Chương 6 - Albert Einstein


Một ngày cách đây mấy năm, tôi đi chơi trong một châu thành nhỏ tại miền Nam nước Đức, thì một ông bạn cùng đi với tôi bỗng đứng lại, chỉ một cửa sổ ở trên lầu một tiệm tạp hoá và bảo:"Anh thấy căn phòng nhỏ ở trên kia không? Einstein ra đời tại đó".

Chiều tối hôm đó tôi gặp Einstein tại nhà một ông chú của ông, và tôi không có cảm tưởng rằng ông là một bậc siêu quần. Điều đó không có gì lạ, vì ngay hồi nhỏ cũng không ai tin rằng ông có tài gì lớn. Bây giờ người ta nhận rằng ông là một tuyệt thế thông minh, một vị khổng lồ của thế hệ này, một trong những nhà tư tưởng sâu sắc nhất cổ kim, vậy mà năm chục năm trước ông là em nhỏ chậm chạp, nhút nhát, đần độn, tập nói một cách cực kỳ khó khăn. Ông tối dạ đến nỗi thầy học của ông phải bực mình và song thân ông sợ rằng ông vào hạng hạ nhân.

Ít năm trước đây một buổi sáng, ông thức dậy ngạc nhiên thấy mình thành danh nhân bực nhất thế giới, không thể tin được rằng một giáo sư toán mà lại được báo chí khắp toàn cầu in tên bằng chữ lớn lên trang đầu như vậy. Ông là một nhà khoa học chứ đâu phải là một nhà quyền thuật hạng Jack Dempsey. Ông thú rằng không thể hiểu được điều đó. Mà cũng không ai hiểu được điều đó. Vì một chuyện như vậy chưa hề xảy ra trong lịch sử loài người.

Con người của ông cũng lạ lùng như thuyết Tương đối của ông vậy. Ông khinh những cái mà phần đông loài người mơ ước như danh vọng, của cải, xa hoa. Chẳng hạn thuyền trưởng một chiếc tàu biển nọ dành cho ông dãy phòng sang trọng nhất dưới tàu, ông từ chối, bảo rằng đi hạng chót còn thích hơn là nhận bất kỳ một đặc ân gì.

Ngày ngũ tuần của ông, chính phủ Đức ban cho ông đủ các ân huệ, dựng một tượng bán thân của ông ở Potsdam, tặng ông một dinh thự và một chiếc tàu buồm, gọi là tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ bất tuyệt của dân tộc.

Nhưng chỉ ít năm sau, người ta lấy lại hết những cái đó và ông sợ, không dám trở về quê quán nữa. Trong mấy tuần lễ, ông trốn trong một ngôi nhà, cửa song sắt ở nước Bỉ và đêm nào cũng có một người lính canh cho ông ngủ.

Khi ông tới Nữu Ước để làm giáo sư toán ở trường đại học Princeton, ông sợ các nhà báo phỏng vấn và dân chúng hoan hô, nên các bạn thân của ông phải bí mật cho ông xuống thuyền đưa lên bờ trước khi tàu ghé bến rồi chở ông đi bằng xe hơi.

Ông nói rằng khắp thế giới chỉ có mười hai người hiểu được Thuyết tương đối của ông, mặc dầu đã có trên chín trăm cuốn sách giảng giải nó.

Chính ông giải thuyết đó bằng thí dụ dễ dàng và hóm hỉnh này: "Khi anh ngồi với một mỹ nhân, thì một giờ anh tưởng chừng chỉ bằng một phút, nhưng khi ngồi trên một lò lửa nóng thì mới một chút anh coi là một giờ".

Tương đối là vậy, chứ có gì đâu. Tôi cho nó đúng, còn nếu bạn ngờ nó sai thì bạn cứ thí nghiệm, nhưng xin bạn ngồi trên lò nóng còn để tôi ngồi với mỹ nhân nhé.

Bà Einstein nói rằng bà không hiểu thuyết tương đối là cái quái gì cả, nhưng bà hiểu một cái gì quan trọng đối với đàn bà hơn, là hiểu chồng bà.

Một đôi khi có khách khứa lại uống trà và bà lên lầu mời Giáo sư xuống chuyện trò ít lâu. Ông la bể nhà nhà lên: "Không! Không! Tôi không xuống! Không xuống! Tôi phải đi khỏi nhà này mới được. Làm việc ở đây không được. Cấm đấy, không được làm ngưng công việc của tôi như vậy được nữa đa".

Bị ông la như vậy bà cứ điềm tỉnh, để ông phát hết cơn giận của ông ra, rồi bà khéo léo ngoại giao làm sao mà ông cũng xuống nhà dưới uống trà và xả hơi một chút. Bà làm vậy chỉ vì thấy ông làm việc quá mà muốn cho ông nghỉ.

Bà bảo rằng chồng bà thích sự thứ tự trong tư tưởng mà không thích sự thứ tự trong đời sống. Ông muốn làm cái gì là làm, chẳng kể giờ giấc gì cả. Ông hành động chỉ theo hai quy tắc. Quy tắc thứ nhất là không có quy tắc nào cả. Và quy tắc thứ nhì là bất chấp dư luận.

Ông sống cực kỳ giản dị, đi đâu cũng chỉ bận áo cũ, nhàu nát, ít khi đội nón; vào phòng tắm thì ca hát, huýt còi vang lên. Xà bông để tắm thì ông dùng để cạo râu. Con người rán giải quyết những bí ẩn phức tạp nhất của vũ trụ đó, bảo rằng dùng hai thứ xà bông chỉ làm cho đời thêm phức tạp. Nhìn ông tôi có cảm tưởng rằng ông rất sung sướng. Triết lý về hạnh phúc của ông giúp cho tôi nhiều hơn thuyết tương đối của ông. Mà tôi cho rằng triết lý hạnh phúc đó rất cao đẹp. Ông bảo rằng ông sung sướng vì ông không cần một thứ gì của bất kỳ người nào. Ông không cần tiền, không cần chức tước, không cần lời khen. Ông tìm hạnh phúc cho ông trong những việc rất giản dị là làm việc, chơi vĩ cầm và thả thuyền.

Cây đờn vĩ cầm làm cho ông vui nhất. Ông bảo rằng ông thường suy nghĩ bằng âm nhạc, và mơ mộng bằng âm nhạc.

Một lần, đi xe điện ở Bá Linh, ông bảo người bán giấy đã tính lộn khi thối tiền cho ông. Người đó đếm lại thấy đúng, đưa tiền cho ông, bảo: "cái tai hại của ông là ông không biết đọc con số".