Sự Chết và Khai Ngộ

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại San José, Costa Rica
Ngày 22 tháng 11, 1989 (Nguyên văn tiếng Anh)




Tối nay, tôi xin cống hiến tới quý vị một vài ý niệm về những gì xảy ra sau khi một người rời khỏi thế giới này. Sống ở thế giới này, chúng ta biết phải làm những gì, nhưng đa số chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra sau khi rời thế giới này. Tôi cũng muốn so sánh sự khác nhau giữa khai ngộ và cái gọi là sự "chết". Thật ra khi chết, chúng ta không chết. Chúng ta chỉ thay đổi thân thể bên ngoài một thời gian ngắn, hay một thời gian dài, có thể hàng trăm năm, có thể nhiều ngày, có thể hàng ngàn năm. Rồi chúng ta trở lại thế giới này để bộc lộ trí huệ và kinh nghiệm của chúng ta qua một công cụ thân thể khác.


Khai Ngộ Là Chết Mỗi Ngày


Trong Kinh Thánh, một trong các vị thánh nhân đã nói rằng ông chết mỗi ngày. Ở những chỗ khác lại nói rằng điều quan trọng là quý vị học chết để có thể bắt đầu sống hoặc là quý vị bỏ đời sống này thì sẽ có đời sống khác. Cho nên khi quý vị đọc Kinh Thánh và qua những dòng chữ này, chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên. Làm sao có thể chết để được sống? Làm sao có thể chết hằng ngày được? Sao một người phải bỏ sự sống để lại được sự sống?

Chắc nhiều quý vị đã đọc quyển sách "Bên Kia Thế Giới" hay "Đời Sống Sau Khi Chết", trong đó một vị bác sĩ Mỹ thâu thập nhiều câu chuyện của những người chết đi sống lại; đa số, gần như là tất cả những người này kể lại đều giống nhau. Đó là sau khi chết hoặc ra khỏi thân thể, họ cảm thấy vô cùng sung sướng và tự do; họ được bay đến một nước thật xa, trong một chiếc xe chuyên chở gì đó giống như đường hầm, và rồi được những chúng sinh đầy ánh sáng và tình thương chào đón họ, giúp đỡ họ.

Khi chúng ta thể nghiệm được cái gọi là khai ngộ, chúng ta cũng có thể nghiệm tương tự như vậy, ít nhiều như vậy. Vì thế mới có câu "Tôi chết mỗi ngày". Khai ngộ nghĩa là câu thông với tần số cao hơn của thế giới cao hơn. Trong vũ trụ này, chúng ta không phải là chúng sinh độc nhất, và đời trong thế giới này cũng không phải là đời sống duy nhất mà chúng ta đã sống. Cho nên, nếu chúng ta có thể nghiệm khai ngộ có nghĩa là lúc đó chúng ta câu thông với thế giới cao hơn, đôi khi sống lại thời huy hoàng trong quá khứ.

Không phải lúc nào chúng ta cũng làm người. Có khi chúng ta là Phật, thiên thần, Thánh Nhân, Bồ Tát. Bồ Tát có nghĩa là Thánh Nhân theo danh từ Cơ Đốc Giáo, chỉ là chữ dịch ra từ tiếng Phạn. Bồ Đề là khai ngộ, Tát là chúng sinh. Bồ Tát nghĩa là một chúng sinh khai ngộ, một Thánh Nhân. Chúng ta đã sống nhiều kiếp trong nhiều cảnh giới khác nhau. Có khi sống trong thế giới vô cùng thông minh và huy hoàng. Nhưng khi tới thế giới này, phần đông ai cũng quên quá khứ của mình. Vì thế, khi khai ngộ, đôi khi chúng ta nhớ lại được những ký ức về quá khứ này. Lúc đó chúng ta tìm lại được nguồn cội của chúng ta, chúng ta từ đâu tới, và bắt đầu nhận ra sự vĩ đại của mình.

Một số những người chết đi cũng thể nghiệm cái chết như vậy. Khi trải qua thể nghiệm chết này, đa số sẽ thấy một sự phản chiếu của cả cuộc đời họ, lóe lên trước mắt giống như phim vậy. Nhưng hầu hết những người gọi là "chết" này, chỉ được xem một cuộc đời này của họ chiếu lại trong thế giới bên kia. Nhưng người khai ngộ có thể thấy, nhiều kiếp, nhiều, nhiều kiếp trước, của hàng ngàn hoặc hàng trăm ngàn năm trước; không phải chỉ thế giới này hoặc đời này, mà còn nhiều đời, nhiều thế giới. Cho nên, sau khi biết như vậy, họ sẽ nhận ra rằng họ không phải là một người bình thường, mà là một vị Phật hoặc Chúa. Vì lý do này mà Chúa Giê Su tự xưng là con trời và Đức Phật tự tuyên bố ngài là người khai ngộ, là Phật. Phật cũng có nghĩa là Chúa. Chúa nghĩa là đẳng cấp ý thức, ý thức được Thượng Đế. Phật tiếng Phạn là Chúa. Chúa tiếng Do Thái là Phật.

Nếu chúng ta đạt tới trình độ hiểu biết và có trí huệ này, chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng chúng ta là Phật, là Chúa. Nếu không đạt sự khai ngộ cao nhất, chúng ta chỉ thể nghiệm cái gọi là sự chết. Chúng ta có thể đi đến thế giới A-tu-la nào đó hoặc một thế giới cao hơn một chút sau khi rời thế giới này. Nhưng nếu chúng ta có trình độ khai ngộ cao hơn hoặc đạt được đẳng cấp cao hơn qua sự tu hành thiền định hằng ngày, thì chúng ta có thể lên được thế giới cao hơn, đại diện cho trí huệ cao hơn và huy hoàng hơn.

Chúa Giê Su nói rằng "Trong nhà của Cha ta, có nhiều biệt thự." Ý ngài nói là như vậy. Trong Kinh Thánh cũng có ghi một người thấy mình đang ở thiên đàng thứ ba. Trong Kinh Thánh không nói là có bao nhiêu thiên đàng. Nhưng nếu có thiên đàng thứ ba, thì phải có thứ hai và thứ tư.

Tương tự như vậy, trong đạo Phật, Đức Phật có tả nhiều cõi Phật và nhiều tầng trong một cõi Phật. Thí dụ như, có cõi Phật A Di Đà. Cõi này chia làm chín tầng, chín vùng từ thấp nhất lên đến cao nhất. Những người có đạo đức và tu hành trung bình sẽ ở tầng thấp nhất. Nhiều ngàn năm ở đó cho tới khi cuối cùng họ đạt được sự đại giác qua sự học tập hằng ngày với những vị Phật hoặc những chúng sinh khai ngộ cao cấp hơn, rồi họ sẽ lên đẳng cấp cao nhất.

Tôi nghĩ nó giống như lớp học, như trường trung học có nhiều lớp. Thể nghiệm khai ngộ tương tự như khi chết. Chúng ta chỉ tạm thời rời thân thể, rồi trở vào lại. Giống như thể nghiệm sự chết trong sách của ông bác sĩ Mỹ đó.


Sửa Soạn Cho Cái Chết


Điều khiến cho cái chết đau đớn và khó khăn là không có kinh nghiệm về sự chết. Nếu chúng ta tập chết mỗi ngày thì nó rất dễ chịu. Hầu hết những người sắp chết, họ rất sợ mất thế giới này. Vì họ không biết có nhiều thế giới khác hay hơn nữa, đẹp hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn đang chờ đón họ, nên họ cứ bám víu vào khung cảnh quen thuộc này, vào những người thân yêu, khiến họ giằng co giữa thể xác và linh thể, cho nên mới đau đớn.

Nếu biết sự chết chỉ là một sự tái sinh, thì chúng ta sẽ không sợ. Chúng ta sẽ mong tới ngày giờ đó. Làm sao để chuẩn bị cho ngày tuyệt đẹp đó? Nhiều người chuẩn bị sinh đẻ, cưới hỏi, nhưng không chuẩn bị cái chết. Thật ra, chết là ngày trọng đại nhất, đáng lẽ phải là ngày quan trọng nhất. Lúc sinh ra đời, chúng ta chỉ được thân thể, sự tự do giới hạn và trưởng thành chậm chạp. Nhưng lúc chết, chúng ta được sự tự do rộng lớn hơn, một thân thể uyển chuyển hơn, trí khôn vĩ đại hơn và sống trong một thế giới đẹp hơn để nghỉ ngơi, học hỏi, cải tiến, tiến bộ.

Cho nên, chết thật ra là một sự việc rất hữu ích, giúp sự thăng tiến của chúng ta được mau lẹ hơn, cho chúng ta tiến gần tới trí huệ cao hơn, nhanh chóng hơn. Nhưng muốn đạt được trình độ này sau khi chết, chúng ta cũng phải săn sóc những kinh nghiệm mà chúng ta gặt hái trong đời này, là những kinh nghiệm dễ chịu, đạo đức hơn. Để khi rời thế giới vật chất này, chúng ta sẽ không hối tiếc, không bị mặc cảm tội lỗi và không quyến luyến. Chúng ta sẽ đi lên rất nhanh và rất vui vẻ.

Khi một người rời thân thể, có những chướng ngại khác kèm thêm vào với sự đau đớn của họ: đó là sự khóc lóc, thương tiếc của thân quyến còn ở lại. Đa số mọi người đều khóc khi người thân mất, buồn rầu hàng tháng, hàng năm. Điều đó chúng ta cũng thông cảm vì bị mất một người thân, một người bạn tốt, một bạn đồng hành, mà không biết người đó đi đâu, đời sống có tốt đẹp hơn thế giới này không, có được ai chăm sóc không. Vì thế chúng ta buồn và cảm thấy quyến luyến linh hồn ra đi đó. Do đó, tình cảnh này cũng giam giữ và cản trở linh hồn kia một phần nào, khiến sự sung sướng và tự do của họ bị giảm bớt.

Cho nên, tốt hơn hết và đúng hơn cả là đừng thương tiếc khi người thân chết. Tôi biết điều này rất là khó, nhưng đó là một sự hy sinh và tình thương cao đẳng hơn nữa. Chúng ta nên cảm thấy sung sướng là linh hồn đó đã thoát ra khỏi sự giới hạn của thể xác, khỏi cái nhà tù này, được tự do bay lượn bất cứ nơi nào và học hỏi nhiều thứ, làm nhiều thứ họ muốn làm. Nhưng vì không nhìn thấy thế giới bên kia, nên chúng ta không sung sướng trước cái chết của một người bạn hoặc thân quyến. Nhưng chúng ta có thể nhìn vào thế giới bên kia bằng một phương pháp rất là khoa học. Chúng ta có thể học cách chết, có thể tập nhìn xuyên qua cuộc đời này vào những tinh cầu khác, những cảnh giới khác và cảm thấy yên tâm, biết là có hạnh phúc ở đời sau đời này, và chúng ta cũng thấy người thân chúng ta đã đi đâu; chúng ta cũng có thể chọn chỗ nào để đi, sau khi rời thế giới này. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ sợ chết và sẽ không khóc nếu người thân ra đi. Hoặc nếu có khóc đi nữa, cũng không cảm thấy là một gánh nặng, một sự mất mát, buồn bã nặng nề, có thể chúng ta khóc trong sung sướng và sự biết ơn.


Đời Sống Của Chúng Ta Khẳng Định Hơn Sau Khi Khai Ngộ


Khi có thể nghiệm bên ngoài thế giới, chúng ta gọi đó là khai ngộ. Có nhiều đẳng cấp khai ngộ. Khi thọ Tâm Ấn với một minh sư có khả năng, chúng ta sẽ được thể nghiệm một phần nào sự khai ngộ. Chúng ta có thể nhìn được cõi bên trên thế giới này, vào trong một thế giới huy hoàng nào đó, rời thân thể và trở lại, y như lúc chết. Lúc đó chúng ta sẽ biết chết thích thú như thế nào. Rồi chúng ta sẽ hết quyến luyến thế giới này, chúng ta sẽ mất hết phiền não và đau khổ.

Có những người kể lại sau khi từ thế giới khác trở về, họ cảm thấy không thích thế giới này nữa, vì họ đã biết một thế giới khác hay hơn. Nhưng ngược lại họ vẫn yêu đời, chứ không phải là chán nản hay muốn chết. Không phải vậy, vì họ biết đời sống là một diễn tiến không ngừng, rằng họ không bao giờ chết, điều đó khiến họ lạc quan hơn, hăng hái hơn, cố gắng sống một đời sống trọn vẹn hơn, hữu ích hơn, có lợi hơn cho xã hội và cho chính họ.

Vì thế chúng ta thấy nhiều kinh điển nói rằng tất cả các thánh nhân luôn luôn làm việc không ngừng vì lợi ích loài người. Họ cống hiến cuộc đời của họ, sức lực và trí huệ của họ vào việc phụng sự loài người, nhất là về tâm linh. Hãy nhìn cuộc đời Chúa Giê Su. Không cần nói Ngài là một người con vô cùng vĩ đại của thiên đàng; nhìn vào cuộc đời của Ngài là đủ biết Ngài là Thánh.

Chúng ta biết ngày nào Ngài cũng đi, từ chỗ này tới chỗ kia, chịu đựng nhiều cực khổ, nghèo đói, để giảng dạy Chân Lý, để nhắc nhở con người tới Thượng Đế. Ngài đâu có cần phải làm vậy. Quý vị có nhớ Ngài biến một miếng bánh mì tăng lên gấp nhiều lần cho 5,000 người ăn và quý vị có nhớ Ngài biến nước thành rượu không? Một người như vậy không cần phải chịu nghèo khổ! Nhưng Ngài đã chọn làm vậy để phụng sự nhân loại, để thức tỉnh họ về với Chân Lý, nguyên tắc của Thượng Đế, giúp họ ra khỏi sự khốn khổ, vô minh.

Bây giờ, hãy nói về cuộc đời của Đức Phật. Chúng ta không cần nói

Đức Phật không phải là đạo Thiên Chúa, hay đạo Công Giáo. Ngài là tín đồ Công Giáo như Chúa Giê Su. Giê Su là Phật Tử y như Đức Phật. Đức Phật đã làm gì? giống y như Chúa Giê Su! Khi đọc kinh Phật, chúng ta biết Đức Phật có lực lượng vô biên và ngoài đời Ngài cũng có một địa vị rất cao. Ngài có thể làm vua một quốc gia, nhưng Ngài bỏ tất cả và chịu nghèo khổ, đi từ chỗ này tới chỗ kia, khiêm tốn cầu thực, hầu giảng dạy Chân Lý. Ngài cũng chẳng cần những thức ăn này, nhưng Ngài làm vậy như một hành động khiêm tốn, một ơn huệ, để những người bố thí cho Ngài, dù ít ỏi, cũng sẽ nhận được phước báu về sau. Chúng ta tập những hành vi bố thí, phụng sự vô ngã, giống như Giê Su. Ngài không cần ăn xin, không cần ai bố thí. Ngài làm vậy để người khác được phước báu và trí huệ.

Điều gì đã khiến những vị thánh này vô vị kỷ như vậy? Bởi vì họ đã đạt được sự hiểu biết về đời sống vĩnh cửu, vì họ đã đạt được niềm hạnh phúc từ sự khai ngộ, cho nên họ cũng muốn chia sẻ niềm vui này với những người khác. Bởi vì họ biết vô minh đau khổ như thế nào; nhiều lỗi lầm, tội phạm đều từ đó mà ra. Trên thế giới, không có tội phạm! Tội to lớn nhất là tội vô minh! Nếu chúng ta biết bí mật của đời sống; nếu chúng ta biết yêu đời; nếu chúng ta khai ngộ, chúng ta sẽ không phạm bất cứ tội ác nào. Vì thế, người nào làm lỗi, phạm tội đều không đáng trách. Điều đáng trách là sự vô minh. Vì vậy, thánh nhân thay vì trách con người, họ đã dạy con người cách ra khỏi sự vô minh, cách để biết chính họ, cách dùng trí huệ vĩ đại của họ, vì ai cũng có trí huệ tiềm ẩn bên trong. Chúng ta gọi đó là Thiên Quốc, lộng lẫy, toàn giác và yêu thương. Khi tìm thấy Thiên Quốc này rồi, bằng sự cố gắng của chính mình hoặc bằng cách học từ người nào đã biết, thì chúng ta bắt đầu cảm thấy một sự trọn vẹn; bắt đầu cảm thấy tình thương và có thái độ lạc quan về đời sống. Vì vậy tất cả những thánh nhân trong quá khứ đều làm việc rất cực khổ để giúp con người khai ngộ; dù làm vậy họ sẽ phải chịu đủ mọi chỉ trích, sự hiểu lầm và cực khổ, đôi khi còn nguy hiểm tới tánh mạng.

Trong trường hợp Chúa Giê Su, Socrates, Đức Phật cũng vậy, nhiều người muốn giết Ngài, bôi nhọ Ngài; nhưng dù bị đủ mọi khó khăn, thánh nhân vẫn luôn luôn chịu đựng vì lợi ích con người. Thánh nhân là những người tạo hòa bình giỏi nhất, chính trị gia phi thường nhất luôn luôn đem hòa bình cho thế giới, là những vị vua không ngai vàng. Bởi vì họ không cần gì trong thế giới này.

Chúa Giê Su nói vương quốc của Ngài là ở thiên đàng. Đức Phật cũng bỏ vương quốc trần gian của Ngài. Vì họ đã có Vương Quốc vĩ đại hơn ở bên trong. Chúng ta gọi đó là Thiên Quốc. "Hãy tìm Thiên Quốc trong con trước, thì mọi thứ con sẽ được." Thật sự như vậy.

Sau khi đạt được Thiên Quốc, chúng ta không còn muốn vương quốc nào ở thế giới này nữa. Có nhớ lúc Chúa Giê su tọa thiền ở sa mạc, bị ma vương, quỷ Satan, tới nói rằng: "Nếu ngươi lạy ta; ta sẽ cho ngươi Vương Quốc của tam giới." Giê Su trả lời: "Hãy ra đàng sau ta." Nghĩa là đi đi. Ngài không cần thứ này, dù đó là thế giới thứ ba hay thứ nhất. Tam giới gồm thiên đàng thứ ba, nhưng Giê Su không cần. Khi Đức Phật ngồi dưới gốc Bồ Đề 49 ngày, lực lượng âm cố quyến rũ Ngài bằng nhiều cách; cho Ngài đủ thứ, nhưng Ngài không màng. Cho nên, đối với những linh hồn khai ngộ, dù được người ta gọi là vua, nhưng không có nghĩa là vua trần gian. Nhưng người đời vì vô minh và ganh tỵ nên không hiểu, thái độ này rất là thông thường trong con người.

Khi Chúa Giê Su còn sống, nhiều chính trị gia lúc đó rất ganh ghét Ngài, vì vậy họ đã giết Ngài, vì họ hiểu lầm. Nếu họ biết thật tình Ngài không muốn bất cứ cái gì ở thế giới này, họ sẽ không sợ Ngài ảnh hưởng họ.


Thiết Lập Đường Giây Điện Thoại Thiên Đàng


Khai ngộ luôn luôn là sự cần thiết, dù chúng ta muốn ở lại thế giới này, không muốn lên thiên đàng. Tại Trung Hoa có câu: "Nhất nhất tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ." Cho nên, nếu chúng ta tu thân, chúng ta sẽ đóng góp hòa bình cho thế giới mà không nói lời nào, không cần một buổi hội họp về hòa bình nào hết. Hòa bình tự nhiên tuôn xuống thế giới này.

Làm cách nào để tập trau giồi bản thân hàng ngày trong đời sống? Rất giản dị. Chúng ta phải nhớ những điều răn, rán giữ nó. Nếu thất bại, làm lại nữa. Phải, luôn luôn quay về Thượng Đế, quay về Phật cầu xin giúp đỡ và hướng dẫn. Một vị Phật nghĩa là minh sư khai ngộ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu chúng ta thật tình xin họ giúp, họ sẽ giúp.

Nhiều người đi nhà thờ, đi chùa cầu nguyện, nhưng đôi khi họ rất khó tiếp xúc được với những vị Phật này hoặc với lực lượng Thượng Đế. Cho nên, chúng ta cảm thấy lời cầu nguyện không được đáp ứng, vì đường dây bị cắt. Giống như điện thoại bị gián đoạn. Nếu chúng ta nói điện thoại cũng vô dụng mà thôi. Chúng ta chỉ ồn ào, người hàng xóm nghe được, nhưng không phải người ở xa mà chúng ta đang cần tới. Dù họ ở rất xa, nhưng nhờ có dây điện thoại liên lạc, chúng ta mới nói chuyện được như bây giờ tôi đang nói với quý vị vậy. Tương tự như vậy, dù Thượng Đế ở rất xa trên thiên đàng, hoặc vị minh sư khai ngộ đang ở trên cõi Phật, một nơi nào đó thật cao, thật xa xôi. Nhưng nhờ có sự câu thông, dù vô hình, chúng ta có thể tiếp xúc với họ và được họ giúp. Sự tiếp xúc này được cống hiến qua sự, gọi là, truyền Tâm Ấn, hay chúng ta gọi là lễ rửa tội, như John the Baptist đã làm, như Chúa Giê Su đã làm. Vì lý do đó, minh sư tại thế rất cần thiết, nếu không, Chúa Giê Su đã không cần phải xuống đây. Phật không cần xuống đây, nhiều vị minh sư khác không cần xuống đây. Họ biết lời kêu gọi của chúng ta, nhưng chúng ta không tiếp nhận được sự hồi đáp của Họ. Nên họ phải xuống đây, làm mối liên lạc trực tiếp giữa trời và trái đất. Như vậy chúng ta sẽ không còn bị ngăn cách với vũ trụ.

Dĩ nhiên, khi những vị thánh xuống trần, không có nhiều người đến với Họ, cả thế giới không đến với Họ nhưng một số người sẽ đến. Giống như chúng ta có một vài điện thoại công cộng tốt hơn là không có cái nào. Qua điện thoại công cộng này, chúng ta có thể liên lạc với người khác, dù chúng ta không có điện thoại riêng. Tương tự vậy, những người theo những thánh nhân này, những đệ tử cao đẳng hơn sẽ làm mối giây liên lạc công cộng giữa trời và đất. Có thể không nhiều người lắm, nhưng cũng có lợi. Dĩ nhiên có càng nhiều càng tốt. Tương tự như vậy, nếu chúng ta có điện thoại riêng, thì chúng ta có thể trực tiếp câu thông với thiên đàng, bất cứ lúc nào. Những minh sư, như Chúa Giê Su và Đức Phật, cống hiến dịch vụ này để thiết lập đường điện thoại thiên đàng. Như vậy, mỗi khi chúng ta cầu nguyện sẽ được hồi đáp. Chúng ta biết điều này bằng trực giác một cách rất rõ ràng, thấy được, tùy theo trình độ tu hành và hiểu biết của chúng ta. Có người ý thức hệ cao hơn, có người thấp hơn. Tùy kinh nghiệm đời sống và cường độ tu hành của họ trong đời này.

Có những bệnh không thể trị được, dù rất thông thường - tôi không muốn nói tới bệnh mới mà giờ này vẫn chưa có thuốc chữa - bởi vì những bệnh này đã bắt rễ sâu từ trong kiếp trước. Bác sĩ, khoa học gia không thể vượt ra khỏi tình trạng hiện tại đi sâu vào tiền kiếp để tìm ra căn nguyên của nó. Tuy nhiên nếu những người bệnh này được khai ngộ, họ sẽ biết cách chữa bệnh cho họ. Họ chữa bằng trí huệ của chính họ, bằng sự hiểu biết tại sao nó xảy ra. Họ có thể biết qua trực giác hoặc thấy một cách rõ ràng. Cũng tùy vào sự tu hành của họ. Nếu chúng ta là những linh hồn cao đẳng, chúng ta sẽ thấy rõ hơn và tận mắt. Nếu chúng ta là người mới bắt đầu, thì dĩ nhiên chúng ta không thấy rõ ràng mà chỉ cảm thấy qua trực giác thôi. Nhưng chỉ biết một chút ít về đời sống thật của chúng ta, cũng ích lợi cho chúng ta rất nhiều.

Vì thế thánh nhân luôn luôn khuyến khích con người, nhấn mạnh về việc khai ngộ, rằng họ nên giao tiếp với Thiên Quốc, với lực lượng Thượng Đế. Chúng ta có thể làm vậy được, trong kiếp này. Không cần đợi tới lúc chết và trải qua cái chết một cách đau đớn. Nếu đợi cái chết đến để học, để tiếp xúc với thiên đường, thì sự học hỏi của chúng ta sẽ rất giới hạn. Đẳng cấp hiểu biết của chúng ta sẽ không được cao lắm. Nếu tập chết trong đời này, chúng ta sẽ có thêm cơ hội tiến bộ về mặt trí huệ. Chúng ta có thể học giống như bất cứ môn giải trí nào hoặc một khoa học mới hoặc một môn học mới. Chúng ta học cùng lúc với những bổn phận khác. Chúng ta có thể giữ đời sống và địa vị như bình thường, nhưng mỗi ngày bỏ ra một ít thời giờ để học môn khoa học ngoài vòng thế giới này.

Để học môn khoa học này, chúng ta không cần có tên tuổi học vấn, trình độ học thức hoặc bất cứ tình trạng tài chánh gì. Tất cả đều miễn phí. Bởi vì trí huệ mà chúng ta đạt được là của chúng ta. Cho nên, minh sư chân chính không bao giờ tính tiền học trò. Bởi vì đó là kho tàng của chính chúng ta, được khám phá ra lại.

Nếu tôi nói trong nhà quý vị có chôn một kho tàng, thì tôi có được cái gì không? Tôi không thể đòi tiền nợ, vì kho tàng đó là của quý vị. Tôi chỉ biết nó ở chỗ nào và nói quý vị hay.


Lực Lượng Thượng Đế Làm Việc Qua Vị Minh Sư Tại Thế


Cho nên, Thiên Quốc là ở trong chúng ta. Phật tính là trong chúng ta. Kinh Thánh, kinh điển đều nói vậy. Và thật sự nó như vậy. "Con không biết rằng con là ngôi đền của Thượng Đế và Đức Thánh Thần ngự trong con đó." Nếu Đức Thánh Thần ngự trong chúng ta, thì chúng ta phải tìm Ngài và hỏi Ngài làm gì mà ở đó hoài vậy? Sao để chúng ta trong bóng tối? Sao không nghe tiếng gọi của chúng ta? Sao không chăm sóc đời sống của chúng ta và cho đỡ khổ? Ngài rất muốn giúp chúng ta. Nhưng chúng ta không hỏi hoặc hỏi không đúng cách.

Trong Kinh Thánh có nói: "Gõ thì sẽ mở. Xin thì sẽ cho." Nhưng quý vị nói quý vị có cầu nguyện mỗi ngày ở nhà thờ và ở nhà, tại sao không nhận được? Quý vị quên Chúa Giê Su nói rằng: "Xin! Nhưng trong danh hiệu của ta, rồi Thượng Đế sẽ ban cho." và "Không ai đến được với Cha ngoại trừ qua ta." Như vậy có nghĩa là Chúa Giê Su lớn hơn Thượng Đế sao? Phải vậy không? Không? Cái đó chỉ là công việc của Ngài. Thí dụ, chúng ta muốn gặp tổng thống, chúng ta không thể lái xe đi thẳng tới. Chúng ta phải hỏi viên thư ký của ổng, làm cái hẹn với người đại diện đảm trách việc nhận khách khứa. Có phải vậy không? Không có nghĩa là thư ký hoặc người đại diện đó hoặc người đảm trách đó giỏi hơn tổng thống. Đó chỉ là công việc của họ mà thôi.

Quý vị lại nói với tôi rằng: "Nhưng ngày nào tôi cũng cầu xin Chúa Giê Su. Chúng tôi là quốc gia theo Thiên Chúa Giáo, Công Giáo. Đừng có bảo chúng tôi phải làm gì. Bà là Phật tử mà!"

Không, tôi không phải là Phật Tử. Tôi là Thượng Đế Tử. Tất cả Phật tử, tín đồ Công giáo đều là con của Thượng Đế. Chúng ta chỉ gọi Thượng Đế bằng những danh xưng khác nhau trong những quốc gia khác nhau. Ở Mỹ họ gọi là "my wife". Ở Tàu họ gọi là "Thái thái". Ở Âu Lạc họ gọi là "vợ tôi". Nhiều tên gọi cho cùng một chức vị.

Tại sao chúng ta cầu nguyện Thượng Đế mang danh Chúa, trong nhà thờ, mà vẫn không nhận được hồng ân hoặc ánh sáng gì cả? Bởi vì Chúa Giê Su đã rời thế giới vật chất này. Công việc của Ngài ở đây đã xong. Cho nên chúng ta phải tìm một người khác làm người an ủi, như Chúa Giê Su đã hứa là sẽ gửi tới, sau khi Ngài rời thế giới này. Những người, được gọi là Người An Ủi này, là những người làm công việc của Chúa, tiếp tục công việc mà Ngài chưa hoàn tất. Bởi vì Chúa nói rằng: khi Ngài còn sống trên thế giới này, Ngài là ánh sáng của thế giới. Ngài không nói rằng Ngài sẽ luôn luôn là ánh sáng của thế giới. Chỉ trong thời gian Ngài sống trên thế giới này thôi.

Rồi Ngài hứa sau này sẽ gửi xuống những Người An Ủi. Những người có thể an ủi và thay thế người chúng ta thương mến; ít nhất khả năng và tiêu chuẩn cũng phải ngang ngang. Cho nên, Ngài nói vậy có nghĩa là sau khi Ngài đi rồi, sẽ có người mang ánh sáng khác đến thế giới này. Giống như trước thời của Ngài, cũng có những người mang ánh sáng khác. Vì vậy, khi có người hỏi Chúa Giê Su có phải Ngài là hiện thân của những nhà tiên tri vĩ đại nào đó trong quá khứ không, Ngài không phản đối. Hiểu không? Cùng một lực lượng thánh thần đó ở trong những thân thể khác nhau để phụng sự loài người. Cho nên, Giê Su nói: Không phải ta, mà là Cha đang làm việc trong ta. Và Thánh Paul nói: Ta sống, nhưng không phải ta, mà là Chúa sống trong ta. Nghĩa là cùng một đức thánh thần làm việc qua những công cụ thể xác khác nhau. Bởi vì tất cả những thánh nhân khai ngộ, những thánh nhân khai ngộ vĩ đại nhất đều đồng một thể với Cha, một thể với Thượng Đế, hoặc một thể với Phật Tính. Vì thế, tất cả những minh sư khai ngộ đạt tới một mức nào đó đều mang danh hiệu Phật, vì họ cùng có một lực lượng giống nhau, có cùng trí huệ như nhau, cùng khả năng.

Cho nên, nếu quý vị nào muốn được thể nghiệm khai ngộ này, tôi rất vui lòng phục vụ quý vị. Vì tôi tiếp tục truyền thống từ Chúa Giê Su và Phật để phụng sự cho nhân loại bằng cách này. Như quý vị phụng sự quốc gia bằng cách làm bác sĩ, kỹ sư hoặc luật sư. Tôi phục vụ quốc gia quý vị, phục vụ thế giới bằng cách của tôi. Chúng ta làm những công việc khác nhau. Không cần khen tặng hoặc ngạc nhiên về công việc của tôi hoặc câu nói của tôi. Tôi chỉ học môn khác và tốt nghiệp trường khác. Cho nên, tôi làm công việc khác với quý vị, chỉ là cái nghề thôi!