Chương 5 - Một Chuyện Hồi Sinh


Buổi sáng đẹp trời, Sri Yukteswar bình luận Thánh kinh Gia Tô tại đạo viện ở Setampore. Ngoài ra vài đệ tử khác, tôi cũng có mặt với một nhóm thiếu sinh của tôi ở trường học Ranchi.

Sư phụ bình luận đến đoạn phục sinh nhiệm mầu của thánh Lazare. Xong rồi, người xếp quyển thánh kinh đạt trên đầu gối và đắm chìm trong im lặng. Một lúc sau, Sư phụ nói một cách trịnh trọng:

- Thầy cũng đã từng chứng kiến một phép mầu tương tự, đức Lahiri Mahâsaya đã làm cho một người bạn của Thầy sau khi đã chết rồi, được hồi sinh trở lại.

Sự tò mò hiện trong đôi mắt của những thiếu sinh đứng chung quanh tôi. Phần tôi, tôi luôn luôn thích thú được nghe những câu chuyện kinh nghiệm của Sri Yukteswar về đức Tôn sư của người. Sư phụ bắt đầu nói:

- Râma với Thầy là hai người bạn thiết không hề rời nhau. Nhút nhát và thích sống cô đơn, y chỉ đến tịnh thất của sư phụ vào lúc sáng sớm, là những giờ ít có những đệ tử ở gần bên. Vì thầy là người bạn thân nhất, nên Râma thường tâm sự cho Thầy biết những tiến bộ tâm linh củ mình và nhờ đó Thầy cũng hưởng thụ được nhiều sự ích lợi.

Gương mặt của Dri Yukteswar dịu hẳn lại vì kỷ niệm đó.

- Thình lình, Râma bị một cơn thử thách rất nặng. Y mắc bịnh thời khí Á Châu. Vì sư phụ thầy không bao giờ quên kêu gọi đến các bác sĩ trong mọi trường hợp trọng bịnh, nên hai vị y sĩ chuyên khoa được mời đến một cách khẩn cấp. trong khi hai vị đang săn sóc người bịnh, Thầy hết lòng cầu nguyện Thượng Đế để cho sư phụ ra tay cứu giúp. Thầy bèn hối hả đến gặp Sư phụ và vừa khóc vừa thuật chuyện lại. Sư phụ nói với một nụ cười khích lệ: "Các vị y sĩ đang lo chữa cho Râma. Nó sẽ hết bịnh".

Thầy vui mừng trở về giường bịnh của Râma, lúc ấy đang nằm trong cơn bất tỉnh! Một trong hai vị y sĩ nói với thầy, với một cử chỉ thất vọng: "Y chỉ còn sống chừng vài giờ nữa thôi".

Thầy lại chạy đến gặp sư phụ. Người vẫn vui vẻ nói: "Các y sĩ đều là những người có lương tâm. Thầy chắc là Râma sẽ bình phục".

Thầy lại trở về chỗ cũ, thì các vị y sĩ không còn trực bên giường bịnh nữa, một vị để lại cho Thầy ít chữ: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, nhưng trường hợp này đã tuyệt vọng!"

Râma dường như đã sắp trút hơi thở cuối cùng. Thầy không hề nghi ngờ lời nói của Sư phụ, tuy vậy nhìn thấy bịnh trạng của Râma mỗi lúc càng suy sụp dần, Thầy đã nghĩ rằng: "Thôi, thế là hết!" Thầy rán săn sóc y với hết sức mình. Bỗng y mở mắt kêu lên:

- Yukteswar, anh hãy chạy mau cho sư phụ hay rằng tôi sắp chết. Yêu cầu người ban ân huệ cho thể xác tôi trước khi làm lễ hỏa táng.

Nói vừa dứt lời, Râma thở dài một tiếng và trút linh hồn.

Thầy khóc trọn một giờ trên xác chết của Râma. Luôn luôn ôn hòa yên tịnh lúc sinh thời, y đã đạt tới sự yên tĩnh hoàn toàn trong lúc chết. Một đệ tử vừa bước vào, Thầy yêu cầu y hãy trực tại đó cho đến khi Thầy trở về. Hoàn toàn thất vọng, thầy đi đến tịnh thất của sư phụ. Sư phụ vừa mỉm cười vừa hỏi:

- Râma mạnh giỏi thế nào?

Thầy đáp một cách run rẩy:

- Bạch sư phụ, sư phụ sẽ thấy y trong giây lát! Trong vài giờ nữa, sư phụ sẽ có thể chiêm ngưỡng xác chết của y trước khi đem đi hỏa táng ở nghĩa địa!

Nói đến đó, thầy ngường bặt và khóc sướt mướt. Sư phụ nói:

- Con hãy bình tĩnh, Yukteswar. Hãy ngồi xuống để tham thiền.

Sư phụ liền đắm chìm trong cơn đại định. Trong buổi tối và đêm hôm đó diễn ra trong sự im lặng hoàn toàn, Thầy cố gắng lấy sự bình tĩnh những vô hiệu quả. Đến sáng, Sư phụ nhìn Thầy, an ủi:

- Ta thấy con hãy còn xúc động. Tại sao hôm qua con không nói rõ là con ước mong thầy cứu giúp cho Râma một cách cụ thể, dưới hình thức một phương thuốc nào đó chẳng hạn?

Sư phụ bèn chỉ một cái đèn dầu phộng, tim bấc để nằm trong một cái bình đựng dầu hình giống như cái chén.

- Con hãy rót dầu từ trong bình đó ra một cái lọ, rồi con hãy rót đúng bảy giọt vào trong miệng của Râma.

Thầy phản đối:

- Bạch sư phụ, y đã chết từ trưa ngày hôm qua, dầu này nay còn dùng để làm gì?

- Không sao! Con hãy làm như lời Thầy dặn!

Sự vui vẻ của Sư phụ thật không hiểu nổi. Thầy lấy làm buồn bực vô cùng, tuy vậy Thầy cũng lấy một ít dầu và trở về nhà của Râma.

Thầy thấy thân mình y đã cứng đơ trong trạng thái của xác chết. Tuy vậy, Thầy cũng lấy một ngón tay cậy miệng y và nhỏ dầu vào giữa hai hàm răng cắn chặt của y.

Khi đã nhỏ đu bảy giọt dầu vào miệng y. Râma cử động mạnh. Những bắp thịt của y run lên từ đầu đến chân, y liền ngồi nhỏm dậy và nói:

- Tôi thấy sư phụ mình bao bọc hào quang sáng rỡ như mặt trời, chung quanh có những tia chớp. Người ra lịnh cho tôi: "Con hãy ngồi dậy và hãy quên đi giấc ngủ của con. Hãy cùng với Yukteswar đến đây với Thầy!"

Thầy còn chưa tin những gì đang diễn ra trước mắt, thì Râma đã ngồi dậy và tỏ ra có đủ sức để cùng đi với Thầy đến nhà sư phụ. Đi đến nơi, y cúi lạy dưới chân sư phụ và vừa khóc vừa tạ ơn.

Sư phụ không còn cảm thấy cái vui nào hơn. Đôi mắt người long lanh sáng nhìn Thầy với một cái nhìn có ý nghĩa. Người nói:

- Yukteswat, thầy chắc rằng từ nay con sẽ không bao giờ rời khỏi chai dầu phộng! Khi con vừa thấy một xác chết, con chỉ cần đổ bảy giọt dầu là có thể đẩy lui được Thần Chết!

- Bạch Sư phụ, sư phụ chế diễu con và con chưa hiểu tại sao, xin Sư phụ giải thích rõ về sự lầm lạc của con".

Đức Lahiri Mahâsaya bèn giải thích:

- Thầy đã nói lập lại hai lần rằng Râma sẽ khỏi bịnh, nhưng con vẫn chưa hoàn toàn tin lời Thầy. Thầy không hề nói rằng các y sĩ sẽ cứu y khỏi chết, mà chỉ nói rằng học đang săn sóc y. Giữa hai điều đó, không hề có một sự liên hệ về nhân quả. Thầy không muốn can thiệt vào việc làm của các y sĩ, họ cũng cần phải sống!

Sư phụ vui vẻ nói tiếp:

- Con hãy biết rằng Chân Như Đại Ngã (Paramatman) có thể chữa khỏi bất cứ người bịnh nào, dù rằng có hay không có thầy thuốc ở gần bên.

Thầy thú nhận một cách bẽn lẽn:

- Bạch sư phụ, con đã thấy lỗi của con. Kể từ nay con biết rằng lời nói của sư phụ cũng đủ làm đảo lộn cả vũ trụ!

KhiSri Yukteswar vừa kể xong câu chuyện bi kịch lạ lùng ấy, một trong những thiếu sinh của tôi đưa ra một câu hỏi thật ngây thơ:

- Bạch Tôn sư, tại sao đức sư tổ lại cho uống dầu phộng?

- Con hỡi, chất dầu phộng không có quan hệ gì cả, vì ta trong mong ở sư phụ một hành động cụ thể nào đó, nên người lấy bất cứ vật gì nằm trong tầm tay, như một tượng trưng để khêu gợi nơi ta một đức tin mãnh liệt. Sư phụ để cho Râma chết bởi vì ta đã có sự nghi ngờ. Nhưng Sư phụ biết rằng, khi người đã tuyên bố rằng Râma sẽ khỏi bịnh, thì việc đó phải xảy ra đúng y như vậy, dẫu rằng phải làm cho Râma hồi sinh sau khi đã chết, vì bịnh thời khí này thường làm chết người!

Sri Yukteswar cho nhóm thiếu sinh đi về, người bảo tôi ngồi trên nệm gần bên, và nói với một giọng nghiêm trọng khác thường:

- Yogânanda con hỡi, từ thuở lọt lòng mẹ, con đã luôn luôn sống với những vị đệ tử của đức Lahiri Mahâsaya ở chung quanh con. Sư phụ ta đã sống cuộc đời siêu việc của người trong sự ẩn dật, và nhiệt liệt từ chối không cho phép các đệ tử thành lập một cơ quan tinh thần nào căn cứ trên những giáo lý của người. Tuy nhiên, người đã đưa ra một lời tiên tri có ý nghĩa:

"Vào khoảng năm chục năm sau khi Thầy từ trần, cuộc đời Thầy sẽ được ghi chép lại vì pháp môn Yoga sẽ gây nên một sự thích thú sâu xa ở phương Tây. Tiểu sử Thầy sẽ là một thông điệp Yoga lưu truyền đi khắp thế giới để giúp cho việc thiết lập một nền thân hữu đại đồng trong nhân loại".

Sri Yukteswar nói:

- Yogânanda con hởi, con phải thực hiện việc lưu truyền bức thông điệp đó bằng cách viết tiểu sử của sư phụ ta.

Lahiri Mahâsaya từ trần năm 1895 và quyển sách này được viết xong vào năm 1945. Tôi phải lưu ý đến sự kiện này là năm 1945, lại trùng hợp với năm mở màn cho một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên của nguyên tử lực. Hơn bất cứ lúc nào hết, vấn đề hòa bình và tình thương trong nhân loại lại được nêu ra, vì nếu không có hai điều này thì việc lạm dụng nguyên tử lực sẽ tiêu diệt nhân loại trên mặt quả đia cầu, với tất cả những vấn đề khó khăn của họ.

Lòng bác ái, tương trợ lẫn nhau, tức là những phương thuốc để hàn gắn những vết thương của nhân loại, không thể nẩy sinh ra từ những sự tranh luận lý trí giữa người đời, mà do sự ý thức được tính đồng nhất giữ mọi loài vạn vật, vì là cùng xuất xứ từ một nguồn gốc duy nhất tức là Thượng Đế. Mong rằng pháp môn Yoga, được phổ biến rộng rãi trên thế gian không phân biệt chủng tộc và tín ngưỡng, sẽ là cái khí cụ để thể hiện lý tưởng bác ái đại đồng trong nhân loại.

Ít có sử gia nào đã vạch rõ sự kiện này, là sự tồn tại của nền văn minh Ấn Độ như một quốc gia cổ nhất thế giới, không phải là một việc ngẫu nhiên tình cờ, mà là cái hậu quả hợp lý của lòng sùng thượng của dân tộc Ấn đối với những chân lý trường cửu muôn đời. Những chân lý này, nền văn minh cổ Ấn Độ đã từng nêu cao và làm sáng tỏ trải qua các thời đại do bởi các bậc thánh nhân hiền triết. Chính điều ấy đã làm cho nền văn minh Ấn Độ có thể thách thức thời gian, trong khi thời gian đã tiêu diệt các nền văn minh khác.

Trong Thánh kinh Buble có thuật chuyện Abraham cầu nguyện đấng Thiêng Liêng che chở cho dân tộc Sodome, và được câu trả lời của đấng Vô cùng: "Dân tộc ấy sẽ không bị tiêu diệt, nhờ bởi mười bị hiền giả của họ". Câu chuyện này gieo một tia ánh sáng mới để giúp cho ta hiểu lý do vì sao xứ Ấn Độ đã thoát khỏi cái số phận của Babylone, Ai Cập và những nước lớn khác của đấng Thiêng Liêng chỉ rõ ràng một dân tộc được tồn tại không phải nhờ sự tiến bộ vật chất, mà là nhờ bởi sống thuận theo đạo lý.

Mong sao nhân loại ngày nay có thể nghe lời cảnh cáo thiêng liêng đó, trong một thế kỷ đã từng trải qua hai cuộc Thế Chiến đẫm máu. Một quốc gia nào không đếm được ít nhất là mười người hiền đức chắc chắn là sẽ đi vào những bậc thánh nhân hiền triết của nó. Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, những bậc sứ giả của Thiêng Liêng đã từng thánh hóa xứ Ấn Độ. Những bậc hiền giả hiện kim như Lahiri Mahâsaya và vị đệ tử người là Sri Yukteswar đã xuất hiện để tuyên bố rằng pháp môn Yoga là cần thiết cho nền hạnh phúc và sự sinh tồn của một quốc gia, một dân tộc, hơn cả những thành quả tiến bộ vật chất, kỹ thuật.

Cho đến nay, chỉ có rất ít tài liệu được công bố về đời sống của đức Lahiri Mahâsaya và giáo lý của người. Trong khoảng ba mươi năm, tôi đã gặp ở Ấn Độ, Mỹ quốc và Âu châu một sự thích thú nồng nhiệt về pháp môn Yoga qua sự diễn đạt và phổ biến của Tôn sư. Do đó, ngày nay người ta cảm thấy cần công bố một bản tiểu sử của đức Tôn sư ở bên các nước Tây Phương, là nơi người ta chỉ biết rất ít về đời sống của các nhà đạo sĩ Yogi hiện đại.

Lahiri Mahâsaya sinh ngày Ba Mươi tháng Chín năm 1828 tại làng Ghurni, quận Nadia, gần Krishnagar, tỉnh Bengale, Ấn Độ. Sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn đạo hạnh, ông là con út của bà Muktakashi, vợ kế Gaua Mohan Lahiri. Bà mẹ từ trần từ ngày ông còn thơ ấu.

Người thiếu niên tên gọi Shyama Charan Lahiri trải qua thời kỳ thơ ấu tại nhà cha mẹ tại quận Nadia. Hồi mới lên ba bốn tuổi, Lahiri đã biết ngồi thiền theo tư thế Yoga.

Tài sản của gia đình Lahiri bị tàn phá vào mùa đông năm 1833, khi con sông Jalangi ở gần nhà thình lình đổi giòng nước và đổ vào sông Hằng. Một ngôi đền thờ thần Shiva do gia đình Lahiri dựng lên cùng với ngôi nhà đều bị giòng nước cuốn đi mất.

Tôn ông Gaur Mohan Lahiri và gia đình bèn rời khỏi Nadia và định cư tại Bénarès, tại đây ông mới xây dựng một ngôi đền Shiva khác. Tôn ông điều khiển gia đình theo giới luận Phệ Đà, gồm có những nghi thức lễ bái, thực hành hạnh bố thí, và học thánh kinh. Tâm hồn ngay chính và khoáng đạt, tôn ông vẫn không xa cách trào lưu tư tưởng cận đại.

Thuở nhỏ Lahiri theo học các môn Phạn ngữ và sinh ngữ, thánh kinh Phệ Đà, và từng tham dự một cách say mê những cuộc thảo luận triết lý giữa các nhà bác học Bà La Môn.

Lahiri là một thanh niên tốt bụng, dễ thương và được các bạn hữu mến chuộng. Thân hình cân đối và khỏe mạnh, chàng rất giỏi về môn bơi lội và các môn thể dục khác.

Năm 1846, chàng Lahiri cưới Kashi Moni, con gái của một vị nhân sĩ khả kính trong vùng. Là một hiền phụ gương mẫu, Kashi Moni đảm trách mọi việc nội trợ một cách hoàn hảo theo truyền thống cổ Ấn Độ. Trong vài năm sau, gia đình Lahiri sinh được hai người con trai, là Tincuri và Ducuri.

Năm 1851, vào năm hai mươi tuổi, Lahiri Mahâsaya làm kế toán viên sở quản trị hành chánh trong quân đội Anh và đã được thăng chức nhiều lần trong thời gian phục vụ. Như thế, Người không phải chỉ là một vị tôn sư có sứ mạng Thiêng Liêng mà còn làm tròn những bổn phận thế gian trong đời sống hằng ngày mà người có một vai trò phải đóng góp.

Khi các công sở được chỉnh đốn lại, Lahiri Mahâsaya được thuyên chuyển lần lượt đến nhiều thị trấn khác nhau. Khi lịnh tôn qua đời, Lahiri phải hoàn toàn đảm lấy trách nhiệm coi sóc gia đình, lúc ấy đang cư ngụ tại một khu vực yên tĩnh gần Bénarès.

Chính vào năm ba mươi ba tuổi là lúc mà Lahiri Mahâsaya mới biết rõ cái định mệnh nó dắt dẫn người đầu thai chuyển kiếp xuống thế gian. Ngọn lửa tàn âm ỉ dưới lớp tro thình lình bốc cháy phừng lên thành một ngọn lửa hồng rực rỡ sáng chói. Một định luật thiêng liêng, ẩn dấu đối với mắt phàm của người đời, hành động một cách bí mật để biểu lệ mọi sự mọi việc vào đúng lúc, khi ngày giờ đã điểm. Lahiri đã gặp gỡ sư phụ của người, đức Bâjia, ở gần Ranikhent trên dãy Tuyết Sơn, và được thụ giáo pháp môn Kriyâ Yoga.

Cơ hội tốt lành ấy xảy ra không phải vì sự tiến hóa riêng của Lahiri, mà toàn thể nhân loại sẽ được hưởng thụ có kho tàng kiến thức và minh triết thâm sâu của pháp môn Kriyâ Yoga. Mất đi từ nhiều thế kỷ, và sau cùng được đưa ra ánh sáng trở lại, pháp môn Kriyâ Yoga, ví như ngọn suối nước cam lồ để giải khát cho những linh hồn khát khao đạo lý đi tìm sự hợp nhất với thiêng liêng, phải là vật sở hữu chung cho tất cả mọi người trần gian đau khổ đi tìm sự giải thoát.