Chương 6


Ðêm chưa muộn. Ðêm tím như mực và đen như than. Vần trăng lưỡi liềm trôi qua vòm trời mùa đông nom xanh xao tựa chiếc lá bạc hà uốn cong dịu oặt. Ngửa mặt cho tha hồ gió lạnh táp, mơn trớn, đùa cợt. Hạo khoan thai gặt, khuấy mái chèo. Lòng không còn trống trải nữa mà hình như đầy ắp ngậm ngùi.

Bốn hướng chung quanh cơ hồ xóa nhòa mọi đường nét. Tất thảy mọi âm thanh biến bặt, chìm lỉm, mất tăm. Ánh sáng non yểu của vầng trăng không khoang thủng nổi màn sương dày mịt. Thằng người chèo đò giữa dòng sông như thể con kiến đậu cheo leo trên chiếc lá me nhỏ xíu cựa quậy trong tách cà phê đen đậm đặc. Ngoài tiếng chèo khuấy nước, lắng lòng họa may hắn nghe thêm tiếng tim đập khẽ khàng trong ngực mình.

Không hiểu sao, đêm nay, sau vài ly rượu uống với Ðạt, không dưng Hạo cảm thấy cả thế gian im vắng không cùng và Hạo cô đơn da diết. Sự im vắng có khi chỉ là ảo giác. Còn cô đơn?

Trước đây chưa bao giờ Hạo nghĩ một ngày nào đó chỉ còn mỗi một mình với chiếc đò lẻ loi như thế này.

Thuở ấy – nghe xa xôi quá! – Ba con người còn đủ mặt quây quanh mâm cơm trên chiếc chiếu trải giữa lòng đò trưa trưa chiều chiều. Ba mảnh đời phiêu dạt tìm đến nhau do sự run rủi, đưa đẩy của bàn tay vô hình, người ta thường gọi là bàn tay số mệnh.

Thuở ấy, đứa trẻ cù bơ cù bất, chẳng rõ gốc gác sinh thành, sống trôi sông lạc chợ từ vạn đò này sang vạn đò kia, từ dạ cầu này đến bến củi, bãi cá nọ là Hạo được bà Tấm nhận về nuôi, sau khi đứa con trai duy nhất của bà rời bỏ sông nước đi lính chết trận. Năm ấy Hạo mới bốn tuổi.

Năm Hạo lên tám, thêm một thành viên, thêm một nhánh rong phiêu bạt, một con người chẳng biết được sinh ra từ cuộc hôn phối vô danh nào, gia nhập vào gia đình.

Lúc bấy giờ vào buổi trưa, bà Tấm từ chợ bước xuống đò, tay dắt đứa bé mười hai nhưng loắt choắt như thể nó mới chín mười tuổi. Con bé gầy gò hệt con cò hương, tóc lưa thưa ngọn xanh ngọn đỏ, nước mắt nước mũi tèm lem, gò má bên phải và con mắt bên trái tím bầm. Nó vừa được người ta tẩn cho một trận ra trò sau một vụ móc túi thất bại. Bà Tấm nói ngắn gọn:

- Hạo à, từ nay nó là chị con.

Quay sang con bé bà thấp giọng:

- Mi tên chi?

- Dạ, Xí ạ!

Nhổ miếng cốt trầu, bà Tấm cười:

- Mi không đến nỗi xấu xí lắm đâu. Từ nay tao đặt mi tên Thu, nhớ chưa? Sáng nay tao bán cá thu khá chạy.

Ðoạn vẫn không rời mắt khỏi con bé vừa nhận cái tên mới toanh, bà gằn giọng:

- Thấy mi mồ côi mồ cút tao nhận nuôi làm phước. Biết ăn ở tử tế thì được. Không xong tao lại ném mi lên bãi chợ!

Con bé liu ríu “dạ” nhỏ trong miệng, lấm lét nhìn Hạo. Trong suốt bữa cơm trưa nó im thít, tiếp tục lấm lét nhìn Hạo. Sau bữa cơm, bà Tấm lại lên chợ.

Hạo không từng có chị. Thu chưa từng có em. Nay bỗng có, hai đứa cùng cảm thấy lòng lâng lâng vui mà chẳng hiểu tại sao. Vui thầm kín, đứa này không biết đứa kia đang vui. Dù thế, phải mất chừng một giờ hai đứa mới tạm gọi là hơi quen nhau. Cuộc làm quen bắt đầu từ việc Thu định cởi truồng bông nhông xuống sông tắm vì chỉ có một bộ đồ trên người, thấy thằng bé cứ lom lom nhìn mình như ngại mở mắt ra là bị mất cắp. Ngượng quá, con bé bèn để nguyên quần áo nhảy xuống nước. Tắm xong, chẳng có đồ thay, nó đành co ro ngồi trên mạng đò dang nắng cho khô.

Thấy tội, ngại để con bé cảm nắng, Hạo lục tìm đưa một bộ đồ cũ rộng thùng thình của bà già, kèm hộp dầu cù là cho Thu thoa mấy chỗ bầm trên mặt. Thu toét miệng cười, nụ cười đầu tiên từ lúc bước xuống đò, dịu hỏi:

- Ấy tên chi?

- Hạo!

- Cái tên sao khó kêu quá vậy?

- Trước tui tên là Cu Ðen. Cái anh con của mẹ Tấm chết trận tên Hảo. Mẹ bảo tên Hảo xui nên anh mới chết sớm, nhưng không muốn bỏ cái tên đã quen gọi ấy, bèn đặt tui tên Hạo. Gọi trẹo trẹo thế sống mới dai!

Hai đứa cùng cười và từ ấy ngoài việc lo bếp núc, hàng ngày Thu lên chợ tiếp mẹ nuôi bán cá.

Dọc dài ven sông, từ vạn đò Kim Long đến vạn đò Gia Hội, bà Tấm nổi tiếng là người đàn bà hàm hồ hàm chứa, mồm năm miệng mười. Những con buôn, bạn hàng dọc bến kiên nể bà như kiềng mặt các tay trùm sừng sỏ trên đất liền. Ít ai ngờ người đàn bà cô độc với vẻ ngoài cứng rắn, nanh nọc ấy cũng có một tấm lòng dịu dàng, thương yêu rất mực đối với những đứa con nuôi như bất cứ bà mẹ nào trên trái đất này.

Sẵn sàng xắn quần áo chửi bới, cãi vả, giành giựt từng mớ tôm mớ cá trên tay con buôn, bòn từng đồng xu cắc bạc giữa chợ. Ở nhà, bà luôn chi xài khá rộng rãi trong việc ăn uống và may mặc cho hai đứa trẻ. Những năm hai đứa còn bé, bất kể mùa hạ hay mùa đông, đêm ngủ bà thường úm hai đứa hai bên như gà mẹ xòe cánh ấp con. Nồng nàn và dịu dàng là thế, nhưng bà cũng sẵn sàng mắng xả vào mặt hoặc thượng cẳng hạ tay với con chị hay thằng em mỗi lúc chúng phạm lỗi. Chóng nóng mà cũng chóng nguội. Những lúc nguội rồi bà thường khóc. Khóc theo kiểu lặng lẽ, ngẩn người nhìn trân trân vào điểm bất định nào đó trong không gian, mặc nước mắt cứ lăn dài trên má.

Chẳng biết cha mẹ ruột hai đứa con nuôi của mình là ai, còn sống hay đã chết, bà vẫn chẳng quên họ. Mỗi năm vào dịp đám giỗ Hảo hay người chồng đã khuất bóng, bà thường thành khẩn thêm:

- Lạy cha mẹ của con Xí và thằng Cu Ðen – Bà tin những cái tên đầu tiên là do cha mẹ hai đứa đặt! - Sống khôn thác thiêng, các anh chị có công đẻ, tui góp công nuôi. Xin phò hộ cho ba mẹ con tui được bình an vô sự , làm ăn phát tài! Phò hộ cho hai đứa nên người tử tế!

Sống đời lên đên trên sông, rất hiếm gia đình cho con cái lên bờ, lên phố đi học. Nếu có, học hành cũng không đến nơi đến chốn. Bà Tấm khác thiên hạ láng giềng, buộc Hạo phải vào trường đến lớp và học ra học, chơi ra chơi!

Từ năm Hạo bảy tuổi, bắt đầu cắp sách đến trường đến lúc bà Tấm mất, không dưới hai mươi lần, khi ngắn gọn, lúc dài dòng, bà lặp đi lặp lại mãi những câu này:

- Tao vô phước vô phần, đẻ được thằng con lại ngu dại để súng đạn nuốt mất. Tao coi mi như con đẻ. Gắng bỏ chữ nghĩa vô bụng mai sau ấm tấm thân, khỏi dầm mưa dãi nắng. Tao không trông chờ mi nuôi tao đâu mà lo. Tao bảo học là phải học, lạng quạng ham chơi lêu lổng toa khẽ cho què cẳng.

- Cả đời tao lỡ cực thì cực luôn không sao. Mi không nghe tao là đổ thêm cái cực lên đầu tao đó. Không học, lớn lên mi chỉ có nước làm phu khuân vác, hoặc đứng bến làm ma cô ma cạo như bọn con ranh ở mấy cái vạn đò quanh đây thôi, nhớ chưa?

- Muốn là thằng Hạo con tao thì đi học, muốn làm thằng Cu Ðen, mi đừng bước xuống, đừng chun ra chun vô cái đò này nữa!

Quen lăn lóc bụi đời, lêu lổng từ tấm bé, giờ phải ép mình vào khuôn khổ, phải quẩn chân ngày hai buổi trong lớp, không được nói năng luông tuồng, ba xí ba tú, ban đầu Hạo rất lấy làm khổ sở, riết cũng quen dần. Quen và vui ngầm khi thấy mình là dân nốt – đò còn gọi là nốt – nghèo khó cũng kết bạn được với bọn học cùng lớp thuộc loại con nhà giàu trên phố, lỡ vui tay đánh lộn, những tên công tử này thường chạy dài. Quen và hãnh diện ngầm khi sáng sáng chiều chiều ôm cặp đi về thấy bọn trẻ ở các đò láng giềng thường ngắm nghía mình với con mắt vừa ganh tị vừa nể phục, bọn chúng hẳn nghĩ đi học là sướng, là oai lắm!

Cứ thế, mùa tiếp mùa, trường lớn và sách vở dần dần hấp dẫn, thằng bé bụi không đến nỗi tối dạ. Và Hạo đã không phụ lòng bà mẹ nuôi lắm. Mỗi lần Hạo mang học bạ về khoe vị thứ hàng tháng thuộc loại khá, bà Tấm thường sung sướng đến rướm lệ, cung ngón tay khỏ lên đầu cậu con trai một cái rõ đau, đoạn kéo Hạo lên bờ ép ăn đến hai tô phở, bún hoặc cao lầu tùy ý Hạo thích, còn bà thì không ăn, ngồi nhìn Hạo, với ánh mắt âu yếm, nâng niu khôn tả.

Như con thú hoang quen chạy nhảy lung tung lang tang trên thảo nguyên, nay bị bắt về làm gia súc gia cầm trong nhà, tính tình ngang bướng, ưa ăn cắp vặt của Thu được đôi “bàn tay sắt” của bà Tấm uống nắn gần cả năm mới tương đối thuần thục. Có điều, càng lớn, Thu càng làm bà mẹ nuôi thất vọng.

Từ con cò hương, Thu dần dần thay da đổi thịt thành một cô gái nhan sắc chẳng mỹ miều gì lắm, nhưng cũng thu hút khá nhiều cặp mắt hau háu của bọn đàng ông, con trai.

Ðến tuổi biết cầm lược cầm gương, Thu nẩy tật thích đỏng đa đỏng đảnh, đua theo bạn lứa học đòi ăn diện. Thích chụp ảnh. Ưa đàn đúm hát ca với lũ con trai con gái láng giềng. Theo các ả gaing hồ đi coi phim, coi hát và tập tành trang điểm... Năm Thu mười sáu tuổi. Một hôm cô giả vờ đau xin mẹ ở nhà. Ðang giữa buổi chợ, bà Tấm quay về đò để lấy một món tiền trả nợ gì đó, bắt gặp Thu tình tự với một anh chủ tiệm chụp hình.

Buổi trưa đi học về thấy bà ngồi chóc ngóc một mình bên mâm cơm. Hạo hỏi Thu. Bà mẹ long mắt lên nói chậm rãi:

- Hắn không muốn làm người tử tế, học đòi thói trăng hoa, tao đuổi cổ hắn đi rồi. Từ nay hắn không còn là chị của mi nữa!

Bữa ăn qua trong không khí nặng nề. Ðôi khi Hạo ngỡ như không nhai nuốt cơm mà nhai nuốt cát hoặc sạn. Trước khi buông đũa, Hạo sững sờ thấy bà mẹ nuôi ràn rụa nước mắt, lặp lại cái điệp khúc quen thuộc:

- Tao vô phước vô phần, đẻ được một thằng con lại ngu dại để súng đạn nuốt...

Không là ruột thịt. Cùng sống dưới một vòm mui do sự ràng buộc tình cờ. Thu thương yêu Hạo không kém bà mẹ. Ngoài sự chia xẻ ngọt bùi, Hạo còn dạy Thu học đọc học viết. Bỏ chữ nghĩa vào bụng chẳng biết ngày sau Hạo có được ấm tấm thân như bà mẹ hằng mong không. Riêng Thu, Hạo có chút chữ nghĩa nên cô chị vừa thương vừa nể cậu em rất mực.

Kín đáo hơn Thu, rất ít khi Hạo để lộ tình cảm chị em ra mặt. Sau ngày Thu bị đuổi đi, lựa lúc bà mẹ vui vẻ, Hạo năn nỉ bà tha lỗi cho Thu, Hạo sẵn sàng đi tìm Thu về. Năm lần bảy lượt bà Tấm cứ lắc đầu:

- Tao kể như đổ xuống sông công lao bao năm nay đùm bọc nuôi dưỡng nó mà không dạy dỗ nó nổi. Tao không tiếc sao mi lại tiếc? Hay mi muốn theo hắn, tao cho đi luôn?

Thế là Hạo đành câm họng. Thời gian đầu, thỉnh thoảng vào đêm Thu quay về, không dám xuống đò. Ðứng lóng ngóng trên bờ, hoặc ngồi cú rũ trên bến đá khóc lặng một hồi rồi bỏ đi.

Vắng Thu, Hạo thấy nhớ. Nhớ nhất là các món ăn do Thu nấu. Canh cá hồng, cá ngạnh nấu với thơm hoặc măng chua, cá nục kho nổi bập bền những trái ớt xanh mềm múp vừa cay vừa ngọt, cá trê nướng chấm nước mắm gừng kèm rau răm và dưa món, những chén chè đậu xanh, đậu đen đậy sẵn trong lồng bàn dành cho cậu em học khuya...

Nhớ Thu may được cái quần, cái áo mới nào về cũng khoe, để rồi cười tít mắt khi nghe cậu em chê áo quần hệt của mấy bà lên đồng lên bóng. Nhớ lần nào bị mẹ đánh, Thu cũng nhét cảm nạm tóc vào miện cắn răng chịu trận, để rồi sau đó khóc lén khóc chùng với Hạo. Chờ cho cô chị khóc cạn nước mắt, cậu em mới tưng tửng bảo:

- Chị ngu lắm, kheo khéo một chút thì đâu đến nỗi bị đòn.

Thu cười như mếu:

- Ờ, chị ngu thật. Cậu có học có hành hơn chị là cái chắc. Lâu lâu nhắc chừng chị với.

Hạo lắc đầu cười khẩy:

- Hết nhắc nổi. Chị có còn bé bỏng gì nữa đâu. Dạo này lắm lúc trông chị giống con ngựa vía bỏ mẹ. Có khi chị lồng lên mà chị không hay!

Thời gian đầu, thỉnh thoảng Thu đến đón Hạo trước cổng trường, sau đó hai chị em vào một quán nước hoặc vào công viên. Hạo buồn rầu ngồi nghe Thu khóc nhiều hơn nói. Ðôi lần Thu cứ nằng nặc nhét tiền vào đôi tay cậu em buộc phải nhận. Thu bảo vừa xin được chân chạy bàn ở một quán bún nào đó tận ngoài An Hòa. Cầm những tờ giấy bạc thơm thoảng mùi nước hoa rẻ tiền, Hạo nghe nước mắt cay cay, cảm thấy lờm lợm và mơ hồ nghi ngờ về công ăn việc làm của Thu mà không tiện hỏi.

Biệt dạng một thời gian, vài lần Hạo buồn bã giả ngơ khi thấy Thu cặp tay đi bộ hay ngồi xe với một người đàn ông lạ mặt rong qua phố. Cô Thu những lúc ấy phấn son lòe loẹt, áo quàn chải chuốt, chẳng giống con cò hương trên bến cá ngày nào, hay chị Thu của Hạo gần đây.

Hạo cứ ngỡ Thu vĩnh viễn ra khỏi đời mình. Không bao giờ nàng còn quay lại trong ràng buộc chị em với mình nữa. Ðâu đó, Thu đang khóc cười hoặc say vật vã trong vòng tay những gã đàn ông tạm bợ, trong quán xá, phòng trọ dọc đường ngầy ngật mùi rượu bia, mịt mờ khói thuốc lá, đẩy đưa, mặc cả, nhận những tờ giấy bạc thoảng mùi nước hoa hay mùi dầu gió, khai khắm mùi mồ hôi tanh lợm. Ðâu đó Thu còn đi đứng tựa con ngựa vía hoặc đã bệnh hoạn trầm xuống tựa chiếc lá rụng sớm, như hạt bụi đã đổi tên. Không thể biết! Ngỡ là thế nhưng rồi vào một ngày không đẹp trời lắm, Hạo lại bỡ ngỡ thấy Thu quay về. Hóa ra trong cái ký ức bây giờ hẳn đã lấm bụi của Thu, hình ảnh con đò, những bến sông và hai con người thân thuộc ở chốn này chưa hề bị quên lãng.

Ngày ấy vừa xong buổi chợ đang thu vén quan gánh ra về, bà Tấm bỗng ngã ngất. Các bạn hàng quen đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Tai biến mạch máu não làm người đàn bà quen dầu dãi nắng mưa mê man bất tỉnh suốt hai tuần và một tháng sau trở lại con đò của mình với nửa người bị liệt.

Thu quay về. Vó dạc mảnh mai gói trong chiếc sơ mi hoa tuềnh toàng, chiếc quần jean bạc phếch, cái túi xắc cũ sờn khoác hờ hững bên vai, và đôi mắt tim tím vết quầng thâm. Không phấn son, Thu bước xuống đò với vẻ mệt nhọc tỉnh táo của người vừa vượt qua tâm một cơn bão. Nàng quỳ ôm, quệt nước mắt vào đôi chân nứt nẻ dấu nắng mưa của người mẹ, khóc lóc xin thứ tha.

Bà mẹ không cất nổi tay lên để xua đuổi nữa. Giọng lưỡi ngọng nghịu không thể la mắng nổi nữa. Bà Tấm chấp nhận sự quay về của đứa con nuôi bị ruồng bỏ bằng cách khẽ gật đầu, mở trừng mắt nhìn lên mui đò, để mặc hai giọt nước trong vắt lăn dài xuống đôi má vàng màu sáp nguội.

Năm năm mất tăm tích nay bỗng về. Buổi tối đầu tiên của ngày về, Thu gọi Hạo ra ngồi trước mũi đò, bâng khuâng ngước nhìn nửa mảnh trăng cài trên đỉnh núi Ngự, nói vui:

- Tạ ơn Trời Phật, may mà chị về kịp lúc. Về mà mẹ đã mất chắc chị ân hận, đau khổ suốt đời. Giờ chị chỉ mong mẹ thương chút nào hay chút nấy, để chị được hầu hạ, chăm sóc bà qua cơn bệnh hoạn. Chị sẽ không bao giờ đi nữa. Em tin chứ?

Hạo chẳng ừ hử. Ngập ngừng một chút, Thu hắng giọng ho khẽ:

- Có cái này từ lâu chị để dành tặng cậu. Những lúc cùng túng nhất cũng không nỡ bán. Chả đáng giá là bao nhiêu, cậu nhận cho chị vui nhé!

Nói xong, thu khẽ dướn người, định âu yếm quăng sợi dây chuyền vàng vào cổ cậu em. Hạo đẩy tay nàng ra, lạnh nhạt bảo:

- Ðồ của chị dơ lắm, đừng dây vào tui!

Thu chết lặng, bẽn lẽn rụt tay lại, bỏ sợi dây chuyền vào túi áo. Câu nói bất ngờ như cái tát. Câu nói cơ hồ làm cậu em hóa già cỗi hẳn đi trước đôi mắt mở lớn kinh ngạc pha sượng sùng của cô chị. Những ngày xa xứ, bao giờ trong nỗi nhớ của nàng, Hạo vẫn chỉ là một thằng bé lầm lì, kín đáo, giỏi giang việc nhà. Bây giờ chữ nghĩa đã giúp cậu ta lớn hẳn. Chỉ cần vài chữ cậu ấy ghép thành một câu ngắn thôi mà sao mình nghe xấu hổ muốn chết!

- Chị về em không mừng à? Bộ em khinh và ghét chị lắm sao?

Hạo đăm đăm nhìn mặt nước gờn gợn ánh trăng làu bàu:

- Chị nhảy xuống sông tắm ngay đi. Tắm như cái ngày đầu tiên chị mới đặt chân xuống đò này ngày xưa ấy. Tắm cho sạch hết bụi bặm dọc đường đi, em lại sẽ coi chị như chưa hề đi!

Thu sẽ không đi nữa? Ban đầu Hạo nửa tin nửa ngờ. Nhưng rồi Hạo tin Thu muốn tu tỉnh thật. Nàng xin làm công cho một hiệu uốn tóc trong phố. Luôn lánh mặt mỗi lần có một gã nhân tình nhân ngãi cũ gì đó đến kiếm.

Lãnh tiền lương tháng đầu tiên, Thu mua cho Hạo chiếc đồng hồ đeo tay xoàng thôi, nhưng Hạo đã vui vẻ nhận, không chê dơ nữa.

Bà mẹ cố gượng sức tàn, nằm yên để cho Thu hầu hạ, chăm sóc đền ơn được hơn ba tháng mới mất.

Hai lá phổi của Thu không ổn từ những năm tháng cười khóc, hát hỏng, đớn đau, hoan lạc, được mê si, bị phụ rẫy dọc đường gió bụi Ðà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang nay buộc nàng lên cơn sốt, ho lẻ rồi ho hàng tràng dài cho đến ngày phải vào bệnh viện.


oOo


Ðêm tiếp tục tím như mực, đen như than. Ðò tiếp tục trôi xuôi vì Hạo không hề chèo ngược. Vầng trăng treo trên mũi đò thầm lặng chơi trò ú tim, chợt ẩn hiện giữa những vầng mây tối. Ðôi khi trăng chao đảo như chực rụng.

Dọc hai bên lường hông Cồn Hến, Vỹ Dạ ánh đèn đầm ấm hắt từ những ô cửa xuyên qua vườn cây rơi lạc xuống sông từng vạch sáng manh mún đuổi bắt nhau rồi mất hút trên mặt sông. Những bờ bến Hạo thường ghé lại giao than củi tuần tự lướt qua.

Khuấy chèo cho đò cặp sát vào cái bến đá có cây sung cổ thụ xen tre pheo rợp bóng sau lưng nhà Ðạt. Hạo loay hoay buộc dây lòi tói neo đò, đoạn vào đánh thức bạn dậy.

Ðạt ú ớ lăn trở chưa chịu ra khỏi xiềng xích của giấc ngủ mệt mỏi. Hạo gắt:

- Dậy đi thằng say. Tới nhà rồi.

Theo đà kéo dứt khoát của Hạo, Ðạt ngồi bật dậy, ngơ ngác giụi mắt lè nhè:

- Ủa, tao đang ở đâu thế này?

Hạo cười:

- Thiên đường chớ đâu.

Thần trí lãng đãng toàn những sương và khói, Ðạt đảo mắt đỏ ké nhìn quanh, cười khùng khục trong cổ.

- Nhớ rồi. Tao đang ở trong cái “biệt thự nổi” trứ danh của thằng Trương Chi. Mà sao lại phải dậy nhỉ?

Không dưng Hạo nghe giọng mình cay đắng một cách trần trụi:

- Tại vì mi làm gì có được sự tự do giống những thằng độc thân đúng nghĩa như tao. Tự do của mi thuộc về mẹ mi, em mi. Mi không dẫn xác về cả nhà sẽ lo sốt vó.

- Có lý. Có lý!

- Ðạt lẩm bẩm, uể oải vươn vai đứng lên, khom lưng chun qua vòm mui. Hạo bước theo. Như chực sẵn bên ngoài, ngọn gió buốt xót tốc tới quàng quấn lấy Ðạt làm thằng say vừa tỉnh loạng choạng suýt ngã. Ðạt níu lấy vai bạn, ghé sát tai Hạo nhừa nhựa nói:

- Mi đợi tao năm phút lên nhà lấy thêm rượu xuống nhậu tiếp. Bà già tao còn cả thẩu rượu to đại chang. Ủa, cái chai đâu rồi nhỉ?

Hạo lầu bầu:

- Ðủ rồi. Tao về. Bước lên hay chờ tao quăng mi lên bến?

Ðạt lạ lùng nhìn Hạo như thể hai đứa mới gặp nhau lần đầu. Thấy dường như có hai thằng Hạo chập chờn trước mắt, Ðạt cố ý nói như rặn:

- Về hả? Bộ đêm nay có hẹn vơi con rái cá của mi hở?

Hạo phán chắc nịch:

- Ðếch hẹn. Ðơn giản là tao muốn về lại cái bến quen thuộc của tao thôi!

- Bộ bến này lạ lắm à?

Ắng lặng mươi giây, Hạo mỉm cười, nửa đùa nửa thật:

- Không lạ. Nhưng chả hiểu tại sao dạo này cứ mỗi lần ghé bến nhà mi tao run quá. Hình như ở đây lạnh hơn các nơi khác.

Và với chút cảm giác là lạ rất khó tả vụt thốn qua người. Hạo đưa mắt lên bến nhìn lại chỗ cô tiểu thư con nhà vườn trao cho anh chàng bán củi tách trà nóng hôm nào.

Chưa kịp ước có phép lạ nào giúp nàng tiên hiện ra ngay tức khắc để chiêm ngắm cho thoả. Hạo bỗng nghe vai mình nhẹ hẫng, chẳng còn bàn tay Ðạt níu nữa.

Ðạt gập người trên mạn đò rũ liệt hệt tàu lá chuối héo. Hạo thảng thốt rủa thầm, chết mẹ, hắn bị gió quật trúng rồi! Xốc tàu lá chuối lên tay, vừa nghe tim đánh lô tô trong ngực vừa quýnh quáng bước lên bến, xoạc chân rộng hết cỡ. Hạo đi như chạy một mạch vào nhà.

Bà mẹ và nhóc tì Châu đã ngủ. Chỉ còn ánh đèn hắt ra từ phòng Sớm Mai. Nghe tiếng kêu cửa, cô giật thót, rời bàn học nhẹ nhàng lê dép ra mở cửa.

- Suỵt! Không sao cả, Ðạt bị trúng gió. Lấy dầu gió lẹ lên!

Hạo nói nhanh không kịp thở. Nói nhỏ như chưa bao giờ nhỏ đến thế. Dứt khóat phải chiếm “đài” trước, sợ cô gái “phát thanh” một tiếng kêu hớt hãi, kinh dị cả nhà sẽ thức dậy và rắc rối sẽ không biết chất đống ở đâu mới hết.

Ðôi mắt cô tiểu thư con nhà vườn thường ngày vốn đã sáng quắc tựa hai ngọn đèn một trăm watts, bây giờ vụt sáng tới một trăm hai rồi dần dịu đi. Sớm Mai đưa tay chặn lấy ngực vẫn còn e tim sẽ vọt ra ngoài, thinh lặng quay vào phòng, mở hộc bàn tìm dầu và thuốc. Hạo rón rén bước theo vào, “trải” tàu lá chuối héo lên giường.

Suốt thời gian Hạo cạo gió, xoa dầu cho ông anh phải gió của nàng uống thuốc, Mai ngồi làm thinh vòng hai tay trước ngực với vẻ mặt chằm vằm, lạnh nhạt nhìn như thể đang xem Hạo cạo lông một con thú lạ.

Thời gian lặng lẽ đẩy đêm trườn tới, trôi qua những kẽ hở im lặng. Nỗi im lặng ngát hương dầu khuynh diệp vây lấy ba đứa tưởng chừng đông cứng lại, đếnlúc Ðạt tỉnh lại cũng hụt hết hơi, chẳng mở miệng thốt được lời nào, Ðạt bẽn lẽn, lọng cọng móc xâu chìa khóa từ túi quần, ra dấu nhờ Hạo đưa mình về phòng.

Rắp tâm, lòng dặn lòng chuẩn bị sẵn một cái lườm thật sắc để tặng anh chàng bê bối dám rủ anh người ta đi đâu đến tận đêm mới “ẵm” về bèo nhèo in cái xác chết. Vẫn vòng tay trước ngực, Sớm Mai đứng tựa khung cửa bực bội chờ Hạo.

Tâm sự gì mà dài dòng thế chả biết. Hay hai con sâu rượu ôm nhau nằm ngủ thắng cắng trong ấy rồi? Ui, thời gian chờ đợi để yêu hay để ghét gì cũng dài dằng dặc như nhau cả sao? Nhìn điệu dáng chờ đợi của Sớm mai lúc này, người ta dễ có cảm tưởng hình như cô cố ý ưỡn ngực ra cho thêm phần bệ vệ, thêm phần kênh kiệu lạnh lùng, gầm ghè gay cấn. Chờ đợi mới có bảy phút Mai ngỡ bảy năm, suýt bỏ cuộc thì thấy anh chàng quay ra.

Hạo quay ra nghe mệt bã người. Ngượng ngùng đến độ tính giả ngơ bước thẳng không chào cô chủ nhà. Ðêm nay trông cô bé ớn quá. Cứ nghiêm y như là bà phán quan nhỉ! Mắt sắc lẻm đã đành. Chót mũi cơ hồ cũng nhọn hoắt hẳn ra. Còn miệng thì, ôi thôi khỏi chê, cặp môi mỏng chúm lại tựa huýt gió không ra tiếng. Bây giờ mà có chiếc máy ảnh chụp chân dung cô nàng, mang dọa trẻ con, một trăm đứa e hết chín mươi chín đứa rưỡi phải khóc thét. Nhưng đừng dại đem ảnh dọa những đứa trẻ lớn cỡ tuổi mình, mười đứa chắc cả mười đòi thương nàng da diết! Vừa đi vừa nghĩ lung tung lang tang, pha chút màu mè hài hướt cho đỡ... khớp. Ngang qua mặt cô nàng, anh chàng ngẩng cao đầu vẫn cảm tưởng chân hơi riu ríu. Bước qua chiếc bóng nàng do ánh đèn trong phòng hắt ra ngã dài trước thềm, chàng cảm thấy rờn rợn, ngỡ bất thần nó - chiếc bóng - sẽ bật lên quấn lấy chân quật mình đo ván. Cái khoảnh khắc bước qua ấy chỉ trong chớp mắt, Hạo thấy sao dài quá, dài quá!

Nỗi dằn dỗi ấm ách trong ngực còn y nguyên, bởi cái lườm chực sẵn đã không thi triển được. Sớm Mai ê chề thất vọng thấy anh chàng đi ngang qua chẳng thèm nhìn mình, dù chỉ với một phần tư con mắt. Nhưng rồi Hạo chợt quay ngoắc lại. Bất ngờ quá, Mai không lườm kịp, đành ra vẻ lạnh lùng nghe anh chàng lí nhí:

- Ủa quên, còn túi xắc, cây dù và cái áo của Ðạt dưới đò, Sớm Mai ra mang hộ vào nhé!

Bước qua cái bóng của nàng rồi, chàng thôi khớp. Khi quay lui, Hạo định gọi trêu nàng là Buổi Tối như hôm nào từng gọi đùa là Buổi Trưa. Chạm phải ánh mắt lạnh lùng như ánh thép, chàng bèn gọi đúng tên nàng cho... đứng đắn.

Ðôi mày liễu dại khẽ cau trên vầng trán lướng vướng mấy sợi tóc tơ làm duyên. Cặp môi chum chúm vẫn mím chặt như ngại gó lùa lạnh răng. Sớm Mai đủng đỉnh quay vào phòng tính quơ cái áo veston cũ kỹ máng trên lưng ghế khoác vào thốt nhớ anh chàng từng châm chọc mình diện modern hết ý, bèn mở tủ lấy chiếc áo len sọc ngang đen trắng, giống hệt màu da rắn mai gầm mặc vào, với ý nghĩ khá buồn cười là diện cho đẹp để anh chàng ngắm cho bõ ghét, nếu cần thì ngất xỉu luôn càng tốt!

Trước khi ra khỏi phòng, Sớm Mai bật cái contact bên ngách cửa. Ngọn đèn ẩn dưới cái chao hình nón treo ngoài bến tỏa sáng.

Hạo cố ý đi tụt lại phía sau ba bước. Không sánh vai cô nàng không phải vì sợ “bất kính” mà để khỏi thấy vẻ mặt sưng sưng tuyên chiến thầm lặng của cô chủ nhà. Vả lại, đôi khi ngắm từ đằng sau một cô gái cũng thấy hay hay, cũng rất khó quên như khi ngắm từ phía chính diện. Màu áo len thoáng ẩn hiện trong bóng lá nom đẹp mê hoặc. Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc ! Câu thơ của Nguyên Sa đúng là thơ. Thế nếu nàng mặc áo sọc thì sao? Áo nàng sọc anh về yêu rắn mai gầm! Ý nghĩ bất chợt suýt làm Hạo phá lên cười, vội đút ba ngón tay vào miệng. Không phá lên cười không phải vì ngại cô nàng chê mình “mát” bất tử, mà vì Hạo không muốn phá vỡ bầu không khí cực kỳ nghiêm trọng cực kỳ căng thẳng nàng đang cố dàng dựng.

Chẳng lẽ cứ ngậm miệng không cho anh ta một bài học sao? Ðể anh ta ra về yên thấm, ngang tàng vậy sao? Vừa chầm chậm bước, Sớm Mai vừa lòng tự hỏi lòng một cách “đau khổ”. Tình cờ vấp cục đá bên lối đi, sực nhớ tách trà hôm nào bị chê, và sự tự ti có vẻ giả tạo cuả anh chàng khi lên mặt ta đây con nhà nghèo chỉ quen uống nước lạnh. Sớm Mai mỉm cười rẽ vào chái bếp múc đầy gáo nước mưa mang ra đứng trong thứ ánh sáng nhập nhòa của ánh đèn và ánh trăng đưa mời khách:

- Xin lỗi, nãy giờ quên mời anh uống nước. Thứ nước anh vẫn thích!

Gáo nước thình lình xuất hiện và ngữ điệu xem trong lịch sự có phần mỉa mai của nàng thoáng làm chàng khựng hẳng, đoạn đâm ra phục lăn. Tuyệt vời! Cô bé... thù dai hết biết. Cô bé cũng biết trả đòn ra phết! Ðòn này rất “môn đăng hộ đối” với đòn tách trà nóng mi hắt đổ xuống sông ngày nọ! Hoan hỉ than thầm rồi Hạo làm bộ trịnh trọng đưa tay cầm lấy cái gáo theo kiểu gượng nhẹ như nâng trứng, hứng hoa, ra vẻ bình thản đưa lên miệng uống ừng ực. Nước tới đâu nghe mát ruột mát gan tới đó. Còn lưng nửa, Hạo đưa trả. Không cầm gáo, Sớm Mai nghiêm... nghị nguýt:

- Uống hết đi chứ, ông bán than! Bộ chê nước nhà tui à? Hay các ông tối nay đi uống rượu no rồi? Các người sặc sụa cả mùi rượu, bộ tưởng tui không biết hả? Mai tui mét mẹ tui là anh hết bán củi ở đây!

Hả dạ quá! Nhưng như vậy đã là một bài học cho gã chứ nhỉ? Cố tình xoáy tia nhìn “sát phạt” ghim ngay tinh mũi “đối phương”, Sớm Mai càng tự tin vào cái “uy” của mình, càng hả lòng hả dạ hơn nữa khi thấy gã bán than chẳng nói chẳng rằng, lại ngoan ngoãn đưa gáo lên miệng. Trợn mắt mà uống. Nước tới đâu nghe buốt ruột buốt gan tới đấy! Cục hầu trên cổ hốt hả lên xuống trông phát tội.

Nghiêm trang nhận lại cái gáo cạn ráo. Sớm Mai mỉm nụ cười mê hồn, kèm cái chớp mắt lạc vía, tiếp tục giọng chì chiết bọc đường:

- Hóa ra anh yêu... nước quá nhỉ!

Hạo vẫn nín khe. Hạo bữa nay như thể là một Hạo nào khác. Hiền lành, nết na rất mực. Anh chàng mồm mép, giọng lưỡi ngang in như cua đâu rồi? Anh ta cho ai mượn hết ngôn ngữ rồi chăng? Lưỡi anh ta dính vào răng rồi ư? Hay sau cái trán phất phơ mớ tóc nom rất bụi đang sắp đặt trò trêu chọc tinh quái nào, và sẽ tung ra vào lúc bất ngờ nhất?

Thấy mặt gã con trai trơ lì tựa tảng băng, tưởng chừng bất cứ ánh mắt nào nhìn vào cũng sẽ bị cong bật trở lại, Sớm Mai hơi chột dạ. Càng áy náy hơn khi Hạo xuống đò lấy hết các thứ lên đưa cho cô cũng chẳng thốt hay thưa tiếng nào.

Ðêm nay có lẽ anh chàng không thích nói mà chỉ thích nghe? Ai chẳng có lúc không dưng bỗng nẩy những ý thích ngang xương, trái khoáy như thế!

Không khí chia tay lặng lẽ. Không một câu chào. Không cả nụ cười. Cả hai cùng cảm thấy ngượng ngùng như thể hai diễn viên trên sân khấu giữa chừng vở kịch, thốt nhiên quên hết lời thoại của vai mình đang diễn, đang đứng trơ mắt nhìn nhau.

Sớm Mai trở vào nhà với bước chân nặng nề kéo lòng chùng theo. Bàn tay vô hình nào sắp đặt mà cắc cớ thế nhỉ? Cuộc gặp không mong lại mang đến cho mình nỗi bực bội lãng xẹt, vô duyên òm! Ngỡ cho anh ta một bài học rồi nỗi ấm ách trong mi sẽ tan ngay. Hóa ra chưa! Hình như nó chỉ mới nguôi đi một nửa. Sớm Mai tắt đèn, vào giường ngủ. Nhưng rồi Mai bảo mà Mai chẳng nghe. Cô muốn ngủ mà cứ thấy mình thức. Ức quá! Rầu ghê!

Ngọn đèn dưới tán sung tắt ngấm, trả bến lại cho ánh trăng non yểu.

Cảm giác cô đơn lại vây ngợp. Nghĩ đến đoạn đường phải chèo đò quay về. Hạo ngán ngẩm tưởng như đêm nay có chèo rụng cả tay cũng không cách gì về tới bến cũ, tưởng như đường sẽ dài lê thê, dài đến vô tận.

Sự mệt mỏi pha lười biếng ấn Hạo ngồi chồm hổm trên bạc đá, trân trối nhìn con đò lù lù một đống tựa con quái vật nào từ mặt nước phẳng lặng vừa trồi lên, đang chờ để nuốt chửng mình. Nuốt vào để rồi sáng mai lại nhả ra, tiếp tục đi đứng tới lui hệt một con rối!

Con đò, dù đã được Ðạt đặt cho cái tên nửa khôi hài nửa sang trọng là “biệt thự nổi” lúc này nom nghèo nàn quá thể. Hàng ngày chun vô chun ra một chỗ nghèo hèn như thế làm sao cất nổi mặt lên với đời? Thế mà hàng bao nhiêu năm nay mi đã thương yêu nó như thương yêu một mái nhà, kể cũng lạ thật!

Nào, thử tưởng tượng mi cưới một cô vợ không đẹp không xấu, bình thường thôi và đặt nàng lên cái con quái vật trôi nổi kia sẽ buồn cười biết chừng nào. Ðó chỉ là một cô bình thường, còn vào cỡ cao đạo, đài các, tiểu thư con nhà vườn như Sớm Mai?

Sớm Mai! Sớm Mai! Sớm Mai! Cái tên tự phát rồi tự dội đi dội lại trong trí làm Hạo vụt giật thót ngoảnh trông lui, ngỡ cô nàng còn đứng đâu đó trên bến với gương mặt sáng trăng viền vầng tóc tung gió điệp vào bóng lá hình cây, đôi mắt cháy bỏng ánh lạnh lẽo hòa điệu cách tuyệt vời với nét môi chàu bạu kiêu kỳ. Không, chẳng có ma nào cả. Cây sung nghịch ngợm ném một chiếc lá ngay mũi làm Hạo tẽn tò quay cần cổ về vị thế cũ.

Bất giác, gương mặt thanh khiết của Diễm lồng khung kính chưng trong phòng Ðạt – lúc nãy Hạo đưa Ðạt vào, tình cờ trông thấy - với bình hoa và bát hương bỗng hiện rõ mồn một trên màn ảnh ký ức, Hạo thốt rùng mình. Tưởng tượng một ngày nào đó hẳn là trước ngày tận thế, mi bị một phát tên mù theo kiểu nói của Ðạt. Yêu chết mê chết mệt cô nàng nào đó rồi nàng bỗng lăn ra ngoẻo, liệu mi có đâm ra dở dở ươn ươn như Ðạt bây giờ không nhỉ? Không, chắc không đến nổi tệ hại như vậy đâu. Ví dụ Nga Mèo Hoang chẳng hạng? Không bao giờ đau đến thế. Ví dụ Băng Sâm à? Lại càng không thấm thía gì. Cỡ mười Nga Mèo Hoang, hai chục Băng Sâm có bất thần lăn ra ngoẻo sau khi đã tặng ta cái phát tên mù phải gió kia, thì thằng Hạo này cũng sẽ không điên đảo như thằng Ðạt gà chết kia đâu.

Thế tưởng tượng, giả dụ, giả thiết cô nàng xấu số, yểu mệnh ấy là, là, là Sớm Mai thì sao?

Sớm Mai! Cái tên chợt nổ tung hệt chiếc pháo đại trong đầu và Hạo bỗng hoa mắt ù tai, xuất hạn dầm mình. Cả người như vụt bị nung bởi ngọn lửa kỳ bí. Nóng quá. Nóng từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong dù đêm đông không hề thiếu sương và gió lạnh.

Và, trời ạ đất ơi! Sững người chừng sáu mươi giây, cơ hồ bị động kinh hay ma nhập, như thể không kềm được mình bởi thấy mặt nước đen thui lăn tăn gợn sóng trên bến nhà nàng quyến rũ không chịu được. Hạo thấy Hạo hấp tấp cởi quần áo ném vào lòng đò, nhảy ùm xuống nước lặn một một hơi dài, buông thả hết cơ bắp, chìm xuống tận đáy sông với câu hỏi cay nghiệt, nếu Sớm Mai chết? Sớm Mai chết thì sao? Câu hỏi kín thầm mà nghe như lan dài, lan rộng theo sóng đến tận những bến những bờ khác, nghe như tất thảy tôm cá, ếch nhái, rong rêu nhất loại kêu lên, vọng lại. Hạo cố tình nín thở đến tận lúc không thể nín nổi mới ngóc đầu dậy.

Làn nước lạnh giá ở bến sông nhà Sớm Mai hẳn cả trăm năm qua bây giờ mới có vinh hạnh ôm ấp một chàng trai vào lúc hai mươi hai giờ. Giữa đêm đông. Trong cơn điên nộ bất thần, và có lẽ mãnh liệt nhất trong đời hắn.

Vùng vẫy như cá thêm một lúc nữa, thằng Hạo điên khùng mới chịu để cho thằng Hạo có trái tim điếc đặc đứng yên. Cơn nóng đột ngột biến mất thay bằng cơn lạnh. Lạnh cóng từ đầu xuống chân.

Hạo tỉnh táo leo lên đò. Cố kềm cho tay chân đừng run rẩy như những cành cây phải gió. Trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, thằng người trần như nhộng quơ đại cái chăn quấn chặt vào mình, đoạn ngồi thu lu trông ra vòm cửa hình bán nguyệt.

Ðêm tiếp tục lặn sâu vào khuya. Thằng người ngồi bất động ngước mãi đôi mắt khô không khốc, ráo hoảnh lên bầu trời cao thăm thẳm. Chắng tìm sao hay ngắm trăng. Nhìn trời nhưng thật ra hắn đang bận đẩy ngược cái nhìn giễu cợt vào tận đáy sâu lòng hắn, với dấu hỏi móc ngược tựa cái lưỡi câu cứ bấu chặt lấy tim làm ứa từng giọt mồ hôi lạnh. Phát lên mu và ngày tận thế đã đến rồi chăng? Hắn nghe lì lợm cãi lại. Không, chưa đâu! Mi chỉ điên một chút thôi, chưa đâu. Bao giờ điên đảo mới thậm chí nguy!


oOo


Hôm sau, ngày chủ nhật tương đối đẹp trời. Nắng chưa xua tan hết sương trên bến, chim non chim trẻ chim già đã ríu rít họp chợ trên các vòm cây, chí chóe gọi nhau tắm nắng, để rơi hàng chuỗi tiếng hót xuống mặt sông không hề làm gợn sóng.

Sớm Mai bưng thau áo quần khoan thai bước xuống mấy bậc đá, ngạc nhiên thấy đôi dép da lạ ai bỏ quên.

Lát sau, Ðạt mang theo cái dấu bắt gió đỏ bầm giữa hai chân mày lừ đừ xuống bến. Thả nhẹ chiếc áo sơ mi vào thau nước trắng xốp bọt xà phòng, Ðạt nheo mắt cười nói:

- Giặt giùm anh cái áo!

Lâu lắm, hình như cả thế kỷ rồi, giờ Mai mới thấy lại một nụ cười, nghe một câu nói thân ái của ông anh. Mai nghinh mặt:

- Áo ai thế?

- Của thằng Hạo. Hôm qua mắc mưa uớt, anh phải mượn áo hắn để thay.

Biết Ðạt nói dối, vì rõ ràng Mai vừa gột sạch những thứ tanh tưởi ở chếc áo đêm qua Hạo đưa, cô cúi mặt cố nhịn cười, Ðạt tiếp:

- Giặt xong, mi làm ơn làm phước vá giùm chỗ rách trên vai cho hắn luôn đi. Thằng này về cái khoảng mồ côi và nghèo thì... vô địch.

Sớm Mai hất cằm về phía đôi dép da, dấm dẵng:

- Ðôi dép của anh chàng bán than bỏ quên chắc?

Ðạt bật cười tiếng ngắn:

- Ðúng rồi. May là hôm nay chủ nhật, nếu không hắn sẽ chẳng giống ai vì đi học bằng chân đất. Không dép, hắn sẽ quanh quẩn dưới đó không dám lên bờ đâu. Chiều nay Mai mang dép và áo trả hắn giùm anh được không? Anh chỉ chỗ hắn đậu đò cho.

Sớm Mai giãy nảy, tặng ông anh cái lườm ấm áp:

- Hay chưa! Em đâu có quen biết gì anh chàng gà điên ấy! Mới gặp vài lần thấy ngông ngông ngang ngang như là du đãng. Nói chuyện nghe cứ tức anh ách, ứa cả gan.

- Lầm rồi. Hắn hiền còn hơn đất!

- Trật rồi thưa anh. Ba trợn như tay đó cũng hiếm đấy!

- Ba trợn? Sao mi rành vậy?

- Ờ thì em thấy thế, cảm tưởng thế. Ðồng thời là cục đất sét do Chúa nặn ra rồi hà hơi vào cả. Có khối anh con trai dễ thương, còn anh chàng này sao khó thương quá!

Buột miệng tía lia xong mới biết lỡ lời, Sớm Mai đành ngượng nghịu nghe Ðạt vặn vẹo:

- Cô con gái nhà này ăn nói có duyên hết biết! Ai mượn mi thương hắn?

- Ờ há! Em...

- Chậc! Mi không chịu đi thì để anh mang trả hắn vậy.

Ðạt nói xuôi xị, dợm quay bước vào nhà. Sớm Mai nguớc nhìn Ðạt nói vu vơ:

- Ðêm qua anh có nghe tiếng sáo không? Nghe gần lắm. Hình như ở ngay bến này vẳng lên.

Ðạt chưng hửng:

- Thật không? Anh ngủ thẳng ro một mạch tới sáng như chết đâu có nghe gì. Nếu là tiếng sáo thì của hắn chứ còn ma nào nữa. Ðêm qua có khi hắn đã neo đò ngủ lại. Hắn thổi sáo khá lắm. Cây văn nghệ của Ðại học Tổng hợp đấy. Mấy bài ruột của hắn là Thiên Thai, Lá Ðổ Muôn Chiều, Hạ Trắng... nghe hay chứ?

Ðúng là Hạ Trắng, Thiên Thai và nhiều bái khác nữa. Ðêm qua thao thức rồi tiếng sáo luồn vào ru ngủ cô nàng lúc nào chẳng hay. Suýt dại dột gật đầu Sớm Mai vội khôn ranh trề môi buông thõng:

- Cũng tàm tạm!

Ðạt ra chiều tư lự, đoạn vỗ hai bàn tay vào nhau đánh bốp, bật cười thành tiếng, thủng thẳng uốn giọng trêu chọc:

- Thôi chết rồi! Cái thằng bán than có trái tim điếc đặc này dám chọn mi làm Mỵ Nương lắm nghe nhỏ. Trương Chi ngày xưa nhờ giọng hát quyến rũ làm tan nát lòng si yêu của Mỵ Nương. Thằng Trương Chi cuối thế kỷ hai mươi này cóc biết hát, bèn mượn tiếng sáo để chiêu hồn thơ dại của mi chăng?

Như bất giác bị ai tinh nghịch đưa cái mẻ than kề bên má. Sớm Mai đỏ mặt, khoá nước xà phòng tung toé vào Ðạt làm anh chàng nhảy loi choi.

Tiếng cười từ vài tuần nay vắng bặt lại nổi lên nghe chẳng còn âu sầu lắm nữa của ông anh khiến cô em chợt nghe lòng nhẹ hẫng.

Nhìn hút theo bóng Ðạt khuất dần trong vườn cây, Mai mủm mỉm cười. Sáng nay nom anh Ðạt lạ ghê! Anh hình như bớt nghiêm và vui vẻ hơn cả trước đây nữa. Ui, có trời họa may biết sao anh lại thay đổi in chong chóng vậy. Lúc dễ thương muốn nựng. Khi dễ ghét đến muốn bợp tai nhưng mình không dám!

Lá chao nghiên rơi xuống mặt nước vẽ từng vòng sóng loang hẹp rồi loang rộng thành những vòng tròn đồng tâm trên bến. Một lúc nào đó cô gái bỗng dừng tay vò xát quần áo bắt gặp mình quên hẳn anh Ðạt, ngẩn ngơ nhìn những vòng sóng gợn. Mày cau tít, nhưng môi ngơ ngác nở một nụ cười.

Ðôi khi, Sớm Mai hay bắt gặp mình cười vô duyên như thế!