Chương 9 - Tăng Cường Nghị Lực


Chưa ai định được tới đâu là cùng cực của sự mệt nhọc và tới đâu là bắt đầu sự làm biếng.
(Lời khuyên học sinh của một trường hàm thụ ở Pháp)

----------------------------------------

1. Ít cách tập hàng ngày

Ngay từ hôm nay, đều đều mỗi ngày, bạn tự bắt buộc mình làm vài hành động cần dùng tới nghị lực để tập những thói tốt và diệt những thói xấu.

Chẳng hạn:

- Bạn quen dậy trễ thì sáng mai nhất định dậy trước giờ đi.

- Bạn quen nằm rốn trên giường nằm, mười phút sau khi thức dậy thì sáng mai bỏ tật đó đi mà nhảy xuống sàn liền.

- Bạn không tập thể dục mỗi sáng và mỗi tối ư? Tối nay bạn sẽ tập mười phút trước khi đi ngủ.

- Ăn xong, bạn thường hút một điếu thuốc? Sau bữa cơm trưa nay, thử bỏ lệ đó xem được không? Rồi ngày mai, bỏ hút sau bữa ăn tối; ngày mốt, sau bữa điểm tâm, cứ thay đổi như thế để diệt thói quen.

- Mỗi ngày bạn hút bao nhiêu điếu? Hết một gói? Các y sĩ cho như vậy là nhiều quá. Sao không rút lần lần đi? Chẳng hạn trong bốn, năm ngày đầu, bớt mỗi ngày hai điếu, rồi cứ mỗi tuần sau; bớt thêm hai điếu nữa, cho tới khi chỉ còn hút mỗi ngày năm, sáu điếu? Nếu bỏ được luôn thì càng hay, nghị lực của bạn lúc đó đã tăng lên nhiều lắm đấy.

- Bạn thường trễ trong việc hồi âm cho bạn bè, bà con? Lần sau, nhận được thư của ai, bạn nhớ trả lời liền. Đừng để đến ngày mai việc gì có thể làm hôm nay được. - Bạn lại có thói nhận được thư thì xé ra coi ngay, nhiều khi trước mặt những người lạ, như vậy có vẻ không lịch sự. Ráng tự chủ một chút nào, dù nhận được thư mà bạn mong đợi từ lâu thì cũng để đó, mười lăm phút sau sẽ đọc.

- Bạn phải ôm gối dài mới ngủ được ư? Hồi tản cư bạn có vác theo gối dài để ôm không?

- Từ ngày mai chúng ta đánh giầy lấy, đánh cho thật bóng, không cần mượn người ở nữa, bạn đồng ý chứ?

- Bạn bảo trưa không có báo để đọc thì ngủ không được? Đó cũng là một thói quen, không hại lắm, nhưng diệt đi thì chỉ có lợi.

- Bạn hay chen tiếng Pháp vào giữa một câu tiếng Việt? Bây giờ người ta không thích cái thói đó nữa rồi, nó tỏ rằng óc ta làm biếng tìm tiếng và ta không chịu khó luyện tiếng mẹ.

Nếu tự xét một cách nghiêm ngặt ta sẽ thấy bọn mình ai cũng có hàng chục tật xấu nhỏ, lần lần bỏ được độ ba phần tư là có một tư cách đáng khen rồi. Khi bỏ một tật, mới đầu ta thấy khó khăn, sau nhờ thói quen, ta sẽ thấy dễ dàng. Tuy nhiên, như tôi đã nói trong một chương trên, ta phải đề phòng thói quen, nó làm cho ta không phải gắng sức nữa mà nghị lực của ta không có dịp dùng tới. Vì vậy, khi đã tập được một thói tốt, nên tập thêm một thói khác để tự bắt ta phải gắng sức. Trong cuốn Bảy bước đến thành công, Gordon Byron khuyên ta:

- Đặt trả lại trong hộp một trăm cây quẹt hoặc một trăm miếng giấy nhỏ, làm rất từ từ, đều đều và chú ý vào công việc.

- Đếm đi đếm lại trong năm phút vài chục vật nhỏ.

- Khoanh tay đứng trên mặt ghế trong năm phút. Như vậy có vẻ điên, nhất là khi có ai trông thấy, nhưng nếu ráng giữ được điệu bộ ấy mặc dầu có người phá thì đức tự chủ đã khá mạnh rồi đấy.

Những hành động ấy kỳ cục thật, song chính vì kỳ cục mà nó bắt ta phải vận dụng đến nghị lực.

2. Ít quy tắc nên nhớ

Khi tập luyện, bạn nên nhớ những quy tắc này:

- Muốn diệt một thói xấu thì đừng ngần ngại, phải xắn tay tấn công nó liền, cũng như người muốn tập lội phải nhảy ùm xuống nước, càng do dự càng hại cho nghị lực.

- Phải tiến chầm chậm, đừng quá hăng hái mà vội vàng làm những việc khó ngay, như vậy lỡ thất bại thì hoá nản chí mà bỏ dở chương trình.

Vì lẽ đó, Arnold Bennett, trong cuốn Sống 24 giờ một ngày đã khuyên ta:

"… Xin bạn đọc đề phòng lòng hăng hái của bạn. Nó có thể phản bạn và làm bạn lạc lối đấy. Nó la lớn lên để bạn dùng nó, mới đầu bạn không làm thoả mãn nó được, nó đòi hỏi nhiều hơn, nhiều hơn nữa; nó nóng nảy muốn dời núi lấp sông. Hễ làm không đổ mồ hôi thì nó không bằng lòng. Rồi khi nó thấy bạn đổ mồ hôi trán, thình lình nó lăn đùng ra, chết mà không kịp trối:

"Tôi chịu không được nữa rồi".

Vậy lúc đầu, xin bạn tập mỗi ngày một phút thôi và làm những việc dễ, lần lần sẽ tăng lên năm phút nữa và làm những việc khó hơn. Phải tránh mọi sự thất bại trong việc rèn nghị lực.

"Một sự thất bại tự nó có đáng kể gì đâu, nếu nó không làm mất lòng tự ái và tự tin của ta (…). Tôi không cho rằng một thất bại vẻ vang còn hơn một thành công nho nhỏ. Tôi rất thích những thành công nho nhỏ. Một thất bại vẻ vang không đưa tới đâu cả; một thành công nho nhỏ sẽ đưa tới một thành công khác không nhỏ đâu".

Phải làm đều đều, không nghỉ ngày nào và mỗi ngày phải tiến thêm một chút. Tôi đã có lần thấy một bà già gần sáu chục tuổi, gầy ốm mà ôm một con heo nặng có lẽ gấp rưỡi bà, từ trong nhà xuống sông để tắm cho nó. Tôi khen bà mạnh quá, bà đáp:

- Tôi nuôi nó từ hồi mới sanh, ngày nào cũng ôm nó đem tắm, nên quen đi.

Lời nói đó chứa cả cái bí quyết để thành công trong việc luyện sức, luyện trí và luyện đức.

- Mỗi khi thấy muốn nghỉ, ta nên gắng sức thêm một chút, một chút thôi. Chẳng hạn bạn đã học một giờ Anh ngữ, thấy học muốn "không vô" nữa, bạn định gấp sách lại đi chơi, nhưng hãy khoan, xin bạn hãy ráng ngồi thêm năm phút nữa, ôn lại bài cũ đã. Năm phút thêm đó có lẽ không lợi gì mấy cho sự học của bạn, nhưng rất có lợi cho sự rèn nghị lực. Thật đúng như một trường hàm thụ nọ ở Pháp đã bảo học sinh: "Chưa ai định được tới đâu là cùng cực của sự mệt nhọc và tới đâu là bắt đầu của sự làm biếng".

3. Tự kiểm soát và tự phạt mình

Hồi nhỏ, còn cắp sách tới trường, nếu không vì gia cảnh bó buộc, thì ai cũng học đến nơi đến chốn. Lớn lên, theo một lớp hàm thụ thì trăm người chỉ được hai mươi người thành công. Sở dĩ vậy chỉ tại hồi nhỏ có cha mẹ rầy, có thầy giáo phạt, mà lớn lên ta được tự do, muốn học thì học, muốn nghỉ thì nghỉ. Cho nên muốn có kết quả, ta phải tự kiểm soát rồi phạt. Vậy mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, hoặc ít nhất cũng mỗi tuần một lần, ta tự xét xem:

- Trong ngày đó có làm đúng theo chương trình đã định không.

- Có chú ý vào mỗi công việc không.

- Đã diệt được thói xấu nào.

- Đã tập thêm được thói tốt nào.

- Học được những gì.

- Làm được những việc gì có ích.

- Có theo đúng những lời khuyên trong cuốn này không.

Ta nên ghi những thất bại và thành công vào một cuốn sổ tay và mỗi tháng tổng cộng lại xem tiến hơn tháng trước được bao nhiêu.

Nếu tiến được nhiều thì ta tự thưởng một cái gì đó; nếu thụt lùi thì phải tự phạt bằng cách này hay cách khác, chẳng hạn, luôn trong một tuần phải dậy sớm hơn mười phút, hoặc mỗi ngày hút bớt đi hai điếu thuốc.

Không nên khoan hồng mà cũng không nên quá nghiêm khắc với mình. Nếu ta tự phạt một cách nặng quá, theo không nổi, thì ta sẽ bỏ hết, công phu luyện tập sẽ mất, và ta đâm liều, đã lỡ rồi, cho lỡ luôn.

Tôi còn nhớ, hồi tám, chín tuổi đọc trong Quốc văn giáo khoa thư truyện một người rón rén từng bước trên một quãng đường lầy lội nhưng người ấy lỡ dẫm nhầm một vũng nước, bùn tung toé lên lấm hết quần áo, từ đó không còn giữ ý gì nữa, bước càn trên đường. Tôi không hiểu tại sao bài học đó đập mạnh vào óc tôi đến nỗi bây giờ nhắm mắt lại, tôi còn thấy đủ chi tiết của tấm hình trên bài: một người đàn ông bận áo dài đen, đội khăn đen, đi đôi giày ta, khom khom bước trước cửa ô Quang Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu tại Hà Nội.

Bài đó chứa một tâm lý rất đúng và một lời khuyên đáng ghi: phải giữ sao cho đừng có điều gì để tự khinh minh được, một người đã tới nước tự khinh mình rồi là một người bỏ đi. Tự đặt hình phạt cho mình mà rồi bỏ không theo, tức thì là tự khinh mình rồi vậy.

4. Vệ sinh thân thể

Thân thể có khoẻ mạnh thì tinh thần mới sáng suốt mà nghị lực mới cứng rắn, nên việc quan trọng nhất là phải giữ vệ sinh. Đã có nhiều sách bàn kỹ về vấn đề đó mà trong cuốn Bảy bước đến thành công cũng đã có một chương trình về cách luyện tập và giữ gìn thân thể, ở đây tôi chỉ xin nhắc qua lại vài điều chính:

- Đừng ăn nhiều quá, mà chỉ nên ăn những chất dễ tiêu và lành

- Trên bốn mươi tuổi, bữa tối nên ăn ít đi vì trong khi ta ngủ, bộ tiêu hoá gần như nghỉ hẳn, không vận động nữa, nếu ăn nhiều, sẽ không tiêu, sáng dậy thấy đắng miệng, không vui vẻ.

- Nên đi bộ nhiều.

- Nên tập thể dục mỗi ngày, nhất là tập thâm hô hấp. Sáng, khi mới tỉnh dậy và tối, trước khi đi ngủ, hít từ từ không khí trong sạch cho đầy phổi, nín thở trong tám hay mười giây, rồi từ từ thở ra, như vậy hai chục lần.

- Mới ăn no đừng nên làm những việc cần suy nghĩ nhiều, kẻo dễ sinh bệnh đau bao tử.

- Sau tám giờ tối cũng nên để óc nghỉ ngơi, suốt ngày bạn đã làm nhiều việc tinh thần và nếu bạn thường khó ngủ.

- Trên kia tôi đã khuyên nên tập gắng sức, mỗi ngày thêm một chút; tuy nhiên đừng làm việc quá độ. Sự nghỉ ngơi cũng cần như sự làm việc vì có nghỉ ngơi mới làm việc được.

5. Vệ sinh tinh thần

Vệ sinh tinh thần cũng quan trọng như vệ sinh thân thể. Nên:

- Tránh những tư tưởng hắc ám, chán nản.

- Gần những người tự tín, có nghị lực, mà đừng giao du với những kẻ bi quan.

- Đọc nhiều tiểu sử danh nhân.

Trong cuốn Tự học để thành công, tôi đã giới thiệu những sách trong mục "Voici les meilleurs livres de culture humaine et biographie" của nhà France Efficience. Nếu bạn biết đọc tiếng Pháp thì trong tủ sách không nên thiếu những cuốn ấy.

Nhiều cuốn Danh nhân ký sự như cuốn Tolstoi của Stephan Zweig, Mahatma Gandhi của Louis Fischer, Lincoln của Dale Carnegie, Van Gogh của Irving Stone, nhất là tiểu sử các vị giáo chủ như Thích Ca, Giêsu đọc đã hấp dẫn như tiểu thuyết mà bổ ích thì vô ngần.

Xét đời các vĩ nhân, ta thấy các vị ấy tuy chí khí, tài đức hơn ta, nhưng sinh ra cũng có những tật xấu như ta, những nhu nhược như ta và trong đời gặp những hoàn cảnh khó khăn gấp trăm ta, mà chỉ nhờ nghị lực, đã thắng được mọi trở ngại, trở nên những bực anh hùng hoặc ân nhân của loài người. Bài học đó kích thích ta biết bao!

Dèmosthème chẳng hạn, hồi nhỏ chỉ là một anh chàng cà lăm, ăn nói ấp a ấp úng. Nhưng ông yêu nước một cách nồng nàn, mà biết nước ông sắp bị vua Philippe xứ Macédoine xâm chiếm. Ông tự nhận bổn phận hô hào đồng bào chống Philippe để cứu nước khỏi bị cái hoạ làm nô lệ ngoại nhân. Hô hào làm sao được, khi ông có tật cà lăm? Cà lăm thì ai thèm nghe?

Ông nhất định thắng tật ấy, ra bờ biển ngậm cuội trong miệng rồi tập hò hét đua với tiếng sóng đại dương. Rồi ngày đêm ông suy nghĩ, tìm những chứng cứ để vạch cái dã tâm của Philippe, những lời lẽ để đoàn kết đồng bào chống lại kẻ thù chung. Khi đã tập luyện thuần thục rồi, ông bèn đi chu du khắp nước kích thích lòng ái quốc của dân chúng, lôi cuốn hàng ngàn, hàng vạn thính giả. Diễn văn của ông hùng hồn đến nỗi vua Philippe đọc xong phải khen:

"Nếu trẫm được nghe Dèmosthème diễn thuyết thì chắc trẫm cũng đã cầm khí giới chống lại trẫm rồi". Những diễn văn ấy còn lưu truyền đến ngày nay và được liệt vào những áng văn bất hủ của nhân loại.

Gandhi gầy như con mắm, cân sợ không được bốn chục kilô. Trông bức hình chụp ông ngồi ở "Hội nghị bàn tròn" bên cạnh những người Anh cao lớn, phốp pháp, ta có cảm tưởng ông là một người ốm đói, chỉ còn da bọc xương. Vậy mà sức mạnh tinh thần của ông kinh thiên, làm cả thế giới khâm phục. Ông cầm đầu một phong trào chống thực dân lớn nhất ở đầu thế kỷ này, phong trào bất hợp tác với Anh về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội.

Phong trào lan rất mau, nhiều thẩm phán, luật sư Ấn khẳng khái đốt hết âu phục, xét nát bằng cấp rồi quấn choàng đi chân không, dệt vải, cày ruộng để sống. Nhiều người Ấn rút tiền gởi trong các ngân hàng Anh ra, nhiều trường học Anh đóng cửa vì học sinh bỏ học gần hết, nhiều cửa hàng ngoại hoá phá sản vì không ai mua, hàng vạn người không chịu đóng thuế, không chịu đi lính cho Anh.

Chính phủ Anh giận dữ, hạ ngục ông. Ông vui vẻ vào tù và mỗi lần người Anh xử ức thì ông tuyệt thực để phản kháng. Trước sau ông nằm khám cả chục lần, nhịn ăn non hai chục lần, nhiều lần tới bất tỉnh.

Mỗi lần ở ngục ra, ông lại đi khắp nơi, hô hào dân chúng đoàn kết với nhau, yêu mến lẫn nhau và càng tẩy chay người Anh. Tới đâu ông cũng được hàng đoàn người đông như kiến bao vây ông để nhìn mặt ông, hôn chân ông. Chính phủ Anh sợ ông, khắp thế giới tặng ông chức thánh sống.

Năm 1946 Ấn Độ được độc lập, nhưng ông vẫn chưa cho bổn phận ông đối với đồng bào là hết. Ông không về vườn trồng cây, câu cá như Washington; ông vẫn tiếp tục hy sinh cho quốc gia, lại lang thang khắp nơi, đem lòng chí nhân, chí thánh để ráng hoà giải những xung đột giữa người Hồi và người Ấn và bị một thanh niên cuồng nhiệt ám sát trong lúc ông giảng đạo tương thân, tương ái. Cả thế giới bùi ngùi khi hay tin tâm hồn thanh cao đầy đức hy sinh ấy không còn ở nhân gian nữa.

Jack London về đức độ không thể ví được với Gandhi, nhưng về kiên nhẫn thì cũng là cổ kim hi hữu. Không có ai mà hồi trẻ long đong như ông, làm có tới hàng chục nghề: bồi bếp, thuỷ thủ, phu bến tàu, thợ máy, theo bọn cướp biển, đi tìm vàng, săn hải cẩu, có hồi đi ăn mày, ngủ trong các toa xe chở hàng, trong các công viên hoặc ở giữa đồng ruộng. Ông đã bị nhốt khám cả trăm lần ở Mỹ, ở Mễ Tây Cơ, ở Trung Hoa, Nhật Bổn, Triều Tiên vì cái tội vô gia cư, vô nghề nghiệp.

Nhưng một hôm đọc cuốn Robinson Crusoe ông mê tới nỗi quên ăn, rồi từ đó ngày nào cũng lại thư viện đọc sách, mỗi ngày đọc mười, mười lăm giờ, gặp cái gì đọc cái nấy, từ Shakespeare tới Karl Marx.

Rồi hồi mười chín tuổi, chán những nghề tay chân, chán đi ăn xin, dễ bị đánh đập, nhốt khám, ông xin vào học một trường trung học, học ngày học đêm, và kết quả làm cho các giáo sư trố mắt: chương trình bốn năm, ông chỉ học có ba tháng rồi thi đậu vào trường Đại học Californie.

Ông nghiên cứu những tiểu thuyết nổi danh nhất thế giới để học thuật viết rồi bắt đầu nhiệt cuồng viết: mỗi ngày năm ngàn chữ, nghĩa là hai chục ngày thì xong một tiểu thuyết. Mới đầu những truyện ngắn của ông bị các nhà xuất bản gởi trả lại, ông không thất vọng, cứ tiếp tục viết. Tới khi cuốn "Tiếng gọi của rừng" được hoan nghênh thì danh ông mỗi ngày mỗi lên như diều. Trong khoảng mười lăm năm – ông mất hồi 40 tuổi – trên năm chục tác phẩm ra đời, nhiều cuốn được dịch ra hơn hai chục thứ tiếng, bán được hàng triệu bản và làm khắp thế giới say mê. Từ đầu thế kỷ tới nay không có nhiều tiểu thuyết gia nào trước nghèo hèn như ông mà sau thành công rực rỡ như ông. Ông được vậy là nhờ đức kiên nhẫn thắng hết mọi nghịch cảnh, rồi lợi dụng nghịch cảnh vì chính cuộc đời lang thang khắp thế giới của ông đã giúp ông tài liệu để trước tác.

TÓM TẮT

1. Mỗi ngày nên bỏ ra vài lúc tập những thói tốt và diệt những thói xấu.

Khi diệt một thói xấu, đừng nên ngần ngại mà phải tấn công liền.

Phải tiến chầm chậm, mới đầu đừng hăng hái, vội vàng quá; rồi mỗi ngày tiến lần lần, tập lâu hơn, làm những việc khó hơn.

Phải làm đều đều, không được nghỉ ngày nào.

Mỗi ngày thấy muốn nghỉ thì nên gắng thêm một chút.

2. Phải tự kiểm soát mình mỗi ngày hoặc mỗi tuần rồi đặt ra lệ tự thưởng phạt mình. Đừng quá khoan hồng mà cũng đừng quá nghiêm khắc với mình. Phải biết tự lượng sức.

3. Nên giữ vệ sinh thân thể - Người khoẻ mạnh thì nghị lực mới cứng rắn - nhất là vệ sinh về tinh thần, nghĩa là nuôi những tư tưởng lạc quan, gần gũi những người tự tin, cương nghị và đọc nhiều tiểu sử vĩ nhân.