Nước Chảy Mây Trôi
Nguyễn Ngọc Tư


Hôm trước ngày đi Đất Mới khai giảng niên học mới, Diệp chở mẹ đi nhổ răng. Trên đường về, bỗng dưng Diệp nghe nước mắt mẹ rớt trên lưng mình. Mẹ than buồn, vì miệng còn ngậm bông gòn nên giọng mẹ bệu bạo (hay tại khóc?), mẹ nói, không biết thầy Nhiên có chê mẹ già không. Diệp biết mẹ nói không thật, mẹ khóc vì mai này mẹ đã xa Diệp mất rồi, chứ hai mẹ con Diệp hiểu thấu tới đáy lòng, thầy Nhiên không phải là người coi trọng mấy chuyện lặt vặt đó.

Mẹ Diệp lớn hơn thầy Nhiên đến tám tuổi, hồi họ quen nhau, thầy Nhiên mới ba mươi ba. Nhà may của mẹ cách trường cấp ba Hưng Hải chừng mươi thước, nổi tiếng khắp thị xã về may áo dài. Gặp lần đầu ở buổi họp phụ huynh, thấy thầy vai áo rách, về nhà mẹ Diệp mua vải may tặng thầy một chiếc sơ mi mới, để lấy lòng thầy cho con nó nhờ. Sau này, thầy hay lại nhà nhờ mẹ Diệp may áo. Có lần mẹ hỏi vợ thầy đâu mà để áo rách vầy, thầy cười, còn gởi ở nhà người. Diệp đi học về, mẹ hỏi, thầy Nhiên ba mươi mấy tuổi đầu chưa lấy vợ, chắc thầy Nhiên khó tính lắm hả con. Diệp lắc đầu, không, thầy thấy thương lắm.

Diệp nói thật lòng. Từ ngày thầy chủ nhiệm lớp, buổi sinh hoạt nào lớp cũng vui tươi, tràn ngập tiếng hát, tiếng cười, có đứa còn đi học đàn về gãy tửng từng tưng. Thầy dạy môn Văn và biến những tiết học khó khăn này thành một thiên đường của cảm xúc. Giọng thầy ấm áp, sôi nổi, truyền cảm, mắt hay nheo, coi bộ hóm hỉnh, vui tính. Thầy bảo, mắt thầy bị tật hồi còn ở lính, không nheo thì bắn không... trúng, nheo riết thành quen. Bọn Diệp cười, tướng thầy mà bộ đội gì, thầy cũng cười, giỡn hoài, đơn vị còn không định cho ra quân nhưng thầy nhất quyết xin ra, đi dạy học. Đám học trò khen thầy dạy văn giỏi nhất trường. Nhà trường thì không nghĩ vậy, dạy cháy giáo án hoài mà giỏi gì.

Sau này, khi xem bộ phim võ hiệp "Tiếu ngạo giang hồ", Diệp phát hiện ra thầy Nhiên giống hệt Lệnh Hồ Xung, cuộc đời anh chàng không thể hoạch định trước, làm gì cũng theo cảm xúc, cả chiêu thức võ công anh ta dùng cũng "nước chảy mây trôi theo ý mình". Dù vậy, Diệp cũng thảng thốt, bất ngờ rất nhiều khi hay thầy với mẹ thương nhau. Mối tình đó không thể giải thích được vì sao, không thể nói rành rọt bằng lời những cảm xúc dịu dàng mà bỏng cháy trong lòng mỗi người. Bắt đầu từ đâu? Từ miếng băng keo thầy mang đến khi thấy tay mẹ đứt, từ việc mời nhau mấy củ khoai mì nóng thầy mua của chiếc xe đẩy trên đường, hay từ những bữa họp phụ huynh, thầy nhìn thấy mẹ Diệp ngồi trong một góc nào đó, đẹp đẽ, sang trọng mà buồn buồn, vơ vất, như lạc ở một vì sao nào...? Mẹ chỉ biết nói lời xin lỗi Diệp. Nó khó khăn lắm mới bảo, không sao, nếu con là mẹ, con cũng yêu thầy, thầy dễ thương quá trời đất mà.

Ba Diệp thì không thể tha thứ. Chẳng thèm chửi bới, đánh đấm nhau, là người trí thức, ông bác sỹ xử sự rất mềm mỏng. Ông đến trường, níu bất cứ đứa học trò nào ông nhìn thấy, phẩn trí van vỉ (như một người yêu vợ hết lòng), "Cháu làm ơn nói với thầy Nhiên trả vợ lại cho chú, làm ơn, cháu ơi !". Chuyện này gây tiếng vang đến phòng giáo dục, rồi đến Sở. Thầy Vẹn, hiệu trưởng trường vốn là đồng đội cũ với thầy Nhiên, thương bạn lắm nhưng đành buộc thôi việc.

Rồi thì mẹ Diệp cũng ra đi. Qua cửa, mẹ chỉ có một chiếc va li nhẹ bổng, trống không. Lẽ ra mẹ có thể mang đi nhiều hơn, nhưng chỉ với hai bàn tay trắng, mẹ mới rửa oan cho thầy trước lời mai mỉa của người đời, rằng thầy chỉ yêu túi tiền của mẹ thôi. Diệp thầm thắc mắc, yêu là phải hy sinh nhiều thứ vậy sao người lớn đâm đầu đi yêu hòai, làm chi cho khổ hôn?

Tổ ấm đó cách nhà Diệp một cây cầu, nhiều con đường ngoắt ngoéo. Diệp có đến chơi, đến mà nghe quen thuộc, ấm áp như nhà mình. Hồi trước, Diệp tới nhà thầy chơi hoài chớ gì, nó thuộc lòng từng cuốn sách trên giá, rành rẽ từng chổ thủng của cái màn cửa. Nhà thầy bừa bộn, đầy màu sắc. Màu của giấy dán tường, của những đường viền tự tay thầy cắt, của những tờ lịch đầy núi, thác nước và mây. Tất cả những cái đó đầy sự sống. Nó khác với nhà Diệp, bốn bức tường đều trắng, Diệp đem hình diễn viên, ca sỹ về dán trong phòng, ba khó chịu. Ở nhà, mọi người phải xem bộ phim, nghe những lọai nhạc bác học mà ba thích. Bữa cơm nào ba cũng tự tay rửa rau, dù mẹ rửa rồi, ông cũng phải rửa lại (Diệp ngờ rằng, tình yêu của mẹ đã mất mát từ chuyện ấy, đến rửa rau mà cũng không tin nhau). Ba không ăn ở quán ăn vỉa hè, cự tuyệt những món chuối nướng, khoai nướng bên đường, ba nói ăn vậy là không vệ sinh. Ba bảo mẹ một tuần nấu canh bí đỏ sáu lần, thực đơn này giúp cho Diệp thông minh, học giỏi, giúp Diệp trở thành một bác sỹ danh tiếng như ông.

Nhưng Diệp chỉ thích làm cô giáo. Một cô giáo sẽ không vì đám học trò ngỗ ngịch mà nguôi đi lòng thương yêu, không vì danh hiệu thi đua này nọ mà nguôi đi tâm huyết của mình. Giống như thầy Nhiên vậy.

Một bữa, lại nhà mẹ chơi, Diệp chỉ tay vào góc lâu nay thầy vẫn để sách và đàn, nó nói, "Thầy ơi ! Em chỉ cần chỗ này là đủ, ban đêm em ngủ, ban ngày em sẽ ngồi học ở đây". Thầy Nhiên với mẹ nhìn Diệp mừng rưng rưng nước mắt. Nhưng cũng phải đợi đến bữa ba dẫn bạn gái về, Diệp mới ra đi. Ba không ngăn lại, chỉ cười khan, lạnh, đầy cay đắng, hằn học. Diệp thấy mình hơi giống mấy tên phản bội trong phim.

Bây giờ chuyện cũ cũng đã nguôi rồi, người ta thôi không trầm trồ nữa. Mẹ gầy dựng lại một tiệm may mới, với những khách hàng cũ. Thầy Nhiên quyến luyến đám học trò nên thuê quầy bán sách báo ở trước cổng trường. Ba Diệp đã lấy vợ, có con. Tốt nghiệp Đại học xong, Diệp có ghé nhà, thấy ba ngồi giặt tã cho em. Lúc ra về, tổng kết lại thì ba chỉ hỏi Diệp đúng một câu, “Ra trường rồi tính làm ở đâu ?” Diệp nói không biết nữa, nếu chờ được phân công, có thể nó sẽ về dạy ở một huyện, thị trấn nào đó, có thể ở đó nghèo và buồn.

Mẹ nói sẽ tìm cách xin cho Diệp ở lại thị xã, thầy Nhiên có nhiều người quen làm trong ngành giáo dục, thí dụ như thầy Vẹn đang làm Phó Giám đốc Sở. Diệp chần chừ không biết lắc hay gật đầu, mẹ thở dài, nửa đêm than với thầy Nhiên, "Chắc mình mau già lắm, Nhiên ơi. Con gái mình thấy rầu quá".

Rầu chớ, công việc đang lừng khừng, chuyện yêu đương Diệp cũng chẳng tới đâu. Đứa con trai cuối cùng đã thôi lui tới nhà chừng nửa tháng nay, sân trước chưa thấy xe của người mới nào đậu. Mẹ nhắc lại nào Tuấn nào Huy, rồi Phát, Sang, mấy đứa đó thấy thương quá mà sao kỳ vậy không biết. Diệp cười, "Trời đất, tụi nó hả, con đâu có yêu". Mẹ tức quá vặt lại, "Vậy chớ con yêu ai?". Mẹ hỏi Diệp trong một đêm gió rất nhiều. Diệp tự vấn mình câu đó, khi có được câu trả lời, chợt nghe gió thổi tơi bời vào lòng, nghe như gió cấp mười, mười hai trong ấy.

Hôm sau, Diệp gọi thầy Nhiên bằng ba (nó bẻ miệng đến toát mồ hôi ra). Mẹ với thầy nghe lạ, phì cười. Diệp tá hoả, tiếng gọi ấy với nó không có ý nghĩa gì hết, kêu tiếng ba thiêng liêng mà lòng vẫn yêu thầy, yêu thầm lặng tự hồi nào không biết. Hèn chi đi xa nhớ quá chừng (tưởng chỉ nhớ nhà thôi), hèn chi mấy thằng bạn trai hay bị đem ra so sánh với thầy (tưởng vì quý trọng quá đó thôi)… Bây giờ không biết làm sao quên được đây, để vầy nguy hiểm quá, người ta nói yêu với say rượu khó che mắt được người đời.

Diệp ngầm chuẩn bị cho mình một chuyến đi xa. Mẹ không biết, nên mẹ đi chợ, mua hai ký lô khô cá sặc rằn, dịu dàng bảo thầy Nhiên" Nhiên chở con tới nhà anh Vẹn chơi, sẵn tiện, nhờ ảnh giúp cho nó một chỗ làm, có chút quà này…". Rồi mẹ Diệp tiễn hai người họ ra tới ngoài sân, lên xe, chạy một đoạn, ngó lại, thấy mẹ vẫn còn đứng tần ngần, giống như sợ thầy trò Nhiên đi lộn đường hay sẽ lén quay trở lại nhà.

Nó ngồi sau lưng thầy (như nhiều lần ngồi sau thầy đi mua keo, nút áo, chỉ may cho mẹ), mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép mặt vào lưng, được choàng tay ôm eo thầy. Chiếc xe chạy lòng vòng qua hết mấy con đường, cứ gặp đèn đỏ là thầy lại quẹo phải, Diệp khúc khích cười, nghĩ, nhà thầy Vẹn đâu có xa dữ vậy. Chiếc xe máy hiểu ý chủ nên nó cũng cà xịch cà lụi, lâu lâu lại phun ra một bụm khói đen xì. Thầy bảo, "Chết cha, chắc là nước vô bình xăng". Mà, chiếc xe vẫn không chịu chết máy hẳn, vậy mới kỳ. May nhờ đến trước cổng nhà thầy Vẹn thì trời đổ mưa, cả thầy Nhiên và Diệp đều mừng húm, kêu lên, "Mưa ! Mưa rồi !" rồi chạy vào quán cà phê ngang đó cho khỏi ướt.

Diệp vừa phủi nước trên áo, trên tóc mình vừa cười, nhớ lại thì trên đời này chắc không ai mắc mưa mà phấn khởi như vậy. Thầy trò Diệp kêu hai ly trà đá, bắc ghế ngồi ngó mưa rơi, ngó qua cái tường rào im sẫm đằng trước nhà thầy Vẹn, nghe trong lòng ngại ngần quá trời đất.

Chỗ này chỉ cách bên đó một con đường, coi vậy mà qua đó cũng nghiêm trọng như Kinh Kha qua sông Dịch. Thật ra, nghỉ dạy ở trường cấp Ba Hưng Hải rồi, thầy vẫn thường lại chơi nhà thầy Vẹn. Người đang có chức vị, ngồi cao hay ước sống như ông bán lẻ sách báo ở cổng trường (mà càng bán càng lỗ vốn, cứ thấy cuốn sách nào hay là dúi tặng cho học sinh). Thầy Vẹn bảo, " Đâu phải ai cũng làm được chuyện động trời như ông vậy. Nhớ kỷ coi, đang học ngọn lành, ông tình nguyện đi biên giới, ở lính được cưng chiều ông không chịu, đòi ra lính dạy học, đang dạy học, lại đòi yêu mà lại đi yêu ngang trái mới chết". Thầy Nhiên cười, "Cũng trả giá dữ lắm, đừng tưởng giỡn". Vợ thầy Vẹn cũng quý bạn chồng, chị nói "Ông xã em mê anh lắm, ảnh nói bây giờ có một chút chức quyền mới biết cực khi chơi với bạn, cứ phải cảnh giác nhìn nhau không biết người ta sắp nhờ cậy gì mình, chỉ có anh Nhiên là không tính toán gì hết". Vì đã nói vậy nên bây giờ mới khó mở lời…

Diệp biết thầy Nhiên đang nghĩ lung lắm, nhưng nó không nói gì, nó chỉ lẳng lặng ngồi nhìn mớ tóc to cộ cứng như rễ tre đã chớm bạc trên đầu thầy. Hồi trước, mỗi khi thấy tóc thầy dài, Diệp vẫn hay nhắc, biểu đi cắt, để tóc vậy coi già thấy mồ. Hồi đó, thầy cười cười, "đâu nè, vầy là vừa chớ". Sau rồi Diệp biết, thầy cố tỏ ra luộm thuộm để đuổi cho kịp mẹ, để mẹ khỏi buồn, khỏi mặc cảm chuyện vợ già chồng trẻ. Thầy tinh tế cả chuyện ăn mặc, chuyện xưng hô. Ở nhà Diệp, ai tới cũng bảo ngộ, nhất là mấy anh chàng đang đeo đuổi Diệp, họ bảo, "Nhà Diệp không có tôn ty trật tự gì hết, thấy lộn tùng phèo". Thí dụ như chuyện xưng hô, rõ ràng nghe thầy Nhiên với mẹ kêu nhau Nhiên Nhiên Thuý Thuý giống bạn bè hơn là chồng vợ, còn Diệp gọi thầy thì tuỳ hứng, có lúc kêu cậu, có lúc gọi "đại sư ca".

Nhớ tới đâu lòng Diệp đau tới đó, nhà giống như thiên đường vậy, mà mình lại phải đi xa. Ngoài trời vẫn còn mưa, nước chảy ròng ròng vào miệng cống. Thầy bảo mưa dai quá hen. Diệp cười, dạ, mưa dai thiệt. Thầy hỏi, hay là hai cậu cháu mình chạy qua gặp thầy Vẹn một chút. Diệp lắc đầu, thôi, cậu.

Diệp không đành lòng cùng thầy cầm gói cá khô bước qua cửa nhà thầy Vẹn. Muốn hay không, khi quay trở lại, thầy trong lòng Diệp sẽ không tròn vẹn như bây giờ. Mất mát đó có thể rất mỏng manh, nhẹ như hơi thở, có thể chỉ là cảm giác vậy thôi. Thầy trông sẽ hèn hèn đi một chút, ngượng ngập một chút, vẩn đục một chút. Diệp muốn giữ vẹn trong lòng mình một hình ảnh đẹp, một người đàn ông lúc nào cũng nồng ấm, đĩnh đạc, thư thái, đầy khí phách và thành thật với con tim. Lỡ mai mốt đây gặp hoàn cảnh khó khăn nào, Diệp còn có thầy Nhiên mà vịn vào, đứng lên, đi tiếp. Nếu phải đi xa để những điều tốt đẹp còn nguyên lành mãi thì cũng đáng lắm chớ.

Lúc về trời vẫn còn mưa, Diệp có dịp dấu mặt vào lưng thầy, khóc chơi. Trời ơi, nép sau một cái lưng rộng và ấm áp như vầy để khóc đã thiệt. Mẹ hạnh phúc biết bao nhiêu.

Lúc về Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo mớ khô cá sặc rằn này hôm nào làm liên hoan tiễn con đi, mẹ nướng rồi xé trộn xoài sống, con thích món này lắm. Chỗ con tới có thể buồn và nghèo, có thể cách trở xa xôi, có thể đám học trò của con lấm lem sình đất, nhưng con không ngại, để con hát cho mẹ nghe bài này, rằng "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ giành phần ai ?". Mẹ nghe xong, rớt nước mắt, day qua thầy Nhiên, không rõ khen hay than mà giọng buồn hết biết: "Nhiên coi, không phải máu mủ của Nhiên mà con mình nó giống y chang Nhiên vậy. Muốn là làm".

Đâu nè, đâu phải muốn là làm, cũng phải suy nghĩ đắn đo dữ lắm. Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi ? Phải chọn lựa và trả giá chứ…


Nguyễn Ngọc Tư