Đàn 24 tháng 9 Bính-Tý

GIẢI NGHĨA BỐN CHỮ

“ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO”

Lý-Thái-Bạch Đại-Tiên-Trưởng, Bần-Đạo mừng chư hiền nam nữ.

Bốn chữ ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO nó có nghĩa lý rất cao siêu mầu nhiệm.

Chữ ĐẠI là lớn. Đã rằng lớn thì còn chi lớn hơn nữa. Nó có thể bao quát cả Càn-Khôn Võ-Trụ, nó cao thượng vô hình; không chi ngoài nó đặng.

Đã vậy, nó còn có một cái nghĩa riêng về lẽ Đạo nữa. Nghĩa riêng nó như vầy:

Chữ Đại ( ) là chữ Nhơn ( ) với chữ Nhứt ( ). Chữ “Nhơn” là người, viết hai phết, tức là âm dương hiệp nhứt, mà âm dương hiệp nhứt thì phát khởi Càn-Khôn hóa sanh vạn vật.

Vã nhơn là người, hễ người biết tu luyện cướp đặng cơ mầu nhiệm của Tạo-Công thì là đắc nhứt. Mà nhơn lại đắc nhứt nữa (chữ Nhơn thêm chữ Nhứt là Đại) ( ) thì vĩnh kiếp trường tồn, diên-niên bất hoại.

ĐẮC NHỨT là gì ?

Nghĩa là đặng MỘT. Một tức là cái pháp độc nhứt vô nhị, cái pháp kín nhiệm, huyền vi của Tiên, Phật, khẩu truyền tâm thọ, để cổi xác phi thăng, siêu phàm nhập Thánh. Có câu: Thiên đắc nhứt: Thanh, - Địa đắc nhứt: Ninh, - Nhơn đắc nhứt: Thành. Trời đặng MỘT ấy mà khinh thanh, - Đất đặng MỘT ấy mà bền vững, - Người đặng MỘT ấy mà trường tồn.

Chử THỪA là phẩm bực, cao thì tuyệt mù, thấp thì thấp tột đáy. Nó không giới hạn định phân. Nhỏ như hột cát, lớn tợ Thái Sơn. Nó bao quát Càn-Khôn Võ-Trụ. Thầy tùy theo trình độ tấn-hóa nhơn sanh mà ban hành Đạo-Đức. Bực thông minh trí tuệ hay là hạ tiện thường nhơn cũng có thể tu theo được.

Chữ CHƠN là Chơn-Lý. Cái Chơn-Lý của Trời ban ra. Ai ở trong Trời Đất cũng phải tuân hành mạng lịnh. Hễ thuận tùng Chơn-Lý ấy thì đặng an nhàn tự-toại, còn bỏ xa Chơn-Lý ấy phải chịu khổ sở ngu hèn.

Hay cũng có nghĩa: CHƠN là chơn-truyền. Truyền cái cơ Đạo bằng cách chơn thật, rõ ràng, không ẩn núp cao xa sâu kín mà làm cho chúng-sanh phải khó hiểu, khó tìm, rồi thất lạc chỗ chơn-truyền đi.

Chữ GIÁO là dạy cho người đời biết rõ căn bản, linh tánh phục hồi. Chữ giáo là giáo hóa, giáo dục cho nhơn quần xã hội, phá mê những kiếp đã mang tội lỗi nặng nề. Nhờ cái cơ Giáo mà loài người được tấn hoá một cách lẹ làng, bước đến nấc thang văn minh, tinh thần đạo-đức đời nọ sang đời kia, liên tiếp mãi nhau, không bao giờ ngừng nghỉ.

Còn nói tóm bốn chữ ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO thì:

ĐẠI-THỪA là phương pháp tu luyện cao trỗi hơn mấy bậc tiểu-thừa. Để riêng cho hạng người chán Đời tầm Đạo, thoát kiếp luân-hồi, tầm nơi an nhàn, thanh tịnh là cảnh Bồng Lai. Những phép ĐẠI-THỪA đó thuộc về tâm pháp bí-truyền, cái Thiên-Cơ bí mật của Thánh-Nhơn khẩu khuyết tâm-truyền để cho người tu cầu bất sanh bất tử.

CHƠN-GIÁO là cái cơ siêu hình bài tỏ lẽ vô-vi chơn lý, đem cái phép chơn thật mà dạy đời tu hành cho khỏi nghịch với Thiên-cơ, phạm vào đường tội quá. Có Chơn-Giáo là vì Tam-Giáo đã thất chánh-truyền. Ngày nay ĐẠI-ĐẠO phải phục hưng đem cái cơ mầu nhiệm để truyền dạy người đời được thoát kiếp trần ai mà đoạn dứt mối dây luân-hồi quả báo, lấp biển khổ, đổ thành sầu, nhơn loại mới mong nhảy ra khỏi cái bầu tang thương biến cải được.

Ấy là nghĩa của bốn chữ: ĐẠI-THỪA CHƠN-GIÁO vậy. Bần-Đạo thăng.