Chương 6


Đọc xong bài thơ đầu tay của Đan Nghi, Lãm gật gù khen:

- Khá lắm! Thơ rất có hồn.

Khoái phỗng mũi, nhưng Nghi vẫn khiêm tốn:

- Lãm nói thế chứ, tôi thấy còn nhiều khuyết điểm không thật.

Ra vẻ một người giàu kinh nghiệm viết lách, Lãm nói:

- Trong văn chương, sự thật chỉ có ba phần, còn bảy phần kia điều là hư cấu. Nghi hư cấu như thế này là quá tốt rồi.

Ðan Nghi do dự:

- Tôi chỉ sợ bị chê... xạo.

Lãm bật cười:

- Không phải xạo mà là tưởng tượng phong phú. Nghệ sĩ hơn người khác ở chỗ biết tưởng tượng. Tôi nghĩ Nghi nên gởi đăng báo bài thơ này.

Khác với những lần gởi bài cho mục Nhí Nhố, lần này Ðan Nghi thấy ngại. Cô xìu giọng:

- Tôi sợ họ chê lắm!

Lãm xua tay:

- Bảo đảm họ sẽ không chê. Nghe lời Lãm đi, nếu Nghi cảm thấy ngại, tôi sẽ gởi hộ cho.

Đẩy tách cà phê đen về phía gần Đan Nghi, Lãm nói tiếp:

- Tôi không ngờ chuyển vào lớp này tôi lại gặp bạn thơ. Từ nay trở đi, tôi đã có người để trút cạn lòng mình qua thơ truyện rồi. Buổi cà phê hôm nay để đánh dấu sự việc trọng đại này. Đan Nghi uống đi!

Đan Nghi bỗng thấy mình thành một nhà thơ nữ sau những lời tán dương của Lãm. Cô cho rằng lãnh một... cây gậy để trở thành nhà thơ thì cũng xứng đáng lắm.

Phải cám ơn thầy toán đã cho cô cảm xúc mới đúng hơn là trách thầy. Nếu bài thơ được đăng báo, Nghi sẽ có dịp nhìn những gương mặt ganh tỵ của các cô nàng trong lớp.

Rồi Khôi nữa. Nó sẽ không dám nghênh ngang bảo Nghi: "Dẹp cái trò chướng mắt ấy đi".

Hừ! Nghệ sĩ là người lập dị, ngông nghênh, cô chỉ mới nghe nhạc không chép bài mà Khôi đã lên lớp. Đến khi Nghi nổi tiếng như Ðỗ Trung Quân, nó sẽ phải ân hận vì trước đây không chịu động viên cô, trái lại lúc nào cũng ép cô vào một khuôn mẫu cứng ngắt.

Chà! Biết đâu chừng cái khuôn mẫu ấy của Khôi bấy lâu nay đã... ém tài Nghi, làm cô không có "tinh anh phát tiết ra ngoài" được để làm thơ, viết truyện.

Phải chi Nghi làm bạn với Lãm sớm hơn, chắc bây giờ cô cũng là cây bút đầy tài năng và triển vọng rồi. Thật đáng tiếc lắm thay...

Bưng tách cà phê lên uống một ngụm như người sành điệu. Đan Nghi nói:

- Lãm vẫn chưa cho tôi biết mình viết truyện như thế nào đấy!

- Nghi định lấn cả sang sân của tôi sao? - Lãm tủm tỉm.

Ðan Nghi nhún vai:

- Hỏi cho biết vậy mà!

Lãm nheo nheo mắt:

- Rất dễ! Tôi luôn bắt đầu công viết từ trái sang phải cho đến khi xong...

Nghi liếc Lãm một cái rõ dài. Lãm cười cười nói tiếp:

- Nhưng trước khi viết, tôi cũng như Nghi, tôi phải có cảm xúc, sau đó là hư cấu, tưởng tượng.

Đan Nghi dài giọng:

- Lãm phải... minh họa cụ thể, tôi mới hiểu chứ! Lãm có thể lấy truyện "Ngõ Vắng" để dẫn chứng.

Hơi ngập ngừng một chút, Lãm nói:

- Thật sự tôi có một thằng bạn nghèo, đêm đêm phải phụ gia đình đi bán bánh giò. Năm rồi nó không đến lớp nữa, tôi cho rằng nó đã nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn...

Còn nhân vật nữ trong truyện thì sao? - Nghi tò mò.

Lãm toe toét:

- Làm gì có nhỏ nào để ý tới nó. Tôi tưởng tượng ra mà.

- À! Tôi hiểu rồi! Lãm đã thay nhân vật ấy vào chỗ của mình để câu chuyện có phần cảm động, lãng mạn hơn. Ðúng không ? - Đan Nghi gật gù.

- Ðó là thủ thuật của người viết có kinh nghiệm. - Lãm có vẻ tự mãn.

Đan Nghi khen:

- Lãm giỏi tưởng tượng thật.

- Cũng không giỏi đâu. Chỉ nhờ tôi biết vận dụng bí quyết kế thừa trong văn học thôi.

Ðan Nghi lùng bùng lỗ tai. Cô chả hiểu "Bí quyết kế thừa trong văn học" là gì, nhưng không tiện hỏi vì sợ Lãm chê kiến thức nghèo nàn.

Phải chi Lãm là Khôi, Nghi đã tha hồ thắc mắc. Thằng cận ấy dư sức biết kiến thức của cô có bao nhiêu, nên với nó, Nghi chả sĩ diện làm chi, để rồi ấm ức.

- Tôi có thể bật mí bí quyết ấy với Nghi. - Lãm hạ giọng.

Ðan Nghi mừng rơn:

- Nó như thế nào vậy ?

Không trả lời Nghi, Lãm hỏi:

- Nghi có nhớ truyện Trương Chi - Mỵ Nương không nhỉ ?

Nghi gật đầu với tất cả vẻ hoang mang. Truyện ấy thì có liên quan gì tới "Ngõ Vắng" cơ chứ ?

Lãm ngân nga:

- Chuyện kể rằng chàng lái đò vừa xấu trai vừa nghèo khó tên Trương Chi được trời phú cho giọng hát mà Quang Linh còn thua xa. Mỗi đêm khi thả thuyền trôi theo trăng, chàng thường cất giọng hát của mình. Tiếng hát ấy theo gió bay đi thật xa làm thổn thức biết bao trái tim con gái. Trong số các cô gái hay mơ mộng ấy có cả tiểu thư con nhà quyền quý - Mỵ Nương. Nàng Mỵ Nương say mê giọng hát và tưởng tượng người có giọng hát ấy phải là một trang tuấn tú, nên đã đâm ra ốm, tương tư rất nặng.

Lãm im lặng một chút mới kể tiếp:

- Cha Mỵ Nương sau khi tìm hiểu nguyên nhân đã không ngại ngần mời Trương Chi vào hát cho Mỵ Nương nghe. Trong cơn thập tử nhất sinh, cô tiểu thư nhiều mơ mộng đã bình phục nhờ giọng hát đầy mê hoặc ấy. Nhưng đến khi nhìn thấy chàng Trương, My Nương đã vỡ mộng vì Trương Chi không phải là Leonardo Dicaprio trong phim Titanic…

Lãm thở dài:

- Mà chàng ta xấu còn hơn thằng gù nhà thờ Ðức Bà. Thế là Mỵ Nương nhanh chóng loại bỏ hình bóng lẫn tiếng hát Trương Chi ra khỏi tâm tưởng mình và vô tư sống trở lại những tháng ngày chưa biết thế nào là thương một người.

Ðầu hơi cúi xuống buồn phiền, Lãm than:

- Chỉ tội nghiệp cho Trương Chi. Phải! Ðúng là tội nghiệp Trương Chi. Gã lái đò cũng không thể sống như đã sống những năm tháng lặng lờ con nước trước đây. Gã bị nét thiên kiều bá mỵ của cô tiểu thơ con nhà quan thâu mất ba hồn bảy vía rồi. Gã cũng lăn đùng ra ốm tương tư, mà cô nàng Mỵ Nương chẳng chút quan tâm. Thế rồi Trương Chi đã chết vì thất tình. Hận tình không tan nên hồn phách gã tụ lại tron tim. Thân xác hóa tro bụi nhưng trái tim lại biến thành khối ngọc. Người đời mang ngọc tạc thành chén. Ðổ nước vào chén sẽ thấy lung linh bóng thuyền Trương Chi. Dân gian truyền tụng nhau hai câu thơ:

Lệ tình biết trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.

Giọng ngậm ngùi, Lãm nói tiếp:

- Hai câu thơ đến tai Mỵ Nương cùng với cái chén ngọc. Nhìn thấy bóng thuyền Trương Chi trôi trong cõi mơ hồ kỳ ảo, Mỵ Nương đã nhỏ những giọt lệ ăn năn. Kỳ lạ thay, khi nước mắt nàng đầm đìa rơi xuống chén ngọc lại tan thành tro bụi … Một cuộc tình thương đau, lãng mạn và đẹp tuyệt phải không Nghi?

Ðan Nghi thắc mắc:

- Chuyện Trương Chi - Mỵ Nương có ăn nhập gì với truyện Ngõ Vắng chứ!

Lãm nói ngay:

- Có đấy! Nếu tinh ý một chút, Nghi sẽ nhận ra cấu trúc câu chuyện thuộc mô típ đó. Dĩ nhiên mỗi thời đại anh chàng Trương Chi và cô nàng Mỵ Nương phải khác đi cho phù hợp. Tôi đã kế thừa truyện xưa tích cũ để viết Ngõ Vắng. Cái kết thúc lơ lửng của tôi cũng phù hợp với xu hướng bây giờ.

Nghi chép miệng:

- Nhân vật nữ của Lãm vô tâm hơn Mỵ Nương gấp trăm lần.

- Vì người ta bây giờ đều sống như thế. – Lãm thản nhiên.

Ðan Nghi không đồng ý với Lãm, nhưng cô làm thinh chứ không tranh luận như mỗi lần bất đồng với Khôi.

Chống tay dưới cằm, cô thắc mắc:

- Người bánh giò bánh gai của Lãm bây giờ ra sao rồi?

Lãm nhún vai:

- Tôi không thân với nó, nên đâu có quan tâm.

Ðịnh nói: “Vậy là Lãm cũng vô tâm như cô bé tóc dài trong truyện” nhưng Nghi kềm lại được. Nhìn gương mặt đầy vẻ tự đắc của Lãm, trong lòng cô có một điều gì đó tương tự như là thất vọng.

Lãm sâu sắc lắm kia mà, sao lúc này nó lại nói như thế về bạn, cũng là nhân vật tạo cho mình cảm xúc để viết được một truyện ngắn làm mọi người yêu thích nhỉ?

Dường như Lãm đọc được những điều cô nghĩ nên nó ngần ngừ giải thích:

- Thật ra cảm xúc chỉ là một rung động thoảng qua rất nhanh. Chộp được nó để viết thành bài thơ hay trong truyện ngắn rồi cảm xúc cũng tan biến đi. Nếu cứ nghĩ đến việc đã qua hoài, làm sao tiếp nhận rung động mới để viết nữa chứ !

Nghi nói:

- Ðiều này tôi thật sự không hiểu. Tôi luôn nghĩ khác về những người biết viết lách như Lãm.

Lãm xoay xoay cái tách cà phê:

- Nghi nghĩ như thế nào nhỉ?

Nghi bối rối:

- Nói ra làm chi?

Lãm ra giọng kẻ cả:

- Các cô hay thần tượng hóa về những người cầm viết như chúng tôi. Nghi thấy rồi đó, tôi có khác gì các bạn trong lớp đâu … Có chăng tôi viết ra được tưởng tượng của mình, còn các bạn thì không.

Nghi hỏi vặn lại:

- Chỉ là tưởng tượng thôi sao?

- Thì tưởng tượng dựa trên thực tế mà! – Lãm chống chế.

Nghi kêu lên:

- Phức tạp thật!

Giọng Lãm nhẹ nhàng:

- Ðâu có gì phức tạp. Khi làm được bài thơ thứ hai, thứ ba Nghi sẽ hiểu thôi.

Cầm bài thơ trên tay, Lãm nói:

- Tôi sẽ gởi báo cho Nghi. Chờ tin vui đi.

Về nhà. Ðầu óc lâng lâng vì nghĩ tới cuộc trò chuyện vừa rồi, Nghi học không vô, cô đọc báo rồi xem tivi thoải mái mà quên bẵng ngày mai kiểm tra Sinh. Ðến khi nhớ ra Nghi mới phát hiện một điều tệ hại hơn nữa là cô chưa chép bài, vì hôm đó mãi lo nghe nhạc trong lớp.

Mới … ăn một cây gậy cách đây mấy ngày, lẽ nào lại … ăn tiếp nữa. Nghi quýnh quáng nhìn đồng hồ.

Gần mười giờ rồi, ngoài Khôi ra, đâu còn ai … vui lòng cho cô mượn vở vào lúc này.

Nhấp nha nhấp nhổm, Nghi rầu thúi ruột vì chả biết làm sao. Thật muối mặt nếu phải gọi cầu cứu Khôi về chuyện học hành bê bối của mình. Nhưng thà xấu hổ với Khôi còn hơn bị nêu tên trước lớp.

Nhấc điện thoại lên, Nghi nôn nóng chờ giọng lão cận “Alô” rồi hỏi ngay:

- Khôi học bài Sinh xong chưa?

- Xong rồi! Có chuyện gì không Nghi?

Cô liếm môi:

- Ơ … chả biết quyển vở Sinh của Nghi lạc đâu mất nữa. Kiếm cả buổi mà không ra.

Nghi nghe giọng Khôi cười khẽ trong ống nghe:

- Coi chừng Nghi bỏ quên ở quán cà phê nào đó. Mà tới giờ này Nghi mới tìm vở học à? Khôi e muộn quá rồi. Khôi chẳng còn ngồi gần để đọc cho Nghi chép mỗi khi có bài kiểm. Thật đáng tiếc!

Dứt lời lão cận gác máy nghe cái cụp. Ðan Nghi tức đến nghẹt thở. Vậy là Khôi biết cô không chép bài nhưng không thèm nhắc nhở, không thèm cho Nghi mượn vở như lâu nay nó vẫn có bổn phận với cô.

Ði tới đi lui, Nghi nguyền rủa thằng nhãi bốn mắt không tiếc lời. Hừ! Từ giờ trở đi hai đứa không còn là bạn bè gì nữa hết.

Người ta bảo: “Tình bạn là tình yêu không có cánh”. Vậy mà cái tình yêu không có cánh ấy đã bốc hơi mất rồi. Suốt mười hai năm ròng bên nhau, nào ngờ Khôi lại thay đổi kỳ cục vậy. Nếu đã thế thì thôi luôn. Không chơi với nó, Nghi vẫn còn Lãm cơ mà.

Lấy cuốn sổ điện thoại cá nhân ra, Nghi lẩm nhẩm đọc số của Lãm rồi nhấn máy.

Một giọng đàn bà khó chịu vang lên làm cô hết hồn:

- Kiếm ai?

Nghi ấp a ấp úng:

- Dạ cho cháu gặp Lãm ạ!

- Hừ! Con gái gì … hư thế? Biết mấy giờ rồi không mà còn gọi điện thoại kiếm con trai. Lãm ngủ rồi, làm gì một ngày tìm nó mấy lần vậy hả?

Nghi còn điếng người thì đã nghe tiếng gác máy. Cô tức tưởi ngồi phịch xuống xấu hổ. Ai tìm Lãm hồi nào, để làm gì không biết, Nghi mới gọi cho nó lần đầu đã nghe mắng. Ðúng là xui tận mạng. Có thật nó đã ngủ rồi không, hay mẹ nó nói dối vì không muốn cậu quý tử bị làm phiền.

Mà với lý do nào đi chăng nữa, Nghi đã bị xúc phạm bởi cả Khôi lẫn Lãm. Kể cũng đáng đời, ai bảo cô đểnh đoảng, ham chơi hơn ham học làm chi. Giờ nên trách mình chớ đừng trách người khác.

Bà Huyền bước vào với quyển sổ trên tay:

- Thằng Khôi nó đưa đây nè!

Mừng hơn bắt được vàng nhưng Nghi vẫn trề nhún:

- Tốt dữ à …

- Không tốt sao lặn lội giữa khuya mang vở tới cho con mượn. Mà con làm gì tới giờ này mới mượn vở hả?

Nghi chối quanh quẩn:

- Tất cả cũng tại nó ích kỷ …

Bà Huyền nhìn vào mắt con gái:

- Hai đứa bây vẫn còn gây nhau à?

- Ðâu có… mẹ.

Bà Huyền hỏi tới:

- Vậy sao nó đến mà không vào nhà?

- Ờ … tại vì khuya và tại nó … sợ con … đục bể mắt kiếng vì tội … tới bây giờ mới nhớ cho con mượn tập.

Bà Huyền thở dài:

- Ăn với nói. Lẽ ra mày phải là con trai mới đúng.

Nghi lắc đầu:

- Làm con gái như con sướng hơn nhiều chứ mẹ.

Bà Huyền chép miệng:

- Ối dào! Chả biết sau này thằng vô phúc nào vớ phải mày.

Ðan Nghi phụng phịu:

- Lúc nào mẹ cũng coi thường con gái mình. Có khối thằng vô phúc thấy hạnh phúc khi phục vụ cho con đó mẹ ạ.

Bà Huyền lắc đầu bước ra. Ðan Nghi vội ôm quyển vở, kê lên gối và lảm nhảm đọc…

Trong vở lại rơi ra một miếng giấy, nhưng mảnh giấy này không có hình vẽ nào cả mà chỉ có một câu Anh ngữ:

“Everything I do, I do it for you”.

Chà! Cái lão bốn mắt khô như ngói ấy cũng bày đặt nghe nhạc nước ngoài nữa sao? Lão ấy ghi lời bài hát của Brian Adams ra làm gì nhỉ? Bộ định kiểm tra vốn liếng sinh ngữ của Nghi à? Hay là định chạy đua với Lãm?

Hơi khó hiểu đấy, nhưng lúc này Ðan Nghi không có thời gian tìm hiểu vấn đề của lão Bill. Cô bắt đầu tụng niệm vì không muốn lãnh thêm gậy, cũng như không muốn cô chủ nhiệm gọi lên hỏi lý do vì sao…

Ngày mai trở đi Nghi phải siêng học hơn vì lão cận đã … bay theo tình bạn bao nhiêu năm tưởng rất bền bỉ của hai đứa rồi. Sẽ chẳng còn ai nhắc nhở, dặn dò Ðan Nghi từng ly từng tí nữa đâu. Cô sẽ được “tự do” theo ý muốn. Nhưng ai dám bảo tự do ấy không phải là trả giá chứ!