Vườn Địa Đàng
Câu Chuyện Thánh Kinh


Thanh Hải Vô Thượng Sư giảng tại đạo tràng Tây Hồ, Formosa
Ngày 27 tháng 5, 1990 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)




Ngày xưa, khi Thượng Đế sáng tạo vũ trụ, Ngài cũng tạo dựng nên thế giới này của chúng ta. Ngài sáng tạo ban ngày và ban đêm, trăng sao, cũng như bầu trời, biển cả và đất đai; Ngài còn sáng tạo chim bay trên trời, cá bơi dưới biển, loài vật sống trên đất liền. Ngài thích thú nhìn những sáng tạo của Ngài.

Vì vũ trụ này được sáng tạo cho loài người, nên Ngài bắt đầu tạo ra người nam và người nữ. Thượng Đế đã sáng tạo Adam và Eva và cho họ cai quản thế giới này, kể cả cây cỏ, chim muôn cầm thú và các loại cá dưới biển. Ngài cho họ một nơi đẹp đẽ để ở, có những giòng sông thanh mát, có bóng cây và các loại trái. Nơi đây được gọi là "Vườn Địa Đàng." Adam và Eva rất vui với những gì họ có. Tuy có một điều Thượng Đế ngăn cấm họ: Đừng ăn một thứ trái trên một thân cây đặc biệt. Nếu ăn vào, họ sẽ chết. Adam và Eva tuân theo lời Ngài và sống như những người bạn của Thượng Đế vậy.

Nhưng có một người muốn phá hoại thế giới của Thượng Đế. Một ngày nọ khi Eva đi ngang qua thân cây đặc biệt nọ, bà nghe một tiếng nói rất ngọt ngào, gọi bà ta. (Người Tây phương gán cho rắn một cái tên không hay, nói là rắn chuyên môn mê hoặc người, cho rằng Satan là một loại rắn). Thân cây này được gọi là "cây nhận biết thiện ác".

Âm thanh nọ nói với bà: "Hãy nhìn trái cây xinh đẹp này! Bà sẽ thèm. Hãy nếm thử đi và bà sẽ trở nên thông minh như Thượng Đế".

Nghe những lời nói dịu dàng của rắn, Eva quên mất lời của Thượng Đế đã dặn, vì bà muốn trở thành thông minh như Thượng Đế, và muốn làm những điều bà thích. Cho nên bà đã đưa tay hái trái của cây nọ và ăn, sau đó còn để dành cho Adam. Kể từ hôm đó, mọi việc không hay bắt đầu xảy ra. Thượng Đế đã biết chuyện Adam và Eva làm, bởi vì không một ai có thể che mắt được Thượng Đế.

Kể từ đó, họ không còn là bạn của Thượng Đế nữa! Thượng Đế bảo họ ra khỏi vườn địa đàng. Họ đã từng có một đời sống thật hạnh phúc trong Vườn Địa Đàng, đi dạo và trò chuyện cùng Thượng Đế. Bây giờ thì thần hộ pháp cầm gươm đứng bên ngoài Vườn Địa Đàng canh giữ, vĩnh viễn không cho Adam và Eva quay trở về.

Từ đó họ phải làm việc cực nhọc. Bây giờ họ đã thể nghiệm về sự đau khổ, nhưng một điều tệ hại hơn là Thượng Đế còn cho họ một lời cảnh cáo rất đáng sợ, đó là dần dần họ sẽ bị già và chết đi.

Sau khi rời khỏi vườn địa đàng, Adam và Eva có hai người con, một người tên là Cain, và Abel. Chúng dần dần lớn lên và Cain trở thành một nông phu, trồng trọt ngũ cốc. Abel trông coi đàn dê của cha mình và là một mục đồng. Khi mùa gặt, Cain đem cúng dường một phần mùa màng của mình lên Thượng Đế, như một sự tri ân, còn Abel thì cúng dường đàn dê.

Chúng ta biết cả hai đều là những món quà rất tốt. Nhưng chúng ta không thể dùng quà để đổi lấy tình thương của Thượng Đế, vì Ngài biết chúng ta thực sự là gì. Abel là một người chính trực nên Thượng Đế rất vui vẻ nhận những món quà của ông, vì thế Cain ganh tức. Ông ta rất ghét người em trai Abel của mình, và Thượng Đế cũng không thích những món quà của ông.

Một ngày nọ trên cánh đồng, Cain phản đối Abel và giết chết Abel. Khi giết Abel, ông nghĩ là không ai biết hành động của ông, nhưng Thượng Đế đã biết và Thượng Đế đã xử phạt Cain, đuổi Cain và người nhà của ông đi, vĩnh viễn không được trở lại. Thế giới của chúng ta đã từng qua một thời gian rất đẹp, nhưng bây giờ đã bị vĩnh viễn hủy hoại.

Quý vị có hiểu câu chuyện này không? Không phải vì ăn một trái cây nào đó mà thành nên tệ hại như thế. Mà ý đây muốn nói là mọi người đều biết được tốt xấu và được quyền lựa chọn. chúng ta không nên làm những gì không nên làm, nếu như đã biết không nên làm mà cố ý làm, sẽ gây hỗn loạn cho đời sống của mình, biến thành phức tạp, không còn đơn thuần nữa mà trở nên đau khổ.

Trái của cây nọ là biểu tượng cho việc chúng ta không nên làm. Nghe theo lời chỉ thị của Thượng Đế là chúng ta làm những chuyện hợp lý, cả cuộc đời đừng làm hại ai. Dù quý vị không tu hành, nhưng có ăn chay, trì giới, đối với thế giới cũng đủ tốt rồi. Như những học trò theo tôi vậy, chúng ta có quyền lựa chọn, những chuyện gì không nên làm thì không làm, chuyện gì đáng làm thì làm.

Điều Thượng Đế Muốn Không Có Gì Đặc Biệt

Thượng Đế đã chăm sóc cho họ tốt như thế, cho họ đủ loại thực phẩm và thú vui. Họ không thiếu thốn một điều gì. Điều này cho thấy rằng tình thương của Thượng Đế là vô hạn, con người không phải làm việc, lại không phải lo lắng, mỗi ngày lại được ăn uống vui chơi. Thượng Đế có yêu cầu họ làm những điều gì kinh thiên động địa không? Không! Ngài chỉ bảo: "Tất cả mọi thứ đều có thể ăn, chỉ có thân cây nọ là của Ta, để cho Ta, và không được ăn." Kết quả thân cây ấy họ cũng không tha. Có phải là họ không có thức ăn đâu? Họ còn thiếu thốn gì nữa? Thượng Đế chỉ yêu cầu họ một điều thôi, họ lại làm không được! Thượng Đế đã tạo nhiều thứ như thế để con người được thỏa mãn thế mà vẫn còn phạm lỗi!

Cho nên ngày nay chúng ta ở trong tình trạng tệ hại, bị quyến rũ nặng nề và bơi lội trong biển khổ. Thế giới của chúng ta đau khổ như thế, tràn ngập sinh lão bệnh tử. Nhưng lúc đó họ không bị bệnh, không già, không chết, không vì đời sống mà tranh đấu, nhưng Thượng Đế chỉ yêu cầu họ một điều nhỏ nhặt mà họ làm không được.

Thượng Đế nói mà họ còn không nghe, huống chi tôi nói, tôi mà đáng kể gì? Adam và Eva biết rõ rằng Thượng Đế tạo ra mọi vật để cho họ thụ hưởng. Họ biết Thượng Đế là chủ nhân của họ, ít nhiều gì cũng đều cho họ, chỉ có một trái của cây đó là không được ăn, thế mà họ vẫn hái xuống ăn!

Thật ra, thân cây nọ cũng chẳng có gì đặc biệt, cũng giống như những cây khác thôi. Chẳng qua Thượng Đế muốn xem họ có thể vì Thượng Đế mà không ăn không, kết quả một chuyện đơn giản như thế cũng không làm được. Lời nói của Thượng Đế không nghe, lại nghe lời dụ dỗ của con rắn! Nghe người khác nói còn có thể được, thế mà lại đi nghe con rắn! Lời nói của rắn còn quan trọng hơn lời nói của Thượng Đế chăng? Quý vị xem thì biết, cho nên có đọa lạc, luân hồi, sanh tử, thì đừng có trách ai! Nếu như câu chuyện này có thật, chúng ta không nên trách cứ Thượng Đế, Ngài đã đối xử với loài người tốt như thế, chăm sóc chu đáo như thế, lại không đòi hỏi gì, chỉ bảo tránh xa một thân cây thôi, thế mà vẫn hái xuống ăn. Không tin Thượng Đế, lại tin một thứ khác ngoài Thượng Đế, ngay cả rắn cũng tin. Sau khi nuốt vào rồi mới biết tự mình gây ra đau khổ, biết được tốt xấu. Thượng Đế biết niềm tin của họ không sâu đậm, cho nên họ không đáng được làm bạn của Thượng Đế.

Thế giới của chúng ta có rất nhiều điều, mỗi thứ có những giá trị khác nhau. Ví dụ chúng ta muốn mua kim cương thì phải trả bao nhiêu tiền, mua vàng thì rẻ hơn, mua bạc thì rẻ hơn nữa, mua một đống sắt thì chỉ có vài trăm bạc mà thôi, còn mua vàng, cũng cỡ đó thì tốn gấp mười lần. Cũng vậy, chúng ta muốn làm bạn với Thượng Đế, muốn hưởng thụ thế giới của vườn địa đàng thì phải giữ quy luật. Ngay cả một thân cây cũng không tha, làm sao mà có thể ở trên đó được?

Nếu muốn sống chung với nhau thì cần phải tôn trọng lẫn nhau, tôi muốn anh làm thế này, anh muốn tôi làm thế nọ, mọi người hợp tác mới được. Đạo lý của câu chuyện là như thế, không phải là Thượng Đế yêu cầu điều gì. Bởi vì Thượng Đế nghĩ rằng nếu như cho họ tất cả, sau đó lại không đặt cho họ quy luật thì có vẻ như đơn điệu quá. Cho nên Ngài cho phép dùng tất cả, chỉ có cây đó là không được, để choi có màu sắc, kết quả họ không biết cái đạo lý này. Thượng Đế là một ân nhân vĩ đại như thế, mà họ cũng mặc kệ, nghe lời của con rắn, thật là đáng ghét! Nghe rồi là "tiêu" luôn.

Nếu như quý vị nghe lời, tôn trọng con rắn hơn Thượng Đế, đương nhiên quý vị không đáng làm bạn của Ngài, phải không? Quý vị đã làm mất đi niềm tin của Thượng Đế, bầu không khí hợp tác không còn nữa, quý vị muốn làm theo ý riêng, không tôn trọng ý kiến của Ngài, cho dù ý kiến của Ngài không làm phương hại đến quý vị, và Ngài đã cho quý vị đủ dùng, quý vị còn muốn gì nữa? Đó là ngã chấp, muốn được vĩ đại như Thượng Đế.

Đề Cao Cảnh Giác Về Ngã Chấp

Nếu quý vị không vĩ đại như Thượng Đế thì sao? - vườn địa đàng đã đủ rồi. Mỗi ngày đều có cơm ăn, áo mặc đầy đủ, muốn gì cũng có, mà còn muốn thành Thượng Đế? Để làm gì? Con người chúng ta thường có trở ngại về ngã chấp này. Muốn được làm vua, địa vị cao nhất, tốt nhất. Vì thế chúng ta mới bị gạt vào thế giới của bon chen và giành giật này.

Chúng ta kiếm nhiều tiền đề giàu có hơn người khác; trang điểm thật nhiều để xinh đẹp hơn người khác; mua thật nhiều quần áo mắc tiền để trông sang trọng hơn. Mọi người tranh đua với nhau. Càng tốt đẹp hơn thì càng tranh đua nhiều vì dường như luôn có người đi trước chúng ta, không cần biết chúng ta tốt đẹp ra sao.

Câu chuyện Thánh kinh này không phải chỉ về một miếng trái cây mà còn có ý nghĩa đạo đức. Người xưa không dám nói thẳng, sợ phiền phức cho nên phải dùng ẩn dụ, dùng rất nhiều phương pháp để nói cho người đương thời nghe. Nếu như quý vị đọc Thánh Kinh hoặc là đọc quyển sách này "Câu chuyện Thánh Kinh" cũng đủ rồi. Quyển sách này chọn lọc rất nhiều chuyện hay, nhưng giản dị, trẻ em cũng có thể hiểu.

Qua câu chuyện này, quý vị cũng cảm thấy rất kinh hãi và bất tiện biết bao cho việc tu hành của người xưa. Thường thường họ bị đố kỵ và sống trong nguy cơ bị bắt giết. Người tu hành phải giỏi hơn, thông minh hơn, hiểu biết hơn và nhiều tài năng hơn người thường về mọi phương diện, cho nên họ hay bị đố kỵ và gặp nguy hiểm. Chỉ đọc Thánh Kinh, quý vị cũng thấy việc tu hành trong quá khứ khó biết bao.

Câu chuyện đầu tiên trong Thánh Kinh đã cho chúng ta những điểm hay để học hỏi. Nó không phải chỉ là vấn đề trái cây mà là vấn đề quy luật, tôn trọng và sự hợp tác lẫn nhau, vấn đề ngã chấp! Adam và Eva không muốn nghe theo những chỉ thị, mà chỉ muốn vĩ đại hơn người khác, ngay cả Thượng Đế. Nhưng làm như thế là ngu xuẩn. Nếu muốn hay hơn Thượng Đế, thì có phương pháp khác. Có thể hỏi Thượng Đế: "Tại sao Ngài lại hay như thế? Ngài có thể dạy cho chúng tôi làm như thế được không?".

Được vĩ đại nghĩa là Thượng Đế phải có công đức, nhất định Ngài có phương pháp tu hành, không phải chỉ một ngày mà Ngài trở nên tài giỏi. Cho nên họ phải nói với Ngài điều họ mong ước. Cướp giựt sau lưng người khác không phải là một phẩm chất tốt. Thượng Đế đã đối xử với họ tốt như thế, kết quả họ làm chuyện xấu sau lưng Ngài. Con người là thế đó.

Mục Tiêu Càng Lớn, Giá Trị Càng Cao

Tôi đã nói với quý vị, mỗi việc đều có giá của nó. Cũng vậy, quý vị theo tôi tu hành, quy luật tương đối nghiêm khắc nhưng quý vị sẽ được đền bù. Mọi người đều biết rõ điều này. Nếu không tại sao phải tu? Mua vàng khác với mua sắt. Nếu quý vị muốn được điều gì thì hãy làm đi.

Hãy lấy tôi làm thí dụ. Cách đây ít lâu tôi phải đi giải phẫu, nhưng chưa xong đâu. Tôi còn phải luyện tập bắp thịt và giây thần kinh mỗi ngày ba, bốn tiếng, nếu không nó sẽ bị thuốc tê làm liệt đi. Bác sĩ đem những sợi dây thần kinh buộc chỗ này nối chỗ kia, bây giờ nếu không tập luyện, nó sẽ nằm ỳ đó, không chịu làm việc, đình công.

Mỗi ngày phải làm việc ba, bốn tiếng, trong sáu tháng như vậy mới hồi phục, mà không chắc nữa, huống chi chúng ta muốn cầu được những thứ cao đẳng hơn, mỗi ngày không làm việc siêng năng thì sao được? Đó là quy luật, không tôn trọng nó là không được, nhưng quý vị cũng đều đã biết, quý vị làm việc không nhiều nhưng vẫn có kết quả, nhưng không nhiều như những làm việc siêng năng.

Muốn những thứ của thế giới đã khó rồi. Muốn giải phẫu cần phải tốn mấy trăm ngàn đồng tiền Formosa. Giải phẫu xong lại rất đau đớn, thật là đau đớn! Mấy tiếng đồng hồ đầu tiên nằm mê man, tỉnh dậy trên thân chỗ nào cũng đầy ống, đau đớn lung tung. Hơn thế nữa, quý vị có thể không hoàn toàn là hết hẳn, cũng vẫn phải tiếp tục chịu đau đớn, không phải là hết ngay, rồi mỗi ngày phải luyện tập mấy tiếng. Những thứ của thế gian không giản dị hoặc là miễn phí.

Dường như những thứ của Thượng Đế cho tương đối giản dị hơn, Ngài đã tạo ra cả một vườn địa đàng chỉ để cho hai người hưởng thụ, chỉ ngăn cấm có một trái cây. Kết quả là họ đã ăn. Điều này cho thấy rằng con người không bao giờ thỏa mãn, cho bao nhiêu cũng không đủ. Cho nên nếu như có một người nào đó đối với quý vị không tốt, hoặc bỏ đi, quý vị đừng nghĩ rằng mình không tốt, không nhất định là như thế! Là do lòng người rất khó mãn nguyện. Có điều này lại muốn điều nọ.

Quý vị có để ý thấy rằng đầu óc của chúng ta thật là tệ hại? Cả ngày làm quấy rầy chúng ta. Có được điều này rồi, thì nó nói: "Không! Còn muốn cái kia nữa!" Cho nên cả ngày chúng ta bận rộn rất nhiều việc. Cho nên chúng ta cần phải coi xét nó, phải viết nhật ký tu hành, xem có thật sự cần không. Chúng ta phải quan sát một cách kỹ càng, nếu không thật sự cần lắm thì đừng cho nó! Quý vị càng cho, nó càng đòi hỏi và chúng ta càng bận rộn, mà không biết bận cái gì.

Thí dụ, trong nhà quý vị tích trữ rất nhiều thứ, cả năm không dùng đến một lần. Có khi sau khi mua rồi chỉ dùng một lần mà thôi, rồi quên hẵn đi. Có nhiều món vật dụng như vậy đó.

Đừng Nhầm Lẩn Thiếu Kỷ Luật Với Tự Do

Nếu chúng ta làm cho đời sống của mình đơn giản hơn một chút thì nó không bị phức tạp. Chúng ta cần phải quan sát đầu óc của mình, coi nó muốn điều gì, nó dùng cách gì để được những điều đó, nó làm phiền chúng ta ra sao và cầm giữ chúng ta như thế nào. Một khi chúng ta đã phân tách kỹ càng, chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn. Chúng ta phải nghiêm khắc với mình một chút, tự quan sát mình cũng như bên ngoài thân thể mình và hỏi: "Ngươi muốn cái này để làm gì? Còn thích điều gì nữa sau khi được cái này? Muốn được điều này, phải tốn bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền, bao nhiêu công sức mới được nó? Ngươi sẽ làm được gì với cáy này?" Hãy nghiêm khắc phân tích những câu hỏi này kỷ càng, nếu không chúng ta sẽ làm nô lệ cho đầu óc, rồi nghĩ rằng mình rất tự tại, muốn làm điều gì thì làm. Không! Đó là vô kỷ luật, không phải là tự do. Người tự do là người chuyện gì cần mới làm, biết không đúng là không làm. Không phải đầu óc muốn chúng ta làm là chúng ta làm, như thế là làm hư mình. Chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ theo cách đó. Nó chỉ tốt cho chúng ta nếu chúng ta nghiêm khắc với chính mình, không phải với người khác. - thế giới này không có một vật gì cho không cả. Chúng ta phải nỗ lực làm việc thì mới đạt được những điều mình muốn. Chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình, rất nghiêm khắc, để có thể đạt được phong cách và trình độ mà chúng ta theo đuổi.

Nếu như chúng ta muốn nuông chìu, làm hư bản thân mình, thì dễ quá. Chúng ta chỉ việc làm theo những gì đầu óc sai khiến và tin rằng đó là tự do. Không ai xen vào, không ai bận tâm; chính mình cũng không thắc mắc gì cả. Nhưng như thế là sai. Đó là nô lệ không phải tự do. Thế giới điên đảo, họ nghĩ rằng những quy luật và đạo lý mà tôi nói rất khó tiếp nhận mặc dù tôi nói sự thật. Họ nghĩ rằng tôi quá nghiêm khắc với họ và họ chịu không nổi! Họ muốn làm gì thì làm vì như vậy dễ dàng hơn. Nhưng đường hướng dễ dãi đó sẽ dẫn chúng ta đi về đâu?

Chúng ta có thói quen đi trên con đường dễ dàng, không cần biết con đường đó có đúng hay không. Bởi vì nó là con đường dễ dàng và thoải mái nên cứ đi, không muốn quay đầu xe trở lại. Cứ tiếp tục tiến tới tiện hơn là quẹo lại, không cần biết nó càng lúc càng xa mục tiêu của chúng ta. Tiếp tục tiến tới thì cũng được, nhưng trước tiên chúng ta phải chắc chắn rằng là đúng đường. Không phải chỉ vì đây là xa lộ lớn mà lúc nào chúng ta phải tiến tới. Nếu nhà chúng ta ở hướng khác thì chúng ta cần phải quay lại, quay đầu xe lại cho dù có khó khăn như thế nào đi nữa. Chúng ta không thể cứ tiếp tục tăng vận tốc xe chỉ vì nó là xa lộ lớn, không bỏ cuộc vì nó là đường nhỏ. Nếu bỏ cuộc, chúng ta không bao giờ trở về nơi mà chúng ta mong muốn.

Không phải cứ cắm đầu đi là tự do, không phải vậy, như thế là ngu xuẩn. Sự khác biệt nằm ở chỗ thiếu sự tự kiểm soát lấy mình. Người vô trách nhiệm có thể trông giống như người có tự do, vì họ làm điều mà họ muốn và họ nghĩ là họ tự do. Không, người đó đang thiếu bổn phẩn và quá dễ dãi với chính họ.

Bây giờ quý vị thấy. Câu chuyện Vườn Địa Đàng này, không phải chỉ nói về một miếng trái cây. Đó là một ẩn dụ rằng muốn nghe lời người khác không phải là chuyện dễ. Khi người ta bảo chúng ta đừng làm, chúng ta cứ nhất định làm. Đầu óc của chúng ta luôn làm rối loạn theo cách này, làm những gì được bảo là không làm. Vì thế Adam và Eva nghe lời một con rằn chỉ vì một miếng trái cây.

Họ biết Thượng Đế đối với họ tốt như thế, cho họ cả thế giới để xử dụng mà họ không biết cảm ơn, lại đi nghe lời đường mật của con rắn, ăn thứ mà Thượng Đế bảo họ đừng ăn. Chúng ta không nên ăn trộm bất cứ thứ gì của ân nhân chúng ta, không cần biết trông nó hấp dẫn chừng nào. Nếu chúng ta thực sự muốn thì phải nói với Ngài. Họ đã được cả thế giới và vẫn chưa hài lòng. Họ được dặn là đừng ăn trái cây, vậy mà họ vẫn cứ ăn. Vấn đề là không dễ gì giữ cho mình đi đúng đường, vì chúng ta luôn nghe theo những người xấu.

"Luôn Tự Xem Xét Bên Trong"

Bên trong chúng ta có hai con người: Một người tốt và một người xấu. Con rằn là con người xấu bên trong chúng ta. Chúng ta biết mình không nên làm, vậy mà vẫn vô ý làm, hoặc cố ý làm, bởi vì không đủ trí huệ, không đủ khả năng phán xét.

Cho nên, mỗi ngày chúng ta cần phải kiểm soát bản thân mình, để biết đầu óc của chúng ta thật sự muốn gì, có thật sự cần thiết không, hay chỉ là một chuyện nhỏ mà làm to lên? Đôi khi làm mất thì giờ của chúng ta mà không còn thì giờ suy nghĩ những việc cần thiết?

Đôi khi chúng ta đi chợ mua thức ăn, chúng ta đã mang về nhà những thứ đang quảng cáo bên ngoài chợ và quên mất những thứ quan trọng phải mua mà chúng ta đã định mua trước khi tới tiệm. Chúng ta cứ quanh quẩn trong tiệm và mua món này món kia. Sau đó chúng ta hết tiền, cửa tiệm đã đóng cửa hay chúng ta có thể quên mua. Dầu sao, cuối cùng chúng ta chúng ta về nhà với rất nhiều món vô dụng, và không có những thứ mình định mua.

Bây giờ quý vị đã nghe qua câu chuyện, quý vị có thể biết tại sao có người đối xử không tốt với chúng ta mặc dù chúng ta tử tế với họ. Ngay đến ông Trời cũng chưa thỏa mãn được lòng người, thì chúng ta làm sao cho được? Con người là thế đó. Chúng ta hãy nhớ câu chuyện này và nhắc nhở chính mình chớ nên như những người này.

Nhưng điều này rất khó làm, vì chúng ta rất dễ phạm lỗi lầm và lại thích nghe lời của rắn. Những người nói ngọt ngào là những người rất tai hại! Cho nên người Âu Lạc rất sợ những người nói ngọt, những người nói ngọt ngào phải coi chừng. Đường và kẹo đối với chúng ta đều không tốt. Đường hủy đi chất vitamin của chúng ta, nghe nói như thế. Nên quý vị thấy những người ăn nhiều đường, hoặc uống cà phê bỏ nhiều đường, họ rất kích động, vì họ thiếu vitamin, ăn quá nhiều đường, răng cũng bị hư hết. Những thức ăn quá ngọt thì không tốt, ăn nhiều bánh ngọt sẽ mập, áp huyết cao, bệnh tim, đều là những bệnh chết người.

Cho nên những thức ăn ngọt đều không tốt; lời nói ngọt cũng không tốt. Nhưng thế giới này đều thích ngọt ngào, cho nên mới phiền phức. Nếu lời nói của con rắn không ngọt, thì có lẽ Eva sẽ không ăn! Bởi vì nói ngọt quá nên bà ta ngu đần ăn vào, kéo theo cả chồng của bà xuống.

Vì câu chuyện này nên người ta mới nghĩ rằng đàn bà và rắn không khác nhau mấy, đều làm mê hoặc đàn ông. Tôi không dám nói điều này là sai, nhưng không biết ai quyến rũ đầu tiên?

Phần Cuối Của Câu Chuyện Vườn Địa Đàng

Sau khi Adam và Eva rời khỏi vườn địa đàng, họ thấy thế giới này thật vui, họ chẳng có chút sám hối nào, nên bị mê lụy cho đến bây giờ. Mê lụy vẫn còn có thể chấp nhận được, nhưng tại sao lại hung ác? Bởi vì như tôi vừa nói với quý vị, khi họ ở trên thiên đường, nếu muốn ăn trái cây thì trái cây tự rớt xuống tay họ. Nhưng chuyện như vậy không bao giờ xảy ra tại cõi trần này. Quý vị lắc cái cây hết sức và còn dùng cả móc cây nữa, trái chưa chắc đã rụng xuống.

Cho nên họ bắt đầu suy nghĩ, nghĩ cách nào để hái trái cây. Dùng phương pháp văn minh nhất, hái nhanh nhất, được nhiều nhất. Khi thấy mưa to gió bão thì bắt đầu đi học những lực lượng như thế, khi thấy gió thổi, cây bị đưa qua đưa lại, họ cũng bắt chước và thổi. Cây không di chuyển lấy một phân, nên họ bắt đầu luyện khí công, phải đổi năng lực. Lúc ban đầu họ có thể ăn hiếp những cây nhỏ, về sau khí càng nhiều nên bắt đầu ăn hiếp những cây lớn, cho nên gương mặt càng lúc càng biến đổi, mặt đỏ tía, tiếng nói trở nên rất lớn và thô lỗ.

Trước kia ở thiên đường không cần phải nói chuyện, ai cũng dùng sự cảm nhận để hiểu được ý nghĩ của người khác. - đây họ lại học thêm từ loài vật, vì nơi đây phải bảo vệ bản thân mình. Lúc vừa mới đến, chưa có gì, về sau loài vật ngửi thấy mùi nên đến dọa nạt họ, muốn ăn thịt họ.

Khiếp sợ bởi tiếng rống của loài vật, họ không biết phải làm sao, nên Adam, Eva, và con cái nhìn thấy như thế cũng bắt đầu rống lên. Cọp thấy họ còn dữ hơn mình nữa nên bỏ chạy đi. Thấy phương pháp này có hiệu quả nên càng ngày họ càng hung dữ, giống như cọp và sư tử vậy.

Cho nên có người mới hung ác như thế, thì ra họ học từ đó mà ra. Lúc đầu họ học là để bảo vệ cho chính bản thân họ, về sau càng lúc càng quen, thói quen khó đổi, cho nên biến thành như ngày nay vậy - Phật hung ác và hàm hồ.

Nếu như mọi người còn nhớ lại lúc ban đầu thì âm thanh còn dịu dàng hơn một chút, nếu không nhớ thì lại rống lên. Cho nên có nhiều lúc chúng ta rất dịu dàng, có những lúc chúng ta rất hùng hổ và đều từ thói quen mà ra.

Sau đó thì họ đầu có thể phát ra những tiếng gió, rất giống như tiếng rống của cọp và sư tử. Nhưng Adam vẫn chưa thể câu thông với bà vợ, vì trên thiên đường họ không cần ngôn ngữ. Khi người ta nghĩ gì là họ hiểu ngay, không cần phải nói chuyện.

Khi rớt xuống đây thì không còn lực lượng nữa, đời sống đã đổi khác, lực gia trì cũng không có nữa. Khi rời khỏi lực gia trì rồi, họ lạc trong chốn hồng trần, nên mới cần ngôn ngữ. Bây giờ họ cảm thấy xấu hổ, xa cách nhau, bắt tay nhau cũng không dám. Không còn giống như trước nữa.

Cho nên bây giờ lại bắt đầu quyến rũ lẫn nhau, để làm được như vậy, họ phải học từ thú vật, bởi vì không thể câu thông bên trong được nữa, và họ cũng không biết cách nói chuyện với nhau được. Họ quan sát loài vật và bắt chước tiếng nói của chúng. Đó là cách mà họ học ABC như thế nào.

Không còn cách nào khác để học nữa, họ chỉ có thể bắt chước những hành động hổn loạn của loài vật. Lúc ở trên thiên đường thì học với Thượng Đế, học với thần tiên, học với Phật với Bồ Tát (chúng sanh khai ngộ) tương đối quý phái, không như ở thế gian này vậy.

Vừa mới đến không có người, vì họ là tổ tông của chúng ta. Không có minh sư dạy dỗ, chỉ biết tự học. Nhưng trí huệ đã đứt, quên hết cả rồi! Khi rời khỏi trung tâm tu hành, lạc đường rồi không thể trở về, lạc ở trong những thú nhục dục!

Cõi hồng trần tràn đầy phiền não, đã làm quên mất trí huệ, họ cho nên phải tự chăm sóc chính mình. Không có gì để học thì học gió, học mưa, những thứ sấm sét hung ác, hiện tượng cực đoan của nóng và lạnh. Họ học tất cả từ thiên nhiên.

Học cũng học theo từ loài vật để bảo vệ chính bản thân mình. Có những lúc không phải do giận dữ, mà nhìn thấy cọp rống, họ cũng rống theo, càng học càng giống, về sau biến thành như thế. Không phải trong lòng Adam hung ác, nhưng đôi khi Adam cũng quên mất và rống lên với vợ mình. Eva cũng thế, cũng rống trở lại, hai bên giống nhau. Ngôn ngữ cũng từ đó mà bắt đầu, kết hợp từ âm thanh của loài vật.

Chúng ta cũng không nên trách cứ chính mình, mà nên trách cứ Thượng Đế đã phạt chúng ta sao, quá nghiêm khắc như thế. Dù sao Ngài cũng không có lòng nhẫn nại lúc ban đầu. Ngài có lòng nhẫn nại rất lớn, nhưng lại cũng không có chút nhẫn nại nào! Ngài rất có lòng từ bi, nhưng cũng lại chẳng có chút từ bi nào!

Ngài có cả hai mặt, Ngài là "âm" nhất, cũng là "dương" nhất, "nhu" nhất, mà cũng là "cương" nhất, như thế mới vui!

Cũng giống như thế giới của chúng ta vậy, mỗi ngày nếu như cứ phơi nắng hoài thì cũng chịu không nổi, trồng cây cũng không lớn nổi, bởi vì phải cần mùa. Nếu như mỗi ngày cứ mưa hoài thì chúng ta giăng lều không tiện. Cho nên có cái này phải có cái nọ.

Chúng ta tuy là biết về luật âm dương quân bình, nhưng khi bản thân mình gặp phải thì chịu không nổi. Chúng ta biết rằng có ngày mưa, có ngày năng, có mùa hạ, có mùa đông, nhưng khi mùa hạ đến, bị nóng nực, rít rát, ẩm thấp thì chúng ta vẫn cứ phàn nàn.

Lúc trời mưa tuy biết rằng nông dân canh tác cần phải có nước, nhưng chúng ta cũng chịu không nổi. Đặc biệt khi đến dự Thiền Nhất hoặc Thiền Thất, lúc tập họp, mọi người đều uớt sũng, ca chứa đầy nước, không uống trà Ơ Long được (mọi người cười).

Cũng vậy, chúng ta tu hành cũng như thế, khi gặp khảo nghiệm, cho dù tôi đã giảng một trăm lẻ tám lần là khảo nghiệm nhất định có, chúng ta cần phải bình tâm, phải biết coi tốt xấu như nhau, la rầy và tán thưởng cũng như nhau.

Nhưng khi gặp phải lúc bị la rầy, mặt cứ dài ra, trong lòng đau đớn, tỏ thái độ muốn chống đối, chỗ này một chút, chỗ kia một chút, đóng thật nhiều con dấu. Tay chân đều bộc lộ sự phàn đối, không biết chống lại ai, không ai thấy cũng muốn chống đỡ.

Lịch Sử Của Địa Cầu

Nhưng sự thật địa cầu của chúng ta lẽ ra không có những thời tiết cực đoan như thế, không có mùa hạ thật nóng nực, không cần có những mùa đông lạnh lẽo, mưa cũng có, nhưng không có ảnh hưởng nhiều như thế. Trước đây thời tiết rất ôn hòa, vẫn có mặt trời, cũng có mưa, lúc mưa thì mưa nhưng không lạnh lắm, không ẩm ướt, khi mặt trời vừa xuất hiện là khô ngay, mùa hạ cũng không nóng nực lắm.

Chỉ vì trước đây chúng ta đã đánh nhau với thiên đường, không nghe lời Phật Bồ Tát dạy dỗ, học được một chút là muốn đánh với thiên thần, cho nên họ mới hủy diệt vũ khí của chúng ta, họ dùng một loại vũ khí khác để chống lại chúng ta, nhốt chúng ta ở đây, khóa lại, cho nên mọi người mới không thoát được tam giới. Các thiên sứ thiết lập một lớp bảo vệ bên ngoài địa cầu của chúng ta, giống như Tôn Ngộ Không lúc bị nhốt, còn dán lên một bùa chú phía trên vậy. Chúng ta cũng thế, bởi vì có một sức vô hình khống chế, chúng ta không thể trốn thoát, lúc nào người của thiên đường cũng quan sát chúng ta, chỗ nào xuất hiện một ý kiến nào, muốn cách mạng, cũng giống như trước vậy, là không được!

Cho nên vũ khí của chúng ta lúc này rất dở, không phát minh được điều gì hay. Nhưng bây giờ lại bắt đầu. Thế kỷ vừa qua lại bắt đầu chế tạo bom nguyên tử; điều này là do ký ức còn tích lũy lại trước đây, đã không biết sám hối lại gây phiền phức.

Cho nên các thiên sứ vẫn còn quan sát chúng ta, vẫn dùng những thiên tai để cảnh cáo chúng ta, nhưng sức kháng cự của chúng ta vẫn sinh ra những lực lượng phá hoại, tự mình tiêu diệt lấy mình. Lúc chúng ta giận dữ, có phải là trái tim đau nhói, thân thể khó chịu, bi phiền não, khóc lóc, thì cảm thấy thật mệt mỏi, giống như là đã làm việc rất cực nhọc vậy, phải không? (Mọi người đáp: Vâng!) Đó là để cho chúng ta tự đau xót lấy chính mình. Vào lúc ban đầu khi thiên sứ chuẩn bị tiêu diệt chúng ta, họ công kích quá mãnh liệt, địa cầu đã bị lệch đi một hướng, hơi lệch ra khỏi quỹ đạo cho nên thời tiết mới trở nên cực đoan như thế, vừa nóng vừa lạnh, rồi sau đó thiên sứ nhốt chúng ta ở đây, khóa trở lại, thêm vào đó bản thân chúng ta lại phát ra bầu không khí hung dữ, cho nên mới có tự sinh tự diệt.

Cho dù Phật Bồ Tát nhốt chúng ta ở đây, lại dán thêm bùa chú lên, nhưng mỗi ngày họ vẫn quan sát chúng ta, đề phòng chúng ta chạy trở lên. Cho nên có những lúc có một người nào đó thử tọa thiền, muốn tự liễu thoát, kết quả bị ma nhập. Ma là ai vậy? Đó là những vị thần hộ pháp.

Thấy chúng ta muốn trốn thoát, họ nghĩ rằng chúng ta muốn làm cách mạng, muốn đánh họ, cho nên họ đẩy chúng ta xuống. Khi trở về, chúng ta ngơ ngơ ngẩn ngẩn, hồn phi phách tán, không nhớ ra ai, đầu óc rối loạn, chúng ta gọi người ấy là bị nhập ma. Bởi vì họ không cho phép chúng ta lên, nếu như chúng ta tự mình trồi lên, họ nghĩ rằng chúng ta muốn cách mạng, nên họ ra tay hành động, không cho phép chúng ta tiêu diệt vũ trụ. Chúng ta mãi mãi bị quan sát, cho nên chúng ta không thể một mình lên được, cần phải có minh sư dẫn dắt.

Dù sao cũng có một số người thành tâm nên Phật Bồ Tát thường đến để chỉ dạy và khuyến khích chúng ta. "Chúng tôi biết quý vị đang trốn ở đâu, hãy mau mau đầu hàng chạy ra, thời gian không còn nữa, quý vị sẽ được tha thứ, đây là lần cảnh cáo cuối cùng." Có những chúng sanh khai ngộ ra ngoài dán bích chương, phát truyền đơn, phát sách biếu, muốn cảm hóa chúng ta. Có những người cũng có lòng thành tâm sám hối, muốn được liễu thoát sanh tử, họ thật sự muốn thoát ra khỏi cái chướng ngại này. Nếu như chúng ta thành tâm, chúng ta ghi danh, thành tâm ăn chay ba tháng, thì minh sư sẽ đến và tiếp nhận chúng ta, đó là Truyền Tâm Ấn. Người khác thì vẫn không thể đi ra!

Chúng ta ở đây giống như phạm nhân vậy. Có những người phạm nhân tương đối tốt, lòng không hung ác, án phạm nhẹ, chỉ cần có lòng thành tâm sám hối, biểu hiện tốt, luật sư vào kéo một cái là ra ngay. Chúng ta những người đã được truyền Tâm Ấn là như thế đó.

Nếu thật sự có lòng sám hối, muốn liễu thoát ngục tù này, Phật sẽ mở cửa cho chúng ta ra đi, còn những người khác không được, phải đợi cho họ có lòng sám hối, và ngưng chế bom nguyên tử mới được. Chỉ có một số ít người, thật sự sám hối, thật sự muốn liễu thoát sanh tử, mới thoát được ngục tù vô hình này.

Bởi vì chúng ta không thể ra đi, tự mình trốn đi, sẽ bị bắt lại thì càng thê thảm hơn. Chúng ta sẽ bị nhốt vào những cái lồng nhỏ hơn, đứng cũng không đứng được, ngồi cũng không ngồi được, cấm chúng ta không nói chuyện được với ai. Cũng vậy, những người tự mình muốn giải thoát thì càng thê thảm hơn, càng bất thường hơn trước đây. Lẽ ra trước đây còn biết một chút ít, sau khi âm thầm tự ngồi thiền, ấn tay ấn chân rồi chạy ra, sau đó nói những chuyện bậy bạ, tinh thần bất thường, đầu óc bị hư đi.

Cũng giống như phạm nhân vậy, nếu như chúng ta lén trốn ra, bị cảnh sát bắt lại thì càng thảm hơn, sẽ bị giam giữ nghiêm khắc hơn những phạm nhân bình thường. Sẽ bị nhốt trở lại, còn bị cồng, nhốt vào trong những căn phòng nhỏ hẹp, không ngồi cũng không đứng được, tối đen không có đèn. Những người phạm tội nặng nề đều bị nhốt vào trong đó, không được nói chuyện với ai, còn tệ hại hơn trước nữa, tệ hại hơn trước khi họ trốn nữa.

Những người Tâm Ấn như chúng ta là những người thành tâm muốn ra đi. Vạn nhất quý vị không thành tâm, quý vị gạt Phật Bồ Tát, lát nữa quý vị sẽ bị bắt nhốt trở lại. Những người khai ngộ không có gì để mất mát mà chúng ta là những người phải gánh chịu hậu quả.

Mỗi ngày ngồi hai tiếng rưỡi đồng hồ là để nhắc nhở lấy mình, lại muốn để cho Phật Bồ Tát biết là chúng ta thật sự rất thành tâm, chúng ta nhất định muốn đi ra. Các Ngài muốn khảo nghiệm chúng ta, có phải mỗi ngày đều ghi nhớ không. Quý vị chỉ nói một lần: "Tôi muốn đi ra!" Một câu nói sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có chứng cớ theo đó, như vậy không đủ! Cho nên mỗi ngày vẫn cứ phải nói.

Bởi trước đây chúng ta rất tệ hại, cho nên Thượng Đế mới khảo nghiệm xem thử bây giờ chúng ta có thật thành tâm không. Mỗi ngày niệm hai tiếng rưỡi: "Tôi muốn đi ra, tôi muốn đi ra, tôi thật sự muốn đi ra, tôi quyết tâm muốn đi ra!"

Cũng giống như chúng ta muốn kết hôn với một người nào vậy, không thể nói: "Bác sĩ, tôi muốn lập gia đình với ông." là đủ, còn phải tiếp tục hành động, phải tặng quà, phải mỗi ngày niệm: "Tôi thật sự muốn lập gia đình, tôi nhất định lập gia đình với ông."

Rồi lại phải thu xếp hôn lễ thì người ta mới biết được lòng thành tâm của quý vị. Cứ như thế mà tiến lên, từng bước từng bước tiến lên thì mới được. Cũng vậy, mỗi ngày chúng ta phải tọa thiền hai tiếng rưỡi đồng hồ, cứ tiếp tục niệm như thế, niệm cho đến khi chúng ta có thể kết hôn với Thượng Đế mới thôi.

Đừng Lấy Trái Táo Của Ma Quỷ

Adam và Eva, hai người chỉ ăn một trái táo mà thôi, nghiệp chướng đã nặng nề như thế, còn chúng ta đã ăn biết bao nhiêu thứ rồi, quý vị có biết không? Nào là bò, gà, vịt, dê, con nào cũng ăn, làm sao mà chịu nghiệp chướng đó cho nổi!

Adam và Eva ăn chỉ chia nhau một trái táo mà thôi, mỗi người chỉ ăn có nửa trái mà thôi, mà phải rời từ thiên đường xuống địa cầu này, mỗi ngày phải chịu đau khổ mới có thể kiếm đủ cơm ăn, phải lặn lội cực nhọc, rồi con cháu đời đời kiếp kiếp còn bị những nghiệp chướng liên hệ, huống chi chính chúng ta còn làm cho nghiệp chướng nặng nề thêm.

Ý tôi nói rằng nếu như món đồ nào đó không phải do Thượng Đế ban cho chúng ta, là đều có nghiệp chướng cả, chúng ta phải trả giá rất đắt và lợi tức không thể tưởng tượng được, cho nên mỗi ngày chúng ta ăn uống, trước hết phải cúng dường Thượng Đế, phải niệm Phật hiệu, là vì để rửa sạch những nghiệp chướng ấy, nếu không chúng ta ăn quả táo của ma vương! Sau đó họ đòi phải trả giá rất cao. Cây táo ấy cũng là do Thượng Đế tạo ra, cũng sống trong vườn địa đàng, tại sao ta ăn những thức ăn khác lại không có nghiệp chướng, còn ăn quả táo lại có nghiệp chướng? Cũng đều là thức ăn của Thượng Đế, tại sao cái giá của nó lại đắt như thế? Bởi vì Thượng Đế không cho họ, họ ăn cắp nên không có lực gia trì. Adam và Eva vì nghe lời của ma quỷ nên ăn vào, đương nhiên có lực gia trì của ma quỷ.

Không phải Thượng Đế hung ác đối với họ, cũng không phải Thượng Đế có dã tâm như thế để xử phạt họ. Ăn thức ăn của ma quỷ thì biến thành ma quỷ, ít nhất biến thành bộ hạ, công cụ, hoặc là thân bằng quyến thuộc của ma quỷ, làm mất đi ưu quyền làm bạn bè với Thượng Đế. Nếu Adam và Eva nói trước với Ngài một câu, rất có thể sẽ không xảy ra chuyện này, Thượng Đế có thể sẽ nói rằng: "Hiển nhiên quý vị thích ăn như thế, vậy cũng tốt! Quý vị cứ ăn đi!" Không có một thứ gì mà Thượng Đế không làm được. Chỉ vì quý vị lén lút ăn phía sau, nhận sức gia trì của ma quỷ, nên mới có tai họa.

Cũng vậy, quý vị theo tôi tu hành, mỗi ngày tọa thiền hai tiếng rưỡi, ăn chay, cũng không có gì là hay, người khác cũng ăn chay vậy, mỗi ngày chỉ ăn có một bữa, không sống trong những căn nhà sang trọng, mà sống ở nghĩa trang, mỗi ngày tọa thiền mười tám tiếng, mà cũng không được kết quả nhiều! Mỗi ngày quý vị tọa thiền hai tiếng rưỡi, có đáng kể gì! Mỗi ngày dùng ba, bốn, năm, sáu bữa cơm, ăn nhiều hơn người nữa!

Nhưng tại sao quý vị lại đạt được lợi ích? Bởi vì có lực gia trì, bởi vì đường đường chính chính có người tiếp nhận quý vị, có Thượng Đế chứng minh: "Được! Nếu quý vị làm những việc này, sau này ta sẽ tặng lại cho quý vị..." Nếu như bản thân của quý vị làm một mình thì ai mà biết được quý vị làm điều gì?

Ví dụ có một ông chủ, ông ta có một căn tiệm rất lớn, ông yêu cầu quý vị tới để chăm sóc việc buôn bán, cho dù quý vị ở trong tiệm hai ba ngày không buôn bán gì, ông ta vẫn cho tiền quý vị, bởi vì ông ta đã ký giao kèo với quý vị: Ngươi đến đây làm công cho ta, mỗi tháng ta trả ngươi bao nhiêu tiền, quý vị sẽ được hưởng bảo hiểm về lao động, tôi sẽ chăm sóc về phần lợi ích an toàn, lúc già sẽ có tiền về hưu, khi có bệnh sẽ có tiền bảo hiểm sức khoẻ v.v...!

Sau đó kết ước đã làm xong, quý vị phải trông coi tiệm, cho dù không có việc cũng không sao, dù bị bệnh vẫn được tiền, bị thiên tai vẫn được tiền, quý vị không bán được thứ gì, mà vẫn nhận được tiền.

Còn người khác, người chủ không thu dụng họ, họ ở trong tiệm mười lăm năm có được trả lương không? Suốt ngày suốt đêm không ngủ, trông coi tiệm của ông chủ cũng chỉ vô ích! Họ tự ý đứng đó, ai mà lo cho họ! Cũng như thế, ở trên thế giới này, có những thứ là do hệ thống của Thượng Đế, có những người thay mặt cho Thượng Đế làm việc, nếu như chúng ta câu thông với họ, họ sẽ giới thiệu chúng ta thì chúng ta mới có quan hệ với Thượng Đế. Nếu như chúng ta theo người khác làm việc, hoặc làm việc với Satan và ma quỷ, thì cũng không được tốt lành gì cho chúng ta cả, cho dù có làm nhiều cũng vô ích. Quý vị được lợi ích là vì chúng ta có quan hệ với một hệ thống hoàn toàn khác.