Chương 27 - Thịt Cừu Non


Một con cừu non, ngày kia, đến bên vòng tay Thượng Đế, nũng nịu:

- Thưa Ngài, tại sao tất cả loại thú ăn thịt đều chọn con làm món ăn thích nhất của chúng?

Thượng đế cười bảo:

- Biết sao bây giờ, con! Chính Ta đây, nhìn thấy con, Ta cũng sinh dạ muốn ăn con thay!

Lời bàn:

Câu chuyện u mặc trên đây của Ấn Độ Giáo muốn nói lên một thực tại siêu hình của Tạo Hóa.

Người ta thường cho rằng tạo hóa hiếu sinh, nhưng người ta cũng đã quên tạo hóa cũng hiếu sát.

Cái cười của thượng đế đây làm cho chúng tôi liên tưởng đến cái cười của Án Tử: Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu, trèo lên mặt thành, ngắm trông rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói:

- Đẹp quá! Thật là thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già, bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyết không nỡ bỏ nước Tề.

Lũ Sử Không, Lương Khưu Cứ thấy vua khóc, cũng khóc theo

Một mình Án Tử đứng bên cạnh cười.

Cảnh Công hỏi:

- Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không và Cứ đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là nghĩa làm sao?

Án Tử thưa:

- Nếu người giỏi mà giữ mãi được nước thì Thái Công, Hoài Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy ông vua ấy mà giữ mãi, thì vua nay chắc đang mặc áo tơi đầu đội nón lá, đứng giữa đồng mà lo việc ruộng nương, có được đâu chỗ này mà lo đến cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia, thay đổi mãi đến lượt nhà vua, mà nhà vua lại than khóc thật là kỳ lạ quá! Nay tôi thấy vua bất thức, bầy tôi lại siểm nịnh hùa theo, cho nên tôi cười.

Cảnh Công nghe nói lấy làm thẹn, rót chén rượu tự phạt, rồi phạt Không, Cứ, mỗi người một chén.

Nếu Tạo hóa chỉ hiếu sinh mà không hiếu sát, thì sông biển chỗ đâu mà cho loài thủy tộc sống, mặt đất này còn chỗ đâu cho người vật ở...? Cái luật sinh nằm trong cái luật sát. Chính ngay trong cái Chết mới thấy nháng lên một cái Sống vô tận của Đất Trời.