Chương 7


Anh Thức xuất hiện khá đột ngột từ cánh cửa phía sau lưng, khi An đang vừa nhâm nhi những mắc me dốt vừa cặm cụi học bài.

An nhảy chồm lên phản đối:

- Ai cho phép anh vô phòng con gái mà quên gõ cửa?

- Nhưng cửa có đóng đâu mà gõ?

- Anh gặp chị Kim chưa?

- Mẹ bảo chị Kim đi vắng.

- Có lẽ chị ấy loanh quanh nhà mấy đứa bạn gần đây thôi. Anh tới lâu chưa?

- Nãy giờ.

- Nãy giờ anh ở đâu?

- Ðứng đây.

- Ðứng đó nãy giờ?

- Có sao đâu.

- Cho anh đứng đó tiếp.

- Cũng được thôi. Nhưng còn cái này?

Anh Thức luồn trong ngực áo lấy ra thanh chocolate đưa lên môi làm một cử chỉ khiêu khích. An thua ngay tại chỗ, đồng thời cũng thắng ngay tại chỗ. Rất tự nhiên cô bé chộp lấy thanh kẹo từ tay anh Thức, đã thành thói quen, đẩy cho nó lòi khỏi lớp giấy bọc, nhẹ nhàng gỡ lấy giấy bạc và bẻ ngay lấy một miếng.

- Nói gì đi chứ, An?

- Thường thì miếng thứ hai mới biết ngon. Anh đừng trêu em.

Một người ngon, một người ngọt miệng. Thức không rời mắt nhìn An, anh tìm một điếu thuốc. Anh tìm một điếu thuốc hay tìm một cái gì đó trong đời mình, nhẹ nhàng như gió thoảng. Có những lúc mình cảm thấy thực sự mình ngây ngô, ngớ ngẩn, ấy là lúc mình cảm nhận sự hạnh phúc có mặt. Có mặt không hay chỉ là bóng dáng? Thức đang cất bước và muốn nhấc bổng đời sống mình.

An la toáng lên:

- Ai cho phép anh hút thuốc trong phòng người ta?

- Chứ anh hút thuốc ở đâu bây giờ?

- Tàn thuốc vương vãi kìa...

- An phải giới thiệu cho anh một cái gạt tàn thuốc chứ?

- Không ai đi hỏi cái gạt tàn thuốc trong phòng con gái bao giờ.

- Ồ, xin lỗi.

Thức ngửa gót giày dập vội điếu thuốc đang cháy dở rồi búng mẩu còn lại bay vèo ra ngoài cửa sổ.

- Chị Kim mà biết được điều này hẳn anh khó sống. Ngay chuyện tiếp bạn trong phòng đã là một điều tối kỵ.

- Thôi, anh về.

- Anh không đợi chị Kim à?

Thức nhún vai:

- Biết đâu mà đợi. Mới tới đã bị dập tới tấp.

An gói cẩn thận thanh chocolate lại rồi lùa vào ngăn kéo bàn, đứng dậy:

- Ði với em ra ngoài này. Không chừng chị Kim chỉ dạo quanh trong khu cư xá chứ không đâu xa.

Nói rồi An chạy nhanh xuống những bậc thang, vọng vào dặn mẹ:

- Mẹ ơi, con ra ngoài với anh Thức đi tìm chị Kim, mẹ nhé.

Không có tiếng trả lời. An đã nắm tay anh Thức lọt ra khỏi cổng.

- Những năm trước đường trong cư xá còn thênh thang, tối đến còn đèn thắp dọc hết các lối. Riết rồi thiên hạ làm nhà lấn, điện cột sáng cột lu chẳng ai thèm để ý, thế là tụi em mất cái thú đi dạo vào mỗi chiều mỗi tối.

- Cứ xem những cây cối trong khu này thì tuổi của nhà cửa nơi đây cũng phải ăn mừng thượng thọ rồi nhỉ?

- Chắc chắn là thế đấy. Tất cả tụi em đều sinh ra ở đây. Hồi ba em còn là nhân viên của Sở Hỏa Xa thì khu cư xá này đã có rồi, trước cả nhà ga hàng hóa và xưởng sửa chữa gần đây.

- Ba em chắc đã về hưu?

- Lâu rồi anh ạ, từ những năm em còn nhỏ xíu xiu. Về hưu rồi thỉnh thoảng ba em vẫn thích dắt em đi dạo dọc đường rầy và lên tới tận khu nhà kho chứa hàng vào mỗi chiều tối.

- Bây giờ mình đi được không?

- Ghê lắm, tối thui. Lơ mơ là có kẻ sẽ “xin tí huyết” anh liền.

- Ghê thiệt.

- Ghê chớ sao không ghê. Em cứ tiếc là sao khi mình lớn lên cái gì cũng bé dần và hẹp lại. Cả những bước chân mình làm như cũng ngắn đi. Và tiếng còi tàu bây giờ em nghe cũng không còn như ngày còn bé nữa anh ạ.

- Thế à? Anh Thức không thấy được đôi bi ve xanh tròn trong vùng tối nơi khuôn mặt An, người ta dùng cồn điện rồi à?

- Không phải đâu. Em nghĩ cũng thế thôi. Em chỉ có cảm tưởng như nó gấp gáp hơn, hối hả và khô khốc làm sao ấy. Anh có bao giờ cảm thấy điều ấy không, anh Thức?

Không. Quê Thức không có tiếng còi tàu. Cả tuổi thơ ven biển hầu như không còn âm hưởng gì vang vọng, ngoài những tiếng nổ chát chúa của chiến tranh đến mù điếc cả thính thị quá khứ. Một tuổi trẻ trốn chạy về thành thị cũng chỉ là tập hợp những tiếng động hỗn loạn.

- Anh không nói gì đi, anh Thức.

Thức giữ chặt lấy bàn tay bé nhỏ mềm mại của An trong tay mình, nhìn ngược lên những tàn cây tối om ở trên cao. Nói gì cho bé nghe nhỉ, một mảnh đời bị cháy xém. Bé có nên biết không, những ngày tháng lang thang vỉa hè như một tay bụi đời. Tình thương thiếu thốn như cơm ăn. Thủ đoạn thừa thãi như rác rưởi. Bé chẳng nên biết nhiều. Khoảng trời trước mắt bao giờ cũng hẹp hơn khung trời mơ tưởng.

- Anh nghĩ gì mà im lặng mãi vậy?

An cấu nhẹ vào cánh tay anh Thức. Anh tỉnh lại bằng tiếng cười nhỏ:

- Anh nghĩ em luôn được điểm 10 môn văn phải không?

- Anh ngạo em à?

- Em có một tâm hồn nhẹ nhàng, dễ bay bổng. Hoài niệm tốt cũng là cách của một nhà văn đấy.

- Anh hay lạc đề. Bây giờ anh sống ra sao hở, anh Thức?

- Ở trọ nhà một người bạn hôm nay.

- Bạn hôm nay là sao?

- Vì rất có thể mai mốt sẽ không còn là bạn nữa.

- Làm như cỏ cây đất đá gì, đứng lên là phủi tay. Các anh rõ chán.

- Ừ, chán thiệt. - Thức muốn dứt ra khỏi câu chuyện - Chán thiệt nếu chỗ đèn sáng kia không có cái gì bỏ vào bụng.

An reo lên:

- Chuối nướng đấy. Em sẽ bao anh một chầu chuối nướng nóng hổi.

- Có mang theo tiền không đấy?

- Không sao. Hàng quà quanh đây đều... dưới quyền quản lý của em hết.

Những miếng chuối nướng chưa ngậm vào đã muốn trút hết cả răng, ấy thế mà chớp mắt An đã đầy miệng.

- Phải ăng nóng mới ngon anh ạ. Mình đi một vòng lát nữa trở lại.

- Hết vỉ chuối đó chứ?

- Không biết chừng.

- Em có vẻ rành ăn uống nhỉ?

- Em chỉ hay ăn chứ không rành. Bằng chứng là em chỉ được chức hội viên Hội ăn quà vặt.

- Như vậy Hội viên trưởng sẽ khủng khiếp lắm.

- Lẽ dĩ nhiên, phải rành cả điểm nào, xó xỉnh nào nổi tiếng món gì, ở đâu vừa miệng, hợp túi tiền.

- Theo An, có ngày anh sẽ đương nhiên là hội viên.

- Hội viên danh dự thôi.

- Lý do?

- Vì anh đâu có thuộc “tầng lớp” của tụi em. Lớp em còn có nhiều “Bộ” nhiều “Hội” rất trứ danh mà “ngoài đời” không thể có được. Như: Bộ trưởng bộ nước mắt, bộ trưởng bộ thích đùa dai... Hội trưởng hội bảo vệ những người ngủ gục (trong lớp). Hội trưởng hội những bà la sát, vân vân và vân vân.

- Còn chức vị của An?

- Hội trưởng hội phá hoại cây cỏ. Vì bất cứ hoa lá cành nào lọt vào mắt em rồi cũng sẽ lọt vào cặp em. Nơi nào có cỏ dù cấm hay không em cũng thích lột giày dép ra chạy cho mát chân mà không cần biết tới ai cả, dù là người bảo vệ công viên.

- Anh ước gì có thể trẻ lại để học lớp em.

- Làm gì mới được chứ? Chẳng lẽ anh chỉ ham một “chức vị” nào đó?

Anh Thức giấu một nụ cười. Có thể như thế. Có thể chỉ mong được hưởng những nụ cười và ánh mắt hồn nhiên mà trong đời mình chưa bao giờ có được. Những chức vị ngoài đời tẻ nhạt quá, không lộng lẫy, cao quý bằng những chức vị trong các trò chơi thuở ấu thời.

- Anh Thức này, anh để ý ngôi nhà có thắp đèn sáng ngoài sân kia không?

- Nhà ai vậy?

- Chị Hà, một người đẹp của cư xá. Mình tới đó chơi đi.

- Chi vậy?

- Ðể biết một người đẹp cũng nên lắm chứ anh.

- Ồ, anh không thích gai góc.

An bật cười:

- Anh vậy mà nhát gan.

Thức cười theo:

- Ừ, anh nhát gan. Anh sợ những tiếng sét bất tử.

- Thần sấm sét là em dây nè. An đối mặt với Thức và vỗ vào ngực mình, em chưa cho phép thì trái tim anh không được... rung rinh bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Từ ánh sáng hắt ra, Thức thấy long lanh đôi mắt vị thần đầy uy lực thật gần. Và cùng giọng nói rất “thần” ấy đã khiến cho Thức hơi chao người trong một giây. Một giây sau Thức mới nhập vai được: Xin ghi nhận. Cả hai cùng cất tiếng cười vui vẻ. An kiễng chân ló đầu lên khỏi cánh cổng gọi Quân đang lui hui ở trước sân:

- Làm gì đó, Quân?

Thấy An, Quân vội buông chiếc giẻ lau chạy ra:

- An đó hả, mình đang thử chiếc xe.

- Xe mới?

- Mới nguyên thùng. Một chiếc xe “cuộc”.

- Kỳ này Quân định dự thi “cúp truyền hình?”

Quân ngượng nghịu:

- Ðâu có. Mình chỉ thích có cái xe hai “líp” chạy cho ngon lành.

- Cũng hay đấy. Chị Hà có nhà không vậy, Quân?

- Chị ấy đang có mấy người bạn ở trong nhà. An vào nhà chơi đi.

An ngần ngại:

- Thôi, khi khác vậy.

- Ðể mình gọi chị ấy ra nhé?

- Ðừng, Quân. Chả có gì cần.

- Thì An cứ vào chơi đã.

- An có người đợi ngoài này.

- Mời bạn ấy vào chơi luôn.

- Thôi, An về đây.

Quân lọt ra khỏi cổng theo An vừa ngoắt đi:

- Mình đã ghi tên cho An ở hồ bơi Yết Kiêu rồi đấy.

- Cám ơn Quân! - An nói vọng lại khi đã ra tới con đường tối om - Bao giờ đi An sẽ nhờ Quân coi lại giùm chiếc xe đạp ở nhà An nữa đấy.

Anh Thức nhắc:

- Bây giờ mình trở lại làm hết vỉ chuối nướng hồi nãy nữa chứ?

- Hết thèm rồi. - An đẩy Thức đi trước - Bây giờ anh về trước lấy xe chở em đi một vòng.

- Ði đâu giờ này?

- Chẳng đi đâu cả. Em chỉ thích loanh quanh một vòng.

- Ðể làm gì vậy?

- Thì để... chóng mặt về ngủ cho ngon.

Thức chiều An, anh trở về chào gia đình rồi dắt xe ra. An nhỏ nhít ngồi nép sau anh, cô bé vẽ một vòng cho chiếc xe chầm chậm lượn quanh hết một lược con đường chu vi cứ xá rồi trở lại vị trí cũ.

An chìa bàn tay ra:

- Chúc anh ngủ ngon.

Những ngón tay chưa nắm gọn, An đã rút vội về và vụt biến như một con chim, khuất vào trong cổng.

Thức nói khẽ một mình:

- Chúc bé ngủ ngoan.