Xóc Đĩa ... Xin Đừng Lật Khố Nhau
Tác giả: Nguyễn Dư


Tôi đã có dịp giới thiệu với các bạn tấm tranh Xóc Đĩa của bộ sưu tập Henri Oger, được khắc in năm 1909.

Hôm nay tôi xin giới thiệu tấm tranh Thưởng Xuân đồ của Maurice Durand ( Imagerie populaire vietnamienne , EFEO, Paris, 1960, tr. 48) , cũng vẽ cảnh chơi Xóc Đĩa. Tranh này được khắc in vào khoảng những năm 1930-40.
Tranh vẽ vợ chồng chủ xòng ngồi trong nhà, chồng uống rượu, vợ đếm tiền. Ngoài sân là chiếu bạc. Bên cạnh anh nhà cái có bài thơ nôm năm chữ quen thuộc, được nhiều học giả và nhiều sách nhắc tới :


Bốn đồng trong chận(1) lấy(2),
Mua bán mới (3) liền tay
Rượu chè dù(4) thích chí,
Thua, được lại càng say
Mới đọc lướt qua, ai cũng phải khen bài thơ là hay và giản dị. Nhưng nếu có thì giờ, tò mò đọc dăm ba lần thì mới giật mình... thắc mắc, bực bội vì bài thơ có vài chỗ lủng củng, tối nghĩa, thậm chí vô nghĩa!

(1): Câu thơ thứ nhất còn được các bản khác chép là " Bốn đồng trong chậu lấy (hoặc chặn lấy)".
Cả 3 cặp từ chận lấy , chặn lấy , hay chậu lấy đều không tả đúng trò chơi Xóc Đĩa. Ý và lời của câu thơ vừa trúc trắc vừa khó hiểu.
Xóc Đĩa là trò chơi dùng bốn đồng tiền để trong một chiếc đĩa, lấy bát úp lại, rồi nhà cái bưng lên xóc. Mở bát ra, nếu số đồng tiền xấp hoặc ngửa là số chẵn thì người đặt tiền ở cửa chẵn được, cửa lẻ thua. Ngược lại, nếu là số lẻ thì cửa lẻ được, cửa chẵn thua. Nhà cái xóc đĩa chỉ có thể khéo tay xóc mạnh hay nhẹ, nhanh hay chậm, chứ không có cách nào gian lận thò tay chận hoặc chặn được mấy đồng tiền trong đĩa. Chữ chậu lại càng không đúng vì không có trò xóc đĩa bằng... chậu.

Xét về mặt chữ thì chữ chận,chặn hay chậu ở đây là chữ nôm được viết bằng chữ chẩn (hán). Chữ chẩn này được Durand và cả Oger đọc là chẵn, trong câu (nhà cái) bán chẵn. Chẵn là một tiếng thường dùng của Xóc Đĩa. Như vậy thì chữ chẩn phải được đọc nôm là chẵn mới đúng nghĩa.

(2): Chữ lấy bây giờ đứng sau chữ chẵn, trở thành vô nghĩa.
Đối chiếu tấm tranh này với tranh Oger vàtranh Xóc Đĩa thứ nhì của Durand (sđd, tr.53) thì chúng ta thấy rằng người viết đã nhầm tự dạng của chữ chích (nghĩa là lẻ loi) với chữ dĩ (nghĩa là lấy). Vì thế mà chữ lẻ (chữ lễ + chữ chích) đã bị viết nhầm thành chữ lấy ( chữ lễ + chữ dĩ ).
Chận lấy,chặn lấy, hoặc chậu lấy là do chẵn lẻ bị đọc, bị viết sai.
Câu thơ thứ nhất trở thành :
Bốn đồng trong chẵn lẻ.
Trong nghĩa là trong vòng. Bốn đồng tiền xoay vần trong vòng chẵn lẻ. Trong còn có nghĩa là ở trong bát. Chúng ta thấy lại được trò chơi Xóc Đĩa với bốn đồng tiền xấp ngửa, chẵn hay lẻ.
(3): Chữ mới còn có thể đọc là mải, là mãi. Tôi chọn chữ mãi (nghĩa là mải miết, kéo dài) vì nó diễn tả đúng ý câu thơ " Bán bán, mua mua suốt tháng ngày " của tranh Oger. Vả lại chữ mãi hợp âm điệu câu thơ hơn chữ mải.
(4): Dù... lại càng... sai văn phạm. Chữ dù là một liên từ nối hai mệnh đề. Tiếng Việt chỉ nói " Dù... cũng... ", " Dù... vẫn... " ( dù khó cũng làm, dù trời mưa tôi vẫn cứ đi...) hoặc "Càng... càng..." (càng quen càng nèn cho đau, càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều...). Tiếng Việt không nói " Dù... lại càng... " (dù nghèo tôi lại càng khổ! than như vậy chắc chả ai thương nổi).
Sở dĩ có vấn đề "bất thành văn " là vì có sai lầm chồng chéo. Sai lầm thứ nhất là do người miền Bắc phát âm lẫn lộn, không phân biệt d với gi, vì vậy cho nên chữ giầu(giầu không, trong Nam gọi là trầu không) bị viết sai thành dầu (dầu ăn, dầu thắp đèn). Đến khi chép bài thơ nôm ra chữ quốc ngữ các học giả lại phạm sai lầm thứ nhì, cho rằng dầu nghĩa là mặc dầu, dầu cho, đồng nghĩa với mặc dù, dù cho. Thế là dầu bị bóp méo thành dù. Rốt cuộc miếng giầu (là đầu câu chuyện) bị nhào nặn thành dù (sai cũng không sao) ! Câu thơ vô tình trở thành sai mẹo văn phạm.
Trường hợp chữ giầu bị viết sai thành dầu còn được thấy trong tấm tranh " Đưa giầu đám ma " ( giầu cau để mời khách đi đưa đám ma) và tấm " Hộp giầu " (cái tráp đựng giầu ) của bộ sưu tập Oger.
Rượu, chè (trà) và giầu (trầu) là ba thứ luôn có mặt ở chiếu bạc ngày Tết, được mọi người ưa thích.
Tóm lại, tôi đề nghị đọc lại bài thơ Xóc Đĩa như sau :
Bốn đồng trong chẵn lẻ
Mua bán mãi liền tay
Rượu, chè, giầu, thích chí
Thua được lại càng say
Bài thơ bây giờ tả rất đúng một chiếu Xóc Đĩa: Đây là trò chơi chẵn lẻ dùng bốn đồng tiền. Nhà cái luôn tay mở bát, mua cái, bán cái. Các con bạc vừa chơi vừa uống rượu, uống nước chè, ăn giầu thỏa thuê. Kẻ được người thua ai cũng say! Say rượu, say nước chè, say giầu, say mê cuộc đỏ đen ! Đất trời đảo điên !
Nội dung và bố cục bài thơ rất giống bài của tranh Oger đã được giới thiệu :
Bốn đồng trong đĩa khéo thiêng thay
Bán bán, mua mua suốt tháng ngày
Kẻ rượu, người chè , giầu, mặc thích
Có thua, có được mới càng say
Ngoài bài thơ chính, tranh Durand còn vài chữ, vài câu thơ diễn tả tình huống của các con bạc, cũng cần được xem lại kĩ hơn.
- Bên phải của tranh vẽ một chị mặc yếm đang kéo tay một anh chàng. Họ có vẻ như đang cãi nhau. Phía trên hai người có hai câu thơ :
Ông Hai xóc đĩa mời về
Gái này đương muốn ngứa nghề với ông
- Bên trái vẽ một cặp khác : người đàn ông say mê chiếu bạc, người đàn bà đứng cạnh ăn mặc hớ hênh. Có hai câu thơ :
Khố này chính lụa Cổ Đô
Quả nhiên ngồi chận xin cô hãy cầm
Cổ Đô thuộc huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây, chuyên nghề dệt lụa. Lụa Cổ Đô tốt và nổi tiếng nhất nước ta ( Đại Nam Nhất thống chí ).
Chúng ta có thể tự hỏi ngày xưa đã có vua nào, quan đại thần nào, hay nông dân khố rách áo ôm nào đóng khố bằng thứ lụa tốt và nổi tiếng nhất nước chưa nhỉ?
Cứ cho là có đi chăng nữa thì xin hỏi nhỏ khách mày râu, ai dám cả gan lột khố giữa đám bạc đem cầm ? Bà nào, cô nào dám " cầm" cái của nợ này trước mặt mọi người?

Tranh Xóc Đĩa thứ nhì của Durand (tr. 53, sđd) cũng như tranh của Pierre Huard và Maurice Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, Paris, 1954, tr. 247) đều vẽ và chú thích cảnh thua bạc phải lột khăn ra cầm.

Chữ khố của Durand được viết bằng chữ khôi (hán). Vì nghĩ rằng cái của quý kia là cái khố nên Durand còn có ý phê bình rằng dùng chữ khôi để viết là sai, là vụng và đề nghị dùng chữ khố (nghĩa là cái kho) vừa tiện, vừa đúng hơn ! Durand khuyên lấy khố nọ thay cho khố kia.
Nghĩ cho cùng , chắc không có ai lại cầu kì , rắc rối đến độ đi mượn chữ khôi để viết chữ khố , hai chữ vừa khác âm vừa khác nghĩa, trong khi chữ hán có sẵn chữ khố (bộ y) vừa đồng âm vừa đồng nghĩa với cái khố của tiếng Việt ! Vì vậy mà tôi cho rằng chữ khôi không thể đọc là khố được. Chữ khôi phải đọc là khăn. Hoá ra người viết chữ nôm không nhầm mà chính Durand đã bé cái lầm, suy diễn sai ! Đôi khi nôm na mà lại hay hơn cả chữ nghĩa cao siêu đấy nhỉ?


Lụa Cổ Đô của anh chàng thua bạc có lẽ chỉ là lời nói điêu để mong cầm được giá. Ở thôn quê có được cái khăn bằng nhiễu đã là khá lắm rồi !
Chữ chận trong câu " quả nhiên ngồi chận " cũng phải đọc là chẵn cho thống nhất. Ngồi chẵn có thể hiểu là ngồi cửa chẵn, chơi cửa chẵn ? Anh chàng muốn cầm khăn tin chắc rằng nước bạc sẽ ra chẵn, nên cố năn nỉ người cầm đồ cầm chiếc khăn để có tiền đặt.
Hai câu thơ được sửa thành:
Khăn này chính lụa Cổ Đô
Quả nhiên ngồi chẵn xin cô hãy cầm
- Tấm tranh vẽ cả người được bạc muốn ăn non :
Năm mới được lấy may
Đành nên ta về nghỉ
Câu thơ thứ hai không phải... tiếng Việt. Đành nghĩa là bất đắc dĩ phải như vậy. Nên là nên như vậy. Hai chữ nghĩa trái ngược nhau ! Chắc là có nhầm lẫn với " Đứng lên ta về nghỉ" chăng ?
- Tranh Durand còn vẽ một cảnh tình tứ nhưng thật khó hiểu :
" Một người đàn bà mặc yếm đến gặp một người đàn ông đang ngồi trong gian nhà trống trải. Nàng mời chàng về nhà. Chàng quay nhìn nàng nhưng không tỏ vẻ muốn chiều theo lời mời của nàng.
Đằng trước người đàn bà có hai câu thơ :

Chơi xuân nọ nhớ đến hoa
Mời cậu về nhà xuân lại thêm xuân
Phía trên người đàn ông có mấy chữ mà chúng tôi (lời Durand) không hiểu nổi :
Qua viết khế ba bua
Có thể nào suy diễn thành :
Ngoa ngoét thế bà ơi (Oh ! vous exagérez ma chère)
được không ?" (sđd, tr. 52).

Kể cũng lạ, câu viết và câu đoán không có chữ nào giống nhau ! Chả lẽ người viết viết sai hết ! Hay là Durand đoán nhầm từ đầu đến đuôi ?
Qua, viết và khế là chữ hán. Ba và bua là chữ nôm.
Chữ bua ( chữ khẩu + chữ bĩ) đứng sau chữ ba, không có nghĩa.

Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu có chữ phi nghĩa là con chó con. Chữ phi này không có trong Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh. Chữ phi (chó con) gồm bộ khuyển + chữ phi (nghĩa là lớn lao, có tự dạng gần giống chữ bĩ). Tôi cho rằng chữ bua của Durand được viết bằng bộ khẩu + một nửa chữ phi (chó con). Bộ khẩu được dùng làm kí hiệu viết chữ nôm và chữ phi đọc theo nghĩa là con chó con, hay đọc ngắn gọn là chó cho đúng với nguyên tắc một chữ đọc một âm.
Còn một cách giải thích khác : người viết nhầm chữ phi (chó con) với chữ phi (tiếng cãi nhau, cũng viết bằng bộ khẩu và chữ phi).
Cả hai lối giải thích đều đưa đến kết quả là chữ bua của Durand phải được đọc theo nghĩa, nghĩa là chó (con).
Câu văn trở thành :
Qua /viết /khế /ba /chó (con).
Lại thêm một người thua bạc phải " qua nhà bên cạnh viết văn khế bán ba con chó con "!
Phải công nhận rằng câu văn vụng về, tối nghĩa. Chữ hán, chữ nôm, đọc theo âm, theo nghĩa? Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phân tích để hiểu được.
Durand suy nghĩ thâm sâu quá nên đã vô tình biến một câu nói bình thường thành một lời miệt thị đàn bà! Tranh dân gian thường chỉ châm biếm nhẹ nhàng kín đáo chứ không thô bạo như Durand đã lầm tưởng.
Sách Imagerie populaire vietnamienne của Durand được nhiều học giả dùng làm tài liệu gốc để khảo cứu tranh dân gian Việt Nam. Tiếc rằng những chỗ sai của Durand không được hiệu đính, trái lại lại được tiếp tục phổ biến rộng rãi hơn.
Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ (Tranh dân gian Việt Nam, Văn Hóa, 1984) sau khi giới thiệu bài thơ nôm " Bốn đồng trong chặn lấy... Rượu chè dù thích chí...", đã phân tích nội dung tranh Xóc Đĩa như sau :
" (...) Phía bên trái đám bạc, một con bạc đang say sưa với đỏ đen, thua bạc phải lột cả chiếc khăn lụa cầm bán cho chị phụ nữ đứng bên với câu mời: "Khố này chính lụa Cổ Đô..." ( tr. 78). "Bán khăn mời khố ", khác nào cảnh chợ chiều "Treo đầu dê bán thịt chó " !
" Qua những tranh trên, tác giả muốn khẳng định rằng: cờ bạc là tệ hại của xã hội, nó làm con người trở nên nghèo khổ, mất hết tư cách. Khi thua bạc, phải cầm bán hết đồ đạc, quần áo, đến cả cái khố che thân cũng lột bán. Hoặc dẫn đến cảnh ăn chơi trụy lạc " (tr. 79).
Khăn với khố, khố với khăn. Trên với dưới lộn tùng phèo. Lâu ngày rồi thành quen! Mọi người vui vẻ lặp lại một cách thích thú.
Xóc Đĩa... xin đừng lột khố nhau, tội lắm ai ơi !


Nguyễn Dư
(Lyon, 5/2001)