Chương 36 - Ernestine Schumann - Heink


Đời thành công của bà Ernestine Schumann Heink là truyện lạ lùng nhất trong lịch sử của Đại nhạc kịch trường. Mặc dầu đói, đau khổ và thất vọng mà bà gây được danh tiếng rực rỡ.

Bà phải phấn đấu một cách chua chát khó khăn mới thành công được. Có ba lần bà chán nản, tuyệt vọng đến nỗi muốn quyên sinh. Hôn nhân của bà là cả một bi kịch. Chồng bà bỏ đi, để những món nợ lại cho bà trả, vì theo luật Đức hồi đó thì vợ phải trả nợ cho chồng. Thế là tòa cho người tới tịch thu hết đồ đạc, chỉ chừa một cái ghế và một cái giường. Và đôi khi bà hát ở đâu, kiếm được ít tiền, thì bà bị trừ nợ gần hết.

Sáu giờ trước khi bà sanh người con trai thứ ba, bà còn phải hát. Có hồi bà đau nặng nhưng không nghỉ hát được, vì nghỉ thì lấy gì nuôi con. Mùa đông tới, con bà khóc vì đói, run vì rét, mà bà không có tiền mua than để sưởi.

Thất vọng đến gần hóa điên, bà định giết hết các con rồi tự tử...

Nhưng bà không tự tử, mà sống để tranh đấu cho tới khi thành một ca sĩ nổi danh bậc nhất thế giới.

Vài tháng trước khi mất, bà mời tôi lại dùng cơm tối với bà ở Chicago, và hứa sẽ đích thân nấu lấy để đãi tôi. Rồi bà nói thêm:"Nếu ông khen tôi là hát hay thì tôi cũng thích, nhưng nếu ông ăn cơm với tôi rồi, bảo: "Bà Schumann-Heink ạ, tôi chưa bao giờ được ăn món xúp ngon như lần này "thì ông sẽ là bạn thân của tôi đấy".

Bà bảo tôi rằng một trong những bí quyết thành công của bà là bà thương yêu mọi người và chính tôn giáo đã dạy bà thương yêu mọi người. Ngày nào bà cũng đọc Thánh kinh, tối nào, sáng nào bà cũng quỳ gối tụng kinh. Bà nói chính những nỗi bi thảm trong đời bà đã giúp bà hát hay, vì nhờ sầu khổ bà mới hiểu người hơn, dễ cảm thông hơn, thương người hơn; sự đau khổ đã làm cho giọng của bà thêm sức huyền bí để rung động hàng triệu trái tim. Nếu bạn được nghe bà hát bài Rosery trong thời danh bà đương lên, bạn sẽ cảm thấy sức huyền bí đó. Tôi biết bà thương con nít lắm, nên hỏi bà tại sao bà lại có ý giết con để rồi tự tử. Và đây bà kể chuyện với tôi như vầy:

"Hồi đó tôi đói, đau và chán nản lắm, nhìn tương lai không còn hy vọng gì nữa. Tôi không muốn cho các cháu chịu cảnh khổ như tôi; tôi nghỉ rằng sống như vậy thì chết còn hơn, cho nên tôi quyết tâm mẹ con ôm nhau đâm đầu vào xe lửa cho rảnh nợ đời. Tôi đã dự định kỹ rồi, biết giờ xe lửa qua. Mấy cháu la khóc níu chặt lấy tôi, lẩy bẩy ở bên tôi. Tôi nghe tiếng còi xe lửa. Tôi đã tới bên đường rầy. Tôi cúi xuống quơ mấy cháu lại sẵn sàng quăng chúng vào chuyến xe lửa rồi tôi sẽ nhào theo, thì đứa cháu gái nhỏ của tôi chạy theo đứng trước mặt tôi, la: "Má, con yêu má! Lạnh quá má ạ, má cho chúng con về đi!".

"Lạy trời! Giọng thơ ngây của cháu làm tôi tỉnh lại. Tôi ôm các cháu chạy về căn phòng trống rỗng, lạnh lẽo của chúng tôi. Tôi quỳ xuống cầu nguyện và khóc mướt".

Cho tới ngày đó, bà làm việc gì thì việc đó cũng thất bại: thất bại trong hôn nhân, thất bại trong nghề nghiệp. Nhưng chỉ vài năm sau lần định tự tử đó, rạp Royal Opera House ở Bá Linh, rạp Covent Garden ở Luân Đôn, rạp Metropolitan ở Nữu Ước đều yêu cầu bà hát giúp. Bà đã đói rét, cơ cực nô lệ trong hàng năm. Bây giờ thì hết! Thành công lại rực rỡ tới chói mắt.

Thân phụ bà là một sĩ quan Áo, lương ít mà gia đình đông: cho nên ngay từ hồi thơ ấu, bà đã chịu cảnh đói, chỉ ước ao có đủ bánh mì đen để cho ăn no. Bơ là một xa xí phẩm có bao giờ bà được nghe nói tới. Khi nào món xúp có chút mỡ nổi trên thì thân mẫu bà hớt lớp mỡ đó để dùng thay bơ. Bà đi học, mang theo một miếng bánh mì đen và một chén cà phê để ăn bữa trưa ở trường: tối ăn bánh mì và xúp, quanh năm như vậy.

Muốn kiếm thêm thức ăn, trong giờ nghỉ học bà thường chạy lại một rạp xiếc ở đầu tỉnh, xin quét chuồng khỉ lấy tiền mua bánh.

Học hát mấy năm xong, bà được cơ hội hát cho ông giám đốc một gánh hát nổi danh ở Vienne.

Nghe bà hát xong, ông ta khuyên bà nên bỏ nghề đó đi vì bà không đẹp, không có duyên, mà về nhà mua cái máy may áo còn hơn. Ông ta nói lớn tiếng:"Cô muốn thành ca sĩ ư? Không khi nào thành đâu. Không khi nào! Tuyệt nhiên không!".

Sau này, nổi danh rồi có lần bà hát đúng ở rạp đó và chính ông giám đốc đó nhiệt liệt khen bà, rồi hỏi: "Tôi coi mặt bà như quen quen. Chắc tôi có gặp bà một lần ở đâu rồi?".

Bà bảo tôi: "Tôi đáp ông ta như vầy. Ông có gặp tôi một lần ở đâu ư? Thì chính ở đây, chứ ở đâu nữa. Ông quên rồi sao? Rồi tôi kể lại câu chuyện mua máy may cho ông ta nghe..."

Thật cảm động.