Chương 28 - Đôi Dép Da


Ngày xưa, bên Ấn Độ, có một nhà vua cảm thấy đau thương cho dân trong nước bị trầy chân hay đứt chân vì gai góc đá sỏi gồ ghề của mặt đất bèn cho vời quần thần đến ra lệnh:

- Trẫm không thể chịu nổi khi thấy con dân trong nước bị đá sỏi gai góc làm thương tổn đôi chân mềm mại. Vậy, hãy cố gắng cho lót bằng da thú tất cả mặt đất trong nước cho ta.

Một hiền giả cao niên trong nước khuyên vua:

- Theo ngu ý, thì tại sao bệ hạ không cho thi hành một cách giản dị và dễ thức hiện hơn, là truyền cho nhân dân mỗi người hãy cắt hai miếng da vừa với đôi chân. Như thế, kết quả cũng như nhau: Không ai bị đá sỏi gai góc làm tổn thương đôi bàn chân của mình nữa cả.

Vua nghe nói phải. Và nhờ đó mới có bày ra đôi dép da.

Lời bàn:

Giọng u mặc trong bài văn trên thật là một thứ u mặc thượng thừa, vì nó đã đặt ra một vấn đề vô cùng quan trọng của nhân sinh: Sự đối xử của con người với sự vật bên ngoài. Hay nói một cách rõ ràng hơn, nó đưa ra cho chúng ta hai phương pháp thức trị nội của Đông phương Đạo học và phương thức trị ngoại của Tây phương Khoa học

Cả hai phương thức, tuy khác nhau về phương tiện, nhưng mục tiêu đều phục vụ con người với một lòng thương yêu chân thành

Theo Đông phương Đạo học, bắt con người thích ứng với thiên nhiên dễ hơn và giản tiện hơn là bắt thiên nhiên chiều theo con người. Nói một cách khác: Mùa đông mắc áo lạnh dễ hơn là bắt đừng có một mùa đông.