PHÀM TỰ BÀI CA TỤNG
Theo kinh điển của các Thánh-nhơn ngày xưa thì chỉ có ngôi Thái-Cực là tuyệt đối mà thôi, kỳ dư nhứt nhứt trong Càn-Khôn Võ-Trụ đều do luật “tương đối” mà ứng hiện.
Lớn rộng bao la hơn hết là Trời với Đất, nhỏ nhít tế vi hơn hết là côn trùng mà còn tránh không khỏi sự phân tách ra nhị thể là Âm Dương thay, huống chi là người và các giống khác.
Vậy luật tương đối là một luật chung của Càn-Khôn Võ-Trụ mà nhứt là cảnh Sắc-Giới này.
Cao-Đài Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đã hiện ra nơi cảnh “Sắc-Giới” thì tức nhiên phải chịu dưới luật ấy mà phô diễn ra làm hai thể cách hữu hình là:
Cao-Đài Đại-Đạo và Cao-Đài Tôn-Giáo.
Hai thể cách này tức là “Tả Chi Hữu Dực” của Đạo Trời để tiếp tục nhau mà đưa quần linh từ cảnh “Vô Minh Khổ Não” của trần tục cho đến cảnh “Hư Vô Tịch Diệt”, để cùng hội hiệp với Đấng Chúa Tể Càn-Khôn.
Cao-Đài Đại-Đạo thì hiện nay có chi Chiếu-Minh làm đại diện, chuyên về khoa bí-truyền, hay là khoa siêu phàm nhập Thánh.
Cao-Đài Tôn-Giáo thì hay về khoa phổ hóa mà hiện nay làm đại diện là: các chi phái bên “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” và phái “Tiên-Thiên”.
Đã là “Tả Chi Hữu Dực” của Đạo Trời thì hai cơ thể “Bí-Truyền” và “Phổ-Hóa” phải liên hòa tương tiếp, tương trợ lấy nhau mới có thể chống vững Đạo Trời và làm cho cây Đạo đặng rườm rà sung túc thêm lên là vì:
Nếu không cơ “Bí-Truyền” thì cơ “Phổ-Hóa” không thể đưa người đến mục-đích cuối cùng của chữ “Tu” đặng. Như vậy, lý thuyết lấy đâu làm căn cứ cao siêu hầu phổ hóa Năm Châu sau này? Trái lại khoa “Bí-Truyền” không khoa “Phổ-Hóa” thì lấy đâu tuyển chọn sĩ tử vào trường để cùng tuyên truyền mối Đạo “Vô-Vi” ?
Đường tu chẳng khác cuộc “Đăng Sơn” mà lưỡng khoa đã kể đó tức là hai khoảng tối trọng của con đường ấy. Từ chơn non đến bán lộ là về khoa Phổ-Hóa, từ bán lộ đến đảnh là về khoa Bí-Truyền. Đôi khoảng phải tương tiếp nhau mới có thủ có vĩ, có thỉ có chung, đường tu mới trọn. Cứ theo thứ tự niên ngoạt nhựt thời mà xét thì xưa kia khoa Bí-Truyền ra đời trước cơ Phổ Hóa. Nay khoa Phổ Hóa đã đi đặng một bước đường khá dài thì khoa Bí Truyền phải ra mặt mà đưa kẻ thiện duyên đến đảnh.
Vì vậy mà ngày nay mới có quyển ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO. Quyển ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO ra đời thiết tưởng là một sự đại hạnh, đại phúc cho quần linh vậy.
Là vì từ xưa đến nay kinh sách luận về Đơn-Kinh không phải ít, nhưng lời nói rất u ẩn, lý thuyết rất kín đáo. Vì vậy chưa mấy bực đoạt đặng chơn truyền và sự lầm lạc thật vô số định.
Nay nhằm buổi Hạ-Nguơn, Thiên-Địa tuần huờn. Cơ “Tân-Dân Minh-Đức” sắp khai diễn hầu đưa người trở về thời Thượng-Đức, nên ĐẤNG CHÍ-TÔN vì lòng từ bi vô lượng, vô biên, mới hạ lịnh hội Tam-Giáo ban cho người đang cơn dỡ chết dỡ sống quyển kinh ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO này:
1) Để vẹt ngút mây mù ngàn năm hầu cho đời đặng trông thấy Đạo Trời một cách chánh đại quang minh, không còn chi gọi là mơ-hồ nữa.
2) Để rung động tâm hồn người thiện căn hầu cấp tảo hồi đầu tầm phương siêu thoát.
3) Phô trương một cách rõ rệt triết lý Cao-Đài Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ và chỉ rõ rằng : “Cơ siêu thoát không dành cho một hạng người, một chi, một phái hay một dân tộc nào”.
Vậy, quyển kinh ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO tuy rằng do nơi: Trước-Tiết Tàng-Thơ chi: “ Chiếu-Minh” mà sản xuất, nhưng nó vốn là chung cho các chi phái đã công nhận hai chữ CAO-ĐÀI và có lẽ là cho cả Tam-Giáo Cữu-Lưu nữa, vì lý chánh vẫn Một.
Trong Bữu Kinh này có một ít khoảng bàn đến Nhơn Đạo. Ấy là lý kín vậy: Ơn Trên khuyên đời nên giữ chữ Trung-Thứ để đi đến Đạo, vì Đạo thường trụ không ở thuyết Tuyệt Đối mà ở thuyết Trung-Dung.
Đời phải nương Đạo mới là “Thuấn Nhựt Nghiêu Thiên”. Trái lại, Đạo phải nương Đời mới trọn câu Phổ Tế. Vậy mong sao khi đọc Bữu Kinh ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO rồi thì khách thiện duyên mau tầm đường trở lại cựu quê, và các chi, các phái trong Cao-Đài Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tận tâm nổ lực hiệp với chi “Chiếu-Minh” để chấn chỉnh Đạo Trời hầu cứu độ vạn linh cho kịp kỳ Đạo mở.
TRẦN-VĂN-QUẾ Đạo Hữu “Trước-Lý Minh-Đài” Thành tâm ca tụng.
Sàigòn, ngày 19 tháng 11 dương lịch năm 1936.