Chương 8 - Gương Thánh Thiện


Sợi dây liên lạc trường cửu giữ Tôn Sư và đệ tử đã nối liền Babâji với Lahiri Mahâsaya. Với một sự chăm sóc đầy trìu mến, vị tôn sư bất tử đã không quản âm dương cách biệt mà theo dõi người đệ tử trong cõi vô hình bên kia cửa Tử, và tiếp tục dìu dắt y trong vòng bí mật lúc y mới tái sinh trở lại cho đến khi trưởng thành. Khi người đệ tử được ba mươi ba tuổi, Babâji mới thấy rằng thời giờ đã điểm để công khai nối lại sự liên lạc trong quá khứ. Sau cuộc tiếp xúc ngắn ngủi tại Ranikhet, tôn sư mới cho đệ tử mến yêu hạ sơn và lãnh một sứ mạng cứu độ trần gian. "Con hỡi, ta sẽ có mặt một bên con khi nào con cần đến ta". Thử hỏi, có thứ tình nào của thế gian có thể bảo đảm một lời hứa hẹn long trọng như thế?

Trong sự âm thầm mà thế gian không hề biết đến, một sự phục sinh tâm linh vĩ đại đang được chuẩn bị nơi một địa điểm hẻo lánh ở ngoại ô thành Bénerès. Cũng như một cái hoa có hương thơm không thể bị mai một trong quên lãng, Lahiri Mahâsaya mặc dầu sống cuộc đời người gia trưởng, vẫn không thể dấu sự cao cả tâm linh của mình trước mắt người đời. Không bao lâu, những kẻ tầm sư học đạo từ bốn phương đã tìm đến để được thấm nhuần ân huệ thiêng liêng mà người ban rải cho họ.

Tại sở làm, viên trưởng phòng người Anh là người đầu tiên đã nhận thấy sự thay đổi lạ kỳ nơi Lahiri, mà ông ta gọi là "Tiên sinh trầm lặng". Một hôm, Lahiri Mahâsaya hỏi thăm ông trưởng phòng của mình:

- Thưa ông, hôm nay tôi thấy hình như ông không được vui. Xin ông cho biết lý do tại sao?

- Tôi đang lo buồn vì vợ tôi ở bên Anh quốc đang đau nặng.

- Để tôi thử dọ tin tức của bà giùm cho ông.

Lahiri Mahâsaya liền rời khỏi văn phòng, tìm nơi hẻo lánh và ngồi tham thiền trong một lúc. Một chập sau, người trở lại trạng thái bình thường và nói với nụ cười an ủi:

"Bà đã khá nhiều, trong lúc này bà đang ngồi viết thơ cho ông.

Kế đó, Lahiri kể sơ vài đoạn trong bức thơ bà ấy đang viết. Ông trưởng phòng sáng mắt lên:

- À, "tiên sinh trầm lặng", tôi biết ông không phải là một người thường. Tuy vậy, tôi vẫn không tin rằng ông có thể chế ngự được không gian và thời gian tùy ý muốn!

Bức thơ Anh quốc đã đến. Ông trưởng phòng rất đổi ngạc nhiên mà được biết rằng không những bà vợ ông đã khỏi bệnh, mà còn viết trong thơ chính những câu mà Lahiri Mahâsaya đã đọc cho ông nghe từ mấy tuần lễ trước!

Sau đó vài tháng, bà trưởng phòng đáp tàu sang Ấn Độ. Bà đến viếng sở Hỏa Xa nơi văn phòng của Lahiri Mahâsaya đang làm việc. Vừa thấy Tôn sư, ba ta bước đến chào một cách rất cung kính:

- Thưa ông, chính ông đã xuất hiện với một vầng hào quang sáng rỡ bên giường của tôi ở Luân Đôn. Sau khi đó, tôi đã hoàn toàn khỏi bịnh! Nhờ đó mà tôi có đủ sức chịu đựng cuộc hành trình lâu dài bằng đường biển để sang Ấn Độ.

Ngày nào cũng có một hai người mộ đạo đến khẩn cầu Tôn sư cho họ làm lễ nhập môn theo đạo pháp Kriyâ Yoga. Ngoài những bổn phận tâm linh và công việc ở sở làm, tôn sư còn chú trọng đến vấn đề giáo dục. Người thành lập nhiều nhóm học sinh và đóng một vai trò hoạt động trong việc truyền bá nền giáo dục ban trung học trong khu vực người Bengali ở Bénarès. Những buổi thuyết pháp thường xuyên của tôn sư về các thánh kinh Ấn Độ đã hấp dẫn một số đông thính giả mộ đạo.

Ý thức được sự hợp nhất của mình với Thượng đế, Tôn sư quý trọng tất cả mọi người, bất luận lớn nhỏ, cao thấp. Khi một đệ tử kính cẩn chào ngài, ngài luôn luôn đáp lễ. Với một sự thành thật khiêm tốn, ngài thường nắm chân những khách đến viếng và ít khi để cho họ đáp lễ một cách tương tự, tuy rằng sự kính trọng một vị tôn sư là một phong tục rất cổ ở phương Đông.

Ngài thường nói với các đệ tử:

- Con hãy luôn luôn nhớ rằng con không là sở hữu của một người nào, và cũng không ai là sở hữu của con. Con hãy nghĩ rằng có ngày con sẽ phải từ bỏ hết tất cả ở thế gian này, vậy các con nên hành đạo ngay từ bây giờ. Con hãy chuẩn bị đời sống ngay từ bây giờ bằng cách nâng tâm hồn lên tận Thượng đế do sự tham thiền. Cái thể xác bằng xương thịt này là nguồn gốc của mọi sự phiền não. Hãy cố gắng tham thiền để sớm nhận thức cái Tinh hoa bất diệt của chân ngã tiềm tàng ở nơi con, chính cái đó mới là thoát khải mọi điều đau khổ, nghiệp chướng. Vậy con đừng làm nô lệ của xác thân: pháp môn Kriyâ là cái chìa khóa bí mật sẽ mở cửa cho con lọt vào cõi giới Tinh thần.

Một ngày nọ, sư phụ đang giảng lý kinh Bhagavad Gita cho một nhóm đệ tử ngồi vây chung quanh, họ có dịp nhận thấy một bằng chứng trực tiếp về sự toàn thông của người. Khi sư phụ đang giải thích đoạn kinh nói về Tâm thức Bồ Đề giữa cảnh giời trần duyên vọng động, thình lình người thốt lên một tiếng kêu:

- Có một đám đông linh hồn đang bị chết đuối ở ngoài khơi biển Nhật Bổn!

Sáng ngày hôm sau, các đệ tử xem báo thấy có bài tường thuật một vụ đắm tàu làm cho một số đông người bị chết chìm ngoài khơi quần đảo Nhật.

Những đệ tử ở cách xa Lahiri Mahâsaya thường cảm thấy có ý thức về sự hiện diện vô hình của sư phụ. Người thường nói để an ủi những đệ tử vì ở xa không thể sống gần bên thầy:

- Ta luôn luôn ở bên cạnh những người thực hành pháp môn Kriyâ Yoga. Ta sẽ dắt dẫn họ đến mục đích nhờ công phu tu luyện để nới rộng tâm thức của họ.

Tu sĩ Sâtyânanda thuật chuyện một đệ tử ở xa không thể đến tận Bénarès, tuy vậy cũng được truyền pháp Kriyâ Yoga trong giấc mộng. Lahiri Mahâsaya đã xuất hiện đến với người đệ tử trên, đáp lại lời thỉnh cầu của y.

Lahiri Mahâsaya đã phân chia đạo pháp Kriyâ Yoga làm bốn cấp đẳng, từ đệ nhất đến tứ pháp môn. Ba cấp đẳng trên chỉ được truyền thụ cho những đệ tử đã thực hiện được những tiến bộ tâm linh khả quan và rõ rệt. Có lần một vị đệ tử sơ cơ, cho rằng mình đã tiến bộ nhưng không được thừa nhận đúng mức, bèn tỏ sự bất mãn và nói:

- Bạch sư phụ, con hẳn là đã sẵn sàng được truyền thụ đệ nhị pháp môn!

Ngau khi đó, cánh cửa mở hoát: Người bước vào là một đệ tử sơ cơ rất khiêm tốn, tên là Brinda Bhagat, làm thư tín viên sở bưu điện Bénarès.

Sư phụ nở một nụ cười thương mến và nói:

- Brinda, con hãy ngồi an tọa, và nói cho ta biết con đã sẵn sàng muốn được truyền thụ đệ nhị pháp môn hay chưa?

Người đệ tử kinh hoảng, chắp tay vái lia lịa và nói:

- Bạch sư phụ, xin sư phụ đừng cho con thụ pháp nữa. Con đã xứng đáng được thụ pháp ở cấp cao hơn chăng? Hôm nay con đến đây xin sư phụ ban ân huệ vì đệ nhất pháp môn Kriyâ cũng đã làm cho con quá say sưa ngây ngất đến nỗi con không thể phát thơ tín bưu điện được nữa!

- Brinda đã nhẹ bước phiêu diêu trên cỡi giới Tinh thần rồi đó!

Nghe sư phụ nói đến đó, người đệ tử kia lẳng lặng cúi đầu không nói gì. Kế đó y nói:

- Bạch sư phụ, con thấy rằng con chỉ là một người thợ dốt mà lại đi chê đồ khí cụ của mình là dở.

Người thư tín viên, hoàn toàn thất học, đã phát triển những khả năng siêu linh của mình bằng pháp môn Kriyâ đến nỗi những nhà bác học phải nhờ đến y để diễn đạt những đoạn khó khăn trong Kinh thánh. Xuất thân là một người dốt, Brinda lại nổi tiếng là thông minh xuất chúng trong giời các nhà học giả uyên bác.

Ngoài ra những đệ tử rất đông ở vùng Bénarès, còn có một số đệ tử khác đến vài trăm người từ bốn phương ở Ấn Độ tìm đến học Đạo dưới chân sư phụ.

Trong số những tu sĩ được nhập môn thụ pháp Kriyâ Yoga, có vài vị về say này trở nên những bậc thánh nhân đắc đạo. Trong một thời gian, Lahira Mahâsaya đã làm đạo sư cho hoàng tử Đông cung của vị Quốc vương ở Bénarès.

Biết rõ sự cao cả tâm linh của tôn sư, Quốc vương và hoàng tử đều xin thụ pháp Kriyâ Yoga, cùng với vị quốc vương Jotindra Mohan Thakur.

Một số đệ tử có địa vị khả quan và thế lực ở ngoài đời muốn truyền bá đạo pháp Kriyâ Yoga bằng phương tiện quảng cáo. Tôn sư bèn triệt để ngăn cấm việc ấy. Một đệ tử khác có thế lực muốn cho tôn sư được suy tôn trong quảng đại quần chúng như là vị thánh sống của Bénarès, nhưng tôn sư cũng từ chối không chịu. Người nói:

- Đạo pháp Kriyâ ví như một cái hoa, mùi thơ của nó phải được truyền đi một cách tự nhiên, không giả tạo. Những hột giống của nó sẽ nẩy mầm trong mảnh đất phì nhiêu của những tâm hồn đã có sự thức tỉnh tâm linh.

Tôn sư không muốn dùng những phương tiện quảng cáo hiện đại như báo chí hay hội hè, vì người biết rằng thông điệp mạnh mẽ của đạo pháp Kriyâ Yoga sẽ tự nó truyền đi trong thế gian như một làn sóng vô hình để tinh luyện những linh hồn mộ đạo. Những đệ tử gương mẫu phải tự họ chứng minh cho nguồn sinh khí bất tử của pháp môn Kriyâ Yoga.

Lahiri Mahâsaya về hưu năm 1886, từ hai mươi lăm năm sau khi nhập môn tại Ranikhet và sau ba mươi lăm năm làm việc như một công chức. Từ ngày quy điền, người có nhiều thời giờ rảnh rang, nên càng ngày càng có nhiều đệ tử hơn. Ngồi tĩnh tọa trên thế liên hoa, tôn sư giữ im lặng hầu như suốt ngày. Người ít khi rời khỏi tịnh thất, dầu cho để dạo một vòng trong vườn nhà. Những đệ tử luôn luôn đến viếng tịnh xá để chiêm ngưỡng tôn sư.

Những quan khách đến viếng tịnh thất đều kinh ngạc mà thấy Tôn sư biểu lộ những dấu hiệu đáng lo ngại: người không thở, không ngủ, các mạch máu và quả tim đều ngừng đập. Đôi mắt người đứng tròng trong nhiều giờ, toàn thân bất động của người đều bao trùm một niềm an tịnh thiêng liêng. Không một người đệ tử nào đến chiêm ngưỡng tôn sư mà không cảm thấy tâm hồn họ được yên tĩnh, thanh cao khi họ ra về: mỗi người đều nhìn nhận rằng bằng cách đó họ thọ lãnh luồng ân huệ bí mật của tôn sư, một vị sứ giả của Trời.

Lahiri Mahâsaya có thể được người đời suy tôn dưới cái danh hiệu Yogâvatar, có nghĩa là hiện thân của Yoga. Có lòng từ ái đối với tất cả, Tôn sư đã nâng cao trình độ tâm linh của xã hội loài người. Quyền năng của tôn sư biến đổi vài vị đệ tử cao cấp trở thành các bậc thánh, và sự truyền bá đạo pháp Yoga trong quảng đại quần chúng, đã đặt Lahiri Mahâsaya vào hàng các bậc cứu độ thế gian.

Với tư cách một vị giáo chủ, tôn sư đã mở rộng cửa đạo giải thoát cho tất cả mọi người bằng một phường pháp nhất định, đó là pháp môn Kriyâ Yoga.

Trong cuộc đời của tôn sư, người đã làm nhiều điều mầu nhiệm, nhưng điều lớn nhất là đã giản dị hóa đạo pháp Yoga, để cho mọi người thành tâm thiện chí học Đạo có thể lãnh hội được một cách dễ dàng.

Lahiri Mahâsaya thường nói về các điều mầu nhiệm như sau:

- Sự tác động của những định luật huyền bí, thường không được người đời biết rõ, không nên đem ra làm một đầu thảo luận ở chốn công cộng hoặc ấn hành một cách bừa bãi.

Nếu trong những trang sách này, tôi có vẻ vi phạm những lời trên đây, thì đó là bởi vì một sự chắc chắn từ bên trong do sư phụ truyền sang cho tôi, đã cho phép tôi bàn đến những chuyện ấy. Tuy nhiên, khi tôi kể lại cuộc đời của Babâji, Lahiri Mahâsaya và Sri Yukteswar, tôi thấy cần phải bỏ qua không nói đến một vài chuyện nhiệm mầu mà muốn giải thích rõ, có lẽ phải cần đến nhiều pho sách dày.

Bằng pháp môn Kriyâ Yoga, những người nào không thể cố gắng nhìn thấy hình ảnh của Thượng đế nơi kẻ khác, ít nhất sẽ khám phá ra ngài trong tận chốn thâm sâu bí ẩn nhất của lòng mình.

- Bạch sư phụ, sư phụ có bao giờ gặp đức Bâbâji chưa?

Một buổi chiều mùa hè yên tĩnh, tôi ngồi gần bên Sri Yukteswar trên bao lơn đạo viện, dưới ánh sao vằng vặc của vùng nhiệt đới chói rạng trên đỉnh đầu chúng tôi.

- Có.

Sư phụ mỉm cười trả lời câu hỏi của tôi với một niềm tôn kính khôn tả hiện ra trong cặp mắt:

- Thầy đã có hân hạnh được chiêm ngưỡng tôn sư ba lần. Lần thứ nhất là trong dịp thánh lễ Kumbha Mela ở Alahabad.

Thánh lễ Kumbha Mela là cuộc lễ tôn giáo long trọng được cử hành tại Ấn Độ từ nghìn xưa, và vẫn còn giữ được tính cách thu hút đối với quần chúng cho đến ngay nay. Hằng triệu tín đồ Ấn giáo đều quy tựu đông đảo trong dịp đó để chiêm ngưỡng hàng nghìn những tu sĩ, đạo sĩ, khuất sĩ ta bà, và các nhà tu khổ hạnh từ bốn phương đến đây, trong số đó có vài người chỉ rời khỏi am thất hay hang động vào dịp Thánh Lễ này để ban ân huệ cho các tín đồ và bá tánh thập phương. Sri Yukteswar nói tiếp:

- Vào lúc Thầy gặp đại đức Babâji, Thầy chưa phải là tu sĩ xuất gia, nhưng Thầy đã nhập môn với đức Lahiri Mahâsaya để được thụ pháp Kriyâ Yoga. Sư phụ khuyên Thầy nên đến dự Thánh Lễ Kumbha Mela ở Allahabad vào tháng giêng năm 1894, và đó là lần đầu tiên mà Thầy dự cuộc lễ. Thầy chỉ nghe tiếng động ồn ào của đám quần chúng, nhưng Thầy không gặp một bậc danh sư nào đáng kể. Thầy đi ngang qua cầu Bắc trên sông Hằng, và nhìn thấy một gương mặt quen đang ngồi bên cầu với chiếc bình bát khuất thực. Thầy thầm nghĩ trong cơn thất vọng "Cuộc Thánh Lễ này chỉ là một nơi ồn ào tiếng động và một ổ ăn mày" Thầy tự hỏi những nhà bác học Tây phương kiên nhẫn tìm tòi khảo cứu và nới rộng tầm kiến thức vì sự ích lợi vật chất của nhân loại, há lại chẳng được đẹp lòng Thượng Đế hơn là những kẻ biếng nhác ăn hại này, bề ngoài làm ra vẻ đạo đức, nhưng chỉ sống nhờ của bố thí?

Khi đó một vị tu sĩ xuất gia tác người cao lớn bước đến gần và nói với Thầy:

- Có một vị tu sĩ muốn mời ông.

- Ai vậy?

- Ông hãy đến gặp, rồi ông sẽ biết.

Thầy còn do dự, rồi cất bước đi đến một gốc cây lớn đang che bóng mát cho một vị tôn sư và các đệ tử ngồi vây chung. Vị tôn sư ấy, có một vẻ tiên phong đạo cốt khác thường, bèn đứng dậy khi Thầy vừa đến gần, rồi đưa tôi ôm lấy Thầy và nói một cách trìu mến:

- Chào đại đức Swami!

Thầy đáp:

- Bạch ngài, tôi chưa phải là tu sĩ xuất gia.

- Người nào mà do bởi nguồn cảm hứng thiêng liêng, khiến ta đã phán cho cái danh hiệu ấy, sẽ không thể từ chối được nữa!

Vị tôn sư thốt ra những lời ấy một cách rất giản dị, nhưng một giọng quả quyết cứng rắn rung động trong những lời nói của ngài, đột nhiên tôi cảm thấy tràn ngập một niềm say sưa mùi Đạo làm cho tôi ngây ngất. Mỉm cười vì đột nhiên tôi lại được đưa lên hàng tu sĩ xuất gia của dòng tu Swami, tôi nghiên mình cúi đầu làm lễ trước vị tôn sư đã ban cho tôi cái danh dự ấy.

Đức Babâji (vì đó chính là ngài mà lúc ấy Thầy còn chưa biết) chỉ chỗ Thầy ngồi một bên. Tác cao lớn, gương mặt trẻ trung, ngài giống Đức Lahiri Mahâsaya một cách lạ thường, như Thầy đã từng nghe nói nhưng bây giờ mới nhìn thấy tận mặt. Hiển nhiên là Tôn sư muốn rằng Thầy được hoàn toàn tự nhiên trước mặt ngài. Ngài hỏi:

- Con nghĩ sao về Thánh Lễ Kumbha Mela?

- Bạch Tôn sư, con hoàn toàn thất vọng cho đến khi con được gặp tôn sư. Sự Thánh linh và tất cả những sự ngu xuẩn động ồn ào đó thật không đi đôi với nhau chút nào!

Tôn sư nói:

- Con hỡi, con không nên xét đoán sự vô minh lầm lạc của người khác. Trên thế gian tất cả đều lẫn lộn cả tốt lẫn xấu, cũng như cát trộn với đường. Con hãy làm như bậc hiền giả chỉ lọc lấy chất đường mà loại bỏ chất cát. Tuy rằng một số tu sĩ hãy còn đắm chìm trong ảo vọng, vô minh, nhưng cuộc lễ cũng được thánh hóa bởi sự hiện diện của những người đã đạt tới sự giác ngộ thiêng liêng.

Thầy liền nhìn nhận Tôn sư nói đúng, vì chính Thầy đã được gặp ngài tại cuộc Thánh lễ này.

- Bạch Tôn sư, con đang nghĩ đến những nhà bác học Tây phương là những người có trí óc thông minh hơn nhiều đối với phần đông những tu sĩ dự cuộc Thánh Lễ. Họ sống bên các nước Âu Mỹ, có những tín ngưỡng khác và không biết có gì là cao cả trong những cuộc Thánh lễ vĩ đại như cuộc lễ này. Gặp được các vị chân sư Ấn Độ sẽ là một điều lợi ích rất lớn đối với họ. Tuy rằng họ có một khối óc rất thông minh, nhưng phần đông người Tây phương đều thiên về chủ nghĩa duy vật. Những người khác tuy lỗi lạc về các ngành khoa học hay triết học, lại không nhìn nhận tính cách đồng nhất căn bản của tất cả mọi tôn giáo, Sự mù quáng của họ là một bức rào chướng ngại nó hăm dọa một sự chia rẽ đời đời kiếp kiếp giữa Đông phương và Tây phương.

Tôn sư nói với một giọng chấp thuận:

- Ta thấy rằng con chú trọng đến Tây phương cũng như Đông phương. Ta cảm thấy lòng con bao quát cả hai chủng tộc lớn trên thế giới, vì vậy nên ta đã cho mời con đến đây.

Tôn sư nói tiếp:

Đông phương và Tây phương sẽ phải đi đến sự hợp nhất về mọi ngành sinh hoạt vật chất và tâm linh. Xứ Ấn Độ có nhiều điều cần phải học của phương Tây về phương diện tiến bộ kỹ thuật và văn minh vật chất. Trái lại, Ấn Độ sẽ dạy cho các nước phương Tây về các pháp môn Yoga là những phương pháp tiến bộ tâm linh bao quát đại đồng cho toàn thể nhân loại, và nguồn gốc của mọi tôn giáo.

- Hỡi đại đức Swamiji, con sẽ phải đóng vai trò của con trong việc thiết lập những mối liên lạc điều hòa giữa Đông phương và Tây phương. Trong vài năm nữa, ta sẽ gởi đến cho con một người đệ tử để con huấn luyện nhằm mục đích truyền bá pháp môn Yoga sang Tây phương. Những linh hồn khát khao chân lý đang đòi hỏi một sự giác ngộ tâm linh. Ta nhận thấy có nhiều vị thánh tương lai ở Âu Mỹ đang đợi chờ sự giác ngộ đó.

Kể đến đoạn này của câu chuyện, Sri Yukteswar nhìn tôi với một cách nhìn thâm sâu, và nói với một nụ cười dưới ánh trăng:

- Con hỡi, chính con là người đệ tử mà đức Babâji đã hứa gửi đến cho thầy từ nhiều năm về trước.

Tôi lấy làm sung sướng mà được biết rằng đức Babâji đã dìu dắt những bước chân của tôi đến gặp Sri Yukteswar. Tuy vậy, tôi cũng cảm thấy buồn mà phải đi sang Tây phương, từ biệt sư phụ mến yêu và chốn đạo viện êm dềm.

Sri Yukteswar nói tiếp:

- Kế đó, tôn sư nhắn với thầy một thông điệp để chuyển giao cho Lahiri Mahâsaya. Thầy kính cẩn cúi đầu từ giã tôn sư. Ngài hứa sẽ gặp lại ầy sau nầy. Sáng ngày hôm sau, thầy rời Allahabad đáp xe lửa đi Bénarès. Đến nơi tịnh thất của Lahiri Mahâsaya, Thầy mới kể lại cho sư phụ nghe câu chuyển gặp gỡ một vị Tôn sư trong cuộc Thánh lễ Kumbaha Mela. Sư phụ cười nói: "Chắc là con không nhìn ra ngài! Đó là sư phụ của ta, đức Babâyji thiêng liêng!"

Thầy bất giác kêu lên với một lòng sùng kính vô biên:

- Đức Babâji! Đấng đại giáo chủ Babaji! Vị cứu thế vừa hữu tình vừa vô hình! Tiếc thay, nếu con có thể được gặp ngài lần nữa để quỳ lạy dưới chân thiêng liêng của ngài!

Sư phụ nói để an ủi Thầy:

- Không sao, ngài đã hứa sẽ gặp lại con sau này.

- Bạch sư phụ, tôn sư có dặn con nhắn lại với sư phụ những lời này: "Hãy nói với Lahiri rằng nguồn sinh khí dự trữ trong kiếp này đã cạn khô và trống rỗng!"

Vừa nghe câu nói bí hiểm đó, Lahiri Mahâsaya run lên như bị điện giật, và kế đó liền đắm chìm trong một cơn im lặng thâm trầm. Người ngồi yên như pho tượng gỗ, nét mặt sa sầm, và dường như mất hết sinh khí. Tôi lấy làm ngạc nhiên và lo ngại. Tôi không hề thấy người nào bình nhật vui vẻ như Tôn sư mà lại có sự thay đổi tâm trạng đột ngột như vậy. Những vị đệ tử có mặt đều nhìn Tôn sư với một vẻ lo ngại.

Ba giờ đồng hồ trôi qua trong một cơn im lặng hoàn toàn. Kế đó tôn sư trở lại trạng thái vui vẻ bình thường và nói chuyện một cách thân tình với mỗi vị đệ tử, làm cho họ thốt ra những tiếng thở dài nhẹ nhõm.

Nhìn thấy những phản ứng đó của Sư phụ, Thầy hiểu rằng thông điệp của đức Babâji đã cho sư phụ biết rằng không bao lâu người sẽ phải rời bỏ xác phàm. Cơn im rằng đáng sợ vừa rồi có nghĩa là sư phụ đã tự đặt mình dưới sự kiểm soát của ý chí, và cắt đứt mọi sợi dây liên lạc lên cõi Tinh Thần. Những lời nói của Babâji cũng có nghĩa là: "Ta sẽ luôn luôn có mặt bên cạnh con".

Tuy rằng Babâji và Lahiri cả hai vị đều đắc pháp thần thông và có thể giao cảm với nhau bằng tư tưởng mà không cần đến người trung gian, hai vị đôi khi cũng xử sự theo lối thương tình. Có những trường hợp mà hai vị Tôn sư chuyển đạt những lời tiên tri bằng lối thông thường, qua một người truyền tin để cho sự thực hiện lời tiên tri đó được lan truyền và giúp thêm một đức tin mới cho những người được nghe câu chuyện ấy về sau này.

- Đó là một trong những lần viếng thăm cuối cùng của thầy tại nhà sư phụ. Sri Yukteswar kết luận.

Như Babâji đã tiên đoán, cuộc đời Lahiri Mahâsaya trong vai trò gia trưởng ở kiếp này đã gần chấm dứt. Mùa đông năm 1895, sư phụ bị một cái ung nhọt ở phía sau lưng. Người từ chối không chịu giải phẩu, và như vậy người đảm nhận việc trả quả báo xấu của các đệ tử trên xác thân mình. Ít lâu sau đó, sư phụ trút linh hồn tại Bénarès. Suốt cuộc đời Thầy đều được nguồn cảm hứng tâm linh của đức sư phụ toàn năng...