CAO-ÐÀI ÐẠI-ÐẠO và CAO-ÐÀI TÔN-GIÁO

Ðây Thầy giải về: Cao-Ðài Ðại-Ðạo và Cao-Ðài Tôn Giáo.

CAO-ÐÀI ÐẠI-ÐẠO thuộc về phần Tiên-Thiên vô-vi, tâm-pháp bí-truyền, chỉ cách tu tánh, luyện mạng mà phản bổn huờn nguyên, siêu phàm nhập Thánh cho rõ chơn lý căn cơ của Trời, Ðất để chọn lựa riêng những (phần ít) người có tánh cách nguyên-nhân chán đời tầm Ðạo, gát vòng danh lợi, phế dẹp tình đời, không lưu luyến hồng trần, cầu bất sanh, bất tử. Ðó thuộc về khoa "Nội giáo tâm truyền, khẩu thọ, luyện Ðạo tu đơn".

Còn CAO-ÐÀI TÔN-GIÁO là tôn-giáo để phổ thông Ðạo-đức, độ người mới bước đầu tiên vào tầm chơn-lý, nên chi còn dùng hình thức bề ngoài mà giục lòng sanh chúng, noi theo đường đời, dùng thinh âm sắc tướng, có áo rộng mão cao, tước phẩm chức sắc Thiên phong làm cho vẻ-vang trật-tự. Thầy hay vừa lòng chúng-sanh, muốn món chi Thầy cho món nấy. Ðứa thì ham ăn ngọt, đứa lại thích món chua; nào ngọt, chua, cay, chát, con nào dùng món nào, Thầy cũng sắm sẵn cho các con.

ÐẠO là vô-vi, vô hình, còn Tôn-Giáo là cái cửa.

Mỗi người muốn thành Phật, Tiên phải chun qua cái cửa ấy rồi vô trong là Ðạo.

Nhưng Thầy thấy phần nhiều các con lấy làm ngạc nhiên vì lẽ đó, sao lại chia nhiều phái, chiều chi, chỗ lại thích vô-vi, nơi thì dùng hình-thức. Ðó là cái cơ tấn-hóa của nhơn sanh. Thầy để chọn Thánh phân phàm, lọc lừa sàng sảy, nhưng cũng tại lòng dục-vọng của các con ham món này, muốn vật kia, ưa phép lạ, mới có chia rẽ ra tịnh thất, tịnh trường, chi này, phái nọ, thấp cao tranh biện. Sự ấy là sự giả, bào ảnh bề ngoài. Mà dầu cho thật đi nữa, các con luyện thành bửu-pháp thì các con cũng không thể làm cho các con đặng thoát khỏi luân-hồi. Muốn luyện thành pháp-nhiệm thần-thông, trước phải tu thân, chánh tâm cho chí-thiện, chí-mỹ. Mà hễ luyện đặng chí-thiện thì mới đoạt chí-linh. Chớ các con còn mang lấy xác phàm làm sao mà truyền bửu-pháp.

Ðạo Thầy vô-vi, không huyền-diệu thần-thông chi cả, cốt dạy người nên Ðạo-đức hoàn toàn thành Phật, Tiên, chớ không truyền bửu-pháp như bên tả Ðạo, hễ thấy môn đệ bất cứ ai cũng ban, chớ không chọn lựa người hạnh-đức, hiền-lương. Trao như vậy có phải là phá đời, hại chúng không?
Thăng.