Chương 12


Hai tuần lễ trôi qua kể từ ngày Hoàng Oanh trọ lại nhà bác Quý, mọi người đều đối xử với cô rất tốt.

Gia đình bác Quý có năm người: anh Trí, anh Tâm và chị Duyên là những người cởi mở nên chẳng bao lâu Hoàng Oanh đã dần dà quen với nếp sống mới. Việc ghi danh vào học và những cuộc dạo phố mua sách đã giúp cô quen với một số bạn mới, nhưng Hoàng Oanh cảm thấy hình như tâm hồn mình trống vắng như đang thiếu một cái gì, một ánh mắt, một lời săn đón nồng nàn. Đó là Vũ, người con trai đầu đời thật sự làm cho tim cô xao động nhưng rồi bóng hình Vũ lại biền biệt xa xôi. Từ lần gặp gỡ cuối cùng đó, hình ảnh Hoàng Vũ vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim Hoàng Oanh. Cô muốn sống cho riêng cô trong một cái tháp ngà tình cảm kín đáo, đừng ai hay biết để đôi khi tư tưởng vượt trùng dương đến với Vũ.

Đang lan man suy nghĩ, tiếng anh Tâm làm Oanh giật mình.

- Hoàng Oanh làm gì đó, ra anh nói cái này cho nghe.

Anh Tâm vẫy gọi Hoàng Oanh, tươi cười ngoài hàng hiên. Hoàng Oanh chạy ra ngay.

- Chi thế anh Tâm?

- Đi Biên Hòa chơi không?

- Đi với ai?

- Với bạn anh và bạn nhỏ Quyên.

Bỗng dưng Hoàng Oanh chán nản, những cuộc picnic không có Hoàng Vũ làm cho cô nhớ tới anh nhiều hơn. Những lần trên xe, mặc cho mọi người nói cười, Hoàng Oanh im lìm lặng lẽ như một chiếc bóng cô đơn. Cô không muốn tái diễn lại những cảnh đó nữa. Cô muốn nằm ở nhà nghĩ tới Vũ. Thú vị hơn!

- Thôi em ở nhà học bài. Anh chi đi chơi, em trông nhà cho.

- Sao vậy Oanh, em sợ không có ai trông chừng nhà hả, mình khóa cửa lại gửi chìa khóa cho bác hàng xóm.

Đuối lý Hoàng Oanh từ chối:

- Em nhức đầu quá, thôi để khi khác nhé.

Hình như có tiếng bạn anh Tâm:

- Sao Oanh không đi à?

Anh Tâm trả lời nhanh:

- Con nhỏ bệnh rồi.

Chị Duyên vỗ nhẹ trán rồi lắc đầu, ý nói Oanh sống gò bó quá chẳng hợp thời gì cả. Nhìn theo bước chân chị Duyên, Oanh nghe nao nao tiếc cuộc đi chơi lạ. Sao mình không đi chung với anh chị cho đỡ buồn nhỉ? Khép kín hoài chỉ biết có học nghe mệt mỏi làm sao. Rồi Oanh lại lý luận một mình. Thà như vậy còn hơn học kém để bác Quý buồn lòng. Với anh chị nhà này dẫu có chơi thì học cũng vẫn học giỏi. Chẳng những họ thông minh mà đã được rèn luyện căn bản từ nhỏ. Còn Oanh, ở quê cố gắng lắm cũng chỉ học khá, xem xém giỏi. Lên đến đây Oanh mới biết mình chỉ là con số không, và chuyện thi đậu đại học là chuyện may mắn.

Nắng lên cao nhuộm vàng lá cây trong vườn, ngôi vườn nhỏ xinh xắn thật hy hữu giữa thành phố ồn ào náo nhiệt này. Với tay ngắt một chùm hoa giấy màu đỏ rực che kín phía trái ngôi nhà. Hoa giấy đầy bụi đường khiến Oanh buồn bã lạ thường. Nỗi buồn không duyên cớ, ray rứt khiến lòng Oanh chùng xuống.

Ngay ranh đất giữa nhà bác Quý và bác Ba hàng xóm là đám cỏ mọc tràn lan hình như không ai có thời giờ để nhổ những bụi cỏ chỉ ăn rễ sâu xuống lớp đất cứng ngắc. Nhìn vào trong đó Oanh có cảm tưởng đất Sài Gòn nóng và cháy, với bụi khói này chắc chỉ có hoa giấy trơ lì ra đó chịu đựng nổi mà thôi.

Đằng sau nhà có một cánh đồng nhỏ, tự nhiên Hoàng Oanh men theo con đường lát gạch đỏ như ở đình thần tới một ngôi nhà um tùm hoa lá xanh tươi. Có hòn non bộ với bầy cá đủ màu, cây cỏ xanh biêng biếc. Những lối bạch môn dọc theo lối đi. Những khóm Hải Đường, cúc Nhật, hoa sa nháy và lựu đua nhau nở rực rỡ. Tự dưng Hoàng Oanh thèm được ngồi đây học bài. Chỉ thiếu tiếng ve ngân. Vậy mà từ bấy lâu Hoàng Oanh cứ ngỡ ngôi nhà mình có rặng nhãn lồng, có hương hoa ngào ngạt thơm ngát mới làm buồng phổi Oanh hít thở nhẹ nhàng để thư giãn học bài. Nhưng không! Muôn vàn chậu kiểng trên sân thượng đã nói lên tính siêng năng của chủ nhân nó. Có lẽ họ chăm tưới hoa và chăm bón phân cho nên nó mới xanh tốt như vậy.

Dường như có tiếng chó sủa, Hoàng Oanh vội tháo lui. Cô không muốn gặp chủ nhân của ngôi nhà. Nhưng sự khám phá ngôi vườn này làm cho Hoàng Oanh vui lên.