Chương 13 - Nữ Thánh An Lạc


Đại đức, xin ngài đừng rời khỏi Ấn Độ trước khi đến viếng Nirmala Devi, vị nữ thành nổi tiếng khắp nơi mà người ta gọi là Đức Mẹ An Lạc.

Cháu gái tôi, Amiyo Bose, nói với tôi bằng một giọng khẩn thiết.

- Lẽ tự nhiên tôi muốn gặp nữ thánh. Tôi có nghe nói về trình độ tâm linh siêu đẳng của bà. Việc ấy đã được tường thuật trong một bài báo đăng trên tạp chí Đông Tây nhiều năm trước đây.

Amiyo nói tiếp:

- Cháu đã gặp nữ thánh khi ngài đến viếng Jamshedpur. Do lời khẩn cầu của một người đệ tử, Đức Mẹ An Lạc đã đích thân đến nhà một người bệnh đang hấp hối. Bà đứng một bên giường người bệnh, và khi bà đặt bàn tay lên trán y, thì cơn hấp hối của y liền ngưng bặt. Chứng bệnh của người ấy cũng tiêu tan ngay tức khắc, y liền khỏi bịnh và ngồi dậy được.

Vài ngày sau đó, tôi nghe nói rằng Mẹ An Lạc đang lưu trú tại nhà một vị đệ tử ở khu Bhowanipur tại Calcutta. Bạn Richard liền từ nhà ra đi. Khi chiếc Ford đến gần khu phố ấy, chúng tôi nhìn thấy một cảnh tượng lạ lùng.

Đức Mẹ An Lạc đang đứng trong một chiếc xe hơi mui trần, và ban ân huệ cho một đám đông độ chừng một trăm người đệ tử, trước khi bắt đầu một chuyến khởi hành. Bạn Richard đậu xe cách đó một quãng và cùng tôi xuống đi bộ đến chỗ có đám đông. Vị nữ thánh đưa mắt nhìn về phía chúng tôi, rồi bước xuống xe và đi đến đón chúng tôi.

- À, đại đức đã đến!

Với những lời chào đón nồng nàn ấy, bà choàng hai tay vòng quanh cổ tôi và để đầu áp vào vai tôi. Bạn Richard mà tôi vừa nói cho biết rằng tôi không quen biết với vị nữ thánh, lấy làm ngạc nhiên vô cùng và cái cử chỉ đón tiếp thân tình nồng hậu đó của bà. Đám đông các vị đệ tử cũng nhìn thấy cảnh tượng đó với những cặp mắt vô cùng bỡ ngỡ.

Ngay khi đó, tôi nhận thấy rằng nữ thánh đang vào một trạng thái nhập định siêu đẳng. Quên rằng mình đang mang một cái thể xác của một người phụ nữ, bà chỉ biết rằng minh là một linh hồn bất biến, và từ cõi giới tâm linh siêu việt đó, bà vui vẻ đón mừng một bạn đồng môn cùng mến yêu Thượng Đế. Bà nắm tay tôi đi và chiếc xe của bà. Tôi nói:

- Thưa Mẹ An Lạc, tôi e làm chậm trễ chuyến đi của Mẹ!

Bà đáp:

- Thưa đại đức, tôi gặp ông lần đầu tiên trong kiếp này sau đã bao nhiêu thế hệ! Xin đại đức khoan đi đã!

- Chúng tôi cùng ngồi trên niệm ghế sau của chiếc xe mui trần. Trong giây lát Mẹ An Lạc liền bước vào trạng thái nhập định. Đôi mắt đẹp như mơ của bà chỉ hé mở độ một nửa, tròng mắt đứng, nhìn về cõi xa xăm vô định. Các đệ tử đứng gần liền cất tiếng hát nhỏ bài thánh ca tôn sùng Đức Mẹ Thiêng Liêng.

Tôi đã từng gặp nhiều vị chân tu thánh đức ở Ấn Độ, nhưng chưa thấy một vị nữ thánh đạt tới một đạo hạnh cao siêu như bà. Gương mặt dịu hiền của bà tỏa ra một niềm phúc lạc từ bi khôn tả, khiến cho người đời gọi bà là Đức Mẹ An Lạc. Những lợn tóc đen dài để thòng xuống sau cổ một cách tự nhiên, đầu để trần. Một điểm son nhỏ tô trên trán tượng trưng cho linh nhãn, vốn đã khai mở từ lâu trong tâm thức của bà. Gương mặt thanh tao nhẹ nhõm, đôi bàn tay nhỏ, đôi bàn chân cũng nhỏ, thật là tương phản với trạng thái tâm linh siêu việt của bà!

Trong khi Mẹ An Lạc còn đang nhập định, tôi đưa ra vài câu hỏi cho một nữ đệ tử đứng gần bên. Cô ấy đáp:

- Mẹ An Lạc sinh năm 1896 tại làng Kheora, miền đông tỉnh Bengale. Năm nay mẹ đã Bốn mươi tuổi. Mẹ An Lạc di chuyển khắp nơi ở Ấn Độ. Ở vài nơi mẹ có đến hàng trăm đệ tử. Những cố gắng can đảm của Mẹ đã đưa đến sự thực hiện những công tác cải tiến xã hội đáng kể. Tuy là một người Bà La Môn. Mẹ không thừa nhận sự phân chia giai cấp. Một nhóm đệ tử chúng tôi luôn luôn cùng đi theo Mẹ để săn sóc trợ giúp mọi tiện nghi. Chúng tôi phải lo phục dịch mẹ từng việc nhỏ nhặt vì Mẹ không chú ý đến phần thể xác. Nếu không ai cung cấp vật thực, thì Mẹ cũng không ăn, hay đòi hỏi chi cả. Dầu cho bữa ăn đặt ngay trước mặt. Mẹ cũng không động đến. Để cho Mẹ đừng biến mất khỏi cõi thế gian này, bọn đệ tử chúng tôi phải đút cơm cho Mẹ vào tận miệng. Trong nhiều ngày liên tiếp, Mẹ thường lọt vào trạng thái xuất thần nhập định, đôi mắt không chớp, thì hầu như không còn thở. Một trong những người đệ tử thân cận, chính là vị phu nhân của Mẹ. Nhiều năm trước đây, ít lâu sau hai ông bà thành hôn, thì ông ấy phát nguyện giữ tịnh khẩu.

Vị nữ đệ tử nói xong, bèn chỉ cho tôi thấy một người đàn ông vai rộng, dáng dấp phong nhã, râu tóc để dài, đang đứng yên lặng giữa đám đông, chắp hai tay với thái độ kính cẩn của một đệ tử đứng trước tôn sư.

Mát mẻ khỏe khoắn sau một cơn trầm mình trong cõi vô cùng, Đức Mẹ An Lạc bây giờ mới trụ tâm thức trở về với cõi hồng trần hạ giới. Bà hỏi với một giọng trong trẻo du dương:

- Thưa đại đức, xin đại đức cho biết hiện ngài đang ở đâu?

- Hiện nay tôi ở Calcutta hay Ranchi, nhưng tôi sẽ trở qua Mỹ một ngày gần đây.

- Đại đức qua Mỹ?

- Thưa vâng. Những người tầm đạo bên đó chắc sẽ hết lòng chiêm ngưỡng một vị nữ thánh Ấn Độ. Mẹ có muốn đi không?

- Nếu đại đức có thể đem tôi theo, tôi sẽ đi.

Câu trả lời đó làm cho những đệ tử đứng gần bên lâm vào tình trạng báo động. Một vị nói thẳng với tôi:

- Thưa đại đức, chúng tôi có độ hai mươi người luôn luôn đi sát cánh với Mẹ An Lạc. Chúng tôi không thể sống nếu không có Mẹ. Bất cứ nơi nào Mẹ đi đến, chúng tôi cũng phải đi.

Tôi đành phải bỏ ý định đó với một cách tiếc rẻ, vì xét ra nó không phù hợp với thực tế với số lượng người đòi đi theo quá đông! Lúc từ giã nữ thánh, tôi nói:

- Ít nhất cũng xin mời Mẹ cùng với các môn đệ đến viếng Ranchi. Với tư cách là một người con của Thượng Đế, Mẹ sẽ vui thích mà nhìn thấy những trẻ thiếu nhi của trường tôi.

- Đại đức muốn cho tôi đi đâu, tôi cùng vui lòng.

Ít lâu sau đó, Trường Ranchi đã chuẩn bị đón tiếp vị nữ thánh. Những trẻ thiếu nhi luôn luôn chờ đợi một ngày hội hè, lễ lạc. Đó là những dịp hiếm có mà chúng khỏi phải học bài, được vui chơi thỏa thích, và một buổi tiệc thịnh soạn để kết thúc chương trình!

- Đức Mẹ An Lạc vạn tuế!

Tiếng chào mừng tập thể vang lên từ mấy chục cuống họng, trẻ thơ thốt lên để nghinh tiếp khi phái đoàn nữ thánh bước vào cổng trường, giữa những cánh hoa vàng thả tung bay tới tấp vào các vị quý khách, tiếng chụp chõa loảng xoảng, tiếng tù và thổi vang tai và tiếng trống đập "mridangam". Mẹ An Lạc bước đi khoan thai với vẻ mặt tươi cười trên sân trường đầy ánh sáng ban mai, thân hình kiều diễm của bà dường như toát ra một bầu hào quang tràn đầy niềm phúc lạc của cõi đời!

- Cảnh vật ở đây rất đẹp!

Nữ thánh cất tiếng nói rất lịch sự khi tôi đưa bà bước vào phòng khách của trường. Bà ngồi bên cạnh tôi với một nụ cười hồn nhiên như trẻ con. Bà làm cho người ta cảm thấy thoải mái như ngồi đối diện với một bạn thân, tuy nhiên một vòng hào quang xa cách vẫn luôn luôn bao phủ chung quanh bà. Đó là sự cô lập mâu thuẫn của trạng thái Toàn Thông!

- Xin Mẹ hãy nói cho biết vài điều về cuộc đời Mẹ.

- Đại đức biết hết rồi, còn lập lại làm gì?

Chắc hẳn bà cảm thấy rằng tiểu sử của một kiếp người ngắn ngủi không có gì đáng nói.

Tôi cười, và nhẹ nhàng lập lại lời yêu cầu của tôi.

- Thưa đại đức đời, đời tôi không có gì nhiều để thuật lại.

Bà khoát nhẹ hai bàn tay yểu điệu xin xắn và nói tiếp:

- Tâm thức tôi không hề kết hợp với cái xác phàm giả tạm này. Trước khi tôi sinh ra đời, tôi vẫn thế. Khi tôi là một đứa bé gái nhỏ, tôi vẫn thế. Khi lớn lên đến tuổi trưởng thành, tôi vẫn thế. Khi cái gia đình mà tôi sinh trưởng ở đó sắp đặt mọi việc để gả chồng cho cái xác này, tôi cũng vẫn y như thế. Và, bây giờ đây, ngồi trước mặt đại đức, tôi cũng vẫn thế. Đến muôn đời về sau, dầu cho thế cuộc xoay vần biến chuyển đến vô cùng tận, tôi cũng sẽ vẫn vậy thôi.

Nữ thánh An Lạc lại đắm chìm trong một cơn nhập định thâm sâu. Thân mình bà yên lặng như pho tượng, bà đã quay trở về cõi giới vô hình huyền dịu xa xăm. Đôi mắt đẹp của bà lại trở nên mờ đục, không còn trụ vào ngoại cảnh nên coi như đã hết tinh thần. Đó là hiện tượng vẫn thường xảy ra khi các nhà hiền giả rút lui tâm thức ra khỏi xác phàm vật chất, chừng đó nó chỉ còn là một cái xác không hồn. Chúng tôi ngồi bên cạnh nhau suốt một giờ trong cơn đại định của nữ thánh. Kế đó Mẹ An Lạc xả thiền để trở về trần giới với một nụ cười vui vẻ. Tôi nói:

- Thưa Mẹ An Lạc, xin Mẹ hãy cùng tôi bước ra ngoài vườn để bạn Richard chụp vài tấm ảnh kỷ niệm.

- Tôi đồng ý. Ý muốn của đại đức cũng là ý muốn của tôi.

Đôi mắt của nữ thánh lại phục hồi sinh khí với vẻ đẹp thiêng liêng bất diệt khi bà đứng yên cho chúng tôi chụp ảnh. Đến giờ nhập tiệc. Mẹ An Lạc ngồi xếp bằng trên một tấm nệm vuông, có một nữ đệ tử ngồi bên cạnh để đút cơm cho bà. Như một đứa trẻ nhỏ ngoan ngoãn, nữ thánh nhai nuốt thức ăn do vị đệ tử cầm đưa lên tận miệng. Người ta thấy rõ là Mẹ An Lạc không hề biết có mùi vị khác biệt giữa món rau đậu xào carry với món bánh sữa tráng miệng!

Chiều đến, nữ thánh cùng với các môn đệ từ giã chúng tôi giữa hai hàng thiếu nhi tiễn đưa phái đoàn bằng những cánh hoa hường tung bay rãi rác như mưa, trong khi Mẹ An Lạc đưa tay ban ân huệ cho bọn trẻ. Gương mặt chúng huân hoan chói rạng tình thương mà vị nữ thánh đã làm khơi động trong lòng chúng một cách dễ dàng.

Dẹp bỏ mọi thứ tình cảm luyến ái thấp kém của phàm ngã, Mẹ An Lạc đã đặt tròn niềm chung thủy trung kiên nơi Thượng Đế. Không phải bằng sự suy luận, phân tách triết lý của các nhà học giả, mà chỉ bằng một đức tin vững chắc, vị nữ thánh hồn nhiên như trẻ thơ đã giải quyết xong bài toán khó khăn bí hiểm của đời người, là thực hiện sự hợp nhất với Thượng Đế.