Gia Trì Thế Giới Là Bổn Phận Của Người Tu Hành

Thanh Hải Vô Thượng Sư tại đạo tràng Tây Hồ, Formosa,
Ngày 18 tháng 2, 1990 (nguyên văn tiếng Trung Hoa)




Người tu hành tốt đi đâu cũng mang lực lượng gia trì. Đầy những từ trường và phước báu, họ nâng cao chấn động của tất cả những gì họ đụng vào và của mặt đất họ đi lên. Người ta đôi khi rất thích gần gũi những người tu hành này, muốn được sờ, được nhìn, hoặc muốn cúng dường họ thức ăn và được thay đổi từ bên trong.

Thuốc Bổ Cho Linh Hồn

Sữa, thuốc bổ mà chúng ta uống, đôi khi ngay cả nước khoáng chứa rất nhiều khoáng chất thấy có vẻ không có gì bổ dưỡng. Mắt trần có thể không nhìn thấy rõ khoáng chất trong nước. Trông nó có vẻ giống nước thường, nhưng thật ra rất bổ. Những thứ vật chất chứa dinh dưỡng vật chất thì những lời nói ở trình độ cao hoặc mang tính cách tu hành cũng chứa sự gia trì tâm linh. Những thứ hữu hình có khả năng hữu hình giúp thân thể chúng ta khỏe mạnh, nhưng những thứ vô hình có khả năng vô hình nuôi dưỡng thân thể vô hình của chúng ta -- đó là linh hồn -- và giúp chúng ta khỏe mạnh về phương diện tinh thần.

Những thứ vật chất trong thế giới này chỉ chứa đựng dinh dưỡng về vật chất. Nhưng là người, chúng ta không phải chỉ có thân thể này mà thôi. Chúng ta cũng có tâm linh tính. Sự suy nghĩ phát xuất từ linh hồn vô hình này, mà sự hiện hữu của nó không thể chối từ. Chúng ta có thể nói rằng: "Hôm nay tinh thần tôi lên cao hay xuống thấp." hoặc "Tâm linh kiệt quệ." Ai cũng biết linh hồn hiện hữu, nhưng không ai có thể diễn tả hay chỉ điểm nó ở chỗ nào.

Cũng vậy, không thể nói rằng người tu hành không có lực gia trì. Chúng ta biết rằng họ có, bởi vậy chúng ta mới cảm thấy dễ chịu mỗi khi đến gần những người có đạo đức, tâm linh cao. Nếu lâu rồi không được gần họ, chúng ta sẽ cảm thấy nhớ thương. Họ là thức ăn vô hình nuôi dưỡng linh thể vô hình của chúng ta. Giống như tưới cây. Nếu tưới nước ở gốc, cây sẽ cảm thấy dễ chịu, trở thành xanh tươi, nẩy nở, đơm bông kết trái. Đó là nhờ nước mang nhiều chất bổ. Tương tự như vậy, nếu chúng ta trưởng dưỡng linh thể của mình bằng nước vô hình, nó cũng sẽ lớn to lớn mạnh, thoải mái, trổ bông.

Nước sông Hằng chắc chắn là có gia trì, và sự gia trì này đeo theo những đồ vật chất. Thí dụ, khi tưới cây, nước thấm vô rễ rồi được mang tới những tế bào của từng chiếc lá. Cây được nuôi bởi nước bổ. Tương tự như vậy, thuốc bổ tâm linh có thể thấm vào tế bào của bất kỳ thân xác nào gần đó. Càng thấm nhiều chất bổ, thân thể càng khỏe, càng mạnh, và càng có nhiều biến đổi bên trong.

Nếu chúng ta tưới nước, cho phân bón một cây nhỏ, nó sẽ thấm tất cả rồi trở thành khỏe hơn, cao hơn, đẹp hơn và khác đi. Linh thể chúng ta cũng vậy. Khi tới gần chất bổ tâm linh như từ tường, đạo đức và tình thương của những người tu hành vĩ đại, linh thể của chúng ta sẽ lớn khôn và dễ chịu. Điều này không giống như sự dễ chịu về thể xác, vì thân thể chúng ta vẫn như vậy, nhưng linh thể chúng ta dễ chịu, thanh thản vì vừa mới được thức ăn tâm linh. Thành ra, một người tu, nhiều người được lợi ích là như vậy.

Thế Giới Cần Thức Ăn Tâm Linh

Một con sông lợi ích rất nhiều chúng sinh, kể cả cây cối, thảo mộc. Đôi khi chảy trong lòng đất nhưng nó vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ruộng đồng, vô sô cây cối, hoa quả, khoáng chất và loài vật. Nó có ảnh hưởng sâu rộng. Cũng như vậy, chúng ta những người tu hành được ban cho một năng lực gia trì vô hình. Nó dồi dào, bổ dưỡng, ai đến gần cũng được lợi ích và phát triển. Cho nên có những nhà tu hành phát huy năng lực của họ từ kiếp này sang kiếp khác để mà gia trì cho thế giới.

Trong thế giới này, nhiều người làm nhiều công việc khác nhau. Nông dân trồng trọt; thợ thuyền xây cất đường xá; tài xế đưa rước chúng ta từ nơi này sang nơi khác; và người tu hành gia trì tâm linh cho người khác. Ai cũng phải làm việc, nhưng không có nghĩa là ai cũng nên xây đường, làm nghề nông. Một số người có khái niệm không đúng về chuyện này. Họ nghĩ mọi người nên làm nhà nông để giúp thế giới. Nhưng đó chỉ giúp cho bao tử, còn những khía cạnh khác không được giúp. Chúng ta cần những người khác nhau cho những công việc khác nhau; cần bác sĩ, cần người làm đường, người lái xe lửa, phi công, thợ máy, và nhất là nông gia trồng thực phẩm tâm linh. Những người này rất ít. (Sư Phụ cười) Nhiều người trồng rau, trái cây, nhưng không mấy ai trồng thực phẩm tâm linh. Cho nên chúng ta tu Pháp Quán Âm là để trồng loại thức ăn này. Đó là trách nhiệm của chúng ta.