THẦY LẬP CAO-ĐÀI ĐẠI-ĐẠO NHƯ THẾ NÀO ?

Thầy thấy cuộc đời biến đổi, thời khí bất hòa, nhơn-tâm xu hướng về đường vật chất, bỏ mất tinh-thần, nên phạm vào đường tội lỗi, thiệt là đời lầm-lũi mãi mà không định hồn tự hối, xúm lấn chen lội-lặn tranh giành mùi tục lụy mà thay đổi chí cao minh.

Ba nền Chánh-Giáo (NHO, THÍCH, ĐẠO) đã nghiêng chinh, nhơn loại thảy chuộng hữu hình, không cần vô-vi thâm-viễn.

Nay đã đến thời kỳ cuộc tuần huờn giáp nối, nền ĐẠO-TRỜI vận chuyển mà phổ hóa sanh linh.

Tam-Giáo xưa kia lập Đạo, lúc ban sơ truyền bá cơ diệu-lý quang-minh, bắt từ chỗ vô-vi khẩu thọ tương truyền, lần lần xuống thì trở ra hữu hình mà Đạo mầu thất chánh, tâm-pháp lạc sai, ấy là cơ Đạo đến thời kỳ cuối cùng của Tam-Giáo thất chơn-truyền diệu-pháp.

Còn Đạo Thầy lại trái hẳn với Tam-Giáo là bắt đầu truyền Đạo thì dụng hữu hình, lấy sắc tướng, âm thinh mà độ đời một cách lẹ làng, mau chóng. Vã lại Đạo Thầy bắt đầu do chỗ hữu hình mà truyền bá, rồi lần lần mới dẹp hết chỗ hữu hình mà đi đến chỗ vô-vi, là cơ siêu phàm nhập thánh. Vậy thà trước dụng cơ hữu hình để phổ hóa cho cơ Đạo dễ lưu thông; rồi cứ đó mà dắt dẫn cho nó tấn-hóa mãi trên đường cao thượng, riết đến chỗ không-hư tức là vô-vi thì Đạo-pháp mới phát minh, cơ diệu-lý huệ-tâm ứng lộ; thế là Đạo Thầy không hư hoại đặng. Mà không hư hoại đặng là nhờ ở chỗ hữu hình đi lên riết đến tận vô-vi. Còn Tam-Giáo xưa lại từ vô-vi mà lần lần sa sút xuống hữu hình mới thành đạo bế, rồi sai lầm ra ngoại giáo bàng môn.

Mà Thầy lập giáo kỳ này lại trái hẳn với nền cổ Đạo. Thầy chỉ dùng cái huyền-cơ bí-pháp mà truyền Đạo khắp dân gian. Thầy đem chơn pháp diệu-huyền trao cho người luyện thành chánh-giác thì phản-bổn huờn-nguyên. Thầy dùng huyền diệu cơ bút để hoằng khai cơ-quan vô-vi Đại- Đạo. Thầy nhứt định không giao Thánh-Giáo cho tay phàm nữa, vì trước kia Tam-Giáo thất chơn-truyền là cũng bởi Thánh-Giáo ở trong tay phàm, nên các con canh cải làm sái lạc pháp linh. Vậy Thiên-Thơ Thầy định ngày nay Thầy lập giáo như vầy:

1) Trên là dùng huyền-diệu thiêng-liêng mà bảo tồn cơ Đạo.

2) Dưới để tự Thầy định mới có thể chuyển hóa nổi nhơn-tâm, đủ sức thần thông, vận hành Chơn-Giáo, chớ nếu Thầy mà mượn xác thịt nặng nề thì làm sao biến hóa thiên hình vạn trạng mà phổ độ chúng-sanh cho mau chóng nổi-sôi, rần-rộ được; chớ dùng huyền-cơ bí-pháp tất có thể lưu thông nháy mắt khắp mọi nơi. Nhưng Thầy cũng phải chịu nhọc giáng thế mượn xác phàm NGÔ-MINH-CHIÊU đặng Thầy đem cái chơn pháp tâm-truyền mà trao lại cho các con để các con giữ gìn hầu có trao lại cho người thiện căn hữu phước. Thầy lại luyện cho các con thấy cái pháp bí diệu đó đặng rõ cơ mầu nhiệm siêu phàm, tạo Thánh Thai, để cho linh-hồn nương đó mới trở về chỗ hư-vô hiệp với Thầy là nơi an-nhàn khoái-lạc. Xong rồi Thầy lại trở về đặng dùng huyền pháp thiêng-liêng mà chuyển hóa chúng-sanh tuyên-truyền Chánh-Đạo.

Tại sao Thầy đã nói: không giao Chánh-Giáo cho tay phàm và không xuất thế, mượn xác phàm như Tam-Giáo, mà rốt cuộc Thầy cũng có xuất thế, cũng có trao chơn pháp cho các con. Thầy giải cho các con rõ:

Nguyên Tam-Giáo ngày nay đã thất kỳ truyền, tôn chỉ lạc sai, cơ quan siêu đổ, cho nên tu thì nhiều mà không ai thành chánh quả, vậy nên nay Thầy phải giáng thế mượn xác phàm đặng đem cái tâm-pháp bí-truyền ấy trao dạy cho chúng-sanh để thoát vòng sanh tử. Nếu không mượn xác phàm mới làm sao mà trao cái bí pháp đặng cho các con. Hễ bí pháp thì khẩu-khẩu tương-truyền, tâm-tâm tương thọ, không được thấu lậu ra cho ai hay biết đặng, hoặc tỏa vẽ, giải phân trên giấy mực hay là dùng cơ-bút mà truyền bí pháp đặng.

Cơ bút là để nắm quyền hành Đạo-giáo mà phổ hóa chúng-sanh, để làm ngọn đuốc quang minh mà dẫn dắt người đến chỗ bổn nguyên là cùng mục-đích đó thôi. Ấy nghĩa là Thầy dùng cơ bút mà truyền Đạo-Đức-tinh thần và huấn luyện vạn linh cho trở nên hạng người chí-đức cao-siêu Tiên, Thánh, Phật vậy.

Các con phải biết, các con tuy thọ bí pháp mặc dầu, chớ cũng phải chịu dưới quyền lực thiêng-liêng sai khiến. Các con nào có dối đặng với Thầy đâu?

Các con nên biết “Đạo Mầu Làm Bửu-Phan Tiếp Dẫn”. Thầy ban ơn các con, Thầy thăng.