Chương 30 - Anh Em Mayo


Nếu một cơn dông tố không tàn phá một thị trấn ở Minnesota cuối thế kỷ trước thì có lẽ nhân loại không được hưởng một phát minh vào hạng quan trọng nhất trong lịch sử y học.

Thị trấn bị tàn phá đó, Rochester, ngày nay nổi danh nhờ hai anh em Mayo, hai nhà giải phẫu có tài nhất ở Hoa Kỳ. Hai ông ở Rochester và phát minh của bác sĩ C. H. Mayo đã giúp y học trị được vài thứ bệnh thần kinh. Hiện nay ông còn tiếp tục nghiên cứu phát minh đó. Ông đã tìm được một thứ thuốc tiêm vô mạch máu, làm thay sự tuần hoàn và do đó óc được bình tĩnh lại.

Hai anh em ông được khắp thế giới bết tên. Nhiều y sĩ từ Ba Lê, Luân Đôn, Bá Linh, La Mã, Leningrad, Đông Kinh tới Rochester để học phương pháp của hai ông. Mỗi năm sáu ngàn bịnh nhân đã vô phương cứu chữa lại dưỡng đường Mayo với tấm lòng tin tưởng như tín đồ hành hương tại đất thánh.

Vậy mà như tôi đã nói, nếu dông tố không tàn phá miền Middle West ở cuối thế kỷ trước thì thế giới có lẽ không bao giờ được nghe tên hai anh em Mayo và cũng không biết phhương thuốc của hai ông.

Khi bác sĩ Mayo, thân phụ của hai ông, tới lập nghiệp ở Rochester vào khoảng giữa thế kỷ trước, thì nơi đó có không đầy hai ngàn dân. Ngày đầu cụ chữa bệnh cho một con bò và một con ngựa. Khi dân da đỏ nổi loạn, cụ nổ súng mút để hạ chúng rồi đợi khói súng tan hết, cụ đi khắp bãi chiến trường chôn cất những người chết và săn sóc những người bị thương. Thân chủ của cụ ở rải rác trên năm chục cây số trong đồng cỏ Mimesda. Phần đông họ sống trong những nhà vách trát bùn. Họ nghèo quá, không có tiền trả cụ, mà cụ cũng vẫn nữa đêm đi thăm bệnh cho họ; có khi phải mò đường trong những cơn bão tuyết mù mịt tới nỗi, giữa ban ngày, đưa tay ra trước mặt cũng không trông thấy.

Cụ có hai người con, William và Charles, tức hai anh em Mayo. Hai ông vừa giúp việc cho một tiệm bào chế trong miền, cân thuốc, tán thuốc, hoàn thuốc, vừa theo học trường y khoa. Rồi một tai nạn xảy ra, làm tương lai của ông thay đổi hẳn. Một cơn dông tố tàn phá cánh đồng Minisota, như quỉ thần giận dữ muốn phạt dân cư miền đó. Cơn dông tới đâu thì nhà cửa, cây cối tan tành sụp đổ tới đó. Châu thành Rochester bị cuốn đi như một cọng rơm. Hằng trăm ngàn người bị thương, hai mươi ba người chết. Luôn mấy ngày, ba cha con Mayo đi băng bó, mổ xẻ các nạn nhân trên những nền nhà hoang tàn. Bà Phước nhất Alfred, ở nhà tu Saint Francois thấy ba cha con Mayo tận tâm như vậy, cảm động hứa sẽ cất một dưỡng đường nếu họ chịu đứng ra trông nom. Họ bằng lòng và khi khánh thành dưỡng đường Mayo năm 1889 thì bác sĩ Mayo đã bảy chục tuổi mà hai người con chưa làm trong nhà thương nào cả. Vậy mà ngày nay ông William Mayo người anh cả được coi là nhà chuyên môn giỏi nhất về bệnh ung thư. Cả hai anh em đều nổi tiếng về khoa giải phẫu mà người nào cũng khen người kia là hơn mình. Hai ông mổ xẻ rất nhanh, tới dưỡng đường bảy giờ sáng và mổ xẻ không ngừng tay mỗi ngày bốn giờ cho từ mười lăm đến ba mươi bệnh nhân. Vậy mà hai ông vẫn tiếp tục học hoài để cải thiện phương pháp và tuyên bố rằng còn phải học thêm nhiều. Cả thành phố Rochester sống nhờ dưỡng đường Mayo và cho dưỡng đường Mayo. Xe hơi, xe ô tô buýt, mọi loại xe đều không bóp kèn trong thành phố đó.

Đó là gương hai người thường dân một tỉnh nhỏ, hai người không nghĩ đến tiền mà đã gây được một gia sản khổng lồ. Hai người không nghĩ đến danh vọng mà thành những nhà giải phẫu nổi danh nhất Hoa Kỳ.

Hai anh em ông không cần lại Nữu Ước để làm giàu, cứ rèn luyện tài của mình trong một thành phố nhỏ mà tự nhiên được thần tài tới gõ cửa để thưởng công.

Trong phòng khách, trên bàn giấy, có treo một tấm khung lồng câu này: "Nếu ông có một vật mà thế giới đòi hỏi thì ông có thể ở giữa rừng thẳm: luôn luôn người ta sẽ phá rừng xây đường vào tới cửa nhà ông". Câu đó tóm tắt một luật bất di bất dịch của sự thành công.