Chương 15


Trong lúc Thức mải quan sát những gì người ta đang xây dựng ở đây thì An đã một mình ra bãi. Khi quay lại thấy cô bé đã ra tới chân nước.

Chiếc mũ cỏ bờm xờm không bao giờ chịu yên trên đầu An, gió hất đi mấy lần. Tay xách dép tay giữ mũ, An vừa đuổi theo vừa trốn chạy những con sóng nhỏ ở bờ cát một cách thích thú. Chỉ nghe tiếng sóng nhưng Thức cũng tưởng nghe được cả tiếng của An cười lẫn trong ấy.

Buổi chiều ở đây, bãi đã thưa người. Dáng của An không thể lẫn với một ai. Màu vàng chanh của chiếc áo sơ mi vừa rộng thùng thình, vừa dài gần phủ mí gấu quần soọc trắng khiến Thức bật cười với cái tên “mốt áo đi-mượn” mà một anh bạn nào đó trong trung tâm dịch vụ đã giễu cợt gọi như thế. Đôi chân mịn màng nhỏ nhắn của An nhanh như sóc, thoăn thoắt trên cát mịn, khi thì đuổi theo một con còng, khi cúi xuống lượm một vỏ ốc vỏ sò nào đó ngắm nghía lúc lâu, tưởng muốn giữ lại rồi lại quăng xuống biển ngay sau đó.

Bé là một quà tặng quý hiếm mà đời sống dành cho ta. Thức tìm một tảng đá và ngồi lại ở đấy, nhìn ra biển. Anh bắt đầu hút thuốc, những ngụm khói ngược gió phả lại khuôn mặt khiến nó trở thành méo mó, dị dạng và mơ hồ khó hiểu.

Làm sao có thể giữ được một khoảng cách vừa đủ để còn mãi, còn mãi như tiếng cười hồn nhiên và đôi mắt nai thơ ngây của An. Rồi một ngày nào đó bé sẽ lớn lên, chắc chắn là thế như cỏ cây, và anh biết anh sẽ mất bé vĩnh viễn bé ạ.

“Hãy khoan là hoa, xin hãy khoan là trái. Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua”. Ngẫu hứng nào nhà thơ nữ đã tha thiết với tuổi hoa của một đời người như thế? Mùa kết trái có khi ngọt khi chua, khi sai khi đèo đọt, sâu nữa. Nhưng hình như khi đã trưởng thành rồi người ta thường ít nhiều thèm thuồng nhìn lại tuổi thơ của mình với tiếc nuối. Còn tuổi thơ của Thức, và suốt một thời lớn lên ở ngôi làng ven biển hầu như đã chìm hẳn. Chìm trong đêm tối của thiếu thốn, bom đạn và khắc nghiệt của thiên nhiên. Chỉ còn khói cháy mù mịt tiếng nổ chát chúa và những hốc mắt hoắm xuống vì lo âu, sợ sệt.

Trong tâm tưởng Thức chỉ còn âm lại tiếng sóng biển vỗ đều đều vào bãi, đã bao năm.

- Anh Thức, tiếng An la lớn từ cuối bãi, nó kìa.

- Cái gì?

- Chiếc nón của em, nói kìa...

Cứ bị gió đe dọa rình rập giật chiếc nón mãi, An bực mình bèn tung nó lên cao. Chiếc nón liệng một vòng trong không trung, chỉ chớp mắt là nó đã quăng mình thật xa và tiếp tục lăn mình trên cát. Thức phải khá vất vả mới tóm được, khi nó dã tấp vào đám cây thấp ven đường.

- Thôi, giữ giùm em đi , hết nắng rồi. Và cả cái này nữa, An đưa đôi dép cho Thức, “Chúc cá em học giỏi và chăm ngoan”.

- Khỏi chúc cũng đắt hàng.

Thức nói và tụt cả đôi dép của mình đang mang xâu chung vào một cây que, vác lên vai. Cả hai cùng thong thả bước chân trần trên cát.

- Biển ở đây có vẻ trong và xanh hơn Vũng Tàu, phải không anh Thức?

- Cũng vậy thôi. Có điều ở đây hiền và sạch hơn. Vì không bị lố nhố bởi ghế bố và dù, ít vỏ đậu phọng và cùi bắp hơn.

- Có bao giờ người ta “ăn” luôn cả biển không anh?

- Cũng có thể. Nhưng đến khi người ta khiến nó cau có khó chịu thì nó lại nuốt chửng luôn cả người đi cho rồi. Đó là trường hợp những thành phố bị chôn vùi dưới lòng biển.

- Biển của em phải là biển hoang sơ, ít dấu chân người. Em không thích biển ồn ào và màu sắc như một cái chợ.

- Như thế An phải về quê anh. Có những bãi còn trôi dạt vào rong và sứa, vỏ sò ốc nhiều vô kể. Anh đã có một thời nhỏ ở đấy.

- Hẳn là nhiều kỷ niệm vui lắm phải không anh?

- Chẳng có gì. Đúng hơn chỉ toàn là một màu biển. Những buổi không tới trường, anh lang thang ngoài bãi suốt ngày. Có khi tìm một bóng mát đánh giấc cho tới chiều. An biết hồi đó anh mơ gì không? Thực buồn cười, anh hay gối đầu trên tay ngó – ngược lên trời anh ước giá mình có thể hóa thành con chim được đi đây đó, bay tới khắp nơi mình muốn. Gần hai chục năm sau, hóa ra những thằng bạn anh đứa nào cũng có một ước mơ như thế. Phần đông bọn anh lại gặp nhau ở cùng một thành phố.

- Vui nhỉ, toàn chí lớn gặp nhau.

- Ừa, chí lớn chí bé gì cũng gặp nhau trên... đỉnh đầu.

Thức cười và chỉ cho An cái vỏ ốc nằm chơ vơ ở mé nước. An thích thú vớt con ốc lên, vớt theo cả nước còn đựng trong ấy.

- “Đại dương trong lòng con ốc nhỏ” nè anh.

“Nè anh”, Thức thấy cả đại dương xanh biếc trong đôi mắt mở rộng bỡ ngỡ của An nữa. Một đại dương gọn trong lòng bàn tay rất gần rất đẹp nhưng lại là một đại dương không bao giờ có thực. Song người ta vẫn có thể chết đuối trong đó, chỉ vì chút dại dột cỏn con. Khi Thức vừa chợt nhận thấy hơi ấm đôi bàn tay bé nhỏ làm chao động mặt nước, anh vội buông ra. Cả một “đại dương” sóng sánh vỡ ra theo.

- Đại dương tron gtúi anh là chắc nhất.

An bỏ cái vỏ ốv vào túi quần của Thức. Cô bé thích thú vô cùng công việc này, nhất là những con ốc bé xíu xíu ưa lặn ở mé cát ướt, vỏ chúng trơn và ánh một màu hồng dễ thương như những móng tay vụng dại. Tất cả nằm trong túi Thức. Người con trai tưởng như mình đã đánh rơi mất phân nửa tuổi đời của mình cho những tiếng cười trong veo.

- Nếu mình cứ đi hết buổi chiều này tới buổi chiều khác, An biết sẽ có gì xảy ra không?

- Một cái mành xâu bằng vỏ ốc trong túi anh.

- Không phải. Mười ngón tay An hóa thành vỏ ốc và nằm gọn trong ấy.

Nhưng không bao giờ có nhiều buổi chiều như thế. Còn buổi chiều của An và Thức đang chìm dần xuống mặt biển kia. Và họ phải về thành phố kịp cho đêm xuống, trước khi biết có những giọt nước mắt buồn phiền ở đâu đó có thể trào ra, làm vỡ mất những gì vốn đã mong manh, chỉ còn là sương khói nuối tiếc ở một thời, chôn vùi một thời.


*
* *


Giọng Kim gấp gáp, hốt hoảng khiến Thức không hiểu ngay chuyện gì xảy ra.

- Sao? Cô Kim nói An không về nhà đêm qua à? Không, An không hề đến chỗ tôi. Tôi không biết gì hết.

- Nó nói với nhà là nó đi dự sinh nhật bạn. Nó diện đẹp và đi từ chiều. Nó thường nói dối thế để đi chơi với ông, tôi biết.

- Xin cô Kim cứ bình tĩnh. Tôi không hề biết chuyện này. Cô có hỏi mấy chỗ bạn của An chưa?

- Bạn bè nó linh tinh lắm, chắc chắn không phải là những đứa bạn trong lớp. Ông phải chịu trách nhiệm về vụ này.

Kim cúp máy và Thức tưởng như trách nhiệm đã đổ xuống vai mình. Anh vội vã phóng xe đi một vài địa chỉ bạn An mà anh có thể đoán chừng. Nhưng không. Cuối cùng Thức nghĩ phải hỏi Quân. Cậu ta ngơ ngác không biết gì và nói rằng đã lâu cả hai không còn chơi đánh cầu với nhau ở sau cư xá, dù cậu ta có rủ An mấy lần. Nhìn trong mắt và điệu bộ của Quân, Thức biết cậu ta cũng băn khoăn, lo lắng không ít về chuyện này. Sau đó Quân cũng lấy xe gắn máy đi làm việc cầu may, may ra hỏi trúng một địa chỉ của bạn An.

Buổi trưa, Thức ở lại cơ quan trể. Chuông điện thoại lại reo, anh vồ lấy máy và hồi hộp nghe tiếng Kim ở đầu dây kia.

- An đã về cùng với một con bạn thường tới rủ đi chơi: Hoàng Ly. Sinh nhật Hoàng Ly. Chúng chơi trò tắt đèn và đốt pháo bông cầm tay tìm nhau. An bị sém tóc và bị trượt chân té trên thang lầu, trầy sượt nhẹ nhưng bàn chân không thể đi được. Sáng nay Hoàng Ly đã đưa An về bằng xe xích lô. Sau đó người nhà mới gọi điện thoại cho Kim, thông báo vắn tắt như trên.

- Cám ơn cô Kim đã cho tôi hay. Thực sự tôi cũng hơi lo.

- Nhân tiện buổi trưa rảnh rổi, tôi có đôi điều muốn nói chuyện với ông. Ông không phiền chứ?

- Tôi sẵn sàng nghe đây, cô Kim.

- Tôi mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta cởi mở và chân thành. Ông đừng nghĩ là tôi hằn học và có sẵn thành kiến đối với ông. Nhânn đây tôi cũng xin thông báo với ông là tôi đã hứa hôn và chúng tôi sẽ chính thức trong những tháng tới.

- Xin chúc mừng cô Kim.

- Thực lòng không có gì khiến ông bực mình chứ?

- Chỉ hơi bất ngờ đôi chút thôi cô Kim ạ. Chắc cô Kim có thể hiểu tôi phần nào rồi.

- Vâng, tôi hiểu ông phần nào thôi. Thành thực tôi muốn biết rõ quan hệ của ông với em gái tôi ra sao?

Ngả máy bên vai, Thức thong thả châm một điếu thuốc. Anh tìm chút bình tĩnh và điềm đạm của câu chuyện vưa khơi lên với khói thuốc lãng đãng.

- Biết nói thế nào cho cô Kim hiểu nhỉ. Chắc cô Kim cứ ngỡ rằng tôi còn ở tuổi lang thang trong vấn đễ tình cảm chứ gì?

- Ồ, không. Ông đã quá chững chạc để nhìn vấn đề này. Nhưng ông không bình thường như mọi người khác. Tôi có cảm tưởng như ông đang chơi một trò gì đó, một trò chơi tình cảm khá nguy hiểm mà không ai lường trước được.

- Cô cho là tôi không tưởng à?

- Không hẳng như thế.

- Có thể có một chút như thế đấy. Nhưng cô đừng nghĩ là tôi chỉ bâng quơ, vô trách nhiệm.

- Và ông đã biết rõ là An còn nhỏ tuổi mà.

- Tôi biết và tôi rất thận trọng với thơ ngây và hồn nhiên của tuổi An, ở cái tuổi mà người nói đó là “những tháng năm đẹp nhất của một đời người “.

- Tôi không dám nói là ông đã quá lãng mạng, ông Thức ạ, (tiếng cười khẽ), nhưng tôi cũng không sợ để ông phải buồn khi nói: Nó chỉ là con bé hay ăn, lắm miệng và đôi khi biết nói dối như cáo.

- Có gì lạ đâu. Làm sao thoát được những điều thường tình củ tuổi mình ở mỗi thời. Có điều là chúng ta đã nhìn với những lăng kính khác nhau.

- Có lẽ nên để cho các ông con trai mơ mộng viễn vông về bọn con gái chúng tôi thì hơn, (lại cười). Nhưng tình cảm là chuyện không thể đùa được, ông thừa biết chuyện đó. Và tôi thì không bao giờ muốn ông dẫn một cô bé nhỏ tuổi đi xa hơn khung trời của nó. Nhất là con bé đó lại là An, em tôi, một đứa còn ham vui, ham mới, ưa tò mò và hay bắt chước. Ở tuổi nó thật quá nguy hiểm để chấp thuận phiêu lưu, đặc biệt là trong vấn đề tình cảm.

- Thế gia đình và những người có trách nhiệm đặt ra vấn đề gì nào? Kiểm soát, cấm đoán, ngăn ngừa, hướng dẫn ra sao?

- Thật khó nói, tôi không phải l à một người làm công tác giáo dục. Nhưng tôi hiểu sách báo, phim ảnh và bạn bè ảnh hưởng không ít đến chúng. Niên học tới là An đà mười sáu tuổi, nó chẳng còn nhỏ nhít gì nữa mà không biết ngượng trong quan hệ nam nữa. Nó cần đứng đúng vị trí của nó.

Im lặng một lát ở hai đầu dây, rồi người con gái tiếp tục:

- Bọn trẻ bây giờ chúng sớm dở chứng lắm, ông có nhận thấy điều đó? Tôi sợ bạn bè sẽ làm hỏng con bé. Ở nhà nó chỉ là một út ít ương bướng và chẳng chịu nghe ai. Ông có ảnh hưởng rất lớn với nó, trong chuỗi quan hệ vừa qua ông có giải thích gì để cho người khác yên tâm không, ông Thức?

Giữ một khoảng trống vừa đủ, Thức chậm rãi trả lời:

- Có lẽ chẳng ai hiểu tôi đang săn đuổi một điều gì, bởi ngay chính tôi cũng chẳng rõ nét. Có thể mọi người nói rằng tôi ngây ngô, dại dột. Cũng đúng thôi. Cũng đúng thôi cả những gì tôi đang nâng niu, trân trọng. Tôi muốn nhìn ngắm một mầm cây vươn lên tự do, với tất cả vẻ đẹp của nó, mơn mởn xanh tươi và hồn nhiên, sống động. Tôi muốn tìm lại cái gì đã mất tự lâu lắm ở mình... Biết nói sao để cô hiểu được nhỉ...

Im lặng.

- Ông làm tôi sợ.

Rồi im lặng rất lâu ở hai đầu day. Cuối cùng người nữ kết thúc câu chuyện:

- Ông quả là người xa rời thực tế, ông Thức ạ. Trong đầu ông có quá nhiều khói. Tôi không dám can dự hay đi sâu vào đời sống ông. Tôi chỉ muốn nhắc lại với ông một lần nữa: An đang là một cô bé, hôm nay, rồi nó sẽ lớn lên... Thôi, xin chào ông.

Có một cơn mưa nào vừa trút xuống, trôi đi từng mảng, từng mảng. Thức cảm thấy mình trống rỗng như không. Một cái gì đó thật nhỏ nhẹ, thật mong manh vừa vỡ ra, tan đi theo cùng với lời nói chạm tới.

Cầu mong cho An đừng biết điều này, Thức nhủ thầm như vậy. Dù sao thì quan hệ giữa hai người sau đó cũng mất hẳn tự nhiên.