Chương 39 - Nhờ Vô Khám Mà Họ Thành Danh Sĩ


Nhà viết truyện ngắn nổi danh nhất thế giới là ai, bạn biết không? Tôi chắc bạn đã đọc truyện của nhà đó rồi. Sách của ông ấy đã bán được trên sáu triệu cuốn; và đã được dịch ra gần khắp thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy, tiếng Thế Giới, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Thụy Sĩ, tiếng Nga. Bút hiệu của ông là O. Henry, và ông sanh cách đây khoảng bảy chục năm.

Đời ông là một tấm gương rực rỡ cho ta soi: ông đã chiến đấu với những khó khăn phi thường và thắng được những trở ngại ghê gớm.

Trước hết ông bị trở ngại vì ít học. Ông không có bằng trung học và chưa bao giờ bước chân vào một trường đại học, vậy mà những tiểu thuyết của ông hiện nay được nghiên cứu như những áng văn kiểu mẫu trong già nửa các trường đại học Hoa Kỳ.

Rồi ông lại bị trở ngại vì bệnh tật tàn phá cơ thể ông. Các bác sĩ sợ ông sẽ chết vì lao phổi, bắt ông bỏ nhà cửa ở miền Bắc Carolina, xuống miền Texas chăn cừu trong một trại ruộng.

Sau cùng ông mắc cái họa vô khám. Việc xảy ra như vầy:

Sau khi sức đã bình phục, ông xin được một chân giữ két tại một ngân hàng ở Austin, xứ Texas. Các cao bồi và chủ trại nuôi cừu ở miền đó thường vô ngân hàng và có thói quen, nếu các thầy ký trong ngân hàng bận việc quá thì tự mình lấy tiền ra, ký giấy biên nhận, rồi đi về.

Thình lình một hôm, một viên thanh tra tới xét quỹ thấy thiếu tiền. O. Henry giữ két, chịu trách nhiệm, bị bắt, đem xử, và nhốt khám năm năm, mặc dầu có lẽ ông không tham lam, lấy một đồng nào trong két.

Bị nhốt khám là một tai họa lớn, nhưng về một phương diện khác, lại là một điều rất may cho ông, vì nhờ ngồi khám mà ông bắt đầu viết những truyện ngắn và sau này được nổi danh trong những nước dùng tiếng Anh.

Mới rồi, tôi nói chuyện với ông Warden Lawes, người coi khám Sing Sing. Ông bảo tôi rằng hầu hết những tội nhân trong khám đó đều muốn chép lại đời mình: vì vậy mà nhà khám mở một lớp dạy viết truyện ngắn cho họ. Họ không phải trả học phí. Tất nhiên là rất ít người thành công, tuy nhiên, có nhiều văn sĩ nổi danh nhờ đã viết trong khám.

Chẳng hạn Walter Raleigh, con người bảnh bao, đính kim cương vào giầy, đeo trân châu ở tai, vị triều thần khéo nịnh, đã trải áo mình xuống bùn cho Nữ Hoàng Elisabeth giẫm lên, cũng đã viết sách trong khám. Ông ta bị giam mười bốn năm trường vì bị một chính khách ghen ghét.

Phòng giam của ông ẩm ướt, chật hẹp, tường thấm bùn hôi hám. Ông khổ cực vì lạnh, cánh tay trái của ông bị phong thấp mà cứng đơ, bàn tay ông sưng lên, cử động rất khó. Nhưng mặc dầu đau lòng và khốn khổ ông cũng soạn được ở trong khám một bộ lịch sử thế giới mà hiện nay, sau ba trăm năm, các trường trung học và đại học còn dùng.

Trong mười hai năm, John Bunyan bị giam vì những tư tưởng về tôn giáo. Ở trong khám ông phải đánh dây để có tiền nuôi vợ và bốn đứa con. Nhưng trong khi tay ông đánh dây, thì óc ông suy nghĩ về những tư tưởng lớn lao và trong phòng giam tối tăm lạnh lẽo, ẩm thấp, ông đã viết một cuốn mà hầu hết các sinh viên Mỹ đã đọc tức cuốn Pilgrim's Progress. Trừ Thánh kinh ra, chưa có cuốn nào được dịch ra nhiều thứ tiếng bằng cuốn đó.

Carvantes viết trong khám một cuốn sách có danh nhất cổ kim, cuốn Don Quichotte. Voltaire viết trong khám. Oscar Wilde viết trong khám. Tôi suýt muốn kết luận rằng nếu bạn muốn viết một cuốn sách, thì nên đi đập bể kính cửa sổ của người khác để được nhốt khám.

Khi Richard Lovelace bị nhốt vô khám ở Anh, hai trăm rưởi năm trước, ông đã làm cho phòng giam của ông nổi danh vì ông viết trong đó một bài thơ bất hủ. Đó là một bài thơ tình ông gởi cho người yêu của ông. Bài ấy nhan đề là: Viết ở trong khám để tặng Althea.

Vách đá không làm thành một cái khám,

Chấn song sắt cũng không làm thành một cái lồng.

Tâm hồn nào trong sạch, và vô tội.

Gọi đó là một nhà tu.

Nếu trong tình yêu anh được tự do,

Và trong tâm hồn anh được tự do,

Thì chỉ có những bực thiên thần trên cao kia,

Mới được vui hưởng một sự tự do như vậy.