03 Luận Đạo khuyến tu - Trúc Lâm Thiền Điện 22 1 1966


3.- LUẬN ĐẠO KHUYẾN TU

Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long)

Ngọ thời Mùng 2 tháng Giêng, Bính Ngọ (22-1-1966)

Thi:

HỘ đàn Thiền Điện lễ Khai Xuân,

PHÁP nhiệm truyền ban độ thế trần,

GIÀ giả chơn tâm thâu vọng niệm,

LAM giang mặc mặc đắc Tiên chân.

HỘ PHÁP GIÀ LAM, Ta chào chư Thiên Mạng, chư liệt vị thiện nam tín nữ đẳng đẳng. Chư liệt vị thành tâm tiếp điển Thiên Tôn lâm đàn. Ta xin chào, xuất ngoại ứng hầu.

(Tiếp điển: )

DI-LẠC THIÊN-TÔN, Bần Tăng chào mừng chư Thiên sắc thiện tín tất cả đàn trung.

Hôm nay, Bần Tăng giáng nơi Trúc Lâm Thiền Điện để chứng lòng thành kỉnh của chư thiện tín và đem ân lành ban rải cho mọi người được mát mẻ tâm trung, sùng tu chánh giáo, hầu sớm dứt khổ ách tai nàn của sự cộng nghiệp gây nên. Bần Tăng miễn lễ, đàn trung tọa thiền nghe Bần Tăng phân giải.

ĐẠO dựng nên Đất Trời. Trời Đất do Đạo hóa sanh vạn vật. Vạn vật cũng do Đạo tiến hóa không ngừng. Vì vậy cho nên trong vạn vật đều có đất trời, tức là có Đạo vậy. Từ loài khoáng sản đến côn trùng, thảo mộc, thú cầm, và nhơn loại đều chịu định luật chung của Đạo. Vì vậy, Đạo hết sức rộng lớn, mà cũng vô cùng tế vi. Không thể tựa vào thể dụng để luận Đạo, cũng không thể tựa vào thời gian, không gian để đo cái Đạo. Thế nên Lão Tử gượng đặt cho là Đại-Đạo.

Cơ thể con người là chỗ trụ của linh hồn, là chơn linh của Thượng Đế phát ban, nên mỗi người đều có tâm linh của Thượng Đế. Nếu biết trụ tâm suy nghiệm, thông lý Đất Trời, biết được căn cội vạn vật là thông Đạo. Hễ thông Đạo, thông vạn vật thì hòa mình cùng vạn vật đại toàn thể, không còn chấp ngã nhĩ bổn tha nữa.

Từ cổ chí kim, các bậc tu hành đắc Đạo chỉ có một suốt lý Đạo mà nên. Người đời còn mang phần thể xác tứ đại, nên bị chi phối bởi thập tam ma. Nếu tâm linh không thường trụ, làm chủ bản thân, để thất tình lục dục lấn át điều khiển, sẽ dẫn con người trầm mê đọa lạc.

Luận một cách khác: Nếu tâm linh thường trụ, đắc nhứt đắc trung, huyền quang khai khiếu, quán thông Thiên Địa vạn vật, thì ngồi tịnh thiền một chỗ, phóng hào quang một giây, quan sát khắp cả càn khôn vũ trụ, thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu. Khi thâu lại, trụ trong chỗ tế vi, không dùng mắt phàm xem được. Đến khi viên mãn công phu, ngày giờ nhứt định, sẽ xuất chơn như trở về hiệp nhứt cùng khối đại linh quang, còn lại mãnh thân tứ đại trần cấu sẽ trả về cho tứ đại cùng đất, nước, lửa, gió.

Thế nên Thiên Đường Cực Lạc không phải chỉ ở trong tưởng tượng mông lung chín từng mây bạc, và A Tỳ địa ngục cũng không phải ở tận lòng đất âm u trung tâm điểm quả địa cầu, mà chính ở tại tâm trung của mỗi người.

Thử xem một ví dụ cụ thể sau đây: nếu tâm trung không làm chủ thập tam ma, ắt phải phạm nhằm luật ngũ giới cấm, từ đó sẽ rơi vào bốn vách tứ đổ tường. Từ tứ đổ tường nảy sanh tứ khổ, tứ khổ giày vò tấm thân tứ đại ở nơi cõi trần, nào say sưa đến mất phẩm giá con người, nào đam mê sắc dục, tiêu tán điểm linh quang, nào bạc bài tiêu ma sự nghiệp, đói rét nghèo nàn, chẳng những cho chính bản thân mà còn lụy liên đến thê nhi tôn tử, lặn hụp trong mê hồn trận của nha phiến làm gầy gò thân xác. Rồi thử hình dung một kiếp con người đó ở cõi đời này, nào say sưa mất phẩm giá, nào đói rét nghèo nàn, nào loạn luân sắc dục, nào tiều tụy thân xác, hỏi con người đó đặt ở một cương vị nào trong xã hội loài người? Có hưởng được hạnh phúc của thế nhân hay chăng? Hỏi tức là trả lời: chắc chắn là không. Con người đó phải tán tận lương tâm, khổ sầu nhục nhã, tuy còn sống ví như thác chưa chôn. Đó là địa ngục tại trần gian do tâm trung không thường trụ.

Con người biết tìm cửa Đạo, nên phân biệt lẽ chánh điều tà. Tâm trung thường trụ điều khiển bản thân, chuyển thất tình thành thất bửu, chuyển lục dục ra lục thông. Lúc bấy giờ nhãn quan nhìn vạn vật như tay chơn đầu cổ thân xác của mình. Từ đó phát khởi tình thương Vô Cực, nảy sanh lòng mến yêu, chăm sóc, dưỡng dục tất cả mọi người. Tình thương phát khởi tại tâm trung sẽ thể hiện lên gương mặt, tướng đứng, hình ngồi, đi, nằm, đều lộ vẻ khả ái, đức độ từ bi. Từ đó sẽ hiện lên một nhị xác thân để bảo tồn nhục thể. Vì vậy nên người tu hành đúng mức độ, đúng lý Đạo Đất Trời, dầu ở trong biển lửa không thấy nóng, ở chót Hy Mã Lạp Sơn không thấy lạnh, ở trong khám đường thế tục không thấy gò bó, ở trong thời đao binh khói lửa không nghe tiếng động khí cụ chiến tranh, không còn cảm thấy sự khổ, ma không bắt, thú không ăn, kẻ hung ác không nở giết hại.

Con người được đến mức độ đó thì còn cầu mong gì lên chốn Thiên Đường Cực Lạc vô tận xa xăm, mà chỉ ở thế gian này cũng đã toại hưởng đầy đủ các điều kiện đó rồi. Một ưu điểm hơn nữa là được gần gũi cùng chúng sanh để có nhiều dịp thế Thiên hành hóa, để được công dày đức trội, hầu vượt lên phẩm vị Phật Tiên.

Mùa xuân này là giáp một mùa xuân nơi đây, Bần Tăng được tái ngộ cùng chư thiện tín, toàn thể nam nữ hãy kiểm điểm lại nơi lòng mình, nơi bản thân mình và nơi gia đình quyến thuộc của mình, xem một năm qua đã tiến triển đến mức độ nào chưa về phương diện tinh thần đạo nghĩa?

Riêng Bần Tăng nhận thấy có tiến triển khả quan về mặt hữu hình, nơi thờ phượng, từ mái nhà thô sơ lụp xụp trong mùa Xuân Ất Tỵ, đã trở nên đồ sộ nguy nga, huy hoàng, và cũng không kém phần uy nghiêm tôn kính. Nhưng đó là mặt hữu hình, thể chất. Cũng cần là cần ở phương diện tựa vào cái giả tướng đó để đánh vào thị nhãn của chúng sanh ưa thích về hình tướng, do đó cũng hấp dẫn họ lại gần gần nơi Thiền Tự. Đó là những trình độ hiểu Đạo thô sơ.

Điều quan trọng hơn là ở nội tâm. Nội tâm có nhớ lời Bần Tăng phân giải năm ngoái cùng chăng, và đã làm được những gì trong các điểm ấy?

Cúng lạy pho tượng tạm đặt tên Bần Tăng để thể hiện lòng sùng kính một Đấng Từ Bi cứu thế, nhưng phải cần làm và làm cho nhiều theo đức độ và giáo lý đã chỉ truyền mới mong tự cứu rỗi thân tâm, chớ quá chú trọng về mặt hình thức lễ bái cầu xin mà thiếu về phần nội tâm tự tu, tự cứu, Bần Tăng cũng không làm sao cứu rỗi giùm.

Thi:

Hiểu thông sắc tướng với vô vi,

Xuân Hạ Thu Đông có khác gì,

Tuế nguyệt vận hành cơ tác động,

Càn khôn luân chuyển pháp huyền vi.

Hữu hình hữu hoại do công luật,

Vô sắc vô tình chẳng định kỳ,

Mới biết Thánh phàm trong lẽ Đạo,

Người đời học hiểu khỏi sầu bi.

Bài:

Xuân Bính Ngũ đúng kỳ sắc lịnh,

Giáng Trúc Lâm thức tỉnh người đời,

Tu hành hiểu rõ lẽ Trời,

Mới không lỗi đạo làm người làm Tiên.

Phật Tiên vốn căn nguyên người tục,

Thánh Thần đều phát xuất trần gian,

Có thân, thân phải vẹn toàn,

Vẹn bề nhơn nghĩa, vẹn đàng vi nhân.

Biết chơn lý không phân màu sắc,

Hiểu đạo cơ không Bắc không Nam,

Nguyên tông Tam Giáo lâm phàm,

Trị an bá tánh đạo vàng hoát khai.

Đạo Thánh đã sắp bày nhơn nghĩa,

Đạo Phật thì gieo tỉa từ bi,

Đạo Tiên bác ái chẳng ly,

Đạo nào lại có rẽ chia sự gì.

Ba lẽ đó thiếu thì một lẽ,

Ắt không thành, khó nhẹ siêu thăng,

Xưa nay người thế tưởng rằng:

Phật Tiên khác ngõ, Thánh Thần khác nơi.

Học Đạo vậy nên đời mới loạn,

Tu sắc màu khởi nạn đấu tranh,

Hỡi ai thức tỉnh tu hành,

Tìm ra lẽ Đạo cho rành người tu.

Đã dày dạn công phu chay lạc,

Chấp ngã còn chẳng khác chi đời,

Bần Tăng khuyên hỡi ai ơi!

Tìm về chánh đạo thì Trời ấy ta.

Có điển quang Chơn Thánh Phan Thanh Giản sắp nhập đàn. Chư hiền sĩ, hiền muội khá chỉnh đàn nghinh tiếp. Cho phép hiền sĩ Huệ-Chơn an tọa dưỡng thần, hiền muội Bạch-Tuyết vào thay độc giả.

Ban ơn lành chung cho tất cả,

Gội phước từ bi giải họa trần gian,

Rán lo tu nhập định tham thoàn,

Bần Tăng tạm cảnh nhàn lui điển.