Mùng 2 tháng 9, Bính-Tý 1936
QUÂN-TỬ VÀ TIỂU-NHƠN

Thi:

NGỌC bửu chiêu chương tứ hải minh,

HOÀNG Thiên ái chúng hiệp chư linh,

THƯỢNG thừa điểm Ðạo thông công-đức,

ÐẾ vị hồi nguyên đáo Ngọc-Kinh.

Thầy mừng các con.

Các con ôi! sông mê cuồn cuộn chảy, bể khổ đập đùng xao; các con sanh sống trong cõi trần hoàn, dồn dập biết mấy nổi thương tâm đau khổ. Các con cũng vì mang xác thịt của Hậu-Thiên cấu tạo, mà lửa dục bừng bừng, lòng mê mịch mịch, nên luống chịu cho bảy tình sai khiến giục xô, đến đỗi lạc sai lầm lỗi, kể chẳng hay cùng.

Nhưng trước kia các nền Chơn-Giáo đã thất chánh truyền thì dẫu các con có mê-muội, phạm nhiều tội quá, cũng còn mạnh miệng đổ thừa. Chớ đến ngày nay Thầy đã nhọc đem mối Ðạo nhiệm mầu mà phô trương hoằng hóa giữa nhơn gian, cốt để vẹt màn hắc ám, hầu độ rỗi các con cho thoát chốn mê đồ khổ cảnh, mà nếu các con lại không sớm tỉnh ngộ quày đầu, để cứ mãi say sưa mài miệt trong vòng tục lụy trần ai thì há còn chối đặng rằng Thầy không dạy nữa sao? Các con nên liệu lấy! Ðến ngày phán đoán đại đồng, Thầy dẫu yêu thương cách mấy, cũng không bỏ được phép công.

Trong đời nhơn loại thường chia ra hai hạng: Quân-tử với Tiểu-nhơn. Vậy các con nên theo gương Quân-tử mà chẳng nên học thói tiểu nhơn.

Quân-tử là gì? Tiểu-nhơn là gì?

Quân-tử ấy là một hạng người đức tài xuất chúng, phẩm hạnh hơn người, nhân cách hoàn toàn, tánh tình cao thượng. Người Quân tử thì bao giờ cũng ung dung thư thái, ưa làm sự phải điều hay, thuận Thiên-lý lưu hành, đem chơn đạo mà khuyên đời tùng lương cải ác. Tấm lòng bao giờ cũng quảng đại, vô-vi, thanh tịnh, không phóng túng, bôn chôn mà để cho lòng dục khiến sai, uốn bẻ, đến phải bước lầm vào nẻo quấy. Mọi việc đều xét suy đáo để, tính trước lo xa, thương người ích chúng, ham nghĩa, ưa nhân, chuộng trung, mến chánh. Bao giờ cũng vẫn tùy thời quyền biến mà giữ cho được hai chữ "trung dung", chớ không thái quá, không bất cập. Dầu gặp cảnh ngộ nào thì tâm chí cũng cứ an vui, không để thất tình loạn động, vì người Quân-tử là: "Thực vô cầu bảo, cư vô cầu an" kia mà!

Cái đức người Quân-tử thường như nước vậy. Nghĩa là châu lưu khắp chảy tứ phương, gặp tròn, gặp méo, gặp dài, gặp vuông, nước cũng chìu theo được hết. Lại nước cứ từ cao chảy xuôi xuống thấp nên người quân tử luống chịu hạ mình cho vừa lòng tất cả nhơn sanh. Nhưng nước tuy cứ tìm chỗ thấp, cứ chịu theo khuôn, cứ mềm với chúng, mà đến chừng ai muốn cho nó tiêu mòn sứt mẻ thì chẳng làm sao hề hấn đến được lấy chút mảy may gì nó bao giờ. Người Quân-tử theo đời mà chẳng nhiễm đời, chìu người mà chẳng bợ người, tùy tục mà không đắm tục, cứ giữ tánh tình thanh bạch, tâm chí cao siêu, dầu ai dầm cũng chẳng phai, ai dũa cũng chẳng mòn, nên bả lợi danh, mồi chung đỉnh có bao giờ trêu nhử được đâu.

Còn đứa tiểu-nhơn lại bỏ nghĩa theo lợi, lấy vạy cầu danh, tâm tà tánh độc, nết kiêu chí hèn. Nói tắt một lời là mỗi mỗi thảy đều trái hẳn với người Quân-tử như trắng với đen, như Trời với vực.

Tuy nhiên, người Quân-tử càng trốn cái danh mà danh càng rạng tỏ, càng chìu với thế mà thế vẫn tôn sùng. Còn đứa tiểu-nhơn lại càng chuộng cái danh mà danh càng nhơ nhớp, càng kiêu với thế mà thế vẫn thị khinh.

Ấy thế mà cớ bởi sao hạnh quân tử lại ít người làm, còn thói tiểu nhơn thì nhiều kẻ học. Ôi! Thiệt rất đáng buồn cho nhơn loại biết bao!

Trường Thiên

Lấy gì đánh thức nhơn sanh,

Ðời toan tìm dữ, bỏ lành thì thôi.

Thấy càng thêm chán lắm ôi!

Nhơn tình như thế đứng ngồi không an.

Thói đời nhiều sự dị đoan,

Làm mê hoặc chúng mơ màng viễn vông.

Họa chung khôn thể lường đong,

Thấy vầy Thầy đổ lụy ròng vì con.

Ðể cho tâm chí tiêu mòn,

Tinh thần tiền tụy sắt son mấy người.

Làm chi để tiếng trò cười,

Thấy đời hổ thẹn thói đời hủ thay.

Văn minh tấn bước đua tài,

Mở mang trí óc hoát khai tinh thần.

Làm sao cho rạng mười ân,

Làm cho ích nước lợi dân thì làm!

Ðỉnh chung lợi lộc đừng ham,

Trau giồi trí hóa tánh phàm dứt đi.

Xưa nay hễ vị thì vì,

Tùy theo việc phải đừng tùy bất công.

Chung nhau Nam, Bắc, Tây, Ðông,

Kết giây đoàn thể đại đồng trị an.

Làm cho Ðạo-đức mở mang,

Làm cho cơ thể vững vàng bền lâu.

Siêng cần dầu phải dãi dầu,

Phấn tâm lập chí mới hầu nên thân.

Người mà trì trệ tinh thần,

Biếng làm Ðạo-đức, không cần nghĩa nhơn.

Trong đời có đặng điều hơn,

Là nhờ lập chí gội ơn phước lành.

Nhược không lập chí tu hành,

Già đời mãn kiếp không thành món chi.

Nhơn gian bất hoặc là gì,

Biết thân lập chí ắt thì thành công.

Người tu lập chí sửa lòng,

Nhược bằng biếng nhác thì không ích gì.

Muốn trừ khử một món chi,

Phải bền lập chí ắt thì việc xong.

Những lời Thầy đã ước mong,

Mong con lập chí thức-thông chơn-truyền.

Noi gương của bực Thánh Hiền,

Sửa mình đến cảnh Thần Tiên hưởng nhàn.

Chán đời tìm chốn tịnh an,

Học theo quân tử, lánh đàng tiểu nhơn.

Khó khăn chí vẫn đâu sờn,

Hữu duyên nghe lọt tiếng đờn vô-vi.

Làm người cần phải nghĩ suy,

Hai đường qua lại chọn đi đường nào.

Khổ tâm bước thấp bước cao,

Tầm sư học đạo công lao chớ phiền.

Xưa kia NGHIÊU-ÐẾ cầu Hiền,

Bao phen khó nhọc mà truyền kế ngôi.

TẦM-DO đã suốt mồ hôi,

HỨA-DO lòng vẫn chán rồi lợi danh.

Thị đời là vũng hôi tanh,

Nên chi lánh trược tầm thanh ẩn nhàn.

Ngôi cao vương đế không màng,

Quét tiêu bợn tục giàu sang há cầu.

Nhưng còn SÀO-PHỦ cao sâu,

Nghe qua sợ nhiểm lòng trâu nữa kề.

Ðời đà bắt chán bắt chê,

Ðáng khi đáng thị mết mê nỗi gì?

Non cao khiển hứng phú thi,

Xa nghe tiếng tục rầm rì bên tai.

Nhẫn kiên HÀN-TÍN đại tài,

Lòn trôn giữa chợ chẳng nài xấu xa.

NHAN-HỒI tháng lại ngày qua,

Ẩn thân nơi chốn rừng già luyện tu.

Nghêu ngao trong cảnh Trời Thu,

Ðai cơm bầu nước vân du ta bà.

Tâm hồn thích hợp trung hòa,

Mấy năm lậu hạng mới là trượng phu.

An nhàn tâm trí thanh u,

Chán đời giã dối hèn ngu bạo tàn!

TỬ-NHA ngồi chốn thạch bàn,

Thả câu sông Vị ẩn tàn Thiên-Cơ.

Lúc nguy phải chịu dại khờ,

Bao lần sôi nổi đợi chờ hội thi.

Làm ăn chẳng đặng món gì,

Thành ra hư hõng mãi đi bao lần.

Có thân thiệt khổ cho thân,

Sớm khuya buôn tảo bán tần đủ đâu.

Ðói no vui với Ðạo mầu,

Suốt đời thong thả mà cầu trường sanh.

Bảy năm Dủ-Lý nhọc nhằn,

Hà-Ðồ Bát-Quái dịch thành Lạc-Thơ.

Cho đời rõ máy huyền cơ,

Tiên-thiên chia sắp cõi bờ hậu-thiên.

Ðời sau dễ kiếm chơn truyền,

VĂN-VƯƠNG thọ ngục chẳng phiền trách ai.

Trọn niềm trung hiếu chẳng phai,

Mặc người bội nghĩa, mặc ai bạc tình.

Lỗi mình, mình trước sửa mình,

Lỗi người phú có Thần minh chứng lòng.

Chi bằng nhẫn nhịn thì xong,

Mặc ai thêu dệt cua còng thì thêu.

Kìa như TỬ-LỘ thân nghèo,

Trọn niềm hiếu Ðạo, vẹn điều thỉ chung.

Ðáp đền hiếu thảo đến cùng,

Dẫu cho nát thịt cũng trung trọn tình.

LỘ là một bực thông minh,

Ai mà chỉ lỗi sửa mình mừng vui.

TRƯƠNG-LƯƠNG nếm Ðạo biết mùi,

Níu nương cửa Phật an vui tinh thần.

Công khanh tể tướng không cần,

Biết lo lánh trước cái thân sau này!

Học cho suốt lý đủ đầy,

Thí như HẠNG-THÁC làm thầy TRỌNG-NI.

Bạc riêng bạc, chì riêng chì,

Vàng thau lẫn lộn rồi nguy lắm mà.

Chánh riêng chánh, tà riêng tà,

Người lành kẻ dữ khác xa hai đường.

Hữu xạ thì tự-nhiên hương,

Cần chi mà phải đem trương với đời!

Bánh xe chuyển kiếp luân-hồi,

Cứ quay mãi mãi cứ nhồi luôn luôn.

Thói đời hãm chặt vào khuôn,

Ðương còn cá chậu chim chuồng khổ lao.

Kẻ chịu thấp, người ưa cao,

Trèo lên trợt xuống lộn nhào leo lên.

Miễn sao tâm chí vững bền,

Ðài cao trăm trượng biết lên kiếm tìm.

Sắt cục mài trở nên kim,

Dày công mới đặng đừng hiềm khó khăn.

Lỗi rồi mà biết ăn năn,

Hóa Mê thành Giác mới rằng tài ba.

Hai đường là Phật với Ma,

Ðọa siêu chỉ tại chánh tà, do tâm!

Thi:

Tà tâm xúi dục sự ngu hèn,

Ưa thích lợi quyền chuộng tiếng khen,

Ích kỷ tổn nhơn tham dục mãi,

Rửa lòng trong sạch tợ hoa sen.

* * *

Sen cúc mùa Thu ngát phấn hương,

Giữ gìn nên bứng để trong trường,

Ðạo cao nhiều lúc ma cao phá,

Phòng những dục tâm dắt lộn đường.

Thầy ban ơn các con. Thầy thăng.