Chương 34 - Bernard Shaw


Rất ít người nổi danh tới nỗi người khác khi nhắc tới, chỉ viết những chữ đầu của tên, họ, mà ai cũng hiểu. Một trong những danh nhân vào bậc đó là một người Ái Nhĩ Lan; những chữ đầu của tên họ ông là G.B.S. Ông có lẽ là nhà văn tiếng tăm lừng lẫy nhất thế giới. Đời cầm bút lạ lùng khó tin được của ông đã chép trong một cuốn mà tên họ ông chỉ ghi là G.B.S, tức George Bernard Shaw.

Đời ông đầy những tương phản kịch liệt. Chẳng hạn ông chỉ được đi học năm năm; giáo dục thiếu sót như vậy, mà ông thành một văn hào bậc nhất thế giới và được một giải thưởng văn chương lớn nhất thế giới, giải Nobel. Giải thưởng là bảy ngàn Anh kim nhưng ông chẳng thèm nhận tiền mà cũng chẳng thèm nhận vinh dự. Sau người ta phải năn nỉ ông, ông mới chịu nhận số tiền đó một cách tượng trưng trong nửa giây trước khi chuyển nó qua quỹ Ái Hữu Văn Học Anh - Thụy Điển.

Thân phụ ông sinh trong một gia đình danh giá ở Ái Nhĩ Lan, nhưng thân mẫu ông không được hưởng một gia tài lớn của một bà cô vì bà cụ này không chịu cho song thân ông cưới nhau. Thành thử nhà cửa nghèo túng và Bernard Shaw phải kiếm ăn từ hồi mười lăm tuổi. Năm đầu, ông làm thư ký, lương tháng không được một Anh kim.

Rồi từ mười sáu đến hai mươi tuổi, do hoàn cảnh, ông lãnh một việc có trách nhiệm là giữ két ngân hàng, được một Anh kim rưỡi một tuần. Nhưng ông ghét công việc phòng giấy; vì ông đã được sinh trưởng trong một gia đình trọng hội họa, âm nhạc và văn chương. Năm ông bảy tuổi, ông đã đọc Shakespeare, Bunyan, truyện Ngàn lẻ một đêm và Thánh kinh. Mười hai tuổi, ông mê Byron. Rồi ông đọc Dickens, Damas Shelley. Mười tám tuổi, ông đã đọc Tyndall, Stuart Mill, Herbert Spencer. Các văn hào đó đã làm cho óc tưởng tượng của ông phát triển sớm, và ông đã có nhiều mơ mộng; cho nên trong những năm đen tối, phải làm mọi cho một nhà địa ốc ngân hàng tư, ông buồn chán lắm, chỉ mơ tưởng tới thế giới đẹp đẽ của văn chương nghệ thuật, khoa học và tôn giáo.

Khi gần được hai chục tuổi G.B.S, tự nhủ:

"Mình chỉ có một đời người để sống, không lẽ đem phung phí nó trong buồng giấy một nhà buôn".

Vì vậy năm 1876, ông bỏ hết đến Luân Đôn, nơi thân mẫu ông dạy hát để sinh nhai, và bước vào nghề viết văn để sau này nổi danh và giàu có.

Nhưng ông phải viết chín năm rồi mới kiếm được đủ ăn. Ông dùng hết thì giờ để viết, tự buộc mình mỗi ngày phải viết năm trang, dù viết chẳng ra gì cũng cứ viết. Mà đúng năm trang thôi, chứ không hơn. Ông nói:"Hồi đó tôi còn cái tánh của một học sinh và một thư ký, cho nên viết hết năm trang mà tới giữa một câu thì tôi cũng bỏ đó, hôm sau mới viết tiếp".

Ông viết năm truyện dài - một truyện nhan đề là Love among the artists - gởi bản thảo cho nhà xuất bản ở Anh và cả ở Mỹ. Họ đều gởi trả lại bản thảo, nhưng nhà xuất bản lớn nhất ngỏ ý muốn được coi tác phẩm sau của ông(...)

Hồi đó ông túng bẩn quá đến nỗi không đào đâu ra tiền mua cò gởi bản thảo nữa. Trong chín năm đầu, cây viết của ông chỉ đem lại cho ông được có sáu Anh kim.

Có khi quần áo rách, ông đi lang thang trong thành phố Luân Đôn, gày thủng mà quần áo cũng thủng ở đít. Nhưng ông không đến nỗi đói:Thân mẫu ông luôn luôn mua chịu được ở một hàng tạp hóa và tránh cho ông được thảm cảnh đó.

Trong chín năm viết tiểu thuyết ấy, một lần ông kiếm được năm Anh kim nhờ một bài về y khoa mà một luật sư không hiểu vì nguyên do gì đã nhờ ông viết. Lần khác, ông kiếm được một Anh kim vì đếm phiếu sau một cuộc bầu cử vào Quốc Hội.

Vậy ông làm cách nào mà sống? Ông thú nhận rằng gia đình ông rất cần sự giúp đỡ của ông, mong mỏi sự giúp đỡ đó đến gần như tuyệt vọng, nhưng ông lại không giúp nhà được chút gì hết, cứ ăn bám vào gia đình. Chính ông nói:"Tôi không lao mình vào cuộc chiến đấu để sống. Tôi tủi nhục bắt thân mẫu tôi lao mình vào".

Nhưng sau ông viết những bài phê bình các thứ nghệ thuật và tự túc được. Thành công đầu tiên của ông về tiền bạc, không nhờ tiểu thuyết mà nhờ kịch. Và ông viết hai mươi mốt năm mới nổi danh, cưới được một bà vợ giàu mà không bị thiên hạ chê là đào mỏ.

Thực không thể ngờ rằng một người như ông, có gan đứng trước quần chúng chỉ trích những luật về hôn nhân, những cơ quan tôn giáo, chế độ dân chủ và hầu hết những tục lệ mà loài người tôn trọng, lại vốn có tánh nhút nhát, tự ti mặc cảm. Ông đã đau khổ vì tánh nhút nhát. Chẳng hạn hồi trẻ, ông thỉnh thoảng lại thăm bạn bè trên bờ sông Thames ở Luân Đôn. Đây, xin bạn nghe ông tả, trong những hoàn cảnh như vậy, ông hàng động và cảm xúc ra sao:

"Tôi nhút nhát tới nỗi có khi đi đi lại lại trên bến tàu tới hai mươi phút hoặc hơn nữa rồi mới dám gõ cửa nhà bạn. Sự thực, như có linh tính bảo tôi rằng không dám gõ cửa một người bạn thì sau này không làm nên trò trống gì ở đời hết, nhờ vậy tôi mới dám vào thăm bạn, nếu không thì tôi đã bỏ mà chạy một mạch về nhà rồi cho khỏi phải đau khổ vì nhút nhát".(...)

Sau cùng ông học được cách hay nhất, mau nhất và chắc chắn nhất để thắng tánh nhút nhát và sợ sệt, là tập nói trước công chúng. Ông xin vô một hội tranh biện. Mấy lần đầu đứng lên diễn thuyết, ông cho thính giả cảm tưởng rằng ông bình tĩnh lắm, nên người ta xin ông lần sau lại diễn thuyết nữa; nhưng sự thực ông bị kích thích dữ lắm, tay run lên, trong khi ký tên. Hễ không ghi chép những điều cần nói thì ông quên hết, không còn biết nói gì nữa; mà nếu ghi chép thì quýnh quá, đọc không được. Nhưng không thính giả nào ngờ nỗi khổ tâm đó của ông, cứ vẫn nghe ông nói. Quyết tâm thắng tánh nhút nhát của ông mạnh mẽ quá, đến nỗi có cuộc hội họp để tranh biện nào ở Luân Đôn, ông cũng đến dự và luôn luôn ông đứng dậy bày tỏ ý kiến.

Và sau ông còn nhút nhát nữa không? Khi ông đã tìm được một lý tưởng và bênh vực chủ nghĩa xã hội, thì trong mười hai năm, cứ cách một đêm ông lại diễn thuyết một đêm ở các góc đường hoặc trong các chợ, các nhà thờ, tại khắp nước Anh. Ông nổi tiếng là hùng biện và kiếm được nhiều tiền không phải để tiêu pha riêng mà để phụng sự lý tưởng.

Mặc dầu ông đã tám chục tuổi mà ông còn tuyên bố rằng ông bận công việc quá, không có thì giờ để nghĩ đến sự chết. Ông nói:Tôi thích sống vì sống là vui. Đời sống đối với tôi không phải là một "mẩu đèn cầy". Nó là một thứ đuốc lớn mà tôi được cầm trong một lúc. Và tôi muốn cho đuốc đó cháy hết sức rực rỡ trước khi tôi chuyền nó qua tay những thế hệ sau.