Chương 2


Năm lớp mười là một năm lành mạnh và sáng sủa. Lòng tôi vô tư và thanh thản. Lớp tôi có khoảng một tá con gái, tôi chẳng thèm để mắt tới đứa nào. Tôi chỉ chơi với toàn bạn trai.
Tôi ở trọ nhà thằng Nghị. Nghị học chung lớp với tôi. Nhưng nó học Anh văn, tôi học Pháp văn. Lớp mười trường tôi không đủ học sinh để chia làm hai lớp. Tất cả bọn tôi đều phải học chung, chỉ có giờ sinh ngữ là học riêng.
Ba mẹ Nghị sống bằng nghề cho thuê phòng trọ và nấu cơm tháng. Nhà nó rộng rãi, lại ít người. Ngoài căn nhà mặt tiền, nơi ba mẹ và hai anh em Nghị ở, gia đình Nghị còn có một ngôi nhà rộng phía sau để cho thuê. Ngôi nhà phía sau nằm lọt giữa một khu vườn nhỏ nhưng đầy bóng mát. Vườn không nhiều cây cối, chỉ vài cây mận, vài cây xoài nhưng những tán xoài quanh năm tỏa bóng, che mát những bụi dạ lý hương rải rác trong vườn. Những năm tôi ở trọ nhà Nghị, đêm đêm ra vườn, hương dạ lý thấm đầy trên tóc, tối lên giường nằm ngủ vẫn còn nghe ngào ngạt.
Cuối vườn là ao cá nhỏ, mặt nước phủ đầy lá sen xanh. Vào mùa hè, bông sen nở đỏ mặt ao, lác đác có vài bông súng tím chen vào giữa, khung cảnh bỗng đẹp lạ lùng. Những lúc ấy, chúng tôi thường mượn máy ảnh, ra ngồi bên bờ ao, thay phiên nhau chụp lia lịa.
"Chúng tôi" ở đây không phải chỉ có tôi và Nghị. Ở trọ chung với tôi những năm cấp ba còn có Ngữ, Hòa lé và "giáo sư" Bá.
Năm đứa chúng tôi cùng học chung một lớp. Bá thuộc phe Pháp văn, giống như tôi. Ngữ và Hòa lé phe Anh văn.
Trong bọn, Ngữ tài hoa nhất. Nó làm thơ hay, viết lưu bút cảm động nổi tiếng. Tôi nghe tụi bạn kể lại hồi cuối năm lớp chín, Ngữ viết lưu bút cho đứa nào là đứa nấy khóc ròng. Đọc những dòng lâm ly của nó, ai cũng nước mắt nước mũi sì sụt. Tiếc là năm ngoái, tôi không học chung với nó, để xem nó viết lưu bút ra sao mà nổi tiếng đến thế. Bây giờ, Ngữ là trưởng ban báo chí của lớp tôi, chủ bút tờ báo tường mỗi tháng ra một lần.
Ngữ là một tay chủ bút khốn kiếp. Bao nhiêu bài vở tôi đưa, nó đều đem vứt sọt rác hết. Nó chẳng thèm đếm xỉa gì đến việc tôi với nó cùng ăn một mâm, cùng ở một nhà.
Tôi vẫn không nản, cứ cặm cụi làm hết bài thơ này đến bài văn khác, nộp cho Ngữ. Thậm chí tôi còn dẫn nó đi uống cà phê để lấy lòng. Ngữ rất khoái uống cà phê. Vì vậy, tôi hy vọng vì khoái cà phê, Ngữ sẽ khoái luôn thơ tôi.
Nhưng Ngữ là một thằng bạn lòng gang dạ sắt. Nó tiếp tục uống cà phê của tôi và tiếp tục liệng bài của tôi đi đâu mất. Biết mình "tài hẹn sức mọn", tôi không dám kêu ca, chỉ kiên trì sáng tác. Nhưng suốt một thời gian dài, tiền cà phê thì tốn đều đều mà bài vở chẳng được xuất hiện lấy một lần trên báo, tôi đâm nản.
Một hôm, đang ngồi trong quán cà phê, tôi hỏi Ngữ:
- Cà phê có ngon không?
Ngữ gật đầu:
- Ngon.
Tôi liếm môi:
- Ngon sao không thấy mày đăng bài của tao?
Ngữ thản nhiên:
- Cà phê ngon nhưng bài của mày thì... dở.
Ngữ làm tôi sượng trân. Tôi cố vớt vát:
- Những chẳng lẽ mấy chục bài đều dở hết? Cũng có bài... tạm được chứ? Mày đọc kỹ lại đi!
Ngữ nhún vai:
- Tao đã đọc kỹ rồi. Chẳng có bài nào thuộc diện "tạm được". Dở bằng nhau.
Nhận xét "độc ác" của Ngữ chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Ý chí tôi ướt đẫm. Nhiệt tình sáng tác của tôi tuột xuống dưới 0 độ. Tôi tính đứng dậy đi ra khỏi quán, để mặc cho Ngữ... trả tiền cà phê. Nhưng tay chân đang bủn rủn, tôi đứng dậy không nổi. Rốt cuộc tôi đành phải ngồi lại và cố nén tự ái, "thỉnh giáo" Ngữ:
- Muốn cho hết dở, phải làm sao?
Ngữ gật gù phán:
- Phải học tập người khác. Chẳng hạn, muốn làm văn hay, phải đọc Nguyễn Tuân, muốn làm thơ hay, phải thuộc ca dao, thuộc Nguyễn Bính!
Phán xong, Ngữ liếc tôi:
- Mày đọc Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính bao giờ chưa?
Tôi ngượng ngùng thú thật:
- Chưa. Nhưng tao có nghe tên.
Ngữ "hừ" giọng:
- Nghe tên thì chưa ăn thua gì! Phải đọc!
Tôi nuốt nước bọt:
- Nhưng tao có thuộc vài câu ca dao...
Ngữ hất đầu:
- Mày đọc nghe coi!
Tôi hí hửng đọc:
- Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ.
Đọc xong, tôi liếc Ngữ, chờ nó khen. Nhưng Ngữ tỉnh bơ:
- Hai câu đó cũng tàm tạm. Mày còn thuộc câu nào nữa không?
Tôi nhíu mày, cố nhớ lại những câu ca dao hồi nhỏ mẹ tôi ru tôi và sau này tôi đã dùng chúng để ru em. Nghĩ một hồi, tôi sáng mắt lên, hắng giọng đọc:
- Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.
Tôi ngân nga dứt, thấy Ngữ không nói gì, chắc mẩm nó khoái, tôi cao hứng "xổ" tiếp:
- Lỗi lầm vì cá trích ve
Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng.
Lần này thì Ngữ không làm thinh nữa. Tôi vừa ngắt giọng, Ngữ khen liền:
- Rõ ràng là mày có năng khiếu...
Tôi sướng rơn:
- Năng khiếu văn nghệ hả? - Rồi không cầm lòng được, tôi khoe:
- Hôm trước thằng Bá cũng nhận xét tao vậy!
Nhưng Ngữ làm tôi cụt hứng, nó lắc đầu:
- Không phải năng khiếu văn nghệ. Tao muốn nói là mày có năng khiếu... ăn uống! Mày đi mở nhà hàng hợp hơn là làm thơ, viết báo!
Tôi tái mặt. Nhưng tôi không dám sửng cồ với Ngữ. Gây sự với nó, nó giận nó không thèm dìu dắt tôi trên con đường văn nghệ nữa thì khốn. Tôi chỉ biết giở giọng ai oán:
- Tao muốn học hỏi thật mà mày lại cứ chọc quê tao!
Ngữ cười hì hì:
- Ai bảo mày mở miệng ra chỉ toàn là mít non, cá chuồn, cá trích, rau muống... chi! Phải thuộc những câu ca dao trữ tình như vầy nè!
Nói xong, Ngữ kéo cổ áo, sửa bộ, rồi lim dim mắt, đọc:
- Thò tay mà hái cọng ngò
Thương em muốn chết giả đò làm lơ!
Đọc xong, Ngữ mở mắt ra, ngó tôi hỏi:
- Hay không?
- Hay!
Tôi xuýt xoa khen. Ngữ khoái chí, lại... nhắm tịt mắt, ngâm nga:
- Anh về để áo lại đây
Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng
Gió lạnh lùng lấy mùn mà đắp
Để áo anh về đi học kẻo trưa.
Lần này, Ngữ chưa kịp mở mắt, tôi đã buột miệng trầm trồ:
- Hay ghê!
Ngữ phổng mũi:
- Đấy! Muốn làm văn nghệ phải thuộc những câu ca dao "ướt át" như vậy. Mày cứ bị ám ảnh bởi cá chuồn, cá trích hoài làm sao làm văn, làm thơ hay được!
Ngữ nói đúng. Những câu ca dao nó đọc nghe mới thắm thiết làm sao! Cả đời tôi chỉ mong ước làm được những câu thơ hay bằng một nửa vậy thôi. Nhưng khổ nỗi, những câu ca dao đặc sắc kia đều liên quan mật thiết đến đề tài tình yêu trong khi tôi lại chẳng màng đến ba chuyện yêu đương vớ vẩn đó. Đối với tôi chả bao giờ có chuyện "thương em muốn chết giả đò làm lơ". Tôi "ghét em muốn chết" thì có! Gặp bọn con gái là tôi "lơ" thật, "lơ" từ đầu năm đến cuối năm, cần quái gì phải giả đò. Chẳng giả đò, mặt tôi cũng đã lạnh như... đá cục.
Thấy tôi lộ vẻ thẫn thờ, Ngữ hất hàm:
- Sao? Có gì khúc mắc cần hỏi thêm không? Làm gì trầm ngâm hoài vậy?
Tôi tặc lưỡi, ngần ngừ:
- Sao tao thấy làm thơ "ướt át" khó quá!
Ngữ động viên tôi:
- Bước đầu bao giờ chả khó! Ông bà đã nói rồi, "vạn sự khởi đầu nan". Nhưng mày đừng lo. Chuyện gì cũng vậy, làm hoài sẽ quen. Thơ văn mày hiện nay hơi "khô" nhưng nếu mày chú tâm rèn luyện, nó sẽ "ẩm" dần dần. "Ẩm" một thời gian, nó sẽ chuyển qua... "ướt át". Đó là quy luật.
Tôi nghe Ngữ giảng giải một hồi, đầu óc càng rối tinh rối mù. "Lý luận văn học" của nó sao nghe na ná như chương trình dự báo thời tiết trên ti vi, khi thì ẩm lúc thì khô, chẳng biết đường nào mà lần.
Dường như đọc được nỗi hoang mang trong mắt tôi, Ngữ gật gù nói thêm:
- Mày cứ tin tao đi. Hồi trước tao cũng vậy. Lúc tao mới tập viết văn, câu nào câu nấy khô queo, tao luyện riết, bây giờ chúng ướt đẫm, hễ đọc là cứ muốn nấc lên.
Tôi biết Ngữ không "hù" tôi. Nó nói thật. Đã bao nhiêu đứa sụt sùi trước những dòng lưu bút lâm ly của nó. Thơ nó cũng vậy. Bài nào bài nấy tình cảm dầm dề như mưa tháng bảy. Tôi không biết nó đã yêu ai bao giờ chưa nhưng thơ nó lúc nào cũng than thở về một mối tình đã... chết, đọc lên thấy thương ghê, thấy cứ muốn dẫn nó đi uống cà phê cho nó đỡ buồn.
Nhưng mặt mạnh của Ngữ chính là điểm yếu của tôi. Tôi đã thề không đội trời chung với bọn con gái. Chẳng lẽ bây giờ tôi bắt chước thằng Ngữ cất giọng khóc than, năn nỉ "kẻ thù" của tôi? Thật là khó xử!
Tôi nhăn nhó nói với Ngữ:
- Vấn đề không phải là "khô" hay "ướt". Tao nói khó là khó chuyện khác.
Ngữ ngạc nhiên:
- Khó chuyện gì?
Tôi bối rối thú nhận:
- Tao không thích làm thơ tình.
- Thơ tình mà không thích? - Ngữ kêu lên sửng sốt.
- Ừ. Tao không thích.
Ngữ dòm tôi bằng ánh mắt lạ lùng:
- Sao vậy?
Tôi ấp úng đáp:
- Tại tao ghét... bọn con gái.
Ngữ giật bắn người như chạm phải lửa. Nếu không có cái lưng ghế phía sau, có lẽ nó đã lăn quay xuống đất rồi. Sau một hồi trố mắt nhìn tôi như thể nhìn một quái vật, Ngữ vội sờ tay lên trán tôi.
- Mày làm trò gì vậy? - Tôi hỏi, giọng ngơ ngác.
Ngữ khịt mũi:
- Tao xem thử mày có "ấm đầu" không! Toàn thể đàn ông trên thế giới đều thương con gái. Ghét con gái, họa chăng chỉ có người điên.
Tôi cau mặt, hất tay Ngữ ra:
- Tao không điên. Nhưng tao ghét con gái.
Thái độ bướng bỉnh của tôi khiến Ngữ nổi cáu. Nó nghiêm giọng quở trách:
- Mày không được ghét bọn con gái, hiểu chưa! Phải thương tụi nó nhiều vào! Thấy đâu thương đó, thấy ít thương ít, thấy nhiều thương nhiều. Nếu ghét tụi nó, mày nên chọn nghề khác. Nghề uốn tóc chẳng hạn. Tụi nó muốn tóc cúp vô thì mày uốn quăn ra, tụi nó muốn tóc xù thì mày chơi tóc tém, tụi nó khoái tóc dài, mày chơi mốt... ni cô. Còn đã đi theo cái nghiệp văn thơ thì phải thương con gái. Đó là... bổn phận.
Nghe Ngữ "thuyết" một hồi, tôi rụng rời tay chân. Nhưng tôi không dám lên tiếng phản đối, sợ Ngữ điên tiết sổ toẹt mơ ước của tôi. Tôi đành thở dài, "tiếp thu" bằng một giọng yếu ớt:
- Ừ, tao sẽ tập dần dần. Muốn thương tụi nó đâu phải dễ.
Thấy tôi chịu phục thiện, Ngữ có vẻ tươi tỉnh hơn. Nó dịu giọng khuyến khích:
- Không dễ nhưng không phải là không làm được. Ngạn ngữ Pháp có câu: "Vouloir, c'est pouvoir". Muốn là được. Mày phải bắt chước tao. Con gái lớp mình, đứa nào tao cũng thương hết.
Tôi há hốc mồm:
- Mày thương hết mười hai đứa?
Ngữ gật đầu:
- Ừ, tao thương "trọn bộ".
Mối tình "khổng lồ" của Ngữ khiến tôi phát rét. Nhưng tôi không khỏi băn khoăn:
- Mày thương nguyên một tá sao tao không biết? Tao có thấy mày làm gì đâu!
Ngữ nhún vai:
- Thì tao đâu có định làm gì! Tao chỉ làm... thơ thôi.
Tôi chớp mắt:
- Thế tụi nó có biết mày thương không?
Ngữ nuốt nước bọt:
- Chắc là không! Tao không nói làm sao tụi nó biết!
Tôi lại thắc mắc:
- Mày thương mà không nói, vậy thương làm gì?
Ngữ nheo mắt nhìn tôi:
- Mày ngốc quá! Tao thương tụi nó là thương chơi thôi, thương để làm thơ. Tao đâu có thương thiệt mà phải nói ra!
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe nói đến hai chữ "thương chơi". Tôi ngẩn ngơ ngó Ngữ:
- Thương để... làm thơ?
Ngữ gục gặc đầu:
- Chứ sao! Đã là văn nghệ sĩ thì không thể yêu theo kiểu phàm phu tục tử được. Tình yêu của tụi mình là tình yêu lặng thầm và cao thượng. Yêu không "tuyên bố" cũng cóc cần đền đáp. Cứ câm nín, ấp ủ, dày vò, tụi mình sẽ có cả khối cảm xúc để viết nên những vần thơ bất hủ. Các nhà thơ lớn xưa nay vậy.
Con đường văn nghệ Ngữ vừa phác họa nghe thật hấp dẫn và xem ra cũng không đến nỗi khó đi lắm. Tưởng yêu "thiệt" theo kiểu "phàm phu tục tử" tôi mới ngán chứ yêu "chơi" theo kiểu "văn nghệ sĩ" thì tôi nhắm sức mình có thể yêu được. Tôi bèn hào hứng nói với Ngữ:
- Nếu vậy tao làm được. Tưởng gì chứ thương "chơi", thương "để làm thơ" thì đâu có khó!
Thấy tôi không còn đòi ghét con gái nữa, Ngữ khoái chí, tiếp tục vung vít:
- Tình yêu của tụi mình còn có cái khỏe là không sợ bị từ chối, cũng chẳng ai biết mà chọc quê. Hơn nữa, mình có thể yêu tự do, muốn yêu ai thì yêu. Tụi phàm phu tục tử mỗi lần chỉ có thể yêu được một người, yêu hai người là có chuyện, trong khi tụi mình có thể yêu gộp một lúc toàn bộ phụ nữ trên thế giới này cũng được. Vậy là nhất rồi, còn muốn gì nữa!
Nói xong, Ngữ cười tít mắt. Dòm nó, tôi có cảm tưởng như toàn bộ phụ nữ trên thế giới này đang đổ xô thương nó, chứ không phải là ngược lại.
Tôi chẳng tham lam như Ngữ. Tôi chỉ muốn thương in ít thôi, thương những người mà mình biết mặt biết tên hẳn hoi. Suy tính hồi lâu, tôi rụt rè nói:
- Vậy kể từ ngày mai, tao bắt đầu thương hén?
- Ừ. Nhưng mày định thương ai?
Tôi bối rối:
- Thì thương mấy đứa con gái lớp mình! - Rồi tôi bẽn lẽn nói thêm - Tao sẽ thương khoảng... sáu đứa!
Ngữ giật thót:
- Không được! Như vậy thì nhiều quá!
Sự phản đối bất ngờ của Ngữ khiến tôi ngẩn người ra. Rõ ràng mới vừa rồi nó bảo tôi muốn thương ai thì thương, thương bao nhiêu cũng được, vậy mà tôi mới mở miệng đòi thương, nó đã chặn ngang họng rồi. Tôi nhìn Ngữ, thấp thỏm hỏi:
- Có sáu đứa mà... nhiều?
Ngữ tặc lưỡi:
- Đối với mày, như vậy là nhiều! Phải giảm bớt lại!
Tôi khịt mũi:
- Chứ mày thương nguyên cả lớp đó sao! Tao chỉ bằng phân nửa mày chứ mấy!
Thấy tôi có vẻ giận dỗi, Ngữ cười hì hì. Nó vỗ vai tôi, giọng kẻ cả:
- Tao khác, mày khác, sánh sao được mà sánh! Đối với tao, một tá cũng còn ít. Còn đối với kẻ mới "nhập môn" như mày, sáu đứa lại quá nhiều, mày không thể tập trung tư tưởng được. Lúc "đề-pa", chỉ nên thương một em thôi.
Tôi đực mặt ra:
- Tao chỉ "được" một em thôi sao?
Ngữ gật gù hắng giọng:
- Một và chỉ một mà thôi!
Một khi Ngữ đã khống chế số lượng "người yêu" của tôi bằng một định đề toán học thì tôi biết có năn nỉ cũng bằng thừa. Tôi đành thở dài xuôi xị:
- Thôi một em cũng được!
Sau khi đã chấp nhận số phận hẩm hiu của mình, tôi ngồi nặn óc xem nên "thương" đứa nào trong số mười hai đứa con gái của lớp tôi. Trước nay, tôi chẳng thèm để mắt đến tụi nó, bây giờ phải ngồi nhớ lại từng khuôn mặt, chọn ra một khuôn mặt ít hắc ám nhất để đem lòng "thương", đối với tôi thật là gian nan trầy trật. Tôi điểm danh trong đầu một vòng, hai vòng rồi ba vòng mà chẳng chọn được "đối tượng" vừa ý. Mười hai đứa, đứa nào tôi cũng... không ưa. Chẳng hiểu sao Ngữ có thể thương không sót một mống, tài thật!
Thấy tôi ngồi đăm chiêu cả buổi, Ngữ hỏi:
- Mày nghĩ ngợi gì vậy?
Tôi lúng túng thú thật:
- Tao đang nghĩ xem nên... thương đứa nào.
- Mày nghĩ ra chưa?
Tôi gãi đầu, ngượng ngập:
- Chưa. Không hiểu sao tao thấy khó quá.
Ngữ nhiệt tình:
- Nếu mày thấy khó thì để tao chọn giùm cho. Người ngoài cuộc bao giờ cũng sáng suốt hơn.
Nghĩ mãi không ra, tự nhiên thấy Ngữ đòi làm "cố vấn", tôi bằng lòng ngay:
- Ừ, mày chọn giùm tao đi!
Ngữ giỏi giang hơn tôi nhiều. Chỉ một thoáng, nó đã kêu lên:
- Tao nghĩ ra rồi!
Tôi tròn mắt, hồi hộp:
- Đứa nào vậy?
- Em Hồng.
- Trời ơi, con Hồng "chà-và" hả?
Tôi la lên thất thanh và bỗng nghe tai mình ù đi. Suýt một chút nữa tôi đã xỉu ngay trong quán. Tôi tưởng thằng Ngữ nó chọn cho tôi đứa nào chứ nó chọn nhỏ Hồng thì rõ ràng nó "giết" tôi chứ đâu phải "giúp" tôi. Trong mười hai đứa con gái lớp tôi, nhỏ Hồng xếp hạng bét về nhan sắc cũng như về tính tình. Nó tên Hồng nhưng nước da nó chẳng hồng chút nào. Da nó đen thui. Nghe nói ngay từ lúc học lớp sáu, nó đã mang biệt danh Hồng "chà-và" rồi. Đã vậy, nó còn uốn đầu tóc xoăn tít, mỗi lần dòm, tôi cứ rởn cả tóc gáy, tưởng đâu nó là người Việt gốc... Phi châu.
Đó là bề ngoài. Bề trong nó còn đáng chán hơn. Ngồi trong lớp, nó chuyên môn nói chuyện. Cái đầu xoăn tít của nó hết quay trái lại quay phải, không biết nằm yên là gì. Tôi ngồi sau lưng nó, mỗi lần chép bài, tôi phải không ngừng lắc lư cái đầu theo nó mới mong thấy được chữ viết trên bảng. Lần nào cũng vậy, chép xong được bài học, cổ tôi mỏi nhừ.
Nhỏ Hồng còn nổi tiếng chanh chua, đanh đá. Không chỉ tụi con gái, mà ngay cả đám con trai cũng ớn nó ra mặt. Đứa nào vô phúc chọc phải nó, coi như đứa đó... tàn đi. Nó mắng sa sả, nghe không kịp vuốt mặt, nạn nhân chỉ còn có nước ôm đầu lủi vô một xó nào đó, ngồi trốn và chờ cho "tai qua nạn khỏi". Vì vậy, đứa nào cũng "cạch" nó. Tôi lại càng "cạch". Nó mà biết tôi "thương" nó, "làm thơ" cho nó, chắc nó vác guốc rượt tôi chạy quanh sân trường.
Vậy mà bây giờ thằng Ngữ lại chơi ác bắt tôi phải thương bà chằn tinh đó. Nó bắt tôi phải ấp ủ, phải dày vò... khổ ơi là khổ!
Tôi nhìn Ngữ, mặt méo xẹo:
- Thôi, tao không "thương" nhỏ Hồng đâu! Mày làm ơn đổi giùm tao em khác đi!
Ngữ phớt lờ sự khiếu nại của tôi. Nó lên giọng:
- Không được! Tình yêu chứ đâu phải hàng hóa mà mày đòi đổi tới đổi lui!
- Nhưng nhỏ Hồng nó... đen thui! - Tôi cố khẩn khoản.
Ngữ vẫn lạnh lùng:
- Đen trắng thì ăn thua gì! Khi đã thương, mày nhìn màu đen thành màu trắng mấy hồi!
Thấy Ngữ không thèm đếm xỉa gì đến nguyện vọng chính đáng của tôi, nó cứ khăng khăng bắt tôi "thương" con Hồng "chà-và", lòng tôi như thắt lại. Tôi ấm ức nói:
- Mày chỉ "xí gạt" tao! Màu đen làm sao nhìn cho ra... màu trắng được! Tao có cố lắm cũng chỉ nhìn "đen" thành "xám" là cùng!
Ngữ cười ha hả:
- Trời, tao "xí gạt" mày làm gì! Tại mày chưa biết đó thôi, chứ tình yêu nó màu nhiệm ghê lắm. Nó biến cái này thành cái khác như chơi. Mày nghe mấy câu ca dao này bao giờ chưa?
Nói xong, không đợi tôi trả lời, Ngữ đã hùng hồn đọc:
- Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm...
Ngữ đọc một lèo, thao thao bất tuyệt. Tôi ngồi dỏng tai nghe, hoang mang và chăm chú.
Đọc dứt câu cuối cùng, Ngữ nhướng mắt dòm tôi:
- Mày hiểu bài ca dao vừa rồi muốn nói gì không?
Không những tôi hiểu bài ca dao muốn nói gì mà tôi còn hiểu thằng Ngữ muốn dẫn tôi đi đâu, vì vậy tôi gật đầu một cách rầu rĩ.
Đúng như tôi nghĩ, Ngữ cười đắc thắng:
- Như vậy là mày chịu thương em Hồng rồi hén?
Biết mình đã sập bẫy, tôi thở dài xuôi xị và kháng cự bằng một giọng yếu ớt:
- Nhưng nhỏ Hồng dữ như chằn. Nó mà biết tao "thương" nó, nó chửi tao tắt bếp.
Vẻ mặt đưa đám của tôi chẳng khiến Ngữ động lòng. Nó quắc mắt:
- Mày chỉ giỏi phịa! Mày không nói, làm sao nó biết được? - Rồi Ngữ bỗng nghiêm giọng - Bây giờ tao hỏi thật, mày có muốn viết được những áng thơ văn bay bướm không?
- Muốn! - Tôi gật đầu như máy.
- Mày có muốn những sáng tác của mày được đăng lên báo tường không? - Ngữ lại hỏi.
Tôi liếm môi:
- Muốn.
Ngữ ranh mãnh:
- Thế mày có muốn thương em Hồng không?
Lần này thì tôi hết đường tránh né. Tôi đành phải nuốt nước bọt, bần thần đáp:
- Muốn.
Ngữ cười toe:
- Khá lắm! Bây giờ tao mới nhận ra là mày có năng khiếu... văn nghệ!
Ngữ khen tôi mà sao tôi chẳng thấy vui. Thấy nó cười, tôi cũng nhe răng cười theo nhưng miệng tôi cười như mếu. Từ khi tôi mở miệng "kết nạp" nhỏ Hồng làm "người yêu", lòng tôi bỗng nặng như đeo đá. Tôi tưởng như tôi vừa mới "rước vạ" vào mình. Trước đây lòng tôi thanh thản biết bao nhiêu, tự dưng đi nghe lời thằng cha chủ bút hắc ám kia, để bây giờ tôi phải mang nặng bên lòng "nỗi nhớ thương" dù là thương theo kiểu tôi, chỉ có ma mới biết.
Trong khi Ngữ ngồi rung đùi thưởng thức thành quả "dụ dỗ" của nó thì tôi cứ lầm bầm cay đắng và không tiếc lời nguyền rủa "mối tình" vừa chớm nở của mình.