Chương 7 - Một Dự Cảm Khó Hiểu


Khi người lạ mặt trở lại phòng ông lão vào ngày hôm sau, thì thấy ông ta đã bình tĩnh, hầu như đã hoàn toàn bình phục sau những cơn xúc động, đau khổ và xáo trộn tinh thần trong đêm trước. Ông lão tỏ sự biết ơn đối với chàng về sự cứu tử với những lời lẽ rất thống thiết, và cho chàng biết rằng ông ta đã cho gọi một người thân thuộc đến để chăm sóc ông ta trong những ngày tàn lụn của tuổi già. Lão nói:

- Tôi cũng còn lại một ít tiền, và từ nay trở đi, tôi không có lý do gì để hà tiện nữa.

Kế đó, ông lão thuật đại khái đầu đuôi câu chuyện về mối liên hệ giữa ông và tên hung thủ đã muốn ám sát ông ta. Vì sống cô độc một mình và không con, ông ta mới nuôi một người con nuôi. Ông ta bèn chọn một đứa trẻ mồ côi trong giới hạ lưu thấp kém nhất của xã hội. Thân hình xấu xí và mang ác tật của đứa trẻ này trước hết gây cho ông ta một niềm trắc ẩn, và sau đó là một tình thương thật sự. Thấy đứa trẻ tỏ ra có năng khiếu về môn hội họa, ông ta mới cho nó học nghề với họa sư David. Đứa trẻ đã sớm có ý thức về hình dạng xấu xí của nó, một nét xấu thật là phản tự nhiên. Ông lão mới dùng lời lẽ triết lý để an ủi nó, nhưng vô hiệu. Nhưng khi ông ta dạy nó rằng ở cõi đời này, tiền bạc, cũng như lòng từ thiện, có thể che đậy vô số những điều thiếu sót bất toàn, thì đứa trẻ nghe một cách thích thú say mê và nhận thấy trong những lời lẽ đó một niềm an ủi thật sự. Từ đó, người cha nuôi này bỗng có một sự đam mê mãnh liệt là cố gắng thâu thập tiền bạc của cải để gây dựng một sản nghiệp gia tài cho người con đỡ đầu của ông, là người duy nhất mà ông ta thương yêu ở trên đời này. Thế rồi ông ta đã được đáp ứng lại một cách đích đáng, như câu chuyện vừa xảy ra!

Ông lão vừa lau mắt vừa nói:

- Tôi cũng lấy làm sung sướng mà để cho nó trốn đi. Dẫu cho nó xô đẩy tôi vào một hoàn cảnh cùng khốn hoàn toàn, tôi cũng không nỡ lòng nào đi tố giác nó.

- Không, bởi vì ông phải chịu trách nhiệm về những tội ác của nó.

- Ủa, sao lạ vậy? Tôi là người luôn luôn dạy nó sống một cuộc đời lương thiện và đạo đức kia mà? Ông nói sao?

- Than ôi! Nếu đứa con nuôi của ông, chính nó không nói rõ cho ông biết hồi đêm qua, thì dẫu cho thiên thần giáng thế cũng không làm sao chứng minh điều đó cho ông được!

Ông lão có vẻ lúng túng và sắp sửa trả lời, thì người thân quyến mà ông ta đã cho gọi đến nơi, đáng lẽ còn ở tận Nancy, nhưng tình cờ trong lúc ấy lại đang có mặt ở Ba Lê, bèn bước vào phòng.

Đó là một người độ trên ba mươi tuổi, có gương mặt xương xẩy khắc khổ, ít nói, đôi mắt luôn luôn nhìn láo liên không ngừng, cặp môi mỏng dính luôn luôn mím chặt. Người ấy vừa nghe ông lão thuật lại câu chuyện đã xảy ra vừa rồi, vừa bất giác thốt lên những tiếng kêu bất nhẫn, và cố gắng thuyết phục ông lão hãy tố giác tên bất lương. Ông lão nói:

- Thôi đi, chú Duy Mật, chú là luật sư, nên chú đã quen coi thường mạng sống con người. Hễ có kẻ nào vi phạm luật pháp là chú liền kêu lên: hay đem nó ra xử tử!

Duy Mật đáp với một giọng bất bình:

- Tôi hử, hỡi triết gia khả kính, ông xét lầm tôi như thế sao? Không ai từng phản đối bộ hình luật nghiêm khốc của nước Pháp như tôi. Quốc gia không bao giờ nên áp dụng án tử hình, dẫu cho để xử tội kẻ sát nhân. Tôi đồng ý với chánh trị gia trẻ tuổi Robert (Robespierre) khi ông ta nói rằng người đao phủ là một phát minh của những tay bạo chúa. Sở dĩ tôi thành thật tham gia Cách Mạng, chính là vì tôi tin chắc rằntg chế độ mới sẽ bãi bỏ sự tàn sát đó vậy.

Vị luật sư ngưng nói để lấy lại hơi thở. Người lạ mặt chăm chú nhìn Duy Mật rồi biến sắc. Duy Mật nói:

- Thưa ông, thái độ của ông cho tôi thấy rằng ông không đồng ý với tôi, phải vậy chăng?

- Xin lỗi ông, ấy là vì tôi đang muốn đè nén nơi tôi một cơn sợ hãi mơ màng nó có vẻ như một điềm báo trước!

- Và sự sợ hãi đó do đâu mà ra?

- Tôi có cái linh cảm rằng chúng ta sẽ có ngày lặp lại nhau, nhưng chừng đó thì những ý nghĩ của ông về sự chết và về triết lý cách mạng sẽ thay đổi!

- Điều đó thì... không bao giờ!

Ông lão nãy giờ đã vừa nghe vừa tán thành những lời nói của người em họ luật sư, bèn nói:

- Chú Duy Mật nói nghe được đấy. Tôi thấy chú có một quan niệm rất chính xác về công lý và lòng vị tha, biết thương người. Vậy mà từ bấy lâu nay tôi vẫn chưa được biết rõ chú đấy. Chú hoan nghinh Cách Mạng là phải, vì cũng như tôi, chú cũng ghét chế độ độc tài của nền quân chủ chuyên chế và sự giả dối tham lam của bọn quý tộc.

Duy Mật nói:

- Ghét bọn vua chúa và quý tộc là chuyện đương nhiên. Làm sao tôi có thể thương yêu nhân loại mà không ghét bọn ấy.

Ông lão có vẻ do dự khi ông nói tiếp:

- Và chú có nghĩ như ông khách này chăng, rằng tôi đã lầm lạc mà muốn truyền dạy những triết lý của tôi cho thằng khốn khiếp đó?

- Tự nhiên là không. Ai lại đi phiền trách triết gia socrate bởi vì người môn đồ Alcibiade phạm tội tà dâm và phản bội?

Ông lão bèn day lại người khách lạ và nói:

- Ông nghe chưa? Ông có nghe chú em họ tôi vừa nói đó chăng? Nhưng Socrate cũng là một Platon. Từ nay, chú sẽ là Platon của tôi.

Nhưng người khác lạ đã bước ra cửa. Ai còn muốn thảo luận với những kẻ khư khư cuồng tín, nhất là sự cuồng tín của kẻ vô thần?

Duy Mật kêu lên:

- Ông đi sao? Tôi chưa có thời giờ để tạ ơn ông về việc cứu tử cho ông anh họ quý mến của tôi. Nếu có dịp nào ông cần đến tôi, tôi nguyện sẽ ra công khuyển mã để đền đáp ơn ấy.

Duy Mật vừa thốt lên lời biết ơn vừa tiễn đưa người khách lạ ra đến cửa ngoài. Đến ngưỡng cửa, y vừa đưa tay giữ người khách vừa quay đầu nhìn lại phía sau để xem chừng, và nói thấp giọng:

- Tôi phải trở về Nancy để khỏi mất thời giờ. Thưa ông, ông có nghĩ rằng thằng bất lương kia đã lấy hết tiền của lão già điên này chăng?

- Thưa tiên sinh Duy Mật, Platon có nói lén Socrate như vậy sao?

- A! Ông nói móc họng tôi! Nhưng thôi, ông có quyền nói như vậy. Xin chào ông. Chúng ta sẽ gặp lại nhau một ngày khác.

- Một ngày khác! - Người lạ mặt thì thầm một mình, rồi bỗng dưng nét mặt sa sầm. Chàng hối hả trở về phòng, đóng cửa ở nhà một mình suốt ngày. Định mệnh của chàng có thể dính líu bằng cách nào đến Duy Mật và tên hung thủ đang bôn đào? Tại sao chàng cảm thấy bầu không khí của thành phố Ba Lê dường như phảng phất có mùi máu và chứa đầy sát khí? Một linh cảm gì khiến cho chàng thình lình từ bỏ cái xã hội phồn hoa vui tươi của thủ đô Ba Lê, trung tâm của Ánh Sáng, văn minh và hy vọng của thế giới để không bao giờ trở lại? Một đời sống siêu việt của một nhân vật đặc biệt như chàng làm sao có thể bị ảnh hưởng bởi thế cuộc xoay vần, khiến cho chàng phải băn khoăn lo ngại?

Dầu sao, chàng đã gác bỏ những dự cảm có tính cách báo điềm đó. Chàng bèn rời khỏi nước Pháp và trở về nước Ý xinh tươi êm đềm với những nơi thắng cảnh cổ tích hùng vĩ. Chàng lại trở về một lần nữa với Kiều Dung, người giai nhân trên bờ sông xanh Parthénope, gần ngôi cổ mộ của thi hào Virgile bất hả ở ngoại ô thành phố Naples đầy thơ mộng.