi: "Cháu có khả năng đặc biệt từ bao giờ?"

Cô nói: "Từ khi còn đang học phổ thông, sau khi bị chó dại cắn, lên cơn nhưng không chết. Cô bạn cháu cùng bị chó dại cắn thì chết. Một hôm, giỗ bà nội, cháu nhìn lên bàn thờ thấy bà ngồi cùng hai đứa bé. Cháu hỏi ông nội: Hai cậu bé ngồi cùng bà nội kia là ai? Sau một hồi kinh ngạc, ông nội giải thích: Người con thứ nhất của bà được hơn một tuổi thì chết, người con thứ ba sau bố cháu được hơn hai tuổi cũng chết. Từ đó trở đi, khi qua nghĩa địa, cháu nhìn thấy vô số là vong hồn người nằm, người đứng, khi tỏ khi mờ giống như nhìn vào cái màn hình bị nhiễu. Mới đầu thì rất sợï, sau cũng quen dần đi."

Tôi lại hỏi: "Có tin nói: Khả năng đặc biệt của cháu suy giảm rồi, có đúng không?"

Cô trả lời: "Khi cháu có bầu và sinh con, cháu phải lấy cớ đó để từ chối. Bây giờ con cháu đã 14 tháng, cháu mới nhận giúp bác".

Khác với anh Nhã, cháu Hằng yêu cầu đặt lên một cốc nước, một cốc gạo để cắm hương, một ngọn nến và một bức ảnh của cô Khang theo cháu nói là để nhận diện vong hồn được triệu về có đúng là cô không. Cháu mang theo một xấp giấy tiền đặt lên bàn. Thắp hương và đốt nến xong, cháu khấn mời cô Khang bằng một giọng nhỏ nhẹ, tưởng chừng như cô đang ngồi trước mặt.

Rồi quay sang nói với tôi: "Ở căn phòng này, bác không thờ bao giờ, có thể là khó về".

Nghe Hằng nói, tôi đâm lo. Chẳng những không thờ bao giờ mà 10 năm nay tôi không ở nhà này, tôi giao cho con. Nhìn quanh cửa kính đóng kín mít (dễ mở máy điều hòa nhiệt độ) thì mùi hương bay đi đâu mà cô em tôi nhận biết được? Cháu Hằng có lời mời nhưng cô ở đâu mà nghe thấy được? Nếu nghe thấy thì tìm sao nổi đến địa chỉ này giữa cái thành phố ồn ào bát ngát? Nếu tìm thấy địa chỉ thì lách qua kẽ hở nào mà vào được?

Một phút chờ đợi căng thẳng trôi qua. Cháu Hằng vẫn dán mắt vào tấm ảnh. Rồi hai phút, rồi ba phút. Bỗng cháu Hằng hớn hở: "Cháu chào cô ạ! Cháu là Phan Thị Bích Hằng. Bác Trần Phương nhờ cháu mời cô về để hỏi cô hài cốt của cô hiện nay ở đâu?"

Rồi Hằng vội quay sang tôi, hạ giọng nói: "Có một người đàn ông, thanh niên đi cùng với cô." Tôi ngồi im, cố đoán xem người đó là ai.

Cháu Hằng vẫn châm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại vâng à , à, thế ạ! à, cái gì ngân, cô Ngân hay là cái gì?

Qua phiên dịch của cháu Hằng, cô Khang nói: "Người thanh niên đi cùng em chính là anh Sơn đấy. Anh vẫn thường xuyên đến gặp em (Anh Sơn thật ư? Người anh, người bạn và người đồng chí thân thiết nhất của tôi! Tôi muốn reo lên, gọi thật to tên anh. Nhưng tôi cố nén mình lại, chờ xem sao).

Anh không có duyên rồi, anh đi tìm em, đối mặt với em rồi mà không đến được với em. Từ hôm anh đến mấy chị với em trong đội Hoàng Ngân của em cứ bảo sao lâu quá không thấy anh Phương trở lại. Chỗ em nằm chỉ cách chỗ anh đào 3 bước chân xoải dài ra phía bờ ao (tôi hỏi: Vậy em nằm trên vườn hay dưới ao?). Ðến bờ ao cũng còn ba bước chân nữa. Phía trên em chừng 2 mét là chị Nguyễn Thị Bê, đội viên đội nữ du kích Hoàng Ngân, quê ở ngay làng La Tiến. Cách chỗ em nằm cũng chừng hai mét về phía Ðông là một nam, bị bắt từ Hải Dương về, em không biết tên. 3 cái mộ gần như nằm trên một đường thẳng. Hai người kia cùng bị giết một ngày với em. Chúng cột tay ba người lại với nhau rồi vất xuống sông vào nửa đêm. Dân Phòng ta có đi tìm nhưng không thấy. Mãi mấy ngày sau, xác mới nổi lên, Dân vớt được - thực ra, dân cũng là dân phòng giả dạng thôi - đưa về đây chôn, vì thế mà ba cái mộ sát gần nhau. Xa hơn, còn mấy người nữa. Chỗ này còn có cả thẩy bảy người cơ. Mấy người nổi lên trước thì dân còn cho được manh chiếu. Còn nổi lên sau thì đến manh chiếu cũng không có, nói gì đến quan tài! (vì cháu Hằng hỏi: "Chôn cô có quan tài không?").

Rồi cô chỉ dẫn tỉ mỉ chỗ cô nằm, với các đặc điểm cây cỏ xung quanh, bắt đầu từ cây nhãn ở góc vườn mà tôi nhận ra ngay. Ðó là cây nhãn giáp với nhà bà Nhờ, tôi đã ngồi ở đó để theo dõi việc đào mộ.

Tôi hỏi: "Em có biết chỗ em nằm thuộc về đất của ai không? Của bà nào không?"

Cô đáp: "Em cũng không biết nữa."

Tôi đưa tấm ảnh anh Sơn cho cháu Hằng. Cháu Hằng xem ảnh, bảo đúng, nhưng trông bác già hơn và gầy hơn trong ảnh. Thực vậy, bức ảnh chụp năm 1948, trong tư thế rất bảnh trai, khi anh tôi đang công tác ở Sơn Tây.

Anh Sơn nói: "Chú đi tìm em Khang mà chẳng nói với anh một câu." (Tôi xin lỗi anh. Nhưng trong bụng vẫn nghĩ: Oan em quá, em đâu có biết anh còn tồn tại?) "Lần sau, chú báo trước cho anh, anh sẽ dẫn đường cho chú đến tận nơi. Người trên này có tâm đấy, nhưng mò kim đáy biển, biết chỗ nào mà đào? Ai khoanh cho chú chỗ ấy là họ hiểu biết đấy. Cũng may mà khúc sông ấy hơi cong lại, xác em mình mới dạt vào, nếu không thì đã trôi tuột đi rồi. Mẹ thì khóc thương em nhiều lắm, cứ muốn em về bên mẹ để mẹ ôm ấp. Còn anh thì anh khuyên em về nghĩa trang liệt sĩ. Vì đấy là vinh dự của em mình, của gia đình mình cơ mà. Tổ quốc ghi công mình, đời đời người ta thắp hương cho mình, chứ đâu chỉ con cháu trong gia đình mình. Vả lại đời anh chị em mình đã vậy, chứ đến đời thằng An thì nó còn biết gì! (Tôi giật mình, vì thằng An chính là con tôi, 10 năm sau khi anh hy sinh, nó mới ra đời). Hôm nào khi đưa em Khang về nghĩa trang liệt sĩ, chú cũng cần nói lại với bố mẹ như thế".
"Hôm chú đi tìm mộ em Khang, anh cũng có theo dõi. Chú đào xuyên đến cả lớp đất nguyên thủy. Em mình đâu có nằm sâu đến thế. Chỉ hơn một mét là đến lớp cát đen rồi. Em mình cũng chỉ nằm ở tầm ấy thôi. Lần này chú để ý sẽ thấy một thanh củi mục. Thực ra, đấy là cái cán thuổng mà người đào đất đánh gãy vất lại đó, vô tình như đánh dấu cho mình."

Bỗng cháu Hằng nói như ra lệnh: "Pha chén nước chè!"

Tôi hỏi nhỏ cháu sao lại làm như vậy?

Hằng nói Bác Sơn bảo: "Nói chuyện khan thế này thôi à?"

Cháu Hùng đứng dậy đi ra ngoài, rồi lại vào ngồi cạnh tôi. Một lát cháu đứng dậy đi ra cửa, đỡ lấy hai chén trà nóng đặt lên bàn.

Cháu Hằng quay sang tôi nói: "Bác Sơn bảo: Ơ kìa, cái thằng An! Nó vào mà không chào bác."

Cháu Hằng và tôi đều ngồi quay lưng ra cửa, không để ý ai đã hé cửa đưa chén trà cho Hùng. Sau mới biết là cháu An, nó vừa đi làm về.

Bác Sơn nói tiếp: "Các cháu học sinh nó không biết đấy thôi. Người âm không giúp được gì nhiều, nhưng cũng có lúc đỡ được. Có lần, chỉ cần anh đến chậm một tý thì cháu Trang đã gặp nguy hiểm rồi (Tôi kinh ngạc khi anh nhắc đến tên cháu Trang con của An).

Tôi hỏi: "Anh bảo sẽ dẫn đường cho em, làm cách nào mà em nhận biết được?"

Anh nói : "Anh không thể nắm tay chú, nhưng anh sẽ tìm con vật nào đấy: con ong, con bướm chẳng hạn, sai khiến nó để nó dẫn đường cho chú. Làm việc này đối với người âm là khó đấy, nhưng anh sẽ cố. Khi thấy con vật chú gọi nó lại, rồi đi theo nó đến chỗ nó đậu."

Một lúc lâu cháu Hằng không dịch, mà trao đổi gì đó. Tôi chỉ nghe cháu nói "Cháu còn con nhỏ. Vâng, cháu sẽ cố." Sau này hỏi lại, Hằng nói: "Cô Khang cứ thuyết phục cháu đi đến mộ để cô nói với cháu, chỉ cho cháu đúng chỗ cô nằm, kẻo lại đào chệch như lần trước. Bác Sơn cũng dỗ cháu. Bác bảo: Chú Phương chú ấy quen tác phong chỉ huy, ra lệnh. Còn bác thì bác nhờ cháu. Bác Sơn bác ấy vui tính lắm. Hễ bác nói là thấy không khí vui vẻ, phấn khởi ngay. Còn cô Khang thì có vẻ hơi buồn."

Cháu Hằng lại hỏi: "Bác Phương muốn biết chính xác ngày giỗ của cô. Bác ấy chỉ biết vào khoảng 20 tháng sáu dương lịch."
Rồi Hằng nói tiếp: "Cô cười bảo: Ðối với anh Phương thì ngày nào mà giỗ chẳng được. Em bị chúng nó bắt, có được bóc lịch đâu mà biết ngày. Chỉ nhớ một hôm, khoảng 18 hay 19 gì đó, thằng quan tư bảo "Bọn mày cứng đầu! Ðến ngày 24 mà không khai thì bắn bỏ". Anh cứ lấy ngày ấy là được. Còn ngày âm lịch em không biết là ngày nào."

Anh Sơn bổ sung: "Cứ qua ngày giết sâu bọ là em Khang lại bảo anh: Sắp đến ngày giỗ em rồi đấy." (Sau này tôi tra lịch thì biết: ngày 24/6/1950 là ngày mùng mười tháng năm âm lịch).
Rồi anh nói tiếp: "Hôm nào đi tìm mộ em Khang, các cô kiếm lấy ít hoa quả, thắp hương mời chị em. Người ta chết cùng nhau, mình chỉ hì hục đào tìm em mình thì người ta cũng tủi, phía trên mộ cô Khang là mộ một chị liên lạc, cấp dưỡng cho đội du kích, người địa phương (cô Khang nhắc: chị Nguyễn thị Bê) nên báo cho gia đình chị ấy biết mà đến tìm. Chú Phương kiếm cho anh mấy bao (cháu Hằng nói: Bao gì ạ.......à vâng) bao thuốc Cáp tăng để anh mời anh em. Bây giờ anh cũng chỉ huy cả trung đoàn đấy.

Bỗng cháu Hằng nói như ra lệnh: "Ðốt tiền đi! Sắp đi rồi đấy."
Tôi hỏi nhỏ cháu: "Sao lại làm vậy?". Cháu nói Bác Sơn bảo.
Chúng tôi vội hỏi đôi điều về đời sống của anh tôi và em tôi. Cô Khang nói: "Có lần em về thăm chị Nghĩa, chỉ đứng ngoài mà không vào được" (chị Nghĩa là chị lớn nhất nhà của chúng tôi). Anh Sơn nói: "Em bị chết trôi sông, đã có ai bắc cầu đâu mà hễ nhớ chị nhớ em thì chỗ nào cũng đòi vào. Bận sau đi với anh. Bây giờ công việc ở đây đã xong, đi với anh đến nhà Quỳnh chơi." (Quỳnh là em út của chúng tôi. Tuy là út, nhưng cũng đã thành một "ông lão" ngoại 60 rồi. Chỉ riêng cách xưng hô đó cũng đã nói lên vị thế và tình cảm của người anh cả đối với thằng em út).

Nói rồi, biến mất. Cuộn băng ghi âm 90 phút cũng vừa hết.
Sau đó tôi nghe lại băng ghi âm nhiều lần. Quả thật lại có quá nhiều điều bí ẩn do chính anh tôi nói ra mà tôi không kịp hỏi lại. Nhưng, qua những tên người trong gia đình được nhắc đến một cách ngẫu nhiên, qua cách xưng hô, sự hiểu biết về tính cách từng người còn sống, cách xử sự và tâm tư tình cảm của người nói, tôi nhận ra đúng là anh tôi và em tôi. Người khác, dù biết rõ gia đình tôi đến mấy, cũng không thể sáng tác ra một kịch bản như thế, huống hồ là cháu Hằng, một người mà tôi vừa mới gặp lần đầu. Cháu chỉ đơn thuần đóng vai người phiên dịch, chăm chú lắng nghe, hỏi lại cho đúng rồi nói lại. Cháu hỏi han, vâng dạ, trao đổi với người chết cứ như nói chuyện với người sống đang ngồi trước mặt, hoàn toàn không phải là một cô đồng nửa tỉnh nửa mê.

Nếu thừa nhận người đang nói đúng là anh tôi và em tôi thì không thể không thừa nhận. Sau khi người ta chết đi, vẫn còn lại một cái gì đó mà ta quen gọi là linh hồn. Nhưng linh hồn là gì? Tôi tự hỏi. Nó phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó thì cháu Hằng mới nhìn thấy và nhận diện được qua tấm ảnh. Nó phải phát ra tiếng nói qua một tần số nào đó thì cháu Hằng mới nghe thấy mà nói lại cho tôi. Ðối với tôi nó là vô hình, nhưng đối với cháu Hằng thì nó lại là hữu hình. Ðối với tôi nó là câm lặng, nhưng đối với cháu Hằng thì nó lại phát ra những âm thanh có thể nghe thấy, những âm thanh này chuyển tải đủ cả những sắc thái sống động của tình cảm, của tư duy, hệt như tiếng nói của người sống vậy.

Nếu linh hồn đã là một dạng vật chất có hình thù và khả năng phát ra âm thanh thì theo cách nói của triết học linh hồn thuộc phạm trù tồn tại mang tính khách quan, chứ không thuộc phạm trù ý thức mang tính chủ quan. Nhận biết nó hay không nhận biết được nó, là tùy ở khả năng của từng người. Cháu Hằng có khả năng nhận biết được nó. Còn tôi thì không. Nhưng đâu phải vì tôi không có khả năng nhận biết được nó mà tôi có quyền phủ nhận sự tồn tại của nó? Ðối với tất cả những gì ta chưa có khả năng nhận biết được chớ vội vất vào cái sọt rác mê tín dị đoan thì khoa học còn việc gì để làm, còn gì để khám phá? Lâu nay, tôi đinh ninh mình là duy vật, hóa ra chính mình lại là duy tâm chủ quan: Cái gì ta cho là tồn tại thì nó tồn tại, cái gì ta cho là nó không tồn tại thì nó không tồn tại, nó chỉ là mê tín dị đoan! Lần đầu tiên trong đời tiếp xúc với linh hồn, tôi nhận ra như thế, hoặc suy ra như thế. Tuy nhiên, cũng còn phải chờ cuộc đào bới tiếp mới kiểm nghiệm được những thông tin do linh hồn cung cấp là đúng hay sai.

Vùng đào bới tiếp lại trùng hợp với vùng đào bới do anh Nhã chỉ dẫn. Vì vậy, cũng là một việc để kiểm nghiệm lại cái trận đồ bát quái của anh.

Hy vọng và hoài nghi lẫn lộn, tôi nóng lòng chờ ngày hẹn của cháu Hằng để cùng về La Tiến. Cuối cùng ngày hẹn được ấn định : 17/8/1999.


Ngày 17/8/ 1999 cuộc đào bới lần thứ hai

Ngay sau khi nhận được hẹn của cháu Hằng, tức là 4 ngày trước khi tiến hành cuộc đào bới lần thứ hai, tôi cử chú Quỳnh cùng anh Tân Cương về La Tiến làm các công việc chuẩn bị. Khi còn cách La Tiến 40 cây số, anh Tân Cương gọi điện cho anh Nhã. Anh rất mừng khi biết tin Bích Hằng vào cuộc. Lần này anh cho Tân Cương một tín hiệu: 10 giờ hôm đó, sẽ có hai con bướm màu bay lượn quanh mộ rồi đậu lại, hãy đánh dấu lấy chỗ đó.

Ðến nhà ông Ðiển, đúng giờ hẹn, anh Tân Cương ra gốc nhãn ngồi. Cái hố mà chúng tôi đào hôm trước nay đã được lấp bằng. Một lát, có hai con bướm đen đốm hoa bay đến, rồi một con bay đi, một con đậu lại trên cành nhãn. Anh Tân Cương chiếu thẳng từ cành nhãn xuống đất cắm một cây que đánh dấu lại. Cây que cách chỗ tôi đặt quả trứng hôm trước 2 mét ra phía bờ ao. Ông Ðiển đứng bên tường hoa theo dõi, chỉ tủm tỉm cười. Vào trong nhà ông mới kể sau lần đào bới hôm trước, ông mời "thầy" về cúng, thầy bảo mộ cô nằm cũng ở chỗ cây que đó.

Nghe anh Tân Cương thuật lại câu chuyện, tôi chỉ biết ghi nhận. Tất cả còn phải chờ kết quả cuộc đào bới tiếp. Nhưng nếu đúng thì thật kỳ lạ. Anh Nhã ở tận Sài Gòn, làm sao điều động được hai con bướm đến một điểm chỉ cách thành hồ cũ 1 mét? Ðiểm ấy đúng như ý anh chỉ đạo lần trước là phát triển về hướng Nam, nhưng không phải về hướng Nam như tôi đã thực hiện, mà xa hơn. Còn bà "thầy vườn"? Chẳng lẽ đất nước này cũng lắm người có tài năng kỳ bí, chứ không phải chỉ rặt một hạng người buôn thần bán thánh nhảm nhí?

Trong những việc tôi nhờ anh Tân Cương, có việc điều tra xem trong danh sách liệt sĩ của xã, có ai là Nguyễn Thị Bê. Anh thất vọng kể lại: Chẳng những lục tìm sổ sách mà còn đi hỏi rất nhiều cụ 70 tuổi trong làng, không đâu biết có một cái tên như thế. Ðối với tôi thì sự thất vọng càng lớn. Vậy là em gái tôi nói sai? Và cả anh tôi nữa. Thậm chí anh tôi còn nói cụ thể chị ấy là liên lạc cấp dưỡng của đội du kích. Em gái tôi và anh tôi thì tôi biết là người không thể nghi ngờ được. Vậy dấu hỏi phải đặt vào người nói: Có thật người nói là em gái tôi và anh tôi không?
Tối hôm 16/8, tôi không quên thắp hương và báo cáo với anh tôi rằng sớm ngày mai chúng tôi sẽ về La Tiến tìm mộ em Khang.

Ðến nơi, chị tôi theo đúng lời dặn của anh Sơn, bày hoa quả vào mâm đặt lên tường hoa, cháu Hằng khấn mời. Khấn xong, cháu cầm bó hương, đi thẳng ra gốc cây vải (cách gốc cây nhãn 6 mét về hướng Ðông, cả hai cây đều sát bờ ao). Ngắm nghía rồi cắm hương xuống đất. Lấy bó hương làm tâm, cháu vạch một cái hố hình chữ nhật để đào. (Sau này Hằng bảo tôi: "Khi cháu đang khấn thì đã thấy bác Sơn và cô Khang đứng ở gốc cây vải cô vẫy cháu lại rồi chỉ cho cháu chỗ cắm hương, đầu và chân ngôi mộ").

Nhìn bó hương của Hằng, tôi thấy nó cách quả trứng của tôi 3 mét ra phía bờ ao, nhưng lại lui về hướng Ðông dọc theo bờ ao 2 mét nữa. Cái hố mà cháu vạch không nhằm thẳng hướng tây - đông như cái hố hôm trước mà đầu về hướng tây bắc, cuối về hướng đông nam, sát gốc cây vải nghĩa là gần như vuông góc với cái hố hôm trước. Cái hố mới nằm ngoài hình tam giác hôm trước, cạnh của nó là cạnh đáy của hình tam giác nối dài ra phía bờ ao.

Trong khi thợ đào đất chuẩn bị làm việc, Hằng đặt ảnh cô Khang ở dưới gốc cây vải; rồi nói: "Thưa cô, chỗ cô nằm, cháu đã vạch theo cô chỉ. Còn hài cốt thì như hiện trạng cháu nhìn thấy, còn rất ít, khi bốc lên có thể mủn ra. Vậy xin cô cho phép bốc lẫn cả đất mang về. Nếu không được đầy đủ thì cô cũng thông cảm cho". (Sau này tôi hỏi Hằng: "Cháu nhìn thấy hiện trạng của hài cốt thật ư?" Hằng nói cháu nhìn thấy.

Hồi năm 1994, tìm hài cốt 13 liệt sĩ ở núi Non Nước - Ninh Bình, cháu Hằng nhìn thấy hài cốt bị vùi dưới lớp đất sâu 4,5 mét. Khi đào đến độ sâu 3 mét, không thấy gì, mọi người đã nản, nhưng cháu yêu cầu đào thêm, vì cháu đã nhìn thấy hài cốt ở độ sâu ấy).

Cô Khang nói: "Lần này nhìn thấy cậu Quỳnh là chị phấn khởi rồi, cậu Quỳnh mà đi thì chắc là được (Lần trước Quỳnh không đi, Quỳnh lại là người tin vào thần Phật). Còn anh Dung (Tôi tên thật là Vũ Văn Dung) thì thần thánh anh ấy cũng chẳng sợ, có khi chỉ nhiễu quan trần, còn quan âm thì chẳng ai giúp mình. Anh Sơn tức anh Nhung nhà mình (tên thật của anh tôi là Vũ Văn Nhung) cũng ở đây suốt từ sáng. Anh cứ bảo sao mình chưa đến. Anh trách cháu An, nếu mà nó kiên trì, bình tĩnh thì đã đưa được cô về từ lần trước".

Cháu Hằng hỏi: "Ai là Hậu? Cô gọi chị Hậu". Chị tôi vội chạy từ trong nhà ra. Cô Khang nói tiếp : "Chị đã xuống đây mà không ra với em, lại cứ ngồi trong ấy. Hài cốt của em thì không còn nguyên vẹn. Nhưng chị bốc cho em một nấm đất về quê mình thì em cũng mừng rồi. Ở đây tuy có nhiều chị em đồng đội, nhưng không phải là ruột thịt, cả năm cũng chả ai đến thắp cho một nén hương. Chả lẽ cứ ở đây quấy quả nhà ông An mãi!".

Bác Sơn nói: "Cứ bốc cho bằng hết, dù ít dù nhiều thì cũng là máu thịt của em mình. Không bỏ vừa trọng tiểu thì đắp lên mộ cho em. Cái con Uyên là người hợp với em nhất, được cô cho nhiều lộc nhất, đáng lẽ hôm nay nó đi thì mới phải (Uyên là con gái út của tôi, nó đã đi hôm đầu tiên).

Anh Tân Cương hỏi Cô có biết cháu là ai không?

Cô Khang nói: "Nếu tôi không biết anh Cương thì hóa ra tôi vô tình quá. Anh lăn lộn với tôi nhiều".

Bác Sơn bổ sung: "Thằng Tuấn Anh chưa chắc đã lăn lộn với cô bằng anh Cương" (Tuấn Anh là con thứ hai của tôi, nó sinh ra mấy ngày sau khi anh tôi hy sinh).

Tân Cương lại hỏi: "Ai mai táng cô, cô có biết không? Nhiều người không tin là thi thể cô có thể trôi dạt vào đây. Cô vừa nói đến ông An, là ông An nào, ở đâu?"

Cô Khang nói: "Nếu có cách gì làm cho cụ Ðặng Ðình Giám sống lại thì gia đình mình khỏi mất công tìm kiếm. Rất tiếc là đã gặp cụ ở âm phủ mất rồi. Em bị chúng nó ném xuống sông, khi xác nổi lên, gặp lúc triều cường, dạt vào một khúc quanh, được cụ Giám vớt lên, kéo qua một cái rãnh nước rồi dừng lại. Cụ bảo: Mấy vị chết ở đây, nếu đói khát, khi nào nhà ông An lên hương thì vào mà xin lộc".

Ðược chị động viên, Quỳnh kể về quá trình đi tìm hài cốt của chị, trong đó có đoạn nói chị Tiến và chị Nhương báo cho gia đình mình đến nhận bộ hài cốt chôn ở gốc đa phía trên bến đò.

Người ta bảo cô Chử Thị Dung ở Thái Bình đã tìm thấy hài cốt của bố cô ấy chôn cùng với người phụ nữ đó. Ðể xác minh, em đã theo dấu chân cô ấy từ Thái Bình đến tận Vũng Tàu. Nhưng cô ấy nói rằng chính cô ấy cũng chưa tìm thấy hài cốt của bố cô ấy.

Nghe xong, cô Khang nói: "Chị nói cho em biết cái mộ ở gốc đa nếu là một nữ du kích mà nhận là chị thì còn được, đằng này lại không phải nữ du kích, sao ngộ nhận như thế được! Còn Chử Thị Dung, chính bố cô ấy đã kể với chị rằng em đã đến tìm gặp cô ấy. Ông ấy nhờ chị nói với em nhắn giùm cho cô ấy đến tìm bố. Bố cô ấy cũng nằm ở đây."

Rồi cô chỉ chỗ ngôi mộ, ngay dưới chân cái hố sắp đào. Ðó chính là ngôi mộ người đàn ông bị bắt từ Hải Dương về (Sau này Hằng kể lại người đàn ông lúc ấy cũng đứng bênh cạnh cô Khang nói lại, cháu mới nghe thấy, khi cô chỉ ngôi mộ, cháu nhìn xuống thì thấy hài cốt không có đầu)

Ðến đây cháu Hằng nói: "Xin phép cô cho bắt đầu".

Ðào hết lớp đất vượt thổ thì Hằng bảo thợ ngừng đào. Cháu nhảy xuống hố, lấy dầm gạt nhẹ từng lớp cát đen. Chỉ hơn một gang tay thì vướng vào thanh củi mục, nạy lên, thả vào nước thì nhận ra đó là một khúc tre già, thịt tre đã bị phân hủy hết, nhưng xơ tre và đốt tre thì vẫn còn nguyên. Khúc tre dài hơn một gang tay, đường kính tương đối lớn, không thể tra vừa bất cứ một loại xẻng hay cuốn nào, chỉ có thể tra vừa cái thuổng hình lưỡi mai (mặt phẳng bề ngang nhỏ hơn lưỡi xẻng, nhưng dài hơn lưỡi xẻng).

Mọi người đều kinh ngạc khi biết thông tin về cái thuổng đã được báo trước. Riêng tôi thì mừng khôn xiết. Vì đây là dấu hiệu đáng tin cậy nhất để nhận biết nấm mộ này đích thực là mộ em gái tôi. Cái cán thuổng đã bị vùi dưới đất cách đây 50 năm, người đời không ai nguy tạo ra nó được. Dấu hiệu đó lại được linh hồn mách bảo cho tôi chính ngày trước khi khai quật.

Người đời không ai nhìn thấy mà mách bảo được. Còn sự chính xác thì đạt đến mức chi tiết. Thú thật, khi nghe anh tôi nói đến cái cán thuổng, tôi nghi ngờ: Hoặc là anh tôi nhận định sai, hoặc là cháu Hằng dịch sai. Vì người đào huyệt phải dùng mai, xẻng cuốc, chứ sao lại dùng thuổng? Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến loại thuổng thông dụng nhất loại có lưỡi hình vũm để đào gốc cây, chứ không nghĩ đến loại thuổng hình lưỡi mai để đào đất, tác dụng giống như cái mai nhưng khỏe hơn cái mai. Loại thuổng này cũng còn nơi gọi là mai.

Sau khi tìm thấy cái thuổng, chỉ gạt vào lớp cát mỏng là thi hài em tôi hiện ra. Khi chôn, người ta đã đặt em tôi nằm nghiêng, người hơi cong, mặt hướng ra vụng Quạ, đầu về hướng tây bắc, chân về hướng đông nam. Trùm lên sọ là một mảng tóc đen nhánh, rồi đến những đốt xương cổ nhìn rất rõ. Nhưng khi bốc lên thì tóc rụng ra ngay, những đốt xương nguyên vẹn gãy ra như những chiếc bánh bích quy thấm nước. Cháu Hằng hỏi cô Khang: "Răng cô ở đâu, để cháu mang đi đãi." Cuối cùng tìm được 5 chiếc răng. Tôi xem thì đúng là răng trắng, nhưng do ngâm lâu trong bùn nên ngả sang màu xám và đen xỉn. Theo đúng mệnh lệnh của anh Sơn, chúng tôi bốc tất cả số bùn đất theo hình người nằm cong, bỏ vào túi mang về. Cháu Hằng tìm mãi không thấy chiếc còng sắt. Cháu hỏi cô Khang, cô cũng không chỉ được. Tôi nhận định: Có thể là nó đã rỉ đất qua 50 năm trong bùn.

Lúc này thì Hằng không dịch, nhưng hôm sau, cháu nói với tôi:

Lần này đi tìm mộ cô Khang, cháu thương cô quá. Lúc tìm được răng rồi, mấy người ở trên miệng hố nhắc cháu tìm móng tay. Cháu bèn hỏi cô: "Móng tay của cô ở chỗ nào cô chỉ cho cháu. Cô giơ hai bàn tay lên trước mặt cho cháu, nói: Chúng nó rút hết móng tay của cô rồi, còn đâu mà tìm!

Tôi vô cùng kinh ngạc, vì điều này chỉ mình tôi biết. Sau khi em tôi bị giặc sát hại. Huyện ủy Phù Cừ gởi riêng cho tôi bản báo cáo gởi lên cấp trên (Trước đó, tôi là phó bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, có nhiều gắn bó với Huyện Phù Cừ), kể rõ em tôi bị bắt, bị tra tấn và bị giết như thế nào. Tôi không muốn một ai khác trong gia đình phải chịu đựng những nổi thương xót như tôi, vì vậy đã giấu kín những tin này. Nay được cháu Hằng kể lại, tôi tin chắc người nằm dưới mộ đích thực là em gái tôi.

Cháu Hằng lúi húi tìm kiếm và chỉ đạo mấy người giúp việc, thỉnh thoảng lại nhô đầu lên nói chuyện với những người ngồi trên miệng hố. Bỗng Hằng nói có một cụ cứ tủm tỉm ngồi nhìn, không biết có phải là cụ Giám không? Rồi Hằng cất giọng, lễ phép nói: "Cháu chào cụ ạ. Cụ cho phép cháu được biết quí danh của cụ". Lắng nghe hồi lâu, Hằng nói như reo lên: "Cụ An!"

Rồi Hằng tự giới thiệu mình cùng gia đình đi tìm hài cốt cô Khang, đề nghị cụ giúp đỡ.

Cụ An nói: "Tôi là hàng xóm, nhà tôi ở vệ đê, bên kia đầm, lần nào các bác về đây mà tôi chả biết. Tôi nhớ, đêm hôm ấy, vào lúc gà gáy canh hai, ông Giám qua nhà tôi, hỏi mượn tôi cái mai. Tôi hỏi để làm gì? Ông Giám: Suỵt! Ðể chôn người chết trôi. Tôi nhìn ra thì thấy một cái xác cụt đầu, biết ngay là cán bộ Cách Mạng. Ở chỗ kia kìa có cái rãnh nước, ông giám kéo mấy cái xác vào rãnh nước, đến đây là chân ruộng mạ. Ông Ðiển mới ra ở đây thôi, chứ ngày ấy là ruộng mạ, thuộc chủ khác".

Cháu Hằng đưa ảnh cô Khang, hỏi cụ có nhận ra người chết được không? Cụ An nói: "Bà này là thân nhân của ông cán bộ trước là tỉnh ủy ở đây. Nhưng chôn cất như thế nào thì cả tôi, cả ông Yền, ông Trọng đều không biết gì đâu, chỉ có ông Giám là biết thôi. Ðể tôi đi tìm giúp ông Giám".

Một lúc lâu cụ An đi cùng với cụ Giám về. Hằng nói nhỏ: "Cụ này già thế nhỉ!". Rồi Hằng tự giới thiệu và nêu ra đề nghị nhận diện người chết qua tấm ảnh cái còng sắt nằm ở chỗ nào?

Cụ Giám nói: "Ðêm tối, tôi chỉ thấy loáng thoáng thôi. Xác ngâm lâu đã trương lên rồi, mặt mũi thì nhìn không rõ. Tóc thì không vấn như thế này đâu, mà cắt ngang gáy như cô bây giờ, nhưng xõa xượi dưới nước. Lần ấy tôi đem về đây không phải một người, mà ba người cơ. Tôi kéo người phụ nữ lên trước, cứ thấy vướng. Thì ra tay trái cô ấy xích vào tay phải người đàn ông. Khi chôn, chẳng lẽ lại chôn hai người một hố, tôi tuột tay một người ra khỏi cái vòng. Tôi chôn người phụ nữ ở đây, còn người đàn ông thì ở chỗ kia. Sức tôi cũng chỉ kéo được đến thế. Khi tôi chôn thì xác bị trói đã cứng, không nắn thẳng ra được, đành đặt hơi nghiêng, mặt hướng ra sông cho mát mẻ. Còn người phụ nữ nữa, tôi chôn ở góc kia (cụ chỉ ra phía gốc nhãn) nhưng bây giờ thì đã tụt xuống ao rồi hình như lúc bị chết bà ấy đang có chửa".

Tân Cương nói: "Một số người không thể hiểu được xác chết trôi sông lại có thể vào được đến đây".

Cụ Giám nói: "Cái con mẹ Tiến nó cứ mồm năm miệng mười, chứ làm sao mà nó biết được bằng tôi. Ở ngoài kia nước cả, không đem vào đây thì vùi làm sao được? Cụ nói tiếp: Ðiều này thì tôi chỉ nghe phong phanh thôi. Tụi lính đóng ở đồn nó bảo người phụ nữ bị giết đêm hôm ấy là bà bé của tay xếp bốt".

Cụ An cãi lại: "Ông thì chỉ được cái ăn no vác nặng, chẳng có hiểu biết gì. Có lần ông chôn một anh bộ đội, ông lại bảo thằng lính dõng. Tôi thì không được kéo xác như ông, nhưng việc này thì tôi biết rõ. Có một người phụ nữ du kích bị bắt, thằng xếp Bách dụ làm vợ bé không được, nó đã giết đi. Ở bốt này có một thằng quan tư là quan thầy người Pháp, còn thằng Bách tuy là tay sai nhưng cũng được gọi là xếp" (thằng Bách lấy vợ người La Tiến, dân đều biết rất rõ về nó).

Trời đã xế chiều. Mọi người hối hả thu dọn.

Hằng nói: "Bác Sơn bảo: Còn cái chân của cô, moi sâu vào mà bốc. Bác bảo cứ bình tĩnh! Từ sáng, bác đã rải quân canh phòng từ đầu làng rồi, không cho phép quấy rối". (Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng mấy lần bới trước có cả trăm người vây vòng trong vòng ngoài, còn hôm nay thì chỉ có mấy đứa trẻ).

Bác bảo: Ðược bà chị xuống với em, chẳng giúp được việc gì, chỉ ngồi khóc! "

Tân Cương tưởng anh tôi nói về cô em dễ xúc động của tôi, liền chêm vào: "Sáng nay bà ấy cứ nhất định đòi đi".

Hằng cải chính: "Bác Sơn nói là nói đến bà chị, bác Nghĩa. Từ nãy, bà già cứ ngồi một chỗ khóc: Nhà có sáu chị em gái, ai nấy đều có phận, đâu đến nỗi nào, riêng em tôi giỏi giang xinh xắn nhất nhà thì thế này! Không tìm được xác em tôi, tôi chết cũng không nhắm được mắt. Bây giờ tìm được em thì mình cũng đã ra người thiên cổ rồi!"

Bất chợt nghe thấy con số 6, tôi vội bấm đốt ngón tay: 6 hay 5 nhỉ? Ðúng là 6.

Bác Sơn (như hiểu ý anh Tân Cương) nói: "Cho cái cô Nam nhà tôi xuống đây thì chỉ được cái bù lu bù loa, chẳng cho ai làm gì. Tính cái con ấy nó vậy!"

Cô Khang nói: "Sau lần gặp cô em, ông anh tôi đã về bốc cát lập ngay 7 bát hương, mỗi người một bát! Ðúng là một cuộc cách mạng với ông anh tôi! Em Khang cảm động khi nhận tấm lòng của anh Phương, chị Thủy".

Cụ An nói: "Bà cô là liệt sĩ, sao không làm lễ truy điệu rồi hãy mang về quê?"

Bác Sơn nói: "Hôm nay cập rập quá, gia đình chuẩn bị không kịp. Hôm nào đưa về nghĩa trang liệt sĩ của huyện, sẽ làm lễ truy điệu".

Cô Khang nói: "Cậu Quỳnh còn giữ những giấy tờ, bằng khen của chị không?" Quỳnh đáp: "Bằng khen và huân chương của chị em vẫn giữ". - "Hôm nào làm lễ truy điệu chị ở nghĩa trang liệt sĩ, cậu nhớ mang theo".

Tôi thật không ngờ; người chết đã 50 năm mà vẫn quan tâm đến những vinh dự của mình nơi trần thế!

Hằng nói: "Cô cười bảo: Cụ Giám ạ! Cụ nói oan quá, đã được làm bé ngày nào đâu? (mọi người cùng cười). Nhưng cụ nói đúng đấy. Ngày xưa ai cũng gọi là cô Khang tóc dài, nhưng khi bị bắt, nó đã cắt cụt hết tóc. Trong việc chôn cất các liệt sĩ ở đây, cụ là người có công nhất. Chúng tôi rất biết ơn cụ".

Công việc thu vét hài cốt xong xuôi thì mặt trời sắp lặn. Mọi người vây quanh gốc cây vải, nơi đặt bàn thờ tạm. (Sau này Hằng kể lại: Suốt ngày cô Khang và bác Sơn quanh quẩn ở đó, buổi chiều thì bác Nghĩa cũng ngồi ở đó ôm lấy tấm ảnh, cụ An và cụ Giám thì ngồi ở xa hơn, về phía tường hoa ).

Cô Khang nói lời cảm ơn đối với gia đình bác Ðiển, bác Ðạt, nhờ bác Ðiển chuyển lời thăm hỏi đến chị Nhương, chị Tiến.
"Nay tôi về Mỹ Hào quê tôi, về với anh tôi. Nằm tại đây còn một bộ hài cốt, gia đình người ta cũng sẽ đến bốc về. Chỉ còn chị Bê, hài cốt không còn gì. Nhờ bác Ðiển hương khói cho vong hồn chị, chị sẽ phù hộ cho. Hồi đi hoạt động lấy tên là Nguyễn Thị Bê, nhưng tên thật của chị là Nguyễn Thị Út (Mấy người làng ồ lên: Bà Út! Thế mà tìm kiếm mãi! )

Cuối cùng cô dặn: "Nhờ bác Ðiển đem mâm lễ phát lộc cho các cháu".

Chúng tôi đưa hài cốt em tôi về nhà, và 2 hôm sau, đưa về nghĩa trang liệt sĩ của huyện, có mặt đông đủ họ hàng nội ngoại. Sự xúc động được đón người thân sau 50 năm cách biệt xen lẫn với niềm tự hào về người con gái của dòng họ đã hiến cuộc đời mình cho cuộc sống hạnh phúc ngày hôm nay.

NHỮNG THÔNG TIN BÍ ẨN

Từ hôm gặp anh Nhã đến hôm bốc được hài cốt là một hành trình mò lần trong bí ẩn. Những thông tin do anh Nhã đưa ra, đối với chính anh cũng là điều bí ẩn: trúng hay trật, chính anh cũng không biết. Còn linh hồn? Chỉ có cháu Hằng nhìn thấy và nghe thấy. Cháu nói lại những điều cháu nghe được, còn thực hư thế nào cháu đâu có biết.

Cuộc hành trình đầy bí ẩn đã buộc tôi mò đến hai nhà ngoại cảm nổi tiếng, mỗi người một phương pháp: vẽ mộ và gọi hồn. Cả hai phương pháp đều dẫn tôi đến cùng một kết quả.

Hai mươi bốn ngày mò tìm trong bí ẩn, chỉ đến ngày cuối cùng ngày bốc mộ mới kiểm chứng được các thông tin. Tập hợp lại các thông tin, tôi có được một hệ thống thông tin mà tôi cho là đáng tin cậy, một số có thể xem như vật chứng bằng chứng. Những thông tin thu được qua các linh hồn.

1- Ðiều đầu tiên đặt ra với tôi: Có đúng là những linh hồn người thân đang nói với tôi không? Cháu Hằng nhận dạng được các linh hồn, cả những lúc cười cả vẻ mặt buồn hay vui. Linh hồn cô Khang và anh Sơn đã được cháu Hằng nhận diện qua tấm ảnh, còn tôi không nhìn thấy, tôi kiểm tra qua những điều mà linh hồn nói ra.

Hôm đầu tiên gọi hồn, lòng đầy nghi ngờ, tôi thủ sẵn trong túi tấm ảnh của anh Sơn, định bụng sẽ đưa ra hỏi linh hồn. Nhưng, ngay khi nhìn thấy cô Khang, cháu Hằng đã báo cho tôi: "Có một người đàn ông, thanh niên đi cùng với cô". Nếu là một cô đồng gà mờ bịp bợm thì dại gì mà "đẻ số" cho mình như thế? Tiếp đến, cô Khang nói ngay: Người thanh niên đi cùng với em chính là anh Sơn đấy. Vậy là tôi đã kiểm tra được linh hồn cô Khang qua anh Sơn, và không những thế, đã nhờ cháu Hằng nhận diện cả hai linh hồn qua ảnh.

Ngày đầu tiên hai linh hồn đã nhắc đến 5 người trong gia đình tôi, với sự hiểu biết rất chính xác về tính cách của từng người. Ngày thứ hai tức ngày 17, hai linh hồn đã nhắc đến 10 người trong gia đình tôi, cũng với sự hiểu biết chính xác như thế, cách xưng hô cũng thể hiện rất đúng vị thế, thái độ và tình cảm của người nói đối với những người được nhắc đến.

Các con tôi, có ý kiến nói: Bích Hằng đã điều tra gia đình mình từ trước rồi. Sự nghi ngờ đó tôi biết là vô căn cứ, nhưng dù có điều tra đi nữa, cũng không thể đặt vào miệng người nói những câu như thế mà không phạm sai lầm.

Ngoài những người trong gia đình, cô Khang còn nhắc đến chị Tiến, chị Nhương là những người quen biết cũ, nhắc đến cả anh Cương, anh Ðạt là những người không quen biết nhưng đã góp sức vào việc tìm mộ gần đây.

Ngày 17 xuất hiện thêm 4 linh hồn nữa. Lần này thì không có ảnh để nhận diện. Nhưng qua những điều mà linh hồn nói ra thì phải thừa nhận đúng là những người đã chết đang nói. Bà già ngồi một chỗ khóc than, kể lể về sáu chị em gái, đúng là chị cả của chúng tôi chị Nghĩa.

Cụ An là người cho mượn cái mai và chứng kiến việc chôn cất, cụ Giám là người chôn cất, mỗi cụ nói ra những điều thể hiện đúng tư cách của mình. Còn linh hồn người đàn ông họ Chữ tuy nói không nghe rõ, nhưng đã nhờ cô Khang nói với chú Quỳnh nhắn giùm cho con gái ông ấy ở Vũng Tàu. Khớp lại những điều mà các linh hồn nói ra thì đều xác nhận hài cốt đã được bốc lên đúng là em tôi, theo những thông tin sau:

1- Cái cán thuổng là một vật chứng xác nhận thông tin mà linh hồn em tôi cung cấp, đồng thời xác nhận ngôi mộ đúng là mộ em tôi.

2- Răng trắng chuyển sang màu đen xỉn là một vật chứng xác nhận thông tin của linh hồn em tôi, đồng thời xác nhận hài cốt đúng là em tôi.

3- Thông tin của em tôi về chị Nguyễn Thị Bê, khi được biết tên thật là Nguyễn Thị Út, đã được xác nhận. Chị nằm trong danh sách liệt sĩ của xã.

4- Thông tin của em tôi về cái còng sắt khóa tay em tôi với tay người đàn ông đã được xác nhận qua lời kể của cụ Giám, tuy hiện vật thì không tìm thấy có thể nó đã rỉ thành đất.

5- Thông tin của em tôi về vị trí ngôi mộ cách cái hố đào lần trước ba bước chân xoải dài ra phía bờ ao đã được xác nhận trên thực tế. Thông tin của em tôi về 3 ngôi mộ sát gần nhau, gần như nằm trên một đường thẳng, trong đó mộ em tôi nằm giữa, điều này khớp với chỉ dẫn của cụ Giám.

6- Thông tin của em tôi về người dân đã vớt xác thực ra cũng là dân phòng giả dạng thôi, điều này khớp với bằng khen về thành tích kháng chiến mà cụ Giám nhận được, đồng thời khớp với lời kể của cụ Yền về vai trò mà làng giao cho cụ Giám.

7- Buổi sáng ngày 17, khoảng 10 giờ cô Khang nói rằng: người vớt xác là cụ Ðặng Ðình Giám, thì buổi chiều khoảng 3 giờ, chính cụ Giám xuất hiện kể về việc cụ đã vớt và chôn như thế nào.

8- Sáng cô Khang kể về việc cụ Giám dừng lại bảo, khi nào nhà ông An lên hương thì vào mà xin lộc, thì buổi chiều, cụ An xuất hiện nói về việc cụ Giám vào mượn cái mai, rồi kéo xác qua cái rãnh nước đến chân ruộng mạ như thế nào.

9- Khi xem ảnh, cụ Giám bảo người phụ nữ mà cụ chôn cất không để tóc dài như trong ảnh, mà cắt tóc đến gáy như Bích Hằng. Cô Khang xác nhận là đúng, chính bọn địch đã cắt cục tóc cô. Mớ tóc trùm lên sọ mà chúng tôi tìm thấy cũng là mớ tóc ngắn.

10- Cụ Giám tả lại khi chôn, cụ đã đặt cái xác hơi nghiêng vì không nắn thẳng ra được, mặt hướng ra sông cho mát mẻ. Trước đó chúng tôi đã tìm thấy hài cốt ở tư thế ấy.

11- Cô Khang kể với cháu Hằng về móng tay của cô. Ðiều này đối với tôi là một bằng chứng vô cùng quí giá để khẳng định hài cốt đúng là em tôi.

12- Cô Khang khoe với mọi người về việc ông anh bốc cát lập bát hương. Ðiều này tuy chỉ là tiểu tiết, nhưng chứng tỏ linh hồn em tôi đã biết việc tôi làm, kể cả việc nhồi cát vào 7 bát hương mấy ngày trước đó.

Nhìn lại cái trận đồ bát quái của anh Nhã.

Với những thông tin đáng tin cậy thu thập được qua các linh hồn, kết hợp với những thông tin do dân làng cung cấp qua cuộc điều tra của chúng tôi, tôi nhìn lại cái trận đồ bát quái của anh Nhã. Mọi thông tin anh cho tôi đều đúng, nhưng do sắp xếp không theo một trật tự logic nên khó hiểu, rối mù như một trận đồ bát quái. Bây giờ việc đã thành, tôi hiểu nó như sau:

1-Trước tiên phải tìm đến một cái vụng xoáy. Chính ở cái vụng này, xác em tôi khi còn chìm dưới đáy sông, đã bị cuốn vào. Cuối tháng 6 đang là mùa nước, mực nước sông Luộc khi chưa đến mức báo động, thường cách mặt đê chỉ vài mét. Lúc xác nổi lên gặp lúc triều cường thì không trôi tuột đi mà dạt vào một khúc quanh của con đê. Cái vụng xoáy chính là vụng Quạ. Khúc quanh của con đê cũng ở đó.

Vào mùa nước thì dải đất bãi ngoài đê, kể cả cây cối, đều ngập bỉm dưới nước, không thể chôn trên đất bãi được, mà phải kéo xác qua đê vào trong đồng. Nhưng dưới chân đê lại là một vùng ruộng trũng. Tháng 6 đang là mùa mưa, ruộng trũng đang bị ngập nước, vì thế phải kéo xác vào vùng chân mạ, cao hơn.

2- Ông Giám đã kéo 3 cái xác qua đê không khó khăn gì, vì mặt nước gần sát mặt đê. Nhưng nhà ông ở mãi cuối làng, cách đó một cây số, ông phải tạt vào nhà ông An để mượn cái mai. Khi dừng lại, ông đã nói với xác chết về việc xin lộc ông An mà anh Nhã đã nói, không phải là anh An con đã tiếp chúng tôi, mà là ông An bố tức là cụ An, cụ đã mất cách đây 40 năm. Cái quán ông An không phải là cái nhà anh An bây giờ, anh chị mới ra ở đó chừng 10 năm nay thôi. Bố mẹ anh vẫn ở cách đó 300m, sát mép cái đầm sen về phía Tây. Ông làm nghề chở đò ở bến La Tiến, còn bà làm hàng xáo và bán bánh đúc. Cái nhà tranh lụp xụp của ông bà đồng thời là cái quán bán bánh đúc.

3- Mượn được mai rồi, ông Giám đi trên con đường bờ vụng, còn xác thì kéo trên cái lạch nước gần nhà ông An, đến cái cống ở cửa chùa để đến vùng chân mạ mà nay là đất ở của cụ Nhờ và ông Ðiển. Con đường bờ vụng và cái lạch nước nay đã biến mất trong lòng cái đầm sen. Cái cống lấy nước từ lạch vào vùng ruộng mạ thì nay vẫn còn, nhưng đường làng đã ngăn cách nó với đầm sen, nó không còn tác dụng lấy nước vào vùng ruộng mạ nữa.

4- Hồi cải cách ruộng đất vợ chồng bà Nhờ được chia một mãnh ruộng mạ của địa chủ mà nay là đất ở của bà và ông Ðiển. Năm 1960, trong phong trào hợp tác hóa, ông bà đã góp ruộng vào hợp tác xã. Năm 1969, ông Ðiển được hợp tác xã chia cho một mãnh ruộng là đất ở. Mấy năm sau, bà Nhờ và nhiều nhà trong vùng cũng được chia đất ở. Ðó chính là cái xóm mới, dân mới ra khoảng 20 năm. Mộ nằm trên đất cô Nhường, đúng ra là trên đất cô Nhờ, cái âm thanh mà anh Nhã nghe lơ lớ như Nhường, Nhương, Nhượng, thực ra là Nhờ một cái tên rất quê và cũng ít gặp.

5- Ðường xá mà anh Nhã vẽ trên bản đồ thì anh Ðạt và cụ Yền nhận ra ngay, nhưng cụ Yền nhận xét: nó được vẽ theo đường ngày xưa, ang áng như bây giờ thôi.

Tất cả những thông tin trên đến với anh Nhã đúng như đã diễn ra cách đây 50 năm (Chính xác là 49 năm + 1 tháng), sớm nhất cũng là 20 năm. Nhưng thông tin đến với anh không theo trình tự thời gian và cũng chẳng có mối liên kết giữa các hiện tượng, thành thử đã có lúc tôi nghĩ nó chỉ là trận đồ bát quái do anh bày ra.

6- Những dấu hiệu và tín hiệu khác cũng rất đúng nhưng lại là
những hiện tượng mới xảy ra, đang xảy ra hoặc sắp xảy ra. Cái gốc cây đổ là cây nhót mà ông Ðiển mới chặt, nhưng chưa kịp đánh gốc. 5 cây cỏ lại có 10 bông hoa màu tím nhạt thì sớm nhất cũng chỉ ra hoa được một tuần trước đó. Rồi bé gái mặt áo hoa xanh, rồi con chó vàng nằm một chỗ như ốm, rồi cái nhà mà bốn mặt điều sơn màu trắng lốp, trước nhà đầy hoa đỏ ... tất cả đều đúng, nhưng tại sao anh Nhã nói trúng như thế, chính anh cũng không hiểu thì tôi làm sao mà hiểu được?

7- Cái bản đồ do anh Nhã vẽ, sau này tôi mới hiểu là chỉ có thể dùng để định hướng thôi, không thể xem như một bản đồ địa chính. Có những chỗ rất đúng về chi tiết như: rẽ trái 60 mét, rồi rẽ phải 45 mét. Nhưng cái quán ông An thì lại không nằm cạch đường, mà nằm bên kia cái đầm sen, cách nhà ông Ðiển chừng nửa cây số; cái quán tạp hóa có cửa màu xanh dương cũng không nằm cạnh ngã tư, mà nằm ở bên kia một cái ao to, tuổi tác của cô Nhường, của ông An, cũng chỉ áng chừng chứ không thực chính xác.

8- Ðịa điểm ngôi mộ rất đúng, nhưng chỉ đúng cho một hình vuông, có cạnh 5 mét. Ngoài hình vuông đó sẽ chạm vào 2 ngôi mộ khác. Trong khoảng diện tích 25m vuông đó phải đào một cái hố chỉ rộng 2,5 mét vuông, quả là không dễ gì trúng ngay được. Khi vẽ bản đồ anh ghi: Mộ nằm cách gốc cây đỗ 4 mét. Nếu đào đúng như thế về hướng đông - đông nam thì trúng. Nhưng khi anh hướng dẫn tôi về hình tam giác thì lại chỉ còn cách gốc cây đổ 1,5 mét. Khi chỉnh mộ thì anh bảo phát triển về hướng nam, đúng ra là phải phát triển về hướng đông - đông nam. Lần thứ hai, với sự chỉ dẫn của đôi bướm màu, thì tiến thêm về đông nam là đúng hướng. Nhưng nếu đào thì phần cuối của hố mới gần chạm đến đầu hài cốt. Phải đào một cái hố thứ ba, xoay ngang theo hướng tây bắc - đông nam và lùi hẳn về hướng đông hai mét, lấy dảy hoa tím chiếu thẳng ra bờ ao làm cạnh của hố, mới trúng được hài cốt. Qua đây, tôi hiểu tại sao anh Nhã dặn tôi, chỉnh mộ là một quá trình vất vả lắm đấy. Thực tình nếu phải đào đến cái hố thứ hai mà không đạt kết quả thì niềm tin và hy vọng mong manh của tôi vào con đường thần bí chắc sẽ bốc hơi hết, không còn gì để đào tiếp cái hố thứ 3. Nếu không nhờ được cháu Hằng chỉnh mộ theo con đường gọi hồn thì bao nhiêu công sức của anh Nhã và của tôi đều bỏ phí, xem như rơi vào tỷ lệ trật 40%.

9- Về độ sâu của cái hố phải đào thì chỉ dẫn đầu tiên của anh Nhã là rất đúng. Chính ở độ sâu 1,5 mét, chúng tôi đã bốc được hài cốt. Nhưng khi chỉnh mộ thì anh lại hai lần yêu cầu đào sâu thêm nữa. Phải chăng chính anh cũng đang phải mò mẫm trong sự bí ẩn?


NGHI VẤN VỀ SỰ BÍ ẨN

Hài cốt em tôi thì tôi đã tìm thấy, nhưng những con đường bí ẩn dẫn đến kết quả ấy thì vẫn là bí ẩn. Khám phá ra những điều bí ẩn ấy không phải là điều dễ dàng. Tôi chỉ qua thể nghiệm của riêng mình mà đề xuất một số vấn đề, một số câu hỏi để các chuyên gia về lĩnh vực này xem xét.

1/ Tôi có căn cứ để tin rằng đã gặp linh hồn em tôi, anh tôi và chị tôi, cả linh hồn cụ Giám là người chôn cất và linh hồn cụ An là người chứng kiến. Cháu Hằng đã nhận dạng được linh hồn, thậm chí nhận diện được linh hồn qua tấm ảnh, đã nghe được tiếng nói của linh hồn. Như vậy linh hồn phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó, có hình thù, có khả năng phát ra tiếng nói. Ðã là một dạng vật chất thì vật lý học, hóa học, y học, sinh học, với những phương tiện quang học và điện tử tinh vi, hẳn sẽ có ngày tìm ra. Các nhà khoa học Việt Nam có thể đóng góp gì theo hướng đó?

2/ Tôi nhận thấy linh hồn người chết vẫn thể hiện những tình cảm vui buồn, quan tâm, ước muốn (thậm chí giận dữ như cụ Giám, tranh cãi như cụ An); vẫn nhớ và kể lại những việc đã qua, kể cả những việc xảy ra sau khi thể xác mình đã chết, vẫn theo dõi và đánh giá được những việc mà người sống đang làm. Như vậy linh hồn không phải là một vật thể vô tri vô giác, mà là một vật thể sống, có tình cảm và tư duy. Ðiều này đặt ra một câu hỏi: Có một thế giới linh hồn ngoài thế giới của con người đang sống không?

Thế giới linh hồn hoạt động như thế nào? Có khả năng tác động gì vào thế giới của con người đang sống không?
Ðể đáp ứng những sự mong muốn của linh hồn người thân, người sống dâng đồ cúng tế tiền bạc, đồ dùng hằng ngày (dưới dạng vàng mã) là đúng hay nhảm nhí? Linh hồn có tiêu vong đi không? Hay là tồn tại mãi mãi?

Tìm lời giải cho những vấn đề này, nếu chỉ dựa vào suy luận thì sẽ dẫn đến tranh cãi bất tận. Vấn đề là chứng minh.

3/ Hầu hết mọi người đều không có khả năng nhìn thấy linh hồn, nhìn thấy hài cốt vùi lấp dưới lớp đất dày mấy mét. Chỉ một số ít người như cháu Hằng có khả năng đó. Khả năng đặc biệt ấy là do cấu tạo đặt biệt sinh lý nào vậy? Y học nên quan tâm tìm ra lời giải.

4/ Nếu khả năng nhìn thấy linh hồn và nghe thấy tiếng nói của linh hồn có thể quy về cấu tạo sinh lý đặc biệt của một số người thì khả năng nhận biết được những thông tin bí ẩn của anh Nhã, anh Liên và một số người khác càng khó khám phá hơn. Nhưng, một khả năng đã giúp cho nhân dân tìm được hằng ngàn hài cốt liệt sĩ, chẳng lẽ không đáng bỏ công tìm hiểu, khám phá?

5/ Ðể làm những công việc trên, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã lập ra một trung tâm nghiên cứu có tên là "Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người". song quyền hạn và phương tiện thì rất hạn hẹp. Nên chăng thành lập một viện nghiên cứu có sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước, có sự quyên góp tự nguyện của những người quan tâm? Công việc của viện này, nếu thành công, xác nhận được sự tồn tại của linh hồn, thì không những có ý nghĩa nhân văn mà còn có ý nghĩa về nhiều mặt khác, kể cả về hình sự (Nếu người bị giết tự nói ra thì kẻ giết người tránh sao khỏi tội?), không những có ý nghĩa quốc gia mà còn ý nghĩa quốc tế.


Trần Phương.