Hoàn-cầu đang nháng chớp những lằn lôi-điễn, các dân-tộc đang hết lòng ái-náy phập-phồng với nạn chiến tranh, cái đời thống khổ khốc liệt gớm ghê cứ ngày càng hiện rõ hình trạng ra hoài, thì người đời lại há lẽ nào không biết chán?
Thế nên chán đời, sợ đời, tất phải ngày một đại đa số mãi ở trong nhơn loại.
Nhưng chán đời, sợ đời lại không phải chỉ trốn phứt cái đời bằng một phát súng, bằng một sợi giây, hay bằng liều thuốc độc, mà tưởng là đã thoát khỏi đời?
Vì, thưa chư quí đồng bào, lại còn cái luật Luân Hồi nữa chi? Vậy chán đời, sợ đời mà muốn tránh ra cho khỏi là chỉ có một phương độc nhứt vô nhị, một phương chắc chắn rõ ràng như một với một là hai, phương ấy cũng chẳng gì đâu cho lạ, chỉ là một cái chữ “TU”
Này, như chúng tôi đây: Cũng có người nơi hoạn lộ vì chữ danh mà vùng vẫy;
Cũng có kẻ chốn thương trường ham chữ lợi mà say mê;
Lại cũng có phường trong bốn vách dám quên mình mà nghiên ngữa;
Cũng có bợm giữa bảy tình không giữ tánh mà buông lung; rồi cũng có hạng muốn tuốt gươm vì cuộc thế mà mất còn;
Cũng có trang biết sôi máu với tình đời mà phấn đấu; nhưng, đến lúc sau này thì chúng tôi ngoài mặt chỉ buông xuôi theo giòng nước, miệng hử ừ qua buổi, mà vâng vâng với thế cho rồi, còn trong lòng lại đáu đáu đêm ngày trau tâm, sửa tánh, học đạo lo tu.
Chúng tôi điên chăng?
Chúng tôi dại chăng?
Không..... Chúng tôi chỉ chán đời như vạn trùng thiên hạ chán đời kia thôi.
Nhưng rất may cho chúng tôi là chúng tôi gặp được một nền Chơn-Giáo rất siêu việt hoàn toàn, nên chúng tôi hết sức hoan nghinh hân hạnh, vì chúng tôi mỗi ngày càng thấy rõ ràng hai chữ “Giải Thoát” nó ở mút con đường tu luyện của chúng tôi rất đổi sờ sờ chắc chắn, không còn một điểm tí gì ngờ vực nữa hết.
Được món quí bữu vô giá của Càn-Khôn Võ-Trụ ấy rồi, chúng tôi đã hết lòng cảm tạ Ơn Trên, chúng tôi lại muốn kêu to rầm rĩ cả góc Trời Nam để cùng hưởng với cả nhơn sanh cho phỉ dạ. Song khổ thay! Đạo chưa tới thời kỳ hoát khai độ chúng, nên chúng tôi phải ép lòng giấu kín mà ẩn dật tầm tu bấy chầy. Bỗng đâu mới vừa năm ngoái rồi đây, khi Thánh-Đức Tổ-Đình ở Cần-Thơ cử hành đại lễ khánh thành, thì Đấng CHÍ-TÔN lại ban cho câu đối như vầy:
Chiếu sắc ĐẠI-THỪA qui bổn tánh Minh truyền
CHƠN-GIÁO phục linh-căn.
Thấy ẩn trong đôi liễn có bốn chữ “ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO”; lại có hứa sẽ minh-truyền, thì chúng tôi biết mấy trông mong ao ước.
Nào dè Thiên tùng nhơn nguyện, hôm vừa cuối xuân, ĐẤNG CHÍ-TÔN lại thình lình sắc lịnh khởi từ ngày Sóc, trong tiết Trọng Thu, năm Bính-Tý này, CHÍ-TÔN sẽ bắt đầu ban cho nhơn loại một quyển ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO.
Ôi thôi! Mừng này có biết lấy chi cân bằng. Chúng tôi liền vội vã lo việc phụng lục, rồi phổ thông, ấn tống tức thì. Vẫn biết dùng cùng không dùng, nạp hay bất nạp là quyền riêng của mỗi người; song chúng tôi đây chỉ vì gặp được một bức họa đồ trong ấy đã bầy vẽ đành rành đường nẽo đi ngay đến cửa Giải Thoát, thì chúng tôi bao giờ há nở độc thiện kỳ thân, đành lòng cấp củm ôm riêng cho mình, nên lấy làm hân hạnh mà được phép đem ra cống hiến cho đồng bào cây “Kim Chỉ Nam” rất chắc thiệt, quí báu vô giá ấy.
Rất mong các bạn đồng nhân sẽ chẳng nệ công phu mà khảo xét chiêm nghiệm cho tận cùng đáo-để cái giáo lý trong mấy lời Thánh-Huấn trong Bửu-Quyện đây.
Được vậy, miễn được vậy chúng tôi cũng hết sức hài lòng vui dạ, mà cúi dâng Quyển Bửu-Kinh này cho tất cả đồng nhân trong hải nội.
Rất mong thay !
Đệ Tử phái “Chiếu-Minh”
(Trọng-Thu Bính-Tý 1936)