Chương 3 - Lời Cảnh Giác

Buổi trưa hôm ấy, Kiều Dung ngồi trước cửa nhìn ra bãi biển đằng trước mặt với những chiếc tàu buồm xa xa ở ngoài khơi. Khi nàng đang ngồi mơ mộng, một người kỵ mã từ trên đường cái đi qua trước nhà. Kiều Dung vừa ngước mặt lên nhìn, bèn lấy làm vô cùng xúc động mà nhận ra đó là người lạ mặt trong rạp hát chiều hôm trước.

Nàng bất giác thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên, và người kỵ mã vừa quay đầu lại nhìn thấy nàng, bèn gò cương ngựa. Người ấy đứng yên một lúc ngắm nhìn gương mặt người đẹp lúc ấy hơi ửng hồng và cất tiếng nói với một giọng thân mật:

- Cô có lấy làm sung sướng về cuộc đời nghệ sĩ đang hé mở trước mặt cô hay chăng? Vào lứa tuổi trẻ như cô, nghe tiếng hoan hô khen tặng của người đời còn đậm đà thú vị hơn là nghe tất cả những bài nhạc của cô hát trên sân khấu.

Kiều Dung còn do dự, nhưng giọng nói dịu dàng và trong trẻo của người lạ mặt làm cho nàng thình lình cảm thấy phấn khởi tinh thần. Nàng bèn đáp:

- Thưa tiên sinh, tôi không biết hôm nay tôi có sung sướng không, nhưng hôm qua thì hẳn là có. Và tôi cũng cảm thấy rằng tôi phải cám ơn ông, tuy ông sẽ khó mà hiểu tại sao.

Người kỵ mã mỉm cười và nói:

- Cô lầm rồi. Tôi biết rằng tôi có góp phần vào sự thành công chánh đáng của cô đêm qua, nhưng chính cô mới là thật không biết lý do tại sao. Để tôi nói cho cô nghe: tôi nhìn thấy trong tâm hồn cô có một ước vọng cao quý hơn lòng kiêu hãnh của phụ nữ. Tôi chiêm ngưỡng nơi cô một cái gì thanh cao thuần khiết của người con gái. Có lẽ cô thích được tôi chiêm ngưỡng cái tính chất nghệ sĩ của cô hơn?

- Ấy, không phải thế đâu. thưa tiên sinh!

- Tôi tin lời cô. Và bây giờ, vì lẽ chúng ta đã gặp nhau, tôi cần khuyên cô một điều. Khi cô trở lại hý viện, tất cả giới thanh niên trai trẻ ở Naples sẽ quỳ mọp dưới chân cô. Họ sẽ đến với cô như những con thiêu thân nhìn thấy đèn sáng. Thương thay! Ngọn lửa chóa mắt của ngọn đèn cũng có thể đốt cháy đôi cánh của chúng. Cô hãy nhớ rằng sự ái mộ duy nhất nó không làm tổn thương, hoen ố, lại chính là điều mà những kẻ si tình ấy không thể dâng hiến cho cô. Dù cho những mộng tương lai của cô như thế nào, cô cũng phải nhớ là hãy lấy gia đình làm trụ cột. Đó mới là những mộng nên thực hiện!

Người ấy ngừng lại, Kiều Dung cảm thấy quả tim nàng đập mạnh. Nàng vẫn chưa hiểu rõ hết tầm mức quan trọng của những lời khuyên đó. Với sự xúc động tự nhiên và ngây thơ, nàng đáp:

- Thưa tiên sinh! Ông có biết đâu một mái gia đình vẫn là điều quý báu nhất đối với tôi!

Một nét mơ buồn thoáng hiện trên gương mặt người kỵ mã. Người ấy ngắm nhìn ngôi nhà yên tĩnh khuất dạng dưới tàn lá rậm rạp của giàn nho tươi, rồi đưa mắr nhìn những nét linh động trên mặt nàng và nói:

- Tốt lắm. Một quả tim đơn sơ thường là điều tốt nhất của con người. Chúc cô được sung sướng luôn! Chào cô nữ ca sĩ xinh đẹp!

- Kính chào tiên sinh... Ấy nhưng...

Một sự xúc cảm mãnh liệt, khó cưỡng lại được, gồm cả ngại ngùng và hy vọng, làm cho nàng bất giác thốt lên câu hỏi: "Tôi sẽ gặp lại tiên sinh ở hý viện San Carlo nữa chăng?"

- Chắc là phải sau một thời gian. Tôi rời khỏi Naples ngay ngày hôm nay.

- Ủa! Thật vậy sao?...

Kiều Dung cảm thấy tim nàng ngừng đập, ýnghĩ thơ mộng về sự gặp gỡ nơi hý viện đã biến tan

Người kỵ mã day lại vừa đặt bàn tay lên bàn tay nàng vừa nói:

- Nhưng trước khi chúng ta gặp lại nhau, có lẽ cô sẽ phải chịu đắng cay, cô sẽ trải qua những sự buồn khổ đầu tiên của cuộc đời, và được biết rằng mọi sự thụ hưởng vật chất trần gian không thể nào bù lại được sự mất mát của quả tim! Nhưng cô hãy can đảm và chớ có mềm lòng.

Cô hãy nhìn xem cái cây kia mọc từ trong kẹt đá chui ra. Thân cây bị đá che lấp, còi cọc, vặn vẹo, vẫn cố gắng vươn mình ra ngoài để tăng trưởng và vẫn có cành lá sum sê như mọi cây khác. Cuộc đời nó chỉ làmột cuộc tranh đấu không ngường để tìm ánh sáng. Ánh sáng, chính là cái nguyên lý cần thiết của sự sống! Tranh đấu cho ánh sáng, tức là sớm muộn gì cũng sẽ thực hiện được sự chinh phục ánh sáng! Cũng y như vậy, tranh đấu với bản thân để đạt sự an tịnh của nội tâm, với một ý chí kiên cường và quả cảm, bất chấp mọi va chạm xô xát của đau khổ và định mệnh, đó là điều đem tới sự minh triết, an lạc và hạnh phúc.

Trước khi chúng ta gặp lại nhau, cô sẽ có dịp nhìn lại nhiều lần những cành lá của cái cây còi cọc ấy. Cô hãy lãnh hội bài học ấy của thiên nhiên, và chính cô, cô hãy tự vạch lấy một con đường xuyên qua bóng tối để đi đến ánh sáng!

Người kỵ mã vừa nói câu cuối cùng vừa lặng lẽ ra đi, để Kiều Dung ngồi lại một mình với sự ngạc nhiên, câm lặng và u sầu vì lời báo trước một chuyện đau buồn trong tương lai. Tuy vậy, trong cơn buồn nàng vẫn cảm thấy sung sướng. Nàng đưa mắt nhìn theo người kỵ mã một cách vô tâm, và cũng vô tâm, nàng bất giác đưa cả hai tay ra dường như để gọi chàng trở lại. Có lẽ nàng sẵn sàng chịu trả với bất cứ giá nào để được thấy chàng quay trở lại, để được nghe lần nữa cái giọng nói trầm hùng, trong trẻo của chàng, để được cảm giác lần nữa cái bàn tay chàng đặt nhẹ lên bàn tay nàng.

Người lạ mặt noi theo con đường dài đưa đến các tòa lâu đài một bên những khu vườn hoa công cộng, và đưa đến những khu vực đông dân cư trong thành phố.

Một nhóm thanh niên trưởng giả chơi bời đang tựu họp ở phía trước cửa một nhà chứa bạc, bèn dang ra khi người kỵ mã đến gần. Đó là một nơi tiêu khiển công cộng được mở ra cho khách làng chơi vào hồi thời đó, những người giàu có sang trọng trong các giới quý tộc thường tới lui ăn chơi bài bạc tại đây.

Người kỵ mã đi qua trước mặt họ và hơi khẽ nghiêng đầu. Một người trong bọn cất tiếng nói:

- Này, có phải đó là tay cự phú Zanoni mà cả thành phố đều bàn tán đó chăng?

- Phải đấy, người ta nói rằng y có một tài sản khổng lồ không thể nào đếm cho hết!

- "Người ta" là ai? Họ căn cứ vào đâu mà nói thế? Ông ta chỉ mới đến Naples có vài ngày, và cho đến bây giờ tôi chưa tìm ra được một người nào có thể biết gì về nguồn gốc, xứ sở, gia đình, và điều quan trọng nhất là... tài sản của y.

- Đúng vậy, nhưng ông ta đến đây trên một chiếc tàu buồm lớn mà người ta nói rằng đó là chiếc tàu riêng của y. Chiếc tàu ấy chúng ta không thể thấy được từ nơi đây, nhưng nó bỏ neo ở ngoài bờ biển. Những tay chủ ngân hàng mà y thương lượng công việc đều nói một cách kín cẩn về những số tiền mà y giao phó trong tay họ.

- Y từ đâu đến?

- Từ một hải cảng nào đó ỏ vùng Trung Đông. Một người nhà của tôi được biết, do những thủy thủ dưới tàu của y nói lại, rằng y đã từng sống nhiều năm trong vùng nội địa của xứ Ấn Độ.

- Ừ, họ nói rằng bên Ấn Độ, người ta lượm vàng như lượm sỏi, và có những vùng thung lũng tại đó loài chim làm tổ bằng những viên ngọc bích để thu hút những com bươm bướm!

Đến đây, thì bá tước Thố Xa, ông vua cờ bạc, bèn xuất hiện. Chắc hẳn là y đã làm quen với những người kỵ mã giàu sang. Y có tật bị chất vàng thu hút cũng như đá nam châm hút sắt!

- À này Thố Xa, có những tin tức nào mới nhất về số vàng của Zanoni tiên sinh chưa?

- Ồ! Của ông bạn tôi hả? - Thố Xa nói một cách buông trôi.

- À! À! Các anh nghe chưa, bạn của y đó!

- Đúng đấy. Ông bạn Zanoni của tôi sẽ đi La Mã trong vài ngày, y có hứa bận về sẽ hẹn ngày đến dùng cơm tối với tôi. Chừng đó tôi sẽ giới thiệu y với các bạn và với xã hội thượng lưu ở Naples. Các bạn biết chăng đó là một nhà quý phái sẽ mến nhất và vui tính nhất mà người ta có thể gặp!

- Anh hãy cho biết anh đã làm quen với y bằng cách nào?

- À! Ông bạn Bân Dư thân mến! Có gì lạ đâu! Y đang tìm một chỗ ngồi trên khán đài của hí viện San Carlo. Khỏi nói thì ai cũng biết rằng việc loan báo một chương trình ca kịch mới với một đào hát mới đã làm cho thiên hạ giữ hết chỗ trong rạp từ trước. Tôi được biết rằng Zanoni muốn có dịp thưởng thức tài năng của các nghệ sĩ thành Naples, và do bởi tính chất lịch sự quen thuộc của tôi đối với những ngoại nhân dòng sang nên tôi đã nhường cái "loge" của tôi cho y.

Y chấp thuận, tôi đợi gặp y vào lúc "ăng-trắc" y tỏ ra lịch sự và mời tôi dùng cơm tối tại tư gia. Chà chà! Y tiếp đãi sang trọng như ông hoàng! Chúng tôi thức rất khuya, tôi thuật cho y nghe những tin tức của thành phố, chúng tôi trở nên hai người bàn thân tình... và lúc chia tay ra về, y bắt buộc tôi nhận chiếc kim cương này như một món quà của y. Y nói: "Đó chỉ là đồ bỏ không đáng kể!" Nhưng các tay thợ kim hoàn ở đây đánh giá nó tới năm nghìn "bích-tôn!" Đó là đêm vui nhất của đời tôi từ mười năm nay!

Cả bọn đều vây chung quanh Thố Xa để chiêm ngưỡng hột kim cương của y. Một nhân vật có dáng vẻ nghiêm trang đạo mạo, đã làm dấu thánh giá hai lần trong khi nghe chuyện, bèn cất tiếng nói:

- Bá tước Thố Xa tiên sinh, ông có nghe chăng những lời đồn của thiên hạ về người lạ mặt ấy, và ông không sợ rằng nhận quà của y có thể đưa đến những hậu quả tai hại hay sao? Người ta nói rằng y là một nhà phù thủy, rằng y có vía xấu, và...

- Thôi, tôi xin ông hãy dẹp ngay tất cả những sự say mê tín cổ lỗ đó đi, - Thố Xa đáp một cách ngạo nghễ. - Sự dị đoan nhảm nhí đã lỗi thời, ngày nay là thời đại của triết lý và của sự hoài nghi. Dầu sao, những lời đồn đãi đó xuất phát từ đâu? Đây là nguồn gốc của sự tin nhảm! Một lão già ngu ngốc tám mươi sáu tuổi đã long trọng quả quyết rằng chính y đã nhìn thấy Zanoni cách đây bảy mươi năm ở tại Milan khi mà lão ấy hãy còn là một đứa trẻ. Hết thảy các bạn đều thấy rõ: Zanoni cũng chỉ vào lứa tuổi còn trẻ như anh và tôi thôi, phải chăng bạn Bân Dư.

Người khách kia nghiêm nghị nói tiếp:

- Ấy, chính đó mới là điều bí mật! Lão già Avelli tuyên bố rằng Zanoni không có vẻ thay đổi chút nào so với hồi mà lão thấy y tại Milan bảy mươi năm về trước. Lão còn nói thêm rằng, hồi y ở tại Milan dưới một cái tên khác, Zanoni đã xuất hiện với một cái phong độ giống y như bây giờ, cũng được bao trùm trong một màn bí mật tương tự, và tại đó một ông già khác cũng nhớ rằng đã từng gặp y các đó sáu mươi năm về trước ở bên xứ Thụy Điển!

Thố Xa đáp:

- Chà chà, đó chỉ là những huyền thoại! Người ta cũng nói y như vậy đối với tên bịp bợm Cagliostro. Tôi chỉ tin những điều đó khi nào tôi thấy hột kim cương này biến thành một bó rạ!

Y bèn nghiêm sắc mặt và nói tiếp:

- Vả lại, tôi coi Zanoni tiên sinh như bạn thân của tôi, và từ nay về sau, tôi sẽ coi như một sự mạ lỵ cá nhân bất cứ lời nói nào đụng chạm đến danh dự hay tổn thương đến tiếng tăm của bạn tôi.

Thố Xa vốn là tay kiếm sĩ cừ khôi mà cả nước Ý đều biết tiếng. Ông khách nghiêm trang, đạo mạo, mặc dầu lo lắng cho sự lành mạnh tâm linh của bá tước, đồng thời cũng lo ngại không kém cho bộ da của chính mình, bèn phóng cho bá tước một cái nhìn thương hại và bước qua cửa để đi lên phòng đánh bạc ở trên lầu.

- Ha ha! - Thố Xa vừa cười vừa nói, - lão già đó ganh tị với hột kim cương của tôi! Này các bạn! Các bạn sẽ tới dùng cơm tối với tôi chiều nay. Tôi cam đoan rằng tôi chưa bao giờ gặp một người bạn nào vui tính, dễ thương và lý thú như Zanoni tiên sinh!