Chương 10 - Biển Cá Lớn


Tĩnh Quách Quân Điền Anh muốn xây lại thành Tiết cho thật uy nghi hùng tráng, đám thực khách của ông khuyên can, nhưng Điền Anh vẫn không nghe, còn hạ lệnh:

- Ai can, ta sẽ chém!

Có một ông khách đến nói:

- Cho tôi gặp Tĩnh Quách Quân, tôi sẽ nói ba tiếng thôi, nếu dư tiếng nào thì buộc tôi đi!

Tĩnh Quách Quân gọi vào. Khách nói:

- Biển cá lớn!

Rồi quay lưng chạy, Tĩnh Quách Quân gọi theo:

- Mời khách ở lại! Mời khách ở lại!...

Khách vừa chạy vừa nói:

- Kẻ hèn này không dám đùa với cái chết!

Điền Anh nói:

- Không sao! Xin hãy nói tiếp!

Khách nói:

- Ngài không nghe nói loài cá lớn sao?

Lưới không bủa được nó. Câu không kéo được nó. Nhưng nếu nó mắc cạn thì loài kiến tý tẹo kia cũng xâu xé nó được. Nước Tề với ngài giống như biển với cá lớn vậy. Ngài còn nước Tề thì ấp Tiết này có kể chỉ Nhưng nếu nước Tề mất thì dù thành Tiết này có xây đụng trời cũng vô ích.

Tĩnh Quách Quân Điền Anh tỉnh ngộ đáp:

- Phải!

Rồi bỏ ý định xây dựng thành Tiết.

Lời Bàn:

Đây là đoạn văn nói về nghệ thuật thuyết phục. Ba tiếng "Biển cá lớn" chưa đủ ý nghĩa muốn nói, nhưng ông khách phải nói vậy để gây sự tò mò của người nghe. Đó là điều tiên quyết. Kế đến ông khách quay lưng chạy càng làm tăng thêm sự chú ý, đó là điều thứ nhì để "hấp dẫn" người nghe. Kết quả Điền Anh phải bỏ ý định xây thành Tiết.

Trên phương diện lịch sử, ta biết, ấp Tiết là đất phong của vua Tề cho Tướng Quốc Điền Anh. Ta có thể hình dung đó là một quốc gia trong một quốc gia. Xây thành kiên cố để chống giặc cũng không đến nỗi phung phí; nhưng chỉ làm riêng cho một ấp Tiết thôi, thì đó là "vì nhà" chứ không phải "vì nước". Xây riêng cho ấp phong của mình mà hao tốn của người dân, thâm lạm công quỹ, không mang tính toàn diện và quốc phòng thì bất lợi đủ điều: Triều đình sẽ nghi kỵ Ông, dân chúng sẽ khổ cực vì ông... Lời ông khách thuyết Điền Anh nhằm vào chỗ này.

Sau khi Điền Anh mất, Điền Văn là con lên nối nghiệp được vua Tề phong là Mạnh Thường Quân, ấp Tiết vẫn là ấp phong như cũ.